Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

50.Động lực G-20

LTS: Với số lượng thành viên chỉ bằng khoảng 10% tổng số các nền kinh tế trên thế giới, song G-20 lại chiếm tới 2/3 dân số, 90% GDP và hơn 80% tổng giá trị thương mại của thế giới. Vậy G-20 là gì? đã, đang và sẽ như thế nào? TG&VN xin giới thiệu cùng độc giả nội dung Bài chủ kỳ này.

Câu lạc bộ “đại gia"
Được thành lập năm 1999, G-20 bao gồm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới: Trước hết là 7 "đại gia" công nghiệp thuộc nhóm G-7 gồm Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Pháp, Anh, Italia; tiếp theo là 4 "đại gia" mới nổi thuộc nhóm BRIC gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc; rồi đến một số nền kinh tế có quy mô lớn khác như Australia, Achentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Arap Saudi; cuối cùng là EU, một nền kinh tế khu vực duy nhất được chấp nhận là thành viên tại G-20. Trong các cuộc họp của G-20, cũng thường xuất hiện một số khách mời đặc biệt bao gồm đại diện của một số nước và tổ chức quốc tế có liên quan. Gần đây, Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN cũng là một trong số khách tham dự đặc biệt đó. Năm nay, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam được mời tham gia vào một số diễn đàn của G-20, trong đó đặc biệt là các cuộc họp cấp cao tại Toronto (Canada) vào 26-27/6 và tại Seoul (Hàn Quốc) vào 11-12/ 11 năm nay.
Quản trị thế giới
Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998 đã trực tiếp khơi nguồn cho ý tưởng thành lập G-20 với tập hợp đông đảo hơn các nền kinh tế có năng lực cao để cùng đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính và các vấn đề toàn cầu liên quan đến phát triển. Năm 1998, khi cuộc khủng hoảng đang hoành hành ở châu Á, các nước đang phát triển, đặc biệt là các nhóm G-22 và G-33 (là hai nhóm quan trọng của các nước đang phát triển tại WTO) đã có nhiều cuộc họp bàn về khả năng phối hợp giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang phát triển nhằm đối phó với khủng hoảng. Thảo luận tại các cuộc họp này đã làm nảy sinh ý tưởng hình thành một cơ chế quản trị toàn cầu bao gồm các nước G-8 (nhóm G-7 + Nga), các nền kinh tế mới nổi (nhóm BRIC) và một số nền kinh tế quan trọng khác. Ý tưởng này đã được G-8 cụ thể hoá thành một sáng kiến và thúc đẩy quá trình hiện thực hóa. Cuộc họp "trình làng" đầu tiên của G-20 đã được bắt đầu vào giữa tháng 12/1999.
Cho đến năm 2008, G-20 chỉ duy trì cơ chế họp cao nhất là cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế thành viên. Nội dung thảo luận tập trung vào chính sách phát triển và các vấn đề về tài chính-tiền tệ với mục tiêu bảo đảm một hệ thống tài chính được kiểm soát tốt, chống gian lận và lạm dụng, chống tài trợ khủng bố, tăng cường khả năng phối hợp đối phó với khủng hoảng tài chính.
Tháng 11/2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu bùng nổ dữ dội, Hội nghị cấp cao G-20 đã được triệu tập khẩn cấp lần đầu tiên tại Washington để bàn cách đối phó với khủng hoảng.
Rõ ràng, khủng hoảng chính là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy G-20 ra đời và phát triển. Song, cũng phải thấy rằng, nguồn gốc sâu xa của vấn đề này nằm ở chỗ do sự yếu kém và bất lực của các định chế hiện hành trong quản trị kinh tế thế giới trước các thách thức mới mang tính toàn cầu như khủng hoảng tài chính-kinh tế, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ... Bản thân G-8, từ trước đến nay vốn được xem như là nhóm "lãnh đạo" kinh tế thế giới, cũng không thể tiếp tục đóng vai trò như vậy được nữa. Họ không còn "đủ sức" để tự mình đối phó mà phải cần đến sự hợp tác và phối hợp của các nền kinh tế mới nổi trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế-tài chính toàn cầu.
Từ Washington đến Seoul
Hội nghị các nhà lãnh đạo G-20 lần đầu tiên diễn ra tại Washington (Mỹ) vào tháng 11/2008 đã thảo luận và đạt được 5 kết quả hết sức quan trọng. Một là, nhất trí nhận định nguyên nhân khủng hoảng chủ yếu là do sự yếu kém của hệ thống tài chính-ngân hàng, đặc biệt là khâu quản lý thiếu chặt chẽ, giám sát và đánh giá rủi ro kém, không kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý trong mỗi nước cũng như thiếu các nỗ lực phối hợp chính sách vĩ mô giữa các quốc gia. Hai là, đề ra các hành động và biện pháp đối phó với khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt nhấn mạnh ổn định hệ thống tài chính, kích thích nội nhu, giúp các nước mới nổi và đang phát triển vượt qua khủng hoảng, tăng cường khuôn khổ pháp lý. Ba là, nhất trí cơ bản các nguyên tắc cải tổ hệ thống tài chính tại mỗi nước và quốc tế, trong đó nhấn mạnh tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của thị trường, tăng cường hệ thống pháp lý hiệu quả, đảm bảo tính gắn kết của thị trường tài chính toàn cầu, tăng cường phối hợp quốc tế và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế. Bốn là, tái khẳng định cam kết về các nguyên tắc của thị trường tự do, trong đó quan trọng là chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy vòng đàm phán Doha sớm kết thúc, nỗ lực thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Hội nghị cấp cao lần thứ hai tại London (Anh) tháng 4/2009 tập trung thảo luận về các biện pháp khôi phục tăng trưởng kinh tế, tăng cường giám sát tài chính và các thể chế tài chính toàn cầu, chống bảo hộ mậu dịch và bảo đảm phục hồi bền vững và công bằng. Hội nghị đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt đã khẳng định thực hiện các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị cam kết lên tới 5000 tỷ USD; nhất trí áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục tín dụng và tăng trưởng, khắc phục các yếu kém tài chính; chống cạnh tranh phá giá đồng nội tệ; cam kết tiếp tục xây dựng khung quản lý và giám sát tài chính mạnh hơn và nhất quán trên phạm vi toàn cầu; thành lập Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) để phối hợp với IMF cảnh báo sớm các rủi ro tài chính và kinh tế vĩ mô; tăng cường quản lý và giám sát tài chính song song với các biện pháp chế tài chống lại quyền tài phán bất hợp tác; quyết định tăng thêm 850 tỷ USD cho các thể chế tài chính quốc tế, trong đó 750 tỷ cho IMF và 100 tỷ cho các ngân hàng phát triển đa phương để hỗ trợ các nước đang phát triển tái cấp vốn ngân hàng, phát triển hạ tầng và hỗ trợ cán cân thanh toán; cam kết tiếp tục thực hiện gói cải cách quota bỏ phiếu trong IMF và cố gắng hoàn thành trước tháng 1/2011; đẩy nhanh hoàn thành cải cách WB vào năm 2010; quyết định tăng 250 tỷ USD cho chương trình tài trợ thương mại trong 2 năm tới thông qua các ngân hàng phát triển đa phương; cấp 50 tỷ USD viện trợ cho các nước thu nhập thấp để tiến hành hỗ trợ xã hội, thúc đẩy thương mại và phát triển; dành thêm 6 tỷ USD từ IMF để cho các nước nghèo nhất vay ưu đãi trong vòng 2-3 năm tới.
Hội nghị cấp cao lần thứ ba tại Pittsburgh (Mỹ) vào tháng 9/2009 đã thảo luận và thông qua Khuôn khổ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng và bền vững; đưa ra nhiều biện pháp cụ thể tăng cường chế tài và quản lý tài chính-ngân hàng quốc tế; quyết định một số biện pháp cải cách các thể chế tài chính toàn cầu, trong đó đáng chú ý là việc tăng tỷ lệ góp vốn của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển trong IMF thêm ít nhất 5% và tăng thêm ít nhất 3% quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển lấy từ nhóm các nước phát triển; cam kết nâng cao tính minh bạch và ổn định thị trường năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng sạch; tái khẳng định mục tiêu, nguyên tắc của Công ước khung Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao lần thứ tư vừa diễn ra vào 26-27/6/2010 tại Toronto (Canada). Các nhà lãnh đạo G-20 đã thảo luận các vấn đề như tăng cường các quy định về tài chính phù hợp hơn tại các nước, phối hợp các chiến lược phát triển trong đó có vấn đề nợ quốc gia, cải cách các thể chế tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ và tỷ giá, thương mại, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển ở các nước nghèo.
Hội nghị cấp cao lần thứ năm dự kiến sẽ diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) vào 11-12/11/2010 với chương trình nghị sự tiếp nối của các cuộc họp cấp cao trước và chủ yếu tập trung vào các vấn đề như ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, cải cách IMF. Hội nghị có thể sẽ xem xét cả vấn đề thể chế hoá G-20 và mở rộng thành viên.
“Diễn đàn số một về các vấn đề kinh tế-tài chính thế giới"
Đó là nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Jonas Gahr Store khi đánh giá về vai trò của G-20 trong bài viết đăng trên báo Công dân Ottawa của Canada mới đây. Điều này quả không sai. Với thành viên là những nền kinh tế hàng đầu, chiếm 2/3 nhân loại, 90% GDP và 80% thương mại của thế giới thì vị thế của nó hơn đứt tất cả các diễn đàn kinh tế - tài chính hiện nay trên thế giới. Chỉ từ tháng 11/2008 trở lại đây, với sự vào cuộc đầy quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao, G-20 đã nhanh chóng đưa ra được những quyết định "vĩ đại" và mạnh mẽ chưa từng thấy ở bất kỳ diễn đàn nào khác, nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu và giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới. Nhờ những biện pháp mạnh và hiệu quả được quyết định và triển khai, đặc biệt là một lượng tiền khổng lồ trên 5000 tỷ được huy động cùng với sự phối hợp khá thống nhất về chính sách giữa các nước G-20, khủng hoảng lần này đã không kéo dài và không quá nghiêm trọng. Hầu hết các nước đã thoát ra khỏi suy thoái kinh tế sau khoảng 3-4 quý khó khăn. Tuy còn nhiều rủi ro và bất ổn, song cơ bản kinh tế thế giới đang phục hồi và sẽ có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2010. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của G-20 trong thời gian qua lại thêm một minh chứng về một đặc điểm rất quan trọng của hệ thống quan hệ quốc tế đương đại là các nước trên thế giới hiện nay có sự hợp tác chặt chẽ chưa từng thấy trong đối phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính lan rộng và những thách thức nghiêm trọng có tính toàn cầu.
G-20 thay thế G-8?
Không ít người đặt vấn đề rằng G-20 ra đời và phát huy vai trò ngày càng lớn trong quản trị kinh tế toàn cầu và như vậy G-8 sẽ không còn vai trò "lãnh đạo" đối với thế giới nữa. Ý nghĩ này xem ra có vẻ có lý. Tuy nhiên, mặc dầu có vai trò "quyết định" và ngày càng tăng đối với hợp tác quốc tế về kinh tế-tài chính trên phạm vi toàn cầu, song G-20 cũng không thể hoàn toàn thay thế G-8 trong mọi vấn đề được. Có nhiều vấn đề của thế giới cho đến nay G-20 không hoặc chưa bàn đến, song lại được G-7 hoặc G-8 bàn và quyết định. Các cuộc họp của G-20 thường diễn ra sau G-7 hoặc G-8. Thậm chí, hầu hết các vấn đề mà G-20 bàn và ra quyết định đều đã được trao đổi và cơ bản thống nhât trong G-7 hoặc G-8. Có thể nói, nếu G-7 hoặc G-8 không nhất trí thì không thể có quyết định nào của G-20 được thông qua. G-7 hoặc G-8 vẫn song hành tồn tại và thực chất là hạt nhân của G-20.
TS. Phạm Quốc Trụ Học viện Ngoại giao
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2010/7/87405037F42CC39A/