Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

1. Khái quát lịch sử phát triển tư tưởng Địa chính trị


Địa- chính trị là một môn khoa học đã có ngay từ khi có sự xuất hiện các nhà nước quốc gia- dân tộc. Tuy nhiên, cũng còn không ít những quan điểm sai trái do các lực lượng chính trị phản động lợi dụng để phục vụ cho các tư tưởng dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phát xít..., nhất là trong 2 cuộc Đại chiến thế giới. Do vậy trong một thời gian dài, khoa học địa- chính trị đã bị lãng quên, phải đến thập kỷ 60 trở lại đây, bộ môn khoa học này mới bắt đầu được chú ý trở lại và dần dần phát triển phù hợp với các xu thế mới của thế giới.
Địa- chính trị là khoa học nghiên cứu về mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố địa lý và chính trị. Mục đích của nó là nhằm luận giải các quan hệ quốc tế dựa trên các yếu tố địa lý, tức là nghiên cứu các thực thể, quá trình, xu hướng cũng như sự phân bố quyền lực chính trị trên phạm vi địa lý và trong thời điểm lịch sử cụ thể.
 Trong những năm gần đây, khái niệm "địa- chính trị" thường được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Đó là vì quá trình nghiên cứu về chính trị thế giới hiện nay vẫn dựa trên việc phân tích tình hình ở các khu vực, các quốc gia. Việc xác định các nước láng giềng, các khu vực có vị trí trọng yếu với những ý đồ và chiến lược có thể là đối tác quan hệ hoặc là đối tượng đấu tranh ... luôn là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia trong thời đại hiện nay. Từ đó các nước có thể tiến hành việc hoạch định chiến lược đối ngoại của mình sao cho phù hợp với tình hình thế giới và khu vực, để phục vụ kịp thời mục tiêu phát triển đất nước. Trong điều kiện thế giới đang có nhiều diễn biến sâu sắc và phức tạp như hiện nay, vai trò của địa- chính trị với tư cách là một khoa học tiếp cận, nghiên cứu quan hệ quốc tế sẽ ngày càng được chú ý và coi trọng.
Tư tưởng về địa- chính trị đã có từ rất lâu đời, ngay khi có sự xuất hiện các nhà nước quốc gia- dân tộc. Nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XIX, địa- chính trị mới trở thành một khoa học độc lập. Có thể chia quá trình phát triển tư tưởng địa- chính trị thành các giai đoạn chủ yếu sau:
 1. Giai đoạn từ thế kỷ XIX đến chiến tranh thế giới thứ nhất.
Người được coi là cha đẻ của địa- chính trị học là một lý thuyết gia người Mỹ- ông Alfred Theyer Mahan (1840- 1914). Khái niệm cơ bản được ông sử dụng là " các vùng biển và quyền lực quốc gia ". Tác phẩm được coi là kinh điển của địa- chính trị học có tên gọi "Sự ảnh hưởng của quyền lực hàng hải đối với lịch sử" được Mahan viết năm 1890. Trong cuốn sách này, Mahan một mặt phân tích tác động của việc kiểm soát các vùng biển, lãnh hải (nhất là các vùng hẹp) đối với đường giao thông biển của các quốc gia; mặt khác ông cũng nghiên cứu về sự lớn mạnh của đế chế Anh với tư cách là một quốc gia hải đảo. Từ đó, ông đi đến kết luận: Việc kiểm soát quyền lực trên biển là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với quyền lực quốc gia, những quốc gia có lối vào trên biển dễ trở thành cường quốc hơn các quốc gia trên bộ. Có thể nói, tư tưởng này của Mahan có ảnh hưởng rất lớn đối với các lý thuyết địa- chính trị sau này.
Năm 1899, Rudolph Kjellen- nhà địa lý học Thuỵ Điển là người đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ "địa- chính trị". Năm 1905, Kjellen sử dụng thuật ngữ này nhằm biểu thị "khoa học của một quốc gia với tư cách là một vùng trong không gian". Quan niệm này của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng địa- chính trị của Friedrich Ratzel (người Đức). Kjellen quan niệm quốc gia như một cơ thể sống và có một quyết tâm sống mãnh liệt. Năm 1917, Kjellen đã nêu lên định nghĩa về địa - chính trị: Đó là khoa học coi quốc gia là một tổ chức về mặt địa lý hay là một hiện tượng trong không gian. "Tổ chức" này bị ràng buộc với cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc để có được các nguồn lực cần thiết cho sự sống, trong đó lãnh thổ là cái quan trọng nhất.
Người có sự mô tả rõ ràng và tương đối phong phú về thế giới dưới góc độ địa - chính trị là nhà địa lý học người Anh - Sir Halford Mackinder (1861-1947). Ông đã nêu ra tư tưởng về "trục quay địa lý của lịch sử". Ông cho rằng, trái đất là một hệ thống đóng, trong đó sự thay đổi trên một bộ phận của hệ thống này sẽ làm thay đổi sự cân bằng của các mối quan hệ trên tất cả các phần còn lại. Mackinder rất quan tâm tới sự chi phối về mặt địa lý, đặc biệt là quyền lực của đất và quyền lực của nước (biển và đại dương). Đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Mackinder đưa ra học thuyết "Vùng đất trung tâm", trong đó ông đã nhìn thấy mối quan hệ giữa 3 yếu tố địa lý- kỹ thuật- chính trị của một quốc gia, sự phát triển của 3 yếu tố ấy sẽ đem lại quyền lực trên đất liền chứ không phải trên biển như Mahan quan niệm. Mackinder đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng: Ai chiếm được vùng Đông Âu thì sẽ chiếm được vùng đất trung tâm (hàm ý nói về nước Nga); ai nắm được vùng đất trung tâm sẽ chỉ huy được hòn đảo của thế giới (đại lục á- Âu); ai nắm được hòn đảo của thế giới sẽ chi phối được cả thế giới. Quan điểm của Mackinder đã rất được ưa chuộng trong giới khoa học chính trị phương Tây thời đó.
2. Giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, trung tâm nghiên cứu về địa- chính trị đã chuyển sang nước Đức, hình thành nên một trường phái địa chính trị mới do Karl Haushofer đứng đầu. Tư tưởng cơ bản của trường phái này nhằm đưa nước Đức trở lại với vị trí quyền lực trong đời sống quan hệ quốc tế sau thất bại nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Quan điểm địa - chính trị của người Đức thời kỳ này đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu về không gian lãnh thổ của một quốc gia.
Từ năm 1924, Haushofer đã sáng lập ra tạp chí chuyên ngành về địa - chính trị với tên gọi "Zeitschirift Fiir Geopolitik", trong đó đăng nhiều bài bào chữa và khuyếch trương cho chính sách dân tộc cực đoan, cũng như hành động xâm chiếm lãnh thổ đầy tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức. Ông ta đã đưa ra khái niệm "không gian sinh tồn" quốc gia và nhìn thế giới dưới góc độ có một vùng đất trung tâm (nước Đức) và các khu vực liên quan. Từ đó, ông ta cho rằng nước Đức là một tổ chức quan trọng sống còn được thiên phú cho cái quyền tự nhiên đi bành trướng xâm lược, thống trị các dân tộc khác. Có thể nói, lý thuyết địa - chính trị của Haushofer lúc ấy đã trở thành nền móng về mặt tri thức và là công cụ tuyên truyền cho cuộc chiến tranh xâm lược thế giới của nước Đức quốc xã.
Năm 1921, Isaiah Bowman - một lý thuyết gia về địa - chính trị người Mỹ và là kiến trúc sư của sự phân chia lãnh thổ trong Hội nghị Versailles sau chiến tranh thế giới thứ nhất - đã cho xuất bản cuốn sách "Thế giới mới - các vấn đề trong địa - chính trị". Trong đó, thế giới được nhìn nhận như là một thực thể thống nhất; đồng thời Bowman phân tích, đánh giá tình hình thế giới sau chiến tranh với nhiều lợi thế thuộc về Mỹ. Cuốn sách đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các chính trị gia, đến năm 1928 được tái bản đến lần thứ tư và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong thời kỳ đó.
Tóm lại, trong suốt một thời kỳ lịch sử dài, các nhà địa - chính trị học trên thế giới đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa các yếu tố địa lý và chính trị, cố gắng phân tích và luận giải vai trò của địa - chính trị trong nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, cũng còn không ít các quan điểm sai trái và bị các lực lượng chính trị phản động lợi dụng để phục vụ cho các tư tưởng dân tộc cực đoan, phát xít v.v....
3. Giai đoạn từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Sự vận động thăng trầm của địa - chính trị học sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc là một nét đặc thù của đời sống khoa học chính trị quốc tế. Với tư cách là một nội dung học thuật, địa- chính trị gần như bị lãng quên do ảnh hưởng của sự căm ghét chủ nghĩa phát xít Đức tại các nước phương Tây. Thuật ngữ địa - chính trị (Geopolitics) được hiểu theo nghĩa tiêu cực và bị loại ra khỏi danh mục các môn khoa học chính trị. Phải đến thập kỷ 60, địa- chính trị mới bắt đầu được chú ý trở lại và dần dần được phát triển theo quan điểm của những nhà tư tưởng Mỹ, tiêu biểu trong số đó là Saul Cohen. Do có nhận thức sâu sắc rằng những vấn đề địa - chính trị là cực kỳ quan trọng, nên Cohen đã cố gắng duy trì nghiên cứu thế giới từ góc độ địa - chính trị và ông đã khuyến cáo các chính trị gia không được xem thường hoặc phủ nhận các vấn đề đó.
ở thời kỳ chiến tranh lạnh, trật tự hai cực Xô - Mỹ đã phân chia thế giới thành hai phe, hai hệ thống xã hội đối lập nhau. Sự tập hợp lực lượng xung quanh các siêu cường này càng làm rõ nét những khu vực và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng của các chế độ xã hội khác nhau. Để bảo vệ mình và đồng minh, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đứng đầu là Liên Xô lúc đó đã thành lập ra Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) vào năm 1949 và khối Vacsava năm 1955. Còn Mỹ và các nước phương Tây lập ra Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949. Đồng thời, các nước tư bản đã thành lập 130 căn cứ quân sự ở Tây Âu và 500 căn cứ quân sự ở Châu á - Thái Bình Dương, tạo thành vành đai địa- chính trị bao vây và ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Như vậy, hai siêu cường thế giới đã xây dựng và phát triển lực lượng chính trị - quân sự nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược riêng. Vì vậy, trong thời kỳ chiến tranh lạnh (nhất là những năm 60-70), việc nghiên cứu địa - chính trị phát triển mạnh ở Mỹ, Tây Âu và Liên Xô (trước đây). Nó phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa các phe Xô - Mỹ, Đông - Tây, chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa tư bản....
Trong bối cảnh đó, Saul Cohen cho rằng, việc hoạch định đường lối đối ngoại của Mỹ phải tiếp cận từ giác độ các lý thuyết địa - chính trị. Năm 1964, Cohen đã đưa ra bản thiết kế về một thế giới được phân chia thành các khu vực địa - chiến lược dưới áp lực của các siêu cường. Từ khu vực địa - chiến lược, Cohen chia nhỏ thành các khu vực địa - chính trị. Các siêu cường cạnh tranh nhau để có được các nước trong khu vực địa - chính trị gắn bó, trung thành với mình. Theo Cohen, các quốc gia có quyền lực lớn ngày càng đóng vai trò quyết định trong những vấn đề toàn cầu.
Năm 1991, Cohen đã cho công bố những sản phẩm nghiên cứu về địa - chính trị của mình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng địa - chiến lược của hai lãnh địa đối với Mỹ. Đó là: Lãnh địa mậu dịch hàng hải hướng ngoại (Tây Âu, châu Phi, các nước châu Mỹ) và lãnh địa lục địa hướng nội (Liên Xô trước đây, Trung Quốc). Phần lớn các khu vực có vị trí quyền lực trọng yếu ở hàng thứ hai đều nằm trong phạm vi hai lãnh địa này. Có 3 khu vực nằm ngoài hai lãnh địa trên là: Khu vực Nam á độc lập; khu vực vành đai đứt đoạn Trung Đông và khu vực cửa ngõ Trung- Đông Âu.
ở Liên Xô (trước đây), những tri thức địa- chính trị được coi là một trong những nội dung cơ bản của môn học quan hệ quốc tế. Nó đã được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học ngoại giao, các cơ sở đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại, cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Xô Viết. Những kiến thức địa- chính trị ở Liên Xô (trước đây) được nghiên cứu và giảng dạy dưới tên gọi "Bản đồ chính trị thế giới". Mục đích của môn học này là nhằm cung cấp một cách có hệ thống những tri thức về điều kiện địa lý tự nhiên, tiềm năng kinh tế, văn hoá, nhân lực, về các quá trình, sự kiện chính trị- xã hội đang diễn ra trên thế giới (ở từng khu vực và ở các nước lớn). Các quốc gia, các khu vực được phân chia chủ yếu theo tiêu chí hệ tư tưởng, thể chế chính trị- xã hội và hình thành hai nhóm nước XHCN và TBCN.
Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự thế giới hai cực cùng với hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ làm biến đổi sâu sắc bản đồ chính trị thế giới. Sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nhóm nước, các khu vực và các châu lục diễn ra nhanh chóng. Lúc này, hợp tác và đấu tranh trên thế giới rất phức tạp; xu thế khu vực hoá, quốc tế hoá nền kinh tế thế giới phát triển mạnh. Các nước đều nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại. Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu bức xúc trong nghiên cứu địa- chính trị ở hầu hết các quốc gia trong giai đoạn hiện nay nhằm làm rõ các vấn đề cơ bản sau: Vai trò và chính sách của các nước lớn, các trung tâm sức mạnh kinh tế, chính trị trên thế giới như thế nào; vì sao có những khu vực phát triển năng động, đồng thời cũng không ít khu vực bị mất ổn định, gây ra những hậu quả nặng nề; vai trò, vị trí của các châu lục, các tổ chức kinh tế- thương mại thế giới trong đời sống quan hệ quốc tế v.v....
Như vậy, sau những bước thoái trào (trong khoảng một phần tư thế kỷ sau chiến tranh thế giới thứ hai), tư tưởng địa- chính trị đã dần dần được hồi phục và phát triển. Từ thập kỷ 80, địa- chính trị đã được sử dụng phổ biến hơn để phân tích các vấn đề toàn cầu và khu vực. Hiện nay, nhiều nhà hoạch định chính sách trên thế giới thường xuyên sử dụng các tri thức khoa học địa- chính trị. Chính điều này đã làm tăng giá trị và tính phổ biến của môn khoa học này. Trong địa- chính trị học hiện đại, người ta không chỉ chú ý đến mối quan hệ của yếu tố địa lý tự nhiên với chính trị mà cần chú trọng hơn đến địa lý- nhân văn (môi trường, lao động...). Điều đó phù hợp với xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá các lĩnh vực của đời sống thế giới trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới.