Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

40. Khủng bố cực hữu


LTS. Na Uy vốn nổi tiếng là một xứ sở yên bình với xã hội cởi mở và người dân tự hào được sống trong bầu không khí an toàn và tự do bậc nhất châu Âu. Nhưng bầu không khí này dường như đã bị vụ khủng bố kép đẫm máu ngày 22/7 phá vỡ hoàn toàn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến "thảm họa quốc gia" này? Khủng bố vì mục đích gì và liệu có ai đứng đằng sau tên sát thủ máu lạnh này không đang đặt ra những câu hỏi rất khó trả lời.

Thảm họa kép mà như đương kim Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg tuyên bố là "Thảm họa quốc gia tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II" ở trung tâm Thủ đô Oslo và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng 77 người có thể được coi là vụ 11/9 của Na Uy. Đã từ lâu, đất nước Na Uy thanh bình này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự. Bởi thế, vụ tấn công kép ngày 22/7 đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ khủng bố cực hữu vốn đang bị lãng quên ở châu Âu nay đã bắt đầu trỗi dậy. Hoặc nếu không hoàn toàn như vậy, thì các vụ tấn công này cũng cảnh báo những âm mưu chia rẽ chính trị và mất ổn định nghiêm trọng trong lòng châu Âu vốn đang có nhiều vết rạn.
Đâu là động cơ?
Hung thủ Anders Behring Breivik thừa nhận đã đặt bom tại khu trung tâm Thủ đô Oslo của Na Uy, sau đó điên cuồng xả súng tại trại họp mặt của đoàn thanh niên Đảng Lao động cầm quyền trên đảo Utoeya. Các tài liệu thủ phạm từng viết và đưa lên internet trước đó sặc mùi cực hữu với các tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo và chống lại xã hội đa văn hóa. Breivik công khai bày tỏ ý định "dùng chủ nghĩa khủng bố như phương tiện làm thức tỉnh công chúng". Breivik gần như "phác họa" những hành động tàn bạo của mình trong các tập tài liệu công khai trên internet từ cách đây vài năm nhưng không một cơ quan an ninh Na Uy nào phát hiện ra.
Nhận định về hai cuộc tấn công này, mạng phân tích tình báo "Stralfor" đã đưa ra một số giả thuyết: Thứ nhất, có thể các chiến binh Hồi giáo có căn cứ tại Na Uy đứng đằng sau các cuộc tấn công này nhằm gia tăng sự ủng hộ của công chúng đối với phe cực hữu tại Bắc Âu, thúc đẩy họ trở thành một xu hướng chính trị chủ đạo và gây ảnh hưởng đến chính phủ. Thứ hai, các cuộc tấn công này được thực hiện bởi một nhóm khủng bố quốc tế thâm nhập vào Na Uy nhằm phá vỡ Hiệp ước Schengen, một biểu tượng thống nhất của châu Âu. Thứ ba, là các cuộc tấn công này có liên quan đến việc Na Uy tham chiến tại Libya. Hoặc cũng có thể, cuộc tấn công này chỉ là hành động riêng của tên sát thủ máu lạnh Behring Breivik nhằm chống lại Đảng Lao động của đương kim Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg.
Tuy nhiên, theo tạp chí Focus (Đức) cũng như các phân tích của cảnh sát Na Uy từ các dấu hiệu thì nguyên nhân vụ việc có thể "không mang tính chất khủng bố" mà "rõ ràng là âm mưu chính trị" nhằm vào Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg và Đảng Lao động. Các phân tích này cho rằng các tòa nhà bị đánh bom đều thuộc chính phủ và vụ xả súng vào những người tham dự trại hè trên đảo Utoeya cũng là sự kiện do Đảng Lao động tổ chức và Thủ tướng Jens Stoltenberg có lịch đến dự vào ngày 23/7. Những phân tích này đã khiến nhiều người nghiêng về giả thuyết cho rằng các vụ tấn công dù của cá nhân, hay có tổ chức đứng đằng sau đều mang động cơ chính trị hơn là âm mưu reo rắc nỗi sợ hãi trên diện rộng của chủ nghĩa khủng bố.
Nguồn gốc lịch sử
Reuters dẫn lời một số chuyên gia nhận định vụ tấn công kép ngày 22/7 có thể xem là một sự kiện "Oklahoma của châu Âu". Năm 1995, phần tử cực hữu Timothy McVeigh gài bom vào xe hơi trước một tòa nhà ở thành phố Oklahoma của Mỹ làm 168 người thiệt mạng. Trước vụ tấn công chấn động này, Washington cũng không kiểm soát gắt gao hoạt động của các băng nhóm cực hữu, tương tự như tại châu Âu khoảng 10 năm trở lại đây.
Một bản báo cáo của Interpol năm 2010 đánh giá các băng nhóm cực hữu đang hoạt động mạnh hơn, đặc biệt trong việc truyền bá tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo, bài Do Thái và nhận định "đây vẫn là mối đe dọa cho các nước EU".
Luồng nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Phi đến châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng đang tăng mạnh, đi kèm theo đó là những hệ lụy xã hội khá phức tạp. Riêng tại Na Uy, số dân nhập cư tăng vọt từ giữa thập niên 1990 và hiện vào khoảng 500.000 người, tức 10% dân số nước này.
Mặt khác, khủng hoảng toàn cầu cũng khiến người dân Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… vốn có mức sống rất cao phải âu lo hơn về chuyện kinh tế. Những yếu tố này là "chất xúc tác" khiến phong trào cực hữu phát triển mạnh, đặc biệt từ hơn 1 năm nay. Cực hữu len lỏi vào Quốc hội Hungary, vươn lên mạnh mẽ tại kỳ tổng tuyển cử ở Hà Lan, tham gia vào Chính phủ Đan Mạch, giành thắng lợi tại Phần Lan…
Trong báo cáo hồi tháng 2/2011, Cơ quan an ninh Na Uy (PST) cũng bày tỏ lo ngại vì các tổ chức cực hữu đang tăng cường hoạt động. Theo PST, các phần tử cực hữu Na Uy có nhiều mối liên hệ với cực hữu Thụy Điển và một số nước châu Âu khác, kể cả Nga. Mà những tên đầu trọc phát xít mới tại Nga thì khét tiếng với những vụ hành hung, giết hại người nước ngoài. Nếu không có kế hoạch ngăn chặn hữu hiệu, những vụ tấn công đơn lẻ sẽ phát triển và biến tướng thành hành động có hệ thống và các phần tử cực hữu sẽ trở thành khủng bố thực thụ. Tờ Novoie Vremia dẫn lời đại diện Văn phòng nhân quyền Mátxcơva nhấn mạnh: "Những băng nhóm này được trang bị vũ khí, huấn luyện đặc biệt và chế tạo thuốc nổ. Chúng có thể là mối đe dọa thật sự đối với an ninh chung".
Ngày càng chuyên nghiệp
Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) nhận định phong trào cực hữu cũng đang trở nên ngày càng chuyên nghiệp trong việc tung ra chương trình tuyên truyền trực tuyến về việc bài ngoại, làm tăng ý thức dân tộc chủ nghĩa trên mạng xã hội trực tuyến.
Báo cáo của Europol có đoạn viết: "Mặc dù mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cánh hữu dường như vẫn còn chưa rõ nét và số lượng những vụ phạm tội hình sự do những kẻ cực đoan cánh hữu là tương đối thấp, thì sự chuyên nghiệp trong việc tuyên truyền và tổ chức của chúng cũng cho thấy các nhóm cực đoan cánh hữu có ý muốn mở rộng và gieo rắc ý thức hệ của mình cũng như vẫn là mối đe dọa đối với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)".
Nếu tình trạng bất ổn trong thế giới Ảrập, đặc biệt là ở Bắc Phi, dẫn tới một lượng lớn người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, "chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và chủ nghĩa khủng bố có thể có thêm cớ để gieo rắc nỗi sợ hãi hơn nữa về tình trạng nhập cư từ các nước Hồi giáo vào châu Âu".
Việc thể hiện công khai chủ nghĩa cực đoan cánh hữu có thể thường kéo theo hành động trả đũa từ các nhóm cánh tả cực đoan. Những cuộc đối đầu như vậy thường kéo theo tình trạng bạo lực.
Trong một báo cáo triển vọng an ninh quốc gia 2011 do Cơ quan an ninh cảnh sát Na Uy công bố hồi tháng 2/2011 viết: "Những kẻ cực đoan cánh hữu Na Uy đang tiếp xúc với những kẻ cực đoan cánh hữu Thụy Điển cũng như các nhóm cực đoan cánh hữu khác ở châu Âu. Cuộc tiếp xúc cũng có thể được thực hiện ngay giữa các kẻ cực đoan cực hữu Na Uy và Nga. Việc gia tăng hoạt động trong số một nhóm bài đạo Hồi có thể dẫn tới tình trạng phân cực và bất ổn gia tăng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra hoặc có liên quan tới các cuộc biểu tình".
Tại Anh, những quan chức cảnh sát hàng đầu và các nhóm Hồi giáo cũng đang lo lắng về các vụ tấn công ngày càng gia tăng của các nhóm cực hữu. Năm 2009, phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn an toàn cho người Hồi giáo, một sĩ quan cấp cao, chỉ huy Shaun Sawyer, thuộc đơn vị chống khủng bố ở London, cho biết các sĩ quan cấp cao nước ông đang phải tăng cường giám sát những kẻ tình nghi để xem chúng có khả năng tiến hành các vụ tấn công hay không.
Một bài phân tích của Michael Whine, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và quốc tế tại cơ quan phụ trách an ninh cộng đồng người Do Thái ở Anh, cho rằng việc sẵn sàng sử dụng bạo lực cực đoan để bảo vệ "các giá trị" châu Âu rõ ràng là ý thức hệ của nhiều tổ chức cực hữu.
Thiên đường phải thay đổi
Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, nước này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya. Chính sách đối ngoại ôn hoà truyền thống của Na Uy nhìn chung không khiến cho nước này có nhiều kẻ thù. Các nhà ngoại giao Na Uy trước đây thường nói rằng việc đánh bắt và kinh doanh thịt cá voi chính là vấn đề gây tranh cãi duy nhất của nước này khi họ tiếp xúc cộng đồng quốc tế.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, các nước châu Âu tăng cường công tác an ninh nhưng hầu như chỉ tập trung vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Nguy cơ từ các băng nhóm cực hữu thường chỉ được đánh giá ở mức "gây rối trật tự công cộng". Hầu như ít có cơ quan cảnh sát nào ở châu Âu đưa hoạt động cực hữu vào danh mục khủng bố. Trong khi đó, khi bị kích động, những kẻ như Breivik hoàn toàn có thể gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng như vừa qua.
Một nguyên nhân khác ngoài "nỗi ám ảnh Al-Qaeda" khiến cảnh sát châu Âu đánh giá thấp mối đe dọa của khủng bố cực hữu là các phần tử này thường hành động đơn lẻ. Các đảng phái, băng nhóm chỉ đóng vai trò truyền bá tư tưởng, chứ không phối hợp tổ chức các vụ tấn công như những mạng lưới khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ngoài vụ Oklahoma, năm 1999, David Copeland, một kẻ theo trường phái phát xít mới người Anh, đã đặt bom tại khu nhà của dân nhập cư và đồng tính ở London làm 3 người thiệt mạng. Trong thảm kịch ở Na Uy, Anders Behring Breivik cũng khẳng định chỉ thực hiện một mình.
Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.
Đa phần những thông tin cá nhân của người dân Na Uy cũng để mở nên hầu như hiếm người có địa chỉ hay số điện thoại bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống. Trên đó còn có chứa đựng cả chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của họ.
Nhưng sau vụ 22/7 vừa qua, phải chăng đã đến lúc các thiên đường được mệnh danh ở phương Tây phải thay đổi.
Tại phiên tòa kín diễn ra hôm 25/7, Breivik đã nói với quan tòa: "Tôi không thể để mảnh đất này (Na Uy) bị những kẻ Hồi giáo thực dân hóa". Những lời phát biểu tương tự như vậy từng được Breivik đưa ra trong một bản tuyên bố dài tới 1.500 trang mà hắn đã đăng tải lên mạng internet hôm 22/7, nhiều giờ trước khi tiến hành hai vụ tấn công. Trong bản tuyên bố này, y thể hiện sự giận dữ của mình đối với chủ nghĩa đa văn hóa và Đạo Hồi, đồng thời y cũng bộc lộ những quan điểm cực hữu.
Trong bối cảnh rất nhiều các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng nợ công chồng chất và tăng trưởng thấp, những khó khăn về kinh tế có thể khiến một thiểu số những người bị vỡ mộng có các hành động chính trị và tư tưởng cực đoan.
Với dân số chỉ có 4,8 triệu người, trữ lượng dầu mỏ ngoài khơi phong phú, một nền kinh tế năng động và mức độ minh bạch cao, Na Uy hiện là một quốc gia giàu có và ổn định với hệ thống phúc lợi xã hội dồi dào. Tuy nhiên, hai vụ tấn công mới đây đã buộc các nhà lãnh đạo của nước này phải chú ý tới mối đe dọa khủng bố từ những kẻ cánh hữu và giải quyết sự bất mãn của xã hội.
Đình Hùng


Chủ nghĩa cực hữu mới: Thế hệ khủng bố thứ 3
Mỗi ngày, báo chí lại đưa vô số tin về các vụ tấn công khủng bố liên tục vào người vô tội do một nhóm cực đoan nào đó tiến hành. Những kẻ khủng bố này có thể là các phần tử cực đoan thuộc cánh tả hoặc cánh hữu, giết người vì mục đích chính trị hay tôn giáo, nhân danh Thánh Allah hoặc Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, khủng bố thời nay khác xưa ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, các phần tử khủng bố ngày nay luôn tôn thờ cái chết. Trong lịch sử, các chiến binh ra trận và chỉ tử nạn khi cần, còn thì luôn tìm mọi cách để sống sót trở về. Còn các phần tử đánh bom tự sát ngày nay không mong mình sống sót, thậm chí còn không nghĩ đến kế hoạch thoái lui. Sự tôn sùng cái chết khởi phát trên toàn cầu từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 của Al Qaeda, nhưng trong 10 năm qua đã được nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau áp dụng.
Những kẻ cướp máy bay ở nước Mỹ hôm đó đã bỏ thời gian học lái Boeing 747, nhưng lại bỏ qua bài học hạ cánh an toàn, bởi chúng chỉ tính tới cái chết. Năm 2008, M.M.Akef, một trong những người sáng lập và sau này là thủ lĩnh của nhóm Anh em Hồi giáo, đã hô hào lớp trẻ "trở thành những chiến binh mong được chết cũng ngang với mong được sống". Với chúng, "tử vì đạo" giúp chúng có vé vào cửa Thiên đường. Vì vậy, các thủ lĩnh cực đoan xem đó là lợi thế của mình.
Thứ hai, khủng bố ngày nay dù là cực đoan Hồi giáo hay cực đoan cánh hữu đều không phân biệt mục tiêu là quân sự hay dân sự. Những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan quan niệm bất cứ ai thuộc nền văn hóa thù địch cũng là kẻ thù, có nghĩa tất cả có thể là kẻ thù, không trừ đàn ông, phụ nữ, người già hay trẻ em.
Cuối cùng, chủ nghĩa khủng bố là một cuộc chiến không có nguyên tắc. Chúng không lo lắng về thương vong dù của phe mình hay kẻ thù. Nếu các chiến binh chết khi tấn công tự sát, họ được cho là sẽ lên thiên đường.
Sau khi trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt, một thế hệ khủng bố Hồi giáo thứ hai đã ra đời và phát triển chi nhánh khắp thế giới, từ Pakistan, Somalia, Yemen đến cả châu Âu. Các phần tử khủng bố thế hệ hai này đã chứng tỏ khả năng thích nghi và sáng tạo. Theo giới tình báo Mỹ, chúng hiện là nguy cơ lớn với nước Mỹ, còn hơn cả Al Qaeda trước đây. Mặc dù chúng chưa tiến hành vụ tấn công quy mô nào ngang vụ 11/9, song sự thật là những kẻ này chỉ cần thành công một lần là đã chiến thắng, trong khi lực lượng chống khủng bố không được quyền sai sót.
Hiện đang nổi lên một thế hệ khủng bố thứ ba - những kẻ dường như ít dính líu vào các phong trào quốc tế, thích sống một mình, tự phát triển học thuyết cực đoan của mình và tìm đến với chủ nghĩa khủng bố qua internet. Chúng không cần đến những trại huấn luyện tại Pakistan, và cũng chẳng có kinh nghiệm chính trị. Một trong những biểu hiện của làn sóng khủng bố mới này chính là vụ tấn công của Anders Behring Breivik ở Oslo (Na Uy) vừa qua. Làn sóng này kết hợp cả ba đặc điểm nguy hiểm của khủng bố Hồi giáo - tôn sùng cái chết, tấn công dân thường và không có nguyên tắc - cộng thêm một yếu tố mới: kẻ tấn công có thể là bất kỳ ai, có thể là đối tượng ở sát vách với bạn!
Nguyễn Kim (Theo Fox news)



Bài học cho châu Âu
Sau cuộc thảm sát kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 100 người tại Na Uy - "nơi bình yên nhất địa cầu" - hôm 22/7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực thức tỉnh và chống lại chủ nghĩa bài ngoại đang lan rộng.
Đáng báo động là không ít người châu Âu có chung quan điểm chống Hồi giáo và người nhập cư gốc Bắc Phi giống tên sát thủ máu lạnh Anders Behring Breivik, như lời thừa nhận của một số nhà lãnh đạo châu Âu. Trong khi đó, "quá ít nhà lãnh đạo dám đứng lên bênh vực cho chủ nghĩa đa văn hóa, cho một xã hội cởi mở, dân chủ và khoan dung", Cao ủy Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem chỉ trích các nhà lãnh đạo trong thời gian qua đã im lặng để mặc cho làn sóng bài ngoại và những luồng tư tưởng cựu hữu, cực đoan lan rộng khắp khu vực.
Bên cạnh đó, CSMoniter cho rằng, bài học về chính sách nhập cư là rõ ràng khi mà sát thủ Breivik ngụy biện cho hành vi giết người cuồng loạn của mình là "một hiệu lệnh" buộc chính quyền Na Uy phải thay đổi chính sách nhập cư tự do và lỏng lẻo, đặc biệt là với người Hồi giáo. Trước đó, Na Uy được xem là đất nước có chính sách nhập cư dễ nhất châu Âu cộng thêm các chế độ phúc lợi xã hội tốt và mức sống cao khiến cho lượng người nhập cư vào Na Uy cao gần gấp ba lần ở giai đoạn giữa năm 1995 và 2010.
Còn theo AFP, vụ thảm sát đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước châu Âu về việc thắt chặt quy định sở hữu súng cá nhân và việc mua bán vật liệu có thể sử dụng để chế tạo thuốc nổ. Nhiều quốc gia châu Âu cho biết đã sẵn sàng cân nhắc về những dự luật mới liên quan. Thực tế, các cá nhân sở hữu vũ khí khá phổ biến ở châu Âu. Tại Phần Lan, cứ 100 người thì có 45 người đăng ký sở hữu ít nhất một loại vũ khí, con số này ở Thụy Điển là 32 và Na Uy là 31.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, chính sách an ninh đang tồn tại quá nhiều vấn đề - nguyên nhân chính khiến Na Uy bị động trước các cuộc tấn công vừa qua - cần phải được cải thiện. Những tài liệu ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ trên Wikileaks cho thấy Na Uy thất bại trong việc theo dõi các nhóm chiến binh Hồi giáo nguy hiểm lẩn trốn xung quanh đất nước và các cuộc tấn công vừa qua lại chứng minh thêm một điều nữa là bộ máy an ninh của Na Uy rõ ràng thất bại trong việc phát hiện các mối đe dọa nội địa.
Thy Lam
Số 244: Khủng bố cực hữu
LTS. Na Uy vốn nổi tiếng là một xứ sở yên bình với xã hội cởi mở và người dân tự hào được sống trong bầu không khí an toàn và tự do bậc nhất châu Âu. Nhưng bầu không khí này dường như đã bị vụ khủng bố kép đẫm máu ngày 22/7 phá vỡ hoàn toàn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến "thảm họa quốc gia" này? Khủng bố vì mục đích gì và liệu có ai đứng đằng sau tên sát thủ máu lạnh này không đang đặt ra những câu hỏi rất khó trả lời.

Thảm họa kép mà như đương kim Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg tuyên bố là "Thảm họa quốc gia tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II" ở trung tâm Thủ đô Oslo và đặc biệt là vụ xả súng trên đảo Utoeya cướp đi sinh mạng 77 người có thể được coi là vụ 11/9 của Na Uy. Đã từ lâu, đất nước Na Uy thanh bình này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự. Bởi thế, vụ tấn công kép ngày 22/7 đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ khủng bố cực hữu vốn đang bị lãng quên ở châu Âu nay đã bắt đầu trỗi dậy. Hoặc nếu không hoàn toàn như vậy, thì các vụ tấn công này cũng cảnh báo những âm mưu chia rẽ chính trị và mất ổn định nghiêm trọng trong lòng châu Âu vốn đang có nhiều vết rạn.
Đâu là động cơ?
Hung thủ Anders Behring Breivik thừa nhận đã đặt bom tại khu trung tâm Thủ đô Oslo của Na Uy, sau đó điên cuồng xả súng tại trại họp mặt của đoàn thanh niên Đảng Lao động cầm quyền trên đảo Utoeya. Các tài liệu thủ phạm từng viết và đưa lên internet trước đó sặc mùi cực hữu với các tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo và chống lại xã hội đa văn hóa. Breivik công khai bày tỏ ý định "dùng chủ nghĩa khủng bố như phương tiện làm thức tỉnh công chúng". Breivik gần như "phác họa" những hành động tàn bạo của mình trong các tập tài liệu công khai trên internet từ cách đây vài năm nhưng không một cơ quan an ninh Na Uy nào phát hiện ra.
Nhận định về hai cuộc tấn công này, mạng phân tích tình báo "Stralfor" đã đưa ra một số giả thuyết: Thứ nhất, có thể các chiến binh Hồi giáo có căn cứ tại Na Uy đứng đằng sau các cuộc tấn công này nhằm gia tăng sự ủng hộ của công chúng đối với phe cực hữu tại Bắc Âu, thúc đẩy họ trở thành một xu hướng chính trị chủ đạo và gây ảnh hưởng đến chính phủ. Thứ hai, các cuộc tấn công này được thực hiện bởi một nhóm khủng bố quốc tế thâm nhập vào Na Uy nhằm phá vỡ Hiệp ước Schengen, một biểu tượng thống nhất của châu Âu. Thứ ba, là các cuộc tấn công này có liên quan đến việc Na Uy tham chiến tại Libya. Hoặc cũng có thể, cuộc tấn công này chỉ là hành động riêng của tên sát thủ máu lạnh Behring Breivik nhằm chống lại Đảng Lao động của đương kim Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg.
Tuy nhiên, theo tạp chí Focus (Đức) cũng như các phân tích của cảnh sát Na Uy từ các dấu hiệu thì nguyên nhân vụ việc có thể "không mang tính chất khủng bố" mà "rõ ràng là âm mưu chính trị" nhằm vào Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg và Đảng Lao động. Các phân tích này cho rằng các tòa nhà bị đánh bom đều thuộc chính phủ và vụ xả súng vào những người tham dự trại hè trên đảo Utoeya cũng là sự kiện do Đảng Lao động tổ chức và Thủ tướng Jens Stoltenberg có lịch đến dự vào ngày 23/7. Những phân tích này đã khiến nhiều người nghiêng về giả thuyết cho rằng các vụ tấn công dù của cá nhân, hay có tổ chức đứng đằng sau đều mang động cơ chính trị hơn là âm mưu reo rắc nỗi sợ hãi trên diện rộng của chủ nghĩa khủng bố.
Nguồn gốc lịch sử
Reuters dẫn lời một số chuyên gia nhận định vụ tấn công kép ngày 22/7 có thể xem là một sự kiện "Oklahoma của châu Âu". Năm 1995, phần tử cực hữu Timothy McVeigh gài bom vào xe hơi trước một tòa nhà ở thành phố Oklahoma của Mỹ làm 168 người thiệt mạng. Trước vụ tấn công chấn động này, Washington cũng không kiểm soát gắt gao hoạt động của các băng nhóm cực hữu, tương tự như tại châu Âu khoảng 10 năm trở lại đây.
Một bản báo cáo của Interpol năm 2010 đánh giá các băng nhóm cực hữu đang hoạt động mạnh hơn, đặc biệt trong việc truyền bá tư tưởng bài ngoại, bài Hồi giáo, bài Do Thái và nhận định "đây vẫn là mối đe dọa cho các nước EU".
Luồng nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Phi đến châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng đang tăng mạnh, đi kèm theo đó là những hệ lụy xã hội khá phức tạp. Riêng tại Na Uy, số dân nhập cư tăng vọt từ giữa thập niên 1990 và hiện vào khoảng 500.000 người, tức 10% dân số nước này.
Mặt khác, khủng hoảng toàn cầu cũng khiến người dân Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… vốn có mức sống rất cao phải âu lo hơn về chuyện kinh tế. Những yếu tố này là "chất xúc tác" khiến phong trào cực hữu phát triển mạnh, đặc biệt từ hơn 1 năm nay. Cực hữu len lỏi vào Quốc hội Hungary, vươn lên mạnh mẽ tại kỳ tổng tuyển cử ở Hà Lan, tham gia vào Chính phủ Đan Mạch, giành thắng lợi tại Phần Lan…
Trong báo cáo hồi tháng 2/2011, Cơ quan an ninh Na Uy (PST) cũng bày tỏ lo ngại vì các tổ chức cực hữu đang tăng cường hoạt động. Theo PST, các phần tử cực hữu Na Uy có nhiều mối liên hệ với cực hữu Thụy Điển và một số nước châu Âu khác, kể cả Nga. Mà những tên đầu trọc phát xít mới tại Nga thì khét tiếng với những vụ hành hung, giết hại người nước ngoài. Nếu không có kế hoạch ngăn chặn hữu hiệu, những vụ tấn công đơn lẻ sẽ phát triển và biến tướng thành hành động có hệ thống và các phần tử cực hữu sẽ trở thành khủng bố thực thụ. Tờ Novoie Vremia dẫn lời đại diện Văn phòng nhân quyền Mátxcơva nhấn mạnh: "Những băng nhóm này được trang bị vũ khí, huấn luyện đặc biệt và chế tạo thuốc nổ. Chúng có thể là mối đe dọa thật sự đối với an ninh chung".
Ngày càng chuyên nghiệp
Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) nhận định phong trào cực hữu cũng đang trở nên ngày càng chuyên nghiệp trong việc tung ra chương trình tuyên truyền trực tuyến về việc bài ngoại, làm tăng ý thức dân tộc chủ nghĩa trên mạng xã hội trực tuyến.
Báo cáo của Europol có đoạn viết: "Mặc dù mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cánh hữu dường như vẫn còn chưa rõ nét và số lượng những vụ phạm tội hình sự do những kẻ cực đoan cánh hữu là tương đối thấp, thì sự chuyên nghiệp trong việc tuyên truyền và tổ chức của chúng cũng cho thấy các nhóm cực đoan cánh hữu có ý muốn mở rộng và gieo rắc ý thức hệ của mình cũng như vẫn là mối đe dọa đối với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)".
Nếu tình trạng bất ổn trong thế giới Ảrập, đặc biệt là ở Bắc Phi, dẫn tới một lượng lớn người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, "chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và chủ nghĩa khủng bố có thể có thêm cớ để gieo rắc nỗi sợ hãi hơn nữa về tình trạng nhập cư từ các nước Hồi giáo vào châu Âu".
Việc thể hiện công khai chủ nghĩa cực đoan cánh hữu có thể thường kéo theo hành động trả đũa từ các nhóm cánh tả cực đoan. Những cuộc đối đầu như vậy thường kéo theo tình trạng bạo lực.
Trong một báo cáo triển vọng an ninh quốc gia 2011 do Cơ quan an ninh cảnh sát Na Uy công bố hồi tháng 2/2011 viết: "Những kẻ cực đoan cánh hữu Na Uy đang tiếp xúc với những kẻ cực đoan cánh hữu Thụy Điển cũng như các nhóm cực đoan cánh hữu khác ở châu Âu. Cuộc tiếp xúc cũng có thể được thực hiện ngay giữa các kẻ cực đoan cực hữu Na Uy và Nga. Việc gia tăng hoạt động trong số một nhóm bài đạo Hồi có thể dẫn tới tình trạng phân cực và bất ổn gia tăng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra hoặc có liên quan tới các cuộc biểu tình".
Tại Anh, những quan chức cảnh sát hàng đầu và các nhóm Hồi giáo cũng đang lo lắng về các vụ tấn công ngày càng gia tăng của các nhóm cực hữu. Năm 2009, phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn an toàn cho người Hồi giáo, một sĩ quan cấp cao, chỉ huy Shaun Sawyer, thuộc đơn vị chống khủng bố ở London, cho biết các sĩ quan cấp cao nước ông đang phải tăng cường giám sát những kẻ tình nghi để xem chúng có khả năng tiến hành các vụ tấn công hay không.
Một bài phân tích của Michael Whine, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và quốc tế tại cơ quan phụ trách an ninh cộng đồng người Do Thái ở Anh, cho rằng việc sẵn sàng sử dụng bạo lực cực đoan để bảo vệ "các giá trị" châu Âu rõ ràng là ý thức hệ của nhiều tổ chức cực hữu.
Thiên đường phải thay đổi
Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, nước này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya. Chính sách đối ngoại ôn hoà truyền thống của Na Uy nhìn chung không khiến cho nước này có nhiều kẻ thù. Các nhà ngoại giao Na Uy trước đây thường nói rằng việc đánh bắt và kinh doanh thịt cá voi chính là vấn đề gây tranh cãi duy nhất của nước này khi họ tiếp xúc cộng đồng quốc tế.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, các nước châu Âu tăng cường công tác an ninh nhưng hầu như chỉ tập trung vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Nguy cơ từ các băng nhóm cực hữu thường chỉ được đánh giá ở mức "gây rối trật tự công cộng". Hầu như ít có cơ quan cảnh sát nào ở châu Âu đưa hoạt động cực hữu vào danh mục khủng bố. Trong khi đó, khi bị kích động, những kẻ như Breivik hoàn toàn có thể gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng như vừa qua.
Một nguyên nhân khác ngoài "nỗi ám ảnh Al-Qaeda" khiến cảnh sát châu Âu đánh giá thấp mối đe dọa của khủng bố cực hữu là các phần tử này thường hành động đơn lẻ. Các đảng phái, băng nhóm chỉ đóng vai trò truyền bá tư tưởng, chứ không phối hợp tổ chức các vụ tấn công như những mạng lưới khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ngoài vụ Oklahoma, năm 1999, David Copeland, một kẻ theo trường phái phát xít mới người Anh, đã đặt bom tại khu nhà của dân nhập cư và đồng tính ở London làm 3 người thiệt mạng. Trong thảm kịch ở Na Uy, Anders Behring Breivik cũng khẳng định chỉ thực hiện một mình.
Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.
Đa phần những thông tin cá nhân của người dân Na Uy cũng để mở nên hầu như hiếm người có địa chỉ hay số điện thoại bí mật. Chỉ cần mở các danh bạ trực tuyến là có thể tìm thấy những đường dẫn cung cấp cả ảnh chụp vệ tinh ngôi nhà và địa chỉ chính xác một người nào đó đang sống. Trên đó còn có chứa đựng cả chi tiết về địa chỉ email và nơi làm việc của họ.
Nhưng sau vụ 22/7 vừa qua, phải chăng đã đến lúc các thiên đường được mệnh danh ở phương Tây phải thay đổi.
Tại phiên tòa kín diễn ra hôm 25/7, Breivik đã nói với quan tòa: "Tôi không thể để mảnh đất này (Na Uy) bị những kẻ Hồi giáo thực dân hóa". Những lời phát biểu tương tự như vậy từng được Breivik đưa ra trong một bản tuyên bố dài tới 1.500 trang mà hắn đã đăng tải lên mạng internet hôm 22/7, nhiều giờ trước khi tiến hành hai vụ tấn công. Trong bản tuyên bố này, y thể hiện sự giận dữ của mình đối với chủ nghĩa đa văn hóa và Đạo Hồi, đồng thời y cũng bộc lộ những quan điểm cực hữu.
Trong bối cảnh rất nhiều các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng nợ công chồng chất và tăng trưởng thấp, những khó khăn về kinh tế có thể khiến một thiểu số những người bị vỡ mộng có các hành động chính trị và tư tưởng cực đoan.
Với dân số chỉ có 4,8 triệu người, trữ lượng dầu mỏ ngoài khơi phong phú, một nền kinh tế năng động và mức độ minh bạch cao, Na Uy hiện là một quốc gia giàu có và ổn định với hệ thống phúc lợi xã hội dồi dào. Tuy nhiên, hai vụ tấn công mới đây đã buộc các nhà lãnh đạo của nước này phải chú ý tới mối đe dọa khủng bố từ những kẻ cánh hữu và giải quyết sự bất mãn của xã hội.
Đình Hùng


Chủ nghĩa cực hữu mới: Thế hệ khủng bố thứ 3
Mỗi ngày, báo chí lại đưa vô số tin về các vụ tấn công khủng bố liên tục vào người vô tội do một nhóm cực đoan nào đó tiến hành. Những kẻ khủng bố này có thể là các phần tử cực đoan thuộc cánh tả hoặc cánh hữu, giết người vì mục đích chính trị hay tôn giáo, nhân danh Thánh Allah hoặc Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, khủng bố thời nay khác xưa ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, các phần tử khủng bố ngày nay luôn tôn thờ cái chết. Trong lịch sử, các chiến binh ra trận và chỉ tử nạn khi cần, còn thì luôn tìm mọi cách để sống sót trở về. Còn các phần tử đánh bom tự sát ngày nay không mong mình sống sót, thậm chí còn không nghĩ đến kế hoạch thoái lui. Sự tôn sùng cái chết khởi phát trên toàn cầu từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 của Al Qaeda, nhưng trong 10 năm qua đã được nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau áp dụng.
Những kẻ cướp máy bay ở nước Mỹ hôm đó đã bỏ thời gian học lái Boeing 747, nhưng lại bỏ qua bài học hạ cánh an toàn, bởi chúng chỉ tính tới cái chết. Năm 2008, M.M.Akef, một trong những người sáng lập và sau này là thủ lĩnh của nhóm Anh em Hồi giáo, đã hô hào lớp trẻ "trở thành những chiến binh mong được chết cũng ngang với mong được sống". Với chúng, "tử vì đạo" giúp chúng có vé vào cửa Thiên đường. Vì vậy, các thủ lĩnh cực đoan xem đó là lợi thế của mình.
Thứ hai, khủng bố ngày nay dù là cực đoan Hồi giáo hay cực đoan cánh hữu đều không phân biệt mục tiêu là quân sự hay dân sự. Những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan quan niệm bất cứ ai thuộc nền văn hóa thù địch cũng là kẻ thù, có nghĩa tất cả có thể là kẻ thù, không trừ đàn ông, phụ nữ, người già hay trẻ em.
Cuối cùng, chủ nghĩa khủng bố là một cuộc chiến không có nguyên tắc. Chúng không lo lắng về thương vong dù của phe mình hay kẻ thù. Nếu các chiến binh chết khi tấn công tự sát, họ được cho là sẽ lên thiên đường.
Sau khi trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt, một thế hệ khủng bố Hồi giáo thứ hai đã ra đời và phát triển chi nhánh khắp thế giới, từ Pakistan, Somalia, Yemen đến cả châu Âu. Các phần tử khủng bố thế hệ hai này đã chứng tỏ khả năng thích nghi và sáng tạo. Theo giới tình báo Mỹ, chúng hiện là nguy cơ lớn với nước Mỹ, còn hơn cả Al Qaeda trước đây. Mặc dù chúng chưa tiến hành vụ tấn công quy mô nào ngang vụ 11/9, song sự thật là những kẻ này chỉ cần thành công một lần là đã chiến thắng, trong khi lực lượng chống khủng bố không được quyền sai sót.
Hiện đang nổi lên một thế hệ khủng bố thứ ba - những kẻ dường như ít dính líu vào các phong trào quốc tế, thích sống một mình, tự phát triển học thuyết cực đoan của mình và tìm đến với chủ nghĩa khủng bố qua internet. Chúng không cần đến những trại huấn luyện tại Pakistan, và cũng chẳng có kinh nghiệm chính trị. Một trong những biểu hiện của làn sóng khủng bố mới này chính là vụ tấn công của Anders Behring Breivik ở Oslo (Na Uy) vừa qua. Làn sóng này kết hợp cả ba đặc điểm nguy hiểm của khủng bố Hồi giáo - tôn sùng cái chết, tấn công dân thường và không có nguyên tắc - cộng thêm một yếu tố mới: kẻ tấn công có thể là bất kỳ ai, có thể là đối tượng ở sát vách với bạn!
Nguyễn Kim (Theo Fox news)



Bài học cho châu Âu
Sau cuộc thảm sát kinh hoàng cướp đi sinh mạng của gần 100 người tại Na Uy - "nơi bình yên nhất địa cầu" - hôm 22/7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực thức tỉnh và chống lại chủ nghĩa bài ngoại đang lan rộng.
Đáng báo động là không ít người châu Âu có chung quan điểm chống Hồi giáo và người nhập cư gốc Bắc Phi giống tên sát thủ máu lạnh Anders Behring Breivik, như lời thừa nhận của một số nhà lãnh đạo châu Âu. Trong khi đó, "quá ít nhà lãnh đạo dám đứng lên bênh vực cho chủ nghĩa đa văn hóa, cho một xã hội cởi mở, dân chủ và khoan dung", Cao ủy Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem chỉ trích các nhà lãnh đạo trong thời gian qua đã im lặng để mặc cho làn sóng bài ngoại và những luồng tư tưởng cựu hữu, cực đoan lan rộng khắp khu vực.
Bên cạnh đó, CSMoniter cho rằng, bài học về chính sách nhập cư là rõ ràng khi mà sát thủ Breivik ngụy biện cho hành vi giết người cuồng loạn của mình là "một hiệu lệnh" buộc chính quyền Na Uy phải thay đổi chính sách nhập cư tự do và lỏng lẻo, đặc biệt là với người Hồi giáo. Trước đó, Na Uy được xem là đất nước có chính sách nhập cư dễ nhất châu Âu cộng thêm các chế độ phúc lợi xã hội tốt và mức sống cao khiến cho lượng người nhập cư vào Na Uy cao gần gấp ba lần ở giai đoạn giữa năm 1995 và 2010.
Còn theo AFP, vụ thảm sát đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước châu Âu về việc thắt chặt quy định sở hữu súng cá nhân và việc mua bán vật liệu có thể sử dụng để chế tạo thuốc nổ. Nhiều quốc gia châu Âu cho biết đã sẵn sàng cân nhắc về những dự luật mới liên quan. Thực tế, các cá nhân sở hữu vũ khí khá phổ biến ở châu Âu. Tại Phần Lan, cứ 100 người thì có 45 người đăng ký sở hữu ít nhất một loại vũ khí, con số này ở Thụy Điển là 32 và Na Uy là 31.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, chính sách an ninh đang tồn tại quá nhiều vấn đề - nguyên nhân chính khiến Na Uy bị động trước các cuộc tấn công vừa qua - cần phải được cải thiện. Những tài liệu ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ trên Wikileaks cho thấy Na Uy thất bại trong việc theo dõi các nhóm chiến binh Hồi giáo nguy hiểm lẩn trốn xung quanh đất nước và các cuộc tấn công vừa qua lại chứng minh thêm một điều nữa là bộ máy an ninh của Na Uy rõ ràng thất bại trong việc phát hiện các mối đe dọa nội địa.
Thy Lam
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/8/62891CE8F8CBA8F7/