Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

39. Đột phá chiến lược

Ảnh minh họa
LTS. Kế hoạch 5 năm 2006 -2010 kết thúc trong tình hình kinh tế thế giới đầy bất ổn, đã làm lộ rõ hơn những yếu kém trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Tự hoàn thiện giữa những biến động bất thường của thời cuộc là nhu cầu tất yếu của phát triển. Chính vì vậy, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu, hiện đang là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển.

3 đột phá chiến lược
Năm 2010, kinh tế Việt Nam đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra (17/21 chỉ tiêu), nhưng những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã và đang tác động mạnh và trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Lạm phát trở thành nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế, do nguyên nhân 'nhập khẩu lạm phát' từ thế giới, ở trong nước giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục vì mất mùa do tình hình thời tiết phức tạp và nhất là quá trình tăng trưởng thời gian qua của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc bơm vốn.
Cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao (trung bình nhập siêu mỗi tháng một tỷ USD) do giá các nguyên, nhiên liệu nhập khẩu tăng mạnh, trong khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi chậm. Vấn đề nhập siêu đang gây áp lực lên dự trữ ngoại hối quốc gia, tác động tới tỷ giá USD/VND, đồng thời gián tiếp làm gia tăng nguy cơ lạm phát đối với nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn do chi phí nhập khẩu tăng; một số ngành sản xuất đang có sự liên thông với chuỗi cung ứng toàn cầu, như ngành lắp ráp ô-tô, máy tính, điện tử... sẽ bị tác động do sự đình đốn của các hãng sản xuất Nhật Bản sau thảm họa động đất sóng thần.
Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi, Trung Ðông đã tác động đến quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước khu vực này, nhất là lĩnh vực thương mại, du lịch và xuẩt khẩu lao động. Chỉ riêng việc hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Libia về nước cùng một thời điểm cũng là một bài toán đặt ra đối với thị trường lao động và việc bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Thu hút đầu tư FDI, viện trợ nước ngoài ODA mặc dù chưa có tín hiệu chịu tác động rõ nét, nhưng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nước phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu, hạn chế đầu tư.
Trước những khó khăn này, để tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết tâm đột phá vào ba khâu quan trọng và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Có thể nói, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Với mục tiêu phát triển của đất nước, KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của KTTT, vừa chịu sự chi phối của các nhân tố định hướng XHCN. Sự chuyển đổi cơ chế trên đã giải quyết được mâu thuẫn trong sự phát triển của đất nước và thực sự là một đột phá chiến lược. Từ đột phá có tính mở đường này, chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, tạo đà cho bước phát triển mới, cao hơn.
10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 - 2010 đã đạt được những thành tựu quan trọng, với ba khâu đột phá: (i) Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; (ii) Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (iii) Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, các hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện các khâu đột phá vẫn thiên về hướng tiệm tiến, chưa thực sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để. Những hạn chế, yếu kém này đang cản trở sự phát triển và để đất nước phát triển nhanh, bền vững, cần phải tập trung sức giải quyết, tháo gỡ. Chính vì vậy, ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 xác định, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và, (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Theo đó, yêu cầu cơ bản để thể chế kinh tế thị trường phát huy hết mặt tích cực của nó là các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành đầy đủ, các loại thị trường phát triển đồng bộ với độ minh bạch cao, được quản lý và giám sát tốt; nhờ đó, thị trường xác lập sự cân bằng động trong phân bố nguồn lực vào các ngành sản xuất và dịch vụ theo tín hiệu thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Thiếu các điều kiện này, thị trường không thể cho tín hiệu đúng, các nguồn lực không thể dịch chuyển thuận lợi và do đó, các chủ thể kinh doanh không thể phát huy được tiềm năng và nền kinh tế không đạt được hiệu quả. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 xác định: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ở thời đại này, Khoa học công nghệ; Toàn cầu hóa và Khan hiếm nguyên, nhiên liệu đã trở thành ba đặc điểm chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia. Điều đó, ngày càng nổi bật vai trò ngày càng tăng của nguồn lực con người - lợi thế cạnh tranh động trong quá trình phát triển và là nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia.
Tình hình đó vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo điều kiện cho việc thay đổi mô hình phát triển, từ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực rẻ nhưng chất lượng thấp sang sự phát triển dựa vào các nhân tố năng suất tổng hợp bao gồm khả năng áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại. Chìa khóa của sự chuyển đổi, nhân tố trung tâm của quá trình này là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Xét cho cùng, đây là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn.
Đột phá cuối cùng sẽ tấn công vào hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, lạc hậu của nền kinh tế. Quy mô kinh tế ngày càng tăng, quá trình đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ càng bộc lộ những bất cập trong kết cấu hạ tầng nước ta, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và là một trong những điểm nghẽn tăng trưởng.
Kết cấu hạ tầng là đường dẫn của sự phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện để phân bổ lực lượng sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Một hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ sẽ mở rộng không gian phát triển, kết nối các vùng kinh tế, làm tăng tính hiệu quả nhờ quy mô. Để thực hiện tốt đột phá này, phải thay đổi cách tiếp cận từ khâu quy hoạch, lựa chọn các ưu tiên đến phương thức huy động nguồn lực và thủ tục triển khai dự án. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, quyết định của chúng ta không thể dựa vào lòng mong muốn mà phải lựa chọn cái tốt nhất có thể nhằm giải tỏa nhanh các điểm nghẽn vận tải, đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Thách thức từ 3 đột phá
Trách nhiệm với những thành quả của đất nước trong 25 năm qua, đứng trước vận mệnh đất nước trong tương lai, 3 đột phá trên thực sự là những thách thức đặt ra đối với chính phủ trong 5 năm tới. Định hướng cho nhiệm vụ và nội dung trọng tâm mà Thủ tướng nêu ra khá rõ và nhằm giải quyết những vấn đề căn cơ của bài toán phát triển trong những năm tới. Nhưng đối chiếu với tình hình thực tiễn, nếu xây dựng lộ trình cụ thể và định lượng được cho cả ba khâu này thì lời giải không hề đơn giản, đòi hỏi một sự quyết tâm chính trị rất lớn.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Chuyên gia Kinh tế, TS. Trần Du Lịch phân tích, hình dung thực hiện 3 đột phá chiến lược, xét về trung và dài hạn, làm sao phải đưa "con tàu kinh tế Việt Nam" chạy đúng trên đường ray của nó. Ba khâu đột phá mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, chính là tạo ra đường ray như vậy. Chưa đặt vấn đề tàu chạy nhanh chậm mà phải đúng đường ray đã, nếu không thì càng chạy càng sinh chuyện, càng tích tụ khó khăn.
Lấy ví dụ một điểm trong khâu đột phá thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Việt Nam đã có hàng chục năm cải cách hành chính, nhưng nền hành chính liên quan đến thể chế, con người, bộ máy, mà bộ máy liên quan đến tổ chức nhà nước, đến tổ chức chính quyền các cấp, tức là phụ thuộc vào Hiến pháp. Vậy theo dự kiến đến giữa nhiệm kỳ mới sửa đổi Hiến pháp thì đổi mới về thể chế hành chính đã là khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ.
Liên quan đến khâu đột phá thứ hai - thực tế là thị trường lao động bất cập trong quan hệ cung - cầu. Nhưng nếu thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao thì cơ cấu sản xuất phải được thay đổi tương ứng? Trên thực tế, công nghệ lạc hậu, công nghiệp chủ yếu là gia công thì nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu động lực phát triển?
Còn về khâu thứ ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn thì cũng có quá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là sự bất cập về nguồn vốn đầu tư. Đơn cử, tình trạng đường sắt quá lạc hậu, đường bộ cũng quá tải nghiêm trọng, nguồn vốn thì có hạn mà kêu gọi theo phương thức BT, BOT hay PPP thì cũng rất hạn chế. Nếu định lượng hết các vấn đề nêu trên thì trong 5 năm tới nhiệm vụ của Chính phủ mới thật sự là những thách thức.
Thực tế là 10 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng khá, nhưng cũng tích tụ không ít những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế. Trong những lý do có sự góp mặt của việc thực hiện kế hoạch một cách không triệt để. Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, suốt 4 năm qua, kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập WTO mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, đầu 2008, 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô được đưa ra, nhưng đến cuối năm khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ USD, rất lãng phí và hơn nữa đã thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó.
Năm 2011 cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.
Tự tin nắm bắt cơ hội
Thành tựu đổi mới kết hợp với thực hiện chính sách mở cửa, tích vực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. Đánh giá về thành công của quá trình đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận và công cuộc đổi mới, về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”.
Ngoài những thách thức trên, chính phủ nhiệm kỳ mới còn phải thẳng thắn đối mặt với tham nhũng, bất bình đẳng xã hội, phân bổ nhóm lợi ích, và đặc biệt là vấn đề chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, để giải quyết các thách thức của thời cuộc, có lẽ chỉ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phong Nhi

Trung Quốc: Phát triển giáo dục đại học vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, giáo dục là chìa khóa để phát triển xã hội, đồng thời cam kết cải tổ chất lượng cũng tiếp cận giáo dục trong thập niên tới.
Những trọng tâm trong mục tiêu chiến lược giáo dục của Trung Quốc (TQ) mới được đưa ra trong Đề cương chiến lược đến 2020. Năm 2009, chính phủ TQ đã thông qua quỹ giáo dục trị giá khoảng 198 tỉ nhân dân tệ (21,19 tỉ USD). Khoảng 28,7 triệu trẻ em từ các gia đình nghèo đã được nhận hỗ trợ tài chính học tập. TQ có kế hoạch gia tăng tỉ lệ chi phí giáo dục so với GDP lên 4% vào năm 2012 thay vì 3,48% năm 2008. Đề cương đưa ra một nền tảng vững chắc để TQ phát triển sâu tập trung vào nhân lực. Mục tiêu của họ là "sẽ không còn trông chờ vào nguồn cung cấp lao động rẻ để tăng trưởng kinh tế".
Đề cương cũng nhấn mạnh cải tổ kỳ thi đại học hàng năm, yêu cầu các trường trung học, cao đẳng và đại học thông qua các chính sách tuyển sinh linh hoạt hơn.
Trong thực tế, TQ đặc biệt chú ý điều chỉnh cơ cấu các trường đại học và cao đẳng, cải cách chế độ thi cử và mở rộng quy mô tuyển sinh đại học, như mở rộng giới hạn tuổi thí sinh, tăng số môn thi vào đại học. Hàng năm, TQ vẫn tiến hành xếp hạng cho các trường đại học để từ đó có thể đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Có 3 tiêu chí để đánh giá đó là: khả năng nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nhân tài và danh tiếng của các trường.
Bộ GD TQ đề ra các chế tài, hình phạt nặng để nâng cao chất lượng và công bằng trong thi cử. Chẳng hạn, trước khi thi đại học tất cả các thí sinh phải viết chứng nhận không gian dối trong kỳ thi, cam kết đảm bảo trung thực trong thi cử, nếu có hành vi quay cóp tất cả các bài thi đều nhận điểm "0".
Chế độ thi đại học cũng thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Từ năm 1999 trở đi, các tỉnh của TQ đã xóa bỏ chế độ thi chung một đề, mở rộng phạm vi các tỉnh tự ra đề. Do đó cơ hội vào đại học cũng dễ hơn trước rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là mức độ cạnh tranh đã giảm xuống, ngược lại áp lực của các thí sinh và gia đình vẫn vô cùng nặng nề, mục tiêu của các thí sinh đã được đặt lên rất cao.
Các trường đại học của TQ sẽ đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình cho mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Các tỉnh sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu đó để tuyển sinh.
Như vậy đối với TQ, "tỉ lệ chọi" của một trường đại học không được chia đều như ở Việt Nam mà là được so với số hồ sơ dự thi của tỉnh và địa phương sở tại của thí sinh. Số chỉ tiêu tuyển sinh phân cho các tỉnh, thành là không đều nhau, thông thường các trường đại học vẫn dành sự ưu ái cho các thí sinh ở địa phương mà trường đại học nằm trên địa bàn đó.
Tân Cúc (tổng hợp)



Giáo dục Việt Nam tiếp tục đột phá
Giáo dục và Đào tạo lại một lần nữa được đặt vào bệ phóng, cũng phải thôi bởi vai trò quá ư là quan trọng của nó đối với sự phát triển của đất nước, xã hội và thiết thân nhất với mỗi người.
Nhưng với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, mấy chục năm nay bao nhiêu công, bao nhiêu của đã dồn vào các cuộc cải cách, rút cục cứ luẩn quẩn, cải tiến rồi lại cải lùi... đến nỗi dường như nó đang trở thành một nỗi quan tâm chung, thành "nỗi niềm đau đáu" của xã hội. Không chỉ những bậc trí thức, ngay cả bà bán rau, ông xe ôm rỗi việc ngồi cà kê cũng bàn tới "cải cách giáo dục". Không hiểu sáng mai thức dậy lại "cải" cái gì?!
Có thể nói, đây là lĩnh vực mà mỗi biến động, mỗi cung bậc thăng trầm của nó đều ngay lập tức đụng chạm đến số phận của hàng triệu trẻ em, tới hạnh phúc, hy vọng hay kỳ vọng của hàng triệu gia đình. Đối với mỗi cuộc cải cách giáo dục, người ta lại đặt ra những khâu đột phá mới bởi đây là một vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tác động vào toàn bộ quá trình phát triển của trình độ lao động Việt Nam, từng bước đưa nền giáo dục thoát khỏi trạng thái lạc hậu, trì trệ và quẩn quanh hiện nay.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Phạm Tất Dong, về mặt chiến lược giáo dục đến nay vẫn không rõ. Đã đưa ra nhiều lần nhưng chiến lược không thể hiện được tầm nhìn chiến lược đi đến đâu và từng bước chiến thuật của nó như thế nào, mọi người không hiểu và coi đó như là một bản kế hoạch chứ không phải chiến lược. Làm như vậy không ổn, không giải quyết được vấn đề nhà trường. Bao nhiêu năm đổi mới rồi nhưng chương trình vẫn rất nặng, quá thiên về những vấn đề lý thuyết mà thực hành không có. Càng ngày học sinh của chúng ta càng xa rời dân, xa rời lao động, xa rời nhà máy…cái này mình thua các nước khác. Nếu cứ tiếp tục thực hiện chương trình này thì học sinh ngày càng chỉ học, sẽ hỏng.
"Làm thế nào để "đổi mới" giáo dục nước nhà?" Câu hỏi muôn thưở này lại được đặt ra, là thách thức đặt lên vai những nhà lãnh đạo mới của ngành giáo dục.
Hòa Bình
http://www.tgvn.com.vn