Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

VỀ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN MỚI (*)



Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân nổ ra và phát triển hầu hết ở các châu lục trên thế giới (Á, Phi, Mỹ Latinh…), thắng lợi của nó đã làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân củ sụp đổ từng mảng lớn. Cho đến những năm 60 của thế kỉ XX, chủ nghĩa thực dân cũ về cơ bản đã bị thanh toán nhưng chủ nghĩa thực dân vẫn chưa chết. Các nước Âu-Mỹ không dễ gì từ bỏ lòng tham của mình ở những vùng đất béo bở để làm giàu cho chính quốc.
Trước những biến đổi của tình hình thế giới cũng như sự kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đến cùng của nhân dân khắp nơi trên thế giới[1] , một mặt đã buộc chủ nghĩa thực dân phải từng bước trao trả độc lập cho các dân tộc bị nô dịch, mặc khác nó cũng tìm cách điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới, với những chính sách, hình thức thống trị mới thay cho hình thức cũ trước đây để thắt chặt vòng vây đối với các nước thuộc địa, phụ thuộc. Đó là chủ nghĩa thực dân mới (hay còn gọi là chủ nghĩa thực dân trá hình, chủ nghĩa thực dân linh hoạt).
Thực ra, mầm móng chủ nghĩa thực dân mới đã xuất hiện từ cuối thế kỉ XIX đầu XX với sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân Mỹ. Trong thời kì này, vấn đề phân chia thuộc địa giữa các cường quốc đế quốc đã kết thúc. Phần lớn các thuộc địa đã rơi vào tay các nước “đế quốc già” (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…), các các nước “đế quốc trẻ” (Mỹ, Nhật, Đức…) đã bị thua thiệt vì đã bước vào “bàn tiệc” muộn. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa trở nên hết sức gay gắt, dẫn đến việc dùng vũ lực để gây chiến tranh phân chia lại thuộc địa như Đức, Nhật. Riêng Mỹ lại nghiên về dùng hình thức thực dân linh hoạt hơn, dùng sức mạnh về kinh tế và tài chính để ràng buộc những nước vừa mới giành được độc lập về chính trị. Mỹ là đế quốc đi tiên phong trong việc nô dịch các nước ở khu vực Mỹ Latinh bằng hình thức mới  sau khi các nước này thoát khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Và khu vực này hiển nhiên trở thành “sân sau” của Mỹ.
Có thể nói rằng, chủ nghĩa thực dân mới ra đời không phải là biểu hiện sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc mà là biểu hiện thế yếu, thế thua của chúng trước phong trào giải phóng dân tộc nổi lên vữ vũ bão. Đồng thời cũng nói lên tính linh hoạt của chủ nghĩa thực dân trước những biến đổi của tình hình thế giới. Sự ra đời của chủ nghĩa thực dân mới không chỉ là phản ứng của chủ nghĩa đế quốc-thực dân trước những đòn đả kích của phong trào giải phóng dân tộc ngày càng mạnh mẽ, mà còn là sự tranh chấp với chủ nghĩa xã hội ở khu vực trung gian (các nước mới giải phóng), nhằm ngăn chặng ảnh hưởng của CNXH ngày càng lang rộng ra khắp thế giới vào những năm 60-70 của thế kỉ XX.
Về bản chất, so với chủ nghĩa thự dân cũ thì chủ nghĩa thực dân mới không có gì khác nhau. Cả hai đêì nhằm mục đích duy trì ách áp bức, bóc lột các nước chậm phát triển. Tuy nhiên về mục tiêu mang tính chiến lược và hình thức biểu hiện của chủ nghĩa thực dân mới có những điểm dị biệt.
Về mục tiêu chiến lược, chủ nghĩa thực dân mới đưa ra hai điểm chủ yếu:
+ Duy trì sự bóc lột ở các nước thuộc địa, thụ thuộc, chậm phát triển (về tài nguyên thiên nhiên, nhân công rẻ mạt), biến các nước này thành nơi đầu tư và tiêu thụ hàng hóa cho các công ty tư bản và logich tiếp theo là các nước này hòa nhập vào hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa.
+ Ngăn chặn các nước mới giải phóng tiến vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.
Hai mục tiêu chiến lược này thể hiện hai mặt chính trị và kinh tế của chủ nghĩa đế quốc và có liên quan mật thiết với nhau, đạt được mục tiêu này tất yếu phải đạt được mục tiêu còn lại. Trong đó, thực hiện mục tiêu kinh tế là mục tiêu cấp bách, sống còn của chủ nghĩa đế quốc. Bởi vì, các nước thuộc địa, phụ thuộc hay các nước mới giải phóng là nơi  các nước tư bản trút gánh nặng của những cuộc khủng hoảng hay suy thoái kinh tế ở chính quốc, vừa là nơi cung cấp nguồn lực cho các nước tư bản phát triển. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện trong cuốn “Bàn về thế giới thứ ba” thì có tới 90% nguyên liệu Nhật Bản sử dụng từ các nước đang phát triển cung cấp hay trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh thật sự”, Tổng thống Mỹ R.Nixon cũng phải thừa nhận “”Ngay cả Hoa Kì là nước có tài nguyên phong phú cũng tùy thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nhiều thứ quặng không thể thiếu đối với một nền kinh tế hiện đại”.
So với thời kì chủ nghĩa thực dân cũ còn tồn tại, sự bóc lột kinh tế ở các nước thuộc địa và các nước đang phát triển của chủ nghĩa thực dân mới có hiệu quả hơn, tinh vi và xảo quyệt hơn.
Mục tiêu chiến lược ngăn chặn các nước mới giải phóng tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội, đối với chủ nghĩa đế quốc là mục tiêu rất quan trọng, ở nhiều thời điểm có ý nghĩa quyết định thì mục tiêu này được đặt lên hàng đầu, mục tiêu kinh tế tạm xếp xuống hàng thứ yếu. Trước mắt, chủ nghĩa đế quốc đổ nhiều tiền của, vũ khí vào các nước này quyết giữ cho được nước đó trong quỹ đạo của chúng, ngăn chặn “nguy cơ cộng sản” xâm nhập vào đây.[2]
Về hình thức biểu hiện, chủ nghĩa thực dân cũ đem quân xâm chiếm, xóa bỏ nền độc lập của các nước thuộc địa, đặt bộ máy cai trị trức tiếp với những phó vương hay toàn quyền và một hội đồng giúp việc trực tiếp cùng hệ thống các quan lại cấp dưới và với đội quân viễn chinh khổng lồ được trang bị đầy đủ. Chúng dùng giai cấp phong kiến thống trị cũ làm tay sai, bù nhìn để đàn áp, bóc lột nhân dân. Chính sách như vậy tỏ ra rất thô thiển và tàn bạo…Do đó, chủ nghĩa thực dân mới lại chuyển từ sự chiếm đóng, cai trị trực tiếp sang sử dụng những biện pháp tinh vi, xảo quyệt hơn nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc thế giới như xây dựng bộ máy tay sai người bản xứ, thông qua nó để thống trị nhân dân. Bộ máy tay sai của chúng (ngụy quân, ngụy quyền) đều đặt dưới sự điều khển của đội ngũ cố vấn có đầy kinh nghiệm thống trị. Chúng còn dùng “viện trợ” kinh tế, quân sự để các thuộc địa kiểu mới này hoàn toàn phụ thuộc vào chúng với danh nghĩa “độc lập”. Mặc dù dùng đội ngũ tay sai để thống trị nhân dân, đứng đằng sau giật giây, điều khiển đội ngũ này để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của mình, nhưng chủ nghĩa thực dân mới không phải vì thế mà dấu được bộ mặt tàn ác của nó như việc sử dụng những hình thức chiến lược chiến tranh (chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ) ở Việt Nam là một ví dụ điển hình, thể hiện cho sự tàn ác của nó hơn cả chủ nghĩa thực dân cũ.
Chủ nghĩa thực dân mới nói chung sử dụng nhiều phương tiện, công cụ để thâm nhập vào các nước (Á, Phi, Mỹ Latinh) như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…việc sử dụng những loại công cụ khác nhau cũng làm cho chủ nghĩa thực dân cũ và mới cũng có những điểm khác nhau. Nếu như chủ nghĩa thực dân cũ, công cụ chính trị và quân sự giữ vai trò chủ đạo thì chủ nghĩa thực dân mới thì vai trò đó thuộc về công cụ kinh tế, tài chính và kĩ thuật. Chủ nghĩa thực dân cũ thường dùng công cụ chính trị làm chỗ dựa để bóc lột kinh tế thì chủ nghĩa thực dân mới lại dùng công cụ kinh tế để bóc lột kinh tế và giữ nước đó phụ thuộc vào chính trị. Sự viện trở kinh tế, tài chính hay kĩ thuật cho các nước Á, Phi, Mỹ Latinh xuất phát trước hết từ lợi ích của các nước viện trợ, ràng buộc các nước nhận viện trợ vào phạm vi ảnh hưởng kinh tế và chính trị của các nước cung cấp viện trợ. Nói như vậy không có nghĩa rằng phủ nhận tất cả ý nghĩa tích cực của viện trợ, nếu như viện trợ đó không kèm theo điều kiện ràng buộc về chính trị hay kinh tế không bình đẳng.
(*) Võ Minh Tập, Lớp sau đại học, ĐHSP TP.Hồ Chí Minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.       ĐỖ Thanh Bình (chủ biên, 1999), Con đường cứu nước đấu tranh giải phong dân tộc ở một số nước châu Á, Nxb ĐHQG Hà Nội.
2.       D.G.E.Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á (sách tham khảo), Nxb CTQG Hà Nội.
3.       Nguyễn Khắc Viện (1985), Bàn về “thế giới thứ ba”, Nxb Thông tin lý luận Hà Nội.


[1]  Đặc biệt trong làng sóng đấu tranh của các nước XHCN trên diễn đàn quốc tế, cũng như việc Liên Hợp quốc thông qua hai bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn về việc thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân và trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa (1960); Tuyên ngôn về việc thủ tiêu tất cả các hình thức chế độ phân biệt chủng tộc (1963).
[2] Trường hợp ở Miền Nam Việt Nam, sau đó là cả Đồn Dương là một ví dụ. Thất bại của Mỹ năm 1975 ở Đông Dương là thất bại có tính chiến lược thứ hai, tuy nhiên không vì thế mà Mỹ từ bỏ mục tiêu ngăn chặn làng sóng xâm nhập của “chủ nghĩa cộng sản”.