Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

48. Chiến tranh Việt Nam: Từ góc nhìn của người Mỹ


Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã trôi qua 36 năm, nhưng cho đến tận bây giờ, nhiều người Mỹ vẫn không thể quên những ngày tháng đó.

Trong lịch sử hơn 200 năm, nước Mỹ đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh, nhưng cuộc chiến ở Việt Nam là dài nhất, tốn kém nhất và hao binh, tổn tướng nhất.
Dài nhất, tốn kém nhất
Theo US News & World Report (Mỹ) số ra năm 1975, chiến tranh xâm lược VN kéo dài 11 năm 1 tháng (tính từ 22/12/1961 khi lính Mỹ đầu tiên chết ở VN). Nhưng theo tạp chí Lịch sử Quân sự VN, ngay từ đêm 6/7/1959, tại TP. Biên Hoà, bộ đội đặc công VN đã nổ mìn tiêu diệt 2 cố vấn quân sự Mỹ. Tên của 2 cố vấn này đứng đầu danh sách binh lính Mỹ tử trận tại VN ghi trên bức tường ở Washington. Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược VN của Mỹ phải là 14 năm 7 tháng và là cuộc chiến tranh dài nhất từ trước đến nay.
Theo tài liệu khảo sát Harrison and Stevens (1976), ước tính chi phí của Mỹ cho chiến tranh VN là 925 tỷ USD, nghĩa là cứ mỗi phút chiến tranh, Mỹ phải chi khoảng 32.000 USD. Đây là một trong những chi phí chiến tranh lớn nhất so với nhiều cuộc chiến khác như chiến tranh Triều Tiên (164 tỷ USD), Thế chiến II (664 tỷ USD)...
Các loại vũ khí tối tân nhất cũng được quân Mỹ sử dụng từ bom chùm, bom bi, bom từ trường, bom thông minh điều khiển bằng laser, pháo lớn “Vua chiến trường” 203mm, cho đến các loại vũ khí bị cấm như bom Napan, chất độc hoá học, đặc biệt là chất độc da cam. Trong chiến tranh VN, Mỹ đã ném 7 triệu tấn bom và bắn hơn 7 triệu tấn đạn các loại (gấp 3 lần số bom đạn Mỹ ném xuống Châu Âu trong Thế chiến II và bằng sức nổ của 70 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima năm 1945. Trung bình, mỗi người dân VN phải chịu 500kg bom đạn, còn mỗi người lính VN phải chịu tới vài tấn bom, đạn!
Hao binh, tổn tướng nhất
Theo các số liệu trong sách Sổ tay sự kiện chiến tranh VN của Jeff Stein - Marc Leepson và hồi ký Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về VN của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.McNamara, đã có tới 6,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ: 70% Lục quân, 60% Lính thuỷ đánh bộ, 40% Hải quân, 60% Không quân đã tham chiến ở VN. 22.000 xí nghiệp quốc phòng và dân sự gián tiếp hoặc trực tiếp phục vụ chiến tranh VN.
Cụ thể hơn, về lục quân, năm 1969 là năm số quân Bộ binh Mỹ tham chiến cao nhất tại VN: 11 Sư đoàn và 11 trung đoàn với 543.400 quân. Trong số đó có nhiều Sư đoàn nổi tiếng thiện chiến như Sư đoàn 3 Lính thuỷ đánh bộ đã tham gia Thế chiến II ở Thái Bình Dương. Sư đoàn Bộ binh số 25 “Tia chớp nhiệt đới” tham gia Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Sư đoàn “Kỵ binh bay số1” là sư đoàn cơ động đường không đầu tiên, tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ và Sư đoàn Bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” nổi tiếng nhất Lục quân Mỹ…
Về không quân, vào thời kỳ leo thang cao điểm nhất năm 1972, Mỹ có tới 1.192 máy bay hoạt động: 999 máy bay chiến thuật và 193 máy bay ném bom B52.
Về hải quân, Mỹ điều cả tàu sân bay túc trực thường xuyên. Máy bay của Hải quân Mỹ cất cánh từ các tàu sân bay ném bom, bắn phá dữ dội đất liền. Vào năm cao điểm 1972, có tới 55 - 59 tàu các loại (60% tàu Hạm đội 7) gồm 3-5 tàu sân bay, 1 tàu chống ngầm, 30 - 33 tàu Khu trục, 5 tàu tuần dương, 4 tàu ngầm và 11 tàu đổ bộ tham chiến.
Ngoài ra, Mỹ còn viện trợ lực lượng ngụy quyền Sài Gòn, có lúc lên tới 1,1 triệu quân các loại, chưa kể 5 nước (Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Philippines và New Zealand) cũng đem gần 73.000 quân đến VN tham chiến.
Không chỉ đông quân, nhiều súng đạn, với tham vọng giành thắng lợi, Mỹ còn đưa đến VN rất nhiều tướng tài như Wesmoreland, Harkins, Abrams... Tuy nhiên, không những không thắng, mà ngược lại, họ còn phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Theo The New York Times, 12 Tướng Mỹ tử trận và 8 Tướng Mỹ khác bị thương trong chiến tranh VN. Theo thống kê được ghi trên bức tường tại Washington, số binh sĩ Mỹ chết trận là 57.939 người, bị thương là 365.000 người.
Những bức thư tuyệt mật
Nếu tính từ năm 1945 khi Tổng thống Mỹ Harry Truman tuyên bố gửi cố vấn và viện trợ quân sự cho thực dân Pháp, đã có 6 đời Tổng thống Mỹ dính líu và trực tiếp can thiệp vào chiến tranh VN với các chiến lược khác nhau.
Thậm chí, Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Gerald Ford đã gửi cho cựu Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tới 31 bức thư tuyệt mật (trong đó riêng Nixon gửi 27 thư) để thường xuyên chỉ đạo, vỗ về. Các bức thư này đều được giữ tuyệt mật, chỉ riêng Tổng thống ngụy quyền được đọc và sau này giao cho Ts. Nguyễn Tiến Hưng, phụ tá đặc biệt của Tổng thống, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, sử dụng trong những ngày cuối cuộc chiến để xin Quốc hội Mỹ tăng cường viện trợ quân sự khẩn cấp hòng cứu chế độ ngụy quyền sụp đổ.
Chẳng hạn như trong bức thư gửi ngày 14/11/1972, Nixon hứa với Thiệu sẽ: “Phản công mãnh liệt và nhanh chóng bất kỳ một vi phạm Hiệp định Paris nào” hay trong bức thư ngày 5/1/1973, Nixon cam kết nếu miền Nam VN ngoan ngoãn làm theo Mỹ thì “chúng tôi sẽ dốc toàn bộ lực lượng nếu Bắc Việt vi phạm”...
Thế nhưng gánh nặng chi phí chiến tranh khổng lồ, sự phản đối chiến tranh mạnh mẽ của dân chúng và cựu chiến binh Mỹ, tâm lý mệt mỏi, chán chường vì chiến tranh kéo dài... đã làm cho Quốc hội, Tổng thống Mỹ nản chí.
Và cuộc hành binh cuối cùng
Theo cuốn Từ Toà Bạch ốc đến Dinh Độc lập của Ts. Nguyễn Tiến Hưng (phụ tá đặc biệt của Tổng thống ngụy, nay là Giáo sư kinh tế ở ĐH Haward) và Jerrold L.Schecter, lúc 10h51 phút sáng ngày 29/4/1975 giờ Sài Gòn (đang đêm ở Washington), Tổng thống Gerald Ford ra lệnh bắt đầu cuộc hành quân mang tên “Cơn lốc” (Operation Frequent Wind). Đài phát thanh Sài Gòn vang lên bản nhạc Tôi mơ về một mùa Noel tuyết trắng, đó là mật hiệu cho cuộc rút quân cuối cùng, chấm dứt sự dính líu của Mỹ ở VN.
Trước đó một ngày, tình hình căng thẳng. 6h20 chiều ngày 28/4/1975, một biên đội 5 máy bay A-37 đã tiến vào không phận sân bay Tân Sơn Nhất. Tại Văn phòng Tùy viên quân sự Mỹ cạnh sân bay, Von Marbod chăm chú quan sát những máy bay đang tới gần và nghi ngờ hỏi: “Tôi tưởng Không quân VN (ngụy) nghỉ làm lúc 6 giờ?”. Kiểm soát viên không lưu lập tức hỏi những máy bay đang tiến đến: “Máy bay của Không đoàn nào?”. Một giọng lạ vang lên qua máy điện đàm: “Máy bay do Mỹ chế tạo đây!”, rồi bất ngờ trút hàng loạt bom xuống sân bay. 3 máy bay AC-119 và nhiều máy bay C-47 khác đang đỗ trên đường băng chính bị phá hủy. Sau đó, người Mỹ mới biết đó là những máy bay của Không lực VN Cộng hòa bị đối phương chiếm dụng. Tình hình nguy cấp, họ cho rằng toàn bộ nhân viên quân sự Mỹ phải rời VN trong vòng 24 giờ.
Trong cuộc rút lui này, những máy bay vận tải C-130 “Thần lực sỹ” khổng lồ, mỗi chiếc chở 180 người di tản, liên tục cất cánh, đưa 1.373 người Mỹ và khoảng hơn 6.000 người VN đến các tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ đang neo đậu ngoài khơi. 8h sáng ngày 30/4/1975, Đô đốc Gayler đã chuyển lệnh của Tổng thống Ford buộc Đại sứ Mỹ G.Martin lên máy bay rời VN, trở thành người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn, kết thúc chiến dịch “Cơn lốc”.
Viên Hoà (Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/HoSo/2011/4/F287865CE3394F94/