Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

23. Mỹ mở rộng quân sự tại châu Phi để nhằm vào Trung Quốc


EmailInPDF.
NCBD-Theo mạng tin Global Research, trong những năm gần đây, người ta đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ vai trò của châu Phi, không phải như một khu vực quan trọng toàn cầu mới, mà là một "đấu trường quan trọng" của "cuộc chơi lớn" mới. Và quốc gia đang thực sự khiến thế giới thay đổi thái độ với châu Phi chính là Trung Quốc.

Khác biệt lớn trong thái độ của Trung Quốc, so với phương Tây, nhất là Mỹ, là họ đang sử dụng cái được gọi là "sức mạnh mềm" để tạo ra một ấn tượng tích cực về mình, chứ không phải "khóa tay" các đối tác và mở rộng sự hiện diện quân sự. Phương Tây, do cảm thấy khả năng có thể bị thua Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh tại châu Phi nếu chỉ tiếp tục di chuyển theo tuyến đường kinh tế, đang sử dụng những chiến thuật đã được thời gian thử nghiệm là tăng cường sự hiện diện quân sự. 
Phát biểu tại một hội nghị gần đây với sự tham gia của đại diện các nước châu Phi, Tướng Carter Ham - người đứng đầu Bộ chỉ huy của Mỹ ở châu Phi - tuyên bố rằng Mỹ đang thận trọng mở rộng các nỗ lực cung cấp thông tin tình báo, đào tạo một số lượng nhỏ lực lượng vũ trang các nước châu Phi nhằm hỗ trợ chống lại các hoạt động khủng bố trong khu vực. Ông cũng tuyên bố rằng các động thái có phối hợp của một số nhóm khủng bố có trụ sở tại châu Phi nhằm giúp đào tạo, tài trợ và cung cấp các nguyên liệu sản xuất bom là đáng quan ngại và là một nguy cơ đối với Mỹ và khu vực. Tướng Ham cho biết, Mỹ đã đào tạo tới 200.000 binh lính gìn giữ hòa bình và lực lượng thực thi luật pháp của 25 quốc gia châu Phi khác nhau.
Tuyên bố của Tướng Ham tại hội nghị trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi báo "Bưu điện Oasinhtơn" đăng một bài báo dài về việc quân đội Mỹ đang mở rộng các hoạt động tình báo bí mật tại châu Phi, thiết lập một mạng lưới các căn cứ không quân nhỏ để "do thám" nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố từ rìa sa mạc Xahara tới khu vực rừng rậm dọc theo xích đạo. Trọng tâm của các chiến dịch giám sát này là những máy bay nhỏ, không được vũ trang và đóng giả thành những máy bay tư nhân. Những hoạt động này đã được tăng cường trong những tháng gần đây, được giám sát bởi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào các nhà thầu quân sự tư nhân và sự hỗ trợ của binh lính châu Phi.
Trên thực tế, cả hai thông tin trên phản ánh thực tế đang thay đổi tại châu Phi, lục địa mà nhiều năm từng bị coi là "vùng đất bị lãng quên". Trong khi các hoạt động kinh tế và chính trị toàn cầu được tập trung vào những nơi khác, các nước châu Phi, phần lớn giành được độc lập chính thức vào đầu những năm 1960, gần như bị các cường quốc toàn cầu lãng quên và chỉ được coi là một nguồn khoáng chất giá rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một đối tác thương mại chủ chốt của nhiều nước châu Phi. Về đầu tư, Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhưng nước này đang nhanh chóng san bằng khoảng cách này.
Những động thái của Trung Quốc đang trở thành một nguy cơ nghiêm trọng đối với các lợi ích của phương Tây tại châu Phi và họ quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự. Họ có rất nhiều cớ để tăng cường quân sự, như cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi, hay hoạt động nhân đạo và tìm kiếm hài cốt của những phi công Mỹ đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Song, mục tiêu lâu dài thì rõ ràng là đẩy Trung Quốc ra khỏi mọi phạm vi lợi ích sống còn của phương Tây tại châu Phi và các nơi khác trên thế giới.
Liệu một diễn biến như vậy và sự thay thế "sức mạnh mềm" của Trung Quốc bằng "sức mạnh cứng" của Mỹ có phục vụ lợi ích sống còn của chính các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng hay không là điều sau này người ta mới có thể phán xét, nhưng một điều rõ ràng là mặc dù đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, song Mỹ đang sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng tại "các sân chơi xa".
Theo Global Research
Tiến Tiệp (gt)