Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

46. G20 + Việt Nam

Trong 2 ngày 11 và 12/11, các nhà lãnh đạo cấp cao của nhóm G-20 họp tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 5 kể từ khi nó được bắt đầu vào tháng 9/2008 tại Washington (Mỹ), ngay sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu. Nếu các hội nghị trước đây chủ yếu thảo luận các giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì lần này sẽ tập trung đề ra phương hướng cho tương lai như tìm mô hình giúp kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng, cải cách các định chế tài chính quốc tế…

Cải cách thế giới
  • G-20, được thành lập từ năm 1999 và hiện chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu, 85% thương mại quốc tế, là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn gồm EU và 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo GDP (PPP)) là  Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy, Canada, Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
  • Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị G-20, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Shu Hwan cho biết Hàn Quốc kỳ vọng Việt Nam - với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN - sẽ đóng góp lớn hơn nữa vào sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Seoul. Việt Nam sẽ đại diện cho ASEAN và các đối tác mang những ý kiến đóng góp đã được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và ASEAN + cuối tháng 10 vừa qua; đồng thời thể hiện quan điểm và ý chí của Việt Nam cũng như ASEAN tại G-20, góp thêm tiếng nói có trọng lượng làm nên thành công của Hội nghị.
Trong hai năm qua, Hội nghị G-20 đã có những đóng góp quan trọng trong việc đề ra các chính sách hợp tác toàn cầu chưa từng có trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, giúp thế giới tránh được một cuộc đại khủng hoảng tương tự như đã từng diễn ra vào những năm 1929-1933. Trên cơ sở này, bắt đầu từ Hội nghị Pittsburg tháng 9/2009, G-20 không chỉ đơn thuần tìm cách đối phó với khủng hoảng mà còn thúc đẩy hợp tác về mặt chính sách nhằm chuẩn bị nền tảng cho phát triển kinh tế thế giới trong trung và dài hạn.
Việc hợp tác nhằm đưa ra các chính sách như chính sách tài chính - tín dụng - tỷ giá, chiến lược lối thoát là bắt buộc với tất cả các nước nếu muốn nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Những Hội nghị này cũng đã đánh giá về khả năng xác lập mục tiêu chung trong chính sách phát triển của các nước thành viên, đồng thời xúc tiến xây dựng trật tự kinh tế quốc tế hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục.

Nhằm ngăn chặn tái diễn tình trạng kinh doanh tràn lan của các tổ chức tài chính mà không tính đến các rủi ro trên thị trường, G-20 đã đề ra 47 mục tiêu và đối sách cụ thể, và đang thẩm định, đánh giá những mục tiêu này. Hội nghị G-20 tại Seoul bàn thảo kỹ hơn những vấn đề như cơ cấu vốn của ngân hàng hiện nay, đẩy mạnh giám sát các cơ quan tài chính lớn, chia sẻ gánh nặng đóng góp cho quỹ chung nhằm tăng cường trách nhiệm và năng lực đối phó của các cơ quan tài chính đối với khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.
Mặt khác, hội nghị cũng tiến hành đánh giá các cơ quan tài chính thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, phương án cải cách đã được xây dựng, đặt trọng tâm vào việc cải cách chức năng của các cơ quan này, đảm bảo nguồn quỹ tối đa để tránh đi theo vết xe đổ phát sinh khủng hoảng lần nữa.
Hội nghị cũng kêu gọi cải cách cơ cấu chi phối của các cơ quan tài chính quốc tế hiện nay vốn phụ thuộc chủ yếu vào các nước phát triển và không còn phù hợp với tương quan lực lượng mới khi mà các nền kinh tế mới nổi đã thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt quá trình phục hồi hiện nay và ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn trong đời sống kinh tế-tài chính toàn cầu. Ngoài ra, các nước tham gia Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp để nâng cao hơn nữa tỷ lệ tham gia của các nước đang phát triển và chậm phát triển trong các cơ quan tài chính quốc tế, coi đây như là một trong những biện pháp để cải cách hiệu quả hơn các tổ chức này.
Tiếp nối các kết quả tích cực đã đạt được tại Hội nghị Toronto (Canada) hồi tháng 6 vừa qua, Hội nghị G-20 Seoul còn đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của G-20. Nhưng để biến nơi đây trở thành diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới thì cũng cần phải quan tâm đến lợi ích và nguyện vọng của cả các nước không được tham gia. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong quy mô kinh tế thế giới, nhưng các nước đang phát triển và chậm phát triển lại là động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, Hội nghị G-20 lần này cũng dành thời gian trao đổi về những vấn để liên quan đến sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của nền kinh tế thế giới, phản ánh lợi ích chung của tất cả các nước.
Nhiều gai góc
Bất cân xứng mậu dịch quốc tế và Chính sách tiền tệ là hai vấn đề "đau đầu" hơn cả, trong hàng loạt những vấn đề được thảo luận tại Seoul. Thặng dư mậu dịch lớn của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với thâm hụt cán cân thương mại gia tăng tới mức báo động của Mỹ đã trở thành một nguyên nhân quan trọng làm nóng bầu không khí tại một số diễn đàn quốc tế, trong quan hệ Mỹ - Trung và các nước có liên quan. Một số nhà quan sát đã nghĩ tới "một cuộc chiến tranh thương mại" mới.
Quả thực, một số năm trở lại đây, trước áp lực gia tăng của cạnh tranh thương mại quốc tế và bất lợi trong cán cân thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, nhiều nước, bao gồm cả Mỹ và một số nền kinh tế phát triển khác, tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, khiến quan hệ thương mại giữa các nước này với những nước có liên quan, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Mỹ và EU trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tại Mỹ, vấn đề thâm hụt thương mại, nhất là thâm hụt thương mại trầm trọng với Trung Quốc, đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt, thậm chí còn được nêu ra thảo luận ở cả diễn đàn quốc hội, buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải đặt thành mục tiêu ưu tiên giải quyết trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình. Trong quan hệ song phương cũng như đa phương, Mỹ đã nêu và gây áp lực mạnh để Trung Quốc phải chấp nhận những biện pháp mà Mỹ cho là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng trên.
Trong khuôn khổ G-20, Mỹ đã đề xuất chủ trương giới hạn thặng dư mậu dịch đối với các nước không vượt quá 4% GDP. Đề nghị này không được cả EU và Trung Quốc tán thành, bởi Trung Quốc và một số nước xuất khẩu lớn trong EU (đặc biệt là Đức) bị ảnh hưởng mạnh bởi sự giới hạn đó. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 tại Gyeongji (Hàn Quốc) tuần cuối tháng 9/2010 cũng đã không đạt được nhất trí về vấn đề này.
Liên quan đến tiền tệ, từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, khuynh hướng duy trì giá trị đồng nội tệ thấp hơn giá trị thật của nó được nhiều nước áp dụng để tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu. Khuynh hướng tăng mạnh và đã trở thành điều mà một số nhà phân tích gọi là "cuộc chạy đua phá giá đồng nội tệ". Điều này gây tác động xấu tới sự ổn định và cân bằng vĩ mô ở nhiều nước, cản trở thương mại quốc tế nói chung, đặc biệt là gây thiệt hại cho những nước duy trì tỷ giá đồng nội tệ đúng với thị trường. Nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo và bất bình với sự tai hại của xu hướng tiêu cực này. Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ hiện là hai đối thủ tranh cãi mạnh nhất trong "cuộc chiến tiền tệ" này và cũng đồng thời là hai đối tượng chủ yếu bị nhiều nước phê phán.
Với Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước cho rằng chính sách hạ thấp giá trị nhân dân tệ (NDT) mà nước này duy trì lâu nay là một nguyên nhân gây ra bất cân đối toàn cầu, đặc biệt là làm trầm trọng thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ và một số nước khác. Mỹ, EU và nhiều thành viên khác của G-20 đã quyết liệt yêu cầu Chính phủ Trung Quốc nâng giá NDT và tái cơ cấu chính sách tiền tệ một cách toàn diện.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không cho rằng tỷ giá NDT là nguyên nhân của bất cân bằng toàn cầu, cũng như thâm hụt của Mỹ, mà do các lý do mang tính cơ cấu. Trung Quốc không chủ trương theo đuổi chính sách duy trì tỷ giá đồng nội tệ thấp, về cơ bản NDT đang phản ánh đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không hoàn toàn từ chối việc xem xét điều chỉnh tỷ giá NDT và cho rằng những điều chỉnh cần thiết có thể sẽ được tiến hành từ từ theo hướng thị trường và không làm mất đi sự ổn định vĩ mô và động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Tại Gyeongji, các Bộ trưởng Tài chính G-20 đã chấp nhận nhân nhượng yêu cầu tăng tỷ lệ quyền bỏ phiếu của các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Trung Quốc) lên 6% (hơn 1% so với thoả thuận trước đây), với hy vọng có thể đánh đổi sự thoả hiệp của Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá NDT.
Với Mỹ, nhiều nước, trong đó có các thành viên của nhóm BRIC, EU và một số thành viên của khối, chỉ trích chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà chính phủ Mỹ đang áp dụng. Họ cho rằng do USD bị Cục Dự trữ liên bang duy trì ở mức lãi suất thấp, nên các nhà đầu tư có xu hướng tìm tới các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn. Điều này khiến các đồng tiền đó tăng giá, gây trở ngại cho xuất khẩu của các nước này.
Nhiều nước cũng tỏ lo ngại về việc Chính phủ Mỹ quyết định bơm 600 tỷ USD cho nền kinh tế nước này trong thời gian tới. Vì như vậy thì sẽ tiếp tục làm giảm hơn nữa giá USD. Để bào chữa cho chính sách của mình, Mỹ lập luận rằng chính sách lãi suất thấp được áp dụng lâu nay ở Mỹ là nhằm khắc phục khủng hoảng, khuyến khích sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, không nhằm hướng tới xuất khẩu và không phải là nguyên nhân khiến các nước khác phải chạy đua phá giá đồng nội tệ.
Như vậy, cho đến nay, bất đồng và mâu thuẫn giữa các nước liên quan đối với vấn đề bất cân đối thương mại và vấn đề chính sách tiền tệ vẫn tồn tại trong số những vấn đề gai góc nhất của chương trình nghị sự thượng đỉnh G-20 Seoul. Đây quả là một vấn đề không dễ vượt qua trong bối cảnh hiện nay và có thể phải chờ thêm thời gian.
Việt Nam và G-20
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam được mời tham gia vào hầu hết các diễn đàn của G-20. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Toronto (Canada) tháng 6/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt ASEAN cùng các nhà Lãnh đạo G-20 thảo luận nhiều vấn đề của kinh tế thế giới. Tiếng nói của Việt Nam nhấn mạnh thúc đẩy tự do hóa thương mại và sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha, tăng cường sự phối hợp chính sách giữa G-20 với các nhóm nước đang phát triển, trong đó có ASEAN, được Hội nghị lắng nghe và ghi nhận.
Tháng 9/2010 tại Canada, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đã tham dự Hội nghị Tham vấn Nghị viện G-20 lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Canada. Hội nghị này đã thảo luận nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là vấn đề đối phó với thách thức về an ninh lương thực thông qua việc đảm bảo nhu cầu sản xuất và phân phối lương thực. Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an ninh lương thực và đưa ra một số khuyến nghị về thúc đẩy mô hình hợp tác 2+1, thúc đẩy tự do hóa nông sản, tăng cường cơ chế đối thoại và tham vấn giữa chính phủ và nghị viện các thành viên G-20.
Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Seoul lần này, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia xây dựng chương trình nghị sự và các nội dung thảo luận thông qua hoạt động tại các cuộc họp Sherpa, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính & Thống đốc Ngân hàng G-20 và cuộc họp của Nhóm Công tác về Phát triển. Tại Diễn đàn lần này, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của các nước ASEAN về đối phó với khủng hoảng tài chính, đưa ra khuyến nghị về những vấn đề mà các nước ASEAN và nhiều nước đang phát triển khác quan tâm, như thúc đẩy tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa đầu tư, tăng cường sự phối hợp chính sách giữa G-20 với các nước đang phát triển nhằm đảm bảo sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của kinh tế toàn cầu, đối phó với cách thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
Đặc biệt, Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về chủ đề phát triển trên cơ sở chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách, phát triển nguồn nhân lực.
Tuy lần đầu tiên được tham gia vào các hoạt động của G-20, Việt Nam đã ghi một dấu ấn tại diễn đàn kinh tế số một thế giới về này. Cùng với Indonesia, thành viên chính thức của G-20, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với G-20 hướng tới các mục tiêu chung về phát triển bền vững của kinh tế thế giới. Hy vọng rằng sẽ có một ngày Việt Nam trở lại G20 không phải với tư cách khách mời mà là một thành viên của diễn đàn này.
TS. Phạm Quốc Trụ
Học viện Ngoại giao
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2010/11/2F206311C09F3BFF/