Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

33. Trung Quốc trước chiến lược trở lại châu Á của Mĩ


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 26/6/2012
TTXVN (Niu Yoóc 25/6)
Ngày 20/6, tờ “Bưu điện Huffington” của Mỹ cho biết cách đây 13 năm, Andrew W. Marshall, nhà chiến lược có ảnh hưởng nhất của Lầu Năm Góc, đã ủng hộ bản báo cáo với nhan đề “Châu Á 2025”, trong đó kịch bản họp tác giữa Trung Quốc và Mỹ chưa được coi trọng.
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã điều chỉnh phương hướng chính sách đối ngoại của Mỹ hơn một thập kỷ, nhung khi Oasinhtơn rút khỏi Irắc và chuẩn bị rút quân khỏi vũng lầy Ápganixtan, đánh giá của ông Marshall về Trung Quốc lại nổi lên và tạo cơ sở cho chiến lược trở lại châu Á của Barack Obama. Nếu lý lẽ của ông Marshall được đa số các nhà phân tích người Mỹ nghiêm túc xem xét khi GDP của Trung Quốc chỉ bằng 10% GDP của Mỹ, thì chắc chắn nó sẽ có một tiếng vang mới trong tình hình khi kinh tế Trung Quốc phát triển bằng một nửa nền kinh tế Mỹ.
Nhưng khi các nhà chiến lược ở Oasinhtơn cho rằng các thách thức chủ yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ xuất phát từ các nhân tố bên ngoài chứ không phải từ các vấn đề trong nước, chiến lược trở lại châu Á của Mỹ có thể làm sáng tỏ những gì mà ông Andrew J. Bacevich gọi là “chủ nghĩa quân phiệt Mỹ mới” mà không cần phục vụ các lợi ích lâu dài của thế giới phương Tây. Xa rời thực tiễn và không củng cố vững chắc các điều kiện trong nước là sai lầm đáng tiếc của chính sách này. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ thói ngạo mạn của phố Uôn và một niềm ham mê vay mượn mang tính quốc gia đã thúc đẩy sự phát triển của Bắc Kinh và một thập kỷ trước khi kinh tế Trung Quốc thực sự vượt GDP của Mỹ, một cuộc khảo sát gần đây nhất của Dự án Thăm dò Thái độ Toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đặt trụ sở tại Oasinhtơn DC, khẳng định Trung Quốc đã được thừa nhận là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu này, các quan điểm về cân bằng sức mạnh kinh tế đã thay đổi thực sự to lớn trong 4 năm qua: Năm 2008, trước khi Lehman Brothers phá sản, 45% số người được hỏi đều cho rằng Mỹ là siêu cường kinh tế thế giới, trong khi đó chỉ 22% nhắc tên Trung Quốc. Hiện nay, 36% nhắc đến Mỹ nhưng 42% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc là số một. Bất chấp những yếu kém hay xuyên tạc trắng trợn về xã hội Trung Quốc và khoảng cách giữa các công cụ sức mạnh mềm giữa Mỹ và Trung Quốc, điều quan trọng là công chúng toàn cầu không còn thừa nhận Mỹ là nước dẫn đầu thế giới nữa, ít nhất trên lĩnh vực kinh tế.
Nói chung, Trung Quốc thể hiện có khả năng lèo lái một thế giới chứa nhiều nghịch lý – nơi tính đa cực tồn tại song song với sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong môi trường không tránh khỏi này, chiến lược trở lại châu Á của Mỹ có thể bị nghi ngờ nhưng chắc chắn nó sẽ thể hiện sự tương phản rõ ràng giữa một bên là quan điểm đơn cực của Mỹ, trong đó Trung Quốc được tô vẽ như một cường quốc để ngăn chặn và một Trung Quốc của thế kỷ 21 hoạt động bên ngoài sự đối lập riêng biệt Đông – Tây. Trước khi Tổng thống Mỹ Harry Truman áp dụng chiến lược ngăn chặn Liên Xô, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô George Kennan đã viết trong cuốn “Long Telegram” năm 1946 của ông rằng Matxcơva của Stalin “sẽ tiếp tục tồn tại trong vòng vây của tư bản. Vì vậy thế giới không thể có cùng tồn tại hòa bình trong thời gian dài”. Nếu chiến lược trở lại châu Á của Mỹ cho rằng Bắc Kinh có thể lựa chọn giải pháp đối kháng, như vậy Oasinhtơn đã hiểu sai ý đồ của Bắc Kinh, bởi vì bản chất và sự tài tình trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh là tiếp tục không đối đầu. Hơn nữa, Mỹ không nên coi những tiến bộ kinh tế – xã hội của Trung Quốc là sự phát triến đe dọa để tìm cách ngăn chặn, vì sự phát triển đó đồng nghĩa với ổn định và thịnh vượng. Việc nổi lên của Trung Quốc cũng không làm suy yếu các nước đồng minh châu Á của Mỹ mà trái lại Trung Quốc còn cung cấp thêm các nguồn tăng trưởng cho họ. Năm 2011, trong khi thương mại Trung Quốc – Nhật Bản đạt 342 tỷ USD, thì trao đổi thương mại Trung Quốc – ASEAN tăng lên 362 tỷ USD. Các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc đang phát triển với khu vực Trung Á và thương mại của Trung Quốc với Nga cũng như Ấn Độ sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2015. Tình trạng không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu và rối loạn hiện nay ở khu vực đồng euro đã thúc đẩy Đông Bắc Á hướng tới tái cân bằng họp tác và đa dạng hóa, nhưng việc xác định lại các nguồn tài chính và thương mại này không phải ý đồ nhằm vào bất cứ kẻ thù nào mà đơn giản chỉ là phản ứng trước những yếu kém kinh tế của phương Tây. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tăng cường sử dụng các khoản dự trữ ngoại tệ của họ để đầu tư vào các loại trái phiếu của chính phủ khác. Ba nước chiếm 70% GDP của châu Á cũng đang hướng tới việc thiết lập một khu vực thương mại tự do ba bên. Bắc Kinh và Xơun loan báo bắt đầu các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) và dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm 2014. Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu mua bán trực tiếp bằng đồng tiền của hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Động lực mới của Đông Bắc Á cũng tái tạo lại bức tranh Đông Nam Á. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng 10 nước thành viên ASEAN nhất trí tăng cường khả năng thanh toán tiền mặt của khu vực bằng cách nâng gấp đôi thỏa thuận đa phương của Sáng kiến Chiang Mai lên 240 tỷ USD. Trong khi đó, mặc dù đang nắm trong tay khoản nợ lớn hơn GDP và dự kiến số nợ đó sẽ lớn gấp 3 lần khoản nợ hiện nay của khu vực đồng euro trong 5 năm tới, Chính phủ Mỹ vẫn đang tìm cách tạo ra các điều kiện để hình thành các mối quan hệ lưỡng cực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh 20 năm. Thay vì triển khai chiến lược trở lại châu Á, Mỹ nên chú trọng các vấn đề kinh tế trong nước, một mối đe dọa thực sự tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, và cùng các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét lại các mối quan hệ Đại Tây. Dương, về cơ bản mặc dù Trung Quốc đã học cách chung sống với phương Tây và tiếp tục sử dụng phương Tây như một chất xúc tác nhằm đổi mới nền văn minh truyền thông của mình, nhưng phương Tây chưa hoàn toàn chấp nhận thực tiễn hiện đại mang màu sắc riêng của Trung Quốc và điều đó cho thấy phát triển toàn cầu của phương Tây đang tồn tại nhiều hạn chế. Do nhấn mạnh quan điểm: “Hoặc các ngài đi theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” trong khi từ lâu Trung Quốc đã chuẩn bị tư tưởng tránh ý nghĩ hẹp hòi như vậy, thế giới phương Tây đang có nguy cơ ngày càng bị cô lập trong một thế giới đang thay đổi.
Trong tư tưởng, phong cách lãnh đạo và quản lý của Trung Quốc, quan điểm về các mối quan hệ quốc tế bị ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý ” Trung Quốc là Trung tâm” – một học thuyết và hành động nhằm mục tiêu cân bằng các mâu thuẫn và dàn xếp các lực lượng bất đồng. Sức mạnh của triết lý “Trung Quốc là Trung Tâm” không phải một thắng lợi của phương Đông chống phương Tây mà giúp đỡ lẫn nhau. Trong một thế giới toàn cầu hóa, sự thống trị của một cường quốc đối với các nước khác trở thành vấn đề không thể xảy ra và sự lệ thuộc lẫn nhau đã làm tăng cái giá của các căng thẳng. Người đời thường gán cho Hoàng đế người Pháp Napoleon Bonaparte một tuyên bố mà ông ta có thể chưa bao giờ tuyên bố và thực tế câu nói: “Khi Trung Quốc thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển” là một sự xuyên tạo. Bởi vì Trung Quốc không phải là một lực lượng cách mạng và cũng không phải một cường quốc say sưa với giấc mộng sắp xếp lại một trật tự toàn cầu mới. Trong khi những lời nói rõ ràng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Đối thoại Shangri-La ở Xinhgapo gần đây nhất khẳng định: “Tất cả quân đội Mỹ sẽ tập trung thực hiện sự chỉ đạo của Tổng thống để biến châu Á – Thái Bình Dương trở thành ưu tiên hàng đầu”, Trung Quốc tập trung cải cách và đổi mới trong nước và dần dần, lặng lẽ giành được vị trí trung tâm. Mặc dù chiến lược trở lại châu Á phản tác dụng sẽ gây rắc rối cho các mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây, nhưng để phương Tây hiểu được sự phục hưng của Trung Quốc là vấn đề cần thiết và cấp bách. Sự hiểu biết đó không những sẽ đóng góp cho sự hồi sinh của phương Tây mà còn đưa hệ thống toàn cầu vào một kỷ nguyên hợp tác và thịnh vượng chưa từng thấy.