Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

TRỐNG ĐỒNG CỔ LOA, DI CHỈ ĐÌNH TRÀNG VÀ VĂN MINH SÔNG HỒNG- GS Hà Văn Tấn


Phát hiện trống đồng cùng với một số di vật văn hóa Đông Sơn ở Cổ Loa có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu nền văn minh Sông Hồng. Ở đây tôi chỉ xin trình bày một vài suy nghĩ đầu tiên.
Trước hết, hãy nói về trống đồng Cổ Loa, niềm tự hào của chúng ta.
Hiện nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam vẫn chấp nhận cách phân loại trống đồng của nhà học giả Áo F.Heger, trong đó, trống loại I được coi là sớm nhất. Nhiều người trong chúng ta đang tiến hành việc phân nhóm trống loại I Heger ở Việt Nam và Đông Nam Á. Giữa những người này, cách phân nhóm không hoàn toàn giống nhau. Nhưng hầu như tất cả đều thừa nhận rằng 3 chiếc trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ và sông Đà là thuộc nhóm trống sớm nhất ở Việt Nam được biết hiện nay. Gần gũi với 3 chiếc trống đồng trên còn có chiếc trống hiện giữ ở Bảo tàng Viên, thủ đô nước Áo. Một số người gọi trống này là trống Khai Hóa. Trong khi đó Heger gọi trống này là trống Bắc Kỳ Gilet I, theo tên của người sưu tập Pháp ở Hà Nội. Do xuất xứ mơ hồ như vậy, để tiện lợi, ta cứ gọi trống này là trống Viên, mặc dầu đó là một trống Đông Sơn không nghi ngờ gì nữa.
Giờ đây, chúng ta có thêm trống Cổ Loa, có thể xếp vào nhóm với 4 trống nói trên mà chắc là ít người phản đối. Ngoài nhiều điểm giống nhau, một đặc trưng nổi bật là trên mặt tất cả 5 trống này đều có vành trang trí khắc họa các hoạt động của con người mà nhiều người thường gọi là vành thứ 6. Thực ra thì vành trang trí hình người còn thấy trên mặt trống Bản Thôm và trống Quảng Xương ở Việt Nam và trống trên đảo Ko Samui ở Thái Lan. Nhưng ở trống Bản Thôm chỉ còn có tám người cầm giáo bên cạnh hai nhà “cầu mùa”, ở trống Quảng Xương thì bên cạnh hai nhà sàn thì số người còn đông đúc hơn nhưng đã thuộc một phong cách cách điệu khác hẳn 5 trống nói trên. Trên trống Ko Samui, hình người cũng cách điệu như ở trống Quảng Xương nhưng hai chiếc nhà sàn thì không còn nữa. Có thể thấy, 3 trống này đều thuộc các kiểu muộn hơn nhóm 5 trống nói trên ở những khoảng thời gian khác nhau.
Nhưng một khi đã xếp trống Cổ Loa vào nhóm Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Viên thì một câu hỏi sẽ được đặt ra là vị trí niên đại của trống Cổ Loa như thế nào giữa 4 trống đã biết, sớm hay muộn hơn các trống đó?. Trả lời câu hỏi này không dễ, nhưng tôi nghĩ rằng việc phân tích so sánh vành trang trí thứ 6 trên mặt 5 chiếc trống trên sẽ cho chúng ta những gợi ý nào đó. Ở đây, chúng ta thử làm công việc đó.
Có thể khảo sát vành thứ 6 ở các trống trên qua các cụm hình tượng sau:
1. Nhà sàn: Hình nhà sàn được biểu hiện theo cách là có thể thấy được bên trong, phần bên trên nhà sàn cũng như phần bên dưới.
2. Dàn trống: Sát cạnh nhà sàn có một cái sàn, bên trên có những người đứng hay ngồi cầm gậy, bên dưới là những chiếc trống đồng. Nhiều người coi đó là cảnh đánh trống. Ở đây tôi cũng theo một số người, gọi bộ phận này là dàn trống.
3. Nhà cầu mùa: Những ngôi nhà nhỏ, có người bên trong hoặc không, được một số người gọi là nhà cầu mùa. Ở đây tôi cũng tạm dùng tên gọi đó.
4. Nhóm người giã gạo: Bên cạnh cặp người giã gạo, có khi còn có một người đứng, mà có người cho là đang sàng sảy. Khi nói đến những người giã gạo, chúng ta cũng sẽ chú ý đến những người đứng cạnh này.
5. Nhóm người múa: Ta gọi là nhóm người múa tất cả những người đứng cạnh nhau, thường cùng quay về một phía, tay không hay cầm vũ khí, hoặc đang chơi nhạc như đánh chuông thổi khèn.
Ở vành thứ 6 của mặt trống Cổ Loa có đủ tất cả các cụm hình tượng trên nên có thể dễ dàng so sánh với các trống khác theo trật tự đã nêu.
Trước hết ta xem xét những ngôi nhà sàn. Ở trống Cổ Loa có 2 nhà sàn gần đối xứng nhau qua tâm mặt trống như ở các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà và Viên. Về tính đối xứng của hai ngôi nhà sàn thì ở trống Sông Đà có phần kém hơn. Cũng nên nói thêm là ở trống Sông Đà, tính đối xứng qua tâm của các hình tượng khác cũng đã bị phá vỡ. Còn ở trống Cổ Loa thì trong tất cả các cụm hình tượng nêu trên, tính đối xứng được tuân thủ nghiêm túc. Về mặt này, Cổ Loa gần với Hoàng Hạ. Trên nhà sàn của trống Cổ Loa có một con chim. Đó là đặc điểm chung cho cả 5 trống, trừ một ngoại lệ là trên một trong hai nhà sàn ở trống Ngọc Lũ có hai con chim. Chim trên nhà sàn trống Ngọc Lũ gần giống với chim trên nhà sàn Hoàng Hạ. Chim trên nhà sàn trống Sông Đà gần giống chim trên nhà sàn trống Viên. Còn chim trên nhà sàn trống Cổ Loa thuộc một kiểu riêng gần giống với loại chim trên nhà cầu mùa ở trống Hoàng Hạ nhưng hình dài hơn.
Trong mỗi ngôi nhà sàn ở trống Cổ Loa có 3 người. Các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà cũng đều như vậy. Riêng ở trống Viên, trong một nhà có ba người, còn trong nhà khác chỉ có hai người. Vị trí ngồi, kiểu ngồi của những người trong nhà sàn cũng có những điểm khác nhau giữa các trống. Trên sàn một ngôi nhà sàn ở trống Ngọc Lũ có đến ba người ngồi. Hai người ngồi đối diện nhau, tay chân hướng vào nhau. Có người cho rằng những người này đang chơi trò trồng hoa, trồng nụ. Thật khó kiểm tra giả thiết này. Quay lưng lại với người bên phải là một người ngồi tay đưa ra trước chạm vào một vật có cán, giống như một vật ở trên thuyền quanh tang trống, có người cho đó là cái trống. Dưới ngôi nhà sàn này không có người nữa. Còn ở ngôi nhà sàn kia thì trên sàn chỉ có hai người ngồi đối diện, người thứ ba với cái trống thì ngồi dưới nhà, ở góc bên phải. Các ngôi nhà sàn ở trống Hoàng Hạ cũng giống với các ngôi nhà sàn của trống Ngọc Lũ, nghĩa là có hai người đối diện nhau trên sàn và một người ngồi trước cái trống ở góc phải bên dưới sàn. Về điểm này, trống Cổ Loa rất gần với trống Hoàng Hạ. Trong các nhà sàn trên trống Cổ Loa, chúng ta cũng thấy hai người ngồi đối diện trên sàn. Người thứ ba, dưới các nhà sàn, đều đã mờ nhưng vẫn có thể nhận ra được cùng với các trống có cán ở trước mặt. Có một điểm khác với trống Hoàng Hạ, là ở trống Cổ Loa, người ngồi dưới nhà sàn là ở góc bên trái chứ không phải ở góc bên phải. Ở trống Sông Đà ngoài hai người ngồi đối diện trên nhà sàn, cũng có một người thứ ba ngồi phía dưới nhà, ở góc bên trái. Nhưng trước mặt người này không còn cái trống nhỏ có cán như ở trống Cổ Loa, Ngọc Lũ hay Hoàng Hạ nữa mà là chiếc trống đồng lớn đặt nghiêng. Các ảnh hay hình vẽ trống Sông Đà hiện có ở ta không đủ rõ để nhận ra người thứ ba dưới nhà sàn này nhưng dễ dàng nhận ra người thứ ba này khi quan sát trực tiếp trống này ở bảo tàng Guimet ở Paris. Còn ở trống Viên thì không có người ngồi dưới nhà sàn nữa, trên một nhà sàn có hai người ngồi đối diện nhau, còn ở nhà kia thì có ba người đều ngồi trên sàn, ngoài hai người ngồi đối diện nhau, có một người thứ ba ngồi quay mặt vào lưng người bên trái.
Dưới sàn của các ngôi nhà sàn, ngoài người ngồi, còn có các vật khác. Về các đồ vật dưới sàn, trống Cổ Loa cũng gần gũi với trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, đặc biệt là với trống Hoàng Hạ. Như đã nói ở trên, dưới các nhà sàn ở trống Hoàng Hạ, đều có người ngồi ở góc phải. Phía góc trái trong một nhà sàn, đặt một vật có hình thẳng đứng, lõm sâu ở giữa, còn trong nhà sàn kia là chiếc trống đồng đặt thẳng, mặt ở trên. Trống Cổ Loa cũng tương tự như vậy, chỉ có khác là các vật đặt ở góc phải vì ở góc trái có người ngồi. Trong một nhà sàn là cái vật vuông lõm giữa như ở trống Hoàng Hạ, còn ở nhà sàn khác, cũng là chiếc trống đồng, chỉ khác là trống không đặt đứng mà đặt nghiêng, mặt trống sát cột nhà bên phải. Chiếc trống đồng dưới sàn ở trống Ngọc Lũ cũng đặt nghiêng như ở trống Cổ Loa, nhưng ở góc trái vì góc phải có người ngồi. Ở một nhà sàn khác trên trống Ngọc Lũ, không có người ngồi ở dưới, bên trái đặt vật vuông lõm giữa, còn bên phải là một vật cũng có thể là trống đồng, được đặt nghiêng. Dưới các nhà sàn ở trống Sông Đà và trống Viên thì không còn cái vật vuông lõm giữa đó nữa. Dưới các nhà sàn ở trống Sông Đà, trước mặt người ngồi ở góc trái là một chiếc trống đồng đặt nghiêng, còn ở góc phải cũng là một chiếc trống đồng nhưng được đặt ngửa, chân lên trên, mặt xuống dưới. Ở trống Viên thì dưới một nhà sàn, không có gì cả, còn ở ngôi nhà khác (tức nhà chỉ có hai người ngồi trên dàn) bên góc phải, có một vật giống như chiếc trống đồng đặt ngửa và bên góc trái, là một vật không rõ hình dạng, dường như là có ba chân.
Như vậy, khi nghiên cứu hình nhà sàn trên mặt trống đồng Cổ Loa, ta nhận ra những điểm gần gũi với trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ hơn là với trống Sông Đà và trống Viên. Có những điểm giống trống Ngọc Lũ, có những điểm giống trống Hoàng Hạ, nhưng nhìn chung, gần với Hoàng Hạ hơn Ngọc Lũ. Nhưng đó chỉ là nhận xét riêng về nhà sàn. Ở những hình khác, không phải lúc nào chúng ta cũng có nhận xét như vậy.
Bây giờ ta nói tới dàn trống. Trên mặt trống Cổ Loa, có hai dàn trống nằm sát bên trái hai ngôi nhà sàn. Điểm này khác với trống Hoàng Hạ và trống Ngọc Lũ. Ở trống Hoàng Hạ và trống Ngọc Lũ, các dàn trống đều ở bên phải của nhà sàn. Chỉ ở trống Sông Đà thì dàn trống cũng nằm bên trái nhà sàn như trống Cổ Loa. Nhưng trong hai dàn trống ở trống Cổ Loa thì một không có cột cao lên, giống với các dàn trống trên trống Sông Đà, một có cột cao, đầu cột có vật trang trí, gần với các dàn trống ở trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ. Các dàn trống trên trống Cổ Loa, Hoàng Hạ và Sông Đà đều có bốn trống ở phía dưới và bốn người ngồi ở phía trên. Trống Ngọc Lũ cũng có hai dàn trống với bốn trống ở dưới mỗi dàn nhưng ở một dàn có bốn người ngồi phía trên, còn một dàn khác, có ba người ngồi và một người đứng. Trống Viên khác hẳn các trống khác, tuy cũng có hai dàn trống bên phải hai nhà sàn nhưng ở mỗi dàn, chỉ có hai trống ở dưới và hai người ngồi phía trên.
Trên mặt tất cả các trống Cổ Loa, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Viên đều có hai chiếc nhà cầu mùa đối xứng qua tâm mặt trống. Kiểu nhà cầu mùa ở trống Ngọc Lũ gần với trống Hoàng Hạ, nhưng trên một nhà cầu mùa ở trống Hoàng Hạ có hai con chim đậu, còn ở các trống khác thì không có. Kiểu nhà cầu mùa ở trống Sông Đà gần với trống Viên, nhưng ở trống Viên chỉ có hai cặp chân như ở Hoàng Hạ và Ngọc Lũ, thì trống Sông Đà có tới ba cặp chân. Điểm khác biệt quan trọng là trong các nhà cầu mùa ở trống Hoàng Hạ và trống Ngọc Lũ có một người đứng, còn ở trống Sông Đà và trống Viên thì không có người. Trong nhà cầu mùa ở các trống Sông Đà và Viên chỉ có các đường trang trí vòng tròn có tâm và tiếp tuyến nối nhau chạy ngang (trống Sông Đà) hay chạy dọc (trống Viên). Về nhà cầu mùa, rõ ràng là trống Cổ Loa gần với các trống Hoàng Hạ và Ngọc Lũ hơn là các trống Sông Đà và Viên, vì trong nhà cầu mùa của trống Cổ Loa còn có người đứng. Dưới nhà cầu mùa trống Cổ Loa còn có bộ phận mỏ neo mà ta đã thấy dưới nhà cầu mùa trống Ngọc Lũ. Tuy nhiên, nhà cầu mùa ở trống Cổ Loa cũng có điểm khác với các trống khác, chẳng hạn nhà cầu mùa trống Cổ Loa rộng phía trên, hẹp phía dưới, trong khi ở các trống kia, nhà cầu mùa hẹp trên rộng dưới. Có một điểm về mặt bố cục cũng đáng chú ý là ở các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, nhà cầu mùa đứng gần bên trái của nhà sàn, giữa nhà sàn và nhà cầu mùa là nhóm những người giã gạo, bên phải nhà sàn là dàn trống, còn ở trống Cổ Loa thì ngược lại, dàn trống ở phía bên trái nhà sàn, nhà cầu mùa ở bên phải, cách nhà sàn và nhóm người giã gạo. Khác với các trống trên, trống Sông Đà và trống Viên có nhà cầu mùa cách xa nhà sàn. Ở đây, cặp nhà sàn và cặp nhà cầu mùa gần như tạo thành hai trục chia tư vành trang trí.
Như vậy, về nhà cầu mùa, trống Cổ Loa gần với trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ và xa với trống Sông Đà và Viên, đồng thời có những nét gần gũi với Ngọc Lũ hơn Hoàng Hạ.
Trên trống Cổ Loa, cũng như trên các trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, ở giữa nhà cầu mùa và nhà sàn là nhóm người giã gạo. Mỗi trống có hai cặp giã gạo gần như đối xứng qua tâm mặt trống. Ở trống Sông Đà, chỉ có một cặp giã gạo và ở trống Viên thì không có người giã gạo nữa. Như vậy, lần nữa, ta lại thấy trống Cổ Loa gần với trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Điều đáng chú ý là bên cạnh các cặp giã gạo, ở trống Cổ Loa còn có một người đứng, hai tay hướng về phía nhà cầu mùa.
Như đã nói ở trên, nhà cầu mùa trên trống Ngọc Lũ ở bên trái nhà sàn, và ta thấy người đứng hướng về phía nhà cầu mùa, tức là quay ngược với hướng của chim bay và hươu đi trên mặt trống. Còn trên trống Cổ Loa thì nhà cầu mùa lại ở bên phải của nhà sàn, người đứng hướng về nhà cầu mùa là cùng chiều với người múa. Phải chăng người đứng này có liên hệ gì đó với nhà cầu mùa, nhà cầu mùa ở phía nào thì họ quay về phía đó. Dẫu sao thì đây cũng là trường hợp cho ta thấy sự gần gũi giữa trống Ngọc Lũ và trống Cổ Loa. Trên đầu người đứng cạnh nhà cầu mùa trên trống Ngọc Lũ có chim bay. Ở trống Hoàng Hạ không có người đứng hướng về phía nhà cầu mùa, nhưng chim thì bay trên đầu những người giã gạo, trên một cặp có một con chim và trên cặp kia, có đến hai con chim. Ở trống Cổ Loa và trống Ngọc Lũ, chim không bay trên các cặp giã gạo. Chày giã gạo ở trống Ngọc Lũ đã cách điệu như là cắm lông chim ở phần trên. Ở trống Hoàng Hạ và trống Cổ Loa, chày giã gạo chỉ là những đoạn thẳng, nhưng nếu ở trống Hoàng Hạ, các chày đặt ngang nhau thì ở trống Cổ Loa, chày lên cao, chày xuống thấp, làm cho cảnh giã gạo thực hơn, sinh động hơn. Trước mặt người đứng bên cạnh người giã gạo trên trống Cổ Loa, có một vật hình cong đặt sát đất, gần chân cột nhà cầu mùa. Chưa biết là vật gì, có thể là một thứ đồ đựng nào đó. Phải chăng nó dùng đựng các thứ mà người ta sàng sẩy ra như có người đã chủ trương. Trên trống Ngọc Lũ không thấy có vật này.
Cuối cùng, ta xem xét đến những người diễu hành hàng một vui vẻ ngược chiều kim đồng hồ trên vành trang trí mà nhiều người gọi là nhóm người múa. Trên trống Cổ Loa có hai nhóm người múa, mỗi nhóm sáu người, đi theo chiều ngược kim đồng hồ, từ nhà cầu mùa đến trước dàn trống. Trống Hoàng Hạ cũng có hai nhóm người múa, mỗi nhóm sáu người như ở trống Cổ Loa. Trống Ngọc Lũ hơi khác, trong hai nhóm, một nhóm có sáu người và một nhóm có bảy người. Trong khi đó, trống Sông Đà và trống Viên có đến bốn nhóm người múa, ở trống Viên, mỗi nhóm đều có bốn người, còn ở trống Sông Đà, số người các nhóm không giống nhau, có hai nhóm với số người mỗi nhóm là ba và hai nhóm khác, mỗi nhóm bốn người. Như vậy, về bố cục và số người, trống Cổ Loa gần với trống Hoàng Hạ và Ngọc Lũ hơn là trống Sông Đà và trống Viên.
Nếu nói về số lượng người múa thì trống Cổ Loa gần với trống Hoàng Hạ, nhưng nếu khảo sát cụ thể từng người, ta lại nhận ra những nét gần gũi với trống Ngọc Lũ hơn trống Hoàng Hạ. Hai nhóm người múa trên trống Cổ Loa khá giống nhau. Trong nhóm sáu người, hai người đi trước tay trái cầm giáo đưa ra phía trước, tay phải có bàn tay xòe, một đưa ra trước, một đưa ra sau. Người thứ tư thổi khèn. Đứng sau người thổi khèn, người thứ năm có mũ cao hơn tất cả nhóm, hai tay đưa ra phía trước, không rõ cầm vật gì. Người cuối cùng đang đánh chuông và một tay hình như cầm dùi. Hai nhóm người ở trống Hoàng Hạ cũng giống nhau, nhưng ở đây có đến sáu người cầm giáo đi trước, người thứ năm thổi khèn và người cuối cùng đưa hai tay lên trời, không rõ có cầm gì hay không, trên đầu người này có một con chim bay. Như vậy là trong các nhóm người múa ở trống đồng Hoàng Hạ, không có người múa tay không đưa ra hai bên và người đánh chuông như ở trống Cổ Loa, còn số người cầm giáo thì nhiều gấp hai lần. Trên trống Ngọc Lũ, hai nhóm người múa không giống nhau. Ở nhóm bảy người, có đến năm người đi trước không cầm vũ khí, tay trái đưa ra trước và tay phải đưa ra sau. Có người cho rằng tay trước cầm sênh của người Xá còn tay sau cầm phách của người Việt[1]. Nhưng cũng có người cho đấy là những bàn tay múa không cầm đạo cụ[2]. Người thứ sáu thổi khèn. Người thứ bảy tay trái, đưa ra trước không rõ cầm gì, tay phải đưa lên quá đầu. Trong nhóm sáu người, có một người đứng trước cầm giáo. Tiếp đó là ba người không cầm vũ khí gần giống với năm người đứng trước nhóm kia nhưng vạch ở bàn tay trước cong hơn. Người thứ năm thổi khèn và người thứ sáu đánh chuông. Nhóm này ở trống Ngọc Lũ có nhiều nét giống với các nhóm người múa ở trống Cổ Loa, nhất là hình người đánh chuông đứng cuối cùng. Ở trống Ngọc Lũ chỉ thiếu người đưa cả hai tay ra trước, số người cầm giáo cũng ít hơn. Ở trống Sông Đà và trống Viên, các nhóm người múa rất đơn điệu. Tất cả ba nhóm người múa ở trống Sông Đà đều gồm những người đưa một tay ra phía trước và một tay ra phía sau giống hệt nhau. Trống Viên cũng như vậy, chỉ có một người đứng cuối một nhóm là người thổi khèn duy nhất trong số mười sáu người ở đây.
Tóm lại, chỉ khảo sát vành trang trí thứ sáu trên mặt trống đồng, chúng ta cũng có thể nhận ra sự gần gũi giữa trống Cổ Loa với hai trống đẹp nhất của chúng ta hiện nay là trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ. Dựa vào mức độ gần gũi giữa các trống - không phải chỉ ở vành trang trí thứ sáu - ta có thể chia năm trống được khảo sát trên đây thành hai nhóm nhỏ: một nhóm gồm các trống Cổ Loa, Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, một nhóm gồm các trống Sông Đà và Viên. Quan hệ niên đại giữa hai nhóm này đã khá rõ: nhóm Ngọc Lũ, Hoàng Hạ sớm hơn nhóm Sông Đà, Viên. Tất nhiên để chứng minh điều này cũng cần phải trình bày chi tiết nhưng ở đây không phải là chỗ làm việc đó. Chúng ta chỉ nói rằng trên trống Sông Đà và trống Viên đã bộc lộ một sự đơn giản và đơn điệu trong trang trí, chẳng hạn ở trống Sông Đà chỉ còn một cặp người giã gạo, trống Viên thì vắng hoàn toàn người giã gạo, số người trên dàn trống cũng như trong nhà sàn đều ít đi, trong nhà cầu mùa của hai trống này không có người nữa mà chỉ có các đường trang trí, những người múa đều giống hệt nhau, không còn các nhạc cụ, đạo cụ khác nhau, và các con chim bay quanh mặt trống cũng không còn đôi chân nữa. Sự đơn giản và đơn điệu như thế rõ ràng không phải là ở điểm khởi đầu mà ở bước suy thoái. Theo tôi, trống Sông Đà và trống Viên muộn hơn trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, và do đó muộn hơn cả trống Cổ Loa là điều có thể khẳng định. Nói rõ hơn nữa là trong nhóm trống này, trống Viên lại muộn hơn trống Sông Đà.
Thế thì trong nhóm trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa trống nào sớm, trống nào muộn?. Thật khó trả lời câu hỏi này. Ở trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ các hình tượng được khắc họa tinh mỹ hơn, điêu luyện hơn, tươi mát rộn ràng hơn, ở trống Cổ Loa có phần vụng về hơn, trang phục của con người cũng như bộ cánh của con chim đều đơn giản hơn. Mặt khác trống Cổ Loa có cái đối xứng chặt chẽ của trống Hoàng Hạ mà thiếu cái phóng khoáng của trống Ngọc Lũ. Hay là ta sắp xếp trật tự sớm muộn như thế này: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ rồi đến trống Cổ Loa. Nhưng như thế chưa ổn vì ở trống Cổ Loa lại có nhiều điểm gần với trống Ngọc Lũ hơn là trống Hoàng Hạ, như có những người đứng trước nhà cầu mùa, bên cạnh các cặp giã gạo, có người đánh chuông và người múa xòe tay, không cầm vũ khí. Hay là sắp xếp theo trật tự: Ngọc Lũ - Cổ Loa - Hoàng Hạ?. Nhưng như thế vẫn chưa ổn, vì ai cũng thấy rằng giữa trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ lại còn có nhiều nét gần gũi với nhau hơn là giữa các trống này với trống Cổ Loa, nhất là các hình thuyền trên tang trống.
Thế thì nên chăng ta coi trống Cổ Loa sớm hơn cả trống Ngọc Lũ lẫn trống Hoàng Hạ?. Và phải chăng sự vụng về, đơn giản ở đây không như ở trống Sông Đà và trống Viên không phải sự thoái hóa mà là sự khởi đầu?. Một điều đáng chú ý là trống Cổ Loa, ta gặp nhiều nét hiện thực hơn trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ, chẳng hạn những cặp chày giã gạo lên xuống cao thấp không đều nhau, những chiếc dùi trống chạm vào mặt trống, những người múa với trang phục chưa cách điệu đến kỳ quái, như những cái đầu chim và những chiếc lông sau gáy đàn chim trở thành một tấm có các vòng tròn tiếp tuyến.
Nhưng trật tự này xem ra cũng chưa thật ổn. Sẽ có người hỏi thế thì giải thích như thế nào, sự có mặt các vành hoa văn đoạn thẳng song song trên trống Cổ Loa mà ai cũng biết rằng chúng chỉ thấy trên các trống muộn.
Vì trước đây chỉ thấy loại hoa văn đoạn thẳng song song này ở các trống muộn hơn, nên có người cho rằng hoa văn này là biến dạng từ loại hoa văn răng cưa đã thấy trên trống đồng Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ. Nhưng hoa văn răng cưa như mọi người thấy, còn tồn tại mãi về sau, trên các trống mà hiện nay một số người gọi là trống lùn hay trống choãi. Trong khi đó, hoa văn đoạn thẳng song song phổ biến trên các trống được gọi là trống thẳng hay trống cao. Do đó theo tôi, chưa đủ căn cứ để nói rằng hoa văn đoạn thẳng song song là chuyển biến từ hoa văn răng cưa, hay nói cách khác, là muộn hơn hoa văn răng cưa. Mặt khác, ta lại thấy hoa văn đoạn thẳng song song chạy ngang có mối liên hệ với hoa văn đoạn thẳng song song chạy chéo. Trên các trống muộn, nếu đã thấy hoa văn răng cưa ở mặt và ở tang, thì ở thân cũng gặp hoa văn răng cưa. Còn ở các trống đã có hoa văn đoạn thẳng song song chạy ngang ở mặt và ở tang, thì ở thân lại có hoa văn đoạn thẳng song song chạy chéo. Ở các trống sớm như Ngọc Lũ và Hoàng Hạ, tuy ở mặt và ở tang không có hoa văn đoạn thẳng song song chạy ngang, nhưng trên thân đã có hoa văn đoạn thẳng song song chạy chéo.
Nếu chúng ta thừa nhận luận điểm cho rằng có hai dòng trống tồn tại từ lâu bên nhau, thì sự có mặt của hoa văn đoạn thẳng trên trống Cổ Loa chỉ có thể gợi ý rằng đây là một trống thân thẳng hay trống cao điển hình đã xuất hiện sớm chứ không phải vì thế mà coi trống Cổ Loa là muộn. Còn sự tồn tại của hoa văn răng cưa trên các trống Ngọc Lũ, Hoàng hạ và cả trên trống Sông Đà và trống Viên, cũng có thể được giải thích bằng sự giao thoa ảnh hưởng đã có từ sớm giữa hai dòng trống, cũng như sau này, trên một số trống choãi, có hoa văn đoạn thẳng song song chạy chéo bên cạnh hoa văn răng cưa trên thân trống.
Tuy nhiên, những điều trên đây mới chỉ là giả thiết. Đó là những giả thiết đối, tức là những giả thiết loại trừ nhau (alternative hypothesis) nêu lên để chúng ta suy nghĩ. Điều mà hiện nay chúng ta có thể tin chắc được là trống đồng Cổ Loa là một trong ba trống đồng sớm nhất ở Việt Nam mà ta đã biết.
Trống Cổ Loa có niên đại sớm nhưng không phải tất cả những đồ đồng thau tìm được cùng với trống đều có niên đại sớm. Ngay cùng với trống Cổ Loa, còn gặp một mảnh trống thuộc loại muộn. Những lưỡi cày đồng được cất vào trống cùng với những phế phẩm theo tôi nghĩ, có lẽ đã được đúc vào khoảng thời gian không cách xa lúc cất vào trống là mấy. Nếu xa, hẳn người ta không còn giữ lại những phế phẩm như thế.
Như vậy, một số đồ đồng tìm được cùng với trống Cổ Loa có thể đã được đúc vào thế kỷ II - I trước Công nguyên. Nhưng dầu vậy, tất cả những đồ đồng đó là một tổ hợp thuộc văn hóa Đông Sơn không nghi ngờ gì nữa. Và đây là một dịp tốt để chúng ta tìm hiểu về sức sống của văn hóa Đông Sơn.
Nhóm đồ đồng Cổ Loa mang nhiều đặc điểm của diện hình đồng bằng Bắc Bộ của văn hóa Đông Sơn, có nét gần gũi với Vinh Quang và Việt Khê, nhưng trước hết là gần gũi với các di vật Đông Sơn trong các di tích vùng Hà Nội như Trung Mầu, Đình Tràng.
Di chỉ Đình Tràng ở xã Dục Tú, rất gần Cổ Loa, đã được khai quật hai lần vào các năm 1970, 1971. Đình Tràng là một di tích quan trọng do chỗ ở đây có ba lớp văn hóa chồng lên nhau. Lớp dưới cùng là nơi cư trú thuộc gian đoạn Đồng Đậu. Lớp giữa là nơi cứ trú thuộc giai đoạn Gò Mun. Trên cùng là lớp cư trú Đông Sơn cùng với mộ táng Đông Sơn. Ở đây, tôi không miêu tả các di vật ở Đình Tràng mà chỉ nêu lên những mối liên hệ giữa các đồ đồng Cổ Loa và các đồ đồng Đông Sơn ở Đình Tràng.
Cổ Loa và Đình Tràng có cả rìu xéo gót vuông lẫn rìu xéo gót tròn. Hiện nay ta coi rìu xéo gót tròn là đặc trưng của diện hình sông Mã, còn rìu xéo gót vuông là đặc trưng của diện hình Làng Cả tức diện hình Đông Sơn trung du Bắc Bộ. Vùng Hà Nội, thời Đông Sơn đã trộn lẫn cả hai yếu tố đó. Nhưng ở Cổ Loa cũng như ở Đình Tràng đều có những chiếc rìu xéo mũi ít phát triển nhưng gót lại phát triển. Có thể đây là loại hình rìu xéo đặc trưng cho khu vực này.
Đình Tràng và Cổ Loa đều có loại lưỡi giáo hình búp đa, cánh cong tròn, không uốn và không lỗ. Cả hai nơi đều có loại dao gặt có khía song song, lưỡi mài vát hình răng cưa. Đặc biệt là có một mảnh dao gặt ở Cổ Loa có hình dạng như là một phần của một chiếc dao gặt nguyên vẹn ở Đình Tràng.
Ở Cổ Loa tìm được những vật độc đáo, một đầu là họng tra cán, một đầu là ba chạc, dường như bị gãy. Ở Đình Tràng chúng ta đã gặp một vật giống như vậy, chỉ khác là lớn hơn và họng hẹp, có hoa văn trang trí.
Ở Đình Tràng, chúng tôi chưa đào được dao găm như ở Cổ Loa nhưng đã thấy dao găm minh khí. Đình Tràng chưa có lưỡi cày nhưng đã gặp lưỡi cày minh khí. Ở Cổ Loa có những đồ đồng chưa gặp ở Đình Tràng, như những lưỡi rìu có vai kép, nhưng chúng lại có mặt ở Trung Mầu (Gia Lâm).
Nhưng giữa đồ đồng Cổ Loa và đồ đồng Đình Tràng, cũng có những nét khác biệt nổi bật. Chẳng hạn, ở Đình Tràng đã tìm được khá nhiều mũi giáo, nhưng không chiếc nào có lỗ ở cánh như một có mũi giáo ở Cổ Loa. Ở Đình Tràng cũng chưa tìm được loại rìu đồng khỏe, lưỡi cân, rìu lưỡi uốn rất cong như ở Cổ Loa. Hiển nhiên giữa đồ đồng Cổ Loa và đồ đồng Đình Tràng không thể có sự khác nhau về loại hình địa phương, vì hai nơi rất gần nhau. Chúng ta chỉ có thể cho rằng sự khác biệt nói trên là do sự khác nhau về giai đoạn.
Trong các mộ Đông Sơn ở Đình Tràng, chúng tôi chưa gặp dấu vết của văn hóa Hán. Theo tôi, văn hóa Đông Sơn ở Đình Tràng ít ra là ở những chỗ đã gặp, là ở vào thời kỳ trước Hán. Còn ở Cổ Loa, trừ chiếc trống, có thể có một số đồ đồng đã ở vào giai đoạn muộn hơn như đã nói ở trên. Kiểu mũi tên ba cánh ở Cổ Loa, theo tôi cũng là kiểu muộn hơn kiểu hai cánh đặc trưng cho giai đoạn Đông Sơn ở Đình Tràng.
Như vậy, có thể nói rằng một bộ phận đồ đồng Đông Sơn vừa tìm được ở Cổ Loa tuy cũng thuộc diện hình châu thổ Sông Hồng nhưng ở vào giai đoạn sau của Đình Tràng, mà cũng là đặc trưng của diện hình châu thổ, vừa có thêm những đặc trưng mới, một phần là do sự mở rộng giao lưu với các dạng hình Đông Sơn khác. Chẳng hạn, chúng ta đều biết rằng giáo có lỗ là một đặc trưng của diện hình sông Mã, trong khi đó giáo Đình Tràng và giáo Việt Khê đều không có lỗ.
Có thể nói rằng, qua bộ đồ đồng phong phú của Cổ Loa, chúng ta chưa nhận ra được các dấu hiệu suy thoái của văn hóa Đông Sơn trong giai đoạn này, mặc dầu trong thực tế, một sự tiếp biến văn hóa (acculturation) cưỡng bức hẳn đã bắt đầu.
Như vậy, một bộ phận di vật Đông Sơn ở Cổ Loa là tiếp nối giai đoạn Đông Sơn ở Đình Tràng. Còn Đông Sơn ở Đình Tràng lại là bước phát triển tiếp theo các giai đoạn Gò Mun và Đồng Đậu ở đây. Phổ hệ bốn giai đoạn Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn của văn minh Sông Hồng đã được chứng minh chắc chắn qua địa điểm Đồng Đậu và địa điểm Đình Tràng.
Ở Đình Tràng không có Phùng Nguyên mà chỉ có bóng dáng Phùng Nguyên. Nhưng ở Cổ Loa và quanh Cổ Loa, đã có nhiều di tích thuộc giai đoạn này như Đồng Vông, Xuân Kiều... Rõ ràng khu vực Cổ Loa đã chứng kiến một quá trình phát triển lâu dài của văn minh Sông Hồng. Đỉnh cao của văn minh Sông Hồng là văn hóa Đông Sơn. Đó là giai đoạn của sự mở rộng và của sự hội tụ văn hóa. Trong quá trình đó, lưu vực sông Hồng và vùng đồng bằng Bắc Bộ đóng một vai trò to lớn.
Luyện kim bao giờ cũng có ý nghĩa động lực và cách mạng trong các văn minh. Việc phát hiện ra nhóm đồ đồng Cổ Loa cùng các phế phẩm đã chứng minh rằng đồ đồng được đúc tại chỗ. Hàng vạn mũi tên Cổ Loa tìm được trước đây cũng nói lên điều đó. Thực ra những người thợ đúc Đông Sơn ở Cổ Loa chỉ tiếp tục phát triển nghề đúc đồng đã có từ sớm ở khu vực này. Ở di chỉ Đình Tràng, chúng tôi đã tìm được một mảnh khuôn đúc bằng sa thạch thuộc giai đoạn Gò Mun. Như vậy Cổ Loa từ rất sớm, đã là một trung tâm đúc đồng.
Thế thì trống đồng Cổ Loa, có phải là sản phẩm của trung tâm này không?. Chưa thể trả lời được. Nhưng điểm đáng chú ý là cả ba chiếc trống Cổ Loa, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ đều nằm trong vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều nhà nghiên cứu đã gợi ý về các quê hương khác nhau của trống đồng. Tất cả những ý kiến đó đang được thảo luận và đáng được thảo luận. Nhưng chúng ta không nên quên sự kiện này: những cái trống đẹp nhất, cổ nhất đều tìm thấy ở châu thổ sông Hồng chứ không phải ở các trung tâm khác, diện hình khác. Điều đó hẳn không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Rõ ràng, đồng bằng sông Hồng mà Cổ Loa là một trung tâm đã có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của văn minh sông Hồng.
Hà Nội và Cổ Loa là một trung tâm dân cư - và do đó là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - từ rất sớm, ít nhất là 4000 năm trước. Thấy như vậy, ta hiểu được rằng vì sao vua An Dương và hơn nghìn năm sau, vua Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm Thủ đô. Giữa An Dương Vương và Ngô Quyền, có cả bề dày của 10 thế kỷ hắc ám. Các thế lực hắc ám bao giờ cũng là kẻ thù của văn minh, vì văn minh là ánh sáng. Có thể để giữ gìn chiếc trống đồng Cổ Loa, mà cũng là để giữ gìn nền văn minh Sông Hồng, cha ông ta đã đổ máu. Giờ đây, đứng trước trống Cổ Loa, ta lại thấy rõ sự tiếp nối giữa văn minh Thăng Long và văn minh sông Hồng. Và câu: “Đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau” dường như không phải vang lên từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ mà từ lâu, từ lâu lắm, trên mảnh đất này, cạnh sông Hồng, “tiếng hát bốn nghìn năm”.
 
 
 (Bài in trong Hà Văn Tấn: Theo dấu các văn hoá khảo cổ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.680-697)
 
  


[1] Nguyễn Hữu Thu và Lê Văn Lan, Bàn về âm nhạc thời Hùng Vương, Tạp chí Khảo cổ học, số 9 - 10, 1971, tr.119.
[2] Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc Việt, Hà Nội, 1979, tr.8.