Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

42.Vết rạn châu Âu


Ảnh minh họa
LTS. Liên minh châu Âu (EU) vốn được cho là một liên minh của các nước có nhiều điểm tương đồng cả về văn hóa, lịch sử và điều kiện kinh tế xã hội và là mô hình liên kết được nhiều khu vực lấy làm hình mẫu tham khảo. Thế nhưng, gần đây trong EU lại thường xuất hiện những “trục trặc” quanh việc giải quyết những vấn đề lớn của chính họ cũng như của thế giới. Liệu EU đã đủ thống nhất và đoàn kết để đối phó với những cuộc khủng hoảng đang và sẽ diễn ra ở chính trong lòng họ hay chưa?

Đầu tháng Sáu vừa qua, vi khuẩn tả E. Coli đã thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng tại châu Âu trên lĩnh vực y tế với việc hàng chục người đã tử vong, hàng ngàn người trong khu vực phải nhập viện vì nhiễm phải loại vi khuẩn biến thể này. Nhưng khác với các đợt dịch bệnh xảy ra trước đây, dịch tả E. Coli lần này còn đem đến những căng thẳng ngoại giao giữa các nước trong khu vực cộng với bất đồng trong chiến dịch quân sự cũng như gánh nặng nợ nần đã đặt ra nhiều câu hỏi cho EU.
Căng thẳng E.Coli
Ngày 02/6, sau khi dưa chuột Tây Ban Nha được “minh oan” trong vụ E. Coli, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero đã lên tiếng chỉ trích cách đối phó với dịch bệnh của Đức và Liên minh Châu Âu, đồng thời cam kết sẽ đòi Châu Âu phải bồi thường xứng đáng cho Tây Ban Nha vì những thiệt hại kinh tế mà nước này phải hứng chịu sau vụ việc. Trước đó, dựa vào những kết quả xét nghiệm được kết luận vội vàng, chính phủ Đức đã đổ lỗi cho nguồn dưa chuột nhập khẩu từ Tây Ban Nha là thủ phạm mang đến khuẩn E. Coli, cáo buộc trên đã khiến cho ngành xuất khẩu rau quả của “Xứ sở bò tót” thiệt hại hơn 225 triệu EUR (328 triệu USD)/tuần và hơn 550 việc làm trong ngành nông nghiệp của nước này bị cắt giảm. Sau khi vụ việc sáng tỏ, chính phủ Madrid cho biết họ sẽ xem xét khởi kiện nhà chức trách thành phố Hamburg - Đức vì đã đưa ra những thông tin thất thiệt trên. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Rosa Aguilar bày tỏ: “Chúng tôi thất vọng vì cách nước Đức xử lý tình huống”.
Chính quyền Berlin và Madrid ở trên đều đã hành động vì lợi ích của quốc gia mình. Nhưng vấn đề ở đây là Đức, Tây Ban Nha cũng như các nước châu Âu nói chung, vốn từ lâu vẫn muốn sống trong một ngôi nhà chung thống nhất để tăng cường sức mạnh khu vực, qua đó thu được nhiều lợi ích nhất cho quốc gia mình, có sẵn sàng bỏ qua những lợi ích quốc gia để hành động vì lợi ích chung của khối không? Hay thế giới vẫn sẽ phải chứng kiến cảnh mỗi khi có khủng hoảng diễn ra là các thành viên châu Âu lại mỗi người một tiếng nói, tranh cãi nhau kịch liệt trước khi đưa ra một hành động chung đã quá muộn màng.
Thực tế thời gian gần đây đã cho thấy điều đó: Hội nghị cấp cao của Liên minh châu Âu hồi cuối tháng Ba vừa qua tại Brussels - Bỉ đã kết thúc trong bất đồng, không đưa ra được quyết định cụ thể nào về các vấn đề quan trọng được bàn thảo tại hội nghị. Hai vấn đề cấp bách gây bất đồng nội bộ là cuộc chiến tranh của liên quân ở Libya và khủng hoảng chính trị và tài chính ở Bồ Đào Nha do Thủ tướng Bồ Đào Nha từ chức sau khi Quốc hội nước này không thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới của Chính phủ khiến Lisbon có thể phải cầu cứu khoản viện trợ tài chính của EU như Hy Lạp và Ireland trước đây.
Rạn nứt cuộc chiến chống Libya
Về cuộc chiến tranh của Liên quân NATO chống Libya, theo thông báo kết quả từ Hội nghị, lãnh đạo các nước EU đã có “sự đồng thuận” về vấn đề Libya. EU kêu gọi nhà lãnh đạo Libya M. Gaddafi từ chức ngay lập tức và sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Tripoli song lại nhấn mạnh: tương lai chính trị của Libya do người dân nước này tự quyết định. Điều này chứng tỏ EU có những quan điểm khác nhau, mâu thuẫn nhau trong xử lý quan hệ với Libya. Pháp và Anh là những nước đi đầu và tham gia tích cực trong chiến dịch “Bình minh Odyssey” của Liên quân tiến công quân sự vào Libya, nhưng Đức - quốc gia chủ chốt của EU lại bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về Libya và Berlin đã rút quân khỏi vùng Địa Trung Hải ngay sau khi Liên quân tiến công Libya. Một thành viên khác là Bulgaria thì khẳng định: Sự can dự của một số nước lớn trong EU vào Libya là hành động mạo hiểm. Na Uy thì quyết định tạm hoãn cử máy bay tham gia lực lượng đa quốc gia cho đến khi có quyết định rõ ràng về người chỉ huy lực lượng này. Thụy Điển, Luxembourg sẵn sàng cam kết tham gia chiến dịch quân sự ở Libya, với điều kiện phải có sự đảm bảo từ NATO. Trước đó, tại cuộc họp hôm 21/3 ở Brussels, các bộ trưởng Ngoại giao EU cũng đã không hàn gắn được rạn nứt giữa các nước thành viên tổ chức này chung quanh chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya cũng như vai trò của Tổ chức NATO trong chiến dịch trên.
Nhưng rạn nứt lớn nhất từ trước đến nay trong chiến dịch can thiệp quân sự của các cường quốc châu Âu vào Libya đang đối mặt khi ngày 22/6 vừa qua, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã khiến các đồng minh NATO sững sờ với lời kêu gọi “ngừng ngay lập tức” các hành động thù địch ở đất nước Bắc Phi. Ngoại trưởng Frattini bày tỏ quan ngại về tình hình thương vong trong dân thường hiện nay ở Libya, ám chỉ đến “những sai lầm nghiêm trọng” mà NATO mắc phải trong chiến dịch đánh bom ở đất nước Bắc Phi gần đây, gây ra một loạt cái chết cho dân thường vô tội.
Trong khi đó, lời kêu gọi ngừng bắn của Ngoại trưởng Italia đã ngay lập tức bị NATO và các nước thành viên bác bỏ. Ở thủ đô London, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh liên minh NATO đang “có vị trí vững chắc” và sẽ hoàn thành sứ mệnh ở Libya. Ông Camero bày tỏ lo ngại, nếu ngừng bắn lúc này, ông Gaddafi sẽ tái tổ chức và củng cố lại lực lượng để phát động những cuộc tấn công mới vào dân thường. Cùng với quan điểm của Thủ tướng Cameron, Tổng thư ký NATO – ông Anders Fogh Rasmussen cho biết, liên minh quân sự phương Tây thề sẽ tiếp tục chiến dịch không kích ở Libya bất chấp lời kêu gọi của Ngoại trưởng Italia.
Mâu thuẫn giải cứu các nền kinh tế
Bên cạnh chủ đề cuộc chiến Libya, một vấn đề nữa gây tranh cãi trong Hội nghị của EU là cuộc khủng hoảng tài chính tại Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Trong khi Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” thứ tư do Chính phủ Lisbon đề xuất nhằm tránh cho nước thành viên EU này rơi vào vết xe đổ của Hy Lạp và Ireland thì hầu hết các ý kiến tại Hội nghị EU lại cho rằng Bồ Đào Nha nên tiếp tục kế hoạch “thắt lưng buộc bụng”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso tuyên bố rõ là kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Bồ Đào Nha, vừa bị Quốc hội nước này bác bỏ, vẫn là “tối cần thiết”. Một số lãnh đạo EU đề nghị khối này không đề cập vấn đề cứu trợ Bồ Đào Nha cho đến khi nước này có thủ tướng và chính phủ mới.
Trong khi việc giải cứu Bồ Đào Nha còn chưa ngã ngũ thì EU lại vấp phải một thách thức nữa là “quả bom” kinh tế Hy Lạp khi nước này cần vay từ EU và IMF số tiến lên tới 110 tỷ USD nhằm tránh bị vỡ nợ đối với các khoản đến hạn phải trả trong vài tháng tới. Và điệp khúc tranh cãi lại lặp lại khi sau hai ngày bàn thảo tại Luxembourg, bộ trưởng Tài chính các nước khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) không đưa ra quyết định chính thức liên quan đến gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp và tiếp tục gây sức ép yêu cầu chính quyền Athens áp dụng các biện pháp kinh tế thắt chặt. Các nước EU đã thể hiện sự bất đồng trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp: Sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các nhà đầu tư tư nhân cần được khuyến khích chia sẻ một số gánh nặng nợ Hy Lạp bằng cách cho phép nước này có thêm thời gian trả nợ thì Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker ngay lập tức công kích Đức khi cho rằng Berlin đang “đùa với lửa” với kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng như trên.
Khác biệt lớn dần
Những sự kiện trên chỉ là câu chuyện tiếp nối của những chia rẽ đã kéo dài nhiều năm qua trong nội bộ các nước châu Âu. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể tựu chung lại một lý do lớn nhất là sự khác biệt giữa các nước trong khối: Khác biệt về quyền lợi chính trị và tiềm lực quân sự nên bất đồng về việc can dự vào Libya; khác biệt về khả năng và lợi ích kinh tế nên bất đồng về giải cứu các nước thành viên khỏi các cơn khủng hoảng nợ;… EU có đủ điều kiện và tiềm lực để có thể trở thành một thế lực mạnh hơn hiện nay gấp nhiều lần nhưng bất chấp các nguồn lực to lớn, liên minh này vẫn chưa tìm được một vị trí và vai trò xứng đáng hơn trên thế giới. Một khi các thành viên bất đồng với nhau thì EU khó lòng có được một tiếng nói và hành động thống nhất, khó có đủ sức mạnh để giải quyết các vấn đề của châu lục chứ chưa nói đến các vấn đề toàn cầu. Ngay cả khi đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên thì các cơ chế, chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện hiện nay của EU cũng vẫn chưa đủ hiệu lực để cho phép Liên minh này đưa ra các biện pháp giải quyết một cách hiệu quả và kịp thời. Các thể chế của EU cũng như các nước thành viên thường bộc lộ những điểm yếu trong việc phối hợp với nhau khi thực hiện các cơ chế, chính sách chung trên nhiều lĩnh vực - từ thương mại, cứu trợ, quốc phòng, hoạch định chính sách cho đến ngoại giao,…
Vẫn biết rằng điều hòa được lợi ích để có thể chung sống hòa bình với các nước láng giềng đã khó, thống nhất được lợi ích để chung tay xây dựng một liên minh giữa các quốc gia còn khó hơn nhiều. Có lẽ trước khi đặt bút ký kết thành lập liên minh châu Âu, các nhà sáng lập ra liên minh khu vực này có thừa khả năng để đoán trước được những khó khăn đó nhưng bất chấp mọi trở ngại đã được dự đoán, họ vẫn quyết tâm xây dựng ngôi nhà chung của các nước châu Âu, có thể vì xuất phát từ tầm nhìn và ước vọng chiến lược muốn biến châu Âu thành một thực thể đủ lớn cả về quy mô và sức mạnh để có thể cạnh tranh với các trung tâm quyền lực khác trên thế giới.
Tuy nhiên giờ đây, ngày càng có nhiều chỉ trích và quan ngại về cung cách châu Âu đang chung sống, không chỉ từ các nhà chiến lược mà ngay cả từ người dân các nước châu Âu. Việc bản Hiến pháp châu Âu bị người dân các nước trong khu vực liên tiếp chống lại qua các cuộc trưng cầu dân ý những năm trước đây đã cho thấy điều đó. Có thể hiểu những chia rẽ và bất đồng ngày càng nhiều tại châu Âu hiện nay như thế nào? Do chung sống với nhau càng lâu càng phát hiện ra những khác biệt không thể điều hòa, do cuộc sống ngày càng khó khăn nên phát sinh những mâu thuẫn mới trước đây chưa thể dự tính hay do giới lãnh đạo châu Âu hiện nay không có đủ quyết tâm chính trị xây dựng một ngôi nhà chung như các bậc tiền bối trước đây?
Hơn bao giờ hết, châu Âu đang phải đối mặt với những mâu thuẫn và chia rẽ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự đến chính trị, xã hội. Vết rạn trong liên minh đã xuất hiện. Loại keo hiệu quả nhất để hàn gắn vết rạn nứt này có lẽ là sự hòa các lợi ích riêng lẻ, tận dụng những điểm tương đồng trong văn hóa, lối sống, ý thức hệ chính trị để thu hẹp các bất đồng, phục vụ mục tiêu chung là nâng cao sức mạnh, tầm ảnh hưởng của toàn khối, qua đó mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân các nước châu Âu.
Trung Nguyên
ASEAN học được gì từ EU?
ASEAN được kỳ vọng sẽ trở thành một EU, thậm chí một tiểu Liên Hợp Quốc tại châu Á. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc đối phó với những thảm họa và thách thức xuyên biên giới khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hiệp hội này. Những chia rẽ và rạn nứt trong EU, hình mẫu mà ASEAN hướng tới, là bài học quý báu mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể học tập.
Nhân tố chủ chốt để hội nhập EU là ý chí chính trị. Nếu không có chìa khóa này thì nhân tố ngoại giao và các nguồn lực khác khó có thể hiện thực hóa các mục tiêu của khối. Ý chí chính trị được gây dựng trên cơ sở ước nguyện thành lập một thể chế hoạt động trong khuôn khổ hệ thống pháp lý chung và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong khối. Để trở thành thành viên của EU, ngoài điều khoản gia nhập, các nước thành viên còn phải chấp nhận chia sẻ các giá trị, quan điểm chung và phải kìm chế chủ nghĩa quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước đang có sự mâu thuẫn sâu sắc giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khối, đồng thời cũng xuất hiện những nghi ngờ lẫn nhau. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những rạn nứt và chia rẽ trong EU hiện nay.
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã chứng tỏ được vai trò, vị trí của mình trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Hiện nay, ASEAN đã bước sang một kỷ nguyên mới với hàng loạt thách thức truyền thống và phi truyền thống như: xung đột biên giới, tranh chấp biển đảo, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố… Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội đến năm 2015, đòi hỏi các quốc gia phải dung hòa lợi ích, tìm được điểm tương đồng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của Hiệp hội; giải quyết tranh chấp trên cơ sở hòa bình, tránh sử dụng vũ lực; tăng cường xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Bên cạnh đó các nước trong khối phải tiếp tục xây dựng cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chung của Hiệp hội. Cần tiếp tục hoàn thiện và tuân thủ nghiêm các công cụ hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF)... cũng như tiếp tục xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế.
Khai Tâm


Đức không hy sinh lợi ích kinh tế
EU đang lao đao vì cuộc khủng hoảng nợ công của một số nước thành viên - từ Ireland, Hy Lạp cho đến Bồ Đào Nha. Nhiều người cho rằng những khó khăn kinh tế của các quốc gia trên không chỉ tạo ra cơn khủng hoảng về kinh tế, tài chính mà còn làm phát xuất những căng thẳng về chính trị giữa các nước châu Âu. Việc chính phủ các nước theo đuổi các chính sách khác nhau, điển hình là Đức, thể hiện lập trường và góc nhìn riêng của mình về cùng một vấn đề chung của liên minh chính là mầm mống làm phát sinh những xung đột, va chạm lẫn nhau của các quốc gia nội khối. Bên cạnh đó, qua đây người ta cũng thấy được những điểm tối trong tình đoàn kết giữa các nước châu Âu.
Dù cũng có một phần trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng hiện nay tại châu Âu, nhưng nước Đức dường như không muốn gánh vác trách nhiệm. Họ đổ lỗi cho sự kém năng lực cạnh tranh của các quốc gia bị nợ nần là nguyên nhân gây khủng hoảng hiện nay và muốn phó mặc việc giải quyết cho các nước con nợ. Một điểm đáng chú ý là chìa khóa giải quyết khủng hoảng mà châu Âu đang tìm kiếm có lẽ nằm trong tay Đức - nước có nguồn tín dụng dồi dào, là nguồn tài chính cần thiết cho bất kỳ giải pháp kinh tế nào của EU.
Trên thực tế, những giải pháp giải cứu các nước con nợ hiện nay mà Đức đưa ra chỉ là một phương cách để cứu hệ thống ngân hàng của chính họ. Khi áp dụng những phương cách mà Đức đưa ra thì thực chất, các nước con nợ phải tự lo liệu cách điều chỉnh của mình. Điều này về lâu dài có thể gây nên những hệ lụy cho nền kinh tế các nước chịu khủng hoảng. Những giải pháp mà Đức đưa ra hiện nay khiến người ta nhớ lại những gì diễn ra trong cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu vào năm 1982. Khi đó, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hào phóng cho các nước con nợ vay những khoản tiền lớn đủ để trang trải các khoản nợ của họ cho đến khi hệ thống ngân hàng của các nước có đủ lượng dự trữ cần thiết để đổi lại các khoản nợ xấu vào năm 1989. Những biện pháp đó đã gây nên cái mà nhiều người gọi là "một thập kỷ bị đánh mất" tại Mỹ Latinh. Những hậu quả tương tự có lẽ cũng đang chờ đợi các nước châu Âu trong tình cảnh hiện nay.
Chính vì vậy, các nước châu Âu nên thận trọng với những bước đi giải quyết khủng hoảng hiện nay và các nước chủ chốt, trong đó có Đức, nên thể hiện tốt hơn vai trò và trách nhiệm của mình với các nước đi sau, không chỉ nhằm cứu vớt sự sụp đổ của nền kinh tế các nước thành viên mà còn tránh những xung đột chính trị và ngoại giao có thể phát sinh từ những khó khăn kinh tế trên.
Trung Nguyên
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/7/21AAEFAE17B755CC/