Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

67. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (từ cổ đại đến năm 2007)

 TÓM TẮT
QUAN HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ
(từ cổ đại đến năm 2007)
Võ Minh Tập
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã trải qua bề dày lịch sử, nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn mang tính truyền thống, từ thời cổ xưa, trung đại, cận đại, hiện đại cho đến ngày nay. Mối quan hệ đó tuy có nhiều bước phát triển mới nhưng cũng gặp không ít những thăng trầm do tác động của bối cảnh quốc tế mà hai nước cùng chia sẽ, vượt qua để đi tới quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi có thể chia làm các giai đoạn sau:
I.1. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trước năm 1945.
Ấn Độ - đất nước của “lâu đài tuyết” hay “bông sen trắng vĩ đại” được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nền văn minh đó từ sớm đã lan tỏa đến nhiều quốc gia, khu vực, nhất là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã tiếp xúc và giao lưu từ đầu công nguyên.
Vượt qua những vùng biển, đại dương xa xôi, các thương nhân Ấn Độ lần đầu tiên đã câp bến ở Đông Nam Á. Có thể nói các chuyến đi này (thời cổ đại) đã mở ra một trang mới, một luồng gió mới của quan hệ trao đổi song phương dẫn đến sự phát triển của một nền văn minh và văn hóa đã tồn tại nhiều thế kỉ[1].
Dựa vào những thư tịch cổ, những hiện vật hiện có của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, người Ấn Độ, nhất là các thương nhân, giáo sĩ đã có mặt ở Việt Nam từ thế kỉ thứ I sau công nguyên. Quá trình hình thành và phát triển của vương Quốc Phù Nam ở vùng đất phía Nam nước ta với dấu tích là bia Phù Nam là một ví dụ điển hình. Phù Nam sớm đã trở thành trung tâm thương mại quốc tế cổ đại, một trung tâm Phật giáo và Hin-đu giáo.
Ở Miền Trung Việt Nam, sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Cham-pa càng đậm nét hơn mà biểu hiện là ảnh hưởng của Hin-du giáo và Phật giáo ở cả kiến trúc và tượng thờ của Cham-pa. Cham-pa cũng trở nên nổi tiếng là một đầu mối buôn bán, nơi cập bến thuận tiện của đường hàng hải Đông – Tây[2].
Trên địa bàn miền Bắc, ảnh hường văn hóa Ấn có phần nhạt hơn so với hai vùng còn lại. Sự phai nhạt này là do khi văn hóa Ấn bắt đầu tràn mạnh vào vùng Đông Nam Á thì miền Bắc Việt Nam đã trở thành một quận của Trung Hoa và đang bị cưỡng chế vào quỹ đạo của nền văn hóa Hán. Tuy nhiên, vào đầu công nguyên, phật giáo có ảnh hưởng nhất định đối với miền Bắc, điển hình là sự hình thành trung tâm Phật giáo nổi tiếng – Luy Lâu (Bắc Ninh). Từ đây, hình thành một đội ngũ nhà sư bản địa bắt đầu chuyên về giảng dạy, soạn thảo kinh phật, đi giao lưu học hỏi ở Ấn Độ, Trung Quốc…Một điều dễ nhận thấy là Phật giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển thịnh đạt – Quốc giáo từ sau thế kỷ X – XIV, các nhà sư ngày càng có vai trò to lớn trong lĩnh vực chính trị, xã hội, phật giáo ngày càng gắn bó với dân chúng, sớm trở thành một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt, góp phần tao nên một lực lượng đối trọng với nền văn hóa Trung Hoa[3].
Tóm lại, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, cùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ - Việt Nam diễn ra từ rất sớm, quá trình đó diễn ra liên tục theo thời gian, càng về phương Nam, ảnh hưởng văn hóa Ấn càng đậm nét. Nhìn tổng thể, văn hóa Ấn du nhập vào nước ta là quá trình lâu dài và bằng con đường hòa bình, đồng thời do có những nét tương đồng, gần gủi về phong tục, tín ngưỡng giữa hai quốc gia, nền văn hóa thấm vào tâm hồn, tính cách, văn hóa của người Việt tạo thành một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa Việt. Tác động tích cực của văn hóa Ấn đối với nước ta là làm giảm bớt áp lực sự đồng hóa mang tính cưỡng bức của văn hóa Trung Hoa, là nhân tố khách quan, góp phần làm cho dân tộc ta, đứng vững, không bị đồng hóa, không bị triệt tiêu trước văn hóa Trung Quốc.
Bước sang thời Cận đại, hai nước Việt nam và Ấn Độ đều rơi vào ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Hoàn cảnh đau thương đó, càng làm cho hai dân tộc dễ dàng thông cảm, chia sẻ và đoàn kết, ủng hộ nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước. Sự kiện lịch sử điển hình trong giai đoạn này là Nguyễn Á Quốc – Hồ Chí Minh đã có công to lớn trong việc vun đắp quan hệ Việt Nam - Ấn Độ - vào năm 1927, NGười đã gặp Ông Nê-ru. Đây là sự kiện mở đầu cho tình bạn thân thiết của hai nhà yêu nước, mở đầu cho tình bạn thân thiết của hai lãnh tụ và mở đầu cho quan hệ hai nước. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết những bài báo ca ngợi, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh, đồng thời lên án những hành động tàn bạo của thực dân Anh đối với nhân dân và đất nước Ấn Độ.
Mùa thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công và dẫn đến sự thành lập nước VNDC cộng hòa (2 – 9 – 1945) và cuộc đấu tranh chống thực dân Anh xâm lược của nhân dân Ấn Độ thắng lợi dẫn đến sự ra đời của nước cộng hòa Ấn Độ (26 – 1 – 1950). Từ dây, quan hệ hai nước bước sang thời kì mới.
I.2. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (1945 – 4/1975).
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp cũng như hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước mặc dù quan hệ hai nước cũng gặp nhiều khó khăn nhưng xu hướng chung là quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng tốt đẹp.
Từ năm 1945 đến năm 1956, là giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ, là giai đoạn mà Ấn Độ gặp không ít những khó khăn do mới giành độc lập, nhưng hai nước đã ủng hội, cổ vũ lẫn nhau. Ấn Độ là một trong số ít nước lúc bấy giờ nhiệt liệt chào mừng sự ra đời của nước VNDC Cộng hòa và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình. Nhiều nơi trên khắp đất nước Ấn Độ đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành, biểu tình ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngay sau ngày kêu gọi và phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19 – 12 – 1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng đầu tiên của nước CH Ấn Độ là J.Nê-ru đã bày tỏ thái độ ủng hộ và tháng 1 – 1947, những người yêu nước Ấn Độ kêu gọi nhân dân Mỹ sát cánh với nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Cũng trong thời gian này, M.Gan-đi đã viết thư gửi cho nhân dân Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ. Chính phủ Ấn Độ lấy ngày 21 – 1- 1947 là “Ngày Việt Nam”…
Về phía Chính phủ và nhân dân Việt Nam, vui mừng trước những thắng lợi giành độc lập và chia sẻ những đau buồn của nhân dân Ấn Độ khi lãnh tụ M.Gan-đi quan đời (30 – 8 – 1948) và tổ chức lễ truy điệu trọng thể tại Việt Nam.
Từ cuối năm 1953 đến 1954, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong quan hệ Ấn Độ - Liên Xô, Ấn Độ - Trung Quốc, về mặt khách quan đã tác động tích cực đối với quan hệ Việt nam – Ấn Độ. Trong thời gian này, Ấn Độ đã tham gia tích cực với cương vị là Chủ tích Ủy ban giám sát quốc tế về việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ân Độ đã tích cực để hiệp định này được thực hiện tốt, từ đó đem lại hòa bình cho Đông Dương và Việt Nam.
Tháng 10 – 1954, chỉ mới một tuần sau khi hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Ấn Độ và con gái đã sang thăm Việt Nam – đây là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ bên ngoài đến Việt Nam sau khi nước ta được giải phóng. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn – đã cổ vũ, động viên nhân dân ta, thể hiện sự thân thiết của hai lãnh tụ  Nê-ru và Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện sự coi trọng quan hệ giữa hai nước.
Đáp lại sự kiện trên, tháng 4 – 1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Ấn Độ. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Ấn Độ - Việt Nam, tháng 2 – 1956, hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Tổng lãnh sự.
Từ tháng 2 – 1956 đến tháng 4 – 1975, quan hệ hai nước có nhiều biến động do chi phối tình hình quốc tế. Trong những năm 1956 – 1959, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi.
Thái độ của Ấn Độ trong việc thi hành Hiệp định 1954 về Việt Nam là tích cực, quan hệ hai nước bắt đầu phát triển và tăng cường bằng những chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí minh (2 – 1958). Tuy nhiên, do những xung đột Trung Quốc - Ấn Độ (1962) đã tác động tiêu cực đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, mối quan hệ hai nước xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Từ giữa năm 1966 trở đi, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn tốt đẹp. Đỉnh cao của mối quan hệ hai nước thời kì này là sự thiết lập quan hệ đầy đủ giữa hai nước là tháng 1 năm 1972, Ấn Độ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên cấp Đại sứ. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hai nước, chấm dứt việc Ấn Độ giữa quan hệ “cân bằng” giữa hai miền Nam – Bắc, nghiên hẳn về phía VNDC Cộng hòa, bất chấp sự phản ứng chỉ trích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở ra một giai đoạn mới phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước[4].
I.3. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (5 – 1975 đến 7 – 1991)
Từ năm 1975 trở đi, do những thuận lợi của tình hình mỗi nước cũng như tình hình khu vực và quốc tế, đặc biệt là sự ra đời và thống nhất đất nước của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển một cách tốt đẹp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quan hệ chính trị.
Về quan hệ chính trị
Quan hệ giữa hai nhà nước – Chính phủ: đây là mối quan hệ chủ đạo giữa hai nhà nước và phát triển ngày càng tốt đẹp. Những chuyến thăm thường xuyên được tiến hành ở cấp nhà nước (1985, 1988, 1989, 4 - 1991), sự nhất trí cao của hai nước về vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, ủng hộ Việt Nam trong việc bình thường hóa quan hệ với ASEAN…
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản và các tổ chức xã hội giữa Việt Nam - Ấn Độ: mối quan hệ này cũng diễn ra tốt đẹp, các đảng phái hàng đầu của Ấn Độ và các tổ chức xã hội Ấn Độ đã ủng hộ chính phủ mình (Ấn Độ) tăng cường ủng hộ quan hệ với Việt Nam.
Các mối quan hệ khác
Trong giai đoạn này, hộ trợ kinh tế của Ấn Độ cho Việt nam tái thiết đất nước đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước. Chẳng hạn hai nước đã kí những hiệp định như Hiệp định hợp tác văn hóa (1976), Hiệp định thương mại và Hiệp định hợp tác khoa học – công nghệ (1978), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, y tế, môi trường. Ấn Độ giúp Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu cây lúa nước, Ô Môn và Trung tâm bò sửa Sông Bé…Ấn Độ cũng đào tạo rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra từ năm 1977 – 1990, Việt Nam đã nhận được khoảng tín dụng ưu đãi trị giá 1549 triệu Rubi Ấn Độ với lãi xuất 5% trong 15 năm, cũng từ đó cho đến năm 1985, Việt Nam được vay 50 vanh tấn bột mì và gạo ngay cả khi Ấn Độ đang gặp khủng hoảng lương thực trầm trọng cuối thập kỉ 70 thế kỉ XX…Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, tuy còn khiêm tốn so với một số nước nhưng về cơ bản là phát triển trên cơ sở tin cậy, đoàn kết, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau[5].
Tóm lại, quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn này phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, những thành tựu đó đã góp phần giúp cho Việt Nam khắc phục những khó khăn trong những năm tháng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đó cũng là cơ sở cả chiều rộng lẫn chiều sâu sau này.
I.4. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (7 – 1991 đến 2000)
Sự tan rã của Liên bang xô viết vào tập kỉ 90 thế kỉ XX đã làm thay đổi cục diện toàn cầu. Sự chuyển biến sôi động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có ASEAN và nội bộ hai nước đã tạo môi trường thuận lợi và nhiều cơ hội mới để thúc đẩy sự hợp tác, quan hệ sâu và rộng giữa hai nước.
Một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam (4 -1991), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ (9-1992). Chuyến thăm này thực sự có ý nghĩa khi tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động to lớn. Lãnh đạo hai quốc gia đã chủ trương Việt Nam và Ấn Độ cần phải thay đổi cơ chế và phương thức hợp tác nhằm đáp ứng tích cực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới và cải cách ở mỗi nước.
Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, tháng 9-1993 Phó Tổng thống Ấn Độ R.K.Na-ra-y-a-nan thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: Trong tình hình mới, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy về chính trị, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và văn hoá để phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của mỗi bên. Phó Tổng thống Ấn Độ cũng khẳng định: hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Ấn Độ là tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của nhân dân hai nước[6].
Trong số những chuyến thăm cấp Nhà nước giữa Việt Nam - Ấn Độ, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Rao (4-1994) được đánh giá là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã chỉ ra những trở ngại trong hợp tác, đồng thời trao đổi về những phương hướng mới và những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia về kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học - kỹ thuật nhằm đưa mối quan hệ đó lên ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Từ giữa năm 1995, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hai bên, mối quan hệ đó từng bước đã được phục hồi và phát triển. Đầu năm 1997, với mong muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chuyến thăm đến Ấn Độ (3-1997). Đây là sự kiện quan trọng, mang lại nguồn sinh lực mới cho quan hệ giữa hai nước, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử bang giao Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ đánh giá cao Việt Nam đối với việc ủng hộ tích cực Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như việc Ấn Độ tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM),...
Năm 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ấn Độ - đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi Việt Nam thống nhất (1975) và từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Trong các cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi ý kiến về việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Việt Nam tái khẳng định việc ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,....
Tóm lại, từ năm 1991 đến 2000, do sự chi phối của tình hình quốc tế. khu vực và mỗi nước, quan hệ hai nước có hướng phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị, nhưng quan hệ kinh tế vẫn còn hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Những thành tựu đó đã tạo cơ sở để quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thập niên đầu XXI.
I.5. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (2000 đến 7-2007).
Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt xu thế quốc tế hoá và khu vực hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nói riêng cũng được duy trì và có những bước phát triển mới.
Đầu năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ A.B.Vát-pai-e thăm chính thức Việt Nam (1-2001). Chuyến thăm diễn ra vào đầu năm mới và cũng là Thiên niên kỷ mới cho thấy Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm nhằm khẳng định mối quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, đặc biệt thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại đầu tư, khoa học công nghệ cho tuơng xứng với quan hệ chính trị hai nước.
Năm 2003, quan hệ song phương giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới, đánh dấu bằng chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4-2003). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI. Tuyên bố khẳng định: “Bước vào thế kỷ XXI, hai bên quyết tâm phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới nhằm ứng phó với các thách thức mới của toàn cầu hoá, mối đe doạ của khủng bố quốc tế và những thách thức to lớn đối với hệ thống quan hệ quốc tế. Hai bên phấn đấu phát triển khía cạnh chiến lược trong quan hệ đối tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần hoà bình, ổn định, hợp tác và sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai bên sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có và tạo động lực mới cho sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước. Trên cơ sở quán triệt tầm quan trọng chiến lược mới của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước[7]. Hai bên đã thoả thuận thực hiện trong vòng 15 năm tới một Chương trình hợp tác toàn diện bao gồm 9 điểm được ký kết tại Niu Đê-li ngày 1-5-2003.
Năm 2007, sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước đầu thế kỷ XXI bằng việc ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ[8]. Để hiện thực hoá Quan hệ đối tác chiến lược, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác theo hướng ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua tăng cường trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, của các bộ, ngành và địa phương hai nước; nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai quốc gia và 8 văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước đã được ký kết[9].
Tóm lại, các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng với quan hệ Đảng giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, một mặt thể hiện sự gần gũi, thân thiết của chính phủ và nhân dân hai nước; mặt khác đã tạo cơ hội để hai bên tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển, góp phần không nhỏ thực hiện thành công quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước của cả Việt Nam và Ấn Độ và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.



[1] Tridib Chakraborit (2003), Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp chí Đông Nam Á, số 5, tr.28.
[2] Nguyễn Thu Phương (2007), 35 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 1.
[3] Hoàng Thị Diệp (2005), Về mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Đông Nam Á, số 1, tr.55.
[4] Hoàng Thị Diệp (2005), Về mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Tạp chí Đông Nam Á, số 1, tr.56.
[5] Tridib Chakraborit (2003), Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: một tình bạn hướng đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp chí Đông Nam Á, số 5, tr.31.

[6] Báo Nhân Dân, ngày 23-9-1993.
[7] Nguyễn Vũ Tùng (Chủ biên,2007): Khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, tr. 216.
[8] Xem Tuyên bố chung Việt Nam – Ấn Độ, Báo Nhân dân, 6- 7-2007
[9] Xem Bộ ngoại giao: 8 Văn kiện quan trọng bao gồm: Hiệp định vận tải đường biển; Bản ghi nhớ về trao đổi đất và tài sản đối với Cơ quan đại diện ngoại giao; Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng; Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ để triển khai Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản; Chương trình trao đổi văn hoá; Chương trình trao đổi giáo dục; Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.