Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

41. Nợ công ở Trung Quốc


Ảnh minh họa.
LTS: Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới, thay thế vị trí mà nước Mỹ đã nắm giữ hơn 1 thế kỷ. Không tới 1 thập kỷ nữa, Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, thay vì suy thoái, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tới 2 con số - tương phản rõ rệt với tình trạng trì trệ tại hầu hết các nước phương Tây. Đằng sau những con số này là gì?... là nợ nần - nợ của Trung Quốc cũng chẳng kém Hy Lạp là mấy? Điều này đúng hay chỉ là sự đố kị từ phần còn lại của thế giới?

Bom nổ chậm
Có phải Bắc Kinh đã tìm ra được một công thức bí mật cho thành công kinh tế, ngoài tầm hiểu biết của các nước phương Tây?
GS. Minxin Pei - Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ, thuộc Claremont McKenna College đã viết trên tờ The Diplomat (Mỹ) rằng, Trung Quốc đã cố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời kỳ suy thoái toàn cầu bằng các khoản vay khổng lồ từ ngân hàng cung cấp cho chính quyền địa phương, dẫn đến tình trạng bội chi cho cơ sở hạ tầng mà nước này phải gánh chịu trong nhiều năm tới, nên nợ công đang là trái bom nổ chậm.
Đúng như vậy, một phần câu trả lời cho bí ẩn trên đã được Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng 6/2011. Hóa ra Bắc kinh đã xoay sở giữ nền kinh tế tăng trưởng GDP trong suy thoái toàn cầu bằng các khoản vay khổng lồ từ ngân hàng cấp cho chính quyền các địa phương, dẫn đến tình trạng bội chi khổng lồ cho cơ sở hạ tầng. Trong những lý do dẫn đến khủng hoảng kinh tế làm Mỹ và Tây Âu khốn đốn, nguyên nhân lớn nhất là tình trạng "bùng nổ tín dụng" - tức việc cho vay và vay quá nhiều làm bùng lên bong bóng nhà đất và chi tiêu không bền vững. Trung Quốc dường như đã bị nhiễm căn bệnh tương tự, chỉ với một điểm khác duy nhất là hầu hết nợ của Trung Quốc được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chứ không phải tiêu dùng.
Theo số liệu được Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (NAO) công bố vào cuối tháng trước, chính quyền các địa phương đã mắc tổng số nợ 10.700 tỷ NDT (1.650 tỷ USD), chiếm khoảng 27% GDP năm 2010. Giới quan sát cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) gần đây ước tính nợ của các địa phương đã lên tới 14.000 tỷ NDT (hầu hết là nợ ngân hàng), cao hơn 30% so với số liệu của NAO.
Trên giấy tờ, nợ của Trung Quốc chỉ dưới 20% GDP, khiến Bắc Kinh trở thành một mẫu mực so với các chính phủ Phương Tây tiêu xài quá tay. Tuy nhiên, nếu tính các khoản nợ của địa phương, chi phí tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước, trái phiếu do ngân hàng nhà nước phát hành và trái phiếu đường sắt, tổng nợ của Trung Quốc có thể lên tới 70-80% GDP, gần bằng mức nợ công của Mỹ và Anh. Do hầu hết các khoản nợ này được vay trong thập niên vừa qua, nên Trung Quốc đang trên quỹ đạo không bền vững với tốc độ tích tụ nợ hiện nay, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế chậm lại như đã được dự báo cho thập niên kế tiếp.
Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, có dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại khổng lồ, nhưng thị trường vẫn lo ngại khoản nợ địa phương lớn có thể ảnh hưởng đến ổn định kinh tế quốc gia. Vấn đề tiếp theo là liệu chính quyền các địa phương có thể trả lãi và trả nợ gốc hay không?
Theo một báo cáo được đăng tải trên website của NAO, tổng số có 148 công ty tài chính do các chính quyền địa phương thành lập đã nợ quá hạn lên tới 8 tỷ NDT, trong khi hơn 5% số công ty này đã tìm cách vay mới để trả nợ cũ. Theo tiết lộ của một nhà quản lý ngân hàng, chỉ 1/3 các dự án trên có thể hoàn trả đủ vốn đã vay . Trong khi đó đất đai mà chính quyền địa phương thế chấp để vay vốn đang có giá trị bấp bênh do thị trường địa ốc có thể suy sụp. Vì vậy, có nhiều khả năng các chính quyền địa phương sẽ không có khả năng hoàn vốn từ các khoản đầu tư hạ tầng - hay trả nợ cho ngân hàng.
Điều gì có thể xảy ra
Như vậy có nghĩa là phần lớn mức tăng trưởng của Trung Quốc đã không thực chất, nói cách khác đây thực sự là một quả bong bóng lớn. Những nỗ lực xây đường sắt cao tốc của Trung Quốc là một ví dụ khi mang tới một núi nợ quá lớn, trong mọi khả năng khó có thể chi trả bằng doanh thu từ đường sắt.
Khoảng 50% các khoản vay ngân hàng của chính quyền các địa phương sẽ đến kỳ trả nợ trong hai năm tới, một cuộc khủng hoảng thanh toán ngắn hạn được dự đoán có thể xảy ra. Các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc sẽ phải gia hạn các khoản vay và cứ coi như chúng vẫn đang sinh lời. Thậm chí các ngân hàng còn phải cho vay thêm để họ trả lãi. Tác động của các mánh lới kế toán này sẽ làm giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng Trung Quốc, điều được coi không phải là mối lo thực sự, nhưng việc đó chỉ có thể tạm thời làm chậm lại cái không thể tránh khỏi.
Tác động dài hạn của các khoản vay lớn không hiệu quả trên nhiều khả năng sẽ không thể hiện ra dưới dạng một cuộc khủng hoảng ngân hàng, mà dưới các hình thức âm thầm hơn, và cũng tai hại hơn. Vì Bắc Kinh có thừa nguồn lực tài chính để cứu trợ chính quyền các địa phương khi mà các khoản vay này đến kỳ phải trả. Nhưng đổi lại, trong thập kỷ tới - thập kỷ các nguồn lực tài chính đều trở nên quý giá hơn, Trung Quốc sẽ trải qua sự kết thúc của tăng trưởng dân số, gia tăng chi phí cho y tế và lương hưu và tăng trưởng kinh tế chậm lại - nước này sẽ có ít vốn để đầu tư hơn. Với một nền kinh tế lấy đầu tư làm động lực, cho vay là bản lề tăng trưởng, nhưng lại quá nhiều khoản nợ đang trở thành khó đòi thì chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra.
Tương lai bấp bênh?
Đối với một số nhà quan sát, cán cân sức mạnh toàn cầu đang dịch chuyển vững chắc về phía có lợi cho Trung Quốc. Nước này hiện được coi là lo ngại chính với nhiều quyền lực lớn trên thế giới như Nhật, Đức và Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã thận trọng hơn về kinh tế Trung Quốc. Một số đã hạ dự báo tăng trưởng và xếp hạng các ngân hàng do lo ngại về làn sóng nợ xấu của nước này.
Charlenne Chu - chuyên gia phân tích của Fitch cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc gần đây dựa quá nhiều vào tín dụng lỏng lẻo và rằng dòng tiền dễ dàng ấy đang thổi bùng lạm phát và bong bóng tài sản.
Hơn thế nữa, những lợi thế lâu nay của Trung Quốc đang có xu hướng mất dần. Nguồn cung lao động dồi dào từ nông thôn đang giảm dần. Dân số trong độ tuổi lao động sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới. Tốc độ đô thị hóa - một trong những động lực tăng trưởng đang suy yếu dần. Trong 10 năm tới, nhiều chuyên gia lo ngại về việc Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mất khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhưng thất bại trong việc tìm nguồn tăng trưởng mới...
GS. Michael Pettis - trường Quản Lý Guanghua (Trung Quốc) cho rằng "tăng trưởng của Trung Quốc đã mất cân bằng đến mức sẽ vô cùng khó khăn để họ chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới". Chính phủ đã quy định trong kế hoạch kinh tế mới trong 5 năm rằng họ muốn nâng cao vai trò của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế, bằng cách nâng cao sức mua của người dân và phát triển hơn nữa các dịch vụ và an sinh xã hội. Nhưng hết tháng này qua tháng khác, các chỉ số kinh tế vẫn cho thấy đầu tư và xuất khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn tiêu dùng.
Chính phủ cũng có các đòn bẩy mạnh mẽ về mặt sở hữu để điều chỉnh hướng đi của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có khả năng tiếp cận tín dụng cao hơn khu vực tư nhân cạnh tranh hơn và mới là nguồn tạo ra công ăn việc làm chính của quốc gia này. Vì thế đây là một sự phân bổ nguồn lực yếu kém.
Richard McGregor- tác giả cuốn Đảng Cộng sản: Thế giới bí mật của các nhà cầm quyền Trung Quốc cho biết: "Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đây. Hiện tại quốc gia này đã trở nên hùng mạnh hơn, nhưng tôi không chắc đó là một hiện tượng kéo dài".
Các nhà phân tích hoài nghi rằng liệu một Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ mới trong thế giới đã phát triển có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tương tự như họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Fraser Howie- đồng tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản Đỏ: Cơ sở tài chính dễ tan vỡ, sự gia tăng bất thường của Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc có thể làm tương tự trong trường hợp này - cấp thêm nhiều vốn đề xây dựng những dự án không hữu ích. Nhưng cuối cùng thì việc này chỉ gây lãng phí các nguồn lực và mô hình tăng trưởng này rồi sẽ thất bại.
Hy Lạp tiếp theo?
Trả lời phỏng vấn CNBC, nhà phân tích thuộc Mizuho Securities Asia - Jim Antos nói rằng, tính trên thang điểm từ 1 đến 10 về mức độ nguy hiểm của nợ nần, thì Trung Quốc đang ở cấp độ 8. Một ví dụ tiêu biêu về bong bóng tín dụng là chỉ từ 12/2007 đến 5/2011, lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp đôi.
Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia kinh tế của Đại học Northwestern (Mỹ) thì cho rằng, nếu xem xét kỹ hơn các loại nghĩa vụ của chính phủ, thì con số nợ thực tế phải vượt quá 150% GDP của Trung Quốc năm 2010 (nợ của Mỹ so với GDP là 93%, của Nhật Bản vượt quá 225% GDP). Chẳng hạn, khoản vay nợ để xây đường sắt cao tốc đã không được tính vào khoản nợ chính thức của chính phủ, mặc dù đây là nợ của Bộ Đường sắt. Một số nhà phân tích cho rằng, suy thoái kinh tế có thể đã phơi bày các khoản nợ khổng lồ ẩn trong hệ thống ngân hàng. Tiền đã được đổ vào nhằm giảm tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới kinh tế Trung Quốc. Vì thế rất nhiều vấn đề gắn với gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD hồi cuối năm 2008 và một làn sóng lớn các khoản vay được chính phủ hỗ trợ trong giai đoạn 2009 - 2010.
Vậy Trung Quốc có giống Hy Lạp không? vừa không, vừa có. Trung Quốc không gặp vấn đề nợ như Hy Lạp. Các khoản nợ của Trung Quốc không có khả năng kích hoạt khủng hoảng hay thậm chí suy thoái trong ngắn hạn. Khoản nợ hiện tại của Trung Quốc không cao hơn so với trước đây khi nền kinh tế nước này tăng trưởng mạnh. Hơn nữa, phần lớn các khoản nợ được phát hành bằng nội tệ với lãi suất thấp. Mức lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện chỉ vào khoảng 3,94%.
Nợ của nước này cũng ít rắc rối hơn so với gánh nặng nợ công của các nước giàu, vì đã được bù đắp bởi một tốc độ tăng trưởng rất cao. Tỷ lệ nợ/GDP ở 80% là nghiêm trọng nếu tăng trưởng trong ngắn hạn dưới 3% như ở Mỹ và gần 1% như ở Nhật. Nguy cơ ít hơn nhiều khi tăng trưởng trong ngắn hạn của Trung Quốc được dự báo tới 9%. Thậm chí, nếu tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong khoảng 5-7%, nợ nần cũng sẽ nhanh chóng được giải quyết nếu các khoản cho vay mới được kiểm soát.
Trung Quốc cũng không cần phải lo ngại tới các chủ nợ nước ngoài. Bởi nước ngoài hiện khó tiếp cận được nợ Trung Quốc do hệ thống tài chính nội địa đang chịu sự kiểm soát mạnh mẽ từ chính phủ. Và dĩ nhiên, Trung Quốc còn có 3.000 tỷ USD dự trữ. Vì vậy, việc thanh toán nợ chắc chắn không gây nhiều khó khăn cho kinh tế Trung Quốc.
Tuy vậy không có nghĩa là các khoản nợ không phải là vấn đề. Có thể khủng hoảng nợ trong ngắn hạn tại Trung Quốc khó xảy ra. Nhưng các chính sách kinh tế mà Trung Quốc buộc phải thực hiện nhằm giảm nợ trong ngắn hạn có thể đe dọa tăng trưởng của nước này trong 5 đến 10 năm tới. Các ngân hàng lớn thiếu sự độc lập cần thiết, giới hạn khả năng sử dụng chính sách tiền tệ để chống lạm phát và những tác động ngược của chính sách gây lo ngại nhiều hơn rằng Trung Quốc không tránh khỏi sự suy giảm tốc độ tăng trưởng. Nước này cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hướng tới một động lực tăng trưởng khác
An Sinh

Bài học từ Argentina
Cuộc khủng hoảng nợ toàn diện của Argentina từ cuối năm 2001 rất đáng để các nước trên thế giới và Việt Nam nghiên cứu, học hỏi.
Trong suốt thập niên 1990, Argentina đã thực hiện các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế rất mạnh mẽ. Nguồn thu từ chương trình tư hữu hóa, nhất là việc các xí nghiệp quốc doanh cho nước ngoài, cùng với việc vay nợ quốc tế đã giúp Chính phủ Argentina ổn định giá trị của đồng nội tệ. Tất cả điều này đã làm nền tảng cho các tăng trưởng ngoạn mục sau đó. Thêm vào đó, là dòng vốn quốc tế chảy ồ ạt vào Argentina.
Những yếu tố đó khiến Argentina được ngợi khen như là một điển hình của sự thần kỳ mới. Nhưng cùng với sự thần kỳ đó là ảo tưởng ngủ quên trên chiến thắng. Chính phủ Argentina đã tận dụng uy tín đang lên của quốc gia để liên tục vay nợ nước ngoài. Cứ như thế các khoản nợ nước ngoài âm thầm tăng lên dần, bắt đầu là ngưỡng an toàn từ tỉ lệ nợ dưới 50% GDP (35% trong năm 1995 cho đến gần 65% năm 2001). Hậu quả là chính phủ mất đi sức đề kháng trước những rủi ro trong thâm hụt ngân sách.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), ngưỡng an toàn đối với các nước đang phát triển là tỉ lệ nợ nước ngoài phải dưới 40%/GDP. Nhưng còn một yếu tố vô cùng quan trọng thường được chính phủ các nước "lờ đi", đó là lãi suất thực phải trả. Nếu tính đến lãi suất thực trong khoảng từ 7-10% thì đó lại là một khoản nợ khổng lồ. Nếu quốc gia nào không có tốc độ phát triển thần kỳ thì không thể nào vay nợ ở mức cao như vậy, nhất là vay bằng ngoại tệ mạnh.
Đây là bài học xương máu với thực tế từ cuộc khủng hoảng nợ Argentina. Và điều gì đến đã phải đến, khi mà nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu giảm đi và cùng với đó là các khoản nhập khẩu tăng lên liên tục thì mọi thứ đều dần bộc lộ. Từ những năm 1999, Argentina đã bắt đầu gặp phải những mất cân đối trong chi tiêu ngân sách. Do đã tư hữu hóa ào ạt các xí nghiệp quốc doanh trong thời gian trước đó, chính phủ giờ đây đã không còn nguồn thu nào khác ngoài thuế để bù đắp thâm hụt, đó là chưa kể vấn đề còn bị trầm trọng thêm bởi chính phủ liên tục phải trả nợ nước ngoài.
Đối với các nhà tài trợ quốc tế, khi không còn trong giai đoạn mặn nồng, phản ứng của họ rất dễ hiểu. Ngay sau khi Quốc hội Argentina họp triển khai cái gọi là "giảm thâm hụt ngân sách xuống bằng không" vào ngày 11-7-2001, Moody"s và S&P đã hạ thấp điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia Argentina, các chỉ số niềm tin liên tục sút giảm như một tín hiệu phản ứng trước vụ việc nước đến chân mới nhảy của quốc hội nước này. Thêm vào đó, IMF lại ngưng không hỗ trợ tín dụng cho Argentina, khủng hoảng kinh tế toàn diện là điều tất yếu phải xảy đến sau đó.
Nói ngắn gọn, cuộc khủng hoảng nợ của Argentina đã bộc lộ những bất ổn trong hệ thống chính trị. Có thể nói một hệ thống chính trị liên quan đến một chính phủ tham nhũng và lãng phí, đã làm thị trường mất niềm tin về khả năng trả nợ của quốc gia đối với những trái phiếu phát hành trước đây, cuộc khủng hoảng nợ được đúc kết đơn giản như thế.
Phong Nhi



Nợ công Việt nam tăng nhanh: Rủi ro và thách thức
Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng số dư nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2010 là 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP năm 2010. Dự kiến tổng nợ công năm 2011 còn tăng cao hơn, ở mức 1.375 nghìn tỷ đồng, tương đương 58,7% GDP năm 2011. Trong khi đó, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến ngày 31/12/2010 là 835 nghìn tỉ đồng, bằng 42,2% GDP năm 2010 và dự báo sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011.
Cả WB và IMF đều cho rằng mức nợ nằm trong tầm kiểm soát hay ngưỡng an toàn (dưới 60% GDP) và Việt Nam không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ cao". Đó là một tin tốt, tuy nhiên xu hướng gia tăng nợ công qua các năm cũng cho thấy sự bất ổn cần lưu ý.
Mặc dù khả năng thanh toán và thanh khoản của nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng bức tranh vĩ mô của Việt Nam khá ảm đạm. Lạm phát và lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam hiện đã vượt 11%/năm, một dấu hiệu thường xảy ra ở các nước trước khi có khủng hoảng nợ. Sự yếu đi liên tục của đồng Việt Nam đang khiến các khoản vay bằng ngoại tệ tăng lên về quy mô nếu tính theo đồng nội tệ. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam (lên đến 110% trong giai đoạn 2002 - 2010), giá trị thực của các khoản nợ lại đang giảm. Điều này hàm ý rằng gánh nặng nợ của Chính phủ đang san sẻ sang người dân thông qua thuế lạm phát.
Theo dự đoán, nợ công Việt Nam sẽ tạm chững lại trong năm 2011 do lạm phát tăng mạnh. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, tỷ lệ nợ công sẽ tăng dần đều và đạt mức 64% GDP vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Kịch bản này đòi hỏi Chính phủ phải đưa dần thâm hụt ngân sách tổng thể từ 7,7% trong năm 2009 xuống còn 4,3% năm 2011, 3,1% trong năm 2015 và 2,8% GDP trong năm 2020.
Lúc này, Việt Nam cần thực hiện các chương trình cắt giảm chi tiêu công quyết liệt và với định hướng lâu dài. Đặc biệt là cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động vay vốn và đầu tư. Kể từ ngày 1/8/2011, việc giám sát nợ công và nợ nước ngoài sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Mục đích là đảm bảo an toàn nợ, duy trì nợ hợp lý trong giới hạn an toàn, đảm bảo bền vững nợ về dài hạn; xác định sớm rủi ro tiềm ẩn; tăng cường minh bạch tài chính; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.
Cúc Nhi (tổng hợp)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/7/67CBDF6603CEB86C/