Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

43. Ổn định Biển Đông


Ảnh minh họa
LTS. Biển Đông, từ ngàn xưa vốn đã có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế và vị trí chiến lược với các nước trong khu vực. Ngày nay, tầm quan trọng của nó đã vượt khỏi phạm vi khu vực và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia. Thế nhưng, vì là một vùng biển "vàng" nên Biển Đông luôn tiềm ẩn những bất ổn có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan bất chấp luật pháp quốc tế và thiếu tôn trọng lịch sử. Vậy các quốc gia may mắn có biển này phải làm thế nào để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình và hợp tác?

Một cách tự nhiên, Biển Đông là nơi liên kết các nền văn minh và kinh tế giữa các nước Đông Nam Á và giữa họ với phần lục địa phía Nam Trung Quốc. Với vị trí địa chính trị, cấu tạo tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội liên kết giữa các quốc gia, Biển Đông là ngôi nhà chung của các nước trong khu vực và là quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Biển Đông không thuộc hoàn toàn riêng về một nước nào. Bởi thế, các vấn đề của Biển Đông cần được các nước trong khu vực giải quyết trên tinh thần cầu thị, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ pháp luật quốc tế, cùng nhau tìm một giải pháp công bằng, mà các bên có thể chấp nhận.
Vùng biển vàng chiến lược
Với diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông, Biển Đông là một vùng biển nửa kín được bao bọc bởi Việt Nam và 8 nước khác là Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của trên 300 triệu người dân các nước nói trên. Không những thế, vùng biển này còn là địa bàn địa kinh tế - chính trị chiến lược không chỉ đối với ASEAN, các nước khác trong khu vực mà còn cả châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới với khoảng 150 - 200 tàu lớn qua lại mỗi ngày và khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hongkong.
Nhiều nền kinh tế ở khu vực Đông Á phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc bởi đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vì vậy, nếu Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.
Không chỉ có giá trị về hàng hải, Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí, khí tự nhiên), du lịch và là khu vực đa dạng bậc nhất thế giới về sinh học và môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippin, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm). Biển Đông được coi là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích giàu dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 02 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối.
Cần duy trì ổn định
Chính bởi sự giàu có và vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu của mình, nên Biển Đông đã trở thành một trong những vùng biển thường xẩy ra các cuộc tranh chấp phức tạp bậc nhất trên thế giới. Hơn nữa, ở Biển Đông không chỉ đơn thuần là tranh chấp về mặt luật pháp quốc tế về biên giới biển, lãnh thổ trên biển mà nó còn được thúc đẩy bởi những lợi ích về địa - chính trị. Và đáng buồn thay, những tranh chấp và va chạm trên vùng biển này gần đây lại có xu hướng gia tăng tỷ lệ thuận với sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế và quân sự của một số cường quốc liên quan.
Tiếp đó là việc Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" hồi tháng 7/2010 và Mỹ tuyên bố bảo đảm lợi ích chiến lược của họ tại Biển Đông tháng 10/2010... Trong ASEAN, thì các tranh cãi về chủ quyền cũng xuất hiện giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với Philippine, với Malaysia… Tình hình ơrở Biển Đông sau hơn 1 thập kỷ tương đối yên tĩnh bắt đầu nóng lên bằng việc tháng 5/2009, Trung Quốc đưa ra cái gọi là yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông và thi hành lệnh cấm đánh bắt cá vô căn cứ ở các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã làm dấy lên những quan ngại đáng kể cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Đặc biệt, vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh khi tàu này đang tiến hành khảo sát bình thường trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 26/5 đã gây ra phẫn nộ sâu sắc trong dư luận và đi ngược lại tuyên bố của lãnh đạo cấp cao hai nước. Hành động này đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của một nước Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" và gây quan ngại cho các nước trong khu vực bởi nó đe doạ hoà bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đi ngược lại xu thế chung của thời đại.
Hiện tại, trong khu vực Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu. Một là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và hai là những tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề. Hai loại tranh chấp này được hình thành vào các thời điểm khác nhau, có nội dung, mức độ khác nhau và diễn ra trên những phạm vi địa lý có liên quan đến các bên tranh chấp cũng rất khác nhau. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều có các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, mà điểm nóng nhất là ở 2 quần đảo của Việt Nam là Trường Sa và Hoàng Sa. Ở hai quần đảo này, đã âm ỉ mấy chục năm nay các tranh chấp và xung đột về tuyên bố chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam, với Philippines, Malaysia, Singapore…
Giải pháp nào để có vùng biển hòa bình?
Biển Đông quan trọng là thế, và cũng vì thế mà nó luôn tiềm ẩn những “dư chấn”, thậm chí có thể xuất hiện "sóng thần" nếu các bên thiếu kiềm chế còn một bên thì cố hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ bằng mọi giá và bất chấp tất cả. Để tránh xung đột, trước hết, tất cả các bên liên quan phải hành xử một cách thận trọng và tận dụng mọi kênh ngoại giao để duy trì hoà bình tại vùng biển này để giải quyết khi có bất cứ kịch bản nào xẩy ra. Vậy tình hình Biển Đông sẽ diễn ra theo kịch bản nào? Giữ nguyên trạng, xấu đi hay tốt lên trong tương lai?
Theo các học giả tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức tháng 4/2011 đều cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra với Biển Đông: Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì họ đã tuyên bố, đó là "tạo dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác". Hai là, tình hình diễn ra cơ bản với quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình trở nên xấu hơn với xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng không xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn. Nếu chiểu theo các kịch bản như trên, thì có thể thấy rằng Biển Đông hiện nay đang ở dạng kịch bản thứ ba.
Vậy giải pháp nào để duy trì Biển Đông là "vùng biển hòa bình và hợp tác" và không để kịch bản xấu nhất xẩy ra? Về phía Việt Nam, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn muốn có một Biển Đông ổn định và luôn theo đuổi các giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp. Tại buổi họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 hôm 9/4/2010, trả lời câu hỏi liên quan đến chủ đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên Biển Đông là lợi ích chung và là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN, trong khu vực". Thủ tướng nhấn mạnh: "Với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan cần tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC, cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982". Nhưng chỉ có Việt Nam có thiện chí và muốn ổn định không thôi là chưa đủ, mà trước hết, cần có sự tuân thủ và thiện chí hợp tác của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.
Trên tinh thần đó, phát biểu tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (Đối thoại Shangri- La) tại Singapore hôm 5/6 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: "Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, an ninh quốc gia của VN gắn liền với an ninh khu vực và thế giới". Và để có được môi trường hòa bình cho Biển Đông, theo Đại tướng Thanh, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và cần nhanh chóng cùng với Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Bên cạnh đó, các bên liên quan cũng cần tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Ngoài ra, các bên cần tăng cường hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Khi có các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, các bên cần kiên trì, kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.
Mong muốn một môi trường hòa bình cho Biển Đông không chỉ là nguyện vọng riêng của Việt Nam, mà còn là của tất cả các nước trong khu vực và các quốc gia khác có lợi ích liên quan. Bởi như ông Nazery Khalid, Chuyên viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Biển Malaysia nhấn mạnh trong tham luận tại Hội thảo về Biển Đông lần I do Học viện Ngoại giao tổ chức tháng 11/2009, rằng: "Không ai muốn xung đột mà tất cả chúng ta đều muốn sử dụng các nguồn tài nguyên mà vùng biển này cung cấp để trở nên thịnh vượng về kinh tế và sinh sống hòa bình. Một số nhân vật chính trên sân khấu Biển Đông cần phải từ bỏ tâm lý thắng-bằng-mọi-giá trong việc đòi chủ quyền và bảo vệ lợi ích của họ tại Biển Đông". Quả đúng như vậy, bởi ổn định để hợp tác ở Biển Đông sẽ là con đường dẫn tới sự thịnh vượng chứ Biển Đông không phải là sân khấu cho các cuộc tranh chấp và xung đột của những lực lượng kỳ vọng chiến thắng trên sự phi lý
Đức Trí

Tranh chấp biển đảo và thực tiễn quốc tế
Việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên thế giới được thực hiện dựa trên nguyên tắc chiếm hữu thật sự hay còn gọi là thụ đắc lãnh thổ và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình.
Nguyên tắc chiếm hữu thật sự được đề cập trong nghị quyết của Hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 giữa 13 nước châu Âu và Mỹ, theo đó, quốc gia được công nhận là chủ sở hữu vùng đất mới nếu ngoài việc phát hiện đầu tiên phải tiếp theo đó các hành động thực tế là: Thông báo việc chiếm hữu cho các nước tham gia hiệp định; và Duy trì quyền lực một cách phù hợp trên lãnh thổ được chiếm hữu. Năm 1888, Viện Pháp Luật Quốc tế Lausanne đã ra tuyên bố khẳng định nguyên tắc này, làm cho nguyên tắc này trở nên chiếm ưu thế, phổ biến trên thế giới và được thừa nhận chung. Hiện trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, nhưng nguyên tắc này vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn được các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Đơn cử, năm 1606, Tây Ban Nha đã chiếm hữu hòn đảo Palmas ở đông nam Philippineses cùng với các đảo khác trong quần đảo Philippines. Nhưng họ mới chỉ tuyên bố quyền chiếm hữu tượng trưng, chưa có tổ chức hành chính và biện pháp cai trị gì và đến cuối thế kỷ 17 thì rút bỏ hoàn toàn. Sau đó Hà Lan đã chiếm hữu đảo này và ký một loạt hiệp nghị và văn kiện với các tù trưởng địa phương. Sau khi cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, theo Hòa ước Paris ký năm 1898, Tây Ban Nha nhường cho Mỹ quần đảo Philippines, trong đó gồm cả đảo Palmas. Đầu năm 1906, khi Mỹ đã tiếp quản thì thấy đảo đang do chính quyền Hà Lan quản lý. Sự việc được đưa ra Tòa án quốc tế La Haye và Hà Lan đã thắng cuộc, vì sau khi Tây Ban Nha chấm dứt chủ quyền đối với đảo này, nó đã trở thành vô chủ. Hà Lan đã chiếm hữu đảo và tổ chức quản lý kiểm soát thực sự, công khai, liên tục.
Còn trong vụ tranh chấp quần đảo Minquier và Écrehous giữa Anh và Pháp năm 1950, Pháp lập luận là năm 1204, sau khi quan hệ giữa Anh và Pháp bị cắt đứt, vua Philip II Augustus đã nắm lấy quần đảo Minquier và về địa lý hành chính, quần đảo này vốn phụ thuộc quần đảo Jersey của Pháp. Còn Anh thì đã chứng minh chủ quyền của mình đã được thiết lập ở đây từ nhiều thế kỷ. Cuối cùng, tòa án đã xử cho Anh thắng cuộc, vì tòa án quốc tế quan tâm đến bằng chứng có quan hệ trực tiếp đến việc sở hữu hơn là đến những bằng chứng trừu tượng.
Một trường hợp khác là đảo san hô Clipperton nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, cách bờ biển Mexico về phía tây nam 500 hải lý. Người Mexico đến đảo này từ những năm 1892 đến 1897, không hiểu sao lại bỏ về. Đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Mỹ có làm một đường bay và trạm chuyển vũ khí ngang Thái Bình Dương. Sau chiến tranh họ bỏ lại ở đây nhiều đạn dược chứ không ở. Năm 1966, Pháp đến lập một đài khí tượng ở đây, treo cờ Pháp và đến năm 1969 thì tướng De Gaulle tuyên bố đảo Clipperton thuộc nước này. Hiện nay, Pháp tiếp tục khai thác hòn đảo này, sửa đường bay, lập trạm nghiên cứu sinh học, xây dựng các khu kinh tế đặc biệt… Mặc dù đảo cách Pháp trên 10.000 hải lý, nhưng khi xảy ra tranh chấp, Tòa án quốc tế đã kết luận đảo đó thuộc Pháp vì nước này đã thiết lập chủ quyền trên đảo này trước tiên.
Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông, có bờ biển dài hơn 3260km với hàng ngàn hòn đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, trong đó có những quần đảo như quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển tới trên 150 hải lý, quần đảo Trường Sa cách bơ khoảng 250 hải lý. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo từ khi chúng chưa thuộc về bất cứ quốc gia nào, và liên tục, thực sự thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước mà qua lịch sử mấy trăm năm không hề có một quốc gia nào lên tiếng phản đối. Như vậy, có thể nói Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ dựa trên những chứng cứ lịch sử mà còn dựa trên cơ sở chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế.
Phương Nguyên (Tổng hợp)




Kiểu gì cũng cứ bám biển
"Sợ thì không bao giờ sợ rồi. Vì Hoàng Sa là của mình thì mình đánh bắt. Chỉ sợ mình thành trắng tay, không còn phương tiện để ra khơi nuôi vợ con mà thôi". Anh Võ Đào, người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thở dài thườn thượt khi kể lại chuyện Tàu cá QNg 90 019 TS do anh làm thuyền trưởng bị tàu kiểm ngư Trung Quốc bắt, thu hết hải sản và tài sản trên tàu giữa biển khơi ngày 9/5. Chị Liên, vợ anh Đào cũng lo lắng: "Nếu anh bị bắt, giam tù, xem như bốn mẹ con tôi đói".
Nỗi lo của anh Đào, chị Liên khi bị nước ngoài bắt chắc hẳn là tâm trạng chung của nhiều ngư dân Quãng Ngãi. Chỉ riêng tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, có nhiều trường hợp bị tàu nước ngoài bắt, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Từ một gia đình làm ăn có máu mặt, anh Tiêu Viết Là sau bốn lần bị tàu nước ngoài bắt, đã trở nên khánh kiệt, nợ ngân hàng, bà con hàng xóm và các đầu nậu tới mấy trăm triệu.
Đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân và các tàu hoạt động ở vùng biển Việt Nam không may bị bắt, hoặc cướp bóc tài sản… Các hỗ trợ cụ thể như bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu để ngư dân có rơi vào hoàn cảnh đó vẫn có thể đi biển trở lại và sống bằng nghề cha ông họ đã sống. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, hiện nay lực lượng hỗ trợ ngư dân trên biển có hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng. Để hỗ trợ trực tiếp ngư dân thì cần lực lượng kiểm ngư với những con tàu phù hợp thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá trên biển, hỗ trợ ngư dân, đặc biệt ở những vùng biển đánh bắt xa bờ. Ngày 23/5, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ việc thành lập lực lượng này. Dự án quản lý tàu cá bằng quan sát vệ tinh, trong đó có ưu tiên lắp đặt thiết bị cho các tàu thuộc tổ đội đánh bắt xa bờ, cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, để ngư dân không nản lòng mà kiên trì bám biển mưa sinh và góp phần bảo vệ lãnh hải của đất nước, họ vẫn cần sự tiếp sức nhiều hơn của chính quyền.
An Nam
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/6/2B0C50966DFE38FB/