Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

35. Chiến lược An ninh quốc gia và thế giới thời hậu chiến tranh lạnh


Trong cuốn Bá Quyền hay Thượng Tồn, Sự Tìm Kiếm Vai Trò Khống Chế Toàn Cầu của Hoa Kỳ[1], Noam Chomsky, giáo sư ngữ học và triết lý Viện Đại Học Kỹ Thuật Massachusset (MIT), đã viết:”Lịch sử đầy giẩy những trường hợp các nhà lãnh đạo luôn sẵn sàng đe dọa hoặc dùng bạo lực khi đối diện với bất trắc đại họa. Nhưng ngày nay, cái giá phải trả thật quá cao. Sự lựa chọn giữa bá quyền và thượng tồn hiếm khi hay chưa hề được đặt ra rõ ràng như thế”[2].

Theo những tài liệu do Văn Khố An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ(National Security Archive) giải mật, liên quan đến Kế Hoạch Hành Động Hội Nhập Thống Nhất (Single Integrated Operational Plan-SIOP),ngày nay chúng ta được biết, cách đây hơn 40 năm, bộ tư lệnh quân sự tối cao Hoa Kỳ đã soạn thảo và đã được cấp lãnh đạo dân sự chấp thuận kế hoạch tấn công chặn đầu (first strike), nhằm phóng trên 3.200 đầu đạn nguyên tử đến 1.060 mục tiêu trong các xứ thuộc khối cộng sản. Theo con số chính thức, nếu được thực hiện, ít ra 130 thành phố có thể đã bị tiêu hủy, 285 triệu tử vong, 40 triệu người bị thương – và vài chuyên gia quân sự còn lo ngại những hậu quả thương vong lớn lao do phóng xạ ngay trên đất Mỹ. Trong một thế giới đầy những bí ẩn đế quốc, một cuộc tấn công như vậy có nghĩa: không phải vì lẽ sống còn mà vì tham vọng bá chủ. Trong thực tế, cho đến nay chúng ta luôn chung sống với một SIOP như vậy. Sức tàn phá của SIOP hiện nay kinh hoàng như thế nào vẫn còn là một bí mật tuyệt đối.
I. CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA HOA KỲ:
Trong cuốn Bá Quyền hay Thượng Tồn,  Chomsky trở lại đề tài thống trị và số phận con người, điểm lại những phương cách theo đó chính quyền Bush đã nâng vũ lực lên hàng nguyên tắc bên trên mọi thứ, do đó, đã khiến khủng bố lan tràn, bạo lực gia tăng, và gây nguy cơ cho sự trường tồn của nhân loại.
Như Colin Powell đã giải thích Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (National Security Strategy – NSS) của Hoa Kỳ trước một cử tọa đối nghịch tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum), Hoa Thịnh Đốn “có toàn quyền sử dụng vũ lực để tự vệ”[3]đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và hợp tác với khủng bố – những lý do chính thức để xâm lăng Iraq. Cho đến nay, như mọi người đều biết, các lý do đưa ra là hoàn toàn ngụy tạo. Tuy nhiên, rất ít ai lưu tâm đến hậu quả quan trọng nhất của nó: NSS đã được sửa đổi để hạ thấp tiêu chí tấn công gây chiến. Bằng cớ liên hệ với khủng bố không còn cần thiết nữa.

Bush và phe nhóm còn tuyên bố quyền sử dụng vũ lực đối với một xứ dù không sở hữu WMD hay ngay cả không có chương trình khai triển loại vũ khí nầy. Chỉ cần xứ đó có “ý định và khả năng”(intent and ability) chế tạo là đủ. Đã hẵn, gần như bất cứ xứ nào cũng có khả năng nầy, và “ý định” thì ai muốn nói sao cũng được (in the eyes of the beholder). Tóm lại, theo NSS được sửa đổi, bất cứ xứ nào cũng có thể bị  Hoa Kỳ tấn công.  Colin Powell còn đi xa hơn trong việc tái thẩm định. Powell nói: T T Bush đã đúng khi tấn công Iraq vì Saddam chẳng những có “ý định và khả năng”, mà trong thực tế, đã sử dụng những vũ khí ghê tởm đó trong cuộc chiến Iran-Iraq và ngay cả với thần dân của chính ông, dĩ nhiên Powell đã cố tình không nhắc đến - “với sự đồng tình và liên tục hổ trợ của chính Powell và các cộng sự”. Condoleezza Rice cũng cùng chung lập luận.
Trong khi lúng túng tìm cách biện minh, lý do xâm chiếm rõ ràng nhất mà chính quyền Bush luôn tìm cách che dấu: thiết lập những căn cứ quân sự an toàn trong một xứ chư hầu ngay trung tâm tài nguyên dầu khí lớn hàng đầu thế giới – loại tài nguyên đã được xem như nguồn quyền lực chiến lược lớn lao ngay từ Đệ Nhị Thế chiến, và ngày một quan trọng hơn trong tương lai.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tin tức tiết lộ ra bên ngoài cho biết chính quyền Bush đã có chương trình tấn công Iraq trước cả biến cố 11-9, và đã xếp cuộc chiến chống khủng bố xuống hàng thứ yếu. Trong các cuộc thảo luận nội bộ, sự lẫn tránh không còn cần thiết. Ngay trước ngày dọn vào Tòa Bạch Ốc, Bush đã đồng ý, “nhu cầu một sự hiện diện quân sự hùng hậu ở Vùng Vịnh được dành ưu tiên cao hơn là vấn đề chế độ Saddam Hussein”[4]Với những đổi thay trong chính sách từ ngày nhóm quan chức lãnh đạo hiện nay lần đầu tiên tham gia chính quyền vào năm 1981, một nguyên tắc hướng đạo luôn được giữ nguyên – dân Iraq không được quyền làm chủ Iraq.
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) 2002, và việc áp dụng chiến lược nầy vào Iraq được nhiều quan chức xem như một bước ngoặc trong quan hệ quốc tế. “Chiến lược mới mang tính cách mạng”(The new approach is revolutionary), Henry  Kissinger viết, chấp thuận chủ thuyết mới với một vài dè dặt chiến thuật và một điều kiện căn bản: đây không thể là “một nguyên tắc phổ quát áp dụng cho mọi quốc gia”(…a universal principle available to every nation). Quyền xâm lăng chỉ dành riêng cho Hoa Kỳ và có lẽ một vài “đồng minh” do Hoa Kỳ lựa chọn. Hoa Kỳ phải loại bỏ yếu tố sơ đẳng nhất của chân lý đạo đức căn bản (moral truisms): nguyên tắc phổ quát - một lập trường thường được che dấu dưới những thuật ngữ  “dụng ý tốt”(virtuous intent)  “vỏ pháp lý méo mó”(tortured legalisms).

Arthur Schlesinger cũng đồng ý là chiến lược mới và cách thể hiện chiến lược nầy mang tính cách mạng, nhưng từ một góc độ hoàn toàn khác. Khi những quả bom đầu tiên rơi xuống Baghdad, Schlesinger nhớ lại lời nói của T T F.D.Roosevelt sau khi Trân Châu Cảng bị người Nhật tấn công:“một ngày sẽ sống mãi trong ô nhục”(a day which will live in infamy). Ngày nay, chính người Mỹ là người đang sống trong ô nhục , vì như Schlesinger viết, chính phủ Hoa Kỳ đang làm theo chính sách của đế quốc Nhật. Ông nói thêm, George Bush đã cải biến một làn sóng thông cảm toàn cầu ( a global wave of sympathy) dành cho Hoa Kỳ thành một làn sóng uất hận toàn cầu đối với thái độ kiêu căng và chính sách dựa trên vũ lực của Mỹ (a global wave of hatred of American arrogance and militarism). Năm năm sau, sự căm hờn người Mỹ và các chính sách của Mỹ đã ngày một gia tăng thay vì giảm bớt. Ngay ở Anh quốc, sự ủng hộ cuộc chiến cũng ngày một giảm bớt đi nhiều.
Như nhiều người đã tiên liệu, cuộc chiến đã làm gia tăng hiểm họa khủng bố. Theo Fawaz Gerges, chuyên gia về Trung Đông, “thật là một điều khó tin khi cuộc chiến đã làm sống lại sức lôi cuốn của phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu, một phong trào đã thực sự yếu thế sau biến cố 11-9″[5]Số thành viên trong mạng lưới Al Qaeda đã gia tăng; Iraq lần đầu tiên đã trở thành “nơi trú ẩn an toàn của khủng bố”(a terrorist haven). Các cuộc tấn công cảm tử – Iraq đã trải nghiệm lần đầu vào thế kỷ 13 – nay tái diễn ngày một nhiều hơn từ giữa năm 2003.
Cuộc chiến cũng đã đưa đến tình trạng WMD ngày một lan tràn. Gần một năm sau 11-9, cảnh sát trang bị vũ khí tự động đã phải tuần tiểu ga xe lửa Grand Central Station ở New York, một phản ứng sau vụ xe lửa ở Madrid, Tây Ban Nha, bị nổ bom ngày 11-3-2004, gây một số thương vong trên 200 người trong một vụ khủng bố tồi tệ nhất Âu châu. Vài ngày sau, cử tri Tây Ban Nha đã bỏ phiếu thay đổi chính quyền đương nhiệm vì đã tham gia cuộc chiến trước sự chống đối của đại đa số dân chúng. Nhân dân Tây Ban Nha cũng bị buộc tội đã không đủ cương quyết trong cuộc chiến chống khủng bố khi bỏ phiếu quyết định rút quân khỏi Iraq mặc dù chưa có sự chấp thuận của LHQ, một lập trường tương đương với sự kiện 70% dân Hoa Kỳ đã kêu gọi LHQ phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở Iraq.
Bush quả quyết với nhân dân Mỹ, “thế giới ngày nay đã an ninh hơn, vì ở Iraq , liên quân đã kết liểu một chế độ đã dung dưởng khủng bố và chế tạo WMD”[6]Các cố vấn của Tổng Thống đều hiểu rõ lời nói đó hoàn toàn dối trá, nhưng họ cũng tin sự dối trá của Tổng Thống có thể trở thành “chân lý”(Truth) nếu cứ được kiên trì lặp đi lặp lại.
Các chuyên gia đồng ý với nhau về những phương thức giảm thiểu nạn khủng bố cũng như những điều khiến nạn khủng bố ngày một trầm trọng hơn. Sự đồng tình nầy đã được Jason Burke diễn đạt một cách mạch lạc trong một công trình nghiên cứu về hiện tượng Al Qaeda – một cuộc điều tra tỉ mỉ và rỏ ràng về một tổ chức lỏng lẻo của các tín đồ Hồi giáo cực đoan. Đối với những tín đồ nầy, bin Laden chỉ là một biểu tượng – một biểu tượng hết sức nguy hiểm nếu bị giết, có thể trở thành một vị tử vì đạo , do đó lôi cuốn được nhiều người khác gia nhập phong trào. Khi còn dưới trướng của Reagan, vai trò của số lãnh đạo hiện nay trong việc ra đời của mạng lưới Hồi giáo quá khích là một điều đã được nhiều người biết rõ. Điều ít người biết đến là việc họ đã để Pakistan dần dà trở thành một xứ Hồi giáo cực đoan và khai triển các vũ khí nguyên tử.
Như Burke đã ghi lại, việc T T Clinton bỏ bom Sudan và Afghanistan năm 1998 đã giúp tạo ra bin Laden-biểu tượng , đưa đến sự liên kết chặt chẻ giữa ông ta và phong trào Taliban, làm gia tăng hậu thuẩn, tuyển mộ, và tài trợ cho Al Qaeda, một tổ chức cho đến thời điểm đó gần như chẳng ai biết. Một sự đóng góp kế tiếp cho sự lớn mạnh của Al Qaeda và danh tiếng của bin Laden là viêc George W. Bush oanh tạc Afghanistan sau biến cố 11-9 mà chẳng có một duyên cớ khả tín, như đã được kín đáo thú nhận sau đó. Cuộc xâm lăng Iraq cũng đã đưa đến những hậu quả tương tự.
Đưa ra những bằng chứng cụ thể, Burke kết luận: “Mỗi lần dùng bạo lực là một dịp bin Laden có thêm một thắng lợi nhỏ”[7]. Ông ta đang thắng dù sống hay chết. Nhiều nhà phân tích, kể cả những người cầm đầu ngành tình báo Do Thái, cũng đồng tình như thế.
Nhiều chuyên gia đã đồng ý một cách đại cương về phương thức thích hợp để đối phó với khủng bố . Phương thức gồm hai mủi nhọn: (1) Nhằm trực tiếp các đối tượng khủng bố; (2) nhằm các tiềm lực cung cấp hổ trợ . Phương thức đối phó với khủng bố thích hợp nhất là các biện pháp cảnh sát, như nhiều nơi trên thế giới đã từng trải nghiệm. Điều quan trọng hơn là cơ sở quần chúng mà các tổ chức khủng bố – những người tự xem như đội tiền phong – đang tìm cách vận dụng, kể cả những ai ghét bỏ và kinh sợ họ nhưng vẫn tin họ đang chiến đấu vì chính nghĩa.
Bằng bạo lực, chúng ta có thể vô tình tiếp tay cho các tổ chức nầy động viên các tiềm lực hổ trợ vừa nói. Hoặc chúng ta có thể giúp giải quyết những bức xúc, bất bình, nhiều khi rất chính đáng, của quần chúng – thường là căn nguyên của thái độ đối kháng của khối Hồi giáo hiện nay. Điều đó có thể giúp làm giảm bớt nguy cơ khủng bố rất nhiều.
Bạo lực có thể đưa đến thành công, nhưng thường với một giá rất đắt, như người Mỹ đã từng trải nghiệm qua lịch sử lập quốc khi xâm chiếm lãnh thổ và tàn sát dân da đỏ bản địa (Indians). Như một vòng lẩn quẩn, bạo lực  thường đưa đến bạo lực. Khủng bố gia tăng cũng chỉ là một biểu hiện. Nhiều phản ứng khác còn nguy hại hơn nhiều.
Tháng 2-2004, Liên Bang Nga đã tổ chức nhiều cuộc tập trận lớn nhất trong vòng hai thập kỷ, trình diễn nhiều WMD hiện đại. Các tướng lãnh Nga và Bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Ivanov loan báo, nước Nga sẽ đáp ứng những kế hoạch của Hoa Thịnh Đốn nhằm dùng vũ khí nguyên tử làm phương tiện giải quyết các mục đích quân sự, kể cả việc khai triển các vũ khí nguyên tử mới  có sức công phá thấp, một khuynh hướng cực kỳ nguy hiểm phương hại đến tình trạng ổn định khu vực và toàn cầu, …hạ thấp tiêu chí sử dụng các vũ khí tối nguy hiểm nầy. Theo Bruce Blair, một nhà phân tích chiến lược, Nga hiểu rất rõ loại bom công phá các hầm trú ẩn “bunker busters” được thiết kế nhằm các hầm trú ẩn của các tư lệnh nguyên tử cao cấp có nhiệm vụ kiểm soát các kho vũ khí nguyên tử.
Ivanov và các tướng lãnh Nga cho biết, để đáp lại sự leo thang của Mỹ, họ đang triển khai “loại hỏa tiễn hiện đại nhất thế giới”, hầu như bất khả hủy diệt -  một việc, theo nguyên Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Phil Coyle, “rất đáng lo ngại đối với Ngủ Giác Đài”[8]. Các nhà phân tích Hoa Kỳ lo ngại Nga cũng có thể triển khai các hỏa tiển siêu âm có khả năng tái nhập vào khí quyển từ thượng tầng không gian và mở các cuộc tấn công bất thần. Đó chính là một phần trong kế hoạch hiện nay của Hoa Kỳ, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc  vào các căn cứ ở hải ngoại hoặc vào việc thương thảo sử dụng không phận của các xứ đồng minh.
Các nhà phân tích Mỹ ước tính chi tiêu quốc phòng của Nga đã gia tăng gấp ba trong nhiệm kỳ của hai Tổng Thống Bush-Putin, một phản ứng dễ hiểu đối với chính sách hiếu chiến của chính quyền Bush. Putin và Ivanov đã viện dẫn lý do chủ thuyết chiến tranh phòng ngừa hay đánh phủ đầu của Bush (Bush doctrine of preemptive strike), một chủ thuyết mới, mang tính cách mạng trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ. Putin và Ivanov còn thêm một chi tiết then chốt: lực lượng quân sự có thể được sử dụng nếu có kế hoạch giới hạn quyền tiếp cận các khu vực thiết yếu cho sự trường tồn của Liên Bang Nga. Đây chính là một quyết định theo đúng chủ thuyết Clinton – Hoa Kỳ có quyền đơn phương sử dụng vũ lực để bảo đảm quyền tự do tiếp cận không hạn chế các thị trường then chốt, các nguồn cung cấp năng lượng và các tài nguyên chiến lược. Theo Fiona Hill ở Brookings Institution, thế giới ngày nay càng thiếu an ninh khi Nga đã quyết định theo cách ứng xử của Hoa Kỳ. Nhiều nước khác chắc cũng thế.
Trong quá khứ, hệ thống trả đủa tự động của Nga, có lần chỉ còn vài phút trước khi khởi động tấn công nguyên tử, đã được chận đứng nhờ sự can thiệp kịp thời của người hữu trách. Ngày nay những hệ thống nầy không còn khả tín. Những hệ thống của Mỹ đáng tin cậy hơn, nhưng cũng cực kỳ bất bênh nguy hiểm. Những hệ thống nầy cũng chỉ cho người hữu trách ba phút để quyết định sau khi máy vi tính báo động sắp bị tấn công, một điều thường xẩy ra. Theo Bruce Blair, Ngủ Giác Đai đã khám phá nhiều khiếm khuyết, nhược điểm, trong các hệ thống an ninh vi tính – có thể bị các phần tử phá hoại (terrorist hackers) xâm nhập, kiểm soát, và mô phổng một cuộc tấn công – một bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tình hình càng bất trắc hơn với những lời răn đe, hăm dọa dùng vũ lực.
Người ta được biết, tai họa không hề được giảm bớt khi gần đây nhiều vị Tổng Thống Hoa Kỳ thường nhận được những thông tin sai lạc về hậu quả của chiến tranh nguyên tử. Mức độ tàn phá đã được đánh giá quá thấp “vì thiếu vắng hệ thống giám sát các viên chức có trách nhiệm đánh giá và phân tích chiếntranh-nguyêntử-hạnchế-khảthắng”[9], đưa đến những tầm nhìn thiển cận mang tính tai họa, trầm trọng hơn cả sự nhào nặn tin tức tình báo về Iraq trước đây.
Chính quyền Bush đã bắt đầu lên kế hoạch khai triển hệ thống hỏa tiển phòng vệ (missile defense system) từ mùa hè 2004, một hành động hoàn toàn mang tính chính trị, sử dụng một kỷ thuật quá tốn kém và chưa được thử nghiệm đầy đủ. Điều nguy hiểm là hệ thống có vẻ khả dĩ vận hành ; và trong lô gic của chiến tranh nguyên tử, điều quan trọng là nhận thức (perception). Các nhà hoạch định Mỹ lẫn những mục tiêu khả dĩ, đều xem hệ thống hỏa tiển phòng vệ như những khí giới nguyên tử mang tính tấn công ngăn chặn , nhằm đem lại sự tự do tấn công, kể cả tấn công nguyên tử. Họ hiểu rõ phương thức Hoa Kỳ đối phó với việc người Nga triển khai một hệ thống ABM hạn chế vào năm 1968: hướng các vũ khí nguyên tử vào hệ thống ABM Nga với mục đích khống chế ngay tức khắc (instantly overwhelmed).
Các nhà phân tích cảnh cáo kế hoạch hiện nay của Hoa Kỳ cũng sẽ đưa đến những phản ứng tương tự từ Trung Quốc. Lịch sử và lô gic của chiến lược ngăn đe (deterrence) nhắc nhở chúng ta là các hệ thống hỏa tiển phòng vệ là lực mạnh mẽ thúc đẩy việc hoạch định tấn công nguyên tử. Sáng kiến của Bush một lần nữa nâng cao sự đe dọa, bất trắc, bất ổn và bất an cho nhân dân Mỹ và nhân loại.
Phản ứng của Trung Quốc sẽ có ảnh huởng như những đợt sóng dồn dập lan dần qua Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước lân cận. Ở Tây Á, Hoa Thịnh Đốn đang gây thêm bất ổn với hiểm họa nguyên tử và WMD của Do Thái. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Do Thái hơn 100 pháo đài phản lực hiện đại nhất cùng với lời loan báo các phản lực cơ nầy có tầm hoạt động bay đến Iran và trở về, cũng như các phi cơ loại hiện đại nhất trước đây Do Thái đã từng sử dụng để phá hủy một lò phản ứng nguyên tử của Iraq năm 1981. Báo chí Do thái cũng tung tin Hoa Kỳ đã cung cấp cho không lực Do Thái một “loại vũ khí đặc biệt”(special weaponry). Đã hẵn cơ quan tình báo và nhà cầm quyền Iran đã theo dõi sít sao và đã dự liệu những tình huống xấu nhất: những vũ khí nguyên tử. Việc tiết lộ thông tin và chuyển giao các loại phản lực cơ hình như nhằm khích động giới lãnh đạo Tehran, với hy vọng Iran có thể phản ứng thiếu tỉnh táo, đem lại cho Hoa Thịnh Đốn cái cớ để tấn công.
Ngay sau khi loan báo Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới vào tháng 9-2002, Hoa Kỳ đã hành động nhằm chấm dứt mọi thương nghị một hiệp định vũ khí sinh hóa khả thi và chận đứng mọi nổ lực quốc tế nhằm ngăn cấm chiến tranh sinh học và quân sự hóa ngoại tầng không gian. Một năm sau, tại Đại Hội Đồng LHQ, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đã bỏ phiếu chống việc thực thi Hiệp Định Cấm Thử Nghiệm Toàn Diện (Comprehensive Test Ban Treaty), và cùng với đồng minh mới Ấn Độ chống lại mọi nổ lực loại bỏ vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ cũng là quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống lại “sự tuân thủ các chuẩn mực môi sinh”(observance of environmental norms) trong những thỏa ước giải trừ và kiểm soát vũ khí (disarmament and arms control agreements); và cùng với Do Thái và Micronesia chống lại các nổ lực ngăn ngừa sự lan tràn vũ khí nguyên tử ở Trung Đông – một cái cớ để xâm chiếm Iraq. Cũng cần nhắc lại quyết nghị ngăn ngừa quân sự hóa không gian đã được chấp thuận, với 174 phiếu thuận và bốn phiếu trắng (abstentions): Hoa Kỳ, Do Thái, Micronesia, và Quần Đảo Marshall. Như đã biết, một phiếu trắng hay phủ quyết của Hoa Kỳ có nghĩa tương đương với phiếu phủ quyết kép (double veto): nghị quyết không những bị chận đứng mà mọi dấu vết  đều bị xóa khỏi phúc trình và lịch sử.
Các nhà hoạch định của chính quyền Bush hiểu rất rõ là việc sử dụng vũ lực sẽ làm gia tăng khủng bố; thái độ và các hành động quân sự gây hấn sẽ gây nhiều phản ứng và làm gia tăng bất trắc tai họa. Họ không ước muốn những hậu quả như thế, nhưng xếp những hiểm tai nầy thấp hơn các nghị trình đối nội và đối ngoại mà họ chẳng cần tìm cách che dấu.
II. CHỦ NGHĨA DÙNG VŨ LỰC VÀ SỰ SUY SỤP CỦA CHÍNH QUYỀN HIẾN ĐỊNH:
Trong cuốn Nemesis, Chalmers Johnson bắt đầu duyệt lại lịch sử thăng trầm của một số đế quốc tiêu biểu trong thế kỷ 20, song song với trạng huống hiện nay của Hoa Kỳ. Tác giả đã viện dẫn trường hợp Anh, Xô Viết, Đức Quốc Xã, Nhật, và Ottomans. Theo Johnson, cũng như các nước trên và La Mã trước Công nguyên, người Mỹ “đang tới gần bờ vực thẳm và sắp rơi xuống vực”[10]. Ông cũng trích dẫn nổi âu lo của sử gia Kevin Baker : Hoa kỳ đang kề cận một cách nguy hiểm thời điểm Quốc Hội – giống như Thượng Viện La Mã vào năm 27 BC – sẽ sử dụng quyền hạn của mình lần chót trước khi trao trọn quyền cho một nhà độc tài. Dựa trên những diễn biến trong sáu năm vừa qua, người ta có thể tin nước Mỹ hiện đang nằm trong tay một nhà độc tài dân sự.
Chính quyền Bush-Cheney đã đưa nước Mỹ vào tình cảnh khốn đốn hiện nay. Nhưng cuộc khủng hoảng không phải chỉ mới bắt đầu với Bush-Cheney. Nó đã khởi sự ngay từ khi Benjamin Franklin cảnh cáo: người Mỹ hiện có một nước Cộng Hòa nếu họ có thể giữ được nó. Cuộc khủng hoảng đã tăng dần nhưng chỉ gia tốc sau Đệ Nhị Thế Chiến khi chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh áp đảo duy nhất còn đứng vững và quyết tâm duy trì hiện trạng, để rồi phải đương đầu với những hối tiếc hiện nay – một Tổng Thống chế mang tính đế quốc; một cơ chế kiểm soát và quân bình và một cơ chế phân quyền bị xói mòn; và một nền văn hóa quân sự áp đảo không ai dám thách thức.
Các nhà lập quốc (Founders) tìm cách ngăn ngừa một thể chế thực dân chuyên chế như dưới thời đại đế George III. Họ đã nghĩ ra một hệ thống chính quyền cộng hòa hiến định với định chế liên bang san sẻ quyền lực với các tiểu bang; phân quyền giữa ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn khả dĩ kiểm soát và quân bình lẫn nhau, với quyền lực quan trọng nhất nằm trong tay Quốc Hội và tách khỏi tầm tay các Tổng Thống -  quyền tuyên chiến. James Madison, Cha Đẻ của Hiến Pháp, đã nói rõ lý do: “Trong tất cả các kẻ thù của tự do, có lẽ chiến tranh là điều đáng sợ nhất, bởi lẽ nó hàm chứa và phát triển mầm móng của mọi thứ khác…(Trao) những thứ quyền đó (cho Tổng Thống) là điều không những làm rách nát cấu trúc của Hiến Pháp, mà ngay cả nền móng của mọi chính quyền được tổ chức và kiểm soát chặt chẻ”[11].
Lần cuối Quốc Hội sử dụng quyền duy nhất của mình là ngày 8-12-1941 sau khi người Nhật tấn công Trân Châu Cảng, và ngày 11-12-1941 sau khi Đức và Ý tuyên chiến với Hoa Kỳ.
Hơn hai thế kỷ sau, ngày nay, lời cảnh cáo của Benjamin Franklin lại ám ảnh dân Mỹ hơn bao giờ hết, bởi lẽ cấu trúc hiến pháp của các nhà lập quốc đã gần như tan rã. Tổng Thống  có nhiều quyền hạn hơn cả đế vương. Cùng với quân lực, Tổng Thống còn có cả một đội quân riêng dưới hình thức một tổ chức CIA bí mật, kiểm soát tất cả 15 tổ chức tình báo ngoại-hiến-pháp (extraconstitutional intelligence organizations). Tất cả, kể cả quân lực, đều không chịu trách nhiệm trước bất cứ ai, ngay cả với Quốc Hội, vì tất cả đều hoạt động trong vòng bí mật, với những ngân sách không được tiết lộ (một phần ngân sách của Ngủ Giác Đai cũng thế). Luật pháp quốc gia cũng chỉ là những văn bản ngoại vi (an artifact), không đủ hiệu lực khống chế hay chi phối.
Trong tác phẩm Nemesis, Chalmers Johnson chỉ tập trung vào quyền lực của quân đội và một cơ quan tình báo duy nhất – CIA. Ngay từ đầu, ông viết:”Chúng ta sẽ không bao giờ còn biết được hòa bình, và có lẽ không thể tồn tại lâu dài như một quốc gia, trừ phi chúng ta hủy bỏ CIA, vãn hồi chức năng thu thập tình báo cho Bộ Ngoại Giao, tước bỏ mọi thứ ngoại trừ những chức năng thuần túy quân sự khỏi Ngũ Giác Đài”[12].

Ngay cả trong trường hợp nầy, Johnson tin là đã quá trể vì Hoa Kỳ, như một quốc gia từng được xem như một xứ dân chủ mẩu mực,“có thể đã bị tác hại đến mức vô phương cứu chữa, (và) may lắm cũng phải mất một thế hệ hay hơn thế nữa mới mong vượt khỏi hình ảnh một ‘nước Mỹ tra tấn’[13]và một nhà nước ngoài vòng pháp luật, coi thường luật quốc tế, nhân quyền, và dân thường ở khắp nơi. Đó không phải là những gì các Nhà Lập Quốc quan niệm, cũng không phải những điều cần có trong một nhà nước dân chủ“của dân, do dân, vì dân…”[14]như Lincoln đã từng nói đến ở Gettysburg. Ngày nay, đó chỉ là những gì được dành cho giới ưu đải.
Điều đáng buồn là quyền lực làm hư hỏng những ai có quá nhiều quyền lực. Từ năm 1941, quyền lực đó đã gia tăng  khi chuẩn bị chiến tranh, và từ đó nhà nước không ngừng vận dụng quyền lực. Cái giá phải trả là đánh mất dân chủ và tự do – những thứ không thể cộng sinh với chủ nghĩa đế quốc đang trên đường chinh phục và khống chế. Và nước Mỹ xinh đẹp (America the beautiful) đã trở thành một quốc gia đáng sợ và cũng đáng ghét. Nước Mỹ ra khỏi Đệ Nhị Thế Chiến kiêu hảnh và tự tin trong tư thế siêu cường kinh tế, chính trị, quân sự duy nhất, như ước muốn. Người Mỹ sẽ không từ bỏ uy thế đó, ngược lại, còn cố tận dụng thời co để ngự trị toàn cầu, không tha thứ một ai, và đòi hỏi tất cả các quốc gia khác phải thần phục và nghiêm trị nước nào tỏ ý cưởng lại.
Đệ Nhị Thế Chiến, thường được gọi sai là cuộc chiến tốt (good war), đã giúp người Mỹ phát động chính sách đế quốc tòan cầu, trên đường tìm kiếm một sự “khống chế trọn vẹn”[15], có nghĩa là một sự độc chiếm và kiểm soát toàn vũ trụ một cách tuyệt đối và không thể đối kháng – đất đai,  mặt nổi và mặt chìm các đại dương, không phận, ngoại tầng không gian, toàn bộ sóng điện từ, và các hệ thống thông tin- tột cùng của tham vọng và không bao giờ chịu lùi bước.
Cái giá phải trả đã vô cùng lớn lao, với chi tiêu quân sự của Mỹ lớn hơn tổng số chi tiêu của toàn bộ thế giới bên ngoài gộp lại. Biến cố 11-9, được xem như một “Trân Châu Cảng Mới”, đã được lợi dụng tối đã để nuôi dưỡng một bầu không khí sợ hải, cho phép chính quyền Mỹ củng cố mạng lưới kiểm soát quốc nội và phát động một loạt các cuộc chiến xâm lăng chống các nước người Mỹ gán cho cái nhãn thù nghịch. Dẫn đầu danh sách là các nước giàu năng lượng như Iraq, hoặc có vị trí địa dư chiến lược gần những khu vực giàu năng lượng như Afghanistan kế cận vùng Vịnh Caspian (Caspian Basin). Ngay cả một quốc gia dân chủ mẩu mực như Venezuela của Hugo Chavez  cũng bị xếp vào hàng ngũ những xứ cần phải thay đổi chế độ – một nhắc nhở cho những ai quên rằng quyền tối thượng của nước Mỹ luôn ở trên quyền tối thượng của bất cứ xứ nào khác.
Và kẻ nào dám thách thức một sự thật hiển nhiên: “sức mạnh làm nên lẽ phải”[16]. Vì vậy, luật quốc tế, các chuẩn mực và hiệp định có giá trị như hiến pháp của các xứ thành viên, cũng không thể cản đường siêu cường duy nhất. Chúng chẳng có nghĩa gì với một đế quốc ngoài vòng pháp luật (rogue empire) đang trên đường bành trướng, và một Tổng Thống vững tin luật pháp chỉ là luật pháp do chính ông, là những gì ông gọi là luật pháp, an ninh quốc gia chỉ là một chiêu bài để tự do hành động, và hiến pháp cũng chỉ là “một mảnh giấy lộn”(just a goddamned piece of paper).  Những gì Bush và các phụ tá thân cận thiếu về tế nhị, họ đã bù lại bằng sự táo bạo cực đoan. Và đó chính là thái độ dọn đường đến bờ vực thẳm.
Chalmers Johnson đã duyệt lại những chiến dịch chống Iraq từ cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Chiến tranh Iraq 1991, các biện pháp cấm vận giết người suốt 12 năm tiếp đó, và cuộc chiến từ 2003, tất cả đều vi phạm luật quốc tế và là những việc làm rõ rệt mang tính tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Nhưng quốc gia nào đủ vai vế để buộc tội siêu cường duy nhất của thế giới. Tổn thất gây ra cho nhân dân và xứ sở Iraq trong vòng 16 năm qua thật sự kinh hoàng. Chiến dịch của Mỹ đã hủy diệt một quốc gia từng phồn thịnh với một di sản vô giá, để lại đằng sau một vùng đất hoang tàn, những trại lính siêu thực vô luật pháp, thiếu vắng hoặc rất ít dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, các cơ sở vệ sinh, y tế, năng lượng, và hầu hết mọi thứ cần thiết cho an sinh công cộng và trường tồn.
Johnson trích dẫn các chuyên viên về nạn hôi của tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Baghdad, nạn đốt phá Thư Viện và Văn Khố Quốc Gia, Thư Viện Korans thuộc Bộ Tôn Giáo, như những đại họa lớn lao nhất trong vòng 500 năm qua, nếu không nói được kể từ năm 1258 khi quân Mông Cổ chiếm đóng Baghdad. Donald Rumsfeld và Ngũ Giác Đai đã chú tâm bảo vệ Bộ Dầu Khí, nhưng không quan tâm gì đến những báu vật vô giá bị trộm cướp và đốt phá. Cả một “vũ trụ cổ vật” bị tiêu hủy, một điều không những người Iraq mà cả thế giới văn minh không bao giờ tha thứ.
Nói chung, cuộc chiến vùng Vịnh và các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ đã gây ra hơn 1.5 triệu tử vong tính đến tháng 3-2003, hơn 3.5 triệu người di tản lánh nạn bên trong cũng như bên ngoài Iraq. Thêm vào đó, theo kết quả nghiên cứu đã được công bố của tổ chức Lancet, cuộc xâm lăng Anh-Mỹ từ tháng 3-2003 đã làm hơn 655.000 tử vong tính đến giữa năm 2006, và còn cho biết con số thực sự có thể lên đến 900.000 bởi lẽ cán bộ đã không thể đến điều tra trong những vùng quá hổn loạn hay phỏng vấn hàng nghìn gia đinh đã bị tiêu diệt, hoàn toàn không còn dấu vết.
Cho đến nay, sự tàn phá do liên quân Anh-Mỹ gây ra cho nhân dân và xứ sở Iraq kể từ năm 1991 đã là một trong số tội phạm lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại do chiến sự, chế tài, và chiếm đóng . Hậu quả còn tiếp tục gia tăng gấp bội, và chẳng có cách nào biết được con số thương, tử vong sẽ là bao nhiêu khi cuộc chiến chấm dứt. Một ngày nào đó cuộc chiến cũng sẽ chấm dứt vì lẽ người Iraq sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi giành lại được tự do cho chính mình. Trong khi chờ đợi, những thương vong, tàn phá của cuộc chiến không hề được các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ phản ảnh; báo chí phương Tây cũng chẳng mấy quan tâm. Cho đến nay, chiến sự vẫn tiếp tục vì chính quyền Mỹ luôn theo đuổi mộng đế quốc, quân đội Mỹ chỉ chịu trách nhiệm trước các cấp chỉ huy trực tiếp tại mặt trận hoặc Ngũ Giác Đai, và khoảng 100.000 nhà thầu dân sự chỉ chịu trách nhiệm với chính họ.
Khía cạnh đen tối nhất của cuộc phiêu lưu là mạng lưới nhà tù quân sự Mỹ trên khắp thế giới, dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Bộ Truởng Quốc Phòng và Ngũ Giác Đài. Tại đây, sự tra tấn, cả tinh thần lẫn thể chất, đã và đang diễn ra mặc dầu chẳng  mang lại một thông tin hữu ích nào. Trong thực tế, theo nhận định của Chalmers Johnson, đó chỉ là một phương tiện kiểm soát xã hội, trả thù, và là một chính sách hạ thấp phẩm giá những phần tử chính quyền Mỹ xem như thấp kém hơn con người bình thường vì họ là người Arập da-không-đủ-trắng hay người Afghanistan Hồi giáo[17] . Đó cũng là hành động phản ảnh sự khinh mạn siêu cường, coi thường cộng đồng quốc tế, thách thức tất cả mọi người. Luật lệ quốc tế căn cứ trên các Thỏa Ước Geneva  và Thỏa Ước LHQ chống Tra Tấn và Đối Xử Tàn Nhẫn, Vô Nhân Đạo, hay Nhục Mạ, chẳng còn ý nghĩa gì đối với chúa tể của vũ trụ. Hoa Kỳ  là một quốc gia thành viên của các Thỏa Ước vừa kể. Nhưng điều đó chẳng ăn nhằm gì đối với các luật sư khôn lanh, ranh mảnh , và các vị Bộ Trưởng Tư Pháp ngoài vòng pháp luật khi họ soạn thảo hay sửa đổi các quy luật tác chiến (rewrite the rules of engagement).
III. PAX AMERICANA TRONG THỜI HẬU CHIẾN TRANH LẠNH:
Chalmers Johnson đã phân tích hai nguyên do lịch sử đã đưa đến sự sụp đổ của Đế Quốc La Mã: chủ nghia đế quốc và chính sách dùng vũ lực (Imperialism and militarism). Tác giã ghi nhận, sau khi thảm bại trong tay kiện tướng thành Carthage, Hannibal, năm 216 BC, ngưới La Mã thề sẽ không bao giờ để một cường quốc Địa Trung Hải nào trổi dậy  khả dĩ thách thức sự trường tồn của mình và quyết tâm dùng chiến tranh phòng ngừa chống lại bất cứ một quốc gia đối nghịch nào toan tính như thế.
Đó cũng là ý niệm của Paul Wolfowitz trong cương vị Phụ Tá Bộ Truởng Quốc Phòng trong chính quyền George H.W. Bush năm 1992, một ý niệm Wolfowitz đã đem ra thực thi trong cương vị Thứ Truởng Quốc Phòng năm 2001 và đã trở thành một phần của Chiến Lược An Ninh Quốc Gia 2002. Đó cũng là một viễn kiến hoang tuởng xa xưa của người La Mã, mệnh danh Pax Romana, và sau Đệ Nhị Thế Chiến đã trở thành Pax Americana, với ảo tuởng giữ địa vị bá chủ không cho phép bất cứ quốc gia nào cạnh tranh, và sẵn sàng dùng chiến tranh phòng ngừa để thành đạt mục tiêu mong muốn.
Johnson giải thích, sau khi Julius Caesar bị ám sát ngay giữa Thượng Viện La Mã năm 44 BC, người cháu nuôi Octavian lên thay thế. Sau khi được Thượng Viện La Mã trao toàn quyền và phong làm quốc vương, Octavian, với tước hiệu Augustus Caesar, đã biến Thượng Viện thành một câu lạc bộ quý tộc hữu danh vô thực, và thể chế Cộng Hòa La Mã cáo chung.
Trường hợp Đức Quốc Xã cũng tương tự. Ngày 30-01-1933, cơ quan lập pháp Đức Reichstag đã bầu Adolph Hitler làm Quốc Truởng – Reichschancellor. Ngày 23-3-1933, Quốc Hội thông qua Đạo Luật Cứu Chửa Tình Trạng Khốn Cùng của Nhân Dân (Enabling Act or Law to Remedy the Distress of the People). Từ đó, thể chế độc tài Quốc Xã ra đời và Cộng Hòa Weimar cáo chung. Hitler nắm trong tay quyền hành tuyệt đối, làm luật, sửa đổi hiến pháp. Quốc Hội  trở thành bất lực, hửu danh vô thực. Một năm sau, Hitler trở thành một lãnh tụ độc tài trong suốt 12 năm sau đó.
Cũng như Đức Quốc Xã, La Mã đã không thích ứng được với những hậu quả bất ngờ của chủ nghia đế quốc, hình thức Chính quyền Cộng Hòa đã phải nhường chỗ cho thể chế độc tài. Dưới quyền trị vì của quốc vương, hiến pháp mất hết hiệu lực, người dân đánh mất nhân quyền cũng như quyền dân sự. Những thắng lợi quân sự đã đem lại giàu có cho giới lãnh đạo ngày một kiêu căng, dẫn đến tình trạng Chalmers Johnson mô tả: “trường hợp điển hình đầu tiên của điều mà ngày nay chúng ta gọi là dàn trải quá mỏng của đế quốc”[18].  Quân đội  biến thành những lính nhà nghề ngày một lớn mạnh, trở thành một quốc gia trong một quốc gia, giống như Ngũ Giác Đài hiện nay. Tình trạng nầy đã đưa đến một văn hóa dựa trên vũ lực, dần dà trở thành một văn hóa mục rữa về đạo đức, đưa đến suy tàn và sụp đổ của đế quốc.
Cộng Hòa Hiệp Chủng Quốc chưa sụp đổ. Tuy nhiên, một Tổng Thống Chế mang tính đế quốc ngày nay đang đè nặng lên đất nước với một Ngũ Giác Đài áp đảo và một văn hóa thẩm thấu vũ lực đang làm suy yếu các định chế lập pháp, tư pháp, và các quyền dân sự. Kinh nghiệm Đế quốc La Mã trước đây chứng tỏ những nguyên tắc phân quyền, với mục đích kiểm soát và quân bình giữa ba ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, không thích ứng với chủ nghia đế quốc với một quân lực hùng mạnh đồng hành. Hoa Kỳ có thể đã vượt qua ranh giới Rubicon sau ngày 18-9-2001 với sự thông qua Nghị Quyết Cho Phép Sử Dụng Quân Lực[19] của Lưỡng Viện Quốc Hội, cho phép “sử dụng quân lực Hiệp Chủng Quốc chống lại những ai chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công gần đây chống lại Hiệp Chủng Quốc, và cho phép Tổng Thống quyền hiến định để hành động nhằm làm nản lòng và ngăn chặn các hành động khủng bố quốc tế chống lại Hiệp Chủng Quốc…”[20].

Với luật mới nầy, George Bush được Quốc Hội dành trọn quyền, không mấy khác một nhà độc tài, nhân danh an ninh quốc gia, không quan tâm đến hiến pháp và luật quốc tế, có thể khai chiến để bảo vệ quốc gia, và tìm cách thông qua luật lệ mang tính đàn áp, đe dọa quyền tự do của mọi công dân và nhiều người khác. Kế đến, vào tháng 10-2002, Quốc Hội lại biểu quyết dành cho Tổng Thống toàn quyền quyết định tiến chiếm Iraq để phòng ngừa (chiến tranh lựa chọn) khi nào ông tin thích hợp, nói một cách khác, quyền tự do khai chiến với Iraq hay bất cứ xứ nào khác xét như một mối đe dọa, sử dụng vũ khí nguyên tử nếu Tổng Thống thấy cần.
Đây không chỉ đơn thuần một thứ quyền vô giới hạn, mà còn là một quà tặng hổ trợ điên rồ của ngành lập pháp và tư pháp hữu phái. Việc làm nầy đã đưa Hoa Kỳ vào con đường tự quyết định số phận theo gót đế quốc La Mã trước Công Nguyên nếu không được kịp thời chận đứng hay đảo ngược. Đó cũng là cái giá phải trả không tránh khỏi của sự kiêu ngạo đế quốc, khiến các cấp lãnh đạo tự cho mình là bất khả tổn thương cho đến khi quá muộn.
Dựa vào kinh nghiệm của Vương quốc Anh, Chalmers Johnson nghĩ, Hoa Kỳ có thể còn cơ may lựa chọn. Người Anh đã biết hy sinh mộng đế quốc để kịp giữ lại thể chế dân chủ vì hiểu được rằng họ không thể đồng thời có được cả hai. Trước đó, họ đã tự nguyện đảm nhận “Gánh Nặng của Người Da Trắng”(White Man’s Burden) trong tinh thần “Tốt”(Goodness) – điều mà ngày nay chúng ta gọi là”truyền bá dân chủ”(spreading democracy), với niềm tin người Anglo-Saxons xứng đáng để cai trị các xứ khác, đặc biệt là dân da mầu mà họ nghi là thấp kém hơn.  Johnson giải thích một “chủ nghĩa đế quốc thành công đòi hỏi một xứ Cộng Hòa phải tự chuyển biến thành một xứ chuyên chế”[21].Theo Johnson, La Mã và Anh quốc giúp cho người Mỹ nhận chân được vị trí của mình và những gì họ phải đối diện. La Mã chọn đế quốc , để rồi đánh mất thể chế Cộng Hòa và tất cả. Người Anh, ngược lại, đã lựa chọn dân chủ và từ bỏ đế quốc, mặc dù chính quyền Tony Blair sau biến cố 11-9, đã  hành động bất cẩn, đáng trách, như một con chốt trong nước cờ phiêu lưu đế quốc của Hoa Thịnh Đốn. Hiện nay, vào một thời điểm muộn màng của cuộc phiêu lưu, người Mỹ phải lựa chọn một trong hai hướng đi: hoặc giữ chặt “chiếc bánh dân chủ” hoặc “ăn bánh” và hứng chịu hậu quả. Ngưới Mỹ không thể cùng lúc có cả hai.
Geoge W. Bush không phải là vị Tổng Thống đầu tiên lạm dụng quyền hạn của mình . Trước đây, nhiều Tổng Thống lừng danh cũng đã từng hành động như thế. Abraham Lincoln đã ngưng áp dụng quyền bảo vệ người dân trước pháp luật (habeas rights) trong cuộc nội chiến. Trong mặt trận đối nội, suốt chiều dài Đệ Nhị Thế Chiến, T T Franklin Delano Roosevelt đã đối xử với người Mỹ gốc Nhật, những công dân lương thiện đáng kính, như một hạng người thấp hèn, một thứ công dân bất xứng, không đáng được hưởng công lý, chỉ vì một tội duy nhất – tổ tiên và mầu da của họ . Trong thực tế, họ đã bị nhốt vào các trại tập trung trong suốt thời gian của cuộc chiến mà họ không hề dính dáng hay mong muốn, mặc dù những công dân Mỹ gốc Nhật ở trong quân đội đã chiến đấu chống lại Đức Quốc Xã một cách kiên cường  xuất sắc.
Sự khác biệt giữa thời đó và ngày nay là sự hiện diện của guồng máy kiểm soát và quân bình lẫn nhau và cơ chế phân quyền, một cơ chế đã giúp kiềm chế các vị Tổng Thống tránh nạn lạm quyền. Sự thể đã hoàn toàn đổi khác khi năm vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tự kiêu quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử phổ thông, cho phép George Bush dành lấy ghế Tổng Thống khỏi tay Al Gore, ứng viên thắng phiếu, kể cả ở Bang Florida. Từ đó, tình hình tiếp tục xuống dốc giống hệt trường hợp La Mã ngày xưa khi thể chế cộng hòa đã nhường chỗ cho chủ nghia đế quốc mang tính áp bức. Tự do, dân chủ như  những quyền bình thường của người Mỹ trước đây giờ đã trở thành một “chủng loại lâm nguy”(an endangered species) cần kíp một phương cách cứu cấp .
Trong tình huống hiện nay, Bush và Cheney đang ngự trị một nhà nước ngoài vòng pháp luật, hợp tác với một liên minh luỡng đảng mục rữa. Quốc Hội không khác gì một câu lạc bộ dành riêng cho giới truởng giả, cho phép chính quyền quản lý việc nước theo “lý thuyết hành pháp đơn điệu của một Tổng Thống Chế”(the unitary executive theory of the presidency).
Trong cuốn Nemesis, Johnson “đã cố gắng đưa ra những bằng chứng lịch sử, chính trị, kinh tế, và triết lý nêu rõ lối ứng xử hiện nay sẽ đưa nước Mỹ về đâu”[22]tác giả tin con đường hiện nay sẽ đưa đến suy diệt, dưới hình thức vở nợ và độc tài chuyên chế, quân sự  hoặc dân sự.
Theo tác giả, đã đến lúc người Mỹ phải lựa chọn: hoặc tiếp tục hướng đi hiện nay để cuối cùng phải đánh mất thể chế dân chủ, hoặc theo gương Anh quốc giữ thể chế dân chủ và hy sinh mộng đế quốc.
IV. CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG KHỦNG BỐ:

Xét cho cùng, Cuộc Chiến Chống Khủng Bố là trọng tâm của mọi điều George Bush và nhóm cận thần hy vọng cho một chính quyền quan niệm như một khối “hành pháp nhất trí”(unitary executive) không vướng bận bởi cơ chế kiểm soát và quân bình hổ tương với hai ngành lập pháp và tư pháp.
Chỉ năm ngày sau biến cố 11-9, trong một cuộc họp báo trên sân cỏ phía Nam Tòa Bạch Ốc, George Bush, vị Tổng Thống với một sứ mạng mới, một mục tiêu và cứu cánh mới, tuyên cáo với nhân dân Mỹ “mặc dầu ngày mai họ phải trở lại với việc làm” , họ phải hiểu ngay bây giờ họ đang đối mặt với một “thứ ác quỷ mới” . Ông nói tiếp: “Và chúng ta hiểu. Và nhân dân Mỹ bắt đầu hiểu. Cuộc thánh chiến nầy, cuộc chiến chống khủng bố nầy, sẽ phải mất nhiều thời gian”[23].

Trước đó hai ngày, tại Thánh Đường Quốc Gia ở Hoa Thịnh Đốn, T T Bush đã loan báo cuộc chiến sắp tới, khi ông nói với nhân dân Mỹ “trách nhiệm lịch sử của chúng ta đã rất rõ ràng: đáp lại những cuộc tấn công nầy và cứu thế giới khỏi bọn ác quỷ”[24]Nếu không có “Cuộc Chiến Chống Khủng Bố”do Tổng Thống tự tuyên cáo, dĩ nhiên, Bush đã không thể viện cớ “chiến tranh”, “không khí chiến tranh”, hoặc “Tổng Thống thời chiến”, để dồn ép Quốc Hội phải ủng hộ cuộc chiến tự chọn sau đó ở Iraq. Không có “chiến tranh” và “thời chiến”, đâu có dễ thuyết phục dân Mỹ và dễ gì áp đặt “luật thời chiến”(war rules) từ trại tù ở Guantanamo (Cuba), đến căn cứ không quân Bagram Air Base (Afghanistan), đến Abu Ghraib (Iraq). Không có “chiến tranh” và “thời chiến”, các viên chức và tư lệnh Hoa Kỳ đâu có thể xếp tù nhân của quân đội Mỹ ở Iraq vào loại “những người bị câu lưu vì lý do an ninh” (security detainees), một quyết đoán phi đạo đức và phổ thông trong cuộc chiến chống khủng bố; hay mô tả tù binh dưới danh hiệu “chiến binh bất hợp pháp” (illegal combatants), để từ chối không áp dụng quy chế tù binh theo Thỏa Ước Geneva, cũng như để giam giữ vô thời hạn, cô lập, bí mật, không được luật pháp che chở.
Mọi hy vọng về quyền lực tương lai của các quan chức trong chính quyền Bush đều gắn liền với Cuộc Chiến Chống Khủng Bố mở màn cho chiến tranh nhiều nơi khác.
Thử nhìn lại bản đồ của những nơi mà Nhóm Tân Bảo Thủ và phe ủng hộ chính quyền Bush, trong giai đoạn vàng son, thường gọi là “vòng cung bất ổn”(the arc of instability) - một vùng trải dài từ biên giới Trung Quốc và các Cộng Hòa nguyên thành viên của Liên Bang Xô Viết trước đây, xuyên qua Trung Đông, Bắc Phi, xuống tận vùng Sừng Phi Châu (Horn of Africa) – cũng là tâm điểm dầu khí của hành tinh. Cả một vùng bao la từ Afghanistan đến Somalia ngày nay đang hay có thể chìm ngập trong khói lửa.
Chính quyền Bush và các đồng minh trong khối NATO đang bị cầm chân trong cuộc chiến Afghanistan ngày một lan rộng và khốc liệt hơn. Quân đội Mỹ, được trang bị đầy đủ, sẵn sàng xung đột với Iran, đang lún ngày một sâu hơn trong vũng lầy chiếntranh-nộichiến-chiếmđóng-Iraq cũng như đương đầu với công luận ngày một gay gắt hơn, cả ở Hoa Kỳ lẫn Iraq, đòi hỏi quân Mỹ phải rút khỏi Iraq.
Mùa hè năm 2006, chính quyền Mỹ, khi trang bị và hổ trợ Do Thái trong cuộc tấn công vào Lebanon nhằm loại bỏ phe Hizbollah nhưng bất thành, cũng đã tung CIA vào giúp chính quyền Lebanon đang ngày một suy yếu đối phó với lực lượng Hizbollah ngày một táo bạo hơn. Bush cũng đề cao dân chủ ở Palestine cho đến khi người Palestine bầu phe Hamas vào chính quyền, từ đó tìm cách phá hoại và vô hiệu hóa kết quả bầu cử. Người Mỹ cũng đứng đang sau cuộc xâm lăng nước Hồi giáo Somalia của Ethiopia, một quốc gia với đa số theo công giáo. Chính quyền Bush cũng ra sức lôi kéo các xứ Hồi giáo dòng Sunni – Saudi Arabia, Egypt, Jordan, và những quốc gia bé nhỏ vùng Vịnh – vào một liên minh thực tế chống lại ảnh hưởng của Iran, Syria thuộc dòng Shiite….
Bush không còn phí thì giờ nhắc nhủ dân Mỹ về giáo lý hiếu hòa của Hồi giáo. Thay vào đó, ông thường nói đến ý thức hệ Hồigiáo-phátxít (Islamo-fascism), đến những phần tử “Hồi giáo cực đoan”(Islamic extremists) quyết xây dựng một Quốc Gia Hồi Giáo Caliphate, một “đế quốc Hồi giáo cực đoan”(a radical Islamic empire) từ Afghanistan đến Gibralta, vòng cung bất ổn – một bản đồ thánh chiến.
Tóm lại, hình như không một động thái nào của chính quyền Bush ở vùng Trung Đông nới rộng, từ Afghanistan đến Somalia, mà không mang lại bất ổn, loạn lạc, đổ máu, và làm suy giảm, lung lay quyền lực của chính Hoa Kỳ trong vùng. Điều đáng buồn nhất là người ta chẳng cần hiểu nhiều về Afghanistan, Pakistan, Iran hay Iraq, cũng có thể biết được mỗi một “thành công” trong chốc lát của phe Bush cũng đều mang sẵn mầm thất bại tiếp theo.
Trái với tường trình cuả tướng tư lệnh quân Mỹ ở Iraq, David Petreaus, vào đầu tháng 4-2008, một Iraq – “ít bạo loạn hơn”, tiếp theo sau sự “thành công” của đợt tăng quân “surge” giữa năm 2007 – thực ra chỉ là tập hợp một số “thànhphố-quốcgia”(city states) riêng rẽ, hổn loạn, bạo động – một thùng thuốc nổ , với những nhóm dân quân (militias) lan tràn, những khu vực đối nghịch, những phe nhóm giáo phái ganh tị, hận thù, chống đối lẫn nhau, tất cả đều được vỏ trang đến tận răng (armed to the teeth). Tệ hại hơn nữa, dưới quyền lãnh đạo của Tướng David Petraeus và đại sứ Ryan Crocker, người Mỹ đã trở thành nguyên ủy của nạn vũ khí lan tràn và bạo loạn. Họ đã trang bị, tài trợ gần 100.000 dân quân Sunnis với quyết tâm một ngày nào đó sẽ đập nát “người Iran”(hay chính quyền Maliki). Họ cũng hổ trợ dân quân Shiite (còn có tên “quân đội Iraq”).
Trong những cuộc tấn công vào đầu tháng 4-2008 ở Basra và Baghdad, người Mỹ còn chọn đứng về phía Maliki nhằm quậy lên cuộc nội chiến ngay bên trong nội bộ khối Shiite. Nhưng không may, theo phóng sự “Liệu Lính Iraq Có Thể Chiến Đấu?[25] của hai ký giã Stephen Farrell và James Glanz trên báo The New York Times, ít nhất cũng hơn 1.000 binh si và cảnh sát phe chính phủ – hay hơn 4% lực lượng gửi tới Basra – đã rời bỏ hàng ngũ (đào ngũ) trong khi chiến trận đang tiếp diễn, trong đó có đến hàng tá sĩ quan và ít nhất là hai tư lệnh chiến trường cao cấp.
Sau nhiều năm được các cố vấn Mỹ huấn luyện gấp rút với một phí tổn  khổng lồ 22 tỉ mỹ kim, các phát ngôn nhân quân đội Mỹ một lần nữa phải lúng túng tìm cách biện minh cho một tai họa chiến lược khác, chỉ được thoát hiểm nhờ ở kết quả thương thảo giữa Muqtada al-Sadr và các cố vấn của Thủ Tướng Nouri al-Maliki, qua trung gian của tướng Iran Qassem Suleimani, một vị tướng có tên trong danh sách khủng bố cần theo dỏi của Bộ Ngân Khố Mỹ. Ngưới Mỹ gượng gạo giải thích:”Theo chỗ chúng tôi hiểu, phần lớn số đào ngũ là từ những nhóm binh si mới được huấn luyện căn bản xong và có lẽ đã được đẩy ra chiến trường quá sớm”[26].
Như Nir Rosen gần đây đã tóm tắt tình hình trong tạp chí The Nation Magazine, Baghdad ngày nay là“tập hợp một số bộ lạc dưới quyền các sứ quân và dân quân”, điển hình cho toàn bộ xứ Iraq. Rosen viết tiếp “chính quyền Bush và giới quân sự không còn nhắc đến Iraq như một đề án xây dựng quốc gia lớn lao, và các cơ quan truyền thông Mỹ cũng răm rắp đi theo”[27].

Trong khi đó, theo Pepe Escobar của tờ Asia Times, ở phía Bắc Iraq ít ai lưu ý, cuộc nội chiến – giữa hai sắc dân Iraq gốc ARập và Kurdish tranh giành thành phố Kirkuk, có thể cả Mosul,  giàu dầu hỏa – đang sôi sục và rất có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Quân đội Mỹ không hề được ai mời mọc vào chiếm đóng Iraq. Chính quyền Mỹ đã đơn phương xâm lăng Iraq với những lý do ngụy tạo trước sự chống đối của toàn thế giới. Trong hơn năm năm qua, sự can thiệp của người Mỹ đã làm tan nát cấu trúc xã hội Iraq. Sự thật lịch sử đó không ai có thể chối cãi dù chính quyền Mỹ luôn ngoan cố bám víu lấy huyền thoại quân đội Hoa Kỳ bao giờ cũng vẫn là lực lượng chiến đấu cho hòa bình và ổn định trong một thế giới hổn loạn. Vì quyền lợi của chính mình, Hoa Kỳ cần phải can đảm chấp nhận sự thật phủ phàng đó càng sớm càng tốt. Cuộc chiến càng kéo dài, hình ảnh đạo đức của Hoa Kỳ trên toàn cầu càng tơi tả. Rút khỏi Iraq, người Mỹ  mới sớm có thể bắt đầu quá trình phục hồi khỏi thảm họa đạo đức, chưa nói gì đến hiểm họa phá sản tài chánh đang đe dọa hiện nay.
V. THAY LỜI KẾT LUẬN:
Một chính sách đối ngoại tưởng như mang tính thụ động trong thập kỷ dẫn tới Đệ Nhất thế chiến ngày nay đã lộ nguyên hình trong một chuổi can thiệp đầy bạo lực: tiến chiếm vùng kênh đào Panama từ Colombia, hải quân oanh tạc vào bờ biển Mexico, thủy quân lục chiến được gửi tới hầu hết các xứ Trung Mỹ, quân đội chiếm đóng Haiti và Cộng Hòa Dominicain. Như vị tướng nhiều huy chương Smedley Butler, người đã tham gia vào nhiều chiến dịch vừa kể, sau nầy đã viết: “Tôi đã hành động như một người làm việc vặt cho Wall Street”[28].
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã trở thành siêu cường lãnh đạo thế giới – một đế quốc. Kiên quyết duy trì và bành trướng độc quyền vũ khí nguyên tử, nước Mỹ đã chiếm một số đảo xa xôi nhỏ bé trên Thái Bình Dương, trục xuất tất cả thổ dân, và biến các đảo nầy thành những nơi thử nghiệm nguyên tử. Cùng với các cuộc thử nghiệm về sau trong các vùng sa mạc thuộc hai bang Utah và Nevada, tổng số đã vượt quá con số 1.000 vụ thử nghiệm .
Trong cuộc chiến Triều Tiên, theo tuần san của I.F.Stone, trái với lời biện minh chính thức, Hoa Kỳ đã can thiệp, không phải vì Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn, mà vì Hiệp Chủng Quốc đang cần một căn cứ vững chắc trên lục địa Á châu, nhất là Trung Quốc lúc đó đã lọt vào tay lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông.
Nhiều năm sau, khi sự can thiệp thầm lặng của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã chuyển biến thành một cuộc xâm lăng bạo tàn và ồ ạt, bộ mặt đế quốc của Mỹ đã lộ rõ nguyên hình. Theo tài liệu Ngũ Giác Đài do Daniel Ellsberg phổ biến, các thông tư và biên bản ghi nhớ tối mật của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cho thấy, khi giải thích quyền lợi của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, các thành viên của Hội Đồng đã trắng trợn nói thẳng: động lực của người Mỹ là tìm kiếm “kẻm, cao su, dầu khí” (tin, rubber,oil).
Không có một phong trào phản chiến nào trong lịch sử nước Mỹ – từ việc hàng loạt binh sĩ  đào ngũ trong cuộc chiến Mexican (Mexican War), các thanh niên trong tuổi quân dịch nổi loạn trong cuộc Nội Chiến (Civil War), những nhóm chống chính sách đế quốc vào đầu thế kỷ 20, phong trào chống đối Đệ Nhất Thế Chiến – đạt đến tầm cở của làn sóng chống chiến tranh Việt Nam. Ít ra, một phần của sự chống đối nầy cũng phát xuất từ ý thức : cuộc chiến tàn bạo ở xứ sở nhỏ bé nầy là một phân bộ trong kế hoạch đế quốc lớn lao của Hoa Kỳ.
Những vụ can thiệp tiếp theo sau sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam hình như phản ảnh một như cầu bức thiết của một siêu cường đang ngự trị – ngay cả sau sự sụp đổ của địch thủ hùng mạnh, Liên Bang Xô Viết – để thiết lập quyền bá chủ rộng khắp (full spectrum dominance). Trong bối cảnh đó, thế giới đã chứng kiến cuộc xâm lăng Greneda năm 1982, oanh tạc và tấn công Panama năm 1989, chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Can thiệp vào Vùng Vịnh, George Bush Sr không mấy quan tâm đến việc Saddam Hussein xâm lăng Kuwait; điều ông quan tâm chính là lợi dụng cơ hội để thiết lập một tiền đồn vững chắc ngay trong lòng Trung Đông giàu năng lượng, một mục tiêu ám ảnh Franklin Roosevelt từ năm 1945 khi ông thành công trong nổ lực thành đạt thỏa ước “đổi dầu lấy sự bảo vệ” (oil for protection agreement) với quốc vương Abdul Aziz Ibn Saud của Saudi Arabia, cũng như CIA đã lật đổ chính quyền dân cử Mohammad Mossadegh ở Iran năm 1953.
Các cuộc tấn công tàn bạo 11-9 – như Hội Đồng Chính Thức 9-11[29], đã xác nhận – bắt nguồn từ lòng căm hận sự bành trướng thế lực của Hoa Kỳ ở Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Ngay từ trước biến cố nầy, theo Chalmers Johnson trong tác phẩm “Những Nổi Buồn của Đế Quốc” (The Sorrows of Empire), Bộ Quốc Phòng Mỹ đã công nhận đang duy trì hơn 700 căn cứ quân sự bên ngoài nước Mỹ.
Từ ngày đó, với sự phát động “cuộc chiến chống khủng bố”, nhiều căn cứ mới đã được thiết lập hoặc bành trướng: ở Kurgyzstan, Afghanistan, vùng sa mạc Qatar, Vịnh Oman, vùng Sừng Phi châu, và bất cứ ở xứ nào chính quyền dễ bị mua chuộc hoặc cuởng ép.
Động lực bên sau chính sách quân sự vừa nói – như đã được Henry Luce, một triệu phú sở hữu chủ các tạp chí Time, Life, và Fortune, mô tả ngay từ năm 1941, như là biểu hiện sự đón chào bình minh của “Thế Kỷ của Hoa Kỳ”.  Luce nói: thời cơ đã đến “để Hoa Kỳ hành xử đầy đủ ảnh huởng của mình trên thế giới, thành đạt những mục tiêu và bằng các phương tiện chúng ta thấy thích hợp”[30].
Chúng ta không thể chờ đợi một lời tuyên cáo ý đồ đế quốc nào trắng trợn và rõ rệt hơn. Đó cũng là điều, trong mấy năm gần đây, nhóm trí thức cố vấn chính quyền Bush đã nhiều lần lặp lại, nhưng nhấn mạnh đây là “thứ ảnh huởng nhân hậu”(benign influence), những mục tiêu cao thượng (noble purposes), và đây là một chủ nghĩa đế quốc chính đáng và sáng suốt. Hay như chính George Bush đã nói trong diễn văn mở đầu nhiệm kỳ hai: “Phổ biến tự do ra khắp thế giới…là tiếng gọi của thời đại chúng ta”[31].
Như nhà sử học lừng danh Howard Zinn nhận định, Đế Quốc Hoa Kỳ luôn là một đề án lưỡng đảng – Dân Chủ và Cộng Hòa luôn thay phiên mở rộng đế quốc, ca tụng và cổ súy cho nó . T T Woodrow Wilson đã nói với  các sĩ quan tốt nghiệp Hải Học Viện (Naval Academy), năm 1914 (năm ông cho oanh tạc Mexico), Hoa Kỳ “sử dụng hải quân và bộ binh của mình …như những khí cụ truyền bá văn minh, không phải như khí cụ gây hấn”[32]Và T T Bill Clinton, năm 1992, cũng đã nói với các sĩ quan tốt nghiệp West Point:”Các giá trị các bạn học được ở đây…sẽ có thể truyền bá khắp đất nước và ra khắp thế giới”[33].

Đối với nhân dân Hoa Kỳ , và nhân dân toàn thế giới, những lời xác quyết trên đây không sớm thì muộn sẽ được chứng minh hoàn toàn sai lầm. Những chiêu bài đó, thoạt nghe có vẻ thuyết phục, chẳng bao lâu sẽ bị phơi bày qua những cảnh tượng hải hùng không còn có thể che đậy: những xác người loang lỗ máu; những lính Mỹ thân thể bị xé nát, mất tay mất chân ; hàng triệu gia đinh mất nhà cửa, công ăn việc làm – ở Trung Đông, ở Đồng Bằng Mississipi, và ở nhiều nơi trên thế giới…
Theo Howard Zinn, những chiêu bài biện minh cho chính sách đế quốc đã thẩm thấu vào văn hóa Mỹ, đã tấn công đầu óc và sự hiểu biết của nhân dân Mỹ – chiến tranh là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Mỹ, bành trướng thế lực là thiết yếu cho việc truyền bá văn minh…, đã bắt đầu mất dần hiệu lực. Phải chăng đã đến một thời điểm lịch sử, người Mỹ  đã sẵn sàng chấp nhận một lối sống mới hài hòa cùng thế giới – bành trướng không phải thế lực quân sự mà tình đồng loại, tình người.
Nguyễn Trường
Irvine, California
20-4-2008
__________________________________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:

1. Ira Chernus, Professor of Religious Studies at the University of Colorado, Monsters To Destroy: The Neoconservative War on Terror and Sin.
2. Noam Chomsky, Hegemony or Survival, America’s Quest for Global Dominance, The American Empire ProjectMetropolitan Books.
3. Patrick Corkburn, Muqtada: Muqtada al-Sadr, the Shia revival, and the Struggle for Iraq, Scribner, 2008.
4. Mark Danner, Professor at Bard College and Graduate School of Journalism, University of California, Berkeley, Torture and Truth: America, Abu Ghraib and the War on Terror, 2004; and The Secret Way to War: The Downing Street Memo and the Iraq War’s Buried History, 2007, MarkDanner.com.
5. Chalmers Johnson, Professor Emeritus of the UC, San Diego and UC, Berkeley, Blowback Trilogy:Blowback (2000), The Sorrows of Empire (2004), Nemesis: The Last Days of the American Republic (2007) .
6.  Howard Zinn, A People’s  History of the United States – 1492-Present, Harper Collins Publishers, New York,2005.
7. Magazines: The Economist, The Nation.


[1] Hegemony or Survival, America’s Quest for Global Dominance, Noam Chomsky.
[2]There is ample historical precedent for the willingness of leaders to threaten or resort to violence in the face of significant risk of catastrophe. But the stakes are far higher today. The choice between hegemony and survival has rarely, if ever, been so starkly posed.
[3] …sovereign right to use force to defend ourselves.
[4] The need for a substantial American force presence in the Gulf transcends the issue of the regime of Saddam Hussein.
[5] …simply unbelievable how the war has revived the appeal of a global jihadi Islam that was in real decline after 9-11.
[6] The world is safer today because, in Iraq, our coalition ended a regime that cultivated ties to terror while it built weapons of mass destruction.
[7] Every use of force is another small victory for bin Laden.
[8] …would be very alarming to the Pentagon.
[9]  …lack of systematic oversight of the “insulated bureaucracies” that provide analyses of “limited and winnable nuclear war”.
[10] ..are approaching the edge of a huge waterfall and are about to plunge over it.
[11] Of all the enemies to liberty, war is, perhaps, the most to be dreaded, because it comprises and develops the germ of every other…. (Delegating) such powers (to the president) would have struck, not only at the fabric of the Constitution, but at the foundation of all well organized and well checked governments.
[12] We will never again know peace, nor in all probability survive very long as a nation, unless we abolish the CIA, restore intelligence collecting to the State Department, and remove all but purely military functions from the Pentagon.
[13] …may have been damaged beyond repair [and] it will take a generation or more [at best] to overcome the image of “America as Torturer”.
[14] …of the people, by the people, for the people…
[15] full-spectrum dominance.
[16] might makes right.
[17] …it’s used for social control, vengeance and a policy of degrading people regarded as sub-human because they happen to be less-than-white Arab or Afghan Muslims.
[18] The first case of what today we call imperial overstretch.
[19] Authorization for Use of Military Force – AUMF.
[20] …the use of United States Armed Forces against those responsible for the recent attacks launched against the United States [and] giving the President …authority under the Constitution to take action to deter and prevent acts of international terrorism against the United States….
[21] …successful imperialism requires that a domestic republic change into a tyranny.
[22]Johnson “tried to present historical, political, economic, and philosophical evidence of where our current behavior is likely to lead”.
[23] …go back to work tomorrow… . …a new kind of evil. And we understand. And the American people are beginning to understand. This crusade, this war on terrorism is going to take a while.
[24] Our responsibility to history is already clear: to answer these attacks and rid the world of evil.
[25] Can Iraq’s Soldiers Fight?
[26] the bulk of these [deserters] were from fairly fresh troops who had gotten out of  just basic training and were probably pushed into the fight too soon.
[27] …a set of fiefdoms run by warlords and militiamen. …The Bush administration and the US military have stopped talking of Iraq as a grand project of nation-building, and the U.S. media have dutifully done the same.
[28] I was an errand boy for Wall Street.
[29] The official 9-11 Commission.
[30] …to exert upon the world the full impact of our influence, for such purposes as we see fit, and by such means as we see fit.
[31] Spreading liberty around the world …is a calling of our time.
[32] The U.S. used “her navy and her army…as the instruments of civilization, not as the instruments of aggression.
[33] The values you learned here…will be  able to spread throughout the country and throughout the world.