Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

46. Trung Đông nóng bỏng


LTS. Khu vực Trung Đông - Bắc Phi từ lâu vẫn được biết đến là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại và một vùng đất giàu có "vàng đen". Những tưởng với lịch sử và nguồn tài nguyên như vậy, người dân khu vực này có thể sống một cuộc sống sung túc và bình yên. Nhưng thực tế nó lại là vùng đất luôn có xung đột vũ trang, cục diện nóng bỏng và bất trắc. Nguyên nhân do đâu?

Ngọn lửa bùng phát
Khởi đầu từ Tunisia, các cuộc biểu tình chống chính phủ do giá cả leo thang, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nạn tham nhũng hoành hành rộng khắp suốt mấy tuần qua đã lan rộng tới các nước Ảrập vùng Bắc Phi và Trung Đông như Ai Cập, Yemen, Algeria, Libya, Jordani, Iran, Bahrain. Ở Tunisia, các cuộc biểu tình dữ dội của dân chúng đã buộc Tổng thống Ben Ali, người đã cầm quyền suốt 23 năm phải trốn chạy khỏi đất nước ngày 14/1. Sự sụp đổ của triều đại Ben Ali được xem là hồi chuông cảnh báo đối với thế giới Ảrập. Và chẳng phải đợi lâu, hồi chuông từ Tunisia đã lan sang Ai Cập. Chưa bao giờ có đến cả triệu người đổ ra đường phố ở Thủ đô Cairo để biểu tình đòi Tổng thống Mubarak phải từ chức. Và ngày 11/2 tại trung tâm Thủ đô Cairo các đám đông reo hò như chưa bao giờ được ăn mừng sự kiện lớn lao như thế trước sự ra đi của ông Hosni Mubarak sau ngót 30 năm nắm quyền.
Ngọn lửa bùng phát từ Tunisia và Ai Cập đang tiếp tục lan rộng sang các nước Bắc Phi, Trung Đông khác. Tuần qua, các vụ xuống đường phản đối chính phủ đã diễn ra rầm rộ ở nhiều nước trong khu vực. Tại Iran, cảnh sát đã đụng độ với người biểu tình tại thủ đô Tehran. Tại Bahrain, một nước ở vùng Vịnh có 1 triệu dân, hàng ngàn người cũng xuống đường đòi cải cách chính trị. Trong khi đó, ở Yemen, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Ngày 14/2, khoảng 3.000 người đã tập trung tại khu vực quảng trường Al Tahrir, Thủ đô Sanaa, đòi cải cách chính trị và Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã cầm quyền 32 năm phải từ chức. Nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình đầy phẫn nộ này là giá cả leo thang, tệ nạn tham nhũng hoành hành trong khi có tới 40% dân số Yemen sống dưới mức nghèo khổ với không quá 2USD/ngày.
Trong khi đó, Libya, nước nằm giữa hai tâm điểm Tunisia, Ai Cập và cũng có nhiều nét tương đồng về kinh tế, chính trị với hai quốc gia này, đã trở thành mặt trận mới của biểu tình. Đêm thứ tư 16/2, thành phố Banghazi ở nước này chấn động vì cuộc biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ. Theo tin tức mới nhất, nguy cơ một cuộc nội chiến đang ngày càng hiện hữu ở đất nước dưới sự lãnh đạo của Đại tá Gadafi từ năm 1969 và có nhiều tin cho biết ông này có thể đã phải chạy trốn sang Venezuela.
Đẩy thuyền là dân, lật thuyền là dân
Tại sao ngọn lửa nổi giận của nhân dân các nước Trung Đông - Bắc Phi lại bùng phát? Lý do gì khiến cho các chính phủ Tunisia, Ai Cập ở đây nhanh chóng bị sụp đổ trước các cuộc biểu tình của nhân dân. Đây là điều được các nhà quan sát quốc tế quan tâm lý giải. Biến cố Tunisia bắt đầu từ sự bất mãn của người dân vì giá lương thực leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng. Nhiều người Ai Cập cũng có mối bức xúc tương tự và họ xuống đường đòi ông Mubarak từ chức để bày tỏ thái độ.
Đầu tiên là sự bất mãn của người dân trước các nhà lãnh đạo gia đình trị và tham nhũng. Theo báo chí Anh, sau 23 năm trị vì, gia đình ông Ben Ali đã gom góp được một khối tài sản khổng lồ trị giá lên tới 5,5 tỉ USD. Tuy nhiên phu nhân Laila, trẻ hơn chồng 20 tuổi, mới là người bị hàng triệu người dân căm ghét nhất. Rất nhiều người Tunisia cáo buộc bà Laila đã lợi dụng cuộc hôn nhân với ông Ben Ali để biến gia đình Trabelsis của bà thành một gia đình quyền lực và giàu có nhất đất nước này. Trong khi gia đình này vơ vét của cải của đất nước thì tỉ lệ thất nghiệp ở Tunisia đã tăng lên đến 14%. Sự kiện anh Mohamed Bouazizi, một kỹ sư máy tính thất nghiệp, tự thiêu để phản đối chính quyền đã như giọt nước tràn ly, dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối ông Ben Ali buộc ông này phải chạy trốn khỏi đất nước.
Còn ở Ai Cập, vấn đề chính được cho là do chính phủ đã không đảm bảo được cuộc sống của đại đa số người dân, chủ yếu là khi mà giá lương thực, thứ nuôi sống con người hàng ngày, tăng cao chóng mặt. Ở Ai Cập khoảng 40% tổng sản lượng lương thực thực phẩm của nước này, trong đó có 60% bột mỳ - loại lương thực chủ yếu - được nhập khẩu. Ai Cập từng là một trong những "trụ cột" sản xuất lương thực của thế giới, nay lại trở thành một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất toàn cầu. Một nửa dân số Ai Cập sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Cho dù chính quyền Mubarak đã nỗ lực cải cách kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng đạt 6-7% nhưng không đi cùng với dân chủ và công bằng xã hội thì nó chỉ càng đào sâu thêm hố ngăn cách xã hội. Nhiều ông chủ mới giàu lên nhờ đặc quyền đặc lợi, trong khi đó, 80% dân chúng Ai Cập nghèo khổ đứng bên lề tiến trình phát triển, 25% thanh niên trong lứa tuổi 18-29 thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp, đời sống khó khăn, kết quả của một quá trình phát triển thiếu bền vững đã dẫn đến kết cục là sự nổi giận của người dân.
Hơn nữa, việc cầm quyền quá lâu của ông Mubarak cũng khiến cho nhiều người bất mãn mong muốn có sự thay đổi. Năm 2005, ông Mubarak đã bị nhân dân phủ nhận một cách thầm lặng khi tái đắc cử với 88% phiếu bầu nhưng trong cuộc bầu cử chỉ 23% cử tri tham gia, một con số cử tri quá thấp. Để bảo vệ quyền lực, nhà lãnh đạo này đã duy trì đạo luật tình trạng khẩn cấp trong 30 năm cho phép ông cai trị bằng bàn tay sắt. Cơ hội cho bất kỳ một cá nhân nào muốn ra tranh cử tổng thống thách thức vị trí của ông Mubarak là rất ít vì nhiều quy định khắt khe. Theo Hiến pháp Ai Cập, một ứng cử viên độc lập muốn ra tranh cử phải có được sự ủng hộ của 250 dân biểu Nghị viện, trong đó ít nhất là 65 thành viên Hạ viện, 25 người trong Hội đồng tư vấn (Thượng viện) và ít nhất 6 dân biểu vùng. Điều này là bất khả thi vì hiện tại đảng cầm quyền đang nắm đa số tại Nghị viện.
Bên cạnh các nhân tố trong nước, sự nổi giận của người dân cũng chịu sự tác động của các nhân tố khác. Chẳng hạn như người ta nhắc đến vai trò của Phong trào Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) trong việc kích động người dân Ai Cập đứng lên biểu tình chống chính phủ. Những phát biểu của lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây cũng được xem như là việc đổ thêm dầu vào lửa, rồi sự “tiếp tay” của báo chí - truyền thông phương Tây, các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các tổ chức phi chính phủ... khiến cho chính phủ ở Ai Cập và Tunisia không còn khả năng chống đỡ. Việc trở lại quê hương và ý định tham gia chính trường của ông Mohammed El-Baradei sau hơn 10 năm đảm nhận chức vụ Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng được xem là một nhân tố khiến người dân Ai Cập muốn ông Mubarak ra đi. Sự đón tiếp nhiệt tình của người dân cùng với ý định sẽ tham gia tranh cử tổng thống vào năm tới và thành lập "Liên minh quốc gia vì sự thay đổi" của ông Baradei là những mối lo ngại lớn cho chính quyền Mubarak. Và trên thực tế, ông Mubarak đã phải ra đi khi còn chưa kết thúc hết nhiệm kỳ thứ 6 của mình.
Khi "cách mạng" đi qua
Cuộc Cách mạng Hoa nhài, rồi Cách mạng sông Nil, theo cách gọi cuộc biểu tình lật đổ tổng thống của người dân ở Tunisia và Ai Cập đã đi qua. Giờ đây, người ta đang nói đến hậu quả của nó đối với các nước này, hiệu ứng domino mà nó gây ra đối với các nước láng giềng xung quanh cũng như những ảnh hưởng đối với thế giới.
Trước hết, đó là hậu quả đối với các nước Tunisia, Ai Cập. Ở Tunisia tình hình được xem là tạm thời ổn định sau khi chính phủ lâm thời được thành lập. Thủ tướng lâm thời Ghannouchi tuyên bố Chính phủ vừa được thành lập chỉ là một Chính phủ chuyển tiếp với mục đích chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp dân chủ, chuẩn bị cho các cuộc bầu cử để người dân có thể tự do bày tỏ quan điểm và ý nguyện của mình. Tuy nhiên, ở Ai Cập, tình hình lại căng thẳng hơn. Giờ đây, thay vì các cuộc biểu tình chống chính phủ, người dân chuyển sang đình công, bãi công đòi việc làm, tăng lương… Khi các phe phái chính trị, quân đội còn đang loay hoay với việc giải quyết bài toán chia sẻ quyền lực và làm thế nào để đảm bảo chuyển giao quyền lực dân chủ trong vòng 6 tháng nữa thì trên đường phố, tình cảnh người dân không khá lên sau những ngày hỗn loạn.
Trên khía cạnh quan hệ quốc tế, sự ra đi của Mubarak và tình trạng bất ổn mà Ai Cập đang đối mặt sẽ là những vấn đề nghiêm trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Ai Cập của Mubarak là đồng minh lâu năm, hợp tác với Mỹ trong hàng loạt vấn đề, từ chống khủng bố tới hỗ trợ các hoạt động quân sự Mỹ ở Trung Đông hay hỗ trợ cho các cuộc đàm phán Ảrập - Israel. Với vị trí là trung tâm của thế giới A rập, sự thay đổi ở Ai Cập và có thể lan sang rộng hơn ở Trung Đông, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới phạm vi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, an ninh Israel và nhiều vấn đề khác. Với một Ai Cập trong thời kỳ chuyển tiếp, một số lợi ích của Mỹ có thể bị ảnh hưởng. Lịch sử từng cho thấy, quyết định của Sadat, cựu Tổng thống Ai Cập trước đây đảo ngược liên minh của ông ta với khối Xô viết và thành lập liên minh với Hoa Kỳ đã phá hoại vị trí của Liên xô ở Địa Trung Hải và trong thế giới Ảrập, củng cố vị trí của Mỹ một cách cực kỳ vững chắc ở khu vực suốt những năm sau này. Sự giúp đỡ của của tình báo Ai Cập sau ngày 11/9 là cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn và làm suy yếu Al Qaeda. Nếu Ai cập không hợp tác nữa hay trở thành thù địch, chiến lược của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không thể không kể đến những ảnh hưởng của tình hình hiện nay đối với Israel, một nước nằm giữa thế giới Arap. An ninh quốc gia của Israel dựa một phần quan trọng vào hiệp ước hòa bình với Ai cập năm 1979, đây cũng là nước duy nhất trong thế giới Arap chịu ký hòa ước với Israel và làm trung gian điều đình cho quan hệ giữa Israel với các nước Arập. Nếu Ai Cập định xóa bỏ Hiệp ước và qua thời gian sẽ xây dựng lại quân đội của nó thành một lực lượng hùng mạnh, thì mối nguy cơ đối với Israel tồn tại từ trước khi ký hiệp định này sẽ lại nổi lên. Điều này có thể không diễn ra nhanh chóng, nhưng Israel sẽ phải đối phó với hai thực tế. Một là quân đội Israel không đủ lớn hay đủ mạnh để chiếm và kiểm soát Ai Cập. Hai là sự phát triển của quân đội Ai Cập sẽ áp đặt những phí tổn nặng nề về quân sự lên Israel.
Trên khía cạnh kinh tế, do là khu vực cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới, tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, những ngày qua cộng với lo ngại về sự bất ổn ở các nước tiếp theo như Lybia, Barain… đã khiến giá vàng và giá dầu mỏ hôm qua tiếp tục tăng lên. Ở London, dầu Brent đã tăng lên mức 103,5 USD/thùng. Giá vàng tăng thêm 0,5% lên đến 1396,5 USD/ounce. Đây là mức độ cao nhất trong 7 tuần lễ vừa qua.
Hiện nay, hiệu ứng của các cuộc biểu tình lật đổ lãnh đạo cầm quyền ở Tunisia và Ai Cập đang lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi, bất chấp những nỗ lực ổn định tình hình của các chính phủ. Trong khi Nga lên tiếng cảnh báo việc khuyến khích làn sóng nổi dậy gây chấn động thế giới Ảrập là "phản tác dụng" thì Mỹ và EU kêu gọi chính phủ các nước tránh các hành động đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ. Ở thời điểm hiện nay, quả là khó dự đoán chính xác được chính quyền ở quốc gia nào trong vùng sẽ trụ vững, chính quyền nào sẽ phải tiếp bước ra đi. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra thì viễn cảnh về một cuộc “đại cách mạng” Trung - Đông, Bắc Phi rõ ràng đang hiển hiện, khi mà ngọn lửa bất bình của dân chúng như vết dầu loang lan rộng khắp trong vùng. Tuy nhiên, liệu cuộc sống người dân có được cải thiện và họ có được sống trong yên ổn hay những cuộc cách mạng này chỉ là sự khởi đầu cho một thời kỳ xáo trộn kéo dài ở Trung Đông, thay độc tài và tham nhũng này bằng độc tài và tham nhũng kiểu khác mà thôi?
Hòa Bình

Bất ổn và những hệ lụy kinh tế
Bất ổn chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông đang kéo theo hàng loạt hệ lụy về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Cuộc khủng hoảng này không chỉ tấn công hầu bao của những kẻ trong cuộc mà còn khiến nhiều người ngoài cuộc, đặc biệt là những nước khát dầu mỏ tại Châu Á phải lao đao.
Người trong cuộc
Ai Cập và Tunisia là hai nước bị cơn bão chính trị hoành hành dữ dội nhất, đồng thời cũng là những nước đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế - tài chính. Giám đốc IMF tại khu vực Trung Đông Masood Ahmed cho rằng hai nền kinh tế này sẽ bị ảnh hưởng khi ngành du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh. Mỗi ngày, có hàng chục tỷ USD bị "đốt cháy" theo những cuộc biểu tình, tuần hành bạo loạn. Chuyên gia phân tích quốc tế người Nga Alexander Vavilov nhận định: "Trước đây, nền kinh tế Ai Cập không phải là nền kinh tế mẫu mực và cân bằng. Đối với một nền kinh tế hiện đại, 1-2 ngày ngừng trệ đã gây những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cả thế giới vẫn tỏ ra lo ngại, bởi vì Ai Cập là trái tim của thế giới Ả Rập và các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực."
Trong khi đó, thị trường giao dịch chứng khoán Cairo với doanh thu mỗi ngày lên đến hàng triệu USD đã bị đóng cửa. Tiền mặt thiếu hụt nghiêm trọng, các ngân hàng lớn không làm việc. Ngành du lịch cung cấp 1/8 tổng số việc làm tại Ai Cập cũng đang phải lao đao vì bất ổn chính trị. Hàng nghìn du khách đã rời khỏi nước trong khi các du khách đã đặt tour tới đất nước Kim Tự Tháp này cũng đã ngậm ngùi hủy bỏ chuyến đi. Một số hãng hàng không đã hủy tuyến bay và chính phủ một số nước đã phải tổ chức các chuyến bay riêng để đưa công dân của mình ra khỏi Ai Cập. Hoạt động kinh doanh trực tuyến bị ngưng trệ do chính phủ ngắt mạng Internet để ngăn người biểu tình chia sẻ thông tin và kích động trên mạng.
Kẻ ngoài cuộc
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông, bất ổn ở khu vực này đã khiến thị trường dầu mỏ thế giới "sốt" trở lại. Giá dầu Brent trong phiên 14/2 tại thị trường London đã có lúc vượt lên mức cao nhất trong 28 tháng qua, vượt qua ngưỡng 104USD/thùng. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Ai Cập là nước sản xuất dầu mỏ lớn, hay tầm quan trọng của kênh đào Suez. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2010, Ai Cập sản xuất 740.000 thùng dầu một ngày, chiếm khoảng 0,8% sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, chỉ khoảng 1% lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua kênh đào Suez, một phần vì các tàu chở dầu loại lớn không thể đi qua kênh đào này.
Vấn đề nằm ở chỗ thị trường lo ngại làn sóng biểu tình tại Ai Cập sẽ lan sang các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Algeria đã chứng kiến làn sóng biểu tình và tuần hành sau cơn sốt tại Tunisia. Libya cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự bởi cả hai quốc gia này đều có nền chính trị khép kín, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong thanh niên. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất lại là những xáo trộn tại Ai Cập có thể lan sang các quốc gia sản xuất dầu tại vùng Vịnh. Ước tính Saudi Arabia (nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới), Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sản xuất 15% sản lượng dầu toàn cầu trong năm 2010.
Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế Mỹ, tình hình mất ổn định chính trị hiện nay tại Trung Đông không những được coi là một khó khăn địa chính trị rất lớn đối với phương Tây, đặc biệt Mỹ, mà còn là "cơn ác mộng" đe dọa sự lệ thuộc nguồn dầu lửa ở Vùng Vịnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á.
Tất cả các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng ở châu Á đều lệ thuộc những phát triển ở Trung Đông. Trong khi đó, châu Á đang trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, nên nhu cầu và sự lệ thuộc ngày càng tăng nguồn dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông của châu Á đã góp phần đẩy giá dầu lửa thế giới tăng 25% từ tháng 9/2010 và tăng lạm phát toàn cầu.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, giá dầu có thể tiếp tục tăng lên đến khoảng 110 USD/thùng cho đến khi tình hình tại Bắc Phi và Trung Đông ổn định trở lại, đặc biệt là khi tính đến các yếu tố khác như đồng USD suy yếu, nhu cầu dầu toàn cầu tăng lên trong khi nguồn cung dầu trở nên hạn hẹp.
Khai Tâm



"Tội đồ" Internet
Khi những người biểu tình Ai Cập đang ăn mừng trên đường phố vào tối 11/2, một phóng viên của CNN đã hỏi người lãnh đạo biểu tình trẻ tuổi Wael Ghonim: "Đầu tiên là Tunisia, giờ là Ai Cập, tiếp theo sẽ là gì?". Và người thanh niên 30 tuổi đang làm việc cho Google này trả lời: "Hãy hỏi Facebook". Thực tế, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng trong số các nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền tại Tunisia và Ai Cập có vai trò của Internet và các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và YouTube.
Không chỉ là phương tiện thông tin cho người sử dụng một cách nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu, chính qua các phương tiện Internet và điện thoại di động, giới trẻ đã tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, lôi kéo cả hàng trăm ngàn người trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi.
Hiện nay, các xã hội Arập có trên 700 kênh vệ tinh và gần 70% các kênh đó không phải do các chính phủ quản lý. Sử dụng Facebook là sáng kiến của Wael Ghonim, người xuất thân từ một gia đình trung lưu, là kỹ sư máy tính, có bằng thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh, làm quản lý cho Google ở Dubai kể từ đầu năm nay. Ngoài giờ làm việc, Ghonim đã lập một trang Facebook, kết nối hơn 400.000 người Ai Cập. Ghonim cho biết, chính anh đã sử dụng công nghệ thông tin để lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình trên đường phố, và anh gọi đây là cuộc cách mạng Internet.
Tuy nhiên, "kết tội" internet có đúng hay không, khi số lượng người Tunisia và Ai Cập đang rời bỏ đất nước đến châu Âu tìm việc làm ngay cả sau sự sự sụp đổ của các chính quyền mà họ chống đối? Có vẻ như kinh tế mới là nguyên nhân chủ chốt. Chừng nào mà kinh tế tiếp tục phát triển và điều kiện sống vẫn được cải thiện, người dân vẫn hài lòng với cuộc sống của mình thì Facebook hay bất cứ công cụ nào khác chỉ dành cho giải trí.
Nguyễn Kim
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/2/F7060776F74993DE/