Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

61. Đường Hồ Chí Minh trên biển, một nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

TCCSĐT - Có biết bao kỳ tích đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam như là biểu tượng của sức mạnh phi thường và khí phách anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Mỗi kỳ tích là cả chuỗi những sự kiện mang dáng dấp một câu chuyện huyền thoại, vượt khỏi sự hình dung thông thường, nhưng đó là một thực tế - thực tế hết sức sinh động về cuộc đọ sức lịch sử giữa một dân tộc nhỏ với một đế quốc lớn nhất hành tinh (Mỹ). Con đường chi viện chiến lược trên biển mang tên Hồ Chí Minh là một trong những kỳ tích như thế.

50 năm trước đây, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ chuyển thế chiến lược, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, khi con đường chi viện trên bộ chưa thể vươn tới các chiến trường xa hậu phương miền Bắc, sâu trong vùng địch chiếm đóng, thì những chuyến tàu nhỏ bé, "tàu không số", bí mật đạp sóng Biển Đông, vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh mạnh, thắng to. Cũng từ đây, đánh dấu sự ra đời của một lực lượng vận tải quân sự "đặc biệt" - Đoàn 759 - Đoàn 125 Quân chủng Hải quân, với con đường chi viện trên biển, mà đích đến là những bến bãi, kho tàng được bố trí dọc theo bờ biển miền Nam. Con đường biển cùng với con đường chạy dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Hành trình nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không dừng lại ở sự vận chuyển thông thường, mà vượt lên thành biểu tượng của ý chí, quyết tâm, tài thao lược, trí thông minh, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Giờ đây, với điểm đứng của hiện tại, chúng ta có điều kiện để tìm tòi, suy ngẫm về những trang sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, về kỳ tích của con đường Hồ Chí Minh trên biển trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước. Độ lùi thời gian cùng với những tìm tòi, suy ngẫm về quá khứ cho phép chúng ta thấy rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa của một thế trận đọ sức, đọ trí đầy cam go của quân và dân ta với quân thù; đồng thời, nhìn nhận sâu sắc hơn về nhân tố cơ bản tạo nên thắng lợi của đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa.
Một là, Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện nhãn quan nhạy bén, tài tình của Đảng ta và Bác Hồ
Trong quá trình hoạch định đường lối kháng chiến, cùng với việc xác định chiến lược cách mạng cho hai miền Nam - Bắc, cho tiền tuyến và hậu phương, Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cuộc đấu tranh của quân và dân ta ở miền Nam là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định thành bại của chiến tranh.
Có thể nói, quá trình hoạch định đường lối kháng chiến là quá trình Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ công tác chi viện chiến trường thông qua Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Thực tế cho thấy, ngay sau Hội nghị Trung ương 15 quyết định đường lối cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, Bộ Chính trị đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức mở tuyến đường Trường Sơn chi viện miền Nam (Đoàn 559, 5-1959). Không lâu sau đó, tuyến đường chi viện trên biển cũng được chỉ đạo tổ chức, xây dựng (7-1959).
Sự nhìn nhận từ sớm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của công tác chi viện chiến trường đã tạo bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ cho cách mạng miền Nam. Con đường chi viện trên biển đã ghi dấu ấn quan trọng, thúc đẩy sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng trên chiến trường, góp phần vào thắng lợi của những trận đánh gây tiếng vang lớn như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã, Ba Gia, Vạn Tường...
Sự nối kết, chuyển tải sức mạnh của hậu phương đối với tiền tuyến đã được thực hiện hiệu quả thông qua con đường chi viện trên biển, nhất là trong điều kiện tuyến đường Trường Sơn chưa thể vươn tới những chiến trường, địa bàn xa hậu phương, sâu trong vùng địch tạm chiếm. Kết quả của sự phát triển thực lực kháng chiến ở miền Nam sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” (năm 1960) đã chứng tỏ rằng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở nắm bắt, lường định đúng xu thế phát triển của cuộc kháng chiến, chủ động, tích cực chuẩn bị thời cơ, lực lượng, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của cách mạng; con đường chi viện trên biển đã có những đóng góp thiết thực trong quá trình ấy.
Như vậy, quyết định đúng đắn, sáng tạo, táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở con đường vận tải quân sự chiến lược chi viện miền Nam trên hướng biển, đã thể hiện rõ nhãn quan nhạy bén, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đáp ứng khát vọng cháy bỏng và quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Hai là, đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần kết nối chặt chẽ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Vấn đề xây dựng hậu phương chiến lược miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Trong đó, Đảng xác định, phải xây dựng miền Bắc thực sự trở thành "nền gốc" cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời, chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa hậu phương với tiền tuyến, tính chất, nhiệm vụ của từng miền trong việc thực hiện mục tiêu chung. Về vấn đề này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) chỉ rõ: miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai…; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng chính là xây dựng hậu phương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ nhận thức đúng đắn và xác định rõ vị trí, vai trò của từng miền trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Đảng ta đã hình thành chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp để xây dựng, củng cố hậu phương chiến lược; gắn mọi hoạt động của hậu phương lớn miền Bắc với hoạt động của tiền tuyến lớn miền Nam; làm tròn nghĩa vụ của hậu phương - căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương mở đường vận chuyển chiến lược trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn và đường vận tải trên biển, nhằm chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Con đường biển đánh dấu sự hình thành bằng chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí của Đoàn 759 rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), ngày 19 tháng 10 năm 1962. Với sự quan tâm đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện biểu dương và căn dặn: Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà(1).
Sự kiện chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển của Hải quân nhân dân Việt Nam, từ Hải Phòng vào đến Cà Mau đã chứng tỏ, quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển, tổ chức hoạt động chi viện từ miền Bắc cho miền Nam bằng đường biển là đúng đắn, kịp thời. Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, tổn thất, hy sinh, nhưng vẫn được duy trì, kết nối chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến với hậu phương. Sự kết nối Bắc - Nam thực sự là biểu hiện sinh động của khối đại đoàn kết dân tộc, cùng phấn đấu vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Có thể khẳng định rằng, suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, quân và dân ở hậu phương cũng như tiền tuyến, Bắc cũng như Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa xây dựng và chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng "chống Mỹ, cứu nước", bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Con đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng ấy đã góp phần xứng đáng vào quá trình kết nối chặt chẽ giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Không chỉ có vậy, sự lớn mạnh của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và thắng lợi của công tác chi viện chiến trường chính là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ miền Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách khốc liệt của chiến tranh, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. 
Ba là, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo trong tổ chức, sử dụng các phương thức vận chuyển chi viện miền Nam
Phương thức vận chuyển giữ vai trò quan trọng, nhất là trong điều kiện phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế, trong hoàn cảnh vừa phải chống chọi với sóng to, gió lớn của biển cả vừa vượt qua sự ngăn chặn quyết liệt của đối phương có trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại. Ý thức sâu sắc vấn đề đó và thông qua nghiên cứu về khả năng phương tiện, con người và kinh nghiệm sau chuyến dùng thuyền từ Nam Bộ ra miền Bắc thành công, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức, sử dụng các loại tàu vận chuyển theo phương thức phù hợp, từ miền Bắc vận chuyển nhân lực, vật lực vào chiến trường Nam Bộ - nơi xa hậu phương nhất, sau đó phát triển ra chiến trường Khu 6 và Khu 5.
Về tổ chức, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759 (23-10-1961) trên cơ sở Tiểu đoàn 603 (còn gọi là Tập đoàn đánh cá Sông Gianh), sau đó nâng quy mô và đổi tên thành Đoàn 125 (tương đương trung đoàn, 24-1-1964). Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 125 được tăng cường nhiều thuyền trưởng, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật đào tạo cơ bản, hầu hết là đảng viên, đoàn viên, có sức khỏe, khả năng chịu đựng sóng gió biển tốt và bản lĩnh cách mạng kiên cường, xử lý khôn khéo, táo bạo các tình huống để giành thắng lợi trong từng chuyến đi.
Về phương tiện, từ buổi ban đầu Đoàn 603 sử dụng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, ta tiến lên tổ chức, xây dựng đội tàu gỗ gắn máy, sau đó là tàu sắt, nâng cao sức chở và tăng thêm về số lượng. Những con tàu của ta được cải dạng thành tàu đánh cá với những đặc điểm giống với ngư dân miền Nam, hoặc tàu khai thác hải sản, thậm chí cả tàu buôn của nước ngoài. Nhờ đó, những chuyến "tàu không số" của Hải quân tham gia vận chuyển vũ khí trên biển đã vượt qua các bãi đá ngầm, sóng gió hiểm nguy và sự ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù, đưa hàng đến các bến ven biển Nam Bộ và Khu 5 an toàn.
Sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên, 24-2-1965), việc sử dụng những chuyến "tàu không số" vận chuyển bằng đường biển gặp nhiều trở ngại hơn do phải đối mặt với sự phong tỏa, bao vây, kiểm soát gắt gao của địch. Yếu tố bí mật, bất ngờ đã không còn, việc tổ chức, sử dụng tàu vận chuyển bằng đường biển phải chuyển sang phương thức mới cho phù hợp. Sau khi nghiên cứu tình hình, Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhận định: mặc dù vùng ven biển miền Nam, địch đã dùng ra-đa, tàu thuyền chiến đấu, máy bay kiểm soát khá chặt chẽ, song ở ngoài khơi xa (đường biển quốc tế) chúng vẫn còn sơ hở, vì thế, ta có thể lợi dụng để hoạt động. Yếu tố bí mật về con đường đi trên biển của ta không còn, nhưng từng chuyến đi, cách thả hàng, lối đi vào từng bến… đều do ta chủ động, nên vẫn có thể khiến địch bị bất ngờ. Trên cơ sở đó, Quân chủng xác định phương án vận chuyển theo phương thức mới: đi xa bờ, xác định vị trí tàu bằng thiên văn (còn gọi là đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn).
Thực hiện phương thức vận chuyển mới, Quân chủng Hải quân sử dụng tàu đi xa bờ, xen lẫn vào dòng tàu buôn ngược xuôi ngoài Biển Đông, nhiều lúc gặp khó khăn, tổn thất, do địch tăng cường vây ráp, đánh phá quyết liệt, song nhờ tổ chức phù hợp, khéo léo, kiên quyết, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, ta đã đưa hàng nghìn cán bộ, vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí vào chiến trường bằng đường biển, đáp ứng kịp thời cho quân và dân miền Nam chiến đấu giành  thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thành công của những chuyến "tàu không số" vận chuyển chi viện miền Nam thể hiện sức sáng tạo độc đáo của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam; biết chọn lựa phương thức vận chuyển phù hợp, hiệu quả và đó là nét đặc sắc trong điều kiện chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt. Những phương thức vận tải đường biển linh hoạt, sáng tạo trong kháng chiến chống Mỹ đã đặt nền móng cho việc hình thành nghệ thuật vận tải quân sự trên biển và chắc chắn rằng, những kinh nghiệm quý báu của phương thức vận tải quân sự này sẽ còn nguyên giá trị vận dụng trong vận tải, bảo đảm chiến đấu và công tác cho lực lượng Hải quân nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay và cả sau này.
Bốn là, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện việc phát huy cao độ nhân tố con người với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có của cán bộ, thủy thủ "Đoàn tàu không số"
Đi vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, hành trang - vũ khí sắc bén của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chính là niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Niềm tin ấy của các thế hệ người Việt Nam được hun đúc, bồi đắp bằng sự quan tâm, chăm lo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được hấp thu, truyền thụ qua môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa, qua những biểu tượng, hình tượng của con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do, luôn sẵn sàng hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất non sông gấm vóc. Được dẫn dắt bởi đường lối kháng chiến đúng đắn, ý chí, nghị lực, quyết tâm trong mỗi con người, mỗi tập thể, mỗi lực lượng thực sự là thứ vũ khí tinh thần có ý nghĩa quyết định thành bại trên mỗi trận tuyến chống quân thù. Trên ý nghĩa đó, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã thể hiện một bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể thực hiện được nhiệm vụ gian khó đặt ra, nhất là trong buổi đầu hình thành lực lượng vận tải quân sự đường biển, vấn đề soi đường, thông đường, tổ chức chuẩn bị phương tiện, bến bãi. Đó quả là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm công phu, đồng thời là sự thử thách ý chí, quyết tâm của cả một tập thể, từ người chỉ huy cho đến thủy thủ, sự phối hợp ăn khớp giữa hậu phương và tiền tuyến. Và, không có tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sự mưu trí, dũng cảm hiếm có thì khó có thể thực hiện được cuộc vượt biển vào Nam với bao hiểm nguy rình rập. Trên những con tàu nhỏ, trang thiết bị hạn chế, cán bộ, thủy thủ phải đối mặt với sóng to, gió lớn, với sự ngăn chặn gắt gao của quân thù đòi hỏi phải có tinh thần chịu đựng gian khổ, trong tình huống hiểm nghèo, phải chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ bí mật của tuyến đường. Những con người can trường trong đội ngũ cán bộ, thủy thủ của "Đoàn tàu không số" trên tuyến vận tải quân sự Hồ Chí Minh trên biển, lúc đầu phần lớn quê ở các địa phương miền Nam tập kết ra Bắc, một số vốn quen với nghề đi biển, chịu đựng được sóng gió, điều khiển tàu chủ yếu bằng kinh nghiệm. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ, do quy mô vận chuyển phát triển, nên trong thành phần đội ngũ sĩ quan, thủy thủ, nhân viên kỹ thuật của đoàn vận tải sau này hầu hết được đào tạo cơ bản, là những đảng viên, đoàn viên, vừa có tri thức, sức khỏe, có khả năng chịu đựng gian khổ, bản lĩnh cách mạng kiên cường, vừa có quyết tâm cao, kinh nghiệm dày dặn. Đây chính là những cán bộ, chiến sĩ được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên miền Bắc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng đảm đương nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó.
Trên những chuyến "tàu không số", nhiều cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, chính trị viên, thuyền phó đã thể hiện sự xử trí tài tình, mưu trí, điều khiển con tàu tiếp tục giữ vững hành trình vào Nam và đối phó linh hoạt với các tình huống xảy ra. Có thể kể ra đây những cán bộ như thế: đồng chí Hồ Đắc Thạnh, Nguyễn Văn Cứng, Lê Văn Thêm, Đinh Đạt, Phạm Vạn, Lê Quốc Thành, Nguyễn Hữu Phước, Trần Ngọc Ẩn…
Các đồng chí ấy đã nêu những tấm gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trình độ hàng hải vững vàng, điều khiển những con tàu vượt qua các bãi đá ngầm, sóng gió hiểm nguy và nhất là sự phong tỏa ngăn chặn, đánh phá ác liệt của quân thù, đưa nhiều chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn. Và cũng trong số đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng với những con tàu ra đi không trở lại. Khi gặp địch bao vây bốn phía, cán bộ và chiến sĩ trên tàu đã dũng cảm chiến đấu và để giữ bí mật cho con đường, họ hy sinh cả thân mình nơi biển cả mênh mông. Nêu tấm gương nghĩa liệt ấy là các đồng chí Đặng Văn Thanh, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Đức Thắng…
Có thể nói, suốt 14 năm ròng rã (1961 - 1975) thực hiện vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện miền Nam, cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tạo dựng nên một con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Suy cho cùng, thời đại Hồ Chí Minh đã tạo ra con người Việt Nam và chính con người Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và thành công của công cuộc chi viện chiến trường bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng thực sự là biểu trưng sinh động cho giá trị, phẩm chất và hào khí bất khuất của con người Việt Nam. Đây chính là nhân tố trung tâm, quyết định tạo nên sức mạnh phi thường để nhân dân Việt Nam đương đầu và đánh thắng quân xâm lược Mỹ.
Hơn một phần ba thế kỷ đã qua, nhưng âm hưởng của một thời đánh Mỹ, gian lao mà anh dũng, vẫn còn đọng mãi trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Ký ức và những trang sử oanh liệt về những con tàu nhỏ vượt sóng to, gió lớn, vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, mang theo niềm tin, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc sẽ mãi là điểm tựa để mỗi thế hệ người Việt Nam hôm nay ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm với Tổ quốc, góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc thành quả mà các thế hệ cha anh đã đổ xương máu để giành được.
Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" của tuyến vận tải quân sự - Đường Hồ Chí Minh trên biển - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những thành tích và bài học kinh nghiệm về mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là di sản vô cùng quý báu, phải được giữ gìn và tiếp tục phát huy, phát triển trong những điều kiện mới.
Trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là nhiệm vụ chủ quyền biển đảo đặt ra cho Quân đội, trong đó trực tiếp là Quân chủng Hải quân hết sức nặng nề. Bởi vậy, đối với Quân chủng Hải quân, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2010", Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, cần thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang đó, Hải quân nhân dân Việt Nam phải thường xuyên quán triệt và chấp hành các nhiệm vụ xây dựng Quân chủng trong thời kỳ mới; đồng thời định ra những yêu cầu mới trong xây dựng Hải quân nhân dân, phù hợp với điều kiện địa lý từng vùng biển và khả năng của nền kinh tế đất nước, kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vùng biển đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống./.
______________________
(1) Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân, Nxb Quân đội nhân dân, H.2001, tr 47
Trung tướng Nguyễn Thành CungỦy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng