Từ chuyến thăm chiến lược
Ngày 17-8-2011,
Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức
Trung Quốc trong 6 ngày theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận
Bình. Chuyến thăm của Phó Tổng thống G. Bai-đơn là nhằm tiếp nối các chuyến
thăm cấp cao giữa hai nước, trao đổi quan điểm rộng rãi với các nhà lãnh đạo
Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước và an ninh khu vực châu
Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông G. Bai-đơn
kể từ khi nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ.
Tại các cuộc
gặp với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Phó Chủ tịch nước Tập
Cận Bình, Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã gửi đến các nhà lãnh đạo cấp cao của
Trung Quốc một thông điệp khẳng định cam kết của Mỹ về phát triển mạnh mẽ, tích
cực và bền vững mối quan hệ với Trung Quốc. Phó Tổng thống G. Bai-đơn nêu rõ:
Mỹ cam kết bảo đảm an toàn cho các khoản nợ của mình, không phải vì Trung Quốc
mà còn vì chính các công dân Mỹ, những người đang làm chủ tới 85% tổng số nợ
công của nước Mỹ. Tính đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc nắm giữ tổng cộng 1,16
nghìn tỉ USD trái phiếu dự trữ của Mỹ, tiếp tục là chủ nợ nước ngoài lớn nhất
của Mỹ.
Về phần
mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều bày tỏ sự tin tưởng rằng, chuyến thăm này
sẽ giúp ông G. Bai-đơn hiểu rõ hơn về đất nước và con người Trung Quốc, đồng
thời giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng
định: "Trong hoàn cảnh mới, Trung Quốc và Mỹ chia sẻ những mối quan tâm
chung lớn hơn và cùng gánh vác các trách nhiệm chung nhiều hơn. Việc tăng cường
quan hệ Trung - Mỹ không chỉ phục vụ lợi ích của hai nước mà còn cho cả thế
giới". Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã tiếp Phó Tổng
thống G. Bai-đơn. Tại buổi tiếp, ông Ôn Gia Bảo khẳng định "hoàn toàn tin
tưởng" rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay. Ông cho
rằng, sự phồn vinh và ổn định của nền kinh tế Mỹ là "quan trọng" đối
với cả thế giới.
Đánh giá
về tình hình kinh tế Mỹ nói chung, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng, nền
kinh tế Mỹ vẫn có "sức bật cao" và có khả năng tự khắc phục những
khiếm khuyết. Bằng chứng là trong cuộc đối thoại giữa các nhà quản lý doanh
nghiệp cũng như lãnh đạo các học viện nổi tiếng đến từ Mỹ và Trung Quốc, như
Công ty Viễn dương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Lenovo, General Motor,
J.P. Morgan và Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc... Phó Chủ tịch nước Trung
Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, khi thách thức càng lớn
thì nền kinh tế Mỹ sẽ càng phát triển tốt hơn". Một quan chức Mỹ dấu tên
cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã ký nhiều thỏa thuận với tổng trị giá lên tới gần
1 tỉ USD trong chuyến thăm của ông G. Bai-đơn lần này.
Tuy nhiên,
các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã thúc giục Mỹ sớm đưa ra "hành động cụ
thể" nhằm nới lỏng các quy định đối với hàng xuất khẩu kỹ thuật cao từ Mỹ
sang Trung Quốc, đồng thời tạo môi trường đầu tư công bằng cho doanh nghiệp
Trung Quốc tại Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định, hình thức hợp
tác đã được ứng dụng suốt ba thập kỷ qua, trong đó Mỹ cung cấp vốn và kỹ thuật,
trong khi Trung Quốc cung cấp lao động và thị trường, đã thay đổi nhiều. Ngày
nay, hợp tác kinh tế và thương mại song phương đang vươn tới những lĩnh vực
rộng lớn hơn. Cạnh tranh chắc chắn sẽ nổi lên giữa các doanh nghiệp của hai
nước trong quá trình hợp tác và phát triển, nhưng hình thức cạnh tranh này là
lành mạnh và về cơ bản có lợi cho sự phát triển chung. Nước Mỹ cần khôi phục lòng
tin trên các thị trường toàn cầu trong bối cảnh các thị trường chứng khoán chao
đảo sau khi ngân hàng đầu tư của Phố Uôn (Wall Street) Morgan Stanley cảnh báo
nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng ơ-rô đang tiến gần đến một cuộc suy thoái kép.
Ngày
21-8-2011, trong bài phát biểu trước hàng trăm sinh viên Đại học Tứ Xuyên
(Trung Quốc), Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã khẳng định, tăng trưởng của Trung
Quốc là yếu tố phát triển tích cực đối với Mỹ và toàn thế giới. Vì thế ông G. Bai-đơn
nhấn mạnh, nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ không bao giờ bị vỡ nợ và Mỹ vẫn là
điểm đầu tư tốt nhất, dù mức tín nhiệm vừa bị Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P
đánh tụt từ mức AAA xuống còn AA+.
Đến chuyến thăm ngoại giao
Tiếp theo chuyến thăm
Trung Quốc, ngày 22-8-2011, nhân vật số hai của chính quyền Mỹ đã có chuyến thăm Mông
Cổ và Nhật Bản nhằm thảo luận triển vọng hợp tác giữa Mỹ và hai nước.
Tại Mông Cổ, tuyên
bố
với giới báo chí khi tới U-lan Ba-to, ông G. Bai-đơn cho biết, Mỹ ủng
hộ một
nước Mông Cổ phồn vinh và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu
vực. Oa-sinh-tơn
cho rằng, U-lan Ba-to đang góp phần quan trọng cho công cuộc duy trì hòa
bình
trên trái đất và hợp tác với Mỹ. Nhân chuyến thăm này, ông G. Bai-đơn đã
tỏ ý
cảm ơn Mông Cổ về sự tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại
Áp-ga-ni-xtan và
I-rắc. Mỹ chủ trương phát triển quan hệ đối tác với Mông Cổ nhằm phục vụ
các
lợi ích chiến lược. Cả hai nước đều ủng hộ việc không phổ biến vũ khí
hủy diệt
hàng loạt và thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương. Oa-sinh-tơn
hy
vọng sẽ mở rộng hơn nữa sự hợp tác kinh tế với U-lan Ba-to, đồng thời
các công
ty Mỹ sẵn sàng góp phần phát triển các ngành khai thác tài nguyên thiên
nhiên,
năng lượng, cơ sở hạ tầng và du lịch tại Mông Cổ. Đây là chuyến thăm đầu
tiên
của Phó Tổng thống Mỹ tới nước này kể từ năm 1944 và cũng là chuyến thăm
cấp
cao nhất của quan chức Mỹ tới thăm Mông Cổ kể từ năm 2005, khi cựu Tổng
thống
Mỹ Gioóc-giơ W.Bu-sơ (George W.Bush) có chuyến thăm ngắn ngày ở nước
này. Cố vấn an ninh của Phó Tổng thống G. Bai-đơn, ông Tô-ny Blai-cơn
(Tony Blinken) mô tả
chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn lần này như là chuyến thăm
“mang
tính lịch sử” sau chuyến thăm gần đây nhất của Phó Tổng thống Mỹ Hen-ry
Oa-la-xi
(Henry Wallace), đến quốc gia châu Á này năm 1944.
Tại
Nhật Bản, Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã có
cuộc Hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan) nhằm khẳng định
quyết tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Tại cuộc Hội
đàm, Phó Tổng thống G. Bai-đơn đã bày tỏ sự cảm phục đối với quyết tâm và dũng
khí của người dân Nhật Bản trong công cuộc tái thiết sau thảm họa. Ông G.
Bai-đơn nhấn mạnh, Nhật Bản là đồng minh quan trọng của Mỹ và Nhật Bản vẫn là
quốc gia có sức mạnh kinh tế và chính trị lớn. Cũng tại cuộc gặp với Phó Tổng
thống Mỹ Giô Bai-đơn, Thủ tướng Na-ô-tô Can đã
lấy làm tiếc vì không thể thực hiện chuyến thăm Mỹ theo dự kiến vào tháng 9
tới. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Na-ô-tô Can cho biết khả năng
từ chức của toàn bộ nội các trong tháng 8 nhằm mở đường cho việc thành lập nội
các của thủ tướng mới. Theo giới phân tích, chuyến thăm Nhật Bản của Phó Tổng
thống Mỹ G. Bai-đơn chỉ mang ý nghĩa nghi thức
do diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trường Nhật Bản đang có nhiều biến
động. Ban đầu, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã dự kiến sẽ công bố lộ trình củng cố
mối quan hệ đồng minh trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Phó Tổng thống G.
Bai-đơn. Tuy nhiên, việc thời điểm từ chức của Thủ
tướng Na-ô-tô Can chỉ còn tính bằng ngày đã khiến chuyến thăm này dừng lại ở
những lời cam kết.
Như
vậy,
chuyến thăm 9 ngày tại ba nước châu Á của Phó Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn
đã
kết thúc. Thời gian ông G. Ba-đơn ở thăm Trung Quốc gấp đôi thời gian ở
Mông Cổ
và Nhật Bản, những vấn đề nhạy cảm như tình hình Tây Tạng, Đài Loan, các
mối
quan ngại về tình hình nợ công, tài chính của Mỹ cũng như khẳng định
quan
điểm của Mỹ coi châu Á là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình...
đã bước đầu được giải tỏa. Đây có thể được coi là kết quả tích cực
trong việc khôi
phục niềm tin của thế giới vào Mỹ. Và từ kết quả chuyến thăm này, người
ta càng
thấy rõ, khi muốn giải tỏa những ngờ vực, khó khăn thì việc tăng cường
tiếp
xúc, đối thoại giữa các bên luôn là việc cần làm, nên làm, hữu ích và
không bao
giờ thừa./.