Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Chính sách đối với Trung Đông của Mỹ sau hai năm cầm quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma (*)



TCCSĐT - Trung Đông là khu vực có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu của thế giới, do vậy, nơi đây luôn là điểm nóng và là tiêu điểm cạnh tranh của hầu hết các nước lớn. Kể từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ được coi là cường quốc bên ngoài khu vực có vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông. Thực tiễn cho thấy, Trung Đông luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các tính toán lợi ích toàn cầu của Mỹ. Những điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực để có tác động sâu rộng đến cục diện tại đây.
Việc điều chỉnh, thực thi chính sách ngoại giao ở Trung Đông luôn là nhiệm vụ khó khăn của các đời tổng thống Mỹ. Và, điều này càng đặc biệt đúng với đương kim Tổng thống B.Ô-ba-ma. Ông B.Ô-ba-ma từng được mệnh danh là một "Tổng thống cách mạng" khi đưa ra những quan điểm mới trong chính sách đối ngoại với thế giới Hồi giáo và Trung Đông sau khi lên cầm quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách mới về Trung Đông của ông B.Ô-ba-ma vẫn đang đứng trước những trở ngại không dễ vượt qua.
1. Những nét mới trong chính sách đối với Trung Đông
Trước hết, thay đổi cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông. Nếu như cựu Tổng thống G.Bu-sơ thực thi chủ nghĩa đơn phương với cách tiếp cận chủ động phòng ngừa trước, thì đương kim Tổng thống kế thừa chiến lược đối ngoại của các bậc tiền bối và sử dụng "quyền lực thông minh" làm nền tảng cho chiến lược đối ngoại mới của mình(1). Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-rti Clin-tơn (Hillary Clinton) nói: "Chúng ta phải sử dụng cái được gọi là "quyền lực thông minh" một cách đầy đủ trên các mặt ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp và văn hoá"(2).
Trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Cai-rô (Ai Cập), Tổng thống B.Ô-ba-ma đã bày tỏ những nỗ lực để sửa đổi cách thức quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo. Thái độ mà Mỹ lựa chọn trong quan hệ với thế giới Hồi giáo là không áp đặt các giá trị chính trị của mình lên các đồng minh (hay cả với kẻ thù), và, sự "tôn trọng" sẽ được thay thế cho "áp đặt". Tổng thống B.Ô-ba-ma kêu gọi các nhà cầm quyền A-rập một sự thay đổi từ bên trong, tạo sự đồng thuận, không ép buộc; tôn trọng quyền của phụ nữ và quyền của các dân tộc thiểu số. Theo các nhà phân tích, bình luận quốc tế, đây là quan điểm và sự lựa chọn khôn ngoan của Mỹ, quan điểm này được người Ả-rập hoan nghênh.
Thứ hai, cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo. Việc khẳng định lợi ích căn bản của Mỹ ở Trung Đông qua nhiều đời tổng thống Mỹ, về cơ bản, không có sự thay đổi đáng kể. Lợi ích đó là: bảo đảm nguồn cung cấp dầu lửa ổn định; bảo vệ an ninh của I-xra-en; thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Hồi giáo ôn hoà; ngăn ngừa sự thâm nhập của các cường quốc khác và duy trì vai trò siêu cường của Mỹ ở khu vực này. Do vậy, việc cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi giáo, về thực chất, chính là nhằm bảo vệ quyền lợi dầu mỏ của Mỹ ở đây. Về lâu dài, Mỹ rất cần sự ủng hộ và hợp tác của các nước Hồi giáo để thực hiện các mục tiêu chiến lược là bảo vệ an ninh cho I-xra-en, ủng hộ sự hiện diện, cùng vai trò trung gian của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Hơn nữa, quyết định làm bạn với thế giới Hồi giáo của Tổng thống B.Ô-ba-ma không chỉ nhằm mục đích giúp Mỹ đối phó với những khó khăn cố hữu của Mỹ ở Trung Đông mà còn phục vụ cho việc giải quyết những khó khăn trước mắt do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra, tránh cho Mỹ những khoản chi phí khổng lồ khi giải quyết các vấn đề của khu vực. Cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo, vì thế, sẽ phục vụ những lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực Trung Đông, cũng như cho việc triển khai chiến lược toàn cầu.
Thứ ba, lập trường của Mỹ trong giải quyết xung đột Pa-le-xtin - I-xra-en có sự thay đổi. Có thể thấy trọng tâm chính sách Trung Đông của Tổng thống B.Ô-ba-ma là cải thiện tình hình trên thực địa như: cắt giảm nếu như không thể chặn đứng tình trạng xây dựng các khu định cư của I-xra-en; viện trợ giúp phát triển khu Bờ Tây; cải tổ các lực lượng an ninh của Pa-le-xtin và cải thiện quan hệ giữa I-xra-en và các nước A-rập(3).
Dựa trên những tuyên bố của Tổng thống B.Ô-ba-ma và các quan chức dưới quyền, giới phân tích cho rằng: Mỹ coi việc giải quyết cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là nằm trong lợi ích của Mỹ, nên chính quyền B.Ô-ba-ma dành những nỗ lực ngoại giao, kinh tế và thậm chí cả vốn liếng chính trị của mình để đạt được giải pháp hai nhà nước toàn diện ở Trung Đông.
2. Mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra định hướng
Theo dư luận quốc tế, trong hai năm đầu cầm quyền, đặc biệt là năm 2010, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã ghi được những "điểm vàng" trong chính sách đối ngoại với Trung Đông như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại I-rắc; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông…; răn đe I-ran, tăng cường chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Theo cuộc thăm dò dư luận từ 28 quốc gia trên thế giới do BBC World Service tiến hành từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2010, có 19 nước đánh giá Mỹ tích cực, 6 nước đánh giá Mỹ tiêu cực và 2 nước còn lại vẫn đang chia rẽ. So với năm 2009, quan điểm tích cực về Mỹ đã tăng 21% ở Đức; 18% ở Nga; 14% ở Bồ Đào Nha và 13% Chi-lê. Những đánh giá tiêu cực về Mỹ đã giảm 23% ở Tây Ban Nha, 14% ở Pháp và 10% ở Anh(4).
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những đánh giá khác rằng: hòa bình Trung Đông và mối quan hệ với thế giới Hồi giáo trong chính sách Trung Đông của Tổng thống B.Ô-ba-ma mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra định hướng, kế hoạch, chứ chưa đạt được kết quả cụ thể nào(5).
Thật vậy, kể từ khi ông Ô-ba-ma đọc bài diễn văn tại thủ đô Cai-rô, tổ chức khủng bố quốc tế An Kê-đa vẫn tiếp tục tấn công và đe doạ các nước phương Tây. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B. Ô-ba-ma trong số những người A-rập và tại các nước Hồi giáo vẫn rất thấp. Thêm vào đó, bạo loạn và khủng hoảng chính trị tại một số nước Bắc Phi và Trung Đông đang diễn ra chưa có hồi kết với sự sụp đổ của chính phủ Ai Cập, đứng đầu là Tổng thống H.Mu-ba-rắc - quốc gia đóng vai trò trung gian giữa I-xra-en và Pa-le-xtin trong tiến trình hòa bình Trung Đông, một trong những đồng minh tin cậy của Mỹ và các nước phương Tây, làm cho "Con tàu hòa bình Trung Đông" không thể tiến lên phía trước và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cũ và mới.
Như vậy, mặc dù có những thay đổi "mang tính cách mạng" trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông, nhưng sau hơn 2 năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống B.Ô-ba-ma, kết quả đạt được chưa là bao. Theo các nhà phân tích, tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân đem lại.
Thứ nhất, khó khăn đến từ phía I-xra-en. Nỗ lực khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông của Tổng thống B.Ô-ba-ma diễn ra trong bối cảnh ở I-xra-en, Thủ tướng Ét-hút Ôn-mớt (Ehud Olmert) - người luôn cam kết với một nhà nước Pa-le-xtin được thay thế bằng ông Be-ni-a-min Ne-ta-ny-a-hu - người thậm chí không muốn nhắc tới từ "nhà nước Pa-le-xtin". Liên minh cầm quyền của ông Nê-ta-ny-a-hu gồm các đảng cánh hữu, bài ngoại và tôn giáo làm cho tình hình càng xấu thêm.
Trong bài diễn văn đọc tại Oa-sinh-tơn tháng 9-2010, Thủ tướng Ne-ta-ny-a-hu nhất quyết giữ vững lập trường: "3000 năm trước đây dân tộc I-xra-en đã xây dựng Giê-ru-xa-lem, ngày nay dân tộc I-xra-en vẫn đang tiếp tục xây dựng Giê-ru-xa-lem. Giê-ru-xa-lem không chỉ là vùng đất của người dân I-xra-en định cư, mà còn là thủ đô của chúng tôi"(6). Còn Bộ trưởng Quốc phòng – Et-hut Ba-rắc (Ehud Barak) khẳng định: "Với người dân I-xra-en chúng tôi, an ninh quốc gia là chuyện cực kỳ quan trọng và chúng tôi không bao giờ thoả hiệp hay thương lượng về an ninh quốc gia"(7).
Cuộc đàm phán ngoại giao giữa Mỹ và I-xra-en ngày 2-9-2010 đã kết thúc mà không đem lại một kết quả khả quan nào, mọi nỗ lực của chính quyền B.Ô-ba-ma đều bị ông Ne-ta-ny-a-hu khước từ. Hơn thế, ngày 8-11-2010, Quốc hội I-xra-en đã thông qua kế hoạch xây dựng 1.300 chỗ ở mới tại khu vực có đa số người A-rập sinh sống ở Giê-ru-xa-lem(8). Điều này càng làm cho mâu thuẫn giữa người dân Pa-le-xtin với I-xra-en tăng cao.
Thứ hai, khó khăn đến từ phía Pa-le-xtin. Nỗ lực hoà giải giữa hai phái Pa-le-xtin Pha-ta và Ha-mat do Ai Cập làm trung gian đã không đem lại kết quả như mong muốn. Cái giá của sự chia rẽ này là cuộc xung đột giữa I-xra-en và Ha-mat ở Ga-da cuối năm 2008, đầu năm 2009. Cuộc xung đột này cho thấy Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát không thể thảo luận hoà bình với I-xra-en khi mà I-xra-en đang có chiến tranh với người Pa-le-xtin và Pa-le-xtin cũng không thể có hoà bình với I-xra-en khi mà chính người Pa-le-xtin đang xung đột với nhau. Lực lượng Ha-mát có thể phá vỡ bất cứ nỗ lực hoà bình nào và bác bỏ bất cứ nhượng bộ nào của Pa-le-xtin.
Thứ ba, giải pháp "hai nhà nước" cho vấn đề Trung Đông còn nhiều điều khó đi đến thoả thuận thống nhất giữa hai bên. Giải pháp "hai nhà nước" (nhằm thành lập một nhà nước Pa-le-xtin độc lập tồn tại hoà bình bên cạnh I-xra-en) tập trung quanh việc đổi bao nhiêu đất, phân chia và xác định chủ quyền ở Giê-ru-xa-lem; xác định các vấn đề liên quan tới nhà nước Pa-le-xtin và giải quyết về mặt kỹ thuật vấn đề người tị nạn Pa-le-xtin. Cách giải quyết những vấn đề này chưa bao giờ được cả Pa-le-xtin và I-xra-en hài lòng. Những vấn đề đó chưa biết sẽ được đưa vào giải pháp "hai nhà nước" như thế nào. Do vậy, ít có lý do để tin rằng trong một thời gian ngắn (trong vòng 1 năm) một thoả thuận mới xác thực hơn và dễ chấp nhận hơn được đưa ra.
Thứ tư, liên minh chiến lược Mỹ - I-xra-en đã cản trở ông Ô-ba-ma can thiệp hiệu quả để chấm dứt nỗi đau khổ của người Pa-le-xtin. An ninh của I-xra-en luôn là lợi ích căn bản đối với Mỹ trong chính sách đối nội và chiến lược toàn cầu. Do đó, những nỗ lực của Tổng thống B.Ô-ba-ma nhằm gây áp lực với Thủ tướng I-xra-en cũng có giới hạn. Ông Ha-san Na-pha, giáo sư giảng dạy môn khoa học chính trị tại đại học Cai-rô (Ai Cập) nói: "Chúng tôi biết rằng từ lâu ông Ô-ba-ma đã không muốn gây sức ép lên các nhà nước tại Trung Đông là đồng minh của Mỹ bởi ông ấy hoàn toàn ý thức được những lợi ích kinh tế và chính trị tại nước này, đồng thời biết rằng gây sức ép lên họ sẽ chẳng làm được gì, bởi cựu Tổng thống G-Bu-sơ đã làm như vậy song không có sự thay đổi nào".
Với những thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử hạ viện giữa nhiệm kỳ vừa qua, giới bình luận quốc tế cho rằng, Tổng thống B.Ô-ba-ma khó có thể giành nhiều thời gian hơn cho tiến trình hoà bình Trung Đông, bởi lẽ thời gian tại vị trong nhiệm kỳ này của ông đã qua hơn một nửa, tiến trình hòa bình ở Trung Đông khó đem lại kết quả trong một tương lai gần và ông sẽ còn nhiều khả năng phải đối mặt với sự chỉ trích của phái nghị sĩ Cộng hoà cũng như của cử tri Mỹ trong chiến dịch tranh cử 2012 rằng: mải theo đuổi hoà bình Trung Đông mà bỏ quên những cuộc khủng hoảng trong nước.
Tóm lại, chính sách Trung Đông của Tổng thống B.Ô-ba-ma kể từ khi ông nhậm chức đến nay được đánh giá là ôn hoà và có những thành công vừa phải. Ông đã không giành được thắng lợi nào đáng kể nhưng cũng chưa phải trải qua một tai họa thực tế nào, và trong nửa cuối nhiệm kỳ của mình, ông B.Ô-ba-ma còn phải đối mặt với nhiều khó khăn không dễ vượt qua. Hành trình tìm kiếm hoà bình cho mảnh đất Trung Đông ngày càng khó khăn hơn. Nguyên nhân không chỉ bởi quan điểm quá khác biệt giữa hai bên mà dư luận quốc tế vẫn luôn lên án sự không công bằng của nhà bảo trợ Mỹ: Oa-sinh-tơn không sẵn sàng gây áp lực đủ để buộc I-xra-en phải nhượng bộ. Viễn cảnh quốc gia Pa-le-xtin được thành lập ngay bên cạnh I-xra-en xem ra vẫn còn rất mong manh./.
---------------------------------------------------------
(1) Dẫn theo: "Chính sách của Mỹ đối với Trung Đông". Website Đảng Cộng sản ngày 22-5-2009.
(2)Sđd.
(3) Sđd.
(4) Dẫn theo: "Nước Mỹ sau 2 năm cầm quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma" Việt Báo.vn: thứ ba ngày 28-12-2010.
(5) Sđd.
(6) Dẫn theo: "Israel phá vỡ mọi tiến trình hoà bình ở Trung Đông", Minh Phương - Doanh nhân Việt Nam. toàn cầu. vn. ngày 10-11-2010.
(7) Như trên, Sđd.
(8) Dẫn theo: Thái Hà: "Người dân Ai Cập: Những lời hứa của Tổng thống Mỹ b.Ô-ba-ma đã không diễn ra", Tuyên giáo.vn. ngày 11-11-2010.
(*)Thái Văn Long
PGS.TS . Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh