Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

67. Đối thoại giữa các nền văn hóa trong xu hướng toàn cầu hóa



                                                        PGS. TS Trần Lê Bảo
                                                Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
     
      Trong quá trình phát triển, mỗi nền văn hóa đều tiếp xúc, giao lưu và đối thoại với nhiều nền văn hóa khác nhau. Quá trình tiếp xúc, giao lưu và đối thoại văn hóa,  giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng được phong phú, sáng tạo hơn, và những giá trị này là vô cùng phong phú. Chính sự đa dạng của các nền văn hóa mới làm nảy sinh nhu cầu giao lưu và đối thoại văn hóa.
  1. Bối cảnh thế giới đầu thiên niên kỷ thứ ba như một tiền đề đòi hỏi phải đối thoại giữa các nền văn hóa
       Xu thế toàn cầu hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, cấu trúc không gian của thế giới sẽ phải thay đổi, sự liên thông cả về không gian và thời gian có nhiều thuận lợi cho sự giao tiếp của các nền văn hoá. Một thế giới mới sẽ cởi mở hơn, đòi hỏi gắn kết và hòa nhập hơn. Những nền văn hóa của các cộng đồng khác nhau có nhiều cơ hội và điều kiện quan hệ qua lại với nhau bằng hàng ngàn cách thức khác nhau. Mỗi khu vực trên hành tinh đều đang trở thành đa dạng văn hóa và sức mạnh của sự đa dạng đang được phát huy cao độ. Mỗi nền văn hóa đều chứa đựng những sức mạnh riêng và đóng góp cho sự phát triển của loài người theo những cách khác nhau. Nếu nhân loại có thể ngăn chặn được bạo lực từ chiến tranh, từ chủ nghĩa khủng bố, từ xung đột tôn giáo và sắc tộc thì những thành quả văn hóa do nhân loại tạo ra là vô cùng phong phú, đời sống vật chất và tinh thần của nhân loại đã đạt được ở trình độ toàn thiện toàn mỹ. Tuy nhiên những thảm họa trên chỉ có thể ngăn ngừa khi những trao đổi thành thật và khoan dung giữa các nền văn hóa trở thành nhu cầu cấp bách và những nền văn hóa cùng hợp lưu thành một nguồn lực mạnh mẽ có thể xóa bỏ mọi bất công và cái ác, chỉ còn cái thiện và công lý trong xã hội loài người. 
 Bên cạnh đó sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi diện mạo của thế giới, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc giao tiếp nhanh chóng giữa các cộng đồng, cho mỗi nhà mỗi người trên hành tinh này. Những ý tưởng tốt đẹp, những giá trị văn hóa và quyền con người luôn được công khai trao đổi và được tôn trọng chính là hiệu quả tích cực của đối thoại văn hóa và sự phát triển quan trọng của văn hóa. Mặt khác môi trường bị khai thác đến mức kiệt quệ và ngày càng nghiệm trọng, những tệ nạn xã hội, ma túy, tội phạm... là những thách thức lớn, cùng nhiều vấn đề bức xúc và cấp bách cần đối thoại để giải quyết chúng ở cấp độ từng quốc gia và vượt ra khỏi biên giới mỗi quốc gia đạt đến tầm khu vực và thế giới.
Lịch sử nhân loại là lịch sử của một số ít người có quyền lực được thụ hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, còn số đông phải chịu nhiều áp bức đau khổ và chẳng có quyền lợi gì. Hai tai họa lớn nhất mà đại đa số dân chúng khắp nơi trên thế giới phải hứng chịu đó là chiến tranh và bóc lột kinh tế. Chúng là kẻ thù của tự do và hạnh phúc nhân loại, là vật cản trên con đường hướng tới một xã hội tốt đẹp dựa trên tình thương và đạo lý. Chiến tranh cùng với sự tàn bạo, đã hủy diệt không thương tiếc những thành quả lao động của loài người, tàn sát hàng triệu mạng sống gieo rắc bao đau thương cho nhân loại. Các dân tộc trên thế giới từ lâu đã mệt mỏi và chán ngán chiến tranh. Khát vọng hòa bình và an ninh đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong tình hình thế giới hiện nay. Nhân loại đã tiến sang một giai đoạn lịch sử mới cần thức nhận nghĩa vụ và trách nhiệm đối với hòa bình toàn cầu. Mọi người đều chung sống trong ngôi nhà trái đất. Toàn thế giới là một gia đình. Hòa bình và an ninh trên hành tinh này chỉ thực sự được bảo đảm khi đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày hôm nay được đáp ứng đầy đủ, mà còn bảo tồn được nguồn tài nguyên của thế giới cho thế hệ mai sau. Ở đây đối thoại văn hóa lại tìm được tiếng nói chung không chỉ vì cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay mà còn vì thế hệ mai sau.
Đối thoại giữa các nền văn hóa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau chẳng những có thể ngăn chặn được những xung đột đang còn ở dạng tiềm tàng, mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của toàn nhân loại. Vì vậy đối thoại giữa các nền văn hóa là một khuynh hướng, một khát vọng sống tốt đẹp, một đạo lý đồng thời là một triết lý sống của nhân loại hiện nay. Nó là thước đo của hòa bình và khoan dung, là phương tiện cho sự đa dạng và đa nguyên văn hóa với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy những giá trị văn hóa chung của loài người.
Đối thoại giữa các nền văn hóa chẳng những tăng cường nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về những giá trị chung của toàn nhân loại mà còn tôn trọng những sự khác biệt của từng dân tộc. Nó đưa tính nhân văn vào trong quá trình toàn cầu hóa, đem lại sự phát triển hài hòa và bền vững cho ngôi nhà chung thế giới dựa trên tinh thần tôn trọng những cách thức khác nhau, lối sống khác nhau để đạt đến một xã hội hòa bình và hạnh phúc. Đồng thời tạo cơ hội cho các nền văn hóa hợp tác cùng chung sống hòa bình vì sự phát triển bền vững trên hành tinh này.
Trong thời đại ngày nay, đối thoại giữa các nền văn hóa không có một giới hạn hay ranh giới nào. Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa chẳng những mở ra những cơ hội mới cho các cộng đồng hiểu nhau hơn mà còn làm cho chính mỗi cộng đồng hiểu rõ mình hơn. Do vậy sự tương tác giữa các nền văn hóa là một thuộc tính và là tiền đề cho sự phát triển xã hội.
Đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm hướng tới sự đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và là nguồn gốc của sự sáng tạo, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội loài người. Đa dạng văn hóa đem lại sự khoan dung và hòa hợp, đưa đến sự đối thoại và hợp tác. Vì vậy đa dạng văn hóa chính là cơ hội to lớn để để xây dựng thế giới hòa bình và ổn định.
2. Mục đích của đối thoại giữa các nền văn hóa
Ngày nay đối thoại giữa các nền văn hóa như một mô hình mới trong quan hệ quốc tế và quan hệ giữa các nền văn hóa. Để mô hình này nhanh chóng trở thành hiện thực, cần chỉ ra được tính thiết thực và chân chính của mục đích đối thoại. Mọi cuộc đối thoại đều phải lấy con người làm trung tâm. Phải góp phần thúc đẩy mở đường hoặc định hướng cho các cuộc đối thoại khác trên những lĩnh vực chủ yếu như sau:
- Đối thoại để giải quyết hòa bình những xung đột hiện hữu và ngăn chặn những xung đột tiềm tàng về tôn giáo, sắc tộc hoặc lãnh thổ.
- Đối thoại để triển khai và vận dụng một cách sáng tạo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế về quyền con người, chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.
- Đối thoại để ngăn chặn sự bất công trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa các nước phát triển và đang phát triển.
- Đối thoại để chia sẻ những những thành tựu của y học nhằm chống lại những hiểm họa của đại dịch HIV - AIDS và nhiều bệnh dịch nguy hiểm khác đang có nguy cơ lây lan đe dọa cuộc sống nhân loại.
 - Đối thoại để tránh nguy cơ của một sự "tự sát toàn cầu" (Edgar Morin) do con người tự mình gây ra những thảm họa môi trường  khó có thể lường trước.  
 - Đối thoại vì một nền hòa bình cho nhân loại và sự phát triển bền vững cho toàn hành tinh...
3. Cơ sở của đối thoại văn hóa - những giá trị đạo đức và tinh thần.
Không phải ngẫu nhiên mà “Tuyªn bè cña UNESCO vÒ §a d¹ng v¨n ho¸ vµ Ch­¬ng tr×nh Hµnh ®éng” (2-11-2001) đã lựa chọn đúng đắn những chủ đề phụ: giáo dục, khoa học và tìm kiếm các giá trị. Việc tìm kiếm và xác lập những giá trị chung nhất về đạo đức và tinh thần của các cộng đồng là một trong những cơ sở hữu hiệu  và quan trọng nhất của đối thoại giữa các nền văn hóa.
Để có một trật tự thế giới dân chủ và đa nguyên những chân giá trị của con người có thể thành hiện thực, thì trước hết phải thay đổi thường xuyên nhận thức của mọi người về các giá trị cũng như các nguyên tắc và thái độ của mỗi người về dân tộc, mới có thể đối thoại văn hóa.
Trong quá trình đối thoại những giá trị cơ bản, các nguyên tắc đạo đức như lòng bao dung, nhân quyền, dân chủ, tôn trọng pháp luật và việc tôn trọng đa dạng văn hóa là những giá trị chung được thống nhất và phổ biến ở các nền văn hóa văn minh. Đó là sự thật và cũng là những chuẩn mực cơ bản về ứng xử, tạo nên sự cố kết xã hội nhờ những mục đích chung. Các giá trị này là biểu hiện cao của tính nhân văn cũng như sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa.
Đối thoại cần tập trung vào những đặc trưng cơ bản của những giá trị chung như trên, điều này đem lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống và mang lại sự phong phú cả về hình thức lẫn nội dung của bản sắc dân tộc.
Các giá trị dân tộc cũng là những cơ sở quan trọng để hoạch định các chính sách quốc tế lành mạnh, góp phần tạo ra những chuẩn mực thuận lợi cho xã hội hòa bình và công bằng. Các xã hội dân chủ sẽ không phát triển được khi các cô ng dân của mình không có khả nặng hòa nhập các giá trị và nguyên tắc sống của cộng đồng mình với các giá trị và nguyên tắc sống của các cộng đồng khác.
Trong những giá trị được chia sẻ trên toàn cầu và bao trùm lên các nền văn hóa, thì khoan dung là một giá trị, một nguyên tắc vượt lên trên những khác biệt về văn hóa văn minh. Nó là tiền đề cũng là cơ sở tối cao để có thể thu được thành quả của mọi cuộc đối thoại. Vì vậy mọi cuộc đối thoại đều khuyến khích sự khoan dung và sự tôn trọng đối với người khác, đồng thời thừa nhận và tuân thủ sự đa dạng văn hóa trên hành tinh..  
Vai trò quan trọng của giáo dục trong việc đối thoại giữa các nền văn hóa là không thể phủ nhận. Thông qua giáo dục mọi công dân trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ được tăng cường hiểu biết lẫn nhau, biết tôn trọng các giá trị văn hóa của cộng đồng mình và của các cộng đồng khác; biết sống khoan dung, tôn trọng tự do đoàn kết bình đẳng, tôn trọng và có trách nhiệm đối với thiên nhiên.
Giáo dục cần giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ ba bài học quan trọng của đối thoại văn hóa: Một là nhân loại có chung một động lực cơ bản là hướng tới văn minh và tiến bộ. Sự chia sẻ động lực này đã thúc đẩy con người vượt qua chủ nghĩa vị kỷ hẹp hòi. Hai là trong quá trình phát triển các dân tộc trên thế giới với nền văn hóa riêng sống đan xen vào nhau, loài người có xu hướng loại bỏ sự khác nhau mà chấp nhận quy luật thống nhất trong đa dạng và đa dạng văn hóa được thừa nhận và tôn trọng. Ba là tương lai của nhân loại phát triển như thế nào đều phụ thuộc vào khoa học công nghệ và nghệ thuật cùng chung sống mới. Nó đòi hỏi phải tôn trọng quy luật phụ thuộc hơn là xung đột và quy tắc đa dạng sẽ biểu đạt tốt hơn bất kỳ giọng nói chung nào. Giáo dục là công cụ tốt nhất thúc đẩy cho sự hình thành nền văn hóa đối  thoại của nhân loại. 
Đối thoại phải hướng vào tri thức để đem lại sự hiểu biết lẫn nhau. Đối thoại phải tìm điểm chung và nét khác biệt, cùng những cách thức bảo lưu sự khác biệt góp phần làm phong phú cho tính thống nhất. Đối thoại cũng nhằm loại bỏ xu hướng cá biệt hóa, thúc đẩy sự hòa nhập và dung hợp. Sự hòa nhập ở đây không có nghĩa là áp đặt sự giống nhau trên thế giới. Cho dù có một nền văn hóa toàn cầu được hình thành nhờ động lực của quan hệ trao đổi quốc tế, của văn hóa đối thoại, thì cũng không phải là sự mở rộng của một nền văn hóa nào đó trên quy mô toàn cầu mà là sự hòa trộn của nhiều nền văn hóa, một hỗn hợp phong phú của tính đa dạng được tích lũy qua thời gian trên khắp thế giới.
Tri thức của nhân loại được thể hiện ở khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ đã đem lại sự đổi mới diện mạo thế giới, thúc đẩy sự đổi mới xã hội loài người. Thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé nhờ công nghệ thông tin. Tiến bộ khoa học và công nghệ đã trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu, đem lại cho nhân loại những cơ hội tốt nhất vượt lên mọi thành kiến hẹp hòi để đối thoại trong tình nhân loại. Mặt khác những tiến bộ khoa học đem lại cho nhân loại cách tiếp cận mới, vượt qua thế giới quan đơn giản hóa cổ điển, cách nhìn nhận phân tích, tách biệt cơ thể và trí óc, không có sự liên quan và bất biến. Gần đây sự phát triển của khoa học càng chứng tỏ sự thống nhất của vũ trụ vĩ mô và vi mô; ở góc độ cơ bản những bộ phận riêng lẻ của vũ trụ đều có mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với nhau. Ngày nay nhiều ngành khoa học đã được kết nối đem lại cách tiếp cận thế giới trong tính tổng thể bền vững, toàn diện mà không chia rẽ đứt đoạn. Cách tiếp cận liên ngành ngày càng được chấp nhận và ủng hộ. Xã hội loài người phải được nhìn nhận trong tính tổng thể, được vận hành như một hệ thống thống nhất như trong một đại gia đình và mọi khác biệt trong gia đình đều có thể giải quyết thông qua đối thoại. Ngoài ra khoa học công nghệ không chỉ đem lại nhiều hơn nữa những lợi ích vật chất và tinh thần cho nhân loại, mà còn cần giúp cho mọi người nhận thức được tính thống nhất cơ bản của nhân loại. Như vậy khoa học hiện đại đã và đang cung cấp cho chúng ta một cơ sở khoa học, một phương pháp tiếp cận  phù hợp để đối thoại giữa các nền văn hóa thành công.
4. Việt Nam và đối thoại văn hóa 
Trong quá trình phát triển lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đối thoại với nhiều nền văn hóa, có trình độ văn minh cao hơn, trong đó có văn hóa Trung Quốc, văn hóa Phương Tây. Quá trình tiếp biến văn hóa dài lâu ấy, có cả cưỡng bức văn hóa và đối thoại văn hóa, có lúc yếu tố này mạnh hơn yếu tố kia, có khi vừa chống lại vừa tiếp thu, khi mạnh lúc yếu... Văn hóa Việt Nam đã thể hiện sự dung hợp trong tiếp nhận và tiếp biến văn hóa. Nhiều yếu tố văn hóa đông tây đã được biến đổi làm giàu cho văn hóa Việt Nam mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Bản sắc văn hóa Việt Nam có cội nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước cách đây 3000 năm, được tôi luyện hơn 2000 năm vừa chống đối vừa đối thoại với văn hóa Trung Hoa; đủ sức tiếp biến thành công văn hóa phương Tây và sẵn sàng hội nhập văn hóa trong khu vực và thế giới trong thời đại ngày nay.
Sự nỗ lực vượt bậc phát huy tiềm năng tự thân và kịp thời tiếp thu những nhân tố tích cực từ bên ngoài trong qua trình tiếp biến văn hóa là những bài học hết sức quý báu, tăng cường nội lực cho văn hóa Việt Nam. Nó tạo cho văn hóa Việt Nam có một tư thế mới, có thể đối thoại một cách bình đẳng và sáng tạo trong xu thế hội nhập văn hóa toàn cầu.
Trong thời đại mới, nhiều cơ hội đối thoại trong khu vực và thế giới đang diễn ra, Việt Nam sẵn sàng đối thoại với tất cả các nước, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển phồn vinh cho mái nhà chung trên hành tinh này.
PGS.TS Trần Lê Bảo                                                                  
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc Trường ĐHSP Hà Nội
Fax 008442696 474    Email   tran_le_bao@yahoo.com