Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

53. Cộng đồng ASEAN năm 2015


LTS. Cộng đồng ASEAN đang là chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận về tương lai ASEAN. Tinh thần "Cộng đồng" cũng đang là động lực tác động mạnh mẽ đến các chương trình hợp tác giữa các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN sẽ hoàn thiện đến đâu và liệu Cộng đồng đã là mô hình tối ưu của liên kết khu vực?

Từ ý tưởng đến mục tiêu
Ngay từ khi quyết định gắn kết với nhau, các nước khu vực đã nói tới mục tiêu "tăng cường nền tảng cho một cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng" trong Tuyên bố Bangkok, thành lập ASEAN năm 1967. Ý tưởng "Cộng đồng ASEAN" được chính thức hoá tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tháng 10/2003, khi các lãnh đạo Hiệp hội ký Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II), khẳng định Cộng đồng ASEAN được xây dựng trên ba trụ cột là hợp tác chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hoá-xã hội. Trong quá trình phát triển hơn 40 năm qua của ASEAN, cụm từ "cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á" liên tục được nhắc đến trong nhiều văn kiện quan trọng, và ngày càng được cụ thể hóa về nội dung.
Sự phát triển khái niệm này có thể được chia làm hai giai đoạn: Từ Tuyên bố Bangkok đến Tuyên bố Bali II: cộng đồng mà ASEAN xây dựng là "cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á sống hòa bình với nhau". Nói cách khác, các quốc gia khu vực trong giai đoạn này muốn tạo ra một quần thể các nước Đông Nam Á tập hợp lại để cùng tồn tại. Mục đích chính của ASEAN vẫn là duy trì hòa bình với các láng giềng khu vực, tránh các xung đột hoặc can thiệp từ bên ngoài. Tính chất cộng đồng vẫn là tập hợp các cá thể độc lập, vì vậy tương đối lỏng lẻo.
Từ Tuyên bố Bali II đến Hiến chương ASEAN: cộng đồng mà ASEAN hướng tới là "Cộng đồng ASEAN" không những chung sống hòa bình mà còn "đùm bọc và chia sẻ", đoàn kết vì "một tầm nhìn, một bản sắc" và gắn bó với nhau không chỉ bởi "vị trí địa lý" mà còn bởi "mục tiêu và vận mệnh chung". Cộng đồng ASEAN không còn coi "sự đa dạng phong phú" của các nước thành viên là một thực tế phải chấp nhận mà quyết tâm "chuyển sự đa dạng về văn hóa và sự khác biệt của ASEAN thành thịnh vượng và các cơ hội phát triển công bằng trong một môi trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp". Như vậy, mục tiêu mà ASEAN đang hướng tới là một gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển…
Vào cuối năm 1997 đầu năm 1998, cơn bão khủng hoảng tài chính tấn công dữ dội nhiều nước ASEAN và có nguy cơ thổi bùng những bất ổn trong nội bộ khối cũng như giữa các nước thành viên với nhau. Giữa lúc đó, Tầm nhìn ASEAN 2020 được đưa ra và được xem như một liều thuốc trấn an, kêu gọi các nước ASEAN hướng về mục tiêu chung để củng cố tinh thần đoàn kết. Tầm nhìn ASEAN 2020 chính là văn kiện đánh dấu bước chuyển mình của ASEAN từ ý tưởng xây dựng cộng đồng sang mục tiêu hướng tới Cộng đồng.
Từ mục tiêu tới hiện thực
Hình ảnh của một Cộng đồng ASEAN (AC) đang dần rõ nét trong việc thực hiện các chương trình và kế hoạch hành động cụ thể nhằm xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hoá Xã hội (ASCC). Một cách lạc quan, vào năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, Đông Nam Á sẽ là một khu vực hoà bình, tự do và trung lập, các tranh chấp về lãnh thổ cũng như các khác biệt khác sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình. Liên kết kinh tế ASEAN sẽ chặt chẽ hơn qua việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư (AIA); các mạng lưới đường bộ, năng lượng trong ASEAN được hình thành; sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn về thị trường vốn và tiền tệ; và khoảng cách phát triển giữa các thành viên được thu hẹp. ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế phát triển năng động, bền vững và có sức cạnh tranh cao. ASEAN sẽ trở thành một tổ chức có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh việc bản sắc riêng của mỗi dân tộc được gìn giữ, một bản sắc chung của ASEAN cũng sẽ hình thành. ASEAN sẽ có quan hệ rộng mở với bên ngoài, có vai trò quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, có quan hệ ngày càng tăng với tất cả các bên đối thoại, các tổ chức quốc tế và khu vực khác. Nhưng, để tham vọng đó thành hiện thực, liệu AC có thực sự là kiến trúc tối ưu cho hợp tác ASEAN? Các trụ cột AC có đạt được các mức độ phát triển tương ứng để có thể hỗ trợ tối đa cho nhau?
Về chính trị - an ninh, APSC sẽ tiếp tục dựa chủ yếu vào các cơ chế trao đổi hợp tác sẵn có. Điều 2 Hiến chương ASEAN cũng khẳng định các nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên" sẽ được duy trì như là nền tảng của hợp tác chính trị - an ninh. Như vậy, APSC khi hình thành sẽ chỉ đưa hợp tác an ninh-chính trị ASEAN tới giai đoạn phát triển và sẽ dừng lại ở đó cho tới khi nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ASEAN chưa bị thỏa hiệp. ASEAN chưa thể chuyển sang giai đoạn trưởng thành của một cộng đồng an ninh trong đó hiện diện sự thể chế hóa cao và ở cấp độ hình thành một chính phủ siêu quốc gia.
Về kinh tế, mặc dù mục tiêu của ASEAN hướng tới cả ba mô hình liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh kinh tế, AEC lại không đáp ứng được hoàn toàn tất cả các tiêu chuẩn của các mô hình này. AEC chưa thể hiện xu hướng tiến đến mô hình cao nhất của hội nhập kinh tế là liên minh kinh tế. Việc phối hợp chính sách kinh tế đang chỉ ở bước đầu trong khi Kế hoạch tổng thể AEC đã chỉ rõ quy trình ra quyết định bởi các cơ quan kinh tế trong ASEAN sẽ dựa trên đồng thuận. ASEAN cũng bắt đầu phối hợp và xây dựng các chính sách chung cho khu vực như hướng tới thành lập Cửa ngõ Hải quan trực tuyến ASEAN (ASEAN e-Customs), Hiệp định Bao quát về Đầu tư ASEAN (ACIA)…Như vậy, AEC dường như đang bước tắt từ hình thành liên minh thuế quan sang thành lập thị trường chung.
Về văn hóa - xã hội, mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Tuy nhiên, Kế hoạch tổng thể ASCC chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng về văn hóa, lịch sử, thể chế… của các quốc gia ASEAN; trong khi đó, những đặc điểm nào sẽ là bản sắc chung ASEAN vẫn chưa được xây dựng thành khái niệm rõ ràng. Như vậy, trong mục tiêu "hòa nhập trong đa dạng" của ASCC thì mặt "đa dạng" vẫn rõ nét hơn mặt "hòa nhập".
Ngoài ra, quá trình xây dựng ASC cũng gặp nhiều khó khăn. Một mặt, những vấn đề cơ bản, phần nào mang tính quyết định quá trình xây dựng Cộng đồng an ninh, như thay đổi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tiến hành đăng kiểm vũ khí ASEAN, lập lực lượng gìn giữ hoà bình thường trực của ASEAN…vẫn gây nhiều tranh cãi và đe doạ tình đoàn kết, hợp tác trong ASEAN. Mặt khác, các nước thành viên vẫn lo ngại tác động của ASC đến quan hệ với các nước Đối thoại, đặc biệt là các nước lớn.
Quá trình xây dựng AEC cũng phải đối mặt với ba trở ngại lớn. Một, đó là vấn đề khoảng cách phát triển. Vấn đề khác biệt về định lượng (GNP, GDP bình quân đầu người…) có thể khắc phục theo thời gian, nhưng những khác biệt về chất (thể chế, chính sách…) thì không dễ dàng. Hai, thị trường ASEAN là một thị trường 'cộng' chứ không hoàn toàn 'hoà nhập' của tất cả thị trường các nước thành viên, với những chính sách kinh tế không công khai, phát triển ở nhiều cấp độ, lại chủ yếu hướng ra bên ngoài chứ không phải vào thị trường nội khối. Ba, ASEAN không có một nền kinh tế đầu tầu và một đồng tiền mạnh để dẫn dắt khu vực. Trong khi đó, viễn cảnh một "cộng đồng kinh tế Đông Á" lại tỏ ra hấp dẫn hơn AEC do khu vực này có hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong quá trình xây dựng ASCC cũng gặp nhiều trở ngại. Thứ nhất, sự khác biệt về chế độ chính trị và hệ tư tưởng giữa các nước ASEAN là một trở ngại không dễ gì vượt qua. Điều này có thể tạo ra phân cực chính trị hay duy trì tình trạng lỏng lẻo trong liên kết các xã hội ASEAN. Thứ hai, sự tồn tại nhiều cấp độ dân chủ và sự quá đa dạng về tôn giáo, sắc tộc sẽ ít nhiều cản trở liên kết văn hóa - xã hội trong ASEAN.
Cần đồng thuận và nỗ lực của các thành viên
Tiến tới được Cộng đồng ASEAN là khó khăn, nhưng với quyết tâm, ASEAN hiểu rõ rằng họ không có sự lựa chọn nào khác là phải gắn kết, dùng sức mạnh tập thể đối trọng lại các sức ép bên ngoài. ASEAN cũng có nhiều điểm thuận lợi để thực hiện ước mơ tiến tới Cộng đồng. Thứ nhất, về kinh tế, các chương trình hợp tác kinh tế đã có là những nền tảng tốt cho những bước tiến xa hơn trong tiến trình liên kết kinh tế. Thứ hai, về an ninh-chính trị, các tranh chấp song phương và đa phương giữa các nước thành viên đã được giải quyết phần nào, và các qui tắc ứng xử được trải nghiệm trong thực tế phát triển của Hiệp hội là những cơ sở vững chắc tiến tới một liên kết an ninh. Thứ ba, các chương trình hợp tác và liên kết đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc, đó là thuận lợi căn bản cho việc xây dựng liên kết văn hóa - xã hội ASEAN. Thứ tư, ASEAN đã có các cơ chế thúc đẩy hợp tác và không ngừng được hoàn thiện. Hiến chương ASEAN đã ra đời, các Hội đồng Cộng đồng đã được thành lập, và các Kế hoạch tổng thể và Đề cương cụ thể xây dựng APSC, AEC và ASCC đang được triển khai, đó là những nền tảng cơ bản cho niềm tin vào hiện thực của AC.
Để đi từ ý tưởng đến hiện thực Cộng đồng ASEAN, ASEAN còn cần sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các nước thành viên, từng bước đưa Tầm nhìn vào chương trình hành động cụ thể. Việc xây dựng AC đánh dấu giai đoạn phát triển mới của hợp tác trong ASEAN. Hiệp hội này đã sẵn sàng cho một bước tiến cao hơn bởi xây dựng AC sẽ giúp ASEAN có nội lực mạnh mẽ để mở rộng hội nhập và liên kết với ngoài ASEAN, giúp ASEAN có tiếng nói và tự tin hơn trong đối thoại và hợp tác với các nước đối tác, trở thành một nhân tố không chỉ hấp dẫn mà còn quan trọng, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xây dựng Cộng đồng ASEAN chưa phải là bước tiến cao nhất và chưa phải là điểm dừng của liên kết ASEAN. n
Luận Thùy Dương* - Lê Thùy Trang
* Tác giả là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao - Bộ Ngoại giao
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2010/6/462689BF627CF96B/