Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

62.Tương lai bất định cho Li-bi trong thời kỳ “hậu M. Ca-đa-phi”

TCCSĐT - Những ngày vừa qua, thế giới chứng kiến sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Li-bi, trong đó với sự trợ giúp đắc lực và mạnh mẽ chưa từng có của NATO kể từ ngày mở đầu cuộc chiến (19-8-2011), lực lượng nổi dậy đánh chiếm thủ đô Tri-pô-li, đưa cục diện quân sự gần tới hồi kết, mở ra kỷ nguyên chính trị “hậu M. Ca-đa-phi” ở quốc gia này. Tuy nhiên, tương lai cho Li-bi thời kỳ “hậu M. Ca-đa-phi” còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.
Khó hy vọng vào một thể chế chính trị phức hợp, bất định
Với việc giành quyền kiểm soát phần lớn Li-bi và thủ đô Tri-pô-li, các lực lượng nổi dậy ở Li-bi sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức chính trị nghiêm trọng. Trong khi cục diện quân sự đang tới hồi kết thì cục diện chính trị sẽ bước sang giai đoạn phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, trong đó chính phủ mới ở Li-bi sẽ phải đứng trước tương lai chính trị phức tạp và bất ổn, khó tránh cuộc tranh giành lợi ích giữa các phe phái vốn bất đồng về quan điểm và lợi ích.
Trước hết, lực lượng nổi dậy ở Li-bi sẽ phải thực hiện kế hoạch xây dựng một chính phủ hoàn toàn mới, với quân đội mới và hệ thống an ninh mới. Đây là nhiệm vụ cực kỳ phức tạp trong điều kiện các lực lượng nổi dậy là một phức thể “ô hợp”, “bất định”, không giành được sự ủng hộ của đa số dân chúng Li-bi. Cái gọi là “lực lượng nổi dậy”- một thuật ngữ do một số thế lực ở phương Tây sử dụng để chỉ các thế lực chống đối nhà lãnh đạo Li-bi M. Ca-đa-phi, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới tương lai ở quốc gia Bắc Phi này.
Theo kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia phân tích, “lực lượng nổi dậy” ở Li-bi là tập hợp nhiều thành phần với những gam màu chính trị - xã hội khác nhau, trong đó có cả các chiến binh hồi giáo cực đoan được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện, đứng đầu là Áp-đen Ha-kim An-ha-xi-di (Abdel Hakim al-Hasidi) thuộc “Nhóm chiến binh hồi giáo Li-bi” vốn từ lâu có quan hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố “An Kê-đa” (“Al-Qaeda”). Nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở một số nước sử dụng các khẩu hiệu như “đòi dân chủ và tự do cho người dân”, “bảo vệ người dân” chống lại “sự tàn sát của các lực lượng ủng hộ nhà độc tài M. Ca-đa-phi”, để nói về các yêu sách của “lực lượng nổi dậy” ở Li-bi nhằm tô điểm họ thành các lực lượng “tiến bộ”, nhưng thực chất là công cụ để một số thế lực ở nước ngoài thực hiện mục tiêu chiến lược ở Bắc Phi và Trung Đông. Vì thế, nhà báo Mỹ Gioóc-giơ Phrít-man (George Friedman) đã nhận xét trên tờ “Stratfor”: “Thật là một sai lầm lớn khi chúng ta cho rằng, các cuộc bạo động chính trị ở Li-bi là phong trào đòi dân chủ và tự do”.
Theo nhiều nguồn tin, trong “lực lượng nổi dậy” ở Li-bi có hai tổ chức mang tên “Mặt trận cứu nguy dân tộc Li-bi” và “Vương quốc Hồi giáo Bác-ca“ (Islamic Emirate of Bácrqa). Thủ lĩnh Vương quốc Hồi giáo Bác-ca từng tuyên bố rằng, tổ chức của họ bao gồm các chiến binh thuộc mạng lưới khủng bố “An Kê-đa” vừa được phóng thích khỏi nhà tù ở Li-bi, còn “Mặt trận cứu nguy dân tộc Li-bi” được CIA và Cục Mật thám Pháp tài trợ. Họ liên kết với nhau để hình thành nên lực lượng nòng cốt trong “lực lượng đối lập” ở Li-bi và tổ chức cuộc bạo động chính trị mang tên “Ngày nổi giận” vào 17-2-2011. Một nhân vật chủ chốt trong “Mặt trận cứu nguy dân tộc Li-bi” là I-bra-him Xa-hát (Ibrahim Sahad), đã từ lâu không còn sinh sống ở Li-bi và từng được cơ quan tình báo nước ngoài sử dụng để tiến hành cuộc đảo chính bất thành ở Li-bi năm 1984. Sau sự kiện đó, các nước bên ngoài vẫn tiếp tục ủng hộ và huấn luyện các lực lượng thuộc “Mặt trận cứu nguy dân tộc Li-bi”.
Trong thành phần “Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp” do “lực lượng nổi dậy” dựng lên còn có nhiều doanh nhân Li-bi sống lưu vong ở nước ngoài sau cuộc đảo chính của ông M. Ca-đa-phi lật đổ chế độ quốc vương trước đây. Nay họ trở về theo đuổi tham vọng dựa vào nước ngoài để tranh đoạt tài nguyên dầu mỏ của Li-bi. Ngoài ra, còn có cựu Bộ trưởng Tư pháp Li-bi, ông Mu-xta-pha Áp-đen Gia-lin (Mustafa Abdel-Jalil), và cựu Bộ trưởng Nội vụ, tướng Áp-đen Pha-ta U-nít (Abdel Fattah Younis), những người đã từng bị Tổng thống M. Ca-đa-phi thải hồi.
Ngày 13-9-2011, trong cuộc đàm đạo với phóng viên tờ “Daily Telegraph” của Anh, Tổng Thư ký NATO An-đơ Phốc Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmusen) không loại trừ nguy cơ ở Li-bi sẽ gia tăng vai trò của các thế lực Hồi giáo cực đoan nếu trong thời gian tới ở nước này không thành lập chính phủ ổn định. Lời cảnh báo này được đưa ra khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Li-bi, ông Mu-xta-pha Áp-đen Gia-lin (Mustafa Abdel Jalil) trong bài diễn văn đầu tiên ở Tri-pô-li tuyên bố rằng, pháp luật mới của Li-bi sẽ dựa vào Luật Hồi giáo Xa-ri-át (Shariat). Như vậy, có dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ, chính quyền mới của Li-bi sẽ vấp phải những vấn đề phức tạp khi xác định vai trò của lực lượng nổi dậy mang tính hồi giáo cực đoan đã từng góp phần nhất định trong việc đánh bại lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo M. Ca-đa-phi.
Như vậy, trong chính phủ mới sẽ có nhiều lực lượng khác nhau theo đuổi các lợi ích chính trị và kinh tế khác nhau. Tình hình ở Li-bi sẽ còn phức tạp hơn do chính phủ mới phải xây dựng lại từ đầu gần như tất cả, từ bộ máy quản lý nhà nước đến quân đội và an ninh trong điều kiện ảnh hưởng của nhà lãnh đạo M. Ca-đa-phi vẫn còn tồn tại ở quốc gia này. Vì thế, vừa qua, Tòa án hình sự quốc tế đã đề nghị Interpol phối hợp truy bắt bằng được ông M. Ca-đa-phi cùng với con trai và cựu chỉ huy tình báo của Li-bi. Tuy nhiên, cái thiếu cơ bản ở Li-bi thời “hậu M. Ca-đa-phi” chính là các “lực lượng nổi dậy” chưa đưa ra được một cương lĩnh hay một chiến lược cụ thể nào nhằm đưa Li-bi thoát khỏi tình trạng hiện nay (1,2).  
Liệu Mỹ và NATO có xây dựng căn cứ quân sự ở Li-bi?
Không phải ngẫu nhiên mà NATO tuyên bố sẽ tiếp tục sứ mệnh "bảo vệ dân thường" ở Li-bi cho tới khi “họ không còn bị đe dọa”. Giới chuyên gia cho rằng, với cớ này, NATO sẽ chiếm đóng quân sự lâu dài, công khai hay trá hình ở quốc gia Bắc Phi này. Tuy Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở Li-bi tuyên bố sẽ không cho nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên đất nước họ. Nhưng, một trong những mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ và NATO là xây dựng một căn cứ quân sự lớn bậc nhất thế giới ở Li-bi, tương tự như căn cứ quân sự Bôn-đe-xtin (Bondsteel) ở Cô-xô-vô sau cuộc chiến tranh xâm lược Xéc-bi năm 1999, để biến Địa Trung Hải thành “ao nhà” của NATO. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm Li-bi trước đây đã từng ngỏ lời với ông M. Ca-đa-phi cho Bộ Tư lệnh châu Phi ghé qua bờ biển Li-bi ở Địa Trung Hải, nhưng đã bị ông dứt khoát bác bỏ.
Sắp tới đây, Mỹ sẽ thông qua Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) để phát huy ảnh hưởng ở châu Phi. Còn NATO đang chuẩn bị ký kết một hiệp ước hợp tác quân sự với Liên minh châu Phi gồm 54 nước thành viên. Như vậy, NATO rất cần có căn cứ quân sự ở Li-bi và do đó chính quyền mới ở Li-bi cũng như một số nước ở vùng Bắc Phi và Trung Đông sẽ nằm dưới ảnh hưởng và quyền kiểm soát của AFRICOM.  
Sử dụng thế nào các tài khoản của Li-bi bị một số nước phong tỏa?
Một trong những câu hỏi lớn và đầu tiên được đặt ra là các tài khoản của Nhà nước Li-bi bị một số nước phong tỏa sẽ được sử dụng thế nào thời “hậu M. Ca-đa-phi”? Theo nhận định của ông Man-li-ô Đi-nu-chi (Manlio Dinuchi), chuyên gia nghiên cứu quốc tế ở I-ta-li-a, một số nước không chỉ quan tâm đến dầu mỏ của Li-bi có trữ lượng ước tính 60 tỉ thùng và là nguồn dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi, cũng như khí thiên nhiên với trữ lượng 1500 tỉ m3 mà mục tiêu trước mắt và hàng đầu của chiến dịch quân sự do NATO tiến hành ở Li-bi còn là các quỹ có chủ quyền và vốn đầu tư ở nước ngoài của quốc gia này.
Ngay từ ngày đầu cuộc bạo động chính trị ở Li-bi và trong các cuộc gặp đầu tiên với đại diện "Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp", đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định phong tỏa vốn đầu tư có chủ quyền của Li-bi tại các Hãng “Unicredit Banca”, “Finmeccanica” và nhiều hãng khác. Riêng quỹ do Ngân hàng Đầu tư Li-bi (LIA-Li-binInvestment Authority) quản lý, ước tính 70 tỉ USD. Nếu cộng thêm Quỹ Đầu tư của Ngân hàng Trung ương Li-bi và một số hãng khác, tổng số tiền trong các tài khoản có chủ quyền của Li-bi lên tới 150 tỉ USD. Theo ông Man-li-ô Đi-nu-chi, đây là hành động can thiệp vào tài sản của một quốc gia có chủ quyền.   
Trước đó, ngày 20-1-2011, một thành viên thuộc Quỹ Đầu tư của Li-bi thông báo cho Đại sứ quán Mỹ ở Tri-pô-li rằng, số tiền quỹ này gửi ở ngân hàng Mỹ ước tính khoảng 32 tỉ USD. Chỉ một tháng sau đó, Bộ Tài chính Mỹ quyết định phong tỏa khoản tài sản này của Li-bi nhằm mục đích phục vụ “tương lai của Li-bi”. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, số tiền này không chỉ dùng “cho tương lai của Li-bi” mà còn dùng cho hiện tại của nước Mỹ. EU cũng phong tỏa tài sản của Li-bi trị giá 45 tỉ ơ-rô chỉ một vài ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ thực hiện quyết định nói trên. Ngoài ra, lý do hàng chục tỉ USD tài sản của Li-bi bị phong tỏa ngân hàng một số nước xuất phát từ nguy cơ tài sản này đang “đe doạ” vị thế độc quyền của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế trong các hoạt động đầu tư vào các đề án phát triển ở các nước thế giới thứ ba.
Còn một “nguy cơ” nữa đối với các nước phương Tây là nhà lãnh đạo Li-bi M. Ca-đa-phi bảo trợ các đề án xây dựng thể chế tài chính độc lập do Liên minh châu Phi khởi xướng như Ngân hàng Đầu tư châu Phi có văn phòng trung tâm đặt ở Tri-pô-li; Quỹ Tiền tệ châu Phi với văn phòng chính ở Ca-mơ-run (Cameroon) và Ngân hàng Trung ương châu Phi có trụ sở đặt tại Ni-gê-ri-a. Sự phát triển các thể chế tài chính này nhằm giúp người châu Phi thoát khỏi sự kiểm soát của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, ông M. Ca-đa-phi còn có dự kiến sẽ chấm dứt việc sử dụng đồng Phrăng (frank) của Pháp tại 14 nước vốn đã từng là thuộc địa của Pháp, chuyển sang sử dụng đồng tiền chung của châu Phi. Thế nên, bằng cách phong tỏa tài sản của Li-bi, Pháp và một số nước đã làm tiêu tan các đề án nhiều tham vọng này của Liên minh châu Phi được ông M. Ca-đa-phi bảo trợ.  
Vì thế, mặc dù “những người bạn của Li-bi” trong hội nghị ngày 1-9-2011 ở Pa-ri đã đưa ra quyết định từng bước mở niêm phong tài sản của Li-bi ở các ngân hàng nước ngoài và chuyển cho chính phủ mới ở Li-bi để tái thiết đất nước sau chiến tranh, nhưng với một thể chế chính trị phức hợp và bất định vừa được dựng lên thì việc sử dụng như thế nào số tiền rất lớn này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải. Thậm chí, các chuyên gia phân tích còn cho rằng, Hội nghị quốc tế “những người bạn của Li-bi vừa qua chỉ là để chia phần quyền lợi kinh tế của các quốc gia ở Li-bi trong thời kỳ “hậu M. Ca-đa-phi”.
Ai sẽ kiểm soát công nghiệp dầu mỏ của Li-bi?
Trước đây, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Li-bi, các hãng dầu mỏ đến hoạt động ở quốc gia này đã từng bị thất vọng. Trên cơ sở Hiệp định chia sẻ khai thác và sản xuất EPSA (Exploration and Production Sharing Agreement), Chính phủ Li-bi cho phép các hãng nước ngoài được khai thác tài nguyên dầu mỏ ở quốc gia này với điều kiện chia sẻ phần trăm lợi nhuận cao nhất cho Hãng Dầu mỏ quốc gia của Li-bi NOC (National Oil Corporation of Libya).
Trong thời kỳ “hậu M. Ca-đa-phi”, chính quyền mới ở Li-bi do các nước phương Tây dựng lên là điều kiện cần thiết để Mỹ và nhiều nước châu Âu xem xét lại điều kiện các hợp đồng khai thác dầu mỏ của Li-bi, cho phép các hãng và công ty nước ngoài chính thức hóa hoạt động kiểm soát tài nguyên của quốc gia này. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp cũng vừa mới thành lập Hãng Dầu mỏ Li-bi để sắp tới đây tạo điều kiện cho các nhà đầu tư một số nước khai thác dầu mỏ ở quốc gia này theo chế độ thuế suất ưu đãi, thậm chí có thể tiến tới kiểm soát toàn bộ lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ của Li-bi. Trong điều kiện đó, các hãng dầu mỏ của Nga và Trung Quốc sẽ không còn có cơ hội được ưu đãi mà ông M. Ca-đa-phi đã từng hứa hẹn cho phép họ khai thác nhượng quyền dầu mỏ ở quốc gia này.
Hiện nay, các nước tham gia chiến dịch quân sự của NATO ở Li-bi đã lên kế hoạch tư nhân hóa Hãng Dầu mỏ quốc gia của Li-bi với lý do là “để nhận được sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế” trong việc tái thiết các công trình công nghiệp và hạ tầng cơ sở do các nước liên quân tàn phá trong cuộc chiến tranh vừa qua. Đồng thời, chính phủ mới ở Li-bi sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục để cho ngân hàng một số nước phương Tây khác lái các dòng vốn của Li-bi đi theo hướng phục vụ yêu cầu của các nước tham gia chiến dịch quân sự ở Li-bi vừa qua. Như vậy, công nghiệp dầu mỏ của Li-bi có thể sẽ do các công ty và các hãng tư nhân nước ngoài kiểm soát (3,4)./.
-------------------------------
1.Nhiều điều đáng ngờ về lực lượng đối lập ở Li-bi.
www.warandpeace.ru/ru/exclusive/view/56711/
2. Bengazi: hang ổ của An Kê-đa.  
http://www.warandpeace.ru/ru/reports/view/56716/
3. Chủ nghĩa thực dân kiểu mới nhân đạo: tạo dựng cách thức mới để tiến hành chiến tranh.
http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/view/57818/
4. Chiếm đoạt Li-bi: liệu có được bảo vệ từ cuộc chiến mang tính toàn cầu? http://www.warandpeace.ru/ru/commentaries/view/58084/
Đại tá Lê Thế Mẫu