Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

37. Chủ thuyết Obama và kế hoạch 6 điểm trong cuộc chiến toàn cầu


Chẳng mấy khác một cảnh trong phim Hollywood. Trong bóng tối đen nghịt, một số  người trong trang phục tác chiến, trang bị súng tự động và kính nhìn ban đêm, bám chặt dây cáp từ một trực thăng MH-47 Chinook.  Trong tích tắc, từng người tuột nhanh xuống một tàu biển phía dưới. Sau đó, “Mike,” tên riêng một thành viên Navy SEAL (không cho biết họ), khoe với một trung sĩ phụ trách giao tế, khi diễn tập, SEAL có thể di chuyển 15 binh sĩ xuống boong tàu trong chưa tới 30 giây.
Từ boong tàu, đội biệt kích lập tức chia làm nhiều tổ lục soát tàu đang bập bềnh trong cảng Jinhae, Nam Hàn. Dưới boong và trên cầu tàu, đội biệt kích bắt gặp vài người và chỉa súng vào họ, nhưng không ai nổ súng. Đây chỉ là một cuộc tập dượt.
Tất cả những binh sĩ lục soát đều là biệt kích SEAL, nhưng không phải tất cả đều là lính Mỹ. Một số là thành viên của Nhóm 1 Biệt Kích Hải Quân[1] đến từ Conorado, California; một số khác thuộc Lữ Đoàn Biệt Kích Hải Quân Nam Hàn.[2] Cuộc diễn tập là một phần của cuộc thao diễn liên quân đa quốc gia “Foal Eagle 2012″. Đó cũng là mô hình –  và một phần nhỏ — của chốt quân sự Hoa Kỳ luôn được ca tụng từ Vùng Trung Đông Nới Rộng đến Á Châu, một kế hoạch bắt đầu với việc gửi 250 Thủy Quân Lục Chiến đến Darwin, Australia, đặt cơ sở các tàu chiến cận duyên ở Singapore, tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam và Ấn Độ, tập trận  và ngay cả hành quân bằng phi cơ không người lái ở Philippines, và di chuyển phần lớn các tàu Hải Quân đến Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ 2010.
Cuộc tập trận khiêm tốn vừa nói cũng phản ảnh một chốt quân sự khác. Hình thức tác chiến kiểu Mỹ một lần nữa đã thay đổi. Quên đi những cuộc xâm lăng và chiếm đóng với những đội quân lớn trên lục địa Á-Âu. Thay vào đó, hãy nghĩ tới: các lực lượng hành quân biệt kích hoạt động riêng rẽ; đồng thời huấn luyện hoặc tác chiến bên cạnh các đội quân đồng minh hay ủy nhiệm tại những điểm nóng trên khắp thế giới. Và song hành với các cố vấn hành quân đặc biệt, các huấn luyện viên, và các  biệt kích còm-măng-đô, còn phải kể dòng chảy các ngân khoản và nổ lực ngày một gia tăng vào chương trình quân sự hóa các hoạt động tình báo, sử dụng drones, tấn công-cyber, và các cuộc hành quân hỗn hợp liên ngành với các cơ quan chính quyền dân sự ngày một được quân sự hóa.
Phần lớn những thao tác vừa kể đều đã được các cơ quan truyền thông nhận diện. Tuy nhiên, phương cách phối trí để trở thành bộ mặt mới của một đế quốc toàn cầu vẫn chưa được nhiều người nhận thức đầy đủ. Dù sao, tất cả đã phản ảnh một chủ thuyết mới của Obama, một chương trình sáu điểm trong chiến tranh kiểu Mỹ trong  thế kỷ XXI, một kế hoạch chính quyền Obama hiện đang cẩn trọng khai triển và gọt giũa.
Kích cỡ toàn cầu của chương trình quả thật đáng ngạc nhiên, mặc dù vẫn còn rất ít người có thể nhận diện. Tuy vậy, cũng như kỷ thuật quân sự  tân tiến, nhanh nhẹn  và nhẹ nhàng của Donald Rumsfeld và các cuộc hành quân chống trỗi dậy của David Petraeus trước đây, kế hoạch của Obama hiện đang tiếp diễn ngày một rõ nét, và trong nhiều phương cách, chắc cũng sẽ làm những người sáng tạo ra chúng  phải ngạc nhiên và thất vọng.
TRANH TỐI TRANH SÁNG
Trong nhiều năm, giới quân sự Mỹ đã ca ngợi và phát huy ý niệm “nối ghép.”[3] Một trực thăng quân sự chuyển dịch các Biệt Kích Hải Quân Hoa Kỳ đến một tàu chiến hải quân Nam Hàn đã tượng trưng ý niệm nầy ở cấp chiến thuật.
Tuy nhiên, tương lai hình như đang hứa hẹn một điều gì khác. Chúng ta có thể mường tượng một hình thức “mập mờ” hay “blur-ness,” một dạng thức tổ chức hành quân theo đó một Ngũ Giác Đài, với vai trò áp đảo, trộn lẫn lực lượng riêng với các cơ quan khác trong chính quyền — nhất là CIA, Bộ Ngoại Giao, và Cơ Quan Bài Trừ Nha Phiến — trong những sứ mệnh hỗn hợp chồng chéo phức tạp trên khắp thế giới.
Năm 2001, Bộ trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld bắt đầu cuộc “cách mạng quân sự”[4] của ông, lèo lái Ngũ Giác Đài hướng tới một “mô hình các lực lượng quân sự-uyển chuyển, công-nghệ-cao, và nhanh nhẹn.”[5] Ý niệm đã dẫn đến một chung cuộc tàn nhẫn và đen tối trong các thành phố Iraq đang bị chiến tranh hủy hoại.
Một thập kỷ sau, các tàn tích cuối cùng của nhiều thất bại liên tục trong một cuộc chiến bế tắc ở Afghanistan, đương đầu với một cuộc trỗi dậy của một thiểu số khố rách áo ôm không thể đánh bại.
Trong nhiều năm sau đó, hai bộ trưởng quốc phòng và một tổng thống mới đã chủ trì một biến thái khác  — lần nầy chỉ nhằm tránh né những cuộc chiến lớn trên bộ chỉ gây tang tóc đổ nát, những cuộc chiến người Mỹ đã luôn chứng tỏ không thể thắng.
Với T T Obama, Hoa kỳ đã mở rộng hay phát động nhiều chiến dịch — hầu hết sử dụng một hỗn hợp sáu yếu tố chiến tranh kiểu Mỹ trong thế kỷ XXI.
Cuộc chiến Pakistan, chẳng hạn, đang mang dấu ấn, nếu không muốn nói là chủ thuyết, của  Obama:
(a) Khởi đầu như một chiến dịch ám sát bằng phi cơ không người lái khá hạn chế;(b) Được hổ trợ bởi các cuộc tấn công biệt kích hạn chế xuyên biên giới dưới thời Bush; (c) Các cuộc hành quân của Mỹ ở Pakistan đã được mở rộng thành một thứ rất gần với cuộc chiến hoàn toàn bằng phi cơ tự động; (d) Được bổ túc bởi các cuộc tấn công bằng trực thăng xuyên qua biên giới; (đ) Các đội ám sát của các lực lượng ủy nhiệm Afghanistan do CIA tài trợ; (e) cũng như các cuộc hành quân trên bộ bởi các lực lượng biệt kích tinh nhuệ, kể cả cuộc ám sát Osama bin Laden bởi đơn vị biệt kích SEAL;
CIA cũng có những hoạt động tình báo kín đáo và những phi vụ giám sát ở Pakistan, mặc dù vai trò của CIA trong tương lai có thể ít quan trọng hơn, nhờ ở các hoạt động mở rộng của Ngũ Giác Đài. Trong tháng 4, trong thực tế, Bộ  Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã loan báo tạo lập một cơ quan mới tương tự CIA bên trong Ngũ Giác Đài gọi là Sở Bí Mật Quốc Phòng — Defense Clandestine Service. Theo báo Washington Post, mục tiêu là mở rộng “các nổ lực do thám quân sự bên ngoài các vùng chiến tranh.”[6]
Trong thập kỷ vừa qua, chính ý niệm các khu vực chiến tranh cũng đã trở nên khá mập mờ , phản ảnh tình trạng ngày một  mập mờ hơn trong các nhiệm vụ và hoạt động của CIA và Ngũ Giác Đài. Phân tích cơ quan mới và “khuynh hướng đồng quy rộng rãi hơn”[7] giữa Bộ Quốc Phòng và các nhiệm vụ của CIA, báo Washington Post đã ghi nhận “tình trạng mập mờ cũng rõ ràng hơn giữa các lãnh đạo cao cấp của cả hai định chế. Panetta trước đây đã giữ nhiệm vụ giám đốc CIA, và chức vụ nầy hiện đang do Tướng Bốn Sao Hồi Hưu David H. Petraeus nắm giữ.”[8]
Không để bị qua mặt, năm 2011, Bô Ngoại Giao, trước đây luôn chỉ là trung tâm sinh hoạt ngoại giao, đã tiếp tục con đường quân sự hóa (và biên độ hóa) khi đồng ý góp một phần tài nguyên với Bộ Quốc Phòng để thiết lập Quỹ Dự Phòng An Ninh Toàn Cầu — Global Security Contingency Fund.Chương trình sẽ cho phép Bộ Quốc Phòng có tiếng nói nặng ký hơn trong việc Hoa thịnh Đốn sẽ cung cấp viện trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong những nơi như Yemen và Horn of Africa.
Một điều chắc chắn: hoạt động trong guồng máy chiến tranh của Hoa Kỳ (cùng với các viên chức tình báo và ngoại giao) lúc một chìm sâu hơn vào bóng tối. Người Mỹ có thể chờ đợi các động thái bí mật ngày một nhiều hơn trong nhiều nơi hơn, và cố  nhiên với nhiều tiềm năng phản tác dụng trong những năm sắp tới.
XÂM NHẬP PHI CHÂU
Một châu lục có nhiều cơ hội chứng kiến sự xâm nhập của các nhân viên tình báo Ngũ Giác Đài trong những năm sắp tới là Phi Châu.
Dưới thời T  T Obama: Các cuộc hành quân trên lục địa ngày một gia tăng, vượt xa những can thiệp hạn chế hơn dưới thời Bush; Cuộc chiến Libya năm rồi; Chiến dịch drone cấp vùng với  các phi vụ từ các phi trường và căn cứ ở Djibouti, Ethiopia, và Seychelles — quốc gia quần đảo trong Ấn Độ Dương; Một hạm đội 30 tàu chiến trong cùng một Đại Dương hổ trợ các cuộc hành quân trong khu vực; Một chiến dịch gồm nhiều cánh quân sự và CIA chống các chiến binh ở Somalia, kể cả các cuộc hành quân tình báo, huấn luyện các nhân viên Somalia, nhà tù bí mật, các cuộc tấn công bằng trực thăng, và các cuộc bố ráp bởi lính biệt kích Hoa Kỳ; Dòng chảy tiền mặt lớn lao để tài trợ các cuộc hành quân chống khủng bố trong vùng Đông Phi; Một cuộc không chiến cổ điển khả dĩ và bí mật trong vùng sử dụng phi cơ có người lái; Hàng chục triệu đô la vũ khí dành cho quân đội đồng minh Phi Châu và lính đánh giặc thuê; Và một lực lượng viễn chinh biệt kích được các chuyên gia của Bộ Ngoại Giao tăng cường để bắt hay giết lãnh đạo Kháng Chiến Quân của Lord, Joseph Kony và các chỉ huy cao cấp , hoạt động ở Uganda, Nam Sudan, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và Cộng Hòa Trung Phi, nơi Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ hiện có một căn cứ mới…
Các sự kiện thực tế nói trên cũng mới chỉ là bước đầu của các kế hoạch khai triển nhanh chóng và hoạt động ở Phi Châu của Hoa Thịnh Đốn.
Ít được biết đến hơn là các nổ lực quân sự Hoa Kỳ nhằm huấn luyện các lực lượng Phi Châu, chuẩn bị cho các cuộc hành quân nay được xem như  phần chính yếu trong quyền lợi của Hoa Kỳ trong lục địa Phi Châu.
Những nổ lực nầy bao gồm, chẳng hạn, một phái bộ của Lực Lượng Do Thám Địa-Không của Thủy Quân Lục Chiến Ưu tú từ Đội Đặc Nhiệm 12 — SPMAGTF-12 — nhằm huấn luyện binh sĩ trong Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ Uganda, lực lượng cung cấp phần lớn quân đội cho Phái Bộ Liên Hiệp Phi Châu ở Somalia.
Hồi đầu năm,Thủy Quân Lục Chiến từ SPMAGTF-12 cũng giúp huấn luyện binh sĩ từ Burundi National Defense Force, lực lượng với quân số lớn thứ hai ở Somalia; gửi huấn luyên viên đến Djibouti, nơi Hoa Kỳ đang có sẵn một căn cứ lớn Horn of Africa base, tại Camp Lemonier; và Liberia, nơi các huấn luyện viên chú tâm huấn luyện kỷ thuật kiểm soát bạo loạn cho quân đội Liberia như một phần của nổ lực đầu tiên của Bộ Ngoại Giao xây dựng một lực lượng như thế.
Hoa Kỳ cũng đang huấn luyện và trang bị quân đội Algeria, Burkina Faso, Chad, Mauritania, Niger, và Tunisia.
Ngoài ra, Bộ Tư Lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ — Africom, đang lên lịch 14 cuộc thao diễn huấn luyện hỗn hợp lớn trong năm 2012 với Morocco, Cameroon, Gabon, Botswana, South Africa, Lesotho, Senegal, và Nigeria – một Pakistan ở Phi Châu.
Mặc dù vậy, trên đây cũng chưa phải toàn bộ các hoạt động của các phái bộ huấn luyện và cố vấn ở Phi Châu. Một ví dụ không xuất hiện chính thức trên danh sách của Africom: mùa xuân vừa rồi, Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc diễn tập huấn luyện đa quốc gia lấy tên Saharan Express 2012, tập hợp 11 quốc gia, kể cả Côte d’Ivoire, The Gambia, Liberia, Mauritania, và Sierra Leone .
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT KHU VỰC TRUNG VÀ NAM MỸ
Kể từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ luôn xen vào nội tình các xứ lân bang, xem vùng Caribbean như hồ nước lớn của riêng mình, và tùy tiện can thiệp vào vùng Mỹ La Tinh.
Dưới thời T T Bush, với vài ngoại lệ khá quan trọng, quyền lợi của Hoa Thịnh Đốn đối với các quốc gia sân sau đã được xếp vào hàng thứ yếu bên sau các cuộc chiến xa xôi hơn. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền Obama đã ngày một quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của Mỹ phía Nam biên giới, sử dụng một phương thức mới.
Điều nầy đã được phản ảnh qua các drone của riêng Ngũ Giác Đài hoạt động sâu  bên trong Mexico, song song với các nhân viên CIA và cán bộ dân sự thuộc Bộ Quốc Phòng được gửi tới làm việc trong các căn cứ quân sự của Mexico, với lý do giúp đối phó với các liên minh nha phiến.
Năm 2012, Ngũ Giác Đài cũng đã tăng cường các cuộc hành quân bài trừ buôn lậu nha phiến ở Honduras. Từ những căn cứ Forward Oprating Base Mocoron và nhiều trại binh xa xôi khác, giới quân sự Mỹ đang hổ trợ các cuộc hành quân của Honduras qua những phương pháp người Mỹ đã mài giũa ở Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, quân lực Hoa Kỳ cũng đã tham dự vào các cuộc hành quân hỗn hợp với quân đội Honduras như một phần trong phái bộ huấn luyện dưới tên gọi Beyond the Horizon 2012; Biệt Động Quân mũ xanh cũng đã trợ lực các lực lượng hành quân đặc biệt Honduras; và một Đội Hổ Trợ Cố Vấn ở Nước Ngoài thuộc Drug Enforcement Administration – DEA, nguyên được thiết lập để gây trở ngại cho tổ chức buôn bán nha phiến ở Afghanistan, đã tham gia trợ giúpĐội Đáp Ứng Chiến Thuật Honduras, một đơn vị chống buôn lậu nha phiến ưu tú của Honduras. 
Các cuộc hành quân nầy, chẳng hạn, đã là đề tài của báo chí khi các nhân viên DEA, trên một trực thăng Hoa Kỳ , đã tham dự vào một cuộc tấn công các thường dân, hạ sát hai người đàn ông  và hai phụ nữ mang thai trong vùng Mosquito Coast xa xôi.
Ít rõ ràng hơn là những nổ lực của Hoa Kỳ ở Guyana, nơi các lực lượng biệt kích đã giúp huấn luyện quân đội địa phương về kỷ thuật tấn công bằng trực thăng.Theo Đại Tá Bruce Lovell thuộc Lực Lượng Tự Vệ Guyana, “đây là lần đầu tiên chúng tôi đã có loại diễn tập nầy sử dụng Lực Lượng Biệt Kích của Hoa Kỳ với một kích cỡ lớn lao như vậy. Nó cho phép chúng tôi chứng tỏ khả năng, và hiểu được vị trí cũng như những nhược điểm của chúng tôi.”[9]
Giới quân sự Hoa Kỳ cũng đã giữ một vai trò tích cực như thế ở nhiều nơi khác trong Châu Mỹ La Tinh, hoàn tất những thao diễn huấn luyện ở Guatamala, đỡ đầu các phái bộ xây dựng đối tác ở Dominican Republic, El Salvador, Peru, và Panama, và đạt một thỏa hiệp thực hiện 19 loại hoạt động với quân đội Colombia năm tới, kể cả các thao diễn quân sự hỗn hợp.
CỦNG CỐ SỰ HIỆN DIỆN NGAY TRONG VÙNG TRUNG ĐÔNG
Mặc dù chiến tranh ở Iraq và Libya đã chấm dứt, quyết định rút bớt quân đội ở Afghanistan, và nhiều lần loan báo chuyển dịch chốt an ninh quốc gia qua Á châu, Hoa Thịnh Đốn thực ra không nhất thiết rút khỏi vùng Trung Đông Nới Rộng. Bên cạnh các cuộc hành quân đang tiếp tục ở Afghanistan, Hoa Kỳ vẫn luôn huấn luyện quân đội đồng minh, xây dựng các căn cứ quân sự, và trung gian bán và chuyển giao vũ khí cho các lãnh đạo độc tài trong vùng, từ Bahrain đến Yemen.
Trong thực tế, Yemen, cũng như nước láng giềng Somalia bên kia bờ Vịnh Aden, đều đang trở thành một phòng thí nghiệm cho các cuộc chiến Obama. Ở đó, Hoa Kỳ đang thực nghiệm loại chiến tranh mới của riêng mình với các lực lượng “đen” -black ops troops, như SEAL, và lực lượng Delta Forcecủa Quân Đội đang theo đuổi  các sứ mệnh giết/bắt, trong khi các lực lượng “trắng,” như Lính Mũ Xanh và Biệt Động, đang huấn luyện quân đội bản địa , và các phi cơ tự động không người lái săn lùng và ám sát các thành viên al-Qaeda và các lực lượng liên kết, rất có thể được hổ trợ bởi một số phi cơ có người lái bí mật.
Trung Đông cũng đã trở thành một “vùng-tượng trưng” – “poster-region” cho một hình thức mới khác của chủ thuyết Obama: các nỗ lực chiến tranh vi tính hay cyberwar. Trong một cuộc nói chuyện thuộc loại mập mờ, Ngoại trưởng Hillary Clinton, xuất hiện trước Hội Nghị Kỹ Nghệ Các Lực Lượng Biệt Kích mới đây ở Florida, đã tuyên bố Bộ Ngoại Giao luôn sốt sắng tham dự vào công thức chiến tranh mới của Hoa Kỳ. Bà đã phát biểu trước đám đông:”Chúng ta cần những Lực Lượng Biệt Kích luôn thoải mái uống trà với các lãnh tụ các bộ lạc cũng như bố ráp đột kích một doanh trại khủng bố. Chúng ta cũng cần những nhà ngoại giao và các chuyên gia phát triển kinh tế  đủ khả năng trở thành đối tác của quý vị.”[10]
Kế đó, Clinton đã nhân cơ hội quảng bá  các nỗ lực của Bộ Ngoại Giao xâm nhập và phá hoại các websites của các nhóm liên hệ với al-Qaeda ở Yemen. Khi các thông điệp của al-Qaeda xuất hiện trên mạng, “đội ngũ của chúng ta cũng cho đăng lên  cùng websites các dạng thức sửa đổi … cho thấy số nạn nhân của các cuộc tấn công của al-Qaeda đối với dân Yemen.”[11] Bà còn ghi nhận sứ mệnh chiến tranh truyền thông nầy đã được thể hiện bởi các chuyên viên tại Trung Tâm Thông Tin Chống Khủng Bố của Bộ Ngoại Giao , với sự trợ lực từ cộng đồng quân lực và tình báo Hoa Kỳ.
Những nỗ lực khiêm tốn nầy đã đóng góp các phương pháp chiến tranh vi tính hữu hiệu đang được Ngũ Giác Đài và CIA sử dụng, kể cả các “Trò Chơi Olympic” được tiết lộ gần đây, một chương trình tấn công tân tiến đối với các máy vi tính trong các cơ sở làm giàu uranium của Iran do Cơ Quan Ninh Quốc Gia NSA, và Đơn Vị 8200 của Do Thái, một cơ quan tương đương với NSA, hiện đang sử dụng.
Trên nhiều phương diện khác của công thức chiến tranh mới, các nỗ lực nầy đã  được khởi động dưới thời T T Bush, nhưng đã được tăng cường đáng kể dưới thời T T Obama — vị tổng tư lệnh đầu tiên của Hoa Kỳ đã ra lệnh tấn công vi tính liên tục và dài lâu, nhằm phá hoại hạ tầng cơ sở của một xứ khác.
TỪ ĐÓM LỬA ĐẾN ĐẠI HỎA HOẠN
Trên toàn cầu, từ Trung và Nam Mỹ đến Phi Châu, Trung Đông, và Á Châu, chính quyền Obama đang thực thi công thức chiến tranh mới của Mỹ. Theo đuổi công thức nầy, Ngũ Giác Đài và các đối tác trong chính quyền, ngày một được quân sự hóa, đang vân dụng mọi thứ, từ những ý niệm chiến tranh thực dân cổ điển đến những công nghệ tân tiến nhất.
Hoa Kỳ là siêu cường đế quốc đã trải nghiệm trên hơn mười năm trong nhiều cuộc chiến thất bại. Nước Mỹ cũng đang khập khiễng bởi một nền kinh tế rỗng ruột, và ngập tràn bởi hàng trăm nghìn cựu quân nhân gần đây — khoảng 45% quân đội đã chiến đấu ở Iraq và Afghanistan — đang khắc khoải vì tâm bệnh và thương tích chiến tranh, đang đòi hỏi và cần được săn sóc y tế tốn kém.
Trong bối cảnh đó, một phối hợp các hình thức hành quân biệt kích, phi cơ không người lái, hoạt động gián điệp và tình báo, lính đánh thuê, chiến tranh vi tính, quân đồng minh hay ủy nhiệm… hiện nay đang được quan niệm như loại chiến tranh an toàn hơn, lành mạnh hơn. Thoạt nhìn, công thức chiến tranh hình như đang được xem như một vạn ứng linh đơn chữa mọi căn bệnh an ninh của Hoa Kỳ. Trong thực tế, đó chỉ có thể là bất cứ thứ gì ngoại trừ một thần dược…!
Chủ thuyết mới của Obama ít cần đến nhiều bộ binh, trong thực tế, hình như đang biến chiến tranh thành một chọn lựa khá dễ dàng, ngay cả khá hấp dẫn. Đây là điều gần đây đã được nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng Peter Pace, nhấn mạnh, khi được hỏi về những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục gửi các Lực Lượng Biệt Kích ra hoạt động ở hải ngoại. Tướng Pace đã cho biết: “Tôi lo lắng về tốc độ đang khiến việc sử dụng vũ lực trở nên quá dễ dàng. Tôi cũng lo lắng tốc độ đang làm quá dễ dàng việc chọn lựa giải pháp dễ dàng — hãy cho họ nếm mùi  biệt kích — thay vì có lẽ một giải pháp khó khăn hơn cho có lẽ một giải pháp lâu dài tốt hơn.”[12]
Vì vậy, công thức chiến tranh mới của Hoa Kỳ hàm chứa một tiềm năng lớn lao cho những bất trắc khó lường và hàng loạt phản tác dụng. Bắt đầu hay nhen nhúm một số đóm lửa chiến tranh trong vài lục địa có thể biến thái thành những đại hỏa hoạn lan tràn không thể lường trước và sẽ khó lòng , nếu không muốn nói không thể, dập tắt.
Bởi bản chất, những can thiệp quân sự nhỏ thường có khuynh hướng lan rộng, và chiến tranh có khuynh hướng lan tràn qua các biên giới. Theo định nghĩa, hành động quân sự luôn có khuynh hướng đem lại nhiều hệ lụy không thể tiên liệu. Đối với những ai nghi ngờ,  xin chỉ cần nhìn lại năm 2001, khi ba cuộc tấn công với kỷ thuật thấp trong một ngày đã khởi động một cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ và tràn lan khắp hoàn cầu. Phản ứng đối với một ngày bắt đầu với một cuộc chiến ở Afganistan, lan qua Pakistan, rẽ qua Iraq, bùng nổ ở Somalia và Yemen, và cứ thế tiếp tục… Ngày nay, những can thiệp ban đầu đang tiếp tục sinh sôi nẩy nỡ ở nhiều nơi khác như Mexico, Honduras, Cộng Hòa Trung Phi, và Congo…
Lịch sử đã chứng minh: kể từ năm 1945, Hoa Kỳ không mấy thành công trong nhiều cuộc chiến và luôn thất bại trong những vụ xung đột lớn. Chẳng hạn, một vài vụ can thiệp, khởi đầu khá nhỏ bé, đã trở thành một hỗn hợp với vài thành công khiêm tốn trong những nơi như Panama và Grenada, cũng như  với những thất bại nhục nhã ở Lebanon trong thập kỷ 1980 và Somalia trong thập kỷ 1990.
Điều nguy hiểm là thật sự rất khó thể tiên liệu những gì một sự can thiệp sẽ trở  thành — trước khi quá muộn. Trước đây, mặc dù luôn diễn tiến theo nhiều quá trình khác nhau, Việt Nam, Afghanistan, và Iraq … tất cả đều khởi đầu như những xung đột tương đối nhỏ bé, rồi ngày một lớn dần và trở thành đại họa.
Cho đến nay, viễn cảnh của chủ thuyết mới của Obama hình như không mấy sáng sủa, mặc dù đã được báo chí tán dương cổ súy bên trong Vòng Đai Hoa Thịnh Đốn.
Những  gì ngày nay có vẻ  như một công thức dễ dàng áp đặt quyền lực khả dĩ phụng sự  quyền lợi đế quốc của Hoa Kỳ chẳng bao lâu rất có thể sẽ trở thành một đại họa, thường rất  khó nhận chân cho đến khi quá muộn màng.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
27-6-2012

[1] …   Naval Special Warfare Group 1….
[2] …South Korea’s Naval Special Brigade…
[3] …jointness…
[4] …his “revolution in military affairs.”
[5] …a military-lite model of high-tech, agile forces.
[6] …to expand the military’s espionage efforts beyond war zones.
[7] …broader convergence trend.
[8] …blurring is also evident in the organizations’ upper ranks. Panetta previously served as CIA director, and that post is currently held by retired four-star Army Gen. David H. Petraeus.
[9] …This is the first time we have had this type of exercise involving Special Operations Forces of the United States on such a grand scale.
[10]… We need Special Operations Forces who are as comfortable drinking tea with tribal leaders as raiding a terrorist  compound. We also need diplomats and development experts who are up to the job of being your partners.
[11] …our team plastered the same sites with altered versions…that showed the toll al-Qaeda attacks have taken on the Yemeni people.
[12] I worry about speed making it too easy to employ force. I worry about speed making it too easy to take the easy answer — let’s go whack them with special operations — as opposed to perhaps a more laborious answer for perhaps  a better long-term solution.