Từ
lâu Nam Bộ đã là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Vịêt Nam,
nhưng do tính chất phức tạp của lịch sử nên cho đến nay vấn đề chủ quyền
lãnh thổ (territorial sovereignty) vẫn còn có những nhận thức chưa thật
đầy đủ. Trên cơ sở trình bày một cách hệ thống diễn biến lịch sử và
phân tích những yếu tố khẳng định tính chất chính đáng, phù hợp với
thông lệ quốc tế của quá trình thụ đắc lãnh thổ phía nam của dân tộc ta,
bài viết này hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học và nâng cao
thêm hiểu biết về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.
Mặc
dù những vướng mắc về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia nhiều khi là
những vấn đề cụ thể liên quan tới đường biên giới hiện tại, nhưng cội
nguồn của những vướng mắc đó lại nảy sinh từ lịch sử, trong đó cơ bản
nhất, sâu xa nhất là vấn đề lãnh thổ vùng Nam Bộ. Có một quan niệm cho
rằng vùng đất Nam Bộ từ xưa vốn là lãnh thổ của Campuchia. Lập luận chủ
yếu (mà không chứng minh) của quan niệm này là đồng nhất nước Phù Nam ở
trung tâm của vung hạ lưu sông Mê Kông với nhà nước đầu tiên của người
Khmer[1].
Trong một hội thảo về Bảo tồn di sản văn hoá tổ chức năm 1993 tại thành
phố Nara (Nhật Bản), báo cáo chính thức của Campuchia do ông Vann
Molivann, Bộ trưởng Quốc vụ khanh trình bày trước hội nghị cũng xếp văn
minh Phù Nam vào nhóm “dạng thức đặc biệt của nhóm Khmer”[2].
Để giải quyết thoả đáng vấn đề này không thể không trở lại xem xét cụ
thể nguồn gốc và diễn biến chủ quyền lãnh thổ đối với vùng đất này. Hiển
nhiên, việc xem xét lịch sử chủ quyền phải bắt đầu từ nhà nước Phù Nam.
1. Vấn đề nước Phù Nam
Căn
cứ vào những ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Quốc thì Phù Nam là
một quốc gia nằm ở phía nam của Lâm Ấp (Champa) nghĩa là tương đương với
đất Nam Bộ ngày nay[3].
Cũng dựa vào các thư tịch cổ, các nhà khoa học đã thống nhất nhận định
rằng nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên và biến mất vào
khoảng thế kỷ thứ VII [4].
Mùa xuân năm 1944 nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret đã tiến hành một
cuộc khai quật có ý nghiã lịch sử ở khu vực gần núi Ba Thê (nay thuộc
địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Từ sau cuộc khai
quật này bắt đầu xuất hiện khái niệm văn hoá Ốc Eo và một cách tự nhiên
các nhà khoa học đã dễ dàng đi tới nhận định rằng vấn đề Phù Nam không
thể tách rời vấn đề Ốc Eo. Hay nói cách khác, hoàn toàn có cơ sở khoa
học nếu đồng nhất những di vật thuộc văn hoá Ốc Eo là di tích văn hoá
vật thể của nước Phù Nam. Vấn đề này đã được khắng định trong nhiều tác
phẩm và hội thảo khoa học, đặc biệt là hội thảo về Văn hoá Ốc Eo - Phù
Nam do Bộ KH-CN tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2004, nhân kỷ niệm 60
năm sự kiện phát hiện văn hoá ốc Eo. Các học giả cũng đã khẳng định Ốc
Eo là một nền văn hoá có nguồn gốc bản địa, ít ra là từ thời đại kim khí
và trong thời kỳ cường thịnh nhất, Phù Nam đã phát triển thành một đế
chế rộng lớn bao gồm toàn bộ phần phía nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ
của Việt Nam hiện nay, nước Campuchia, một phần nam Lào), một phần Thái
Lan và bán đảo Malaca, nhưng trung tâm vẫn là vùng đất Nam Bộ.
Một
vấn đề có ý nghĩa quan trọng là xác định chủ nhân của văn hoá ốc Eo.
Trước đây, người ta thường nói mà không chứng minh rằng chủ nhân nền văn
hoá này là tổ tiên của người Khmer. Nhưng dưới ánh sáng của những
nghiên cứu mới thì vấn đề không phải như vậy. Trước hết, tất cả những di
tích thuộc văn hóa Ốc Eo có thể dễ dàng nhận thấy là khác biệt với văn
hóa Khmer. Những dấu vết của Chân Lạp trên đất Nam Bộ không thể hiện là
sự phát triển liên tục của văn hóa Phù Nam[5].
Về phong tục tập quán, sử liệu Trung Quốc cũng cho biết rằng tang lễ và
hôn nhân của Phù Nam gần giống với Lâm ấp (tức Champa).
Về
mặt lịch sử, các tư liệu trong thư tịch cổ Trung Quốc cũng phân biệt
rất rõ Phù Nam với Chân Lạp (quốc gia của người Khmer). Sử ký của nhà
Tùy chép rằng nước Chân Lạp ở về phía tây nam Lâm ấp, nguyên là một chư
hầu của Phù Nam. Vua nước ấy là Ksatriya Citrasena đã đánh chiếm và tiêu
diệt Phù Nam [6]. Sử ký nhà Đường cũng chép: “Trong nước [Phù Nam]
bấy giờ có thay đổi lớn. Nhà vua đóng đô ở thành Đặc Mục, thình lình bị
nước Chân Lạp đánh chiếm, phải chạy trốn về miền nam, trú ở thị trấn Na
Phất Na”[7].
Những sự kiện được chép trên đây diễn ra vào đầu thế kỷ VII. Căn cứ vào
sự kiện 627 Phù Nam còn đến tiến cống nhà Đường lần cuối cùng, các học
giả cho rằng đó có thể coi đó là năm sớm nhất nước Phù Nam bị tiêu diệt[8].
Như
vậy Chân Lạp là một quốc gia xuất hiện ở vùng trung lưu sông Mê Kông,
khu vực gần Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề sống chính. Còn Phù Nam là
một quốc gia ven biển có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát
triển. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục
với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Vào
đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã tấn công và chiếm
lấy. Lãnh thổ Phù Nam về tay Chân Lạp do kết quả của những cuộc chiến tranh.
2. Vùng đất Nam Bộ dưới thời Chân Lạp
Sau khi chiếm được Phù Nam, vùng đất này được gọi là Thuỷ Chân Lạp[9].
Việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn.
Trước hết đây là một vùng đồng bằng mới bồi lấp còn ngập nước và sình
lầy, người Khmer với dân số ít ỏi chưa thể tổ chức khai thác trên quy mô
lớn. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Châu Lạp
cũng còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Vào nửa sau thế kỉ
thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào
các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân
Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya.
Cục diện này mãi đến năm 802 mới kết thúc. Tuy nhiên người Khmer lúc này
muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu
vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực bành trướng sang
phía tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ
IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo
dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận
Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Trong khi đó qua các di
tích khảo cổ học, dấu tích của văn hoá Khmer và văn minh Angkor ở vùng
Đồng Nai - Gia Định hết sức mờ nhạt[10].
Do
chiến tranh và phải tập trung công sức phát triển các trung tâm ở vùng
lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII theo Chu Đạt
Quan, vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những “bụi rậm của khu rừng thấp... tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi… những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào.
Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu
rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường
dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm…”[11].
Bắt
đầu từ thế kỷ XIV Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các
vương triều Thái từ phía tây, đặc biệt là từ sau khi vương quốc Ayuthaya
hình thành. Trong gần một thế kỷ Chân Lạp liên tiếp phải đối phó với
những cuộc tiến công từ phía người Thái, có lúc kinh thành Angkor đã bị
quân đội Ayuthaya chiếm đóng.
3. Công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ
Từ
thế kỉ XVI, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ
sâu sắc và dần bước vào thời kì suy vong, hầu như không có điều kiện
quan tâm đến vùng đất còn ngập nước ở phía đông và trên thực tế đã không
đủ sức quản lý vùng đất này. Trong bối cảnh đó nhiều cư dân Việt từ đất
Thuận Quảng đã vào vùng Mô Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) khai khẩn
đất hoang lập làng sinh sống.
Năm
1620 vua Chân Lạp Chey chetta II đã cưới con gái chúa Nguyễn Phúc
Nguyên làm vợ. Đối với Chân Lạp, việc kết thân với chúa Nguyễn là để dựa
vào lực lượng quân sự của người Việt lúc này đang rất mạnh nhằm làm
giảm sức ép từ phía Xiêm. Với chúa Nguyễn, quan hệ hữu hảo này tạo điều
kiện thuận lợi cho người Việt, vốn đã có mặt từ trước, được tự do khai
khẩn đất hoang và làm ăn sinh sống trên đất Thuỷ Chân Lạp và tăng cường
ảnh hưởng của họ Nguyễn với triều đình Oudong.
Năm
1623 chúa Nguyễn chính tức yêu cầu triều đình Chân Lạp để cho dân Việt
mở rộng địa bàn khai phá trên những vùng đất thưa dân và để quản lý,
chúa Nguyễn lập ở Pray Kor (vùng Sài Gòn ngày nay) một trạm thu thuế.
Vua Chân Lạp đã chấp thuận đề nghị này[12] . Vào thời điểm đó cư dân Việt đã có mặt ở hầu khắp miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
Sau
cái chết của Chey Chetta II vào năm 1628 nội bộ giới cầm quyền Chân Lạp
bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều cuộc chiến giữa các phe phái đã diễn ra với
sự trợ giúp quân sự của một bên là quân Xiêm, một bên là quân Nguyễn.
Những cuộc chiến ấy chẳng những không ảnh hưởng đến việc người Việt tiến
hành khai phá những vùng đất hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, mà
trái lại, còn tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Nguyễn thiết lập quyền
kiểm soát chính thức của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng
nghiệp. Trong thời kỳ này sự thần phục của các nhóm di thần nhà Minh góp
phần đã đẩy nhanh quá trình xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn trên lãnh
thổ Nam Bộ. Từ năm 1679 chúa Nguyễn Phúc Tần đã tạo điều kiện để nhóm
Dương Ngạn Địch cùng nha môn, quân sĩ vùng Quảng Tây tổ chức việc khai
phá và phát triển kinh tế vùng lưu vực sông Tiền Giang (Mỹ Tho), cho
nhóm Trần Thượng Xuyên và những đồng hương Quảng Đông của ông chiêu dân
tiếp tục mở mang vùng Biên Hòa - Đồng Nai. Trong vòng gần 20 năm, một
vùng đất trải dài từ Bà Rịa đến sông Tiền Giang, vốn đã được cư dân Việt
đến sinh cư lập nghiệp từ trước, nhanh chóng trở thành những trung tâm
kinh tế quan trọng với nhiều làng mạc trù phú, phố phường sầm uất, hải
cảng nhộn nhịp có thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Dương, Bồ Bà
(Java) tới buôn bán.
Trên
cơ sở những đơn vị tụ cư đã trù mật những trung tâm kinh tế đã phát
triển, năm 1698, chúa Nguyễn đã cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh
lý vùng đất này và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn là phủ Gia
Định. Như vậy vào cuối thế kỷ XVII chúa Nguyễn đã xác lập được quyền
lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ, khẳng định chủ quyền của
người Việt trên vùng đất mà trên thực tế, chính quyền Chân Lạp chưa khi
nào thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của mình.
Sự
kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là vào năm 1708 Mạc Cửu ở Hà Tiên
xin quy phục chúa Nguyễn. Là một thương nhân Hoa kiều ở Lôi Châu, thường
xuyên tới buôn bán ở vùng biển Đông Nam Á, Mạc Cửu đã sớm nhận ra vị
trí địa lý thuận lợi của vùng đất Mang Khảm (sau đổi là Hà Tiên) nên đã
lưu ngụ lại, chiêu mộ dân sửa sang bến thuyền, mở mang chợ búa, khai phá
đất đai, biến một vùng đất còn hoang vu thành một nơi buôn bán sầm uất.
Lúc đầu (vào khoảng năm 1680) Mạc Cửu đã từng xây dựng quan hệ thần
phục với vua Chân Lạp, nhưng sau này thế lực Chân Lạp suy giảm, không đủ
sức bảo vệ cho công việc làm ăn của cư dân vùng đất này khỏi sự tiến
công cướp bóc của người Xiêm nên đã tìm đến chúa Nguyễn xin nội thuộc
vào năm 1708. Năm 1757 khi đất Tầm Phong Long (tương đương với vùng tứ
giác Long Xuyên) được vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để
đền ơn cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua, quá trình xác
lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt trên đất Nam Bộ về cơ bản đã hoàn
thành.
Từ
quá trình lịch sử trên đây, không thể quan niệm một cách đơn giản rằng
chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ là do chiếm của Chân Lạp.
Chứng cứ lịch sử cho thấy quốc gia đầu tiên trên đất này là Phù Nam mà
cư dân chủ yếu là người protomalais, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân
Lạp tiến công tiêu diệt. Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để
quản lý và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là
công lao khai phá của các nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ thế kỷ
XVII. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và việc
khẳng định quyền quản lý lãnh thổ là một hệ quả tự nhiên.
Quá
trình thụ đắc vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai
phá hoà bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó
là phương thức được thừa nhận là phù hợp với thông lệ lịch sử và các
văn bản quốc tế hiện hành.
4. Thực thi và bảo vệ chủ quyền
Cùng
với quá trình khai thác những vùng đất còn hoang vu ở Nam Bộ của cộng
đồng cư dân, các chính quyền của người Việt đã liên tục thực hiện các
chính sách quản lý lãnh thổ với tư cách là chủ nhân vùng đất này. Từ thế
kỷ XVII để thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn đã tổ chức các đơn vị
hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng
đất và định ra các loại thuế. Phủ Gia Định thành lập năm 1698 gồm hai
dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) quản lý hơn 4 vạn hộ.
Sau năm 1774 vùng đất từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12
dinh, trong đó vùng đất Nam Bộ chia thành 4 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn,
Long Hồ và Hà Tiên). Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là một dinh phụ thuộc, mỗi
dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản
tổ chức hành chính trên vùng đất Nam Bộ đã được kiện toàn.
Triều
Nguyễn thành lập vào năm 1802 tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn đã
hoàn thiện hệ thống hành chính và thống nhất quản lý trên quy mô cả
nước. Năm 1836 vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ.
Bên cạnh chính sách chính trị, quân sự, triều đình khuyến khích phát
triển kinh tế - xã hội, mở mang phát triển các dinh điền, đồn điền, xây
dựng các công trình thuỷ lợi, phát triển giao thông thuỷ bộ. Năm 1817
vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà. Vào đầu những năm 20, vua Minh Mạng
giao cho đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên dài trên 70km.
Ngay
từ khi mới khẳng định quyền quản lý, các chính quyền người Việt đã ý
thức sâu sắc về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ. Chính quyền các
chúa Nguyễn đã từng kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh
thổ của quân Xiêm vào các năm 1715,1771... Tiêu biểu cho ý chí bảo vệ
chủ quyền là cuộc kháng chiến chống Xiêm với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài
Mút vang dội của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế
kỷ XIX, các Vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các trường luỹ và đồn
bảo trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ. Trong suốt nửa đầu
thế kỷ XIX cùng với xây dựng nước Đại Nam hùng cường, các vua Nguyễn đã
bảo vệ vững chắc chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.
Khi
thực dân Pháp tấn công xâm lược, triều Nguyễn đã tổ chức kháng chiến
chống lại. Đến khi triều đình tỏ rõ sự bất lực thì nhân dân Việt Nam đã
không tiệc máu xương liên tục đứng lên đấu tranh anh dũng bảo vệ chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước của mình. Thắng lợi vẻ vang năm
1975 là đỉnh cao của quá trình chiến đấu hy sinh bền bỉ lâu dài vì lý
tưởng cao đẹp đó.
5. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý về
chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thể hiện ngay trong quá
trình thụ đắc lãnh thổ bắt đầu từ thế kỷ XVII. Từ giữa thế kỷ XIX, chủ
quyền này được chính thức ghi nhận trong văn bản các Hiệp ước quốc tế.
Tháng 12 năm 1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên
(Cămpuchia) đã ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc
Việt Nam. Năm sau, trriều Nguyễn và Xiêm lại ký một Hiệp ước có nhắc lại
điều đó. Đây là Hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia[13].
Như vậy muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam,
trong đó có cả Cămphuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận
vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam.
Pháp
tấn công Nam Bộ rồi sau đó lần lượt chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ là các sự kiện
thể hiện rõ sự xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất Nam Bộ,
nhưng Cămpuchia không có bất cứ một phản ứng gì. Trái lại, triều Nguyễn
đã điều động quân đội tiến hành kháng Pháp và khi kháng chiến thất bại,
đã đứng ra ký các Hiệp định nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông (năm 1862)
và 3 tỉnh miền Tây (năm 1874). Đây là những chứng cớ và cơ sở pháp lý
quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất này.
Sau
khi lập ra Liên bang Đông Dương, trên cơ sở nghiên cứu lịch sử thực thi
chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, Pháp đã tiến hành hoạch định biên giới
giữa Nam Kỳ và Cămpuchia theo luật của nước Pháp. Việc khảo sát, đo đạc
trên thực địa được tiến hành bởi các chuyên gia Pháp và Cămpuchia. Năm
1889 giữa Pháp và Cămpuchia đã ký một loạt các văn bản pháp lý về hoạch
định, phân giới cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Cămpuchia. Tất cả các
văn bản pháp lý này đều khẳng định vùng đất Nam Kỳ hoàn toàn thuộc về
Việt Nam.
Trước
những thắng lợi liên tiếp của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến
chống Pháp, ngày 4 tháng 6 năm1949 tổng thống Vincent Aurol ký Bộ luật
số 49 - 733 trả lại Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại. Trong Bộ luật còn có
chữ ký của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp.
Giải
thích những thắc mắc của vương quốc Cămpuchia về quyết định này, ngày 8
tháng 6 năm 1949 Chính phủ Pháp đã có thư chính thức gửi quốc vương
Sihanouk, trong đó có đoạn nói rõ: “Về pháp lý và lịch sử không cho
phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Cămpuchia
để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ” vì “Nam Kỳ đã được An
Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm1862 và 1874…. chính từ triều
đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam… về pháp lý, Pháp
có đủ cơ sở để thoả thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế
chính trị của Nam Kỳ”. Trong bức thư đó Chính phủ Pháp còn khẳng định: “thực tế lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới ” và
“Hà Tiên đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715
và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam
từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến” [14].
Vậy
là đến năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn “bán” cho
Pháp, đã được trả lại bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Chính phủ
Pháp còn khẳng định những cơ sở lịch sử và luật pháp của văn bản này với
vương quốc Cămpuchia. Từ đó về sau chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam
Bộ liên tục được tất cả các Hiệp định định có giá trị pháp lý quốc tế
như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) công nhận.
Như
vậy, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ
được khẳng định bởi tính tính chính đáng trong quá trình thụ đắc lãnh
thổ cũng như công lao của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
vùng lãnh thổ đó suốt từ thế kỷ XVII đến nay mà còn phù hợp với nguyên
tắc uti possidetis (tôn trọng nguyên trạng), phù hợp thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành.
Kết luận
Vùng
đất Nam Bộ vốn là một địa bàn giao tiếp và đã từng có nhiều lớp cư dân
đến khai phá. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân vùng đất này đã xây
dựng nên nhà nước Phù Nam. Trong thời kỳ phát triển nhất vào khoảng thé
kỷ V-VI, Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng và trở thành một đế chế rộng lớn
với nhiều thuộc quốc phân bố ở phía nam bán đảo Đông Dương và bán đảo
Malaca. Vào đầu thế kỷ VII đế chế Phù Nam tan rã, nước Chân Lạp của
người Khmer, vốn là một trong những thuộc quốc của Phù Nam ở vùng Tongle
Sap đã tấn công đánh chiếm vùng hạ lưu sông Mêkông (tương đương với
vùng đất Nam Bộ ngày nay).
Tuy
nhiên, trong suốt thời gian gần 10 thế kỷ vùng đất Nam Bộ không đựơc
cai quản chặt chẽ và gần như bị bỏ hoang. Từ cuối thế kỷ XVI và đặc biệt
là từ đầu thế kỷ XVII, dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn người Việt đã
từng bước khai phá vùng đất này. Người Việt đã nhành chóng hoà đồng với
các cộng đồng cư dân tại chỗ và những cư dân mới đến (người Hoa) cùng
nhau mở mang, phát triển Nam Bộ thành một vùng đất trù phú. Cũng từ đây
người Việt là cư dân chủ thể và thực sự quản vùng đất này. Từ đó đến nay
chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã được khẳng định không chỉ bằng thực
tế lịch sử mà còn trên các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng
quốc tế thừa nhận.
Trong
suốt hơn ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ
người Việt Nam (với ý nghĩa cộng đồng cư dân đa dân tộc) đã đổ biết bao
công sức để dựng xây và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Mỗi tấc đất nơi đây đều
thấm đẫm mồ hôi và máu. Chính vì thế mà đối với mỗi người dân Việt Nam,
Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế,
còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng.
[2] Vann Molivann: Plan d’ urgence pour la réhabilitation des ressources culturelles, humaines et economiques des Sites d’Ankor, trong tập “Conservation of Cultural Heritage and International Assistance in Asian Countries”, Nara 1993, tr. 45.
[3] Lịch Đạo Nguyên: Thủy Kinh chú.
[4] Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974.
[5] ý kiến của các chuyên gia Ramesh, Raman (Ấn Độ) và N. Karashima (Nhật Bản).
[6] Tùy thư.
[7] Tân Đường thư.
[8] Lê Hương, sđd, tr. 93.
[9] Mã Đoan Lâm: Văn Hiến thông khảo
[10] Võ Sỹ Khải: Nghiên cứu văn hoá khảo cổ ốc Eo: mười năm nhìn lại, Khảo cổ học, số 4/1985.
[11] Chu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ kí (bản chữ Hán, mục Sơn xuyên)
[12] A. Dauphin Meunier: Le Cambodge, Paris 1965, tr.56.
[13] Raoul Marc Jennar, Les Frontières du Cambodge contemporain. INALCO, Paris 1998, tr. 89
[14] Dẫn theo Raoul Marc Jennar, sđd, tr. 97.
Sách dẫn
1. Bộ ngoại giao Campuchia: Sách đen.Phnom Penh, 1978
2. Christopho Borri: Xứ Đàng trong năm 1621, Hà Nội, 1998.
3. Cœdès G.: Deux inscriptions sanskrites du Fou-nan, BEFEO vol. XXXI, 1931.
4. Dauphin Meunier A.: Le Cambodge, Paris, 1965.
5. Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn, 1974
6. Hà Văn Tấn: Phù Nam và Óc Eo: ở đâu? Khi nào? và Ai? // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.
7. Vũ Minh Giang: Quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ phía nam của Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.
8. Malleret L.: L’Archeologie du Dellta du Mékong, BEFEO vol XL-IXI, Paris 1959 -1963.
9. Nguyễn Văn Hầu: Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long, chặng cuối cùng của cuộc Nam tiến, Sử Địa, 1970 số 19 - 20.
10. Raoul Marc Jennar: Les Frontières du Cambodge contemporain. INALCO, Paris 1998.
11.Vann Molivann: Plan d’urgence pour la réhabilitation des ressources culturelles, humaines et economiques des Sites d’Angkor // Conservation of Cultural Heritage and International Assistance in Asian Countries, Nara 1993.
12. Võ Sỹ Khải: Nghiên cứu văn hoá khảo cổ Óc Eo: mười năm nhìn lại, Khảo cổ học, số 4/1985.
Bài in trong: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001 - 2006), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006