Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

55. Kết nối Đông Á

LTS. Không giống như ý tưởng hợp nhất châu Âu thành một liên minh nặng tính khu vực để hướng tầm nhìn vào tương lai sau Thế chiến II, ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 và trở nên rõ ràng hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Liên kết và đẩy mạnh kết nối khu vực là một xu thế tất yếu, tuy nhiên, để có một kết nối mang tính toàn diện, đòi hỏi tất cả các quốc gia trong khu vực nhiều nỗ lực và thiện chí. TG&VN xin dành chùm Bài chủ lần này để giới thiệu về thực trạng và triển vọng của mối liên kết Đông Á.


Từ ý tưởng đến hiện thực
Ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á đã được nhen nhóm ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bùng phát từ Thái Lan năm 1997. Kể từ đó, quá trình hình thành các liên kết trên nhiều lĩnh vực giữa các nước Đông Á được triển khai và dần dần hoàn thiện. “Công đầu” trong việc hình thành và kết nối khối Cộng đồng Đông Á thuộc về 10 nước ASEAN. Sau đó ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự và phát triển thành ASEAN+3. Gần đây, tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nhấn mạnh đến việc phát triển Cộng đồng thành “10+6”, nghĩa là thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand và có thể, cả Mỹ nữa. Còn Thủ tướng Australia Kevin Rudd mới đây cũng đưa ra sáng kiến thành lập Cộng đồng Châu Á Thái Bình Dương bao gồm cả Mỹ và Australia và các nước Đông Á. Sự mở rộng dự kiến ASEAN+3 thành ASEAN 3+3, hay ASEAN+6 vẫn còn đang bàn thảo chưa đi đến hồi kết bởi Australia và New Zealand về mặt địa lý không thuộc Đông Á, còn Ấn Độ thuộc châu Á và có vai trò lớn trong khu vực nhưng cũng không thể được gọi là một nước Đông Á. Như vậy, khối Cộng đồng Đông Á từ 10 nước ban đầu tiến đến 13 nước rồi có thể phát triển đến 16 nước hoặc nhiều hơn đã chứng tỏ một điều Khối này thực sự cần có những liên kết mạnh mẽ hơn nữa để thích ứng và đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra và những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện trong Khối.
Mặc dù có nhiều bước đi về việc thành lập một cộng đồng như vậy, một số nhà phân tích cho rằng tiến trình liên kết Đông Á sẽ phức tạp hơn và lâu dài hơn so với EU bởi trong bối cảnh hiện nay, khu vực sẽ gặp phải những vấn đề như: sự khác biệt về chế độ xã hội và ý thức hệ, một số nước còn tồn tại mâu thuẫn tầng sâu trong vấn đề khai thác năng lượng tại khu vực biển Hoa Đông và tranh chấp lãnh thổ giữa ba nước Trung - Nhật – Hàn cũng như vấn đề Biển Đông giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc… Bên cạnh đó, để trả lời cho một loạt câu hỏi như: Cơ sở chính trị của liên kết Đông Á là gì? Nội dung và lĩnh vực liên kết là gì? Ai giữ vai trò chủ đạo và bao gồm những nước nào?... vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng. Nếu coi khu vực Đông Á như là một đội bóng đá, thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn là những cầu thủ trụ cột mặc dù có thể có các cầu thủ “ngoại” như Mỹ, Ấn Độ. Nhưng trụ cột chưa hẳn đã cùng một ý nghĩ.
Ý tưởng hình thành Cộng đồng Đông Á và những kết nối mang tính toàn diện vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nhiều việc có thể sẽ dẫn đến va chạm, vì vậy, đòi hỏi “đội bóng Đông Á” với các kết nối toàn diện phải cần thêm nỗ lực và thời gian nhất định. Tuy nhiên, ý tưởng kết nối khu vực không phải là toàn màu xám mà còn có rất nhiều thuận lợi như xu thế liên kết là một xu thế tất yếu, liên kết khu vực sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn, ngoài ra, vấn đề địa lý cũng là một sự khuyến khích không nhỏ bởi tuy không phải tất cả các quốc gia trong khu vực đều chung biên giới trên bộ và trên biển với nhau, nhưng SEAN+3 hoặc thậm chí ASEAN+6 lại có liên quan chặt chẽ với nhau thông qua các tuyến đường giao thông huyết mạch trên biển.
Liên kết kinh tế thương mại
Nếu như ở nhiều lĩnh vực khác, do đặc điểm văn hóa, tôn giáo và những tồn tại mang tính lịch sử làm cho sự kết nối trong khu vực Đông Á chưa thể toàn diện, cần có thêm thời gian và nhiều nỗ lực hơn nữa thì trong lĩnh vực kinh tế, triển vọng kết nối là rất sáng sủa. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho các quốc gia Tây Âu và Mỹ lao đao và không thể rảnh tay để hỗ trợ ra bên ngoài và làm cho các nước Đông Á nhận thấy rằng họ phải tự cứu lấy mình chứ không thể chờ đợi như ở cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Các nước ASEAN hiện đang cố gắng tạo ra những sợi dây liên kết với các đối tác mạnh trong khu vực.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 4, các nhà lãnh đạo ASEAN+6 đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hạ tầng giao thông để đi đến thành lập Đối tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA). Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác khu vực để đối phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Hiện tại ASEAN đã hoàn tất các Hiệp định Khu vực Tự do Thương mại trong nội khối (AFTA) và đã ký kết các hiệp định kiểu này với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. ASEAN cũng đã cùng với Australia và New Zealand ký Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZ FTA). Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của ASEAN với Australia và New Zealand đã tăng từ 41 tỉ USD năm 2006 lên 47,8 tỉ USD năm 2008. Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc năm 2008 là 90,2 tỉ USD và dự kiến tăng lên 150 tỉ USD vào năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa ASEAN với Ấn Độ dự báo sẽ tăng từ 48 tỉ USD năm 2008 lên 60 tỉ USD năm 2010. Còn với Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN đã tăng từ 231,12 tỉ USD năm 2008 và dự kiến đến năm 2010, sẽ đạt 1.200 tỉ USD, trở thành khu vực FTA có mức kim ngạch buôn bán lớn thứ ba thế giới sau Bắc Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh thương mại, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường, các kết nối trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng được chú trọng ở khu vực. Hiện tại tuyến đường bộ, đường sắt Xuyên Á nối từ Singapore, qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc đang dần đến giai đoạn kết nối cuối cùng. Các tuyến hàng không cũng đã được nối liền trong các nước khu vực Đông Á. Ngoài biển khơi, các chuyến tàu tấp nập như mắc cửi giữa Việt Nam – Singapore – Philippines… tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng giao thông thì như vậy và trước nhu cầu về an ninh năng lượng cho khu vực, có thể làm xuất hiện ý tưởng cần phải xây dựng một đường ống dẫn khí đốt và dẫn dầu liên khu vực như kiểu đường ống xuyên Trung Á của Trung Quốc và đường ống xuyên Seberi của Nga… Đó có thể là một kế hoạch thiếu tính hiện thực ngay bây giờ, nhưng cũng là một ý tưởng đã được nhiều nước trong cộng đồng Đông Á quan tâm.
Trong chuỗi liên kết khu vực, Việt Nam là một trong những thành viên quan trọng của ASEAN nói riêng và cộng đồng kinh tế Đông Á nói chung. Là một trong 4 thành viên kém phát triển (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của sự tăng cường liên kết kinh tế Đông Á. Với hệ thống chính trị ổn định, chính sách kinh tế mở, tăng trưởng nhanh, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút các nhà đầu tư thế giới. Việt Nam đã tham gia mạng lưới sản xuất khu vực Đông Á nhưng mới ở giai đoạn đầu, chuỗi liên kết trong giá trị toàn cầu còn yếu. Theo ông Daisuke H – Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu phát triển JETRO, Việt Nam cần giảm bớt chi phí kết nối dịch vụ để kết nối các khối sản xuất riêng rẽ. Chi phí kết nối dịch vụ có thể được giảm bớt bằng cách xóa bỏ thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt trong thủ tục hải quan, thuận lợi hóa và phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần. Đối với Việt Nam, khối ASEAN mạnh sẽ vô cùng quan trọng trong việc thiết lập cơ sở cho sự liên kết khu vực và với nền kinh tế thế giới.
Cần thời gian
Triển vọng kinh tế của Đông Á rất sáng sủa và có rất nhiều cơ hội phát triển cho toàn khu vực. Tuy nhiên, cách tiếp cận và khả năng nắm bắt những cơ hội và thách thức giữa các quốc gia là hoàn toàn khác nhau xét theo quy mô, bản chất, mức độ khó dễ và khả năng thực hiện. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng, các nước kém phát triển hơn thường bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình liên kết và các nước này đang cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển và liên kết kinh tế khu vực Đông Á. Sự liên kết chặt chẽ trong khu vực phải được coi là mục tiêu quan trọng nhất đối với mọi quốc gia. Lãnh đạo các nước Đông Á phải có cùng nguyện vọng chính trị đi tới một Cộng đồng kinh tế Đông Á.
Trong quá trình hướng tới Cộng đồng Đông Á, để giảm bớt những tác động quá mạnh do sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc thì vai trò của Nhật Bản được xem là rất quan trọng. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là nước phát triển nhất châu Á, có năng lực lãnh đạo nhất thể hóa khu vực Đông Á, có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đông Á thông qua việc thay đổi vị trí ngành nghề. Việc chuyển giao công nghệ, bí quyết quản lý, kinh doanh và hợp tác tri thức của Nhật Bản sẽ giúp các nước ASEAN tăng khả năng cạnh tranh. Những đóng góp của Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư và sản xuất và của Trung Quốc trong lĩnh vực thị trường và thương mại sẽ tạo động lực duy trì sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á. Cùng với sự hợp tác ASEAN +1 và những bước tiến không ngừng trong quan hệ hợp tác giữa ba nước Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc, triển vọng hình thành Cộng đồng kinh tế Đông Á không phải một sớm một chiều, nhưng trong tương lai thì rất có thể.
Lâm Khải
Dư luận báo chí việt namĐông Á... và hơn cả thế nữa
Trong lĩnh vực chính trị, một trong những minh chứng về kết quả của hợp tác Đông Á là đề xuất của Đông Á mở rộng ASEM được đưa ra ở Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội (tháng 10 - 2004). Hợp tác chính trị cũng góp phần xây dựng lòng tin giữa các quốc gia Đông Á.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế Đông Á đã làm cho khu vực này hiện trở thành một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất trên thế giới. Nếu các nền kinh tế Đông Á được kết nối với nhau thông qua một hiệp định tự do hoá thương mại như đề nghị của EAVG và EASG, sức mạnh kinh tế của khu vực này sẽ còn tăng lên gấp bội. Tiếng nói của các nước Đông Á sẽ có trọng lượng hơn tại các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế.
Hợp tác Khu vực không chỉ góp phần vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực cũng như vào sự phát triển của mỗi đối tác thành viên mà còn nuôi dưỡng những tình cảm khu vực giữa các dân tộc vốn có sự khác biệt về văn hoá, chế độ chính trị, trình độ phát triển và các mục tiêu quốc gia. Cùng với thời gian, những tình cảm khu vực này sẽ phát triển để trở thành ý thức về khu vực và một chủ nghĩa khu vực được tất cả các dân tộc tại đây cùng chia sẻ.
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tuy nhiên, con đường tiến tới cộng đồng Đông Á còn gập ghềnh bởi xét về nhiều khía cạnh, việc hình thành cộng đồng phải dựa vào sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan, chứ không phải chỉ xuất phát từ ba quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Báo Đảng cộng sản Việt Nam điện tử
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama có lẽ là người hào hứng nhất với tiến trình hợp tác và hội nhập Đông Á. Ngay sau khi nhậm chức gần đây, và trước Hội nghị Thượng đỉnh tại Thái Lan, Thủ tướng Hatoyama đã thảo luận chủ đề này với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại nhiều cuộc gặp gỡ song phương và đa phương. Nhưng kế hoạch của Thủ tướng Hatoyama chỉ có thể biến thành hiện thực nếu Nhật Bản bảo đảm được sự cân bằng trong mối quan hệ với ASEAN, quan hệ tay ba với Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như quan hệ song phương với Mỹ.
Về lâu dài, chưa ai biết được hình dáng của cộng đồng khu vực này sẽ ra sao vì nhiều thách thức đang còn ở phía trước. Nhật Bản và Australia bất đồng ý kiến chung quanh vấn đề quy mô của Cộng đồng Đông Á, chỉ bao gồm ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) theo đề xuất của Nhật; hay ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand) và có thể mở rộng để bao gồm một số thành viên APEC như đề xuất của Australia. Tại hội nghị này, Trung Quốc không nói nhiều về cơ cấu Cộng đồng Đông Á mà tập trung vào mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN.
Tại hội nghị cấp cao cuối tuần qua, Thủ tướng Australia Kevin Rudd nhấn mạnh rằng, mọi sự hợp tác khu vực đều cần phải bao gồm cả Washington. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á không muốn nêu tên nhận xét với hãng tin AFP: “Vài quốc gia muốn Mỹ trở thành một thành viên của cộng đồng tương lai như là một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc”. GS. Chaiwat Khamchoo của Đại học Chualalongkorn ở Bangkok nhận định: “Dù muốn hay không tôi nghĩ chúng ta cũng không tránh được vai trò của Mỹ bởi vì Mỹ là nước lớn có sức mạnh cả kinh tế lẫn an ninh. Một số quốc gia Đông Á vẫn nghi ngờ lẫn nhau nên muốn Mỹ có một vai trò”.
Theo AFP, một cường quốc khác là Nga cũng đã nộp đơn gia nhập Cộng đồng Đông Á và đã tham dự các cuộc họp cấp cao cuối tuần qua với ASEAN+6. Những động thái như vậy cho thấy con đường tương lai của Cộng đồng Đông Á sẽ có nhiều thay đổi bất ngờ và thú vị, có ảnh hưởng tới con đường của từng nước trong khu vực.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 30/10/2009
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2009/12/A29246E1F602CEF9/