Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

64. Thế giới đang đối mặt với nhiều thiên tai

TCCSĐT - Chỉ trong những ngày đầu tháng 9, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhiều nước trên thế giới.


Tại Ác-hen-ti-na, ngày 2-9-2011, một trận động đất mạnh 6,8 độ rích-te đã làm rung chuyển miền Bắc nước này. Tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 592 km dưới mặt đất và cách thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết (Buenos Aires) khoảng 150 km về phía Bắc. Có thể cảm nhận được rung chấn của trận động đất ở các thành phố lân cận như Men-đô-da (Mendoza), Coóc-đô-ba (Cordoba) và Xan-ta Phê (Santa Fe).
Tại Nhật Bản, ngày 3-9-2011, ít nhất đã có 2 người thiệt mạng, khoảng 40 người bị thương và 5 người mất tích sau khi bão Talas đổ bộ vào đảo Si-cô-cư (Shikoku), phía tây Nhật Bản với sức gió giật cấp 12. Với vận tốc gió gần tâm bão lên tới 144 km/ giờ, bão Talas đã làm ít nhất 26 người bị thương, phá hủy hơn 300 ngôi nhà và buộc hơn 2.200 người phải đi sơ tán. Tại tỉnh Mi-a ở miền Trung Nhật Bản, lượng mưa trung bình đo được là 74 mm/giờ, trong khi lượng mưa tại tỉnh Na-ra lên tới mức kỷ lục là 110 mm/giờ. Các nhà chức trách Nhật Bản đã ban bố lệnh cảnh báo lũ lụt và lở đất tại những khu vực này.
Tại Pa-ki-xtan, ngày 4-9-2011, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (NDMA) Pa-ki-xtan cho biết, ít nhất 88 người đã thiệt mạng và khoảng 8 triệu người đã bị ảnh hưởng trong đợt lũ lụt vừa qua tại tỉnh Xin (Sindh) ở miền Nam và tỉnh Pun-giáp (Punjab) ở miền Đông nước này. Cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục trong những ngày tới, khiến tình hình lũ lụt các khu vực này càng trở nên trầm trọng.
Tại Pa-na-ma, ngày 5-9-2011, một trận động đất lớn có cường độ 5,9 độ rích-te đã làm rung chuyển khu vực miền Nam Pa-na-ma, giáp Thái Bình Dương. Trận động đất xảy ra vào lúc 11 giờ 21 phút giờ GMT, cách khu vực phía Nam thành phố Đa-vít (David) của Pa-na-ma 211 km, ở độ sâu dưới biển 10 km.
Tại In-đô-nê-xi-a, sáng sớm 6-9-2011 đã xảy ra một trận động đất mạnh cường độ 6,6 độ rích-te, làm rung chuyển phần phía Bắc của đảo Xu-ma-tra (Sumatra) ở In-đô-nê-xi-a, làm ít nhất một người thiệt mạng. Trận động đất xảy ra lúc 12h55' sáng giờ địa phương (khoảng 1 giờ sáng - giờ Việt Nam), ở độ sâu 110 km với tâm chấn cách thủ phủ Ban-đa A-chê (Banda Aceh) của tỉnh A-chê (nằm ở cực Tây đảo Xu-ma-tra) khoảng 400 km về phía Đông Nam. Người dân tại các thành phố A-chê và Mê-đan cũng cảm nhận được sự rung lắc của động đất, kéo dài khoảng 30 giây. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương, có trụ sở tại Ha-oai (Hawaii), khẳng định rằng, trận động đất do nằm xa đất liền nên không gây sóng thần.
Tại Mỹ, từ ngày 2 đến ngày 9-9-2011, chính quyền các bang Lui-dia-na (Lousiana) và Mít-xi-xi-pi (Missisipi) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi cơn bão nhiệt đới Lee được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực duyên hải miền Nam nước này, gây mưa to và gió lớn. Truyền thông Mỹ đưa tin các cơ quan chức năng của hai bang này đã họp khẩn cấp để bàn về các biện pháp chuẩn bị đối phó với ảnh hưởng của cơn bão, đồng thời tiến hành sơ tán người dân tới nơi an toàn. Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ cho hay, một vụ hỏa hoạn lớn cộng thêm gió hanh khô do khối áp thấp nhiệt đới mang tên Lee gây ra đã tàn phá ít nhất 300 ngôi nhà ở miền Trung bang Tếch-dát (Texas). Tính đến chiều 5-9-2011, mưa lớn và nước sông lên cao do cơn bão Lee gây ra đã làm hai người tại bang Mít-xi-xi-pi, miền Nam nước Mỹ thiệt mạng. Thông báo của chính quyền bang Lui-di-a-na và bang Mít-xi-xi-pi, nơi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão Lee cho biết, đã có ít nhất 16.000 hộ sống tại hai bang này bị mất điện và hơn 200 gia đình ở khu vực Li-vinh-xtôn Pe-ri-sơ (Livingston Parish) thuộc bang Lui-dia-na đã buộc phải sơ tán. Bão Lee còn tạo ra những luồng gió mạnh hanh khô gây ra hơn 60 đám cháy rừng tại miền Trung bang Tếch-dát (Texas) trong những ngày cuối tuần qua, tạo nên một trận hỏa hoạn lớn nhất ở khu vực này tính từ những năm 1950. Cơ quan phòng cháy bang Tếch-dát cho biết cháy rừng đã hủy hoại hơn 450 ngôi nhà và thiêu rụi hơn 120 km2 rừng, chủ yếu tập trung tại các hạt Ba-xtrốp (Bastrop), Tra-vít (Travis), Hen-đơ-xơn (Henderson), Li-me-xtôn (Limestone)... Khoảng 3.000 hộ gia đình ở những khu vực có giặc lửa hoành hành đã buộc phải sơ tán. Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa của bang Ca-li-pho-ni-a (California), miền Tây nước Mỹ cho biết, cháy rừng vào ngày 5-9-2011, tại khu vực miền núi Tê-ha-cha-pi (Tehachapi) đã buộc 650 cư dân sơ tán. Ðám cháy rừng này đã thiêu hủy hơn 18 km2 rừng. Cùng ngày, Văn phòng Nhà Trắng thông báo, chính quyền đã phải trích từ ngân sách liên bang 1,5 tỉ USD để cứu trợ nạn nhân của cơn bão Irene. Thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết, các hãng bảo hiểm tư nhân có thể phải chi trả hàng chục tỉ USD do những thiệt hại của cơn bão Irene gây ra. Bão Irene tràn vào miền Đông nước Mỹ ngày 28-8 làm hơn 40 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa, đường xá và công trình công cộng. Vơ-mơn (Vermont) và Niu Yoóc (New York) là hai bang bị thiệt hại nặng nề nhất.
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, một trận động đất mạnh 6,7 độ rích-te ngày 9-9-2011 đã làm rung chuyển đảo Van-cu-vơ (Vancouver) ở ngoài khơi bờ biển phía Tây của Ca-na-đa, nhưng không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra. Trận động đất xảy ra ở độ sâu khoảng 26 km. Tâm chấn nằm ở vị trí cách thị trấn Pót Hác-đi (Port Hardy) trên đảo khoảng 135 km về phía Đông Nam. Trung tâm Cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương không đưa ra lệnh cảnh báo và cho biết không có nguy cơ xảy ra sóng thần có sức tàn phá lớn trên diện rộng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu người dân và các lực lượng an ninh sẵn sàng đối phó với tình huống thủy triều dâng cao.
Tại Thái Lan, ngày 9-9-2011, lũ quét, lở đất tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Thái Lan đã làm ít nhất 78 người thiệt mạng và ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của khoảng 30 doanh nghiệp. Theo Sở Ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan, lũ quét và lở đất do mưa lớn đã xảy ra tại 14 tỉnh ở nước này. Phi-chít (Phichit) là tỉnh có số người thiệt mạng nhiều nhất với 21 người và tỉnh U-ta-ra-tít (Uttaratid) có số người thiệt mạng ít nhất với 7 người. Mưa lũ cũng gây thiệt hại trên một diện tích lớn đất nông nghiệp và ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của khoảng 30 doanh nghiệp với 6.700 nhân viên.
Tại Trung Quốc, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm phà trên sông ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, chiều 9-9-2011, tiếp tục tăng lên. Theo số liệu mới nhất, đến nay đã có 11 người chết và 16 người bị thương. Tân Hoa xã dẫn lời nhân chứng cho biết đa số nạn nhân là học sinh trung học, đang trên đường trở về nhà để dự lễ hội Trung thu. Khi gặp nạn, trên phà có 45 người.
Trái đất có 7 tỉ người và hiện giờ, có đến hơn một nửa số người này sống ở vùng duyên hải trong phạm vi 100 km trở lại vùng bờ biển. Khi mức độ biến đổi khí hậu ngày một biến động thì cuộc sống của 7 tỉ người cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đối với sự đe dọa của biến đổi khí hậu thì đây là nguy cơ chung đối với đời sống nhân loại. Các nghiên cứu mới công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, cứ mỗi năm trì hoãn các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu khiến thế giới mất thêm 500 tỉ USD đầu tư cho năng lượng sạch vào năm 2030. Theo số liệu của các nghiên cứu này, để giảm 50% lượng khí thải các-bô-ních (CO2) vào năm 2050, thế giới cần đầu tư tới 316.000 tỉ USD, cao hơn 17% so với tổng đầu tư thông thường hiện nay. Tổng lượng khí thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch năm 2005 là 27,1 tỉ tấn, nhưng nếu chính sách hiện hành không được thay đổi mạnh mẽ, lượng khí thải này sẽ tăng tới 42 tỉ tấn vào năm 2030. Vận tải hiện chiếm 25% tổng năng lượng được sử dụng và lượng khí thải liên quan đến nguồn năng lượng này nhưng nếu không thay đổi chính sách hiện hành, lượng năng lượng được ngành vận tải sử dụng cũng như lượng khí thải CO2 có liên quan sẽ tăng 50% vào năm 2030 và 80% vào năm 2050. Khí thải do sản xuất điện chiếm 40% tổng lượng khí thải toàn cầu và sẽ tăng lên 58% vào năm 2030 nếu các biện pháp chính sách mới không được thực hiện trên toàn cầu. Năng lượng gió sẽ là nguồn năng lượng tái sinh giúp giảm khí thải tăng nhanh nhất thế giới với tốc độ đã tăng 24% hằng năm từ năm 1990 đến 2005.
Nếu các kiến nghị về sử dụng hiệu quả năng lượng của IEA với các nền kinh tế phát triển G8 được thực hiện trên toàn cầu, mỗi năm thế giới có thể giảm được 8,2 tỉ tấn CO2 từ nay đến năm 2030. Mạng năng lượng thông minh có thể giảm 0,9 đến 2,2 tỉ tấn CO2 vào năm 2050. Công nghiệp chiếm hơn 30% tổng năng lượng được sử dụng và 40% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Trong thập kỷ mới đây, hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp đã tăng lên khiến lượng khí thải CO2 giảm mạnh, nhưng tiến triển này đã bị vô hiệu hóa cùng với tăng sản xuất công nghiệp toàn cầu. Nghiên cứu của IEA cảnh báo, nếu thế giới không có hành động quyết liệt, xu hướng này sẽ tiếp tục với lượng khí thải trong công nghiệp tăng với nhịp độ cao hơn. Vào năm 2030, khoảng 10% phế thải nông nghiệp và lâm nghiệp toàn cầu có thể cung cấp 50% nhu cầu nhiên liệu sinh học. Kịch bản này cần được thúc đẩy trong khu vực năng lượng để góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.
Biến đổi khí hậu đang tác động lên nhiều khu vực trên trái đất và con người có thể nhận biết sự thay đổi này một cách đơn giản trong cuộc sống đời thường như năm nay mùa đông có vẻ ít lạnh hơn, hạn hán, mưa lũ thất thường không giống quy luật những năm về trước. Cây trồng có sự thay đổi về thu hoạch, dịch bệnh nhiều hơn, bệnh mới xuất hiện. Đặc biệt là cảm nhận được nhiệt độ của mùa hè, các đợt nóng tăng lên, kéo dài, mùa đông ngắn lại... Thiên tai là thảm họa không của riêng quốc gia nào nhưng những nước nghèo sẽ gặp khó khăn hơn trong việc khắc phục thiệt hại. Vì vậy, trong giải quyết vấn đề này, mọi quốc gia, mọi cá thể trên trái đất sẽ không có người thắng và cũng không có người thua. Trước sự đe dọa của những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây nên mọi người đều giống nhau về mặt số phận. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra, còn mức độ nghiêm trọng đến đâu là do con người quyết định. Con người có đầy đủ công nghệ, tiền, lực, chỉ còn thiếu quyết tâm về mặt chính trị của tất cả các quốc gia để giải quyết vấn đề./.
Linh Linh tổng hợp