Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

63.Phong trào Không liên kết: phát huy tiếng nói và vai trò chính trị trong tình hình mới

TCCSĐT - Đã 50 năm trôi qua kể từ khi Hội nghị Cấp cao đầu tiên khai sinh ra Phong trào Không liên kết (Non Aligned Movement - NAM) tại Bê-ô-grát (Nam Tư cũ) vào tháng 9-1961. Với số lượng thành viên tăng từ 25 lên 120 thành viên, NAM đã chứng tỏ vai trò và sức thu hút ngày càng mạnh mẽ của mình. Được cho là một trong những lực lượng nòng cốt của trật tự chính trị mới đang hình thành trên thế giới, những mục tiêu và nguyên tắc mà NAM đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập, đến nay, đã trở thành những chuẩn mực được quốc tế thừa nhận.


“Thống nhất trong đa dạng”
Nét chung nổi bật nhất tạo cơ sở khách quan để NAM trở thành nơi tập hợp lực lượng rộng rãi, đoàn kết gắn bó các nước thành viên trong một cương lĩnh hành động là tất cả đều đã bị thực dân đô hộ, có nền kinh tế kém phát triển, cùng chung nguyện vọng muốn có hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. 120 nước thành viên của NAM thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới, đa dạng về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ chính trị và kinh tế, nhưng cùng chung một mục đích đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, dựa trên năm nguyên tắc chỉ đạo: hòa bình, độc lập, phát triển, không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị nào. “Sự thống nhất trong đa dạng là bản chất của sức mạnh và sức sống của Phong trào".
Trên thế giới hiện nay, khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh và trở thành xu thế khách quan, một số nước có lợi thế sức mạnh vượt trội, chi phối, đã lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để áp đặt quan điểm, giá trị của mình, thực hiện bá quyền văn hóa, đe dọa đến việc giữ gìn, bảo vệ bản sắc, di sản văn hóa đa dạng của các dân tộc. Vấn đề nhân quyền cũng được sử dụng làm công cụ chính trị can thiệp, gây sức ép trong quan hệ quốc tế, các quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia. Trong bối cảnh như vậy, các thành viên của NAM khẳng định, đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, tôn trọng đa dạng văn hóa, thúc đẩy đối thoại là cơ sở vững chắc để thực hiện hiệu quả quyền con người, đồng thời củng cố và tăng cường hòa bình, hữu nghị và sự hiểu biết giữa các dân tộc. Vì thế, cần tăng cường đoàn kết và phối hợp hơn nữa để bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của phong trào trên các vấn đề đa dạng văn hóa và nhân quyền.
Hội nghị bộ trưởng đặc biệt của Phong trào Không liên kết về đối thoại liên tôn giáo, hợp tác vì hòa bình và phát triển (SNAMMM) đã khai mạc tại thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin) và thông qua Tuyên bố Ma-ni-la. Tuyên bố nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và tình hữu nghị giữa con người với con người thuộc mọi tôn giáo, đức tin, văn hóa và ngôn ngữ. Tuyên bố còn tái khẳng định cam kết thúc đẩy và củng cố văn hóa hòa bình và đối thoại, quyết tâm đạt được sự tiến bộ, giải quyết những bất đồng và thách thức cũng như hành động để thúc đẩy văn hóa hòa bình và đối thoại ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, nhằm hướng đến việc thực hiện đầy đủ những mục tiêu phát triển đã được cộng đồng quốc tế nhất trí, trong đó có các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tuyên bố cũng cho biết, trong môi trường quốc tế hiện tại, đây không phải một lựa chọn, mà là công cụ cấp thiết, đúng đắn và hữu ích để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, hòa bình và an ninh, cũng như các quyền con người và quy định pháp luật để bảo đảm tất cả nhân loại đều có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Các bộ trưởng và trưởng phái đoàn các nước thành viên Phong trào Không liên kết nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tối đa hóa lợi ích, thông qua hợp tác để xây dựng một tương lai hài hòa và hữu ích bằng cách thực hiện và thúc đẩy những giá trị và nguyên tắc như công lí, bình đẳng và không phân biệt đối xử, dân chủ, công bằng và hữu nghị, khoan dung và tôn trọng trong nội bộ cũng như giữa các quốc gia và cộng đồng.
Khẳng định vai trò trong thế giới hiện đại
Chính sách đối ngoại của các nước không liên kết là không tham gia các khối liên minh quân sự, phản đối mọi hình thức độc tài và phân biệt kỳ thị trong các vấn đề quốc tế. Các nước thành viên NAM đã đưa ra nhiều sáng kiến và tiến hành nhiều hoạt động vì lợi ích của các nước đang phát triển, cũng như những sáng kiến góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay. Tại Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 15 (NAM-15) diễn ra trong hai ngày 15 và 16-7 ở thành phố Sam En-Sếch (Sharm El-Sheikh) của Ai Cập đã tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới như khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, hòa bình Trung Đông, an ninh lương thực, các vấn đề năng lượng và hạt nhân. Điều này chứng tỏ NAM đang khẳng định vai trò của mình trong thế giới hiện đại, hay nói cách khác, NAM đang tìm phương hướng để trở thành một trong những trung tâm mạnh của thế giới đa cực. Tổng thống Liên bang Nga, ông Đ. Mét-vê-đép cho rằng, để xây dựng một cấu trúc toàn cầu mới, cần phải hành động đa dạng, và Phong trào Không liên kết đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng cơ cấu mới này. Phong trào Không liên kết là một trong những lực lượng nòng cốt của trật tự chính trị mới đang hình thành trên thế giới, sẵn sàng hợp tác và phấn đấu để củng cố ổn định quốc tế, vì lợi ích của nhân dân các nước thành viên và toàn thể cộng đồng thế giới.
Trong chiến tranh lạnh, Phong trào Không liên kết có vai trò và đóng góp tích cực vào đời sống chính trị quốc tế nói chung cũng như bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển nói riêng. Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đòi giải trừ quân bị, thành lập khu vực hòa bình và phi hạt nhân. Sau chiến tranh lạnh, trong thời kỳ đầu, Phong trào đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu cho hoạt động của mình khi thế giới không còn hai cực.
Tình hình cho thấy, các nước đang phát triển tiếp tục đứng trước nguy cơ bị can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Trong bối cảnh đó, Phong trào Không liên kết tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước Không liên kết đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu liên quan hòa bình, an ninh và phát triển.
Vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn
Kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 10 tại In-đô-nê-xi-a năm 1992, các nước NAM đều nhất trí là Phong trào tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là: một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước không liên kết đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển phấn đấu vì hòa bình, phát triển, tự quyết dân tộc, độc lập và chủ quyền quốc gia. Ngày nay, mặc dù thế giới có những biến chuyển lớn nhưng NAM vẫn trung thành với nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không xâm lược; không can thiệp công việc nội bộ; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình. Các biện pháp nhằm tăng cường vai trò, vị trí của Phong trào trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước NAM, các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các cuộc xung đột. Trong giai đoạn sắp tới, tình hình thế giới và các khu vực sẽ tiếp tục biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp hành động để giải quyết những thách thức chung. Hơn lúc nào hết, các nước thành viên NAM trông đợi Phong trào sẽ đề ra các biện pháp tăng cường sự đoàn kết, tính năng động và vai trò của NAM trong quan hệ quốc tế, phối hợp trong các diễn đàn đa phương về chính trị cũng như kinh tế và các vấn đề toàn cầu khác, phấn đấu vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ hơn, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 16 của Phong trào Không liên kết (NAM) và kỷ niệm 50 năm thành lập NAM ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a), các ngoại trưởng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường vai trò của NAM như một động lực chính trong giải quyết các vấn đề quốc tế mà các nước thành viên cùng quan tâm. Tuyên bố khẳng định NAM cần tập trung vào những vấn đề giúp tăng cường đoàn kết, giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng việc củng cố hơn nữa quan điểm chung giữa các thành viên. Các ngoại trưởng một lần nữa cam kết tăng cường các hoạt động tập thể của NAM, tăng cường vai trò lãnh đạo của phong trào này trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển.
Tuyên bố chung Ba-li đưa ra một loạt mục tiêu và nguyên tắc mà NAM sẽ xúc tiến trong tương lai, trong đó có mục tiêu hướng tới một thế giới an toàn hơn, tạo ra một thế giới đa cực, loại bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt lên bất cứ quốc gia thành viên nào của NAM, phản đối mọi hành động nhằm làm thay đổi các chính phủ hoặc những âm mưu thay đổi chế độ. Tuyên bố chung Ba-li khẳng định sự ủng hộ quyền tự do của nhân dân Pa-le-xtin, phát triển sâu rộng hợp tác Nam-Nam và tăng cường sự phối hợp với Nhóm các nước đang phát triển G77 và Trung Quốc, đấu tranh chống khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước Không liên kết và đang phát triển. Sau khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc. Từ khi tham gia Phong trào, Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, phối hợp chặt chẽ các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết, đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; tích cực tham gia các hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị; đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia vào Phong trào Không liên kết, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế.
Với tiềm lực của 120 nước thành viên, Việt Nam cũng như các nước thành viên của Phong trào tin tưởng, NAM sẽ có sức mạnh to lớn hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, công lý và thịnh vượng trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI./.

Thùy Linh