Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

54. 10 sự kiện nổi bật thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ XXI


Chỉ trong mười năm đầu của thế kỷ XXI, và cũng là 10 năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ 3, nhân loại đã chứng kiến nhiều biến động và phát triển không ngừng về mọi mặt của đời sống. Có những sự kiện được khởi đầu hoặc bắt nguồn từ những năm cuối của thế kỷ 20 và cũng có những sự kiện có thể nói là nằm ngoài các dự đoán và “tầm tay” của con người… Dưới đây là những sự kiện nổi bật nhất, ảnh hưởng bao trùm và sâu sắc nhất đối với đời sống nhân loại, theo bình chọn của TG&VN.


1. Khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố
Toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York (Mỹ) bị hai chiếc máy bay của không tặc tấn công sáng ngày 11/9/2001, bốc lửa và đổ sụp trong sự bàng hoàng của cả thế giới. Khoảng 3.000 người đã thiệt mạng và hơn 6.000 nạn nhân khác bị thương trong vụ khủng bố được coi là thảm khốc nhất lịch sử. Sự kiện 11/9 "đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới", là cớ để Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu ở Afghanistan nhằm trừng phạt Osama bin Laden và Taliban, mở màn ngày 7/10/2001. Sau đó, ông Bush ngày 29/1/2002 còn đưa ra khái niệm "trục ma quỷ" gồm Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên. Ngày 21/3/2003, lấy cớ trừ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, liên quân Anh - Mỹ mở màn cuộc tấn công Iraq. Kết thúc thập kỷ đầu tiên, Iraq và Afghanistan vẫn chìm trong bất ổn bạo lực. Ngoài hai chiến trường đó, khủng bố cũng xuất hiện ở nhiều nước. Có thực tế là cùng với các tiến bộ khoa học công nghệ, khủng bố ngày càng nguy hiểm và liều lĩnh, thách thức nỗ lực ngăn chặn của cộng đồng quốc tế.
2. Đại suy thoái thế kỷ 21
Nếu 2007 được gọi là năm của những bất ổn, thì 2008 và 2009 sẽ có tên là năm của những cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng từ nguồn lương thực đến nhiên liệu, từ tài chính đến chính trị, từ thị trường chứng khoán đến sản xuất, từ môi trường đến an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của nhân loại... Tạo nên một cuộc đại suy thoái, không chỉ trở thành sự kiện nổi bật trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, nó còn được đánh giá là giai đoạn đen tối nhất của lịch sử kinh tế thế giới trong hơn 6 thập kỷ qua.
Mở màn ấn tượng bằng sự sụp đổ của hàng loạt "đại gia cổ thụ" ngành tài chính Mỹ, phản ứng dây chuyền đến một loạt nước khác. Kinh tế thế giới, bên cạnh một vài sự trỗi dậy, đã lâm vào khủng hoảng với mầm bệnh tích tụ từ nhiều năm trước. Thế giới cũng chưa tìm được tiếng nói chung để đối phó với những thách thức toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiếu lương thực, thảm họa đang ngày một cận kề.
3. Sự nổi lên của nhóm BRIC
Ngày 16/6/2009, lãnh đạo của bốn nền kinh tế đang phát triển nhanh là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (gọi tắt là BRIC) đã có cuộc họp cấp cao đầu tiên của nhóm, tại thành phố Ekaterinburg (Nga), chính thức ra mắt nhóm BRIC. Bốn nước trên là những nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng và đóng một vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng.
Jim O'Neill, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Goldman Sachs, được cho là người đưa ra khái niệm về BRIC trong năm 2001. Trong báo cáo 2003, O'Neill từng dự đoán rằng, cơ cấu kinh tế thế giới sẽ thay đổi vào năm 2050 và BRIC sẽ vượt các nước phát triển phương Tây như Anh, Pháp, Italy, Đức và cùng với Mỹ, Nhật Bản trở thành 6 nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Riêng Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ có người lái vào không gian Thần Châu 5, phá vỡ thế độc quyền không gian của Nga và Mỹ trong hơn 40 năm. Trung Quốc đã đạt tới vị trí cao trên thang bậc quốc tế về nước mạnh, quân hùng, một cường quốc thương mại và sản xuất khổng lồ.
4. Nước Mỹ đổi mới
Barack Obama đánh bại đối thủ Cộng hòa John McCain, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Chiến thắng của ông Obama đã gieo hy vọng về một nước Mỹ đổi mới, trong bối cảnh nước Mỹ bị sa sút nghiêm trọng cả về uy tín chính trị và sức mạnh quân sự, kinh tế trong 8 năm cầm quyền của người tiền nhiệm G.Bush. Tròn thập kỷ đầu tiên của thế kỷ cũng là lúc ông Obama cầm quyền trọn một năm - một năm vất vả và còn quá nhiều dang dở so với những lời hứa khi lên cầm quyền của vị Tổng thống có khẩu hiệu "đổi thay" này .
5. Châu Âu nhiều biến động
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tháng 11/2002 đã có cuộc Đông tiến lịch sử khi kết nạp 7 nước Đông Âu gồm Estonia, Latvia, Litva, Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia - lần mở rộng lớn nhất trong hơn 50 năm tồn tại của tổ chức này, đưa biên giới NATO tiến sát Nga. Ngày 1/5/2004, EU có thêm 10 nước thành viên, nâng tổng số thành viên lên 27, vượt Mỹ cả về dân số, GDP và sức mạnh tiền tệ.
Ngày 18/2/2008, được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số nước châu Âu, Kosovo tuyên bố độc lập, ly khai khỏi Serbia, gây chia rẽ ngay trong các nước thành viên EU và giữa Nga và các nước chủ chốt trong EU.
Tháng 8/2008, thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia là nơi khai hỏa cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia liên quan đến chủ quyền của vùng lãnh thổ ly khai. Sự kiện này khiến Mátxcơva đã cắt đứt quan hệ với Tbilisi, công nhận độc lập của hai vùng ly khai thuộc Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia, kéo căng quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, đánh dấu một vị thế chính trị mới của nước Nga trong thế kỷ XXI.
Ngày 1/12/2009, Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực, đưa EU tiến thêm bước quan trọng trên con đường nhất thể hóa và lần đầu tiên tổ chức này bầu ra hai chức danh mới là Chủ tịch và Ngoại trưởng.
6. Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực
Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực ngày 15/12/2008, xác định mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới là xây dựng một Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hoá - xã hội vào năm 2015. Hiến chương ASEAN là văn kiện pháp lý tổng thể tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Kể từ khi ra đời ngày 8/8/1967 từ Tuyên bố Bangkok. ASEAN được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất vì đã có những đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á cũng như châu Á - TBD. Hiến chương ASEAN sẽ tạo ra một khuôn khổ cho phép tổ chức này đối phó hiệu quả hơn với các thách thức hiện nay, đồng thời gánh vác trách nhiệm tăng cường hoà bình, an ninh, ổn định, cũng như tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền trong khu vực.
7. Vấn đề hạt nhân
Sau nhiều năm theo đuổi "chính sách bên bờ vực chiến tranh", CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí hạt nhân lần đầu tiên trong lịch sử nước này vào ngày 9/10/2006, chỉ ít tuần sau các vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa. Vụ thử diễn ra dưới lòng đất, với sức mạnh của quả bom ước tính tương đương 1.500 - 15.000 tấn thuốc nổ TNT. HĐBA LHQ họp khẩn và ra một nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi vòng đàm phán sáu bên.
Trong khi đó, Iran cũng tuyên bố chương trình hạt nhân, khiến cho quan hệ Iran và phương Tây lúc căng lúc chùng, mà vật cản lớn nhất là sự thiếu niềm tin lẫn nhau trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân.
8. Phong trào cánh tả Mỹ Latinh
Sự lên ngôi quyền lực liên tiếp của các đảng cánh tả tại Mỹ Latinh đã trở thành một hiện tượng chính trị được đặc biêt quan tâm trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Trong 9 quốc gia do lực lượng cánh tả cầm quyền sau các cuộc bầu cử ở Mỹ Latinh những năm gần đây, đã có 4 quốc gia công khai đi theo con đường XHCN, hướng tới sự công bằng, bình đẳng, tự do cho mọi người. Sự thất bại của mô hình tự do kinh tế mới trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế mà các thế lực bên ngoài muốn áp đặt cho khu vực này đã dẫn đến sự trỗi dậy của CNXH thế kỷ XXI ở Mỹ Latinh.
9. Quan hệ Liên Triều:
Cuộc gặp liên Triều lịch sử giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung tại sân bay Bình Nhưỡng tháng 6/2000. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước láng giềng kể từ cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 và hai năm sau khi ông Kim Dae Jung khởi xướng "Chính sách Ánh Dương", nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình hòa hợp, thống nhất hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, quan hệ liên Triều vẫn chưa thoát khỏi mâu thuẫn và căng thẳng.
10. Cách mạng gien và các ứng dụng trong Internet
Cuộc cách mạng gien là tiến bộ vượt bậc của khoa học và y học. Trong vòng 10 năm, nó đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp và lương thực với các sản phẩm biến đổi gien; thay đổi công việc của cảnh sát bằng dấu vết ADN; giải quyết nhiều bí ẩn lịch sử; đơn giản hoá việc truy tìm thân nhân và buộc các quốc gia phải xem lại các vấn đề đạo đức căn bản. Từ khi giải mã được bộ gien người (6/2000), không tháng nào mà các nhà khoa học lại không tuyên bố tìm thấy hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân ung thư, tiểu đường hay Parkinson...
Internet cũng vậy. Nó đóng vai trò cực lớn trong quan niệm "toàn cầu hóa". Với công nghệ thay đổi liên tục, chưa bao giờ tính tương tác, kết nối, lưu trữ, chia sẻ, các dịch vụ và khối lượng thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay. E-mail, nhắn tin trực tuyến, Google, YouTube, Facebook, Twitter, Wikipedia, blog đã là phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Kéo theo đó là các xu hướng làm việc, học tập, giải trí, mua hàng, thậm chí cả chiến tranh... trên mạng. Theo internetworldstats.com, từ 400 triệu người dùng Internet năm 2000, đến nay con số này đã lên tới 1,7 tỷ người, khoảng 25% dân số thế giới