Võ Minh Tập
Ngành
Lịch sử thế giới
Trường Đại học sư phạm
TP.Hồ Chí Minh
MỞ
ĐẦU
Việt Nam và
Ấn Độ là hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể từ khi hai nước
thiết lập quan hệ ngoại giao (1956) tính đến nay cũng đã gần 60 năm. Có thể nói
quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ lịch sử, truyền thống, thủy chung và trong
sáng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “
trong sáng như bầu trời không có mây”. Tình hữu nghị đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh
và cố Thủ tướng Nê-ru đặt nền móng đã được nhiều thế hệ và nhân dân hai nước
vun đắp vững chắc theo thời gian. Đặc biệt, sau khi nền độc lập và thống nhất
dân tộc của hai nhà nước đã tạo tiền đề cho mối quan hệ song phương, hòa mình
vào dòng chảy chung của lịch sử khu vực.
Sau "Chiến tranh lạnh", đường
lối đổi mới ở Việt Nam và Chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã tạo cơ sở để hai
quốc gia nâng quan hệ truyền thống, toàn diện lên tầm cao mới. Đặc biệt, quan
hệ chính trị, đối ngoại giữa hai nước đã có những bước phát triển theo hướng
ngày càng rộng mở và chặt chẽ.
Bước sang thế kỷ XXI, tinh hình thế giới
và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp nhưng quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ
đạt được bước phát triển mới, mà thành công lớn nhất là sau
35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
đã thăm chính thức Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai
nước đầu thế kỷ XXI bằng việc ký Tuyên
bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (7 – 2007).
Đây
là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước đột phá mới trong quan hệ
hai nước, mở đường cho sự phát triển sâu rộng, đa dạng mối quan hệ hợp tác song
phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc
phòng, khoa học, kỹ thuật... vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai
nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của khu
vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Với
ý nghĩa đó, bài viết sẽ tập trung làm sáng tỏ những vấn đề sau:
Thứ
nhất, sơ lược quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trước năm 2007 để thấy được những chặng
đường dài, mang tính lịch sử, truyền thống, lâu đời đầy nghĩa tình giữa hai
nước để rồi đi đến bước đột phá là nâng mối quan hệ hai nước thành quan hệ
chiến lược toàn diện.
Thứ
hai, làm rõ những nguyên nhân (nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan)
chi phối và dẫn tới bước phát triển mới trong quan hệ hai nước vào 7-2007.
Thứ ba, bài viết sẽ nêu lên một số triển vọng trong quan hệ tốt đẹp
giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ trong những năm tới.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ đưa ra một
vài kết luận.
NỘI DUNG
I. SƠ LƯỢC QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN
ĐỘ TRƯỚC THÁNG 7 - 2007
Quan
hệ Việt Nam - Ấn Độ đã trải qua bề dày lịch sử, nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn
mang tính truyền thống, từ thời cổ xưa, trung đại, cận đại, hiện đại cho đến
ngày nay. Mối quan hệ đó tuy có nhiều bước phát triển mới nhưng cũng gặp không
ít những thăng trầm do tác động của bối cảnh quốc tế mà hai nước cùng chia sẽ,
vượt qua để đi tới quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi có thể chia
làm các giai đoạn sau:
I.1. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trước
năm 1945.
Ấn
Độ - đất nước của “lâu đài tuyết” hay “bông sen trắng vĩ đại” được coi là một
trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh đó từ sớm đã lan
tỏa đến nhiều quốc gia, khu vực, nhất là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.Quan
hệ Việt Nam - Ấn Độ đã tiếp xúc và giao lưu từ đầu công nguyên.
Vượt
qua những vùng biển, đại dương xa xôi, các thương nhân Ấn Độ lần đầu tiên đã câp
bến ở Đông Nam Á. Có thể nói các chuyến đi này (thời cổ đại) đã mở ra một trang
mới, một luồng gió mới của quan hệ trao đổi song phương dẫn đến sự phát triển
của một nền văn minh và văn hóa đã tồn tại nhiều thế kỉ[1].
Dựa
vào những thư tịch cổ, những hiện vật hiện có của các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước cho thấy, người Ấn Độ, nhất là các thương nhân, giáo sĩ đã có mặt ở
Việt Nam từ thế kỉ thứ I sau công nguyên. Quá trình hình thành và phát triển
của vương Quốc Phù Nam ở vùng đất phía Nam nước ta với dấu tích là bia Phù Nam
là một ví dụ điển hình. Phù Nam sớm đã trở thành trung tâm thương mại quốc tế
cổ đại, một trung tâm Phật giáo và Hin-đu giáo.
Ở
Miền Trung Việt Nam, sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến quá trình hình thành và
phát triển của vương quốc Cham-pa càng đậm nét hơn mà biểu hiện là ảnh hưởng
của Hin-du giáo và Phật giáo ở cả kiến trúc và tượng thờ của Cham-pa. Cham-pa
cũng trở nên nổi tiếng là một đầu mối buôn bán, nơi cập bến thuận tiện của
đường hàng hải Đông – Tây[2].
Trên
địa bàn miền Bắc, ảnh hường văn hóa Ấn có phần nhạt hơn so với hai vùng còn
lại. Sự phai nhạt này là do khi văn hóa Ấn bắt đầu tràn mạnh vào vùng Đông Nam
Á thì miền Bắc Việt Nam đã trở thành một quận của Trung Hoa và đang bị cưỡng
chế vào quỹ đạo của nền văn hóa Hán. Tuy nhiên, vào đầu công nguyên, phật giáo
có ảnh hưởng nhất định đối với miền Bắc, điển hình là sự hình thành trung tâm
Phật giáo nổi tiếng – Luy Lâu (Bắc Ninh). Từ đây, hình thành một đội ngũ nhà sư
bản địa bắt đầu chuyên về giảng dạy, soạn thảo kinh phật, đi giao lưu học hỏi ở
Ấn Độ, Trung Quốc…Một điều dễ nhận thấy là Phật giáo ở Việt Nam ngày càng phát
triển thịnh đạt – Quốc giáo từ sau thế kỷ X – XIV, các nhà sư ngày càng có vai
trò to lớn trong lĩnh vực chính trị, xã hội, phật giáo ngày càng gắn bó với dân
chúng, sớm trở thành một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt, góp phần tao nên
một lực lượng đối trọng với nền văn hóa Trung Hoa[3].
Tóm
lại, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, cùng ảnh hưởng văn
hóa Ấn Độ - Việt Nam diễn ra từ rất sớm, quá trình đó diễn ra liên tục theo
thời gian, càng về phương Nam, ảnh hưởng văn hóa Ấn càng đậm nét. Nhìn tổng
thể, văn hóa Ấn du nhập vào nước ta là quá trình lâu dài và bằng con đường hòa
bình, đồng thời do có những nét tương đồng, gần gủi về phong tục, tín ngưỡng
giữa hai quốc gia, nền văn hóa thấm vào tâm hồn, tính cách, văn hóa của người
Việt tạo thành một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa Việt. Tác động tích
cực của văn hóa Ấn đối với nước ta là làm giảm bớt áp lực sự đồng hóa mang tính
cưỡng bức của văn hóa Trung Hoa, là nhân tố khách quan, góp phần làm cho dân
tộc ta, đứng vững, không bị đồng hóa, không bị triệt tiêu trước văn hóa Trung
Quốc.
Bước
sang thời Cận đại, hai nước Việt nam và Ấn Độ đều rơi vào ách thống trị của chủ
nghĩa thực dân phương Tây. Hoàn cảnh đau thương đó, càng làm cho hai dân tộc dễ
dàng thông cảm, chia sẻ và đoàn kết, ủng hộ nhau trong sự nghiệp đấu tranh
giành độc lập và bảo vệ đất nước. Sự kiện lịch sử điển hình trong giai đoạn này
là Nguyễn Á Quốc – Hồ Chí Minh đã có công to lớn trong việc vun đắp quan hệ
Việt Nam - Ấn Độ - vào năm 1927, NGười đã gặp Ông Nê-ru. Đây là sự kiện mở đầu
cho tình bạn thân thiết của hai nhà yêu nước, mở đầu cho tình bạn thân thiết
của hai lãnh tụ và mở đầu cho quan hệ hai nước. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục
viết những bài báo ca ngợi, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống
thực dân Anh, đồng thời lên án những hành động tàn bạo của thực dân Anh đối với
nhân dân và đất nước Ấn Độ.
Mùa
thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công và dẫn đến sự thành lập
nước VNDC cộng hòa (2 – 9 – 1945) và cuộc đấu tranh chống thực dân Anh xâm lược
của nhân dân Ấn Độ thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nước cộng hòa Ấn Độ (26 – 1
– 1950). Từ dây, quan hệ hai nước bước sang thời kì mới.
I.2. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (1945
– 4/1975).
Trong
bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp cũng như hoàn cảnh cụ
thể của mỗi nước mặc dù quan hệ hai nước cũng gặp nhiều khó khăn nhưng xu hướng
chung là quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng tốt đẹp.
Từ
năm 1945 đến năm 1956, là giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống
Pháp trường kì gian khổ, là giai đoạn mà Ấn Độ gặp không ít những khó khăn do
mới giành độc lập, nhưng hai nước đã ủng hội, cổ vũ lẫn nhau. Ấn Độ là một
trong số ít nước lúc bấy giờ nhiệt liệt chào mừng sự ra đời của nước VNDC Cộng
hòa và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Từ
những ngày đầu của cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ
sự ủng hộ, đồng tình. Nhiều nơi trên khắp đất nước Ấn Độ đã diễn ra nhiều cuộc
tuần hành, biểu tình ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngay
sau ngày kêu gọi và phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19 –
12 – 1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng đầu tiên của nước CH Ấn Độ là J.Nê-ru
đã bày tỏ thái độ ủng hộ và tháng 1 – 1947, những người yêu nước Ấn Độ kêu gọi
nhân dân Mỹ sát cánh với nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc
lập. Cũng trong thời gian này, M.Gan-đi đã viết thư gửi cho nhân dân Việt Nam
bày tỏ sự ủng hộ. Chính phủ Ấn Độ lấy ngày 21 – 1- 1947 là “Ngày Việt Nam”…
Về
phía Chính phủ và nhân dân Việt Nam, vui mừng trước những thắng lợi giành độc
lập và chia sẻ những đau buồn của nhân dân Ấn Độ khi lãnh tụ M.Gan-đi quan đời
(30 – 8 – 1948) và tổ chức lễ truy điệu trọng thể tại Việt Nam.
Từ
cuối năm 1953 đến 1954, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong quan hệ Ấn
Độ - Liên Xô, Ấn Độ - Trung Quốc, về mặt khách quan đã tác động tích cực đối
với quan hệ Việt nam – Ấn Độ. Trong thời gian này, Ấn Độ đã tham gia tích cực
với cương vị là Chủ tích Ủy ban giám sát quốc tế về việc thi hành Hiệp định
Giơ-ne-vơ, Ân Độ đã tích cực để hiệp định này được thực hiện tốt, từ đó đem lại
hòa bình cho Đông Dương và Việt Nam.
Tháng
10 – 1954, chỉ mới một tuần sau khi hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Ấn Độ và
con gái đã sang thăm Việt Nam – đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ bên
ngoài đến Việt Nam sau khi nước ta được giải phóng. Sự kiện này có ý nghĩa to
lớn – đã cổ vũ, động viên nhân dân ta, thể hiện sự thân thiết của hai lãnh
tụ Nê-ru và Hồ Chí Minh, đồng thời thể
hiện sự coi trọng quan hệ giữa hai nước.
Đáp
lại sự kiện trên, tháng 4 – 1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Ấn Độ.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Ấn Độ - Việt Nam, tháng 2 – 1956, hai bên
đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Tổng lãnh sự.
Từ
tháng 2 – 1956 đến tháng 4 – 1975, quan hệ hai nước có nhiều biến động do chi
phối tình hình quốc tế. Trong những năm 1956 – 1959, quan hệ hai nước phát
triển thuận lợi.
Thái
độ của Ấn Độ trong việc thi hành Hiệp định 1954 về Việt Nam là tích cực, quan
hệ hai nước bắt đầu phát triển và tăng cường bằng những chuyến thăm lẫn nhau
giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ
Chí minh (2 – 1958). Tuy nhiên, do những xung đột Trung Quốc - Ấn Độ (1962) đã
tác động tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, mối quan hệ hai nước xuống đến
mức thấp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Từ
giữa năm 1966 trở đi, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn tốt đẹp. Đỉnh cao của
mối quan hệ hai nước thời kì này là sự thiết lập quan hệ đầy đủ giữa hai nước
là tháng 1 năm 1972, Ấn Độ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên cấp Đại sứ. Đây là
sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hai nước, chấm dứt việc Ấn Độ giữa
quan hệ “cân bằng” giữa hai miền Nam – Bắc, nghiên hẳn về phía VNDC Cộng hòa,
bất chấp sự phản ứng chỉ trích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở ra một giai
đoạn mới phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước[4].
I.3. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (5 –
1975 đến 7 – 1991)
Từ
năm 1975 trở đi, do những thuận lợi của tình hình mỗi nước cũng như tình hình
khu vực và quốc tế, đặc biệt là sự ra đời và thống nhất đất nước của Việt Nam,
quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển một cách tốt đẹp và toàn diện trên tất cả
các lĩnh vực, nhất là quan hệ chính trị.
Về quan hệ chính trị
Quan
hệ giữa hai nhà nước – Chính phủ: đây là mối quan hệ chủ đạo giữa hai nhà nước
và phát triển ngày càng tốt đẹp. Những chuyến thăm thường xuyên được tiến hành
ở cấp nhà nước (1985, 1988, 1989, 4 - 1991), sự nhất trí cao của hai nước về
vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc
tế như ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến
tranh biên giới với Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong giải quyết vấn đề
Cam-pu-chia, ủng hộ Việt Nam trong việc bình thường hóa quan hệ với ASEAN…
Quan
hệ giữa Đảng Cộng sản và các tổ chức xã hội giữa Việt Nam - Ấn Độ: mối quan hệ
này cũng diễn ra tốt đẹp, các đảng phái hàng đầu của Ấn Độ và các tổ chức xã
hội Ấn Độ đã ủng hộ chính phủ mình (Ấn Độ) tăng cường ủng hộ quan hệ với Việt
Nam.
Các mối quan hệ khác
Trong
giai đoạn này, hộ trợ kinh tế của Ấn Độ cho Việt nam tái thiết đất nước đã mở
ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước. Chẳng hạn
hai nước đã kí những hiệp định như Hiệp định hợp tác văn hóa (1976), Hiệp định
thương mại và Hiệp định hợp tác khoa học – công nghệ (1978), Hiệp định khuyến
khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác
trong lĩnh vực khai khoáng, y tế, môi trường. Ấn Độ giúp Việt Nam trong việc
xây dựng Trung tâm nghiên cứu cây lúa nước, Ô Môn và Trung tâm bò sửa Sông
Bé…Ấn Độ cũng đào tạo rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam trên
nhiều lĩnh vực.
Ngoài
ra từ năm 1977 – 1990, Việt Nam đã nhận được khoảng tín dụng ưu đãi trị giá 1549
triệu Rubi Ấn Độ với lãi xuất 5% trong 15 năm, cũng từ đó cho đến năm 1985,
Việt Nam được vay 50 vanh tấn bột mì và gạo ngay cả khi Ấn Độ đang gặp khủng
hoảng lương thực trầm trọng cuối thập kỉ 70 thế kỉ XX…Mối quan hệ kinh tế giữa
hai nước, tuy còn khiêm tốn so với một số nước nhưng về cơ bản là phát triển
trên cơ sở tin cậy, đoàn kết, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau[5].
Tóm
lại, quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn này phát triển toàn
diện, đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, những thành tựu đó
đã góp phần giúp cho Việt Nam khắc phục những khó khăn trong những năm tháng
khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đó cũng là cơ sở cả chiều rộng lẫn chiều sâu sau
này.
I.4. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (7 –
1991 đến 2000)
Sự
tan rã của Liên bang xô viết vào tập kỉ 90 thế kỉ XX đã làm thay đổi cục diện
toàn cầu. Sự chuyển biến sôi động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó
có ASEAN và nội bộ hai nước đã tạo môi trường thuận lợi và nhiều cơ hội mới để
thúc đẩy sự hợp tác, quan hệ sâu và rộng giữa hai nước.
Một năm sau chuyến thăm của Tổng thống
Ấn Độ đến Việt Nam (4 -1991), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có chuyến thăm chính thức
Ấn Độ (9-1992). Chuyến thăm này thực sự có ý nghĩa khi tình hình khu vực và thế
giới có nhiều biến động to lớn. Lãnh đạo hai quốc gia đã chủ trương Việt Nam và
Ấn Độ cần phải thay đổi cơ chế và phương thức hợp tác nhằm đáp ứng tích cực,
hiệu quả cho công cuộc đổi mới và cải cách ở mỗi nước.
Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có
nhiều biến động, tháng 9-1993 Phó Tổng thống Ấn Độ R.K.Na-ra-y-a-nan thăm Việt
Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: Trong tình hình mới, trên
cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy về chính trị, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng
cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và văn hoá để
phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của mỗi bên. Phó Tổng thống Ấn Độ cũng
khẳng định: hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Ấn Độ là tình cảm
thiêng liêng và trách nhiệm của nhân dân hai nước[6].
Trong số những chuyến thăm cấp Nhà nước
giữa Việt Nam - Ấn Độ, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Rao (4-1994)
được đánh giá là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa
hai nước. Hai bên đã chỉ ra những trở ngại trong hợp tác, đồng thời trao đổi về
những phương hướng mới và những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp
tác nhiều mặt giữa hai quốc gia về kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học -
kỹ thuật nhằm đưa mối quan hệ đó lên ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp
giữa hai nước.
Từ giữa năm 1995, mối quan hệ Việt Nam
- Ấn Độ có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hai bên, mối quan
hệ đó từng bước đã được phục hồi và phát triển. Đầu năm 1997, với mong muốn
thắt chặt quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chuyến thăm
đến Ấn Độ (3-1997). Đây là sự kiện quan trọng, mang lại nguồn sinh lực mới cho
quan hệ giữa hai nước, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử bang giao
Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ đánh giá cao Việt Nam đối với việc ủng hộ tích cực Ấn
Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN), cũng như việc Ấn Độ tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM),...
Năm 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương
thăm Ấn Độ - đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi Việt Nam thống
nhất (1975) và từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Trong
các cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi ý kiến về việc củng cố và tăng cường mối
quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Chính phủ và nhân
dân hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Việt Nam tái khẳng định việc ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên Thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc,....
Tóm
lại, từ năm 1991 đến 2000, do sự chi phối của tình hình quốc tế. khu vực và mỗi
nước, quan hệ hai nước có hướng phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu trên
các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị, nhưng quan hệ kinh tế vẫn còn hạn chế
chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Những thành tựu đó đã tạo cơ sở để
quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thập niên đầu XXI.
I.5. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (2000 đến
7-2007).
Bước
sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt
xu thế quốc tế hoá và khu vực hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ, mối quan hệ Việt
Nam - Ấn Độ nói chung và trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nói riêng cũng
được duy trì và có những bước phát triển mới.
Đầu năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ
A.B.Vát-pai-e thăm chính thức Việt Nam (1-2001). Chuyến thăm diễn ra vào đầu
năm mới và cũng là Thiên niên kỷ mới cho thấy Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với
Việt Nam. Chuyến thăm nhằm khẳng định mối quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều
mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, đặc biệt thúc
đẩy hơn nữa quan hệ thương mại đầu tư, khoa học công nghệ cho tuơng xứng với
quan hệ chính trị hai nước.
Năm 2003, quan hệ song phương giữa hai
nước được nâng lên tầm cao mới, đánh dấu bằng chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh (4-2003). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI. Tuyên
bố khẳng định: “Bước vào thế kỷ XXI, hai bên quyết tâm phát huy mối quan hệ hữu
nghị truyền thống và nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới nhằm
ứng phó với các thách thức mới của toàn cầu hoá, mối đe doạ của khủng bố quốc
tế và những thách thức to lớn đối với hệ thống quan hệ quốc tế. Hai bên phấn
đấu phát triển khía cạnh chiến lược trong quan hệ đối tác vì lợi ích chung của
nhân dân hai nước, góp phần hoà bình, ổn định, hợp tác và sự thịnh vượng của
khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai bên sẽ tiến hành thường
xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có và
tạo động lực mới cho sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước. Trên cơ sở quán triệt
tầm quan trọng chiến lược mới của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước[7].
Hai bên đã thoả thuận thực hiện trong vòng 15 năm tới một Chương trình hợp tác
toàn diện bao gồm 9 điểm được ký kết tại Niu Đê-li ngày 1-5-2003.
Năm 2007, sau 35 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao đầy đủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Ấn
Độ, đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước đầu thế kỷ XXI bằng
việc ký Tuyên bố chung về Quan hệ
đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ[8].
Để hiện thực hoá Quan hệ đối tác chiến lược, hai bên nhất trí
tăng cường quan hệ hợp tác theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua
tăng cường trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, của các bộ, ngành và
địa phương hai nước; nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có,
đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng ngoại
giao giữa hai quốc gia và 8 văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước đã được
ký kết[9].
Tóm lại, các chuyến thăm thường xuyên
của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng với quan hệ Đảng giữa hai quốc gia không ngừng
được củng cố và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, một mặt
thể hiện sự gần gũi, thân thiết của chính phủ và nhân dân hai nước; mặt khác đã
tạo cơ hội để hai bên tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện
cho mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển, góp phần không nhỏ thực hiện
thành công quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước của cả Việt Nam và Ấn
Độ và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.
II.
NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI VIỆT
NAM - ẤN ĐỘ
THIẾT
LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC (7 – 2007)
Sự kiên lịch sử
này có ý nghĩa rất quan trọng là bước ngoặc to lớn trong quan hệ hai nước Việt
Nam - Ấn Độ. Chúng ta có thể làm rõ ở cả hai yếu tố tạo nên bước ngoặc này –
nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan[10].
II.1. Nguyên nhân chủ quan.
Về
nguyên nhân chủ quan đưa đến Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến
lược vào tháng 1 – 2007, theo chúng tôi gồm những nhân tố chính là: mối quan hệ
truyền thống, hữu nghị giữa hai nước; có nhiều điểm tương đồng, gần gũi; vị trí
quan trọng và nhận thức của mỗi nước trong chính sách đối ngoại; chính sách
“hướng Đông “ của Ấn Độ…
Về
mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, chúng ta biết rằng, Việt Nam và Ấn
Độ đã có quan hệ trên dưới 2000 năm và ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đã để lại
những dấu ấn đậm nét, tạo thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt
Nam. Bước sang thời kỳ hiện đại, với sự dày công vun đắp của các vị tiền bối
như Hồ Chí Minh, M. Gan di, J. Nehru…, quan hệ hai nước phát triển sang một
thời kỳ mới, ngày càng tốt đẹp. Hai nước đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ nhau trong
công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Từ năm 1975 trở đi, khi
nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất đi lên xây dựng chế độ mới, quan
hệ hai nước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đây là cơ sở
quan trọng nhất, theo chúng tôi để hai nước tiến tới thiết lập đối tác chiến
lược trong thế kỷ XXI.
Về những điểm tương đồng gần gũi, có thể
nói, Việt Nam, Ấn Độ có
nhiều
điểm tương đồng về văn hóa (hai nước cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, văn hóa Việt
Nam chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Ấn Độ như tôn giáo, kiến trúc…), tương đồng về lịch
sử ( cùng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và phải tiến hành cuộc đấu
tranh lâu dài và gian khổ để giành độc lập, đều đang tiến hành công cuộc cải cách, đổi
mới hiên nay…; có trình độ phát
triển
tương tự như nhau; có quan điểm chung về những vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế…
Vị trí quan trọng và nhận thức của mỗi
nước trong chính sách đối ngoại.
Trong chính sách đối ngoại đa phương
hóa, đa dạng hóa của mình, Việt
Nam
coi trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn truyền thống. Ấn Độ chiếm vị
trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam vì Ấn Độ không chỉ là
nước láng giềng mà còn là nước bạn truyền thống của Việt Nam.
Những năm đầu thế kỉ XXI, trong bối cảnh
thế giới và khu vực, đã tác động đến an ninh, quốc gia Ấn Độ và Nhìn một cách tổng
thể, thì Ấn Độ là cường quốc mới nổi. Vai trò quốc tế của Ấn Độ ngày càng nổi bật,
không thể thiếu trong sinh hoạt quốc tế. Trong chính sách đối ngoại của mình,
dĩ nhiên Ấn Độ không thể không quan tâm đến bạn bè truyền thống và lâu dài và
Việt Nam là một quốc gia xứng đáng với vị trí đó. Các nhà ngoại giao Ấn Độ cũng
nhận thức về tầm quan trọng địa chiến lược, tiềm năng của Việt Nam ở khu vực
Đông Nam Á và tất nhiên là phù hợp với lợi ích của Ấn Độ.
Giữa hai nước đều có những lợi ích tương
đồng, không gặp những trở ngại so với nhiều quốc gia khác. Điều này tạo cơ sở
cho hai nước xây dựng đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực chính trị,
kinh tế, ngoại giao, quân sự.
Yếu tố Trung Quốc đã làm cho cả Ấn
Độ và Việt Nam quan ngại, và là “mối đe dọa lớn cho Ấn Độ” hay “Việt Nam không
tin tưởng vào Trung Quốc” bởi những lý do cần phải được nhận thức: Cả Việt Nam
và Ấn Độ đều có đường biên giới với Trung Quốc và điều xảy ra những xung đột
trong lịch sử (Ấn Độ -Trung Quốc ( 1962), Trung Quốc – Việt Nam (1979), thậm
chí ngày nay vẫn tồn tại. Mặc dù ở trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc đã thực
hiện xong việc cấm mốc biên giới nhưng vấn đề mới nổi cộm hơn là vấn đề biển
đông. Do vậy, Ấn Độ và Việt Nam cần phải có hợp tác chiến lược để kiềm chế
Trung Quốc trong tương lai, hai nhà nước đều xác định lợi ích của nhau.
Những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam nổi bật
trong các tính toán chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, kể cả trong cách
tiếp cận của họ đối với an ninh Đông Á, và kể cả EU, Sin-ga-po, Úc tăng cường
giao lưu với Việt Nam nhất là về thương mại, tầm quan trọng của sự nghiệp đổi mới
ở Việt Nam, gần đây là sự gia nhập WTO của Việt Nam, các hoạt động tổ chức diễn
đàn mà Việt Nam đảm nhiệm như APEC, ASEAN, Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung
Quốc, Mỹ lần lược có những chuyến thăm Việt Nam, tăng trưởng kinh tế bền vững
(7%/năm)…đã làm cho vị thế của Việt Nam tăng cao trên trường quốc tế. Những yếu
tố đó, cho thấy Việt Nam là một quốc gia đóng một vai trò quan trọng ở Đông Nam
Á trong tương lai. Điều đó làm cho Ấn Độ phải thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn
diện với Việt Nam.
Với Ấn Độ, trong khi thi hành chính sách
đa phương hóa, đa dạng
hóa
quan hệ quốc tế cũng rất coi trong quan hệ với các nước láng giềng. Việt Nam giữ vị trí quan trọng
trong chính sách đối ngoại này. Điều này được thể hiện rất rõ trong chính sách “hướng
Đông” của Ấn Độ.
Chính sách “hướng Đông” được Ấn độ thực
hiện từ năm 1991 với phạm
vi
không gian bao gồm một khu vực rộng lớn chạy dài từ New Zealand lên Đông Nam Á cho đến tận
vùng Đông Bắc Á. Trong chính sách “hướng Đông”, Đông Nam Á trở thành khu vực được Ấn Độ
quan tâm đặc biệt mà Việt Nam
với
mối quan hệ hữu nghi lâu đời với Ấn Độ được coi là tâm điểm của khu vực được quan tâm đặc biệt
đó. Ấn Độ coi Việt Nam là “ bàn đạp” để mở rộng quan hệ với các nước ASEAN
và sau đó vươn ra khu vực. Điều này được các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhiều lần khẳng
định. Năm 1994, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, khi hội đàm với cô Thủ tướng Võ Văn
Kiệt, Thủ tướng N.Rao khẳng định: “Ấn Độ ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt
Nam, coi Việt Nam là đối tác đặc biệt. Vì vậy, Ấn Độ mong muốn tăng cường
hợp tác với Việt Nam trong tất cả mọi lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng”.
Gần đậy, năm 2007, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại
Niu Delhi trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ
tướng Ấn Độ Manmohan Singh
nói:
Chúng tôi coi sự hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với
toàn khu vực. Ấn Độ và Việt Nam có chung các mục tiêu và thường có quan
điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế. Chúng tôi hy vọng Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết
với khu vực
ASEAN
Việc thi hành và đẩy mạnh
chính sách “ hướng Đông” của Ấn Độ là nhân tố quan trọng thúc đẩy
quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Trên đây là những nguyên
nhân chủ quan chính đưa đến Việt
Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 7 – 2007 cũng bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ
trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
II.2. Nguyên nhân khách
quan.
Bước sang thế kỷ XXI, cùng với
sự tiếp tục phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ,
sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại, đầu tư; những biến động phức tạp của
tình hình thế giới tạo nên sự thách thức to lớn đối với hòa
bình, an ninh của mỗi nước cũng như trong khu vực và trên toàn thế giới; chính
sách của những nước lớn trong việc phát triển quan hê với khu vực Đông Nam Á
nói chung và Việt Nam nói riêng…đã chi phối đến sự phát triển của quan hệ
Việt Nam-Ấn Độ.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga rút khỏi cứ cứ Cam Ranh của
Việt Nam, Mỹ rút
khỏi căn cứ ở Philippin đã tạo nên một “ khoảng trống quyền lực” ở Đông Nam
Á - một khu vực giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược rất quan trọng về
chính trị, kinh tế, giao thông, quân sự của thế giới. Thêm vào đó, sự phát triển
với tốc độ cao và rất năng động của các nền kinh tế ở khu vực này đã có sức hấp
dẫn đối với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới, nhất là những
cường quốc đã tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam
nói riêng- Đó là Trung Quốc, Nhật, Mỹ, EU, Nga, Hàn Quốc….Nhiều
nước trong số đó muốn Việt Nam là “cầu nối” để họ vươn ra phát triển quan
hệ với các nước trong khu vực. Chính sách đó của các nước trên gặp thuận lợi
là nhiều nước ở Đông Nam Á cũng muốn tăng cường quan hệ với những nước
lớn để một mặt, tạo ra một sự “cân bằng” quyền lực giữa các nước lớn ở khu vực
này với mong muốn khu vực này không biến thành “bãi chiến trường”-khu
vực tranh giành quyền lực của các cường quốc như trước đây; mặt khác để
tranh thủ vốn, công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm phục vụ cho công cuộc xây dựng và
bảo vệ đất nước. Vì vậy, nhiều Hiệp định thương mại song phương, đa phương
giữa những nước trên đã được ký với các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy mối
quan hệ, hợp tác. Trong số những nước tăng cường quan hệ với các nước Đông
Nam Á thời kỳ trên, có thể nói tiêu biểu nhất là Trung Quốc, Nhật Bản. Vì vậy,
ở đây, xin được điểm qua về chính sách và quan hệ của hai
nước này với Việt Nam như là nhân tố khách quan quan trong thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
vào tháng 1 – 2007 cũng phát triển lên một bước mới trong những
năm đầu thế kỷ
XXI.
Chính sách của Trung Quốc đối với Việt
Nam và quan hệ Trung Quốc-
Việt
Nam. Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chiếm một vị trí rất
quan trọng trong
chính
sách đối ngoại của Trung Quốc. Chiến tranh lạnh kết thúc đã xuất hiện môi trường thuận lợi
cho Trung Quốc cải thiện và đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á. Để
tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, nhiều hiệp định song phương và đa phương giữa Trung
Quốc với ASEAN đã được ký kết.
Một
bước đột phá trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN là ngày 4-11-2001, tại Hội nghị cấp cao lần thứ
8 các nước ASEAN tại Phnôm Pênh, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, Trung Quốc đã ký Hiệp định
khung về Khu vực mậu dịch tự
do
Trung Quốc-ASEAN. Đây là Khu vực mậu dịch tự do với số dân đông nhất từ trước đến nay (khoảng
1,8 tỷ người). Trung Quốc đã là thành viên của ARF, ASEAN+3, ASEAN+1… và
trong khuôn khổ những cơ chế này, quan hệ ASEAN- Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Quan hệ Việt Nam-Trung
Quốc từ khi bình thường hóa (1991) đến nay đã phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, nhất
là về chính trị, kinh tế theo tinh thần 16 chữ, trở thành mối quan hệ chiến lược
toàn diện và là một trong những mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất
của Việt Nam hiện nay… Quan hệ
kinh
tế, nhất là về thương mại phát triển rất nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,65
tỷ USD (năm 2002), 4,87 tỷ USD (năm 2003) và lên tới trên dưới 20 tỷ
USD/năm hiện nay, đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của
Việt Nam. Như
vậy, Đông Nam Á , trong đó có Việt Nam là một hướng ưu tiên trong chính sách đối
ngoại của Trung Quốc và Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ trong việc phát triển
quan hệ với khu vực này, nhất là về quan hệ kinh tế-thương mại. Sự phát triển
nhanh chóng của quan hệ Việt Nam- Trung Quốc - một nước lớn và luôn luôn là đối
thủ cạnh tranh về nhiều mặt, nhất là trong việc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực
Đông Nam Á là nhân tố khách quan trọng quan thúc đẩy Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ với
ASEAN.
Chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam
và quan hệ Nhật Bản-Việt
Nam.
Đông Nam Á án ngữ con đường giao thông
thương mại hàng hải quốc tế
vô
cùng quan trọng từ Đông sang Tây, con đường có thể coi là có ý nghĩa sống còn đối với Nhật Bản. Thêm
vào đó với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường
rông lớn… Đông Nam Á có vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của
Nhật Bản. Chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo ra môi trường rất thuận lợi để Nhật
Bản đẩy mạnh quan hệ với khu vực này, trong đó Việt Nam được coi là một mắt
xích quan trọng. Trong bài phát
biểu
tại Xingapo ngày 14-1-1997, Thủ tướng Riutarro Hashimôtô nói: “cần mở rộng mối quan hệ bạn
hàng hợp tác bình đẳng giữa Nhật Bản và ASEAN thành sự hợp tác sâu rộng hơn
trong kỷ nguyên mới”.
Quan
hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước ASEAN phát triển một cách mạnh mẽ. Nhật Bản đến
nay là một trong những nước dẫn đầu về trong quan hệ thương mại, đầu tư, viện
trợ phát triển của ASEAN. Nhật Bản tích cực ủng hộ các chương trình kinh tế
của ASEAN như AIA, AICO và AFTA… Trong bối cảnh Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ
với các nước ASEAN, quan
hệ
Việt Nam-Nhật Bản phát triển rất nhanh chóng. Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây
dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm "đối tác tin cậy, ổn định lâu
dài". Tiếp đó, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng tháng 10-2006, Chính phủ hai nước quyết tâm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan
hệ song phương với tư cách là đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở
châu Á. Đến nay, Nhật Bản là một trong những nước chiếm vị trí hàng đầu
trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ kinh tế với Việt Nam như : thương mại, đầu tư,
viện trợ phát triển (ODA).
Về thương mại, trong
khoảng hơn một thập niên trở lại đây, Nhật Bản luôn là một trong những bạn hàng lớn
hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 1998 là
2,950 tỷ USD, năm 2000: 4,871 tỷ USD, năm 2003: 5,902 tỷ USD, năm 2006:
9,9 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đưa Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai
nước năm 2010 lên 15 tỷ USD.
Về viện trợ phát triển (ODA),
trong nhiều năm nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng
khối lượng ODA của cộng đồng
quốc
tế cam kết viện trợ cho Việt Nam. Từ 1992 - 2005 ODA của Nhật Bản giành cho Việt
Nam đạt khoảng 11 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khối lượng ODA của cộng đồng
quốc tế cam kết dành cho Việt Nam, trong đó có viện trợ không hoàn lại khoảng
1,4 tỷ USD.
Nhật
Bản đã cam kết giúp Việt Nam xây dựng những công trình lớn, có ý nghĩa rất quan trọng đối
với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam như: Khu công nghệ cao Hoà Lạc,
tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Như vậy, từ đầu những năm 90 trở đi nói
chung và từ đầu thế kỷ XXI đến
nay
nói riêng, Nhật Bản rất coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhất là đối với
Việt Nam.
Tóm lại, sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt,
do tình hình mới của thế giới
cũng
của Việt Nam như sự gặp nhau về lợi ích, quan hệ giữa những nước lớn, trước hết là Trung Quốc,
Nhật Bản với Đông Nam Á mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng được đẩy mạnh. Là một nước
lớn trong khu vực, lại có quan hệ lâu đời và gắn bó với các nước Đông Nam
Á, nhất là với Việt Nam, Ấn Độ
không
muốn là nước chậm chân trong việc giành ảnh hưởng đối với khu vực rất quan trọng này đối với
mình. Sự tăng cường quan hệ của các nước lớn, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản với
Việt Nam là nhân tố khách quan quan trọng thúc đẩy Ấn Độ tăng cường quan hệ
với Việt Nam từ đó đưa quan hệ hai nước phát triển lên một bước mới trong
những năm đầu thế kỷ XXI.
Như vậy, với truyền thống hữu nghị lâu đời
và ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện, sâu sắc, bước sang thế kỷ XXI, quan
hệ Việt Nam-Ấn Độ đã có bước phát triển mới mà đỉnh cao là hai nước đã thiết lập
mối quan hệ chiến lược toàn diện.
III
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ
VIỆT
NAM - ẤN ĐỘ[11]
Với bề dày của mối quan hệ, những thách
thức đã vượt qua và thành tựu đã đạt được, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng,
mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách và phát triển
ngày càng tốt đẹp. Cơ sở của dự báo này là:
Thứ nhất, với mối quan hệ truyền thống hữu
nghị lâu đời, với những thành tựu tó lớn mà hai nước đạt được, nhất là trong gần
20 năm trở lại đây, cùng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, những kinh nghiệm từ sự
thành công hay chưa thành công … là hành trang quý báu để hai nước tiếp tục đẩy
mạnh quan hệ, tương xứng với mối quan hệ chiến lược mà lãnh đạo hai bên đã xác
định.
Thứ hai, hai nước có nhiều điểm tương đồng
về lịch sử, văn hóa, quan điểm trong những vấn đề quan trọng của khu vực và thế
giới như về hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển, cùng chia sẽ về an ninh của
nước mình trước những nguy cơ từ bên ngoài.
Thứ ba, có nhiều tiềm năng để phát triển
quan hệ hợp tác: hai nước đều là thị trường lớn về thương mại và đầu tư; có nguồn
nhân lực dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú; khoảng cách địa lý không xa giữa
hai nước; Việt Nam được Ấn Độ xác định là “bàn đạp” để Ấn Độ vươn ra mở rộng với
các nước trong khu vực; Việt Nam có hợp tác, thể chuyển giao những công nghệ
hiên đại của Ấn Độ, như lĩnh vực nguyên tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp…
Thứ tư, quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo
và nhân dân hai nước trong việc tăng cường quan hệ mà thể hiện sinh động nhất
là đã thành lập mối quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.…
Thứ năm, những thuận lợi và khó khăn, thời
cơ và thách thức từ tình hình khu vực và thế giới cũng góp phần thúc đẩy quan hệ
Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển . Đò là: sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng
khoa học- công nghệ, thương mại-đầu tư quốc tế… Mặt khác, việc củng cố, thắt chặt
quan hệ hai nước nhằm giúp mỗi nước đối phó một cách hiệu quả hơn với những
thách thức, nguy cơ từ bên ngoài như: phòng chống tội phạm, khủng bố quốc tế, buôn
bán ma túy, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,
HIV/AIDS …, góp phần gìn giữ hòa bình an ninh ở khu vực và trên thế giới.
III. KẾT LUẬN
Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có mối
quan hệ chính trị, ngoại giao hết sức tốt đẹp. Mối quan hệ đó là sự tiếp nối
truyền thống, hữu nghị được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp.
Từ sau “Chiến tranh lạnh” đến nay tình
hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, song mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
nói chung và quan hệ về chính trị, ngoại giao nói riêng ngày càng được củng cố
và phát triển. Mối quan hệ chính trị, ngoại giao Việt - Ấn đã mở đường và đặt
nền móng cho mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Mối quan hệ này đã góp phần
to lớn vào thắng lợi trong quan hệ song phương giữa hai nước, cũng như quan hệ
đa phương giữa hai nước với các tổ chức khu vực và quốc tế.
Về những nguyên nhân dẫn đến việc đến việc nâng mối quan hệ hai nước
thành quan hệ chiến lược toàn diện xét ở cả hai góc độ chủ quan và khách quan ở
trên cũng là nhân tố chi phối quan hệ hai nước trong nhiều năm tới (2020) mà
hai bên cần phải nhận thức trong mối tương quan lợi ích của từng nước, góp phần
trong việc hoạch định chính sách phù hợp góp phần phát triển quan hệ đối tác
chiến lược giữa Việt Nam với Ấn Độ, vì lợi ích của hai quốc gia và thúc đẩy hòa
bình, ổn định, phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tridib Chakraborit (2003), Quan hệ Ấn
Độ - Việt Nam: một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp chí
Đông Nam Á, số 5.
2. Nguyễn Thu Phương (2007), 35 năm quan
hệ Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 1.
3. Hoàng Thị Diệp (2005), Về mối quan hệ
truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Đông Nam Á, số 1.
4. Nguyễn Cảnh Huệ (2007),
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1945 đến nay: Thành tựu, kinh
nghiệm và vấn đề đặt ra, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7.
5. Nguyễn Cảnh Huệ (2007),
Những nhân tố chính chi phối sự phát triển của quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ
đầu thập niên 90 đến nay, Kỷ yếu HTKH: ASEAN-40 năm : Thành tựu và triển vọng,
TP. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Cảnh Huệ, Bước phát triển mới
trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm đầu thế kỉ XXI:
Nguồn: www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB17/hue.pdf
7.
Nguyễn Vũ Tùng (Chủ biên,2007): Khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam, Học
viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội.
8.
Web. Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về Ấn Độ và quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.
9.
Tuyên bố chung Việt Nam – Ấn Độ, Báo Nhân dân, 6- 7-2007.
10. Báo Nhân Dân, ngày 23-9-1993
[1] Tridib Chakraborit (2003), Quan
hệ Ấn Độ - Việt Nam: một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp
chí Đông Nam Á, số 5, tr.28.
[2] Nguyễn Thu Phương (2007), 35 năm
quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 1.
[3] Hoàng Thị Diệp (2005), Về mối
quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Đông Nam Á, số 1, tr.55.
[4] Hoàng Thị Diệp (2005), Về mối
quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Đông Nam Á, số 1, tr.56.
[5] Tridib Chakraborit (2003), Quan
hệ Ấn Độ - Việt Nam: một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp
chí Đông Nam Á, số 5, tr.31.
[7] Nguyễn Vũ
Tùng (Chủ biên,2007): Khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam, Học viện Quan
hệ quốc tế, Hà Nội, tr. 216.
[8] Xem Tuyên bố chung Việt Nam – Ấn
Độ, Báo Nhân dân, 6- 7-2007
[9] Xem Bộ ngoại giao: 8
Văn kiện quan trọng bao gồm: Hiệp định vận tải đường biển; Bản ghi nhớ về trao
đổi đất và tài sản đối với Cơ quan đại diện ngoại giao; Bản ghi nhớ về thành
lập Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng; Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học Công nghệ
Việt Nam và Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ để triển khai Hiệp định hợp tác sử
dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình; Bản ghi nhớ về hợp tác trong
lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản; Chương trình trao đổi văn hoá; Chương
trình trao đổi giáo dục; Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
[10]
Xin trích toàn văn bài của tác giả: Nguyễn Cảnh Huệ, Bước phát triển mới trong
quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm đầu thế kỉ XXI:
Nguồn: www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB17/hue.pdf
[11] Nguyễn Cảnh Huệ,
Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm đầu thế kỉ
XXI:
Nguồn: www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB17/hue.pdf