Khu
vực Đông Á bao gồm 18 nền kinh tế (7 nền kinh tế thuộc Đông Bắc Á + 11
nền kinh tế thuộc Đông Nam Á) với dân số 2,15 tỷ người (khoảng 1/3 dân
số thế giới) và tổng GDP trên 13 nghìn tỷ USD (chiếm gần 1/4 GDP của
toàn thế giới). Đông Á cũng chiếm tới gần 30% tổng thương mại của thế
giới và hàng năm thu hút gần 1/3 tổng FDI toàn cầu. Đây là khu vực có
hai nền kinh tế hàng đầu thế giới (sau Mỹ) là Nhật Bản và Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã vươn lên thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu và
dự trữ ngoại tệ với tổng số 2.450.000 tỷ USD.
Những sự trỗi dậy thần kỳ
Trong những năm 1960-1990, Đông Á được
biết đến nhiều với sự vươn lên thần kỳ của 4 con "con hổ kinh tế" theo
sau Nhật Bản, gồm Hàn Quốc, Đài Loan, HongKong và Singapore. Trong hơn 3
thập kỷ liền, các nền kinh tế này đã duy trì được sự tăng trưởng hết
sức ngoạn mục với mức tăng bình quân hàng năm trên dưới 8%, có thời kỳ
lên tới mức 2 con số, nhanh chóng vượt nghèo khó và lạc hậu để đứng vào
hàng ngũ các nền kinh tế phát triển.
Kế tiếp và chậm hơn một chút là một số
nền kinh tế thuộc ASEAN, như Malaysia, Thái Lan cũng đã đạt sự tăng
trưởng đáng nể trong gần hai thập kỷ kể từ cuối thập niên 1970 cho đến
khi xảy ra cuộc khủng hoảng Đông Á vào năm 1997. Nổi bật hơn cả là sự
trỗi dậy mạnh mẽ của "con rồng" Trung Quốc bắt đầu từ thập niên 1980 và
đang nhanh chóng vươn tới vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới. Liền 3
thập kỷ, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc,
duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới (trên 8%/năm, nhiều năm
trên 10%).
Hoà vào sự "thăng hoa" mạnh mẽ của
Đông Á, còn có cả những nền kinh tế thuộc hàng khiêm tốn hơn trong ASEAN
như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào. Tuy không gây
nhiều ấn tượng lớn như "rồng" và "hổ", nhưng trong nhiều năm trở lại
đây, các nền kinh tế này cũng đã và đang vươn lên với tốc độ "không thể
xem thường".
Ngoại trừ Triều Tiên còn nhiều khó
khăn do vẫn duy trì mô hình kinh tế lỗi thời và Đông Timo bé nhỏ bị
giằng xé bởi những vấn đề nội bộ sau khi tách khỏi Indonesia, hầu hết
các nền kinh tế Đông Á đều đã hoặc đang vươn lên với tốc độ phi thường.
Đông Á đã thực sự là một khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp cực
kỳ quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong nhiều thập
kỷ qua. Đặc biệt cần nhấn mạnh, chính nhờ sự năng động và tăng trưởng
cao của Đông Á đã giúp cho suy thoái kinh tế thế giới vừa qua bớt trầm
trọng và sớm phục hồi hơn.
Niềm hy vọng của thế giới hậu khủng hoảng?
Năm 2009, trong khi hầu hết các nền
kinh tế quan trọng ở các khu vực khác rơi vào suy thoái nặng (Mỹ -2,4%,
khu vực đồng Euro - 3,9%, Anh - 4,6%, Canada - 2,5%) thì Trung Quốc và
một số nền kinh tế Đông Á khác vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao
(Trung Quốc 8,5%, Việt Nam 5,2%, Indonesia 4,4%). Bước sang 2010, Mỹ và
phần lớn các nền kinh tế châu Âu vẫn còn "trầy trật" để thoát ra khủng
hoảng, thậm chí EU vẫn đang phải đối mặt với khả năng suy thoái trở lại
do khủng hoảng nợ Hy Lạp và nguy cơ tương tự tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
và một số nước khác. Trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế Đông Á vẫn
tăng trưởng khá. Đặc biệt, Trung Quốc, quý I/2010, tăng trưởng trên 9%
và tháng 4 là 12%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo năm 2010, Trung
Quốc sẽ tăng trưởng 10%. Như vậy, xem ra đầu tầu kinh tế Đông Á trong
bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vừa qua là khó có thể phủ nhận và hẳn vẫn
đang còn là niềm hy vọng của thế giới hậu khủng hoảng.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng,
bức tranh kinh tế Đông Á không phải chỉ có một màu sáng, mà còn có cả
những mảng tối, nếu chúng ta quan sát kỹ nó từ các góc độ khác. Những
mảng tối chính là những khó khăn mà các nền kinh tế ở Đông Á đang phải
đối mặt.
Thứ nhất, phát triển mất cân đối và
kém bền vững. Đây không chỉ là yếu điểm chính của các nền kinh tế đang
phát triển mà kể cả một số nền kinh tế thuộc diện phát triển ở Đông Á
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan. Phát triển mất
cân đối thể hiện ở cơ cấu của nền kinh tế, cơ cấu thương mại, cơ cấu các
loại thị trường, cơ cấu vùng miền, cơ cấu kinh tế vĩ mô, cơ cấu nguồn
nhân lực và trong các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển
các thiết chế chính trị - xã hội, giữa kinh tế với giải quyết các vấn
đề an sinh xã hội, môi trường... Các nền kinh tế ở khu vực đều chưa đạt
tới mức độ cân bằng để có thể bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, mức độ mất cân đối và thiếu bền vững biểu hiện rất khác nhau
trong từng nước. Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đối mặt với
"căn bệnh này" ở mức nặng, thậm chí là đáng báo động.
Thứ hai, bất ổn đáng quan ngại về kinh
tế vĩ mô ở một số nước. Trước hết là thâm hụt ngân sách cao, dẫn đến
tình trạng nợ công tăng mạnh và trở thành gánh nặng (năm 2009, nợ công
của Trung Quốc bằng 89% GDP, Thái Lan 43,5% GDP, Nhật 227% GDP,
Philippine 58,7% GDP, Việt Nam 44,5% GDP). Tiếp đến là bất ổn về chính
sách tiền tệ, lạm phát cao đang gia tăng áp lực ở một số nước như Việt
Nam, Trung Quốc, Campuchia, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng - tín dụng
và việc kiểm soát không chặt các luồng vốn. Một số chuyên gia đã cảnh
báo tình trạng "bong bóng" tài chính và bất động sản tăng đến mức báo
động hiện nay ở một số nền kinh tế Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và
Việt Nam, có thể đặt khu vực này trước nguy cơ làn sóng suy thoái thứ
ba, tiếp theo làn sóng thứ hai đang có dấu hiệu tràn vào châu Âu hiện
nay. Sau cùng là sự mất cân đối trong cán cân thương mại và sự lệ thuộc
quá lớn của các nền kinh tế khu vực vào thị trường bên ngoài về xuất -
nhập khẩu và FDI. Điều này khiến cho họ dễ bị tổn thương cao khi có
những biến động lớn của thị trường quốc tế.
Thứ ba, phần lớn các nền kinh tế Đông
Á, vẫn còn trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển mạnh theo
"chiều rộng", chưa nhiều theo "chiều sâu". Có nghĩa là, sự phát triển
còn dựa quá nhiều vào các yếu tố sản xuất như đất đai, tài nguyên thiên
nhiên, sức lao động nhiều và rẻ. Vốn và công nghệ nhập từ bên ngoài là
chủ yếu, chứ chưa dựa nhiều vào khoa học-công nghệ, đặc biệt là khoa học
- công nghệ do tự mình tạo ra. Phương thức phát triển này đã và tiếp
tục để lại những hậu quả trầm trọng về tính hiệu quả, sự bền vững và khả
năng cạnh tranh lâu dài của nền kinh tế cũng như nhiều hậu quả về môi
trường.
Thứ tư, tình hình chính trị nội bộ tại
một số nước ở khu vực còn nhiều bất ổn, xung đột thậm chí gia tăng làm
mất ổn định chính trị và xã hội, cản trở đáng kể sự phát triển kinh tế
của các nước này, cũng như quá trình tăng cường các liên kết kinh tế khu
vực. Thêm nữa, sự gia tăng căng thẳng và tranh chấp giữa các nước trong
khu vực đồng thời với sự tăng cường tranh giành ảnh hưởng của các cường
quốc tại khu vực cũng góp phần làm cho các thách thức tại Đông Nam Á
thêm phức tạp và khó xử lý hơn.
Những khó khăn và thách thức kể trên
không hề dễ dàng được khắc phục. Nó đòi hỏi các nước Đông Á phải chi rất
nhiều nguồn lực và trong nhiều thập kỷ để sửa chữa, cải tạo di sản của
tiến trình hiện tại. Vậy liệu Đông Á có thể tiếp tục là đầu tầu được bao
lâu nữa? Câu trả lời không hề đơn giản và nằm chủ yếu ở việc các nước
Đông Á sẽ giải quyết các khó khăn thế nào để có thể tiếp tục kéo được cả
đoàn tầu kinh tế thế giới.
Những phong độ khác nhau
Hai nền kinh tế lớn nhất Đông Á hiện
nay là Nhật Bản và Trung Quốc đang thể hiện phong độ rất khác nhau.
Trung Quốc giống như một con rồng đang bay bổng, còn Nhật Bản lại giống
như một con ngựa già mệt mỏi đang uể oải lê bước sau trận phong ba. Với
tốc độ tăng trưởng trên dưới 10% như hiện nay, năm 2010, Trung Quốc chắc
chắn sẽ vượt trên Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Cũng khó có thể hy vọng kinh tế Nhật Bản sớm hồi phục vững chắc để lại
phi nước đại trên chặng đường sắp tới.
Hàn Quốc và Đài Loan cũng không mấy dễ
dàng lấy lại đà tăng trưởng cao của quá khứ, các dự báo khả quan nhất
cho thấy khả năng tăng trưởng bình quân năm từ 2010-2012 là khoảng trên
dưới 4% đối với Hàn Quốc, 5-5,5% đối với Singapore, 4-5% đối với
HongKong, 4-4,6% đối với Đài Loan.
Triển vọng tăng trưởng chung của ASEAN
sáng sủa hơn, có thể đạt 5-6% trong năm nay và vài năm tới, song do quy
mô nền kinh tế của hầu hết các nước ASEAN còn nhỏ, nên xem ra gánh nặng
sẽ đặt chính trên vai "người khổng lồ" Trung Quốc để vận hành "đầu tầu
Đông Á" trong đoàn tầu kinh tế thế giới đang nặng nề vượt "núi suy
thoái".
Mặc dù Trung Quốc đã chứng tỏ được sự
phát triển thần kỳ trong ba chục năm qua và có khả năng còn tiếp tục duy
trì được đà tăng trưởng cao trong những năm tới, nhưng cũng khó có thể
đoán định chắc chắn được "con rồng Trung Quốc" sẽ còn bay cao được bao
lâu nữa, bởi những yếu tố cản trở và tạo rủi ro đối với sự tăng trưởng
của Trung Quốc hiện cũng không ít và ngày càng bộc lộ thành nguy cơ lớn
hơn.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á
sẽ được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 6 tới, các nhà lãnh đạo
chính phủ và nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới sẽ có dịp nhìn
nhận và đánh giá kỹ hơn về vai trò "Đầu tàu Đông Á", đồng thời cũng sẽ
thảo luận về nhiều vấn đề của khu vực. Hy vọng Diễn đàn sẽ giúp chúng ta
có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn.
TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2010/6/3DBE604C1F1710CA/
|