1. Clinton sẽ ‘mềm mỏng với TQ’ .
2. Đối với Trung Quốc, Mỹ là nỗi ám ảnh duy nhất .
3. Bàn cờ chiến lược ở Đông Á.
4. Gặp bên lề, ngoại trưởng Mỹ-Trung nói gì?
*****
Clinton sẽ ‘mềm mỏng với TQ’
BBC
- Thứ hai, 9 tháng 7, 2012
Các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông được dự đoán sẽ
chi phối các cuộc đối thoại về an ninh châu Á trong tuần này ở thủ
đô Phnom Penh của Campuchia, hãng tin Pháp AFP dẫn lời các nhà phân
tích cho biết.
Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tham dự Diễn đàn khu vực Asean ARF vào thứ Năm ngày 12/7 – chỉ một vài ngày sau khi ngoại trưởng
các nước Đông Nam Á bắt đầu các phiên họp vốn cũng
có sự tham gia của các nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc và Úc.
‘Thời khắc quyết định’
Mười
quốc gia thành viên ASEAN sẽ nhóm họp trước hết vào thứ Hai
ngày 9/7 với vấn đề tranh chấp Biển Đông hứa hẹn sẽ làm nóng diễn
đàn.
Manila
đang dẫn đầu một nỗ lực đoàn kết ASEAN để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận
một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc (COC) trên Biển Đông, nơi
căng thẳng đã bùng phát trong thời gian qua khi mà cả Việt Nam lẫn
Philippines đều cáo buộc Bắc Kinh có thái độ hung hăng.
“Đây
là thời khắc quyết định đối với các thành viên ASEAN,” Carl Thayer, giáo sư chính trị và là chuyên gia về an ninh Đông Nam
Á tại Đại học New South Wales, nói với AFP.
“Họ
(các nước ASEAN) đã xác định thời hạn là trong tháng này phải cho ra đời bản
thảo COC. Có thể đã có tiến triển,” ông nhận định.
Tại
hội nghị thượng đỉnh vừa qua hồi tháng Tư, các nước ASEAN đã chia rẽ về việc khi nào sẽ để Trung Quốc tham gia bàn thảo
COC – dẫn đến ‘bất đồng lớn’, theo như lời mô tả của Ngoại trưởng
Philippines Albert del Rosario vào lúc đó.
"Hoa Kỳ sẽ thể hiện sức mạnh một
cách âm thầm"
Tuy
nhiên ASEAN đang hy vọng vẫn có thể đạt được đồng thuận với Trung Quốc vào
cuối năm nay, 10 năm sau khi họ lần đầu tiên cam kết sẽ tạo ra một
khung ràng buộc pháp lý để giải quyết các tranh chấp.
Kurt
Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, hồi cuối tháng trước
phát biểu rằng ông nhìn thấy thời cơ cho COC sau khi nhận thấy ‘sự gia
tăng các hoạt động ngoại giao’ giữa ASEAN và Trung Quốc trên vấn đề này.
Hoa
Kỳ gần đây đã mở rộng quan hệ quân sự với Philippines và Việt Nam, do
đó sự đối đầu chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh sẽ là vấn đề
nổi trội trong các hội nghị ở Phnom Penh trong tuần này, theo nhận
định của Ernie Bower đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc
tế ở Washington.
Clinton xuống giọng
Theo
ông Bower thì Ngoại trưởng Clinton sẽ ‘giảm nhẹ mâu thuẫn Trung-Mỹ’
giữa những quan ngại rằng trọng tâm mới của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ làm
Trung Quốc bất an trước đợt chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào cuối năm
nay.
Tuy
nhiên, Bower cũng cho rằng bà Clinton sẽ ‘rất khó khăn để thúc đẩy
hợp tác Trung-Mỹ’. Thayer cũng đồng ý về điều này.
Trên
tinh thần đó, Clinton có lẽ sẽ ôn hòa hơn trên vấn đề Biển Đông so
với hồi hội nghị thượng đỉnh khu vực vào năm 2010. Khi đó, bà đã
làm Bắc Kinh nổi giận khi tuyên bố rằng Mỹ ‘có lợi ích quốc gia’
đối với tự do hàng hải ở vùng biển này.
“Đừng
trông đợi những lời lẽ đao to búa lớn từ Ngoại trưởng Clinton ở Phnom
Penh,” Bower nhận định.
“Hoa
Kỳ sẽ thể hiện sức mạnh một cách âm thầm và ủng hộ hậu trường cho
lập trường của Asean ... nhưng sẽ không có gì nói thẳng ra
hay diễu võ giương oai từ phía Mỹ,” ông nói thêm.
Các
nhà phân tích cũng cho rằng Clinton cũng muốn trấn an các đối tác
châu Á rằng Washington có cam kết với khu vực chứ không phải chỉ tìm
cách đối trọng với Trung Quốc.
“Ngoại
trưởng Clinton sẽ cố gắng thúc đẩy một loạt các đề xuất để nhấn
mạnh rằng sự quan tâm của Mỹ ở Đông Nam Á bao quát rộng hơn nhiều
chứ không chỉ có việc cân bằng quân sự với Trung Quốc,” ông Thayer
nói.
Nỗ
lực này của bà bắt đầu ngay cả trước khi bà đặt chân đến Campuchia
với một chuyến thăm ngắn ở Hà Nội, nơi bà sẽ gặp gỡ đại diện trong
các cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam, và chặng dừng chân ở
Vientiane với tư cách là là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm quốc
gia cộng sản này trong vòng 57 năm qua.
Sau
khi hội nghị an ninh khu vực kết thúc, Clinton sẽ dẫn đầu một phái
đoàn Mỹ tham dự một diễn đàn kinh tế tại Siem Reap vào thứ Sáu ngày
13/7.
Khối
ASEAN thường bị chỉ trích là nói nhiều hơn làm.
Tuy
nhiên trong bối cảnh mà Washington ‘xoay trục’ chính sách ngoại giao
sang châu Á và sự vươn lên của Trung Quốc trong những năm gần đây thì
khối này trở nên có vai trò chiến lược quan trọng.
Đối với Trung Quốc, Mỹ là nỗi ám ảnh duy nhất
Michael Auslin, The Diplomat, July 6, 2012
Trần Ngọc Cư dịch – Bauxite Việt Nam
11-7-2012
Chỉ sau một hồi vào chuyện, một ý nghĩ thầm kín thường lén vào
trong các cuộc đối thoại với các đồng nhiệm Trung Quốc (TQ) về các vấn đề khu
vực và toàn cầu. Dù đó là một cuộc họp với các quan chức Bộ Ngoại giao, các học
giả hay những nhà phân tích chính sách, bất cứ một người Mỹ nào cũng sớm nhận
ra rằng có một điều gì thiếu sót trong cuộc đối thoại. Điều thiếu sót đó không
phải là những thông tin có sẵn về các giá trị xã hội, về cơ hội, hay lợi ích
chung, nhưng nói đúng ra, chúng ta nhận thấy TQ không có được một chuỗi quan hệ
hữu nghị rộng lớn. Rốt cuộc, như một nhà ngoại giao châu Âu đã diễn tả với tôi,
trong chính sách đối ngoại của TQ, Hoa Kỳ đã trở thành mối bận tâm chủ yếu. Sự
tập trung vào một đối tượng duy nhất này (monofocus) giúp chúng ta hiểu rất
nhiều về thế giới quan của TQ, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta thấy mức độ
hạn chế của Washington trong việc tạo ra một quan hệ hữu hiệu hơn với Bắc Kinh.
Khác với Hoa Kỳ, là quốc gia luôn luôn có một chuỗi liên minh mặc
dù phức tạp nhưng vững mạnh và các quan hệ đối tác không chính thức tại châu Á
kể từ những năm 1950, TQ chưa thiết lập được những quan hệ sâu sắc với bất cứ
quốc gia châu Á nào. Không có một cái gì trong chính sách đối ngoại của TQ có
thể sánh với quan hệ hữu nghị của Mỹ đối với Nhật Bản hay những nỗ lực của Mỹ
đối với Singapore. Mặc dù người nước ngoài luôn luôn ngờ vực những ý định đích
thực của Washington đối với các quốc gia đối tác tại châu Á, và đành phải chấp
nhận một tương quan quyền lực bất bình đẳng nội tại giữa Mỹ và bất cứ đồng minh
nào nhỏ bé hơn, nhưng người ta cũng phải nhìn nhận rằng Hoa Kỳ thường tìm kiếm
một loại quan hệ dựa vào nguyên tắc hai bên đều có lợi. Mặc dù là một siêu cường
(hay vì uy tín của một siêu cường), các nhà ngoại giao Mỹ có một thiên hướng cơ
bản nhắm tới sự bình đẳng trong các cuộc đàm phán và các thoả ước của họ. Về
phần mình, quân đội Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thập kỷ trợ giúp huấn luyện các
quân đội nước ngoài, cấp viện trợ nhân đạo, và dĩ nhiên đóng vai trò tối hậu là
đảm bảo ổn định khu vực, ít ra trên mặt lý thuyết.
Chính sách đối ngoại của TQ, ít ra cho đến nay, là khác xa với Mỹ.
Có một thời, TQ có lẽ đã tự coi mình là một đồng lãnh đạo (co-leader) của khối cộng
sản toàn cầu, hoặc [trước đó] là trung tâm của nhóm các nước chịu ảnh hưởng Hán
mãi cho đến thế kỷ 19. Hiện nay, cái nhìn đối ngoại của TQ đặt ngay trung tâm
của quan hệ Mỹ-Hoa. Mọi thứ khác đều bị khúc xạ qua lăng kính ấy. Các mối quan
hệ quốc tế khác đều được cân nhắc theo lợi ích của chúng với những mục tiêu của
Bắc Kinh trong việc bành trướng ảnh hưởng TQ và chống lại địa vị của Mỹ, tại
Đông Á lẫn các khu vực khác. Chính điều này đã ảnh hưởng lên các cuộc đối thoại
với người TQ, tạo một cảm giác mất thăng bằng tri thức (intellectual vertigo)
cho bất cứ một cuộc họp nào. Người ta đi đến chỗ phải nghĩ rằng TQ tự thấy mình
sinh hoạt trong một khoảng không quốc tế (international
vacuum), nhưng cái bình chứa bao bọc khoảng không ấy là nước Mỹ. Đánh vỡ cái
bình chứa ấy tức là giải thoát TQ khỏi vòng cương tỏa nhân tạo, và sẽ cho phép
nó tự động bành trướng vào các nước chung quanh, như một chất khí lan rộng khi
được tháo ra tự một cái lọ.
Tất nhiên, quan điểm này không hề phủ nhận rằng Trung Quốc có
những mối quan hệ hữu hiệu với một số quốc gia. Như bất cứ một nước lớn nào, TQ
tùy thuộc vào các nước khác để có thị trường và coi chúng như là một nguồn
nguyên liệu thô. Thương mại chiếm một vị trí rất quan trọng cho nhu cầu phát
triển kinh tế liên tục của TQ, và sức mạnh kinh tế lại tạo ảnh hưởng quốc tế
cho TQ.
Tuy nhiên, dù coi các đối tác thương mại là một nhu cầu, nhưng khi
cần phải vẽ ra một bức tranh môi trường toàn cầu của TQ, các nhà tư tưởng và
các nhà làm chính sách TQ gần như tự động coi những mối quan hệ này phụ thuộc
vào cuộc cạnh tranh chính trị với Hoa Kỳ. Chúng ta có thể mường tượng những
quan hệ đối ngoại này chủ yếu rơi vào ba loại, được phân biệt nhờ vai trò của
chúng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Hoa để giành ảnh hưởng khu vực hay toàn cầu. Loại
thứ nhất là các quốc gia lệ thuộc (client states), chủ yếu là Bắc Hàn, nhưng
cũng có thể là Sudan hoặc cho mãi gần đây, Miến Điện. Đây là những nước lệ
thuộc vào TQ về viện trợ và hậu thuẫn cần thiết, nhưng cũng còn là những quốc
gia trực tiếp chống lại các lợi ích của Mỹ. Như vậy theo công thức này, những
quốc gia lệ thuộc đứng ở “tuyến đầu” trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Hoa, và được sử
dụng để lấy mất nhiều quan tâm và năng lượng hoạch định chính sách của Mỹ. Mặc
dù có thể không kiểm soát được các khách hàng Bắc Hàn của mình, nhưng Bắc Kinh
ghi nhận công dụng của việc chống đỡ chế độ Kim, như trong trường hợp cung cấp
vũ khí cho nhóm lãnh đạo Sudan. Một hệ phái của loại quốc gia thứ nhất này là
những quốc gia không lệ thuộc vào TQ, nhưng việc chống đối các chính sách Mỹ
của chúng làm chúng trở thành một mục tiêu hấp dẫn cho sự hậu thuẫn của TQ.
Iran (nước cung cấp năng lượng rất cần thiết cho TQ) có lẽ đóng vai trò này phù
hợp nhất, vì sự từ chối thường xuyên của Bắc Kinh trong việc hậu thuẫn những
biện pháp trừng phạt quan trọng chống lại Teheran đã giúp kéo dài cuộc khủng
hoảng về chương trình hạt nhân của Iran qua nhiều năm.
Một loại quốc gia thứ hai, nằm ở một vị trí xa hơn đối với các lợi
ích trực tiếp của Mỹ, là những nước mà TQ đang phát triển những quan hệ mậu
dịch đặc biệt mật thiết. Rõ ràng là, những quan tâm kinh tế là động lực chính ở
đây, nhưng cũng có một yếu tố của sự cạnh tranh với Hoa Kỳ xâm nhập vào trong
những quan hệ kinh tế này. Ở một cấp độ, việc TQ theo đuổi những hiệp định
thương mại thiếu phẩm chất (nghĩa là gạt bỏ các chuẩn mực cao về quyền công
nhân, những biện pháp bảo vệ chất lượng sản phẩm cho giới tiêu thụ, quyền sở
hữu trí tuệ, v.v.) được coi như là một viễn kiến về cấu trúc mậu dịch thay thế
cho những quan điểm mậu dịch mà Hoa Kỳ theo đuổi. Những hiệp định thương mại
với các nước châu Phi cũng được thiết kế để giành ảnh hưởng to lớn cho Bắc Kinh
trên lục địa ấy, cũng như hiệp định mà TQ ký kết với ASEAN và bắt đầu có hiệu
lực vào năm 2010. Có một yếu tố chiến lược đối với các quan hệ mậu dịch của TQ,
những quan hệ không những mang lại cho Bắc Kinh những thị trường quan trọng về
kinh tế, mà cả những thành quả chính trị nữa.
Những nỗ lực đa phương có định hướng chính trị tạo nên phạm trù
thứ ba của các quan hệ đối ngoại của TQ. Vì tự bản chất những quan hệ này thiếu
tập trung và ít chịu loại ảnh hưởng trực tiếp mà TQ có thể áp đặt trong những
quan hệ mậu dịch song phương hay thậm chí đa phương, chúng nằm ở vị trí “xa
nhất” trong cuộc cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington, nhưng những quan hệ
này ngày càng có ý nghĩa. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi dài hơi trên những
diễn đàn mà nó không kiểm soát được, như Thượng đỉnh Đông Á hay Diễn đàn khu
vực ASEAN. Mặc dù Bắc Kinh gặp phải sự chống đối đáng kể năm 2010 vì những lập
trường quyết đoán của mình, chính phủ TQ vẫn tiếp tục nỗ lực đóng một vai trò
lãnh đạo có thể ảnh hưởng lên sự phát triển của những nhóm quốc gia này và ngăn
cản chúng nêu lên những vấn đề tự do, cởi mở. Mặt khác, TQ tiếp tục cam kết tôn
trọng các cơ cấu thay thế của những quốc gia gần gũi về ý thức hệ (alternate
mechanisms of more like-minded states), chẳng hạn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải,
một tổ chức gần như chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhằm tạo ra cái ảo tưởng về một
lực đối trọng với khối tự do không chính thức của Mỹ tại châu Á.
Dù vậy, trong cả ba loại quan hệ nói trên, không một nơi nào TQ
tạo được những quan hệ hợp tác hữu hiệu đặt cơ sở trên sự tin cậy lẫn nhau hay
trên ý thức cùng thực tâm chia sẻ những giá trị chung. Sự thể chỉ vì mỗi một
nước (với sự dè dặt về các quan hệ kinh tế) được TQ tiếp cận từ một góc nhìn
thực dụng về vai trò của nước đó trong việc củng cố thế đứng của TQ đối với Mỹ.
Cái lăng kính được dùng để nhìn nước Mỹ đóng một vai trò nổi bật trong việc
hình thành chiến lược đối ngoại và hoạch định chính sách của TQ. Các nước nhỏ
phải được sử dụng như những con tốt trong một ván cờ to lớn hơn, nếu không
chúng sẽ bị coi như vô dụng, như không quan yếu (irrelevant). Không có một ý
thức nào về quan hệ bình đẳng hay thực tình chia sẻ lợi ích chung (ngoài lợi
ích thương mại) có vẻ diễn ra trong chính sách đối ngoại TQ.
Điều này không có nghĩa là TQ không có những lợi ích quốc gia
chính đáng hay chịu những ảnh hưởng nội bộ lên chính sách đối ngoại của mình.
Nó cũng không đánh giá thấp nhu cầu tăng trưởng kinh tế và các quan hệ mậu dịch
giúp phát triển kinh tế TQ. Nhưng sự biểu hiện những lợi ích và những ảnh hưởng
này đã trở nên méo mó chỉ vì TQ tập trung duy nhất vào một mình Hoa Kỳ. Chắc
chắn đó là cách người TQ trình bày quan điểm của mình ở những cuộc họp riêng tư
hay công cộng.
Điều này hiện làm phức tạp quan hệ Mỹ-Hoa trong những cách thế
không ai ngờ tới. Một là, nó ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ giải thích bất cứ chính
sách nào của Mỹ ở trong khu vực là có mục đích nhắm vào TQ, trong ánh sáng của
một tấm gương phản chiếu quan điểm của Bắc Kinh. Không một tuyên bố long trọng
nào của Mỹ về những mục tiêu rộng lớn trong khu vực, về những mục đích nhân đạo
hay phát triển, hay về những lợi ích an ninh chung có khả năng thuyết phục được
các người đồng nhiệm TQ. Hai là, quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng
những con tốt trong ván cờ với Washington ngụ ý rằng TQ sẽ thường xuyên ném
những vật cản vào an ninh khu vực hay toàn cầu. Chẳng hạn, một ban lãnh đạo
ngang ngược [của một nước nhỏ thân TQ] có thể toàn toàn chặn đứng những nỗ lực
của Mỹ trong việc cổ vũ dân chủ hay tập trung vào phát triển kinh tế. Sau hết,
việc tập trung quan tâm của TQ vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là lý do để Bắc Kinh dồn
mọi nỗ lực vào việc hiện đại hoá quân đội, nhằm đạt được mục tiêu nhiên hậu là
tự do hành động, không chịu một sức ép nào từ phía Hoa Kỳ.
Tất cả những điều này dẫn đến kết luận là, những người tìm cách
phát triển một quan hệ hợp tác hữu hiệu và chín chắn giữa TQ và Mỹ, một quan hệ
xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau, có thể sẽ thất vọng. TQ sẽ tiếp tục chờ đợi
thời cơ và có đủ khôn ngoan để tránh gây thù hận với các nước láng giềng. TQ có
thể chỉ hợp tác với Hoa Kỳ trên những ưu tiên thấp hơn như vấn đề cướp biển,
thay đổi khí hậu, và các vấn đề tương tự. Tuy nhiên, mãi cho đến lúc TQ không
còn nhìn thế giới qua nỗi ám ảnh về nước Mỹ, TQ không có khả năng chấp nhận một
thái độ thực sự hợp tác, một thái độ báo hiệu sự ra đời của một kỷ nguyên mới
trong quan hệ Mỹ-Hoa.
Tiến sĩ Michael Auslin là một nhà nghiên cứu các vấn đề châu Á và
an ninh tại Viện nghiên cứu chính sách American Enterprise Institute tại
Washington.
M. A. - Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
*****
Bàn cờ chiến lược ở Đông Á
Oliver
Hensengerth - Gửi cho BBCVietnamese.com từ Southampton, Anh
quốc
BBC
- Thứ năm, 12 tháng 7, 2012
Chuyến thăm cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Đông Nam Á tuần
này theo sau tuyên bố đầu năm của chính quyền Obama về chính sách “chuyển hướng
về châu Á”.
Nhưng
ba năm trước chính sách “chuyển hướng” này, bà Hillary Clinton đã thiết lập
quan hệ đối tác quan trọng về chiến lược với vùng này rồi. Đó là Sáng kiến Hạ
nguồn sông Mekong với Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan.
Hợp tác Hạ nguồn sông Mekong
Tập
trung vào sự hợp tác trong môi trường, sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng,
Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong là phương tiện quan trọng thúc đẩy ảnh hưởng của
Mỹ.
Nó
ra đời tháng Bảy 2009, khi bà Clinton đến Thái Lan. Tại đó, bà ký Hiệp ước Hữu
nghị và Hợp tác Asean, và công bố Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong – tất cả cùng
trong một ngày. Cuộc họp đầu tiên trong Sáng kiến này diễn ra ở Phuket hôm
23/7/2009.
Cũng
cần nhắc lại, vào tháng Ba 2010, Đối thoại Mỹ - Lào lần thứ ba được tổ chức,
với sự có mặt lần đầu tiên của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell, người cũng
đồng chủ trì cuộc họp lần sau vào tháng Sáu năm nay. Các lần đối thoại trước đó
năm 2006 và 2008 chỉ có phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ dự.
Năm
2010, bà Clinton có hai ngày ở Campuchia, đánh dấu chuyến thăm lần đầu của một
ngoại trưởng Mỹ từ khi Colin Powell dự Diễn đàn Khu vực Asean năm 2003.
Như
vậy, chuyến công du Đông Nam Á hiện tại của bà Clinton vẫn là một phần của
chính sách tăng cường quan hệ của Mỹ với khu vực hạ Mekong.
Chuyến thăm Lào
Tuần
này, chuyến thăm Lào của bà Clinton cũng ghi dấu lần đầu tiên một ngoại trưởng
Mỹ thăm nước này sau 57 năm.
"Lưu vực hạ Mekong thuộc khu vực mà Trung
Quốc từ lâu xem là thuộc trung tâm an ninh quốc gia, vì các đại cường nước
ngoài từng thiết lập đế chế và tiền đồn ở đó."
Việc
tái củng cố quan hệ với Lào và Campuchia nhằm thảo luận các vấn đề song phương
hóc búa, đặc biệt là rà phá bom mìn chưa nổ ở Lào và khoản nợ 440 triệu đôla mà
Campuchia còn nợ Mỹ từ thời chính phủ Lon Nol.
Nhưng
nó cũng có một mục tiêu lớn hơn, là chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung
Quốc. Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn thứ hai của Campuchia, chỉ sau Nhật
Bản. Ở Lào, Trung Quốc cũng luôn nằm trong ba nhà đầu tư lớn nhất, bên cạnh
Thái Lan và Việt Nam. Thế hệ lãnh đạo trẻ hơn của Lào ngày càng nhìn sang Trung
Quốc thay vì Việt Nam, xem đó là nguồn tăng trưởng kinh tế. Còn Campuchia đã mở
cửa cho cả tài trợ và đầu tư Trung Quốc, trong khi phê phán việc phương Tây đặt
điều kiện khi viện trợ.
Cần
biết rằng chính phủ Campuchia và các nhà tài trợ phương Tây, nhất là World Bank
và Mỹ, đã mâu thuẫn nhiều năm quanh các dự án ở Campuchia. Ví dụ, World Bank,
vào tháng Tám năm ngoái, đóng băng tiền vay cho Campuchia vì các vụ trục xuất
người dân ở vùng hồ Boeung Kak ở Phnom Penh. Tháng Sáu năm nay, bà Hillary
Clinton công khai kêu gọi Campuchia thả 13 phụ nữ còn bị giam sau khi biểu tình
ở vùng hồ Boeung Kak. Nhưng có vẻ Thủ tướng Hun Sen không lo ngại. Có tin nói
ông này tuyên bố mình chẳng lo mất tài trợ của phương Tây vì Campuchia hứng thú
hơn với các khoản vay không điều kiện của Trung Quốc.
Trong
bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã công bố Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, vì vùng này có
tầm quan trọng chiến lược ngày thêm quan trọng. Lưu vực hạ Mekong thuộc khu vực
mà Trung Quốc từ lâu xem là thuộc trung tâm an ninh quốc gia, vì các đại cường
nước ngoài từng thiết lập đế chế và tiền đồn ở đó.
Ảnh hưởng Trung Quốc
Hồi
tháng Tư năm nay, khi hội nghị Asean tổ chức ở Phnom Penh, ban đầu Campuchia
không đặt vấn đề Biển Đông vào nghị trình – nghe nói là vì Trung Quốc yêu cầu.
Nhưng do sức ép của các nước khác trong Asean, Phnom Penh sau đó đưa vấn đề vào
ngày cuối cùng của hội nghị. Biển Đông cũng trở thành chủ đề quan trọng của
Asean tuần này, khi cả Mỹ và Trung Quốc tham dự.
"Sự hiện diện gia tăng về chính trị, nếu
chưa phải là kinh tế, của Mỹ ở Lào và Campuchia nhắc người ta về cuộc xung đột
giữa mô hình quản trị độc đoán và dân chủ mà Trung Quốc và Mỹ là đại diện."
Cho
dù không phải nước lớn, Lào và Campuchia có vị trí chiến lược quan trọng. Dĩ
nhiên, từ lâu Trung Quốc nhận ra điều này. Họ không chỉ gia tăng sức nặng kinh
tế ở đây mà còn sử dụng các tổ chức cấp vùng. Đáng chú ý nhất, Bắc Kinh liên
tục dùng Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) – với số
thành viên trùng lắp với Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong – làm diễn đàn loan báo
tiền viện trợ và đầu tư cho các nước.
Sự
hiện diện gia tăng về chính trị, nếu chưa phải là kinh tế, của Mỹ ở Lào và
Campuchia nhắc người ta về cuộc xung đột giữa mô hình quản trị độc đoán và dân
chủ mà Trung Quốc và Mỹ là đại diện.
Với
Việt Nam, nước này trước đó cũng đã chơi lá bài chiến lược Mỹ. Ví dụ, cứ mỗi
năm từ 2003 lại có tàu hải quân Mỹ thăm Việt Nam. Nhưng Hà Nội cũng chủ động
lời qua tiếng lại với Trung Quốc, như việc ký Bản Ghi nhớ năm 2011 giữa
PetroVietnam và ONGC Videsh của Ấn Độ về thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Việc Ấn
Độ đặt chân vào vùng biển tranh chấp, cũng tức là vào bàn cờ chiến lược ở Đông
Á, khiến Trung Quốc nổi giận.
Sự
từ bỏ các lô tranh chấp 127 và 128 của ONGC Videsh với lý do không khả thi về
kinh tế không giúp gì nhiều để quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tốt lên. Và
ngay trước hội nghị ở Phnom Penh, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc
(CNOOC) mở thầu quốc tế chín lô dầu khí mà Việt Nam xem là xâm phạm vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Như
thế, chuyến thăm khu vực của bà Hillary Clinton diễn ra vào thời điểm bất an
gia tăng. Bàn cờ chiến lược ở Đông Á lại tiếp tục.
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện là giảng viên ở Đại học
Southampton, Anh quốc.
*****
Gặp bên lề, ngoại trưởng Mỹ-Trung nói
gì?
Vietnam Net –
13-7-2012
Ngồi đối diện nhau qua
chiếc bàn dài trong một hội trường lớn, Ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ đã có
cuộc gặp bên lề hội nghị thường niên ASEAN.
Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh những cách thức khác nhau mà Washington
và Bắc Kinh đang hợp tác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì
lại đề cập tới việc xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện tinh thần sẵn sàng làm việc cùng nhau về “các vấn đề nhạy cảm” trong một động thái làm dịu căng thẳng do cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp, ông Dương nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington “để mở rộng những nền tảng chung, tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn các bất đồng về những vấn đề nhạy cảm và thúc đẩy” quan hệ hai nước.
Đáp lời ông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Mỹ và Trung Quốc không chỉ có thể mà sẽ làm việc cùng nhau tại châu Á”. “Không một quốc gia nào có thể không lo lắng bởi sự căng thẳng gia tăng, những tuyên bố đối đầu và các bất đồng xung quanh việc khai thác tài nguyên”, bà Clinton nói trong cuộc họp báo khi đề cập tới tranh chấp Biển Đông. “Chúng ta đã thấy những trường hợp đáng lo ngại về sự thúc ép kinh tế, nguy cơ sử dụng quân sự, và tàu thuyền chính phủ liên quan tới tranh chấp giữa các ngư dân”.
Bà Clinton - người tham gia hội nghị ngoại trưởng khu vực ở Phnom Penh, Campuchia, đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không đe doạ hay hăm doạ và ủng hộ tất cả các bên tham gia đối thoại để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ dường như không “đúng ý” Bắc Kinh khi Trung Quốc muốn dùng cách tiếp cận song phương trong vấn đề chủ quyền ở vùng biển này. Trong khi đó, bà Clinton còn cảnh báo, giải quyết vấn đề theo con đường song phương “có thể dẫn tới sai lầm hay thậm chí đối đầu”.
Theo giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc đều cam kết hợp tác có thể làm cho tình hình hiện tại “hạ nhiệt” nhưng vấn đề hàng hải thường rất phức tạp cũng như nhạy cảm, và cần nhiều thời gian để giải quyết hợp lý.
Một quan chức Mỹ hôm 12/7 cho hay, ông Dương đã phát đi “tín hiệu thận trọng” với bà Clinton rằng, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á với tư cách một khối về bộ quy tắc ứng xử đã được đề xuất. Theo vị quan chức này, Trung Quốc đã đề nghị với các nước khác có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này trong tháng 9.
Trong cuộc gặp bên lề, Ngoại trưởng Mỹ, Trung đã đánh giá lại sự hợp tác hai bên ở châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng, quản lý lâm nghiệp; đồng thời đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như bảo vệ động vật hoang dã, kiểm soát dịch bệnh và quản lý đánh bắt cá.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức vòng tham vấn thứ 4 về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Ngoại trưởng Trung, Mỹ còn trao đổi quan điểm về tình hình Trung Đông và các vấn đề khu vực, quốc tế khác cùng quan tâm.
Thái An (theo Financial Times, Reuters, AP)
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện tinh thần sẵn sàng làm việc cùng nhau về “các vấn đề nhạy cảm” trong một động thái làm dịu căng thẳng do cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp, ông Dương nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington “để mở rộng những nền tảng chung, tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn các bất đồng về những vấn đề nhạy cảm và thúc đẩy” quan hệ hai nước.
Đáp lời ông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Mỹ và Trung Quốc không chỉ có thể mà sẽ làm việc cùng nhau tại châu Á”. “Không một quốc gia nào có thể không lo lắng bởi sự căng thẳng gia tăng, những tuyên bố đối đầu và các bất đồng xung quanh việc khai thác tài nguyên”, bà Clinton nói trong cuộc họp báo khi đề cập tới tranh chấp Biển Đông. “Chúng ta đã thấy những trường hợp đáng lo ngại về sự thúc ép kinh tế, nguy cơ sử dụng quân sự, và tàu thuyền chính phủ liên quan tới tranh chấp giữa các ngư dân”.
Bà Clinton - người tham gia hội nghị ngoại trưởng khu vực ở Phnom Penh, Campuchia, đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không đe doạ hay hăm doạ và ủng hộ tất cả các bên tham gia đối thoại để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ dường như không “đúng ý” Bắc Kinh khi Trung Quốc muốn dùng cách tiếp cận song phương trong vấn đề chủ quyền ở vùng biển này. Trong khi đó, bà Clinton còn cảnh báo, giải quyết vấn đề theo con đường song phương “có thể dẫn tới sai lầm hay thậm chí đối đầu”.
Theo giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc đều cam kết hợp tác có thể làm cho tình hình hiện tại “hạ nhiệt” nhưng vấn đề hàng hải thường rất phức tạp cũng như nhạy cảm, và cần nhiều thời gian để giải quyết hợp lý.
Một quan chức Mỹ hôm 12/7 cho hay, ông Dương đã phát đi “tín hiệu thận trọng” với bà Clinton rằng, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á với tư cách một khối về bộ quy tắc ứng xử đã được đề xuất. Theo vị quan chức này, Trung Quốc đã đề nghị với các nước khác có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này trong tháng 9.
Trong cuộc gặp bên lề, Ngoại trưởng Mỹ, Trung đã đánh giá lại sự hợp tác hai bên ở châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng, quản lý lâm nghiệp; đồng thời đạt được thoả thuận về mặt nguyên tắc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như bảo vệ động vật hoang dã, kiểm soát dịch bệnh và quản lý đánh bắt cá.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức vòng tham vấn thứ 4 về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Ngoại trưởng Trung, Mỹ còn trao đổi quan điểm về tình hình Trung Đông và các vấn đề khu vực, quốc tế khác cùng quan tâm.
Thái An (theo Financial Times, Reuters, AP)