PGS.TS Ngô Minh Oanh
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM
(Bài viết được trích từ Tạp chí Khoa học xã hội do Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM phát hành)
Với việc kí kết
Hiệp ước Patenôtre năm 1884,
đánh dấu triều đình Huế đã đầu hàng hoàn toàn trước thực dân Pháp.
Thực dân Pháp đã
cơ bản bình định xong nước ta về mặt quân sự và tiến hành tổ
chức cai trị nước ta trên quy mô rộng lớn và với một cường độ nhanh chóng. Về chính trị,
Pháp đã thiết lập một chính quyền thống trị chặt chẽ trên phạm vi toàn
Đông Dương, chia nước ta thành ba kỳ, trong đó Bắc Kỳ, Trung Kỳ đặt
dưới sự bảo hộ của Pháp, còn Nam Kỳ là thuộc địa hoàn toàn của thực dân Pháp
với chế độ trực trị. Để có một đội ngũ những người phục vụ đắc lực cho công
cuộc "khai hóa", thực dân Pháp không thể không tiến hành mở mang giáo dục. Với
kinh nghiệm của một nước thực dân nhà nghề, Pháp hiểu rõ sức mạnh của giáo dục
và họ đã sử dụng giáo dục như một công cụ đắc lực để cai trị Đông Dương. Vì
thế, ngay từ đầu thực dân Pháp đã tiến hành phát triển giáo dục một cách nhanh
chóng. Đó là quá trình Pháp du nhập nền giáo dục phương Tây vào Việt Nam nói
chung và Nam Kỳ nói riêng.
Nền giáo dục ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm đang ở trong hệ thống giáo
dục phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn. Sau khi đánh bại vương triều Tây
Sơn, Gia Long lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn, xác lập và củng cố vương triều
của mình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Công cuộc củng cố
vương triều đòi hỏi phải có nhiều nhân tài để đảm đương sự nghiệp như Gia Long
vẫn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong buổi đầu của Triều Nguyễn, nhân tài "như lá mùa
thu" nên bên cạnh việc mời gọi và sử dụng những cựu thần, nho sĩ của nhà Lê,
nhà Nguyễn đã lo đến việc tổ chức giáo dục và đào tạo nhân tài để phục vụ cho
việc xây dựng đất nước. Triều Nguyễn rất quan tâm đến đào tạo đội ngũ quan lại ở
Nam Kỳ để làm chỗ dựa tinh thần thông qua việc tổ chức học hành, thi cử.
Ở Nam Kỳ, chỉ có các loại trường ở tỉnh, phủ, huyện thuộc hệ thống trường
"hương học". Năm 1803, chính quyền đã định lại học quy cho trấn Gia Định và hoàn
thành việc xây dựng học đường Gia Định, sau này thành trường tỉnh học Gia Định.
Quan đốc học là người trông coi việc học của toàn tỉnh, giáo thụ là người phụ
trách các trường phủ, huấn đạo phụ trách các trường huyện. Ngoài ra còn có
trường học ở các tổng, xã, ấp là các loại trường dân lập hay tư thục do các
thầy đồ hay các nho sĩ mở ra và trực tiếp giảng dạy. Cũng giống như các triều
đại phong kiến trước đó, nhà Nguyễn vẫn lấy nho học làm đạo trị nước, an dân và
làm phương tiện để giáo hóa con người. Ở các lớp khai tâm, từ tám tuổi trở lên
bắt đầu học hiếu kinh, trung kinh; từ 12 tuổi trở lên học Luận ngữ, Mạnh Tử rồi
đến Trung dung, Đại học; từ 15 tuổi trở lên học Thi, Thư rồi sau đến kinh Dịch,
kinh Lễ, kinh Xuân Thu...
Nội dung dạy học là phải cung kính, hiếu thảo với cha mẹ, tu luyện mình cho
nghiêm chỉnh, siêng năng học hành, đèn sách, theo gương những người xưa mà tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hình thức và phương pháp dạy học thì sử
dụng phương pháp "chính học" truyền thống: học theo lối người xưa là học thuộc
lòng để cho thấm nhuần lời nói thánh hiền. Người học tiếp thu kiến thức một
cách thụ động, thiếu tinh thần sáng tạo: "thuật nhi bất tác". Chế độ thi cử
dưới triều Nguyễn giống như thời Lê về thể lệ và quy chế thi cử, với 3 kỳ thi
chính là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Các danh xưng đỗ đạt trong các kì thi
cũng lấy đại khoa (tiến sĩ), trung khoa (cử nhân, tú tài) và các lễ ban yến, áo
mũ, vinh quy như trước đây. Từ năm 1813, Gia Long mở kì thi Hương đầu tiên, trong
đó Nam Kỳ có trường thi Gia Định. Trường thi Gia Định là một trong những trường
thi lớn đã tuyển chọn được nhiều nhân tài đất Nam Kỳ cho triều đình Huế.
Tuy nhiên, giáo
dục ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm vẫn duy trì một nền giáo dục Nho giáo,
dạy học trò về "nội trị và ngoại giao", noi gương người xưa giữ liêm chính để trị
quốc. Học trò chỉ học sách "thánh hiền" mà không được trang bị kiến thức toàn
diện, trong đó có kiến thức về khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Hình thức và
phương pháp dạy học cũng theo lối "điển chương, trích cú", thầy dạy trò theo
lối "gia đình" mà chưa tổ chức thành hệ thống trường, lớp một cách bài bản. Có
thể nói, giáo dục dưới triều Nguyễn nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng đã "quá cũ
kĩ và rập khuôn nền giáo dục phong kiến Trung Quốc"(1), nó không đáp ứng trước
những yêu cầu phát triển của đất nước.
Sau khi chiếm
xong Nam Kỳ (1867), người Pháp xác lập quyền thống trị của mình, biến Nam Kỳ
thành thuộc địa của Pháp - xứ Đông Pháp. Đứng đầu Nam Kỳ thuộc Pháp là Thống
đốc Nam Kỳ và bên dưới là các chủ tỉnh người Pháp để tiến hành cai trị thuộc
địa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người Pháp thấy rất rõ tầm
quan trọng của giáo dục, nên ngay "sau khi người lính đã hoàn thành sự nghiệp
của mình thì đến lượt người giáo viên thực hiện sự nghiệp của họ"(2). Tiến hành
áp dụng nền giáo dục phương Tây ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, người
Pháp phải đứng trước lựa chọn khôn khéo trong việc sử dụng giáo dục như một
công cụ thống trị, vừa áp đặt nền giáo dục mới vừa từng bước hạn chế, đi đến
xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến, "biến người bị trị thành người Pháp
về mặt văn hoá".
Quá trình xác lập
nền giáo dục phương Tây của Pháp ở Nam Kỳ có thể chia làm hai giai đoạn: Giai
đoạn thứ nhất, từ năm 1861 đến năm 1916 là giai đoạn tồn tại song song giáo dục
phương Tây với giáo dục Nho giáo.Giai đoạn thứ hai từ năm 1917 đến năm 1945, chính
quyền thuộc địa từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục và khoa
cử Nho giáo ở Nam Kỳ.
1. Thực
dân Pháp từng bước áp đặt nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ (1861 - 1916).
Trong giai đoạn
từ năm 1861 đến năm 1916, do nhu cầu đáp ứng về người cho bộ máy cai trị, thực
dân Pháp đã nhanh chóng cho mở hệ thống các trường dạy nghề và các trường học
phổ thông.
- Các trường dạy nghề: Do gặp phải rào cản về mặt ngôn ngữ với người bản địa, việc đào tạo thông dịch
viên vô cùng quan trọng đối với Pháp lúc bấy giờ. Bảy tháng sau khi chiếm được
đại đồn Chí Hoà, ngày 21 tháng 9 năm 1861, đô đốc Charner đã ký nghị định thành
lập trường Bá Đa Lộc (Évêque d'Adran) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy
tiếng Việt cho người Pháp do linh mục Groc - phiên dịch viên của Chacner làm
hiệu trưởng. Mục đích của trường là đào tạo những thông dịch viên cho quân đội
Pháp và những thư kí làm trong các cơ quan hành chính. Học viên của trường là
binh lính người Việt trong quân đội Pháp hay những người thân Pháp. Ngày 19-7-1871, Đô đốc Dupre cho thành lập
trường sư phạm thuộc địa tại Sài Gòn để đào tạo giáo viên và nhân viên công sở.
Khóa đầu tiên có 60 giáo sinh. Những giáo sinh tốt nghiệp trường này được bổ
nhiệm về các trường tiểu học do Pháp lập ra ở các thị trấn để giảng dạy. Đến
năm 1874, số giáo viên này đã có mặt ở trên 20 trường tiểu học ở khắp các tỉnh
Nam Kỳ. Đến năm 1874, Pháp cho thành lập thêm trường Hậu bổ (Collège des
administrateurs stagiaires) đào tạo những người đã có bằng hán học để bổ sung
vào đội ngũ quan lại. Học viên học tiếng Việt, chữ Nho, hành chính bản xứ và
những kiến thức về kiến trúc và thực vật học. Với 4 năm tồn tại, trường đã đào
tạo được 50 nhân viên cho Nam Kỳ (3).
- Hệ thống các trường phổ thông: Ngày 16-7-1864, Grandière ra nghị định tổ chức các trường tiểu học ở các
tỉnh để dạy chữ quốc ngữ và toán pháp. Giáo viên ở các trường tiểu học là do một
số thông dịch viên đảm nhận. Chương trình học chỉ có tập đọc, học viết chữ quốc
ngữ. Họ cho xuất bản ba quyển sách giáo khoa, một quyển mẫu tự chữ quốc ngữ,
hai quyển về số học và hình học cơ bản. Vừa dùng thay sách giáo khoa vừa để
tuyên truyền cho chế độ thuộc địa, các trường đã dùng tờ Nguyệt san thuộc địa và tờ Gia
Định báo cho học sinh học. Sau khi tốt nghiệp, các học sinh được phép về
làng mình mở trường dạy học. Tính đến năm 1866, Pháp đã mở được ở Nam Kỳ 47
trường tiểu học với 1.238 học sinh (4). Năm 1874, trường Chasseloup Laubat được
thành lập tại Nam Kỳ dành cho con em người Pháp đang cai trị và những người
Việt làm cho Pháp. Đây là trường trung học sớm nhất dạy từ tiểu học đến tú tài
chương trình Pháp, thu hút được những học sinh ưu tú của đất Nam Kỳ thời đó. Bên
cạnh các trường nói trên, lợi dụng lòng mộ đạo của người dân công giáo, thực
dân Pháp còn tạo điều kiện và giúp đỡ cho việc thành lập các trường dòng để thu
hút các học sinh là con em giáo dân vào học và đào tạo họ thành những thông
ngôn, thư kí. Cho đến năm 1866, số trường dòng đã lên 47 trường với 1328 người
(5).
Để tiến thêm một
bước trong thay đổi nền giáo dục bản xứ, trong các năm 1874 và năm 1879, chính
quyền thuộc địa đã cho ban hành hai quy chế về giáo dục. Quy chế Giáo dục năm
1874 là bản quy chế giáo dục đầu tiên của thực dân Pháp ở Nam Kỳ quy
định tất cả các trường tư chỉ được phép hoạt động khi có sự đồng ý của chính
quyền. Quy chế chia giáo dục ra hai bậc: tiểu học và trung học. Trường tiểu học
được mở tập trung ở 6 nơi: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc
Trăng. Nội dung học có các môn: tập đọc, tập viết chữ quốc ngữ, chữ nho, chữ
Pháp và số học. Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học gồm có thi viết và thi vấn đáp.
Trường trung học chỉ mở ở Sài Gòn, dạy 3 ban với các môn: tiếng Pháp, chữ quốc
ngữ, toán, địa lý, lịch sử (chỉ dạy lịch sử Pháp, không dạy lịch sử Việt Nam).
Tuy nhiên, quy
chế 1874 tỏ ra kém hiệu quả.Vì thế, đến tháng 3-1879, Lafont ký quyết định ban
hành quy chế mới, theo đó, hệ thống giáo dục được chia làm ba cấp, bãi bỏ tất
cả các trường được tổ chức theo quy chế 1874. Ba cấp học gồm có: trường hàng
tổng (cấp I), trường hàng quận (cấp II), trường tỉnh (trường trung học, cấp
III). Mỗi huyện đều có một trường cấp một, ở mỗi tỉnh có 6 trường cấp 2.
- Về thời gian và chương trình:
Cấp I, học 3 năm, gồm các môn:
tiếng Pháp, bốn phép tính, cách đo lường. Chữ Hán và chữ quốc ngữ chỉ học đến
một mức độ nhất định, đủ để biết đọc, biết viết.
Cấp II, thời gian học là 3
năm. Các môn học gồm có tiếng Pháp, Toán, Lịch sử Việt Nam, Địa lý Việt Nam,
chữ Hán và chữ quốc ngữ. Tiếng Pháp ở cấp hai được học kĩ hơn, môn Toán được trang
bị cả kiến thức Đại số và Hình học... Tốt nghiệp cấp học này
học sinh được nhận bằng Sơ học (Brevet Élémentaire) và được học lên cấp cao
hơn.
Cấp III, học sinh học 4 năm, học
thêm những môn mới như Thiên văn, Địa chất, Sinh vật. Các môn còn lại cũng như
cấp II, nhưng được mở rộng và nâng cao hơn. Các môn học đều học bằng tiếng
Pháp. Tốt nghiệp trung học, học sinh được cấp bằng Cao đẳng tiểu học (Brevet
Supérieur).
- Về tổ chức quản lí và giáo viên giảng dạy:
Các trường đều
đặt dưới sự quản lý của Sở Nội vụ và các chủ tỉnh. Mỗi trường ở các cấp do các hiệu
trưởng người Pháp quản lý. Một số giáo viên người Việt là thư ký sở Nội vụ. Họ
không được đào tạo bài bản về sư phạm. Do đó, việc giảng dạy và xây dựng kế
hoạch chương trình đào tạo đều có nhiều bất cập, cơ sở vật chất thiếu thốn,
sách giáo khoa và chương trình chắp vá nên hiệu quả giáo dục không cao.
Trong những thập
niên đầu, trong việc tổ chức giáo dục ở Nam Kỳ, người Pháp đã tập trung vào hai
mục tiêu cơ bản: một là, đào tạo
thông dịch viên, viên chức phục vụ quân đội xâm lược và bộ máy chính quyền
trong các vùng đất mới chiếm đóng. Hai
là, từng bước đưa nền giáo dục mới từ châu Âu vào Nam Kỳ. Pháp đã tìm mọi
cách để du nhập nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam nhưng Pháp chưa
thành công. Mặc dù giáo dục phong kiến Việt Nam với chế độ khoa cử lỗi thời
nhưng nó vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội. Giáo dục phương
Tây mới đào tạo được một lực lượng trí thức Tân học ít ỏi nhưng vẫn bị lép vế
trong một xã hội vốn vẫn còn tư tưởng Nho giáo thống trị từ gốc rễ .
Từ năm 1886 đến
năm 1917, Tổng trú sứ Paul Bert(6) đã có những động thái nhằm thay đổi hơn nữa giáo
dục của Pháp ở Việt Nam. Paul Bert cho thành lập Cơ quan thanh tra giáo dục
nhằm "nhanh chóng thiết lập mối quan hệ trực tiếp càng nhiều càng tốt giữa dân
tộc An Nam với chúng ta (Pháp)". Paul Bert chủ trương vừa phát triển mở rộng
trường lớp, vừa cải tổ dần giáo dục cũ để tiến tới thủ tiêu hẳn.Tuy nhiên, phải
đến Toàn quyền P. Beau thì mới đưa ra được một chương trình cải cách giáo dục
toàn diện. Đây là cải cách giáo dục lần thứ nhất của Pháp tại Việt Nam. Tháng
11 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Nha học chính Đông
Dương để nghiên cứu cải cách giáo dục. Năm 1906, Toàn quyền P. Beau đưa ra một
kế hoạch cải cách giáo dục ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ thông qua các nghị định ngày 8 -3
và ngày 6 - 5 - 1906. Theo cải cách này, hệ thống giáo dục và chế độ khoa cử
của giáo dục Nam Kỳ đã có thay đổi căn bản như sau:
* Về hệ thống các cấp học, lớp học:
Hệ thống trường Pháp - Việt là những trường chủ yếu
dạy bằng hai ngôn ngữ tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, được chia làm hai bậc tiểu
học và trung học. Bậc tiểu học gồm 4
năm học, học sinh phải qua các lớp: lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhất. Chương
trình dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp, các môn dạy bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ rất
ít. Bậc trung học được chia làm hai
cấp Trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp học
sinh chỉ học một năm được chia làm 2 ban: Ban Văn học và Ban Khoa học.
Hệ thống trường chữ Hán: Trong khi chưa xóa bỏ
hẳn được nền giáo dục truyền thống thì chính quyền thuộc địa Pháp tiến hành cải
cách để thay đổi đáng kể cơ cấu của hệ thống giáo dục này. Hệ thống giáo dục
trường chữ Hán được chia làm 3 cấp học: ấu học, tiểu học và trung học. Bậc ấu học có 3 loại trường: Trường một
năm hay dưới một năm mở ở các vùng hẻo lánh, chỉ dạy bằng chữ quốc ngữ. Loại
trường hai năm dạy bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Loại trường ba năm dạy cả ba
thứ chữ quốc ngữ, chữ Pháp, và chữ Hán. Tiếng Pháp là môn bắt buộc phải học. Sau
khi học xong bậc ấu học, học sinh phải trải qua một kì thi gọi là hạch tuyển,
nếu đậu sẽ được cấp bằng "tuyển sinh."
Bậc tiểu học có thời gian học là hai năm, được
mở ở các phủ, huyện. Quản lí và giảng dạy ở trường tiểu học là do các giáo thụ
và huấn đạo phụ trách. Chương trình dạy bằng ba thứ tiếng, chữ quốc ngữ chiếm
nhiều giờ nhất. Học xong chương trình, học sinh phải qua kì thi (hạch khóa) để
lấy bằng khóa sinh. Người có bằng khóa sinh được học tiếp lên bậc trung học.
Bậc trung học được mở ở các tỉnh lỵ do các quan
đốc học phụ trách. Chương trình học vẫn được dạy bằng ba thứ chữ Pháp, Hán, quốc
ngữ. Chữ quốc ngữ được dạy nhiều thời gian nhất, rồi đến chữ Pháp. Học sinh
phải trải qua một kì thi (thí sinh hạch), nếu đậu được cấp bằng thí sinh và
được đi thi Hương.
* Về chương trình và sách giáo khoa: Do tiến hành cải cách giáo dục một cách chắp vá, lại có nhiều loại trường
trong cùng một hệ thống giáo dục, nên chương trình học cũng không ổn định và không
thống nhất. Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn sách giáo khoa. Lúc
đầu họ dùng tờ Gia Định báo để làm sách tập đọc, sau đó họ đưa sách giáo khoa
từ Pháp sang, nhưng kết quả cũng rất hạn chế do khác nhau về trình độ, về văn
hóa. Đến những năm tám mươi của thế kỉ XIX, cơ quan Học chính Nam Kỳ đã cho
biên soạn một số sách giáo khoa tiểu học và sau đó dần dần được bổ sung
thêm thành hệ thống sách giáo khoa
trường tiểu học.
Năm 1880, Pháp mở
trường trung học ở Mỹ Tho, Trường Chợ Lớn cho Hoa kiều và một trường tiểu học
cho cả nam lẫn nữ. Năm 1915 Pháp mở Trường Collège de Jeunes Fille Indigèges
(nay là Trường THPT Nguyễn Thị
Minh Khai), năm 1918 mở Trường Cao đẳng
nữ sinh người Pháp (nay là Trường THPT
Marie Curie)...
Như vậy giai đoạn từ
1886 đến năm 1916, Pháp tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất. Đó là giai
đoạn quá độ trong quá trình phát triển nền giáo dục ở Nam Kỳ, từ việc tồn tại
song song hai hệ thống giáo dục, đi đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục phong kiến. Tuy
nhiên, mục đích đó của Pháp chưa thực hiện được trong giai đoạn này. Phải đợi
đến giai đoạn 1917 - 1945, nền giáo dục theo kiểu phương Tây mới thay thế được hoàn
toàn nền giáo dục phong kiến.
2. Từ duy trì song song
hai nền giáo dục đến xóa bỏ nền giáo dục Nho giáo ở Nam Kỳ giai đoạn 1917 -
1945
Đầu năm 1917, A. Sarraut sang làm toàn quyền ở
Đông Dương, cho ban hành bộ Học chính tổng quy (Học quy) vào tháng 12 năm 1917,
thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ. Với việc áp dụng Học chính tổng quy
này được xem như là cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai. Bộ Học quy của A. Sarraut
được chia làm 7 chương với 558 điều gồm nhiều quy định cụ thể, xác định công
cuộc giáo dục ở Việt Nam là dạy học phổ thông và thực nghiệm. Hệ thống trường
học được chia làm hai loại: trường Pháp dạy cho học sinh người Pháp theo chương
trình "chính quốc" và trường Pháp - Việt dạy cho người Việt theo chương trình
"bản xứ". Hệ thống giáo dục Nam Kỳ được quy định như sau:
- Tổ chức trường lớp: Quá trình đào tạo được chia làm ba cấp:
* Đệ nhất cấp (Tiểu học): Các trường tiểu học được tổ chức ở các xã. Nếu xã nhỏ thì có thể tổ chức
một trường tiểu học chung cho hai, ba xã. Các trường tiểu học có hai loại: Trường tiểu học bị thể (é1cole primaire
de pleinexerices) có 5 lớp: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng, lớp Nhì và lớp Nhất. Trường sơ đẳng tiểu học (écle élémentaire):
Đây là những trường chỉ có hai, ba lớp dưới dành cho những vùng mà học sinh chỉ
cần học để biết đọc, biết viết, rồi sau đó về làm ruộng chứ không theo con
đường học vấn. Học sinh nào muốn học lên nữa thì phải đến các trường tiểu học
bị thể khác để tiếp tục học tập
* Đệ nhị cấp (Trung học): Chia làm hai cấp, cao đẳng tiểu học và trung học. Cao đẳng tiểu học: Học sinh học trong 4 năm với 4 lớp: Đệ nhất, Đệ
nhị, Đệ tam và Đệ tứ niên. Học xong 4 năm học sinh thi lấy bằng cao đẳng tiểu
học (còn gọi là bằng đíp-lôm hay thành chung). Trung học: Học sinh học 2 năm, sau đó thi lấy bằng tú tài bản xứ.
Trong thời gian này, bên cạnh các trường trung học được mở trước đây, Pháp đã
cho mở thêm trường Petrus Ký vào năm 1928.
* Đệ tam cấp: cao đẳng và đại học chuyên nghiệp và trường
nghề:
Hầu hết các
trường cao đẳng và đại học thời gian này đều tập trung tại Hà Nội, ở Nam Kỳ chỉ
có các trường dạy nghề là chủ yếu. Các trường dạy nghề như Trường Nông nghiệp
Bến Cát, Trường Canh nông Nam Kỳ, Trường Mỹ nghệ Bản xứ Thủ Dầu Một dạy các
nghề thêu, khảm và vẽ, Trường Biên Hòa dạy các nghề trang sức, đồ gỗ và nghề
sắt; Trường Sa Đéc dạy các nghề làm mặt hàng từ đồi mồi; Trường Cần Thơ dạy
thêu...
- Bên cạnh đệ nhất cấp và đệ nhị cấp còn có hệ thực
nghiệp: Ở bậc tiểu học thực
nghiệp có các trường dạy nghề như rèn, mộc, nề, trường gia chánh, trường
canh nông, trường mỹ thuật công nghiệp và mỹ nghệ. Các trường trung học thực nghiệp cũng dạy các ngành
nghề nhưng dạy khá hoàn chỉnh chứ không dạy sơ lược như ở cấp dưới. Các trường
này do người đứng đầu địa phương quản lý trực tiếp, Học sinh sau khi học xong
sẽ tùy theo cấp học và trình độ mà có thể vào làm ở các cơ sở sản xuất khác
nhau.
- Về đội ngũ giáo viên, những người có bằng sơ học yếu lược hoặc bằng khóa sinh chỉ cần có lời
cam đoan tuân theo luật lệ của làng xã trong việc dạy dỗ con em là có thể dự
tuyển làm giáo viên. Hàng năm các giáo viên được dự các lớp bồi dưỡng chuyên
môn do cơ quan học chính tỉnh tổ chức trong thời gian không quá 6 tuần.
Từng bước xóa bỏ
hoàn toàn nền giáo dục và khoa cử phong kiến Việt Nam, đến năm 1815 thực dân
Pháp đã bãi bỏ kì thi Hương ở Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ, năm 1918 tổ chức kì thi Hương
cuối cùng. Năm 1919, hai kì thi Hội và thi Đình cuối cùng cũng được tổ chức tại
Huế rồi sau đó vĩnh viễn chấm dứt nền khoa cử của giáo dục Nho giáo. Ngày 14 -
6 - 1919, triều đình Huế cũng đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học
và thay thế vào đó là hệ thống trường Pháp - Việt. Từ đây, triều đình Huế đã
phó mặc hoàn toàn việc giáo dục thi cử cho thực dân Pháp. Nền giáo dục Việt Nam
được đặt dưới quyền quản lý của Nha học chính Đông Pháp. Năm 1933, Pháp cho
thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục do Phạm Quỳnh làm Thượng thư. Ở các tỉnh có chức
đốc học, kiểm học, còn ở các phủ, huyện phục hồi chức huấn đạo và Giáo thụ. Về
hình thức, nền giáo dục do hai chính quyền quản lý, nhưng thực chất Bộ Quốc gia
Giáo dục của triều Nguyễn chỉ quản lý bậc tiểu học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, còn
lại toàn bộ hệ thống giáo dục vẫn do Pháp quản lý. Đến lúc này, hệ thống giáo
dục ở Nam Kỳ được tổ chức lại và tồn tại cho đến trước năm 1945 như sau:
- Bậc tiểu học gồm có:
Trường sơ đẳng yếu lược bản xứ gồm các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, có khi chỉ có một hai lớp sơ đẳng. Trường
này còn được gọi là trường Hương học vì thường được đặt ở các làng và ngân sách
do các làng đóng góp.
Trường tiểu học là trường có 3
lớp đệ nhất, đệ nhị và lớp nhất, có khi chỉ có 2 lớp trên bậc tiểu học. Trường
này được đặt ở các phủ, huyện hoặc tỉnh lị. Sau khi phải qua kì thi Sơ học yếu
lược, học sinh được nhận bằng tiểu học Pháp - Việt.
- Bậc trung học: gồm có hai ban Cao đẳng tiểu học và Tú tài: Cao đẳng tiểu học gồm các lớp nhất niên, nhị niên, tam niên, tứ
niên. Tú tài có thời gian học là 3
năm: đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên. Chương trình tú tài ngay từ đệ
nhất niên đã có sự phân ban thành ban Khoa học và Ban Toán và Ban Triết. Học
sinh học xong đệ nhị niên có thể thi lấy bằng tú tài bán phần. Phải có bằng tú
tài bán phần thì mới được học năm cuối để thi lấy bằng tú tài toàn phần.
Do Nam Kỳ là
thuộc chế độ trực trị của Pháp nên giáo dục ở đây chỉ có chương trình Pháp, tuy
nhiên trong các trường Pháp cũng có chia thành hai khu: Khu Pháp chuyên học
bằng tiếng Pháp, khu bản xứ có học thêm một số chương trình Việt văn, nhưng
cuối học kì không thi lấy tú tài bản xứ
như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Hệ thống giáo dục
cao đẳng và đại học thời gian này có một số trường như Viện đại học Đông Dương,
Trường Y dược Đông Dương, Trường Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Thương
mại Hà Nội, Trường Đại học Luật khoa Đông Dương... đều đặt ở Hà Nội.
Hệ thống giáo dục
thời kỳ này có thay đổi chút ít, còn về cơ bản vẫn như trong giai đoạn cải cách
giáo dục lần thứ hai.
3. Một vài nhận
định về giáo dục Nam Kỳ thời thuộc Pháp:
3.1 Người Pháp đã
áp đặt nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam:
Sự áp đặt mô hình giáo dục phương
Tây của thực dân Pháp vào Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói
riêng cũng mang lại những hệ quả tích cực.
Trong bối cảnh nền giáo dục Nho giáo đang hồi suy tàn với một lối dạy học lạc
hậu, nội dung phiến diện không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân tài cho đất
nước, thì nền giáo dục phương Tây đã đưa đến những yếu tố mới cho nền giáo dục.
Về hình thức, đó là việc tổ
chức hệ thống trường học, cấp học, lớp học có hệ thống bài bản, với hình thức
tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức học thành lớp có cùng độ tuổi,
giống nhau về tâm sinh lý, cùng học một chương trình thống nhất. Nền giáo dục
đa dạng về loại hình trường lớp, hệ thống giáo dục được tổ chức rộng khắp.
Về nội dung giáo dục, chương trình được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện không chỉ có
khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ. Trong khoa học xã
hội học sinh được học cả lịch sử, văn học thế giới, triết học đông tây, luân lý;
trong khoa học tự nhiên có toán học, địa dư, kinh tế...; về sau học sinh còn được
phân ban theo các ban khoa học, ban toán và ban triết học. Nội dung giáo dục
không chỉ giới hạn trong sách "thánh hiền" mà hiểu biết của học sinh đã được mở
rộng ra nhiều lĩnh vực, điều mà giáo dục Nho học trước đây không có.
3.2 Cùng với việc
bắt buộc phải học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, các trường Pháp - Việt và cả các
trường Nho giáo đã trang bị cho học sinh hai thứ ngôn ngữ hữu ích để mở rộng
giao tiếp và hiểu biết của mình đối với các nền văn hóa thế giới. Mặc dù còn
nhiều hạn chế, nhưng bước đầu thông qua giáo dục, người Pháp cũng đã truyền bá
được văn minh châu Âu vào vùng đất Nam Kỳ. Cùng với sự du nhập của những yếu tố
văn minh vật chất, lối sống theo văn hoá phương Tây được hình thành ở những đô
thị lớn. Những tư tưởng tiến bộ cũng được tiếp nhận và phát huy.
3.3 Giáo dục Nam
Kỳ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức Tây học, một tầng lớp mới trong xã hội
Nam Kỳ lúc bấy giờ. Điều đặc biệt là mặc dù được đào tạo trong các trường học
của Pháp, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, nhưng tầng lớp trí thức Tân học
ở Nam Kỳ lại có một nền tảng giáo dục truyền thống rất vững chắc. Họ vừa am
hiểu văn hóa, ngôn ngữ Pháp nhưng lại rất tinh thông Nho học. Những trí thức Tân học ở
Nam Kỳ bắt đầu dịch thuật các tác phẩm chữ Hán, chữ Pháp ra chữ quốc ngữ để phổ
biến trong nhân dân. Ngoài ra, họ còn trực tiếp truyền bá tư tưởng khoa học và
tư tưởng dân chủ phương Tây cho nhân dân thông qua các chuyến đi du học và từ
nguồn sách báo từ nước ngoài. Cũng qua sách báo yêu nước và tiến bộ, nhiều trí
thức, sinh viên, học sinh ở Việt Nam đã nhận thức ra sự đối xử bất bình đẳng,
miệt thị của người Pháp đối với dân bản xứ. Trừ một số cam tâm làm tay sai cho
Pháp, còn phần lớn trí thức ở Nam Kỳ có lòng yêu nước và gắn bó với các phong
trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.
3.4 Tuy có những
hệ quả khách quan tích cực nói trên nằm ngoài mục đích của thực dân Pháp, nền giáo dục Nam Kỳ thời Pháp thuộc vẫn là một nền giáo dục thực
dân, phục vụ cho mục đích cai trị của Pháp tại Đông Dương. Đó là một nền giáo
dục gieo rắc những tư tưởng nô dịch, tuyên truyền nhiều cho văn hóa, tư tưởng
của "mẫu quốc". Tuy thực dân Pháp có chú ý mở rộng hệ thống giáo dục nhưng chủ
yếu vẫn chỉ tập trung ở những thành phố, thị xã, thị trấn phục vụ cho chính con
em người Pháp và đội ngũ quan lại người Việt thân Pháp. Một nền giáo dục phục
vụ cho số ít người chứ không phải cho quảng đại dân chúng. Phần lớn nhân dân
Nam Kỳ vẫn ở trong đói nghèo, lạc hậu và mù chữ.
CHÚ THÍCH:
(1). Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN,
tr.32.
(2). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96 (3-1967), dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến 1996),
Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN,
tr.180.
(3). Nguyễn Đăng Tiến, (1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng
tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN, tr. 189.
(4). Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục
và khoa cử Việt Nam,
NXB Từ điển bách khoa, HN, tr.111.
(5). Nguyễn Đăng Tiến, Sđd, tr. 188.
(6). Paul Bert được Tổng thống Pháp cử sang
Đông Dương làm Tổng trú sứ theo sắc lệnh ngày 27 - 1 -1886. Tổng trú sứ có
nhiệm vụ như Toàn quyền sau này.
(7). Đinh Xuân Lâm (Chủ biên,1997) Đại cương lịch sử Việt
Nam,
tập II, NXB Giáo Dục, HN.
(8). Leopond Pallu (2008), Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kì
năm 1861, NXB Phương Đông, TP. HCM.
(9). Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người Annam bạn hay thù, NXB Tổng hợp Thành phố
HCM.
(10). Nguyễn Quang Thắng (1993), Khoa cử và Giáo dục Việt
Nam,
NXB VH TT, HN.
(11). Gail P. Keelly (1982), Franco - Vietnames school
1918 - 1938 Regional and implifications for national integration, Center for
Southeast Asian Studies University of Wisconsion.
|