Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

48. Sự lợi hại của NATO

MỸ - NGA : Sự lợi hại của NATO
Trong lần đầu gặp nhau tại London (1/4/2009), Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định trong tuyên bố chung rằng hai bên đã "sẵn sàng gạt bỏ tâm lý thời chiến tranh Lạnh và bắt đầu mối quan hệ mới". Nhưng khi hai cường quốc ấn "nút tái khởi động quan hệ", liệu cỗ máy này có hoạt động suôn sẻ?

Sự khởi đầu sai lầm
Đầu năm 1992, Tổng thống Yeltsin thăm trại David và gặp Tổng thống George H.W. Bush. Yeltsin đặt nhiều hy vọng vào tương lai quan hệ Mỹ-Nga. Trước đó, Gorbachev đã từng gây được cảm tình với phương Tây nhờ các chương trình Perestroika và glasnost (chủ trương công khai và minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời khuyến khích tự do thông tin), mở cửa đất nước, tạo cơ hội cho phát triển dân chủ và kinh tế thị trường. Yeltsin muốn "trội" hơn Gorbachev, quyết định ủng hộ dân chủ, kinh tế thị trường, ủng hộ phương Tây mạnh mẽ hơn nhằm lôi kéo sự ủng hộ của Mỹ.
Lúc đó Yeltsin đề nghị Bush tuyên bố Mỹ và Nga là đồng minh chứ không chỉ là quan hệ "hữu nghị và đối tác". Bush bác bỏ đề nghị này và giải thích rằng "chúng tôi sử dụng cụm từ này nhằm tránh hiểu lầm rằng mọi vấn đề giữa hai nước đã được giải quyết". Mặc dù Bush để lỡ mất cơ hội xích lại gần hơn với Yeltsin, người mà ông chưa bao giờ tỏ ra thân thiện như với Gorbachev. Nhưng tâm lý thời chiến tranh Lạnh (CTL) không tồn tại quá lâu trong những năm 1990 kể cả ở Đồi Capital và Điện Kremlin và đương nhiên không tồn tại trong quan hệ giữa Clinton và Yeltsin. Clinton không theo đuổi chính sách CTL mới. Trong khi về phía Nga, nếu duy trì tâm lý thời CTL thì họ đã xây dựng một hệ thống các nhà nước trung gian nhằm làm đối trọng với phương Tây và hủy hoại trật tự thế giới do Mỹ chi phối; trên thực tế Yeltsin lại ủng hộ độc lập của các nước thuộc Liên Xô cũ và không phản đối các nước này có quan hệ gần gũi với Mỹ và phương Tây.
Cách tiếp cận của Mỹ
Chính sách đầu tiên của Mỹ đối với các nước thuộc Liên Xô cũ được Bush đưa ra vào tháng 5/1989, khi đó Tổng thống Bush kêu gọi nỗ lực xây dựng "Một châu Âu thống nhất và tự do". Thời điểm đó, không có chiến lược cụ thể nào được đưa ra để thực hiện nhiệm vụ này, nhưng trong suốt những năm 1990, chính sách của Mỹ gồm 3 yếu tố chính: 1. Hội nhập Trung và Đông Âu vào các thể chế phương Tây; 2. Chấm dứt nạn diệt chủng tại Balkan; 3. Bắt tay với Nga.
Chính sách hướng Đông của NATO hầu như không có tiến triển gì thêm cho đến khi Clinton nhậm chức năm 1993. Liên minh quân sự này đã nhanh chóng thúc đẩy các nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung và Đông Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels tháng 1/1994, Clinton và lãnh đạo các nước khác thuộc NATO đã tuyên bố chương trình "Đổi quan hệ đối tác lấy hòa bình" (PfP), áp dụng với tất cả các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, kể cả Nga. PfP được thực thi nhằm xây dựng quan hệ quân sự vững mạnh với niềm tin rằng cơ quan quân sự là thể chế có nhiều khả năng nhất ngăn công cuộc cải cách tại các nước này trong quá trình chuyển đổi.
Khi lần đầu được nghe nói về chương trình này, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Christopher (10/1993), Yeltsin yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng quan hệ đối tác không có nghĩa là kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ vào NATO. Christopher đáp: "Đương nhiên là không! Thậm chí quy chế quan sát viên cũng không." Yeltsin phấn khởi nói rằng "Đây là một ý tưởng tuyệt vời, một ý tưởng thiên tài". Hầu như ông không lo ngại gì khi Christopher nói thêm "Vào thời điểm thích hợp chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu quy chế thành viên này, nhưng đó là chuyện sau này".
Vì thế, Yeltsin đã bị sốc khi Mỹ bắt đầu thúc đẩy chiến lược mở rộng NATO (mùa thu năm 1994), mặc dù Clinton biết rõ rằng ông không làm gì có hại cho Yeltsin trước thềm cuộc bầu cử tháng 7/1996. Khi Yeltsin tái đắc cử thì cũng là lúc chiến lược của Mỹ bắt đầu tăng tốc. Năm 1997, NATO mời Ba Lan, Hungary và Czech tham gia tổ chức này và sau đó 2 năm, ba nước này chính thức tham gia Liên minh đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập...
Câu thần chú "Một châu Âu thống nhất và tự do" của Bush được Clinton lặp lại bằng điệp khúc "Một châu Âu hòa bình, không chia rẽ và dân chủ". Cuối cùng khẩu hiệu này phát triển thành một phần của chiến lược tổng thể: nỗ lực đem lại hòa bình cho Balkan. Tháng 11/1995, các cuộc không kích của NATO, cuộc tấn công quân sự của Croatia cùng nỗ lực đàm phán của đặc phái viên Mỹ Holbrooke dẫn tới sự ra đời của Thỏa ước Dayton, chấm dứt cuộc chiến tại Balkan.
Ba năm sau, Chính quyền Clinton bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc xung đột khác, lần này là với S.Milosevic nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng tại Kosovo. Sau khi đàm phán không đem lại kết quả, tháng 3/1999, lần đầu tiên trong lịch sử, NATO tham chiến và 78 ngày sau họ đã thành công với việc buộc nhà lãnh đạo Serbia phải đầu hàng.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã để lại những hậu quả khá nặng nề trong việc đạt được mục tiêu thứ 3 của chiến lược - Nỗ lực bắt tay với Nga và hòa nhập nước này vào thế giới phương Tây.
Bắt tay với Nga
George H.W. Bush không mặn mà với Yeltsin nhưng Clinton thì ngược lại. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Yeltsin tại Vancouver tháng 4/1993, Clinton đã đưa ra một gói trợ giúp lớn dành cho Nga. Khi Yeltsin tiến hành cuộc tấn công quân sự đối với các lực lượng chống đối trong Quốc hội Nga cuối năm 1993, Clinton đã toàn tâm ủng hộ. Đối với Clinton, cải cách của Nga không chỉ là ưu tiên về an ninh quốc gia mà đây còn là một phương tiện để giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ, tăng cường tài chính cho các chương trình trong nước.
Một châu Âu hòa bình, không chia rẽ và dân chủ trong suy nghĩ của Clinton bao gồm cả Nga. Tháng 1/1994, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels và dừng chân tại Prague, Clinton thăm Mátxcơva nhằm chứng minh rằng ông không loại Mátxcơva ra khỏi chính sách đối ngoại của mình.
Thật không may, thời gian đã cho thấy chính sách của Mỹ đối với châu Âu có sự chồng chéo về mục đích. Clinton biết rằng việc mở rộng NATO là liều thuốc đắng đối với Yeltsin. Điều đó không chỉ giải thích vì sao quá trình mở rộng NATO lại chậm lại cho tới sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra tháng 7/1996 mà còn còn giải thích vì sao Mỹ lại mời Nga tham gia G8. Clinton nghĩ rằng việc dành cho Yeltsin một vị trí ngang hàng với lãnh đạo các nước lớn khác sẽ giúp làm dịu cú đấm của việc mở rộng NATO. Ông cũng hiểu rằng người Nga rất tức giận với chính sách của Mỹ tại Balkan, vì thế ông ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Perry giúp Nga tham gia Lực lượng Hành động do NATO dẫn đầu (IFOR) - Lực lượng được thành lập để gìn giữ hòa bình sau khi Thỏa ước Dayton được ký tháng 11/1995.
Clinton cố gắng thuyết phục Yeltsin rằng cả chính sách mở rộng NATO và chính sách của ông tại Balkan đều không nhằm chống lại Nga. Thậm chí ông còn nói với Yeltsin rằng NATO có thể mở rộng cửa chào đón Nga. Trước khi NATO chính thức mời Ba Lan, Hungary và Czech tham gia, Clinton và các cộng sự của đã thành lập Hội đồng Thường trực chung (tiền thân của Hội đồng Nga-NATO) tháng 5/1997, nhằm chứng minh rằng Mỹ có xem xét tới lợi ích của Nga.
Bất chấp việc Yeltsin có xem NATO là mối đe dọa với Nga hay không, dù Clinton có nói gì về chính sách của mình thì việc mở rộng NATO cũng có tác động tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Nga. Người Nga cho rằng họ bị phản bội bởi vì tháng 2/1991, Ngoại trưởng Mỹ Baker đã nói với Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông dù chỉ một inch; sau đó, tháng 10/1993, Ngoại trưởng Mỹ Christopher đã thuyết phục Yeltsin tin rằng Nga hoàn toàn có thể triệt tiêu ý tưởng mở rộng NATO. Tuy nhiên, việc người Nga có cảm thấy bị phản bội hay không không quan trọng bằng một sự thật hiển nhiên: Mỹ quá mạnh so với Nga nên Mỹ không thể ngừng chiến lược mở rộng NATO của mình. Lợi ích chính trị của Mỹ sẽ bị đe dọa nếu các nước Trung Âu không tham gia NATO - Một biểu tượng của tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. 
Sự lợi hại của NATO (tiếp Kỳ trước và hết)
Khó có thể khẳng định nếu Mỹ từ bỏ chiến lược mở rộng NATO thì quan hệ hợp tác Mỹ - Nga có thể tiến triển, nhưng có điều chắc chắn là nỗ lực mở rộng Liên minh quân sự này đã khiến cho triển vọng hợp tác chiến lược giữa hai nước trở nên khó khăn hơn.

Từ kiểm soát vũ khí...
Thời điểm kế hoạch mở rộng NATO được tăng tốc năm 1995 cũng chính là thời điểm Nga quyết định tăng cường hỗ trợ Iran xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Bushehr. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng lo ngại rằng kế hoạch mở rộng NATO có thể khiến cho nỗ lực chia cắt quan hệ Nga – Iran của ông đổ xuống sông xuống biển. Những người bảo thủ đề nghị ông Clinton không tham dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phát xít Đức tại Mátxcơva tháng 5/1995 nhưng ông Clinton khẳng định: “Tôi sẽ đến Nga vì chúng ta cần phải có hành động gì đó với Iran”.
Kế hoạch mở rộng NATO cũng có tác động tới việc kiểm soát vũ khí. Tháng 1/1996, Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START II (được Tổng thống Mỹ George H.W.Bush và Tổng thống Nga B.Yeltsin ký năm 1992) nhưng Quốc hội Mỹ đã phản đối Chính quyền đơn phương cắt giảm kho vũ khí của Mỹ xuống dưới mức được quy định trong Hiệp ước START I cho đến khi Duma Quốc gia Nga thông qua START II. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga, Alexei Arbatov, giải thích lý do Duma không thông qua START II như sau: “Thứ nhất, không có tiền để thông qua. Thứ hai, xét về mặt kỹ thuật, Hiệp ước này không công bằng. Và thứ ba, quyết tâm Đông tiến của NATO không có lợi cho Hiệp ước”. Bốn năm sau, Duma Quốc gia Nga đã thông qua START II, nhưng đến năm 2002, Nga đã vô cùng giận dữ khi Mỹ bãi bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo bằng việc tuyên bố Mỹ không còn bị ràng buộc bởi START II.
Đến cân bằng sức mạnh
Không thể đánh giá một cách đơn thuần rằng quan hệ Mỹ - Nga thời George W.Bush không đáp ứng được kỳ vọng của Bush và Putin năm 2001. Khi xem xét triển vọng của việc “tái khởi động” quan hệ Mỹ - Nga, điều quan trọng là phải hiểu rõ chặng đường mà hai nước đã trải qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong khi Mỹ trở thành bá chủ thế giới năm 1991 thì Nga lại suy yếu từ chỗ là một siêu cường thế giới thời Chiến tranh Lạnh. Điều này tạo ra sự mất cân bằng quyền lực và khiến cho quan hệ Nga - Mỹ trở nên khó khăn.
Ông Putin nhận thức rõ khuynh hướng này khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống năm 2000 và ông quyết tâm xây dựng lại nước Nga về cả kinh tế lẫn chính trị. Quan điểm của ông khi nhậm chức cũng khác với quan điểm trước đó của ông Yeltsin. Điều mà ông Putin muốn thực hiện là kiểm soát chính sách đối ngoại của các nước láng giềng.
Với ưu thế giá năng lượng cao, Nga đã xây dựng được kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ và không còn phải cầu cạnh sự giúp đỡ của G7 và IMF nữa. Trong khi Mỹ sa lầy tại Iraq và gánh chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1930, thì Nga vươn lên mạnh mẽ cả về sức mạnh kinh tế lẫn uy tín chính trị. Đối với Nga, đây có vẻ như là thời điểm thích hợp để “tái khởi động” quan hệ với Mỹ bởi lẽ với vị thế hiện tại, Mátxcơva có thể xây dựng một mối quan hệ trên nền tảng công bằng hơn, một mối quan hệ có thể chấp nhận Nga thống trị không gian hậu Xô Viết.
Đầu năm 2009, khi tuyên thệ nhậm chức, ông Obama đã cam kết khởi động lại các mối quan hệ, tạo cơ hội cho Nga xây dựng lại quan hệ với Mỹ như đã có được trong những năm 1972-1973 khi Mỹ bị suy yếu bởi chiến tranh và khủng hoảng. Mỹ buộc phải thừa nhận Nga là một cường quốc và giảm bớt căng thẳng với Mátxcơva, xem kiểm soát vũ khí là một ưu tiên trong chương trình nghị sự. Kiểm soát vũ khí chiến lược là vấn đề toàn cầu mà cả Mỹ và Nga đều quan tâm. Nga rất vui mừng khi Mỹ đồng ý quay trở lại kỷ nguyên của những hiệp ước lớn, điều mà George W.Bush đã từ chối trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.
Một động lực khác để Nga đồng ý “tái khởi động” quan hệ với Mỹ là NATO đã tước bỏ “Chương trình hành động thành viên” (MAP) dành cho Ukraine và Gruzia trước khi ông Obama trở thành Tổng thống. Tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO tháng 12/2008, Liên minh này đã quyết định thông qua chương trình đánh giá thường niên đối với Ukraine và Gruzia. Mặc dù chương trình này có cùng mục đích như MAP, nhưng lại tránh sử dụng từ “thành viên”.
Mô hình Mỹ - Nato - Nga?
Hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ tháng 7/2009 chứng minh rằng kiểm soát vũ khí là tâm điểm của hợp tác song phương năm 2009 bởi lẽ cả hai nước đều muốn sớm đạt được một hiệp định thay thế cho STRART I. Tổng thống Obama cho rằng việc cắt giảm hạt nhân của Mỹ và Nga có liên quan trực tiếp tới nỗ lực chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; giúp khuyến khích ý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đối với Nga, một lần nữa lợi ích của Hiệp ước START mới với Mỹ nằm ở chỗ Mátxcơva được đứng một mình trên sân khấu với cường quốc hàng đầu thế giới.
Khi NATO và Nga tiếp tục xây dựng lại quan hệ vốn bị tổn thương nghiêm trọng sau xung đột Nga – Gruzia, hai phía thể hiện mong muốn hợp tác bền vững để giải quyết những vấn đề chung (chẳng hạn như vấn đề Afghanistan, nạn cướp biển…) cho dù vẫn còn bất đồng về vấn đề Gruzia. Tuy nhiên cần phải thận trọng khi đánh giá triển vọng quan hệ Mỹ - Nga và rộng hơn là quan hệ Nga – NATO. Nga xem xét “tái khởi động” quan hệ với Mỹ trên quan điểm cho rằng Mỹ đang ở thế yếu do hai cuộc chiến và cuộc khủng hoảng tài chính gây ra và tâm lý của Washington không phải là tâm lý của kẻ vừa giành chiến thắng như trong những năm 1990. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Obama nhận thức rõ giới hạn quyền lực của Mỹ và mong muốn hợp tác với các nước khác để giải quyết các vấn đề chung thì tình trạng mất cân bằng quyền lực giữa hai nước vẫn chưa thể xóa bỏ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, nhưng Mỹ vẫn là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới xét trên nhiều phương diện. Cho dù Châu Âu và Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị, nhưng Mỹ vẫn giữ vững ngôi vị dẫn đầu.
Trong khi đó, Nga vẫn ở thế yếu hơn. Nền kinh tế Nga đã phục hồi mạnh mẽ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998, nhưng kho dự trữ ngoại tệ mà ông Putin xây dựng được đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự mất giá của đồng Rúp. Đầu tư vào ngành năng lượng không hiệu quả, quy mô dân số đang giảm mạnh và quân đội Nga bị tổn hại trong cuộc chiến với Gruzia. Hơn nữa, tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga vẫn còn thua xa Mỹ.
Trên thực tế, sự yếu thế này của Nga là nguyên nhân chính khiến nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới không xảy ra kể từ sau năm 1991. Chiến tranh lạnh là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn thế giới về quân sự, kinh tế, ngoại giao và tư tưởng. Nó không còn khả năng xảy ra nữa. Tuy nhiên, chủ trương quay trở lại tư duy truyền thống của Nga (tăng cường ảnh hưởng các nước láng giềng) mới là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đau đầu.
Về lâu dài, để việc “tái khởi động” quan hệ thành công, Mỹ, Nga và NATO cần phải thừa nhận bất đồng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trên những lĩnh vực có thể. Và điều quan trọng là không nên quá kỳ vọng vào việc “tái khởi động” này nếu không muốn bị thất vọng như vốn thường xảy ra kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đông Hải (Theo Foreign Affairs)
 http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/HoSo/2010/9/4938D3B3654617C8/