Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

47. Cảm nhận viễn cảnh kinh tế Việt Nam


GS-TSKH Nguyễn Mại
Xuất khẩu 8 tháng ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: C.C
(baodautu.vn) Mặc dù đang đối mặt với những thách thức rất lớn cả trong và ngoài nước, song với những thành tựu đã đạt được, tiềm lực kinh tế và vị thế quốc tế ngày càng được củng cố, kinh tế Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn để tiếp tục tăng trưởng cao.
Khi nghĩ về viễn cảnh kinh tế Việt Nam, tai tôi vang vọng tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi vĩ đại thống nhất đất nước trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài 30 năm, trải qua những bước thăng trầm trong công cuộc xây dựng kinh tế, năm 2010 đã đặt chân vào hàng ngũ các nước thu nhập trung bình (thấp), có vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới, đang hướng đến mục tiêu trở thành nước về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thế giới: “bóng ma” khủng hoảng kinh tế mới
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa kinh tế thế giới, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tình hình quốc tế đang biến động khó lường trước. Nhận thức đúng và có hành động ứng xử kịp thời với mọi biến động trên thế giới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với dân tộc.
Khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 với hy vọng gắn lợi thế của đất nước với lợi thế của khu vực để nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng chỉ 2 năm sau đó, năm 1997, cuộc khủng hoảng tiền tệ trong khu vực đã tác động tiêu cực, làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế từ mức trung bình hàng năm 8,2% thời kỳ 1991- 1997, xuống 6% giai đoạn 1998- 2004.
Tiếp theo, khi kinh tế nước ta được phục hồi, tăng trưởng trung bình gần 8,5%/năm từ năm 2005 đến 2007, thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta giảm còn bình quân 6%/năm từ năm 2008 đến nay.
Năm 2010, kinh tế thế giới được phục hồi với nhiều dự báo khá lạc quan, thì từ đầu năm 2011, “bóng ma” của khủng hoảng kinh tế mới đã xuất hiện, với những dấu hiệu ngày càng rõ rệt hơn. Trong đó, nợ công nổi lên như một vấn đề thời sự quốc tế. Mỹ, nền kinh tế đứng đầu thế giới vừa trải qua nỗi sợ hãi vỡ nợ quốc gia, gây ra phản ứng dây chuyền đến kinh tế của nhiều nước khác. Vào giờ chót, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã tìm được tiếng nói chung đối với giải pháp nâng trần nợ công của nước này. Tuy vậy, Mỹ vẫn bị đánh tụt hạng từ AAA xuống AA+, tác động không nhỏ đến trạng thái nợ công và trái phiếu chính phủ.
Không chỉ có Mỹ, nợ công còn là vấn nạn của nhiều nước trên thế giới. Tạp chí Business Week đưa ra danh sách 10 nước có tỷ lệ nợ/GDP ở mức nguy hiểm trong năm 2010, đó là Iceland (310%), Nhật Bản (227%), Hy Lạp (124%), Italy (120,1%), Mỹ (99,3%), Ấn Độ (88,9%), Bồ Đào Nha (84,6%), Đức (84,5%), Ireland (82,9%) và Pháp (82,6%).
Liên minh châu Âu (EU), với sự đồng hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã đưa ra 2 gói cứu trợ khẩn cấp dành cho Hy Lạp, tổ chức nhiều hội nghị bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng và nguyên thủ các nước thành viên... để đưa ra các giải pháp ứng cứu nhằm ngăn ngừa “hiệu ứng đô mi nô” của cuộc khủng hoảng nợ công.
Trong khi đó, khủng hoảng dầu mỏ cũng đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Sự biến động giá dầu năm 2011 có thể coi là cuộc khủng hoảng dầu mỏ gắn với bất ổn về chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Giá dầu có lúc đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Nhiều dự báo cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng chính trị ở khu vực này kéo dài thì giá dầu có thể tăng thêm 40 - 50 USD/thùng.
Dầu mỏ trở thành vấn đề nhạy cảm về chính trị và kinh tế. Từ 1970 đến nay, thế giới đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng dầu mỏ.
Ngày 17/10/1973, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu để phản đối các nước đó ủng hộ Israel trong cuộc xung đột giữa Israel với Ai Cập và Syria. Giá dầu mỏ từ 3,01 USD/thùng ngày 16/10/1973 tăng gần 3 lần, lên 12 USD/thùng vào giữa 1974.
Cuộc cách mạng của Cộng hòa Hồi giáo Iran năm 1979 làm cho ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này bị sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo giảm lượng cung dầu mỏ thế giới, do Iran chiếm 17% tổng sản lượng của OPEC. Trong vòng 12 tháng, giá dầu từ 15,85 USD lên 39,5 USD/thùng.
Từ năm 1981 đến 1986, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp khá thấp, tiêu thụ dầu mỏ của thế giới giảm hơn 13%, giá dầu từ 35 USD/thùng năm 1981 xuống dưới 10 USD/thùng năm 1986.
Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 kéo theo cơn sốt dầu mỏ trong 9 tháng, với giá tăng gấp đôi, từ 17 USD lên 36 USD/thùng.
Năm 2001, kinh tế toàn cầu suy giảm cộng thêm sự kiện khủng bố quốc tế tại Mỹ ngày 11/9/2001 làm cho mỗi thùng dầu chỉ còn 20 USD, giảm 35% so với năm trước.
Năm 2007 – 2008, do USD mất giá, giá dầu leo thang lên gần 100 USD/thùng.
Giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục mới do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, có thời điểm vượt quá 1.800 USD/oz, hiện dao động trong khoảng 1.740 - 1.760 USD/oz. Tâm lý lo sợ giá cả leo thang, đồng tiền biến động, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường đã làm vàng trở thành kênh đầu tư quan trọng. Chiến lược gia Katherine Klingensmith thuộc Hãng UBS Wealth Management Research khuyến cáo: “Chúng tôi đang thuyết phục mọi người đưa vàng vào danh mục đầu tư của họ như một phần của chiến lược đa dạng hóa các mặt hàng”.
Ngày 15/8/2011, nhân dịp 40 năm ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon xóa bỏ chế độ bản vị vàng (được duy trì từ Thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, quy định tỷ lệ cố định 35 USD/oz), trong khi giá vàng liên tục phá các kỷ lục, tiền giấy mất giá, nhiều chuyên gia kinh tế lại nghĩ đến việc trở lại chế độ bản vị vàng như trước năm 1971. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới nên cân nhắc áp dụng lại chế độ bản vị vàng trên cơ sở có điều chỉnh, để định hướng cho tỷ giá giữa các đồng tiền… Đã đến lúc, thế giới cần một hệ thống tỷ giá mới, thay thế cho hệ thống tỷ giá thả nổi mà ông gọi là “Bretton Woods II”.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã rơi vào trạng thái ảm đạm. Tuần đầu tháng 8/2011 đã xuất hiện làn sóng bán tháo cổ phiếu của các nhà đầu tư tài chính để chuyển sang vàng, làm thị trường vốn toàn cầu mất khoảng 2.500 tỷ USD, mức giảm tương đương tháng 8/2008. Các định chế tài chính thế giới, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra giải pháp ứng cứu và trấn an dư luận, nhưng chưa có dấu hiệu tích cực khi lòng tin của nhà đầu tư đã giảm. Thậm chí, nhiều người đã đưa ra câu hỏi: liệu có thêm một tháng 8 đen tối nữa không, bởi trong lịch sử kinh tế thế giới, tháng 8 thường là thời điểm không tốt lành đối với các thị trường tài chính.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi các nước cứu trợ khẩn cấp hàng chục triệu người đang lâm vào cảnh thiếu đói, đã có cả triệu người chết đói ở nhiều nước Châu Phi do mùa màng thất bát, không có thu nhập, giá lương thực leo thang.
Những cuộc bạo loạn gần đây ở Anh thêm một lời cảnh báo về tình trạng bất ổn xã hội do nạn thất nghiệp gia tăng, khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư nới rộng thêm, sự phản kháng của người dân đối với chính phủ ngày càng nhiều.
Nhiều nhà kinh tế thế giới đã cảnh báo các chính phủ về cuộc khủng hoảng kinh tế mới, tình trạng kinh doanh ế ẩm của các doanh nghiệp, việc thắt chặt chi tiêu gia đình, giảm tiêu dùng cá nhân, tâm lý tích trữ tiền và hàng còn kéo dài, nếu không có giải pháp ứng cứu hữu hiệu. Wall Street Journal cho rằng, để thoát khỏi trạng thái suy giảm hiện tại thì mỗi quốc gia phải dựa vào nội lực là chính; chính phủ phải đưa ra các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, chứ không thể trông chờ vào bên ngoài.
Việt Nam: thách thức và viễn cảnh
Đầu năm 2011, Đảng ta công bố Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011- 2015 với những mục tiêu đầy tham vọng, thì tình trạng lạm phát cao liên tục trong 8 tháng đầu năm là thách thức lớn. CPI tháng 8 tăng 0,93% so với tháng 7 làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 8 tháng tăng 15,68% so với tháng 12/2010 và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo cơn sốt lãi suất, đồng tiền mất giá, nhiều doanh nghiệp lao đao khi giá đầu vào tăng.
Lạm phát cao nếu chỉ là của năm nay đã là nguy hiểm, nhưng còn nguy hiểm hơn khi những năm gần đây cứ lặp đi lặp lại với tần số có vẻ nhanh dần. Năm 2008, lạm phát cao có nguyên nhân chủ yếu do bơm ra thị trường một lượng tiền đồng lớn để mua hơn 9 tỷ USD. Lạm phát năm nay còn cao hơn, có nguyên nhân giá cả thế giới, nhưng chủ yếu là sự lúng túng trong việc đối phó với thị trường, là việc bảo vệ bằng mọi giá cho Vinashin, đầu tư công dàn trải, hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước...
Thị trường bất động sản khá ảm đạm, đến cuối tháng 6/2011, dư nợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên 222.000 tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USD, trong đó có nhiều khoản nợ quá hạn với lãi suất 24 - 25%/năm, cộng thêm lãi quá hạn đã làm cho không ít doanh nghiệp rơi vào trạng thái “khóc dở, mếu dở”; 70% doanh nghiệp bất động sản buộc phải “ bán tháo” bằng nhiều cách như khuyến mãi, hạ giá, nhưng chưa có tín hiệu tích cực.
Thị trường chứng khoán diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, với 5 phiên liên tục giảm điểm trong tuần thứ hai của tháng 8, VN-Index mất thêm 16,96 điểm (4,2%), HNX- Index giảm hơn 2,5 điểm (3,68%), chỉ số của cả hai sàn giao dịch ở Hà Nội và TP.HCM đang có xu hướng giảm, chưa có dấu hiệu hồi phục; không ít công ty đầu tư chứng khoán đóng cửa hoặc giảm nhân công; nhiều nhà đầu tư chuyển sang thị trường vàng để bảo toàn vốn. Chưa bao giờ ở nước ta lại có hiện tượng dòng người xếp hàng mua bán vàng ở các cửa hiệu tư nhân dài như những ngày đầu tháng 8/2011, với tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá thêm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng, nên cất trữ vàng là kênh an toàn nhất.
Mặc dù nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn trong mức độ an toàn, nhưng cũng cần cảnh báo về xu hướng tăng dần và đã ở mức khá cao, khi vào cuối năm 2010 là 32,5 tỷ USD, bằng 42,2% GDP, tăng 4,6 tỷ USD so với 2009. Năm 2010, ngân sách nhà nước phải trả nợ nước ngoài 1,67 tỷ USD, trong đó lãi và phí trên 616 triệu USD, tăng gần 30% so với mức 1,29 tỷ USD năm 2009.
Mặc dù từ tháng 7 năm 2010 đến nay, Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings vẫn xếp hạng B+ đối với nước ta về khả năng trả nợ nước ngoài, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thể hiện qua Nghị quyết 11/NQ-CP với chủ trương thắt chặt tiền tệ - tài khóa để giảm lạm phát, nhưng cũng cảnh báo sẽ xem lại mức tín nhiệm của Việt Nam, nếu tình trạng lạm phát cao kéo dài, những bất ổn trong hệ thống ngân hàng vượt qua tầm kiểm soát.
Liên quan đến tín nhiệm của Việt Nam là tình trạng cấp tín dụng so với GDP đến mức 125% và nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam cuối năm 2010 là 2,5% (nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế còn cao hơn nhiều), gây ra mối quan ngại về năng lực quản lý nợ khi các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn bằng cách nâng lãi suất.
Hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước từ lâu đã trở thành vấn đề cần giải quyết, nhưng xem ra vẫn chưa có giải pháp thích hợp. Tại Kỳ hợp thứ 8, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước để tránh vết xe đổ Vinashin, trong đó điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện EVN có nhiều sai phạm trong việc cổ phần hóa, yêu cầu EVN báo cáo Thủ tướng về việc xử lý số tiền hơn 756 tỷ đồng thu được từ việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên mà tập đoàn này đã tạm ứng cho các dự án đầu tư. Việc đầu tư ngoài ngành của EVN chiếm 7,22% vốn đầu tư và 4,82% tổng vốn chủ sở hữu. EVN đang có các khoản nợ rất lớn, trong đó của PetroVietnam và Vinacomin là 6.600 tỷ đồng, của Điện lực Hiệp Phước là 36 triệu USD (khoảng 756 tỷ đồng). EVN còn chịu lỗ tính đến 31/12/2010 là 17.000 tỷ đồng.
Hiệu quả thấp của việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, cũng là căn bệnh chưa có bài thuốc hữu hiệu, mặc dù Nghị quyết 11/NQ-CP coi cắt giảm đầu tư công là giải pháp quan trọng chống lạm phát, nhưng có lẽ, cái khó là khi đã có chủ trương đúng đắn thì thái độ “thông cảm, nhân nhượng” của lãnh đạo các bộ đã làm cho việc thực hiện không đưa lại kết quả như mong đợi.
Tình hình kinh tế nước ta trong 8 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những tín hiệu tích cực.
 - Nông nghiệp được mùa, xuất khẩu nông – lâm - thủy sản tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, đã có những chuyển động theo hướng tích cực trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp. Trong nông nghiệp là kết hợp giữa doanh nghiệp với nông dân trong cung ứng giống mới, canh tác theo quy trình khoa học (lúa, vải thiều, cây ăn trái khác), nên nông dân bán được giá cao, xuất khẩu với chất lượng sản phẩm ổn định. Trong đánh bắt xa bờ là lập các nhóm hỗ trợ nên đưa lại hiệu quả cao do đi biển dài ngày. Trong lâm nghiệp là khoán hộ chăm sóc và bảo vệ rừng với diện tích lớn hơn và mức kinh phí được nâng lên hợp lý.
 - Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Nhập siêu là 6,2 tỷ USD, bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 - Du lịch quốc tế tiếp tục phát triển, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong 8 tháng hơn 3,96 triệu lượt người, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, dự báo cả năm đạt trên 5,8 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 5,2 tỷ USD.
 - Đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy vốn đăng ký thấp, chỉ bằng 74%, nhưng vốn thực hiện đạt trên 7,25 tỷ USD, xấp xỉ mức cùng kỳ năm trước, trong điều kiện vốn đầu tư trong nước sụt giảm, nhiều công trình bị tạm dừng hoặc giãn tiến độ.
 - Lĩnh vực tài chính - tiền tệ có dấu hiệu tích cực, như tỷ giá hối đoái tương đối ổn định trong vài tháng gần đây sau khi chủ động phá giá tiền đồng, tăng thêm dự trữ ngoại hối, thu ngân sách vượt dự kiến.
Cần nhấn mạnh rằng, để đối phó với những thách thức và hướng tới mục tiêu của chiến lược phát triển mới, hiện tại, nước ta có điều kiện trong nước và quốc tế tốt hơn nhiều so với đầu thế kỷ XXI.
Tiềm lực kinh tế của đất nước đã tăng lên rõ rệt. Năm 2010, GDP theo giá thực tế là 1.980.000 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm 2000 (441.000 tỷ đồng). Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2000 là 30,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 14,5 tỷ USD; các con số tương ứng của năm 2010 là 156,9 tỷ USD (gấp 5,21 lần) và 72,2 tỷ USD (gấp 4,97 lần). Tổng vốn đầu tư xã hội theo giá thực tế tăng từ 151.180 tỷ đồng năm 2000 lên 830.270 tỷ đồng năm 2010, bằng 5,5 lần (theo Niên giám Thống kê 2010).
Quan hệ quốc tế của nước ta với các nước trong khu vực đã được cải thiện rõ rệt, ASEAN đang hướng tới một cộng đồng vào năm 2015 với sự đóng góp ngày càng có hiệu quả của Việt Nam. Nước ta là thành viên của các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); có quan hệ thương mại, đầu tư với hầu khắp các nước; quan hệ chính trị với các cường quốc và nhiều nước ở các châu lục được nâng cấp, một số nước đã trở thành đối tác chiến lược.
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào kết quả chống lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2011. Trên cơ sở các giải pháp định hướng của Nghị định 11/NQ-CP, cần đề ra chủ trương và giải pháp cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, dựa vào kiến nghị của các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, giao cho từng nhóm chuyên gia lựa chọn từ những kiến nghị đó trình Chính phủ để ban hành kịp thời chủ trương thích hợp.
Các giải pháp kiềm chế lạm phát gắn với chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa phải từ định hướng chung, nhưng không cào bằng; phải ứng xử đối với từng ngành, từng lĩnh vực bằng giải pháp riêng để giải quyết khó khăn; kích thích sản xuất và mở rộng kinh doanh. Đối với sản xuất công nghiệp, cần có chính sách ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp, bởi chỉ cần có thêm vốn là tăng được giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vì đã có thị trường và đơn đặt hàng. Đối với đầu tư bất động sản, cần xem xét từng loại dự án để có thêm những công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết khó khăn chung. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là các khoản tín dụng để xây dựng công nghiệp phụ trợ như ngành may mặc, dày dép đang thực hiện và tín dụng xuất khẩu để giải quyết nhu cầu vốn trước mắt và các vấn đề cơ bản đối với từng ngành kinh tế.
Lịch sử Việt Nam từ khi chuyển sang kinh tế thị trường đã minh chứng rằng, việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 8% mà không có lạm phát cao là một thực tế, do vậy sau khi giải quyết được bài toán lạm phát, thì các giải pháp về chính sách kinh tế vĩ mô phải hướng vào mục tiêu tăng trưởng với tốc độ cao, chất lượng, hiệu quả và bền vững, nhanh chóng khắc phục các nhược điểm gắn với cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều hành của bộ máy nhà nước.
Nhân dân đặt niềm tin và hy vọng Quốc hội và Chính phủ mới tập trung vào việc thúc đẩy nhanh hơn cải cách thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia; thay đổi cơ bản phương thức xây dựng luật pháp, chính sách, không để các bộ làm thay cơ quan lập pháp; thay đổi cơ bản phương thức điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp với vai trò và chức năng nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; đổi mới quản lý nhà nước, hình thành cơ cấu bộ máy hành chính có hiệu năng với đội ngũ công chức đủ đạo đức và năng lực quản lý nhà nước.
Không đánh giá thấp những khó khăn và thách thức, nhưng cũng cần nhận thức đúng thành tựu to lớn, tiềm lực kinh tế, vị thế quốc tế của dân tộc Việt Nam thì mới vững tin vào viễn cảnh của đất nước trong một thế giới đầy biến động.
http://baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/2606215e7f00000101c224c309f4b3a3