Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

16.Thấy gì từ những cuộc chiến tranh do NATO tiến hành đầu thế kỷ XXI?

16:12' 10/7/2012
TCCS - Bước sang Thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại hy vọng vào một thế giới hòa bình, ổn định hơn, nhưng trên thực tế, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang,… vẫn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp. Chỉ trong hơn một thập niên qua, đã có tới bốn cuộc chiến tranh do khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành nhằm vào Nam Tư (từ tháng 3-1999 đến tháng 3-2000), Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), I-rắc (năm 2003) và Li-bi (năm 2011). Qua những cuộc chiến này, người ta thấy rõ hơn sự phát triển trong học thuyết an ninh, trong cách thức tiến hành chiến tranh, cũng như phương pháp tác chiến chủ yếu của NATO.


Tiến hành chiến tranh bên ngoài lãnh thổ các thành viên
Ra đời năm 1949, NATO là một liên minh quân sự giữa các nước Bắc Mỹ và Tây Âu để đối phó với sự lớn mạnh của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nhằm chống lại khối quân sự này, năm 1955 khối Hiệp ước Vác-sa-va ra đời với 8 nước thành viên là các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đến năm 1991, Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, khối Hiệp ước Vác-sa-va không còn, thế nhưng NATO vẫn liên tục kết nạp thêm những thành viên mới, chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô trước đây và khối Vác-sa-va. Tháng 4-2009, Hội nghị Thượng đỉnh NATO họp tại Bu-ca-rét (Ru-ma-ni) đã thông qua Học thuyết an ninh mới, theo đó, NATO không chỉ là một tổ chức khu vực, mà sẽ trở thành một tổ chức toàn cầu. Từ một tổ chức với chức năng phòng thủ, NATO đã trở thành một tổ chức quân sự tiến công trong bối cảnh trên thế giới không còn một thế lực quân sự nào đủ sức làm đối trọng.
Cuộc chiến chống Nam Tư (trước đây) - một quốc gia có chủ quyền - cho thấy, NATO do Mỹ đứng đầu, đã trở thành một tổ chức có ảnh hưởng trên toàn cầu, thực thi cái gọi là “sứ mạng an ninh” trên thế giới. Cuộc chiến này, một mặt, ghi nhận, lần đầu tiên Mỹ công khai “vượt qua” Liên hợp quốc, để đơn phương giải quyết những cuộc khủng hoảng trên thế giới mà không cần có sự tham gia của tổ chức này; mặt khác, cho thấy rõ hơn học thuyết chính trị mới của phương Tây thiên về sử dụng sức mạnh để giải quyết mọi vấn đề. Đồng thời, thông qua cuộc chiến tranh này, Mỹ khẳng định “vai trò lãnh đạo” đối với châu Âu, nhất là trong bối cảnh sau khi Liên Xô tan rã, các đồng minh tại “lục địa già” bên kia bờ Đại Tây Dương bắt đầu tính đến việc thoát khỏi bóng “chiếc ô an ninh của Mỹ”, triển khai những chính sách độc lập hơn với Mỹ.
Thực tế cho thấy, Nam Tư chỉ là điểm khởi đầu cho hàng loạt chiến dịch quân sự với quy mô và tính chất khác nhau do NATO triển khai tại Địa Trung Hải, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, châu Phi v.v.., những khu vực mà trước đó hoàn toàn nằm cách xa “phạm vi trách nhiệm” ban đầu của tổ chức này. Nếu “tinh thần trách nhiệm” đó cứ được tăng cường, người ta dự đoán rằng, NATO sẽ không ngần ngại tiến hành chiến tranh ở các khu vực khác trên thế giới mà họ cho là cần thiết, nhằm xác lập vị thế, vai trò số một của Mỹ và một số đồng minh NATO trong một “trật tự thế giới mới” đang được hình thành sau Chiến tranh lạnh.
Với mục đích và tham vọng như vậy, Học thuyết an ninh mới của NATO khuyến khích các nước gia nhập liên minh quân sự này, dựa vào NATO để tìm kiếm an ninh cho mình, và, cũng để “trục lợi” từ việc tham gia các hoạt động quân sự của NATO.
Dẫn dắt và tạo “cơ sở pháp lý” quốc tế cho các cuộc chiến tranh
Qua 4 cuộc chiến tranh, kể từ cuộc chiến chống Nam Tư, có thể thấy một số thay đổi trong cách thức và quy trình tiến hành chiến tranh của NATO.
Trước hết, đó là sự thay đổi trong cách thể hiện vai trò của Mỹ. Điểm nổi bật trong cơ chế hoạt động của NATO là sự khống chế của Mỹ thể hiện qua việc nắm giữ các vị trí lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt; gây sức ép đối với chính phủ các nước thành viên để ủng hộ Mỹ có tiếng nói quyết định trong các vấn đề quan trọng. Trong giai đoạn đầu thế kỷ, Mỹ  trực tiếp đưa quân tham chiến, nhưng sau đó giữ vai trò tổ chức, chỉ đạo, hậu thuẫn tiến hành chiến tranh thông qua các đồng minh NATO, lực lượng đối lập tại nơi có xung đột; sử dụng sức mạnh tài chính, kinh tế để hỗ trợ và trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập của chính phủ khi cần thiết. Để thực hiện chiến lược không trực tiếp tham chiến, nhưng “dẫn dắt” các cuộc chiến tranh, Mỹ tăng cường củng cố quan hệ với các đồng minh chiến lược trong NATO, hỗ trợ và khuyến khích các đồng minh đảm nhiệm vai trò chính trong các cuộc xung đột, khủng hoảng hoặc chiến tranh, nhằm tranh thủ tối đa dư luận tại các nước thành viên NATO, cũng như buộc chính phủ các nước thành viên chia sẻ trách nhiệm với Mỹ, kể cả trách nhiệm tài chính. Trong các cuộc chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Mỹ đóng vai trò tiên phong, tập hợp được lực lượng từ 36 quốc gia, trong đó có nhiều nước không thuộc khối NATO so với 19 quốc gia tham gia cuộc chiến tranh chống Nam Tư. Trong cuộc chiến tranh tại Li-bi, Mỹ đã “ủy quyền” tiến hành chiến tranh cho các đồng minh.
Hai là, tận dụng tối đa danh nghĩa Liên hợp quốc, tạo “cơ sở pháp lý” quốc tế cho các cuộc chiến tranh. Lấy lý do “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ dân thường” v.v.. Mỹ, Pháp và Anh - những ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - đã ra sức vận động để Hội đồng Bảo an thông qua những nghị quyết mang tính trừng phạt, cưỡng chế theo nội dung được ghi trong chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi được thông qua sẽ là “vỏ bọc” tốt nhất để gây chiến, tránh bị dư luận trong nước và quốc tế lên án và là cơ sở để huy động lực lượng tham chiến.
Ba là, lôi kéo các tổ chức khu vực cùng “vào cuộc”, chú trọng phát triển các đồng minh chiến lược tại khu vực. Mỹ và NATO coi đây là lực lượng trực tiếp thực hiện ý đồ chiến lược của mình, thông qua việc lợi dụng vai trò của các tổ chức này được nêu tại chương VIII của Hiến chương Liên hợp quốc, để bao vây, cô lập, gây sức ép, cuối cùng là lật đổ những chính quyền “không được lòng” Mỹ và NATO. Vai trò của Liên minh châu Phi (AU) đối với Li-bi, vai trò của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) trong việc gây sức ép với một số nước Vùng Vịnh Péc-xích, hoặc vai trò của Liên đoàn A-rập (AL) hiện nay đối với Xy-ri nhằm thực hiện “kịch bản Li-bi” tại quốc gia này... là những thí dụ minh họa.
Bốn là, không ngừng mở rộng NATO. Không phải ngẫu nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh của NATO (năm 2006), Mỹ đề xuất mở rộng cơ cấu liên minh này bằng cách kết nạp thêm các quốc gia, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Hàn Quốc - những nước hoàn toàn cách xa và không nằm trong khu vực địa lý của khối Bắc Đại Tây Dương. Hành động vượt ra ngoài phạm vi biên giới các nước thành viên NATO kéo theo nguy cơ mở rộng chiến tranh, tạo vỏ bọc hợp pháp cho những toan tính của các thế lực mưu toan áp đặt ý đồ của mình đối với các dân tộc khác.
Thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, phối hợp giữa kích động bạo loạn, lật đổ với tiến công hỏa lực đường không
Ý đồ và biện pháp này được thể hiện rõ nhất ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông và được thực hiện bằng những hình thức cụ thể sau:
Thứ nhất, thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” bên trong các quốc gia. Nhiều biện pháp được áp dụng để chia rẽ chính quyền, hỗ trợ lực lượng đối lập trong nước (bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, dân tộc...), dựng ngọn cờ, công nhận lực lượng đối lập là “đại diện” cho nhân dân; hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí trang bị, thậm chí đưa cố vấn tới giúp lực lượng đối lập tổ chức, xây dựng “quân đội ngầm”, biến các lực lượng này thành lực lượng xung kích trực tiếp gây bạo loạn, nội chiến.
Sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là của các mạng xã hội, được triệt để sử dụng nhằm kích động các vấn đề nội bộ, khoét sâu những yếu kém của chính quyền; đánh lạc hướng dư luận, tạo cớ để tranh thủ sự ủng hộ trong nước, quốc tế, khu vực; lôi kéo những nước láng giềng và tập hợp đồng minh... để chuẩn bị cho chiến tranh; lôi kéo, kích động thanh niên, sinh viên gây bạo loạn hoặc thông qua bầu cử, trưng cầu dân ý để lật đổ chính quyền hợp pháp, dựng nên chính quyền thân Mỹ và phương Tây.
Thứ hai, giành quyền làm chủ tuyệt đối trên không, kết hợp hỏa lực đường không với tiến công trên bộ và nổi dậy bên trong. Để tiến công hỏa lực đường không có hiệu quả, trước tiên cần đưa ra lý lẽ, những “chứng cớ” và vận động ráo riết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lập “vùng cấm bay” nhằm giành quyền làm chủ tuyệt đối trên không; tiếp đó, không quân NATO khai thác tác dụng của các phương tiện vũ trụ, sử dụng vũ khí điều khiển chính xác, phóng từ xa. Tùy theo mục đích chiến lược và khả năng chống trả của đối phương, Mỹ và đồng minh NATO có thể tiến công hỏa lực đường không, hoặc kết hợp tiến công đường không với tiến công trên bộ, hỗ trợ lực lượng nổi dậy bên trong nhằm tiêu diệt, lật đổ chính quyền, lập chính quyền mới theo sự “dàn xếp” của Mỹ và đồng minh.
Thứ ba, xu hướng hạn chế tối đa sử dụng bộ binh. Trong chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), Mỹ đã sử dụng lực lượng Liên minh phương Bắc nhanh chóng bao vây và tiến công lực lượng Ta-li-ban ở các thành phố chiến lược phía bắc nước này. Chỉ sau hơn hai tuần (từ ngày 28-10 đến 12-11-2001), Liên minh phương Bắc đã giành quyền kiểm soát nửa phần phía bắc lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, và một ngày sau đó, đã chiếm được Thủ đô Ca-bun. Mỹ sử dụng số lượng hạn chế lực lượng tác chiến đặc biệt đánh thăm dò, làm chuyên gia huấn luyện và hướng dẫn lực lượng này trực tiếp tấn công lật đổ chính quyền Ta-li-ban, thành lập chính quyền thân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan.
Trong chiến tranh I-rắc (năm 2003), Mỹ tập trung hỏa lực đường không đánh phá ác liệt các mục tiêu trọng yếu ngay ở thủ đô Bát-đa bằng chiến dịch “Cơn sốc và nỗi kinh hoàng”, phát huy khả năng cơ động cao của lục quân bằng bộ binh cơ giới và máy bay trực thăng thọc sâu, áp sát Bát-đa, sau đó tận dụng kết quả đánh phá của không quân, tận dụng thời cơ nhiều tướng lĩnh, quân lính I-rắc đầu hàng, đột phá nhanh, đánh chiếm các mục tiêu có ý nghĩa quyết định trong thành phố, kết thúc cơ bản chiến tranh, sau đó mới tổ chức mở rộng ra các khu vực khác.
Thực hành tiến công trên bộ bằng lực lượng cơ động nhanh, đột kích mạnh, “đánh lướt” qua các mục tiêu vòng ngoài, tiến thẳng vào mục tiêu chủ yếu, quyết định; sử dụng lực lượng chống đối bên trong phối hợp trong - ngoài cùng đánh, hoặc tiến hành bạo loạn phối hợp với quân Mỹ đánh chiếm một số khu vực tác chiến, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của Mỹ tập trung đánh chiếm mục tiêu quyết định.
Nếu trong chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991), Mỹ tiến hành chiến dịch tập kích đường không dài ngày trước khi tiến hành chiến dịch trên bộ; trong chiến tranh I-rắc (năm 2003), Mỹ và đồng minh tập kích đường không gần như đồng thời với tiến công trên bộ, thì đến cuộc chiến tại Li-bi (năm 2011), NATO chỉ tiến công đường không mà không mở chiến dịch trên bộ. Đây là điểm mới đáng chú ý, bởi Mỹ và các đồng minh NATO muốn hạn chế tối đa thương vong binh sĩ, tránh bị dư luận trong nước đòi rút quân về nước, hoặc kêu gọi chấm dứt chiến tranh.
Thứ tư, tận dụng ưu thế của vũ khí công nghệ cao. Sử dụng vũ khí công nghệ cao, chủ yếu dựa vào tập kích hỏa lực đường không và tên lửa từ tàu hải quân nhằm vô hiệu hoá khả năng và làm tê liệt ý chí đề kháng của đối phương là một trong những đặc trưng trong tác chiến của NATO.
Trong chiến tranh chống Nam Tư, Mỹ và NATO sử dụng hỏa lực đường không hiện đại nhất đánh vào các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của đất nước này. Tại Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và đồng minh thực hành tiến công hỏa lực đường không tập trung vào một số thành phố trọng điểm và căn cứ huấn luyện, ẩn náu của Ta-li-ban và An Kê-đa, kết hợp vũ khí thông minh có hàm lượng công nghệ cao với vũ khí truyền thống. Trong chiến tranh I-rắc, Mỹ đã thực hiện phương pháp tiến công mới “cơn sốc kinh hoàng” để tiêu diệt lãnh đạo cấp cao I-rắc bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, có độ chính xác lớn, sức công phá mạnh, kể cả một số loại bị Liên hợp quốc cấm.
Trong các cuộc chiến tranh có “hàm lượng” vũ khí công nghệ cao được Mỹ và NATO sử dụng, mức độ hủy diệt của cuộc chiến tranh sau bao giờ cũng cao hơn cuộc chiến tranh trước. Nếu trong chiến tranh Vùng Vịnh (năm 1991), Mỹ và Liên quân mới sử dụng 8% số vũ khí công nghệ cao trong tổng số vũ khí sử dụng, thì trong những cuộc chiến sau đó, tỷ lệ này ngày càng tăng lên: trong chiến dịch “Con cáo sa mạc” năm 1998, tỷ lệ đó là trên 70%; trong chiến tranh Nam Tư, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc: trên 90%. Trong cuộc chiến tranh tại Li-bi vừa qua, Mỹ và NATO đã sử dụng đòn tiến công hỏa lực đường không cường độ cao, uy lực lớn nhằm nhanh chóng làm suy yếu cục bộ hoặc làm quân đội của chính quyền của ông M.Ca-đa-phi tê liệt hoàn toàn, không thể khôi phục hệ thống hỏa lực, chỉ huy, thông tin liên lạc; đồng thời, NATO chi viện hỏa lực, trực tiếp hỗ trợ các lực lượng của Hội đồng chuyển tiếp quyền lực (NTC) tác chiến trên bộ, kết thúc chiến tranh mà không phải dùng đến lực lượng bộ binh.
Những gì Mỹ và NATO tiến hành trong các cuộc chiến tranh trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI cho thấy, Mỹ ráo riết thực hiện chiến lược toàn cầu, răn đe các nước không đi theo quỹ đạo của mình, kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, sự lớn mạnh của Nga; tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và trên thế giới. Chiến lược quốc phòng của Mỹ được công bố tháng 1-2012 cho thấy, mục tiêu duy trì ưu thế quân sự vượt trội cũng như vai trò duy nhất lãnh đạo thế giới của Oa-sinh-tơn trong thế kỷ XXI là bất di bất dịch. Trong một vài thập niên tới, sức mạnh quân sự vẫn sẽ là công cụ mà Mỹ và NATO sẵn sàng sử dụng khi có thời cơ và điều kiện bảo đảm chắc thắng để duy trì vị thế, ảnh hưởng và quyền lực của mình.
Những điều suy ngẫm
Trong những năm tới, tuy ít có khả năng xảy ra chiến tranh lớn; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn giữ xu thế chủ đạo; song về cục bộ, thế giới vẫn chưa ổn định, xung đột vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố... vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo; xung đột sắc tộc làm tăng thêm những điểm nóng ở khu vực, có khả năng xảy ra xung đột.
Đánh giá về tình hình thế giới, Đảng ta nhận định: “Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang,... vẫn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp”(1). Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường sức mạnh quốc phòng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, trong đó tập trung giữ vững ổn định chính trị - xã hội, coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào chế độ; tăng cường đấu tranh trên mặt trận chính trị - tư tưởng; tăng cường tập hợp, giáo dục thanh niên; khắc phục bất bình đẳng và tiêu cực trong xã hội, không để các thế lực thù địch lôi kéo, kích động gây biểu tình, bạo loạn; không để “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” từ trong nội bộ ta. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường nội lực là những điều kiện có tính quyết định để chúng ta có thể chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng, nhằm góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn; không vì quan hệ với một nước lớn này mà làm tổn hại quan hệ với các nước lớn khác; lại càng không ảo tưởng và không để hiểu lầm là chúng ta đi với nước này để làm “đối trọng”, chống lại nước khác; cần tạo thế đan xen lợi ích giữa các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam. Tăng cường vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tránh tình trạng tổ chức này bị một số nước lớn lợi dụng, lôi kéo. Tiếp tục tăng cường quốc phòng - an ninh, tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; ngăn chặn kịp thời, không để hình thành lực lượng đối lập, nhanh chóng vô hiệu hóa các lực lượng này trước khi thế lực thù địch bên ngoài kịp trợ giúp và cấu kết hành động hòng chống phá ta./.

-------------------------------------------
 (1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 149 - 150
Nguyễn Hồng QuânĐại tá, TS, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng