Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

45. Hệ lụy Libya


LTS. Cuộc khủng hoảng chính trị tại một số quốc gia ở Bắc Phi -Trung Đông nói chung và tại Libya nói riêng đang đặt ra nhiều câu hỏi cho cộng đồng quốc tế cùng với những hệ lụy chết người của nó!

Liệu có vết "dầu loang"?
Liệu làn sóng biểu tình ở một số nước khu vực Bắc Phi có lan sang các khu vực lớn khác trên thế giới? Câu trả lời là rất ít bởi mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều có bối cảnh chính trị và điều kiện phát triển khác nhau. Tuy nhiên, có thể là quá sớm để loại trừ hoàn toàn nguy này bởi ngoài những nguyên nhân đặc thù ở các nước Trung Đông - Bắc Phi nổ ra xung đột, thì thiếu việc làm, giá lương thực tăng cao... là nguyên nhân gây ra bất ổn, điều mà nhiều nơi cũng đang phải đương đầu. Ví dụ như cuộc biểu tình của 100.000 người ở New Dehli vừa rồi để phản đối giá lương thực ngày càng tăng cao. Đây cũng là một sự kiện hiếm hoi ở đất nước hơn 1 tỷ dân và nền nông nghiệp khá phát triển.
Ở một số nước châu Á khác, tuy cũng có một số bất bình ở một bộ phận nhỏ dân chúng nhưng cũng chủ yếu liên quan đến các bất đồng về đất đai, sự phân hóa xã hội và nạn tham nhũng. Thế nhưng, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cũng như sự ổn định truyền thống về chính trị làm cho người dân các nước này nhận thấy những dấu hiệu tích cực đối với đời sống của chính họ.
Khu vực Mỹ Latinh, đa số các nước phát triển theo con đường dân chủ, chính quyền được người dân lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử. Chẳng hạn, nguyên thủ quốc gia của Brazil hiện nay là một phụ nữ, do dân bầu. Còn ở khu vực Trung Á, có thể đây là khu vực dường như dễ bị tác động của hiệu ứng “vết dầu loang” hơn cả. Andrey Volodin, Chuyên viên của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, nhận xét: "Ở Trung Á, sau khi tách khỏi Liên Xô trước đây, nhiều quốc gia vẫn chưa xây dựng được nền kinh tế hiệu quả và không có các cơ chế chính trị mở. Chính sự không hài lòng của dân chúng sẽ gây ra các cuộc cách mạng sắc màu với sự tác động của các nhóm cực đoan bên ngoài". Chẳng hạn, chính biến ở Kyrgyzstan năm 2010 cho thấy tình hình chính trị ở một số nước trong khu vực có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Giáo sư Nasrulla Stanakzai của trường Đại học Tổng hợp Kabun nhận định nếu không tiêu diệt các phần tử cực đoan của al-Qaeda và Taliban trên địa bàn Afghanistan, nay mai các hiện tượng tiêu cực đó sẽ diễn ra ở những khu vực khác.
Hệ lụy kinh tế
Hậu quả sẽ ra sao khi cuộc khủng hoảng hiện nay làm đình trệ hoạt động khai thác và xuất khẩu ở Trung Đông và Bắc Phi?
Dầu mỏ vẫn được xem là huyết mạch nuôi dưỡng nền kinh tế thế giới. Theo phân tích của ngân hàng Deutsche Bank, với mức tiêu thụ trên toàn cầu là 86 triệu thùng dầu thô/ngày, quy theo giá 100 USD/thùng, một năm chi phí cho dầu mỏ của nền kinh tế thế giới là hơn 3.000 tỷ USD, chiếm 4,7% tổng sản lượng kinh tế thế giới. Nếu giá dầu tăng đến 120 USD, tỷ lệ này sẽ vượt quá mức 5,5%, khiến tăng trưởng kinh tế bị cản trở. Kể từ năm 1970 đến nay, 5 cuộc suy thoái toàn cầu (1974, 1980, 1990, 2001 và 2008) đều diễn ra sau một đợt giá dầu tăng vọt. Việc giá dầu tăng vọt tương ứng với các biến cố chính trị và quân sự lớn, như cuộc chiến tranh giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria năm 1973, cách mạng Iran năm 1979, hay chiến tranh vùng Vịnh năm 1990. Tiếp theo đó là đợt nhu cầu dầu mỏ tăng đột biến năm 2000. Còn cuộc khủng hoảng năm 2008 là do nhu cầu tăng đột ngột của hàng loạt quốc gia đang trỗi dậy.
Hơn một tháng trước, giá dầu thô Brent đứng ở mức 96 USD/thùng khi ông Hosni Mubarak vẫn còn là Tổng thống Ai Cập. Giờ đây Mubarak đã ra đi cùng với làn sóng biểu tình đang làm lung lay ghế của nhiều nhà lãnh đạo khác ở Bắc Phi và Trung Đông. Giá dầu đã vượt 115 USD/thùng - giá cao nhất kể từ tháng 9/2008. Điều này không gây ngạc nhiên bởi khu vực này cung cấp 35% sản lượng dầu mỏ của thế giới. Libya, tâm điểm của bất ổn hiện nay, cung cấp 1,7 triệu trong tổng số 88 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho thế giới. Làn sóng bất ổn trong khu vực được cho là lý do khiến giá dầu tăng thêm 20%.
Sau cú sốc hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, thế giới đã nhanh chóng xây dựng kho dự trữ dầu để đề phòng bất ổn tái diễn, chẳng hạn kho dự trữ chiến lược 727 triệu thùng của Mỹ. Vì vậy, tác động của khủng hoảng sẽ phụ thuộc vào sản lượng dầu bị giảm bao nhiêu và trong bao lâu. Tuy nhiên, việc giá dầu đột ngột tăng vọt không phải lúc nào cũng dẫn đến suy thoái kinh tế, như thực tế đã xảy ra vào giữa những năm 2002-2006. Đó cũng là lý do khiến Trợ lý Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) John Lipsky cho rằng hiện tại, ít có khả năng việc giá dầu tăng vọt sẽ tác động lớn đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Khủng hoảng tị nạn
Tình hình bất ổn tại các nước Ả Rập ở Bắc Phi không chỉ là một cuộc khủng hoảng chính trị, mà nó còn có thể sớm châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tỵ nạn toàn cầu. Sau khi chế độ Ben Ali sụp đổ, khoảng 5.000 người Tunisia đã tìm cách chạy sang Italia. Những người này đang bị tạm giữ trên đảo Lampedusa, trong lúc chính phủ Italia đang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, sự hỗn loạn chính trị đang làm gián đoạn các nền kinh tế từ Maroc tới Vịnh Batư, khiến những người thất nghiệp phải đi tìm việc ở nước ngoài. Giá dầu đã tăng mạnh, có nghĩa là giá lương thực cũng sẽ sớm tăng theo, làm trầm trọng thêm cảnh cơ cực của những người nghèo trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh đó, dân số tại khu vực này lại không ngừng tăng lên. Khoảng 2/3 số dân Ả rập dưới 25 tuổi. Trong vòng 15 năm tới, khu vực này cần tới 80 triệu việc làm mới để bắt kịp với mức bùng nổ dân số.
Hiện nay mỗi năm châu Âu đang phải tiếp nhận 1,7 triệu người nhập cư, dù tự nguyện hay không tự nguyện, trong đó phần lớn đến từ Trung Đông và Bắc Phi, và họ chủ yếu theo đạo Hồi. Những người nhập cư này thường không được trang bị các kỹ năng cần thiết để thành công trong một nền kinh tế phát triển. Theo kết quả thống kê, từ năm 1971-2000, số người nhập cư sống tại Đức tăng hơn gấp đôi, từ 3 triệu người lên 7,5 triệu người nhưng số lượng người nhập cư trong lực lượng lao động Đức lại không hề tăng: vẫn giữ nguyên ở mức 2 triệu người.
Nguy cơ Hồi giáo cực đoan
Giới phân tích đang quan ngại rằng khi các chế độ chuyên quyền khắp thế giới Ả Rập sụp đổ hoặc phải vật lộn để tồn tại, một khoảng trống an ninh hậu bất ổn có thể làm tăng nguy cơ từ những kẻ thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Cho đến nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn chưa đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc nổi dậy của người dân Ả Rập mà những người giữ vai trò này là một thế hệ thanh niên mới có học, theo chủ nghĩa thế tục và đầy tham vọng. Họ đã thành công ở Tunisia và Ai Cập, làm rung chuyển các chính phủ tại Yemen, Baranh, Syria, Libya...
Mặc dù những nhóm Hồi giáo cực đoan có thể tham gia các cuộc biểu tình của người dân, song dường như các nhóm này đang "tọa sơn quan hổ đấu" để trục lợi từ sự thất vọng hay hỗn loạn hậu khủng hoảng. Hiện nay, người ta vẫn đang suy đoán về vai trò chính trị của những nhóm Hồi giáo cực đoan tại các nước như Ai Cập và Tuynidi bởi những chế độ thay thế Hosni Mubarak và Ben Ali vẫn chưa được quyết định. Mọi thứ đang được tái cấu trúc, kể cả hoạt động chính trị Hồi giáo.
Tư tưởng thánh chiến cực đoan có thể phát triển sau các cuộc biểu tình. Phong trào thánh chiến ở Libya tập trung tại các thành phố miền Đông là Darnah và Benghazi, những khu vực đầu tiên rơi vào tay những người biểu tình chống chính phủ. Các chuyên gia cho rằng, nếu ông Gaddafi thất bại tại Libya, những phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ mở rộng phạm vi hoạt động tại Libya. Nếu chế độ không sụp đổ và xảy ra nội chiến giữa các khu vực phía đông và phía tây của đất nước, lực lượng này cũng có thể trỗi dậy để mở rộng hoạt động trong bối cảnh hỗn loạn. Ngoài ra những kẻ thánh chiến cũng có thể cướp vũ khí của quân đội để tự trang bị thành những đội quân hùng mạnh.
Tình hình cũng tương tự tại Ai Cập. Ayman al-Zawahiri, người Ai Cập, là Phó tướng của trùm khủng bố Osama bin Laden và được coi là đầu não thực sự của al-Qaeda. Trong các cuộc nổi dậy vừa qua tại Ai Cập, hầu hết những kẻ thánh chiến đã thoát khỏi nhà tù sau khi cảnh sát và lính gác nhà tù đã biến mất một cách bí mật. Syed Saleem Shahzad, một chuyên gia về Hồi giáo người Pakistan kết luận rằng các cuộc nổi dậy trên đường phố tại thế giới Arập có thể mang lại cho các nhóm Hồi giáo cực đoan uy tín chưa từng thấy.
Bàn tay bên ngoài?
Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ở khu vực Trung Đông, trong đó có Tuynidi, Ai Cập, Yemen... đang lâm vào tình trạng rối ren do làn sóng bạo động chống chính phủ dâng cao, cộng với quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Libya tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ)…, Mỹ và phương Tây đang dự tính can thiệp quân sự vào Libya, với lý do quốc gia Bắc Phi này đang trên bờ vực nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, những toan tính đó không dừng lại ở hai từ "can dự". Trên thực tế, hiện Mỹ đã triển khai lực lượng không quân và hải quân đến gần sát đất nước Libya. Khúc dạo đầu của chiến lược can thiệp bằng vũ lực của Washington có thể bằng sự kiện hàng trăm cố vấn quân sự của Anh, Pháp và Mỹ đã tới miền Đông Libya - thành trì của phe nổi dậy.
Các nhà phân tích cho rằng, hiện Washington đang thực thi chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" khi toan tính can thiệp quân sự vào Libya. Mạng tin Worldnews dẫn lời Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng, "củ cà rốt" ở đây là sự vỗ về với chính quyền Gaddafi khi mọi giải pháp chính trị còn hữu dụng, còn "cây gậy" là khi tàu đổ bộ của Mỹ đang áp sát vùng biển của Libya và "mọi phương án đều đang tính tới".
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, con bài lợi ích thực sự của Mỹ tại Trung Đông lại nằm ở các mỏ dầu. Đến nay, cả Mỹ và Anh đều không còn úp mở về ý muốn Đại tá Gaddafi phải rời ghế lãnh đạo Libya. Iran, Cuba và Venezuela lên tiếng cáo buộc Mỹ không hề quan tâm đến hòa bình ở đây mà ngược lại họ muốn có được nguồn dầu mỏ của quốc gia Bắc Phi này. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc tuyên bố phản đối sự can thiệp của lực lượng quân sự nước ngoài vào khu vực.
Từ châu Mỹ, châu Á đến châu Âu, từ nông thôn đến thành thị, từ những lao động chân tay đến các chính trị gia danh tiếng đều đang dõi theo những diễn biến mới nhất tại "rốn" dầu thế giới. Quả không sai khi nói rằng mọi sự chú ý đều đang đổ dồn về Bắc Phi và Trung Đông bởi những hậu quả nhãn tiền của cuộc khủng hoảng tại khu vực này đang đến.
KHAI TÂM

Ai Cập: Sau mưa trời lại sáng
Thu Hà (từ Cairo, Ai Cập)
Tác giả Thu Hà: “Đất nước Ai Cập đang dần trở lại với vẻ thanh bình và quyến rũ vốn có của nó, nhưng vào lúc này Ai Cập sẽ đi theo con đường nào thì thật khó mà dự đoán trước được”

Vậy là sóng gió đã tạm qua đi. Đất nước Ai Cập tươi đẹp giờ đã bước sang một giai đoạn mới.
Những ngày qua thực sự là quãng thời gian khó quên đối với bất cứ ai được chứng kiến trực tiếp sự kiện này. Thật không thể tưởng tượng từ Tunisie, các cuộc biểu tình đã lan nhanh đến một trong những quốc gia quan trọng nhất của khối Ả-rập và khu vực Trung Đông. Người Ai Cập thường do dự khi nói về chính trị, về Tổng thống Mubarak, về chế độ chính trị cầm quyền và thường từ chối nói thẳng quan điểm chính trị của mình, nhưng giờ đây khi nhắc tới sự kiện này, nhiều người Ai Cập đã nói thẳng: "Vì chúng tôi đã nhẫn nhịn lâu rồi".
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập ngày 29/11/2010 khi Đảng của Tổng thống Mubarak giành hơn 80% số ghế ngay từ vòng đầu tiên. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, thật ngạc nhiên, một người bạn Ai Cập đã "buông" ra một câu nhận xét mà không ngờ đã trở thành sự thật: "Kết quả này là một thảm họa đối với Ai Cập". Và quả đúng như vậy. Ngay sau bầu cử, đã xảy ra một số cuộc biểu tình bạo lực phản đối kết quả bầu cử, tố cáo tình trạng gian lận, kèm theo đó là việc hai đảng đối lập chính ở Ai Cập rút khỏi vòng 2 của cuộc bầu cử.
Chính thầy giáo của tôi đã nói rằng người Ai Cập muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; mong đợi sự thay đổi, nhưng "họ" không cho chúng tôi làm điều đó. Đơn giản là vì thầy không tìm thấy tên mình trong danh sách cử tri. Trong hơn 30 năm qua, điều này đã lặp lại nhiều lần đến nỗi người Ai Cập không còn muốn đi bỏ phiếu. Đối với đại đa số người dân Ai Cập, kết quả của những cuộc bầu cử đã được định đoạt từ trước. Lần này, chỉ có điều bất ngờ là kết quả lại chênh lệch lớn đến thế và sự gian lận lại công khai như thế.
Và rồi cuối cùng, cái gì đến cũng phải đến, ông Mubarak, 82 tuổi với hơn 30 năm "kinh nghiệm làm Tổng thống Ai Cập" đã buộc phải tuyên bố từ chức.
Trong những ngày biểu tình lên cao đó, tôi không ra ngoài nhiều trừ khi phải đi chợ mua thực phẩm. Không ít người bạn Ai Cập đã rất thành thực nói với tôi rằng họ rất xin lỗi khi để mọi người rơi vào tình trạng khó khăn và nguy hiểm này. Rằng bản thân họ cũng cảm thấy phiền lòng khi mà người nước ngoài nhìn Ai Cập trong những ngày này với con mắt dè chừng và thận trọng, đánh mất đi hình ảnh về Ai Cập, vốn nổi tiếng là một đất nước cởi mở và an toàn.
Tuy đây đó vẫn còn những tiếng nói phản đối, kêu gọi cải thiện đời sống nhân dân… nhưng một xu thế mới đang hình thành và không thể đảo ngược được. Đất nước Ai Cập đang dần trở lại với vẻ thanh bình và quyến rũ vốn có của nó, nhưng vào lúc này Ai Cập sẽ đi theo con đường nào thì thật khó mà dự đoán trước được.



Khi lực bất tòng tâm
Các nhà lãnh đạo châu Âu khi nói về can thiệp quân sự tại Libya đã khẳng định những nỗ lực dùng vũ lực sẽ có nhiều trở ngại, đơn cử là việc giành được "giấy phép" của LHQ, đảm bảo có Mỹ tham gia cũng như nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh Ả rập và châu Phi trong khu vực. Nhưng liệu có phải họ đang nghĩ tới một trở ngại khác là sự cắt giảm ngân sách quốc phòng ở nước mình?
Tại Anh, đề xuất thực hiện vùng cấm bay ở Libya hôm 28/2 của Thủ tướng David Cameron không hề ăn nhập gì với quyết định một ngày sau đó của chính phủ rằng 11.000 binh sĩ thuộc các lực lượng không quân, thủy quân và bộ binh sẽ bị sa thải để giải quyết món nợ cao như núi: 50 tỉ USD của Bộ Quốc phòng.
Anh không phải là nước duy nhất giảm quân số của lực lượng vũ trang. Khắp châu Âu, các chính phủ đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu quốc phòng. Đơn cử, Bộ Quốc phòng Đức đang dự kiến giảm 11 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong 4 năm tới, đồng thời giảm gần 40% quân số và đóng cửa một loạt các cơ sở quân sự.
Sự sa sút về kinh tế chỉ giải thích một phần cho sự cắt giảm này, bởi châu Âu đang tái cấu trúc các lực lượng vũ trang vốn tồn tại từ sau Chiến tranh Lạnh. "Hầu hết các cơ sở quốc phòng của châu Âu đã quá tải và chỉ phục vụ cho những gì diễn ra sau Chiến tranh Lạnh", Daniel Korski, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu nói.
Thêm vào đó, tái cấu trúc lực lượng vũ trang không có nghĩa là làm cho nó yếu đi, Scott A.Harris, một lãnh đạo của Lockheed Martin nhận định. "Đó là vấn đề về hiệu quả. Lực lượng vũ trang có thể nhỏ hơn, nhưng chúng phải được huấn luyện kỹ hơn cho những tình huống khác nhau để có thể cơ động, nhanh nhẹn và có thể thích ứng tốt hơn. Nếu thực hiện khéo léo, ngân sách có thể giảm mà không giảm khả năng".
Tuy nhiên, dù có cải cách, quân đội châu Âu vẫn thiếu phương tiện để hoạt động trên những chiến trường khắc nghiệt. Clara Marina O'Donnell, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách châu Âu, nói rằng năng lực phòng vệ của châu Âu thực sự đã giảm từ khi họ tham gia chiến dịch đánh bom của NATO năm 1995. "Châu Âu sẽ không sẵn sàng cho bất kỳ sự can thiệp nào vào Libya. Họ không thể lặp lại vụ Bosnia", bà nói.
Còn theo Daniel Keohane, chuyên gia quốc phòng tại Học viện nghiên cứu An ninh của EU (Paris), bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Libya cũng sẽ phải dựa vào Mỹ. Tuy nhiên, Chính quyền Obama đã không mặn mà với đề xuất vùng cấm bay của ông Cameron, trong khi 3 trong số 5 thành viên thường trực hội đồng bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc và Pháp đã tỏ thái độ phản đối.
Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, bài học rút ra từ Iraq và Afghanistan là mặc dù cân nhắc rất kỹ, sự can thiệp quân sự vội vàng sẽ mang lại nhiều nguy cơ; và vấn đề ở các nước Ả rập là do chính người Ả rập giải quyết, chứ không phải từ bên ngoài.
Phương Nguyên (Theo Time)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/3/08B80D88E126D2BE/