Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

44. Nhân quyền Dầu lửa


Ảnh minh họa
LTS. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/4 vừa công bố bản Báo cáo Nhân quyền năm 2010, đánh giá về tình hình nhân quyền tại 194 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng lại ngoại trừ Mỹ. Thế nhưng, điều đáng chú ý là có phải họ hướng tới một thế giới dân chủ và nhân quyền thực sự hay là đây chỉ là một công cụ để nhắm tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn dầu khí dồi dào ở các quốc gia mà họ phê phán. Phải chăng, thứ nhân quyền đó là “nhân quyền dầu mỏ?”.

"Tấm gương" xấu
Đây là năm thứ 35 liên tiếp chính quyền Washington đưa ra "phán xét" việc thực thi quyền con người của các chính phủ trên toàn cầu bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu bản Báo cáo nhân quyền thường niên của Washington có cả phần đánh giá về nước Mỹ, không rõ những ngôn từ nào sẽ được họ sử dụng để mô tả tình hình nhân quyền của mình. Nhưng những tin tức xuất hiện hàng ngày ngay trên báo chí Mỹ về tình hình tội phạm, giết nguời tràn lan trong xã hội; việc Chính phủ Mỹ giám sát hoạt động mạng Internet, ban hành luật mới về nghe trộm điện thoại hồi tháng 7/2008; các vụ cảnh sát Mỹ lạm quyền và không tôn trọng những quyền cơ bản của 2,3 triệu tù nhân; những vấn đề về xã hội với con số người vô gia cư ngày càng tăng;… đã góp phần vẽ nên bức tranh không mấy tươi đẹp về thực trạng nhân quyền của nước này. Các nước châu Âu cũng thường bị rung động bởi các vụ việc vi phạm nhân quyền: Từ việc phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số trong xã hội, việc cấm sử dụng khăn trùm đầu đối với phụ nữ Hồi giáo tại một số nơi cho đến việc thực hiện các chính sách cải tổ bất hợp lý dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ của giới công nhân viên chức, gây rối loạn xã hội,…
Không chỉ vi phạm nhân quyền trong nước, các nước phương Tây còn đem đến những bất ổn, đau khổ cho người dân nhiều nước khác. Sau khi Mỹ và Đồng minh gây chiến tại Iraq, hiện nay, số lượng người chịu thương vong vì bạo lực tại quốc gia này đã vượt xa giai đoạn những năm cuối cầm quyền của chế độ Saddam Hussein đồng thời gây nên những tác động tâm lý nặng nề, gây hoảng sợ cho người dân Iraq. Hàng vạn dân thường Iraq đã thiệt mạng, hầu hết trong số họ chết do hỏa lực của quân đội Mỹ. Các loại vũ khí bị bày bán tràn lan trong khi số lượng người tham gia các lực lượng dân quân tự do gia tăng nhanh chóng. Các loại tội phạm hình sự như bắt cóc, hiếp dâm, trộm cắp lên đến mức kỷ lục. Số người bị quân Mỹ bắt giam kể từ khi chiến trận nổ ra là hơn 50.000, vượt xa số lượng tù nhân thời Saddam, nhưng chỉ 1,5% trong số đó bị kết tội. Tổ chức Ân xá Quốc tế cùng nhiều tổ chức nhân quyền khác cũng liên tục cáo buộc quân đội Mỹ vi phạm luật nhân đạo quốc tế một cách tràn lan, bao gồm cả việc thực hiện các hình thức tra tấn và ngược đãi tù nhân.
Như vậy, nếu Mỹ và phương Tây tự coi mình là tấm gương về nhân quyền thì có lẽ tấm gương này cần được “lau rửa” lại kỹ càng hơn nữa.
Tiêu chuẩn kép
Mức độ chú ý của phương Tây đối với thành tích dân chủ, nhân quyền của một nước thường liên quan mật thiết đến tầm quan trọng chiến lược của nước đó: Một chế độ đồng minh với phương Tây với tầm quan trọng chiến lược càng lớn thì càng ít bị phương Tây chỉ trích về mặt nhân quyền.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển cố tình phớt lờ tình trạng vi phạm nhân quyền tạị một số nước Ả-rập đồng minh vì tầm quan trọng về mặt kinh tế của các vương quốc dầu mỏ này. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, bất chấp một loạt các hành động vi phạm nhân quyền như: bắt giữ tùy tiện, tra tấn, xét xử không công bằng và sử dụng các biện pháp trừng phạt tàn bạo, các nước Ả-rập trên vẫn chưa hề bị Washington cùng các Đồng minh áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền như họ đã áp dụng với Trung Quốc, Myanmar, Sudan hay nhiều nước khác. Và cho dù có lên tiếng chỉ trích những nước trên về nhân quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn luôn sử dụng những lời lẽ hết sức ôn hòa, đồng thời những chính sách ngoại giao mà Washington áp dụng trên thực tế với các nước đó cũng không bị ảnh hưởng mấy bởi các nhận xét về nhân quyền nói trên.
Tại Trung Đông cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, chính quyền các nước phương Tây có xu hướng giảm nhẹ những lời lẽ chỉ trích các nước đồng minh trong lĩnh vực nhân quyền và thổi phồng các vụ việc vi phạm nhân quyền của các nước đối thủ. Việc áp dụng tiêu chuẩn kép như trên một lần nữa cho thấy tính chất thiếu khách quan của các báo cáo, đánh giá về nhân quyền do các nước phương Tây thực hiện.
Nhân quyền mở cửa cho cái gì?
Theo tính toán của Chính quyền Mỹ, lượng dầu tiêu thụ của nước này dự kiến sẽ tăng 1/3 trong vòng hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Nhà Trắng đang huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm thêm các mỏ dầu trong nước, thậm chí còn lên kế hoạch mở cửa Khu bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Quốc gia tại vùng Bắc Cực cho ngành công nghiệp Dầu khí nước mình vào khai thác. Tuy vậy, theo tính toán của Chính quyền trong bản Báo cáo của Tổ chức Phát triển chính sách Năng lượng quốc gia (tổ chức do cựu Phó Tổng thống Dick Cheney đứng đầu) vào tháng 5/2001, mức sản xuất dầu của Mỹ sẽ giảm 12% trong vòng 20 năm đầu thế kỷ 21. Như vậy, mức độ phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu nhập khẩu sẽ tăng lên nhanh chóng, từ mức 1/3 vào năm 1985 đến hơn một nửa hiện nay và sẽ lên đến mức 2/3 vào năm 2020.
Kể từ thập niên 1970, Hoa Kỳ đã có những nỗ lực đáng kể nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng cho họ, sự quan tâm của Washington đã vượt ra ngoài phạm vị các nước OPEC và Trung Đông và hướng đến các khu vực khác trên thế giới như vùng biển Caspi, các nước châu Phi như Nigieria, Chad, Angola, các nước tại Tây Bán Cầu như Canada, Mexico, Venezuela hay các khu vực ngoài khơi Đại Tây Dương,…
Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là Trung Đông - mà đặc biệt là khu vực vùng Vịnh - vẫn sẽ là nguồn cung dầu khí hàng đầu của Hoa Kỳ cũng như của nhiều nước khác trên thế giới trong tương lai. Bản Báo cáo của Tổ chức Phát triển chính sách Năng lượng quốc gia Mỹ năm 2001 đã thừa nhận rằng "Dù có tính toán thế nào, khu vực Trung Đông vẫn là trọng tâm của nền an ninh dầu mỏ thế giới." Khu vực này hiện chiếm 30% sản lượng và hơn 40% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu. Với nguồn tài nguyên dầu mỏ chiếm khoảng 65% tổng trữ lượng được biết đến nay trên toàn thế giới, đây là khu vực duy nhất có thể thỏa mãn được mức độ tiêu thụ đang tăng nhanh trên toàn cầu. Cũng theo bản báo cáo của Tổ chức Phát triển chính sách Năng lượng quốc gia Mỹ, các nước xuất khẩu dầu tại vùng Vịnh sẽ cung cấp 54 - 67% lượng dầu xuất khẩu của thế giới vào năm 2020.
Với cơn khát dầu lửa đang lên đến cao trào như vậy và vị trí quan trọng chiến lược về mặt năng lượng của vùng Trung Đông, dĩ nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ chẳng ngại ngần chớp lấy mọi thời cơ và lý do có được để thu phục các chính quyền bất quy phục họ trong khu vực này, một trong những lý do mà họ có được là nhân quyền. Sau khi cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 kết thúc, khi những lý do mà Hoa Kỳ đưa ra trước đó làm căn cứ để tấn công Iraq - gồm những cáo buộc về mối quan hệ giữa Saddam Hussein với Al Qaeda và việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt của chính quyền Baghdad - bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, Washington bắt đầu chuyển hướng sang việc nhấn mạnh đến bản chất tàn bạo của chế độ Saddam Hussein và sự cần thiết phải "xuất khẩu" nền dân chủ sang đất nước Trung Đông này.
Có một điểm đáng chú ý là khi Hoa Kỳ đưa quân tới Iraq vào năm 2003, mức độ hà khắc của chế độ Saddam chẳng là gì so với hồi thập niên 1980, trớ trêu thay, khi đó, chính Mỹ đã không chỉ từ chối kêu gọi lật đổ Saddam Hussein mà còn cung cấp cho chính quyền này các khoản hỗ trợ về kinh tế và quân sự để phục vụ cho bộ máy hà khắc đó. Khi Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học thảm sát sắc dân thiểu số người Kurd ở Halabja, chính quyền Washington thậm chí còn giúp Baghdad che đậy hành động trên bằng cách đổ lỗi cho chính quyền Iran - kẻ thù của Mỹ trong khu vực.
Việc Washington thay đổi 180o lập trường của mình về vấn đề nhân quyền của chính quyền Baghdad cốt yếu chỉ để nhằm phục vụ mục tiêu chính là loại bỏ được Saddam Hussein và thay thế vào đó là một chính quyền thân Mỹ, giúp Mỹ có lợi thế trong việc khai thác các nguồn tài nguyên của đất nước này, đặc biệt là dầu mỏ - dòng máu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhân quyền, dân chủ lúc đó chính là cánh cửa giúp nước Mỹ giải thoát khỏi nhiều sự bế tắc, một trong số đó là bế tắc về năng lượng.
Tất nhiên, về mặt chính thức, chính quyền Mỹ luôn một mực bác bỏ lý do tấn công Iraq của họ là vì nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú của nước này. Nhưng trên thực tế, ngay từ trước khi Chiến tranh Iraq nổ ra, các công ty dầu khí của Mỹ đã tiến hành các cuộc họp kín với các nhà lãnh đạo đối lập Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Vào thời điểm đó, Ahmed Chalabi - lãnh đạo Tổ chức Đại hội Quốc gia Iraq đã phát biểu: "Chính phủ dân chủ tương lai của Iraq sẽ rất vui mừng trước việc Hoa Kỳ đã giúp đỡ nhân dân Iraq thoát khỏi chế độ Saddam Hussein" và "Chúng tôi cho rằng các công ty Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng hàng đầu đối với nền công nghiệp dầu mỏ của Iraq trong tương lai."
Và cái tương lai mà ông Chalabi nói đến khi đó có lẽ đã thực sự hiện hữu: Tháng 2/2007, nội các chính phủ của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã thông qua bản dự thảo Đạo luật dầu mỏ mới của Iraq. Chính phủ Baghdad mô tả đạo luật này như một "kế hoạch quốc gia chính yếu" nhưng sự thực là đạo luật đó đã được soạn thảo bởi một công ty tư vấn của Mỹ do chính quyền của Cựu Tổng thống Bush thuê, sau đó được chỉnh sửa nội dung bởi Tập đoàn Dầu khí Big Oil - Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới do cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz đứng đầu và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ. Như vậy, rõ ràng đây là một đạo luật của Mỹ chứ không phải của Iraq. Trớ trêu hơn nữa, công luận Iraq chưa hề được biết đến sự thực này trong khi những thay đổi quan trọng về mặt luật pháp liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ của nước này phải được dân chúng thông qua qua các cuộc trưng cầu dân ý. Chủ quyền của Iraq, ít nhất là về mặt năng lượng đang nằm trong tay người Mỹ, chiêu bài nhân quyền của Hoa Kỳ trong trường hợp này đã phát huy tác dụng khá tốt.
Giáo sư Noam Chomsky, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Mỹ, đã từng nhận xét: "Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bị chi phối bởi ước vọng tàn nhẫn là kiểm soát được nguồn dầu lửa tại Trung Đông, bảo vệ những lợi ích chiến lược của họ và bảo đảm cho những dòng vốn đầu tư của họ được tự do lưu thông". Với Chomsky, việc quảng bá dân chủ chỉ là câu chuyện "của các nhà tư tưởng và tuyên truyền" chứ chẳng phải là việc của các chính trị gia, nền dân chủ và thành tích nhân quyền chỉ được ủng hộ chỉ khi nào nó phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ mà thôi.
Trung Nguyên

Mô hình "Can thiệp nóng"
Thực tế cho thấy từ những gì diễn ra ở Trung Đông - Bắc Phi, đặc biệt là cuộc chiến tại Libya, thì sự can thiệp dù với lý do gì và mục đích là gì thì cũng sẽ kích hoạt sự đầu tư vào nguồn lực quốc phòng của các nước, trong bối cảnh cạnh tranh lợi ích quốc tế và khu vực ngày càng gia tăng…
Thông qua các diễn biến tại Trung Đông, Bắc Phi các nhà bình luận quân sự cho rằng có thể có hai mô hình can thiệp vào nội bộ nước khác dưới danh nghĩa cộng đồng quốc tế:
Một là, "can thiệp mềm": cộng đồng quốc tế lên tiếng, gây sức ép với chính phủ sở tại phải cải tổ chính trị hoặc từ chức nhằm đáp ứng đòi hỏi của người dân trong các cuộc biểu tình hòa bình. Hình thức can thiệp này đã được thể hiện qua các cuộc cách mạng trước đó như "cách mạng màu", "cách mạng nhung", "cách mạng hoa nhài". Loại hình can thiệp này cho đến nay đang là phổ biến và được xem là kịch bản tốt nhất cho các nước trong tiến trình quá độ dân chủ.
Hai là, "can thiệp nóng": nếu gây sức ép không được thì cộng đồng quốc tế phải can thiệp nóng theo luận điểm "trách nhiệm bảo vệ" để buộc chính phủ sở tại từ chức theo đòi hỏi của người dân (Libya, Bờ Biển Ngà). Loại hình can thiệp này hiện đã được phát triển với biên độ pháp lý rộng và có thể thực hiện dưới hai giác độ:
(1) Trên cơ sở đề nghị của người dân (không phải chính phủ hợp hiến)
(2) Thông qua đề nghị và vai trò của các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế, trên danh nghĩa, trường hợp này chỉ hỗ trợ đáp ứng những đề nghị trên. Tác động của mô hình can thiệp này rất lớn khi nó trao cho các nước khác, thông qua LHQ, quyền được phán xét tính hợp hiến hay không hợp hiến của một chính phủ sở tại và quyền được can thiệp để lật đổ chính phủ đó vì lý do nhân đạo, bảo vệ thường dân, dân chủ, nhân quyền…
Nội dung cơ bản của "trách nhiệm bảo vệ" là cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải bảo vệ dân thường trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, nội chiến… nếu chính quyền sở tại không đáp ứng được.
Thế nhưng, "trách nhiệm bảo vệ" ở Libya hiện nay rõ ràng đã tạo ra một khung pháp lý cho một số nước lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Sự can thiệp này có thể khuyến khích các hoạt động chống đối, đối lập, thậm chí li khai dưới danh nghĩa sắc tộc, tôn giáo, lợi ích chính trị, kinh tế… tại nhiều nước và khu vực, đặc biệt tại những khu vực cạnh tranh ảnh hưởng bởi các cường quốc bên ngoài như Trung Đông, châu Phi, Trung Á và có thể ở một vài nơi khác…
Ngoài ra, xu thế này buộc các chính phủ sở tại phải điều chỉnh cách thức cai trị theo hướng đảm bảo phân chia cân bằng của cải xã hội và đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra tâm lý bất an cho các chính quyền sở tại trong nỗ lực duy trì ổn định chính trị xã hội và phát triển, đặc biệt tại các nước tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ nội chiến vì các vấn đề trên.
Đồng thời, diễn biến ở Libya cũng có thể tạo ra một làn sóng mới trong việc nâng cấp, hiện đại hóa quốc phòng, thậm chí chạy đua vũ trang tại các nước đang và chậm phát triển nhằm đối phó với sự can thiệp từ bên ngoài. Thực tế này chỉ có lợi cho những nước sản xuất, buôn bán vũ khí và buộc những nước khác phụ thuộc hơn vào họ trong các vấn đề liên quan đến ổn định và phát triển. Hệ thống an ninh-quốc phòng của mỗi nước sẽ ngày càng bị chi phối bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn khi họ đã tạo được công cụ pháp lý cho các hành động can thiệp của mình.
Nguyễn Nhâm



Dầu mỏ không phải là một ân huệ
Nhờ dầu mỏ mà các nước như Oman và Brunei đã đi từ nghèo khó đến phồn vinh chỉ sau một thế hệ. Dầu biển Bắc là bệ phóng cho hệ thống phúc lợi xã hội của Anh và Na Uy. Dầu mỏ bôi trơn các loại động cơ trên khắp thế giới và là một thành phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta…
Thế nhưng, thứ tài nguyên quý giá này lại bị Bộ trường Dầu lửa Venezuela hồi đầu những năm 60 và là một trong những người sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Juan Pablo Pérez Alfonzo gọi là "phân của lũ quỷ". Nhiều nhà kinh tế lẫn các nhà chính trị học đã chứng minh rằng từ những năm 1960 đến 1990, các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên lại đạt được sự tăng trưởng cao hơn từ 2 đến 3 lần những nước có nguồn tài nguyên dồi dào. Còn theo báo Pháp Le Monde, một nửa số người nghèo trên trái đất sống tại những nước giàu dầu mỏ.
Đáng chú ý, dầu mỏ lại là nhân tố gây ra nạn tham nhũng tràn lan, đốt lên những ngọn lửa căng thẳng sắc tộc, thậm chí dẫn đến các cuộc nội chiến. Ông Michael Ross, Giáo sư chính trị học tại Trường đại học Caliornia ở Los Angeles, cho rằng các quốc gia sản xuất dầu mỏ ngày càng trở thành nạn nhân của nội chiến. Theo ông Michael, trong số các nội chiến đang diễn ra, có 1/3 xảy ra tại các nước giàu dầu mỏ.
Khi những thùng dầu đầu tiên được bơm lên vào cuối thập niên 1950, Nigeria đồng thời bước vào một quá trình lan tràn tham nhũng. Theo Ủy ban Chống tham nhũng của Chính phủ Nigeria, từ khi giành độc lập năm 1960-1999, giới cầm quyền nước này đã biển thủ hơn 400 tỉ USD từ tiền bán dầu - bằng tổng viện trợ nước ngoài đổ vào châu Phi trong cùng thời kỳ. Nigeria là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng 2/3 dân số nước này vẫn nghèo khổ, 1/3 thất học, 40% không có nước sạch và điện. Cái giá về môi trường cũng đáng kể: trong 50 năm qua đã có 1,5 triệu tấn dầu tràn ra biển và khu vực đồng bằng Niger trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới. Hay như tại Angola, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi, ân sủng của dầu mỏ cũng không đến được người dân. 70% dân chúng nước này vẫn sống dưới mức nghèo khó và nỗi lo thất nghiệp khi đa số công việc trong ngành khai thác và lọc dầu - hoạt động kinh tế chính - đều năm trong tay người nước ngoài.
Tiến Minh\
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/6/FA4E665848D95B34/