Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

39. Những bài học mà Mỹ rút ra từ Việt Nam đối với cuộc chiến tranh Irac


GS.TS. Phan Ngọc Liên* TS. Văn Ngọc Thành**
(Đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự năm 2006)
Lịch sử là một quá trình phát triển thống nhất, hợp qui luật, qua các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, những bài học, kinh nghiệm của quá khứ đều có ích cho hoạt động trong hiện tại và việc dự đoán tương lai. Song điều này chỉ có thể thực hiện được kết quả đối với những người đấu tranh cho chính nghĩa, vì sự tiến bộ xã hội và nó trở thành vô nghĩa đối với những ai muốn lấy những điều điểu giả trong quá khứ để biện minh cho sự điểu cáng của mình trong hiện tại. Đây là trường hợp những kẻ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược trước đó muốn rút ra “những bài học” cho việc tiến hành một cuộc chiến phi nghĩa mới. Họ mong rút ra từ những bài học lịch sử để tiếp tục lao đầu vào một cuộc mạo hiểm mới và chuốc lấy thất bại. Qua “Tấn thảm kịch và những bài học về quá khứ”(1) lịch sử đã nhiều lần cảnh báo những kẻ hiếu chiến này: “Hãy coi chừng những bài học của quá khứ đối với tham vọng điên cuồng hiện tại!”.
Sau năm 1975, một câu hỏi được đặt ra cho nhiều người Mỹ: “Vì sao Mỹ thất bại ở Việt nam?”. Nhiều đáp án đã được đưa ra. Những kẻ luyến tiếc cho ánh hào quang rực rỡ trong gần 200 năm lịch sử nước Mỹ (Tính đến năm 1975) đã cho rằng: “Hoa Kỳ thất bại trong chiến tranh vì đẫ không thực sự cố gắng, không giữ được cho mình uy quyền và sức mạnh”. Một số kẻ hiếu chiến thì khẳng định rằng: “Mỹ không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh!”. Không ít người kết luận: Sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam là do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường châu Á xa xôi, đầy cạm bẫy, gian nan. Tuy vậy, cũng có người lần tìm đến sự thật về sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam, như Mc Namara – Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới các thời tổng thống Giônxơn và Nicxơn. Ông ta cay đắng thú nhận rằng, chiến tranh Việt Nam của Mỹ là một “sai lầm, sai lầm khủng khiếp” và rút ra 11 nguyên nhân gây ra thảm bại của Mỹ ở Việt Nam. Trong số những nguyên nhân này cần nhấn mạnh đến nguyên nhân thứ ba: “Chúng ta (Tức Mỹ – chú thích: PNL, VNT) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (Trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng) đấu tranh và hi sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó và cho đến hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nước trên thế giới”(2).
Những nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam mà Mc Namara nêu lên, xét cho cùng, nảy sinh từ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của Mỹ, từ việc không nhận thức được sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam, được nhân lên gấp nhiều lần, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam chứng tỏ rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là “một sai lầm ngớ ngẩn ghê gớm, con đẻ của một hỗn tạp kỳ quặc giữa sự hoang đường và tính kiêu ngạo, mù quáng đối với lịch sử, sự tin tưởng ngây thơ về vai trò quyền lực đứng đầu trên quả đất. Hoa kỳ đã sử dụng những giải pháp quân sự cho những vấn đề chủ yếu là chính trị và văn hóa. Đây là một cuộc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, ở một thời gian sai lầm, cho những lí lẽ sai lầm”(3).
“Bài học Việt Nam” liệu có được các nhà cầm quyền Mỹ từ năm 1975 đến nay, đặc biệt Tổng thống Bush (cha) và đương kim Tổng thống Bush (con) chú ý hay không, khi lao vào các cuộc chiến tranh Trung Đông? Vấn đề này lại một lần nữa được đặt ra từ sau cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đến nay. Nhiều nhà khoa học, các chính trị gia, tướng lĩnh… thảo luận sôi nổi vấn đề “Iraq: những bài học rút ra từ Việt Nam”. Melvin Laird, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ 1969 đến 1973, cho rằng: “Có lẽ bài học duy nhất thường được nhắc tới là bài học bắt đầu và kết thúc bằng “Không nên tới đó!”. Cuộc chiến tại Iraq chưa phải là “một Việt Nam thứ hai”; nhưng nó có thể là như vậy nếu chúng ta tiếp tục coi Việt Nam là một vết cắn sâu mà quên đi cái bài học thực sự”(4). Nghị sĩ Edward Kennedy lại gọi Iraq “ Việt Nam của George Bush”. Một số người khác mệnh danh cho cuộc chiến Iraq là “chiến tranh vì dầu mỏ”, lấy cớ “phổ biến nền dân chủ và tính ưu việt của tự do Hoa Kỳ để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ, và đặc biệt cho “một Việt Nam nữa”(5).
Trên cơ sở cái nhìn khái quát của những người Mỹ hiện nay về mối quan hệ giưa chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975) với cuộc chiến tranh đang tiếp diễn ở Iraq, chúng tôi nêu một số ý kiến về những bài học mà các nhà cầm quyền Mỹ, cũng như đông đảo nhân dân Mỹ cần tính tới. Bởi vì, “đã đến lúc cần nhìn lại cuộc chiến tại Việt Nam và Iraq và bài học gì mà cuộc chiến thứ nhất có thể dạy chúng ta về cuộc chiến thứ hai”(6).
Không phải ngẫu nhiên mà vài ngày trước khi quân Mỹ tiến quân đánh chiếm Iraq, các đài truyền hình Mỹ đã đưa lên mành ảnh cảnh các nhân viên Đại sứ quán Mỹ rút chạy bằng trực thăng từ nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 – 1975. Chắc chắn Tổng thống Bush, bất chấp sự phản đối của nhiều nước trong đó có các đồng minh Pháp, Đức, không chờ lệnh của Liên Hợp Quốc, tiến đánh Baghdad, không muốn một kết cục bi thảm như vậy, khi tìm một cái cớ để đưa quân vào Iraq. Phải chăng, ông đã nghĩ đến cái cớ mà Jonhson đã dựng lên với “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”? Tính chất giả dối của “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” được báo chí Mỹ vạch trần, song nó cũng đem lại cho Jonhson quyền lực mà ông ta mong mong muốn để thuyết phục dư luận Mỹ về “sự tấn công của Bắc Việt Nam”. Ngày 7 – 8 – 1964, một nghị quyết được đệ trình, theo đó cho phép “Tổng thống có quyền sử dụng bất cứ hành động nào, kể cả việc sử dụng vũ lực chống lại Bắc Việt Nam”(7). Trong chiến tranh Iraq (2003), Mỹ cũng viện vào cái cớ Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước này mà trên thực tế Mỹ đã không tìm được bằng chứng gì về laọi vũ khí này khi tiến vào Baghdad. Dù sao thì chế độ Saddam Hussein đã bị lật đổ, Mỹ đã chiếm Iraq. Phải chăng đây là “bài học về việc đã rồi” mà Bush đã rút kinh nghiệm của Jonhson khi đưa quân vào trực tiếp xâm lược Việt Nam?
Bối cảnh lịch sử mà mỹ mở rộng cuộc chiến ở Việt Nam khác với điều kiện quốc tế mà Tổng thống G. Bush tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq, dù ý đồ “bá chủ toàn cầu” của Mỹ về cơ bản không thay đổi.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi (1954), Mỹ đã nhận thấy nguy cơ “lán sóng cộng sản” sẽ từ Việt Nam lan rộng Đông Nam Á, rồi cả châu Á, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh của nhân dân thé giới cho độc lập dân tộc và tiến bộ thế giới. Mỹ “tự nhận lãnh trách nhiệm chấm dứt sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản”, bằng cách gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam để “bảo vệ thế giới tự do”. Thực chất, đây là chiến lược tiến hành “một cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện chiến tranh lạnh”. Ý đồ của Mỹ đã thất bại vì cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự ủng hộ, phối hợp đấu tranh của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Cuộc chiến tranh Iraq nổ ra khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan vỡ, Mỹ muốn vươn lên đứng đầu thế giới với vị trí “một cực”. Để xác định nhiệm vụ của mình trong tình hình mới của thế giới, Tổng thống Bush đã giải thích: “Sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản là điều có thật trong thập kỷ 60 (của thế kỷ XX – chú thích: PNL, VNT) cũng như sự lan rộng của phái Hồi giáo cấp tiến cũng là một điều có thật hiện nay. Nó là một nỗi lo sợ tiềm ẩn cho tới ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi mà nó cho thấy khả năng đe dọa chúng ta. Iraq là một địa điểm hợp lý để đánh trả chính quyền có tính thực dụng, một cơ sở hạ tầng hiện đại và dân chúng sẵn sàng lật đổ người cầm quyền của mình. Quân đội của chúng ta không chỉ chiến đấu ở đó để bảo vệ quyền bầu cử của người Iraq. Họ chiến đấu để bảo tồn một nền văn hóa hiện đại, nền dân chủ phương Tây, nền kinh tế toàn cầu và tất cả những gì bị đe dọa, bởi sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố dưới tên gọi tôn giáo”(8).
Có lẽ thực tiễn cuộc chiến tranh Việt Nam càng làm cho các nhà cầm quyền Mỹ suy nghĩ về chiến lược “lấy lòng dân” của mình trong cuộc chiến ở Iraq hiện nay. Ở Việt Nam trước đây, Mỹ giương cao nộn cờ “thế giới tự do”, “nền dân chủ Hoa Kỳ”, “thiên đường Mỹ” để chống lại “chế độ độc tài cộng sản”, “địa ngục trần gian ở Bắc Việt”, “hiểm họa cộng sản ở Đông Nam Á”, song những cuộc càn quét man rợ vào những vùng giải phóng, vụ đồu độc tù nhân ở nhà tù Phú Lợi, vụ thảm sát hơn 500 dân thường ở làng Mỹ Lai (Sơn Mỹ, Quảng Ngãi) và bao nhiêu sự cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc của binh lính Mỹ, ngụy và chư hầu đã bóc trần mọi lời tuyên truyền lừa bịp của Mỹ. Sự dối trá này là một trong những nguyên nhân làm cho Mỹ thất bại ở Việt Nam – nơi mà dân chúng đã nhận thức và quyết tâm đi theo nhà lãnh đạo có quyền lực và uy tín là Hồ Chí Minh “đã gieo vào lòng họ các mục tiêu dân tộc đáng khâm phục”(9).
Ở Iraq chúng ta cũng nhận thấy không ít sự việc tương tự đã xẩy ra tại Việt Nam trước đây. Chống khủng bố là yêu cầu của nhân dân thế giới, song Mỹ đã lợi dụng việc chống khủng bố, nhân danh “những người tiên phong chống khủng bố” để thực hiện ý đồ mở rộng quyền lực độc tôn của mình, tiêu diệt các lực lượng yêu nước. Dường như Mỹ muốn diễn lại màn kịch “chống cộng sản”, “chống độc tài” để phá vỡ “trật tự hai cực”, làm suy yếu Liên Xô để vươn lên hàng đầu. Việc chính quyền Mỹ bắt giữ tù nhân mà không xét xử, hoặc không có bản án, việc Mỹ di chuyển tù nhân sang các nước khác một cách bí mật, lẩn tránh các cuộc thanh tra của Hội chữ thập đỏ quốc tế, cảnh đánh đập, làm nhục các tù nhân ở Iraq, Afghanistan, Guantanamo làm thế giới bàng hoàng, xấu hổ đã phơi bày bộ mặt thực của “nền dân chủ Mỹ”, đang quảng bá khắp nơi.
Cũng như cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây, chính quyền của Tổng thống Bush muốn xây dựng một chính quyền bản địa mạnh để đảm nhận việc quản lý đất nước và Mỹ sớm rút quân về nước sau khi hoàn thành “sứ mệnh” lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein. Gần đây hai chuyên gia về Việt Nam của Mỹ là Jeffrei Record và W. Andrew Terrill đã hoàn thành việc nghiên cứu cho Học viện quân sự Hoa Kỳ một đề tài nhằm so sánh toàn diện hai cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam trước đây và Iraq ngày nay, để rút ra được bài học, kinh nghiệm gì cho chiến thắng ở Iraq mà họ không thể có được đối với Việt Nam. Hai nhà nghiên cứu này đã đi đến kết luận rằng, trong hai cuốc chiến tranh ở Việt Nam và Iraq, Hoa kỳ đều muốn thành lập một chính phủ hợp pháp do người bản địa nắm giữ, song nằm dưới “ô bảo hộ”, “sự trợ giúp” của Mỹ mà trong thời gian đầu phải có “sự trợ giúp của quân đội Mỹ”. Về điều này Mỹ đã từng thất bại ở Việt Nam và tự xem là đang không thành công ở Iraq. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, riêng của mỗi nước, có một nguyên nhân liên quan đến Mỹ mà Mỹ cần rút kinh nghiệm. Đó là mục tiêu thành lập một chính phủ “dân chủ”, “độc lập”, song thực sự lại là một chính phủ bù nhìn của Washinton. Các chính phủ này muốn tỏ ra đứng vững trên đôi chân của họ, cũng như Mỹ muốn họ thật sự lớn mạnh để sớm rút quân về nước, sau khi thực hiện “cuộc chiến tranh vì tự do”. Song ở Việt Nam cũng như ở Iraq những người cầm đầu các chính phủ bù nhìn lại không thể tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân nước mình, bởi vì họ quá lệ thuộc vào Mỹ.
Do đó, bài toán “Không có Mỹ mà vẫn có Mỹ để cho các chính phủ được lập ra được đứng vững” quả là nan giải mà Mỹ đã khoanh tay thất bại ở Việt Nam và vẫn chưa có lời đáp cho vấn đề Iraq.
Mỹ đã sa lầy ở Việt Nam và đang sa lầy ở Iraq. Hơn 58.195 quân sĩ Mỹ “đã chết vô nghĩa” ở Việt Nam và mỗi khi đi qua “Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam” ở Washinton, người dân Mỹ chưa hiểu “những người này đã chết vì ai? Vì cái gì?” (Có phải vì nước Mỹ, vì nền dân chủ Hoa Kỳ!)(10). Trong gần 4 năm, sau khi chiến tranh Iraq nổ ra (2003) đến nay, đã có trên 3.000 lính Mỹ chết. Sự đấu tranh của những ngfười cha, người mẹ đòi đưa con em họ từ chiến trường Iraq trở về nhà ngày càng mạnh. Sức ép của dư luận quốc tế đòi Mỹ phải kết thúc cuộc chiến, được tiến hành “qua một liên hợp”, làm cho Mỹ thêm lúng túng.
Bài học ở Việt Nam về việc “Mỹ rút quân” và tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” liệu có giúp gì cho Mỹ trong việc rút quân khỏi Iraq và “Iraq hóa chiến tranh”. Một số tướng lĩnh Mỹ đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 – 1975) cũng đã đề cập đến bài học “Mỹ rút quân” và “chấm dứt chiến sự” ở Việt Nam trong cuộc chiến ở Iraq ngày nay, song “rút quân và chấm dứt chiến tranh như thế nào?” lại phải bàn cãi. Có người cho rằng “Chúng ta đã bị chậm trễ trong quá trình Việt Nam hóa; tuy nhiên vẫn có một số nguyên tắc mà chúng ta đã tuân thủ trong cuộc chiến tranh Việt Nam có thể vẫn hữu ích đối với cuộc chiến tranh tại Iraq. Nguyên tắc quan trọng nhất là chính phủ phải tuân theo một chuẩn mực về trình độ đối với lực lượng an ninh tại Iraq, và khi đã đạt tới chuẩn mực này, quân đội Mỹ cần phải được rút dần tương ứng với quân số của lực lượng an ninh được thiết lập. Đó là cách thức có hiệu quả tại Việt Nam, từ lần rút quân đầu tiên là 50.000 người năm 1969 cho đến khi người lính cuối cùng lên máy bay vào tháng 1 – 1973”(11).
Tuy nhiên, tương quan lực lượng giữa Mỹ và các đối phương trên chiến trường Việt Nam và Iraq rất khác nhau. Ở Việt Nam, Mỹ phải rút quân và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vì Mỹ đã thất bại trước sức mạnh kháng chiến của nhân dân Việt Nam , đã làm cho các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” lần lượt bị phá sản và không đối phó được cuộc chiến tranh nhân dân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Ở Iraq, Mỹ đang còn ưu thế, đang tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang người Iraq để thay cho quân Mỹ rút dần theo sức ép của nhân dân trong nước và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đang gặp nhiều mâu thuẫn trong việc rút quân và kết thúc chiến tranh: Mâu thuẫn giữa khả năng tự bảo vệ và xây dựng đất nước của chính phủ Iraq với việc quân Mỹ phải rút quân để tránh cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới và trong nước, để tránh cuộc tấn công liên tục, mạnh mẽ của những người Iraq nổi dậy chống quân Mỹ chiếm đóng; mâu thuẫn giữa việc thành lập một chính phủ thống nhất và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc, gay gắt giữa các thế lực trong xã hội Mỹ, giữa các phe phái Hồi giáo… Việc rút quân và “Iraq hóa chiến tranh” theo bài học ở Việt Nam thật khó thực hiện.
Cuộc chiến tranh Việt Nam luôn hiện lên trong lòng nước Mỹ, trong dư luận thế giới và trên chiến trường Iraq. Rút bài học cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cho cuộc chiến Iraq đối với người Mỹ không khó, song việc nhà cầm quyền Mỹ vận dụng như thế nào thật là một bài toán không dễ. Tuy nhiên, một điều mà các nhà cầm quyền Mỹ cần chú ý đến bài học của cuộc chiến tranh Việt Nam cho cuộc chiến Iraq ngày nay là phải thực sự tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc, phải tính đến sức mạnh “đấu tranh và hi sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó” mà Mc Namara đã rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Phan Ngọc Liên - Văn Ngọc Thành

* Khoa Lch s, Trường ĐHSP Hà Ni.
** Khoa Lch s, Trường ĐHSP Hà Ni.
(1) Da theo nhan đề quyn sách ca Robert Mc Namara: Nhìn li quá kh. Tn thm kch và nhng bài hc v Vit Nam, Nxb. Chính tr Quc gia, Hà Ni, 1995.
(2) Robert Mc Namara: Nhìn li quá kh. Tn thm kch và nhng bài hc v Vit Nam, Nxb. Chính tr Quc gia, Hà Ni, 1995, trang 316.
(3) J. S. Olson, Q. Robert, Where the domino fell, America and Vietnam, 1945 – 1995, second edition, St Martin’s press, New York, 1996, p. 286.
(4) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 24.
(5) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 24.
(6) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 25.
(7) The World history, New York, 1987, p. 168.
(8) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 34.
(9) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 36.
(10) Theo s liu ca Trung tâm Lch s quân s M (US Army Center of Military History, Washington DC, 1995.
(11) Melvin Laird, Iraq: Learning the Lessons of Viet Nam, Foreign Affairs, November – December 2005, p. 29.