Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Giáo dục văn hóa và giảng dạy kiến thức - Phạm Anh Tuấn


image Trong những năm đầu thế kỷ 20 nước Mỹ bắt đầu một quá trình công nghiệp hóa dữ dội. Tâm lý chung của giai đoạn này là trước hết nước Mỹ cần phải hoàn thành cuộc chinh phục “vật chất” đã, còn công cuộc theo đuổi những mục đích “văn hóa” thì tính sau. Một thứ chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất đang lên ngôi. Nhà trường cũng không thoát khỏi cái không khí kiến thiết sôi sục này. Giáo dục được coi là có mục đích đơn thuần cung cấp nguồn nhân lực cho nền công nghiệp, cung cấp những cử tri cho một xã hội non trẻ được định nghĩa là xã hội dân chủ.
Nền sản xuất công nghiệp, kết quả của sự phát triển của khoa học, tạo ra những sức mạnh tồn tại khách quan ở bên ngoài con người. Khoa học thay thế năng lượng cơ bắp của con người bằng sức mạnh vô tri vô giác của cỗ máy và cỗ máy đến lượt nó lại gây ra những ảnh hưởng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Những ảnh hưởng này gián tiếp hình thành nên những khuynh hướng hành động khác nhau.


Trong lĩnh vực giáo dục có hai khuynh hướng đã hình thành. Khuynh hướng thực dụng đề cao dạy kiến thức liên quan đến các nghề nghiệp của nền sản xuất. Khuynh hướng “duy văn hóa” đề cao giáo dục tinh hoa văn hóa của quá khứ. “Kiến thức” được hiểu như là kiến thức thực hành, kỹ năng, kỹ xảo đáp ứng những đòi hỏi của các nghề nghiệp trong xã hội hiện đại. “Văn hóa” được hiểu như là những gì được coi là lý tưởng, là những tiêu chuẩn truyền thống đã được phát biểu và suy tưởng trong quá khứ. Nhà trường trở thành nơi diễn ra sự xung đột giữa hai khuynh hướng nói trên. Hệ quả của sự xung đột này là một thái độ hoang mang và bất kiên định. Khẩu hiệu “Tiên học Lễ hậu học Văn” thực chất là một biểu hiện của thái độ hoang mang này. Nhà trường đầu hàng những sức mạnh không thể cưỡng nổi của cuộc sống thực đổi thay từng ngày. Cuộc sống trong một nền sản xuất công nghiệp hóa đòi hỏi và đặt ra những điều rất thực. Đi đứng, ăn nói, suy nghĩ thảy đều rất khác. Những quan niệm, những nguyên lý của văn hóa cũ đã trở nên không còn thích hợp nữa. Văn hóa cũ trở thành một thứ sĩ diện hão. Nhìn thấy cái đang diễn ra (mà không chống lại nổi, không hiểu nổi) thì coi đó là thứ “tầm thường”, “phổ thông”.
Năm 1929, Hiệp hội Giáo dục Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị với chủ đề Giáo dục Văn hóa. Mục đích của hội thảo này là để nền giáo dục Mỹ tìm lại sự cân bằng giữa giáo dục văn hóa và giáo dục thực dụng. Những người chủ trương giáo dục văn hóa nay đã già nua, trở nên cô đơn giữa một xã hội trẻ trung đang công nghiệp hóa, song họ lại tự cho mình là số ít ỏi giỏi giang còn sót lại của những ngày đã qua, họ cảm thấy mát mát ruột mát gan về cuộc hội thảo này và tranh thủ lên án nền giáo dục đang tự đầu hàng những yêu cầu trước mắt của nền sản xuất. Họ trịnh thượng cho rằng cuộc hội thảo này là dấu hiệu của sự hối hận muộn màng!
John Dewey (1859-1952), nhà giáo dục lỗi lạc người Mỹ, cha đẻ của trào lưu Tân Giáo dục, đã lên tiếng phát biểu quan điểm của mình bằng tiểu luận có đầu đề Characters and Events (Nhân cách và sự kiện). Cũng như vào năm 1928 ông đã viết cuốn sách mỏng Experience and Education (Kinh nghiệm và giáo dục) nhằm nói lại cho rõ quan điểm “lấy trẻ em làm trung tâm” của ông để tránh sự ngộ nhận phổ biến lúc ấy cho rằng đưa “Trò lên vị trí cao nhất tức đương nhiên phủ nhận Thầy”, thì năm 1929 với tiểu luận trên ông đã giải thích quan điểm của ông về văn hóathực dụng.
John Dewey viết: “Sự hoang mang và bất kiên định có nguyên nhân từ sự tương phản giữa lý tưởng hữu thứckhuynh hướng hành động. Tình trạng câu thúc tinh thần này là kẻ thù đích thực của văn hóa. Văn hóa sẽ bắt đầu bằng việc chấm dứt những lời ca tụng luyến tiếc một nền văn hóa đã qua, những lời ca tụng đó chỉ vọng xa vài mét [tức chỉ giới hạn trong bốn bức tường của trường học] trước khi bị nhấn chìm trong sự huyên náo của cuộc sống thực ngày hôm nay” (Characters and Events).
Theo John Dewey, để đào tạo những con người duy trì văn hóa kinh điển, văn hóa đỉnh cao của quá khứ đang chao đảo trước sức tấn công dữ dội của chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa thực dụng thì chỉ đòi hỏi một nền giáo dục được chăng hay chớ, chỉ cần đến những con người được gọi là “có văn hóa”, có học vấn, họ sống một cuộc sống nhàn tản, tao nhã, người này thì có khả năng viết lách, người nọ có khả năng ăn nói lưu loát. Thứ văn hóa “cũ” ấy trở thành kẻ chạy trốn cuộc sống thực. Đôi khi nó biến tướng thành một thứ thú hưởng thụ tao nhã hồi cổ (trào lưu khôi phục món ăn, quần áo, kiến trúc dân tộc cổ truyền, xây “biệt phủ” v.v. ở Việt Nam hiện nay là một ví dụ). Nó rút lui vào cái tinh hoa, vào cái “đỉnh cao” của quá khứ mà không biết một điều rằng những điều kiện để tạo ra cái tinh hoa quá khứ ấy giờ đây đã vĩnh viễn không còn nữa, ấy là sự tồn tại của một xã hội có giai cấp, một giai cấp nhàn hạ “chỉ giỏi nói mà không giỏi làm” và một giai cấp cần lao “chỉ giỏi làm mà không giỏi nói”. Sự phân lìa “nói” với “làm”, “lý thuyết” với “thực hành”, “văn hóa” với “kỹ thuật”, LỄ với VĂN v.v. đã tồn tại từ xa xưa. Aritstotle coi nhạc sĩ là người tự do nhưng nhạc công thì không (“người tự do” đối lập với “nô lệ”, hiểu theo nghĩa ngày nay tức là người thuộc giới tinh hoa) bởi nhạc công chủ yếu sử dụng đôi tay, tức dính dáng quá nhiều đến “thực hành”!
Cũng theo John Dewey, một nền văn hóa được giải phóng khỏi những ảo tưởng sẽ bắt đầu bằng sự nhận thức rằng văn hóa là cái phải đạt tới, là cái phải được tạo ra. Nhà trường thực dụng đã nhận ra sức mạnh của nền sản xuất công nghiệp. Nhưng đó mới chỉ là một nửa (có thể coi sự thụ động, sự bất lực trước game online hiện nay, chẳng hạn, là một ví dụ dù nhỏ về điều này). Nửa kia là phải biến những sức mạnh đó thành hình thái tư duy và tình cảm mới mẻ. Và những hình thái tư duy và tình cảm mới mẻ ấy không gì khác chính là văn hóa mới.
Phải làm ra một nền văn hóa mới xét như là hình thái tư duy và tình cảm mới mẻ còn nằm ở chỗ “Chúng ta không thể xin xỏ hay vay mượn một nền văn hóa mà không phản bội lại chính nền văn hóa đó lẫn phản bội bản thân chúng ta” (Characters and Events).
Phải làm ra văn hóa mới có nghĩa là phải hình thành những thói quen văn hóa cho trẻ em ngay từ khi còn bé. Và bởi vì nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục toàn dân, cho nên nhà trường là nơi thích hợp nhất, xứng đáng nhất để làm ra văn hóa mới. John Dewey gọi công việc của nhà trường là “sự nghiệp của những người anh hùng” (Characters and Events).
Và bởi vì một xã hội dân chủ được định nghĩa là xã hội đã dỡ bỏ những rào cản ngăn cách các tầng lớp xã hội, nên “lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại văn hóa sẽ là thành tựu do cá nhân làm ra chứ không phải là tài sản của một tầng lớp tinh hoa nào đó.” (Characters and Events).
Bởi chưng hiện nay rất nhiều nỗ lực của xã hội nhằm nâng cao “văn hóa” trên thực tế chỉ là những sinh hoạt tao nhã của giới tinh hoa. Nói thẳng ra đó là sinh hoạt mang tính chất “thượng lưu”, sinh hoạt của những người được coi là đã có “phông” văn hóa. Cái thực sự kéo dân trí lên cao là trường học chứ không phải văn hóa đỉnh cao. Đưa ra cái đỉnh cao – cái sản phẩm hoàn thiện đẹp đẽ cuối cùng được đóng gói sẵn – rồi hô to “Nâng cao dân trí đi!” khác nào niệm thần chú rồi úm ba la! Ý định thì tốt nhưng không biết cách làm. Chẳng hạn, trẻ em học âm nhạc ở trường là học cái năng lực tưởng tượng, liên tưởng v.v. bằng vật liệu âm thanh – cái TRỪU TƯỢNG. Lớn lên ai muốn nghe nhạc gì thì là tùy ở mỗi người – cái CỤ THỂ (xin mời tham khảo cách dạy của Nhóm cải cách giáo dục có tên CÁNH BUỒM được giới thiệu trên VietnamNet ngày 20/7/2010 và 7/8/2010). Đâu phải cứ nghe những aria của Verdi, Puccini hay Bizet thì mới là văn hóa đỉnh cao, còn nghe cải lương Nam Bộ thì “phổ thông” quá? Chưa kể quan niệm này còn xuất phát từ một thái độ “dĩ Âu vi trung”!
Không nên đối lập giáo dục “văn hóa” với giảng dạy “kiến thức”, “văn hóa” với “thực dụng”. Không nên ra sức chứng minh cái nào quan trọng hơn cái nào, kiểu như tốn công chứng minh con gà có trước hay quả trứng có trước. Hãy thử suy nghĩ vấn đề bằng một góc nhìn được John Dewey gợi ý cách đây gần một trăm năm!
Để kết luận xin đọc những dòng cuối trong tiểu luận nói trên của John Dewey:
Làm cho thế hệ đến sau nhận ra ý nghĩa tiềm tàng của đời sống ngay ngày hôm nay, giúp họ nhận thức được dữ kiện khách quan ấy một cách thông minh, chính là bước đầu tiên để tạo ra một nền văn hóa… Nhân danh văn hóa để kéo dài mãi mãi cái truyền thống tách rời văn hóa với khoa học thực dụng và nền sản xuất có sức ảnh hưởng to lớn tức là để cho khoa học và nền công nghiệp có toàn quyền diễn ra dưới hình thái vô văn hóa nhất”.
P. A. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN