Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

19. Học thuyết Monroe của Trung Quốc


EmailInPDF.
NCBD-Hoa Kỳ đã phải chỉnh sửa Học thuyết Monroe vì nhận ra ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với tham vọng siêu cường của mình. Vậy đối với Trung Quốc thì sao? Thay đổi để hàn gắn hình ảnh và trở thành cường quốc toàn cầu hay tiếp tục chính sách cứng rắn tại Biển Đông để cản trở con đường phát triển hòa bình của mình?

Mặc dù có những yêu sách ngang ngược, chính sách của Trung Quốc hiện nay tại những khu vực biển gần không hoàn toàn giống với Học thuyết Monroe. Nhưng tính áp dụng của nó vẫn còn là bài học cho Trung Quốc.
Vào năm 1823, Tổng thống Mỹ James Monroe và Ngoại trưởng Mỹ John Quincy Adams đã sử dụng thông điệp hàng năm của tổng thống trước Quốc hội Mỹ để đưa ra học thuyết chính sách ngoại giao mới. Họ tuyên bố rằng, Mỹ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng biển bên trong đường ranh giới bao gồm phần lớn vùng biển Caribbe và Vịnh Mexico. Monroe và Adams tuyên bố rằng những yêu sách này cấu thành nên “lợi ích cốt lõi” của Mỹ - lợi ích mà nước Mỹ đã sẵn sàng dùng đến chiến tranh để bảo vệ. Chắc chắn là họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia Mỹ Latin yếu kém hơn mình. Xa hơn nữa, họ cũng yêu cầu các cường quốc hải quân bên ngoài khu vực như Hải quân Hoàng gia Anh phải chấm dứt hoạt động tại “các vùng biển gần” của Mỹ.
Tuy nhiên họ đã không hành động như vậy.
Nhưng đây lại là một kiểm nghiệm rất hữu ích. Làm thế nào để Học thuyết Monroe với tính chất hung hăng quá mức sẽ được các quốc gia châu Âu chấp nhận, đó là còn chưa tính đến phản ứng của các đảo và các quốc gia duyên hải xung quanh vùng vịnh Caribbe? Chắc chắn đó sẽ là một thất bại nặng nề. Và làm thế nào để những yêu sách khác thường của Trung Quốc tại Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông – chủ quyền không thể tranh cãi, lợi ích cốt lõi và những vấn đề khác – được các quốc gia châu Á khác chấp nhận?
Tuần trước tại Diễn đàn Chiến lược thường niên của Học viện Hải chiến, một số học giả đã so sánh chính sách của Trung Quốc tại những vùng biển gần với chính sách của Mỹ tại biển Caribbe và Vịnh Mexico trong suốt thời kì hoàng kim của Học thuyết Monroe. (Tại sao không ai nghĩ về điều đó trước đây?).  Câu hỏi được một học giả đưa ra là “Tại sao Trung Quốc không thể thực hiện Học thuyết Monroe?”. Và ông đã tự trả lời cho câu hỏi của mình: “Bời vì đó là Trung Quốc!”. Ẩn ý rằng: Mỹ và các đồng minh châu Á không chấp nhận Trung Quốc có những đặc quyền đặc biệt mà Mỹ có được trong quá trình trở thành siêu cường quốc biển. Làm như vậy, nếu không phải là hành vi thực hiện sự gieo rắc mối đe dọa thì rõ ràng nó cũng là đỉnh điểm của sự đạo đức giả.
Vấn đề đối với quan điểm này là không một ai phủ nhận ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực xung quanh nước này. Các cường quốc sử dụng ảnh hưởng như vậy là điều đương nhiên. Nhưng chỉ khác nhau ở việc các quốc gia sử dụng loại ảnh hưởng kiểu gì. Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia châu Á có đầy đủ những lý do để lo ngại về việc nước này sẽ sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng lên như thế nào.
Đây là một sự trái ngược hoàn toàn với lịch sử của nước Mỹ. Vì không bị buộc tội can thiệp, nên học thuyết Monroe đã phổ biến ở các nước Mỹ Latinh hàng thập kỷ sau khi ra đời. Tại sao lại không? Đó là một tuyên bố rằng các quốc gia châu Âu có thể vẫn giữ tài sản của mình trong một Thế giới Mới nhưng không được phép mở rộng thêm. Đó là điểm then chốt. Một khi các nền cộng hòa Mỹ Latinh giành được độc lập từ các đế quốc, thì đó là một nền độc lập vĩnh viễn. Washington tuyên bố bất kỳ hành vi nào nhằm khôi phục sự thống trị đế quốc đối với các quốc gia châu Mỹ – dù là trực tiếp hay thông qua một bên thứ ba – đều bị coi là hành động không thiện chí đối với Mỹ. Không có một quốc gia tại Trung và Nam Mỹ chối bỏ một người hàng xóm mạnh mẽ mà có thể đảm bảo nền độc lập cho mình trước các kẻ thù bên ngoài khu vực.
Rắc rối bắt đầu xuất hiện vào những năm 1890 khi Mỹ gia tăng ưu thế của mình tại Tây bán cầu. Sức mạnh có được tại thời điểm đấy đã thôi thúc các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ sử dụng ưu thế này. Trong năm 1895, chính quyền tổng thống Grover Cleveland đã bị cuốn vào vào tranh chấp biên giới dọc theo biên giới của Venezuela. Trong một công hàm có phần gay gắt, Ngoại trưởng Mỹ Richard Olnet đã thông báo với chính phủ Anh Quốc  - là một bên trong tranh chấp – rằng “sự tán thành” của Mỹ là “luật” trên khắp Tây bán cầu.
Tuyên bố bá quyền này rất khó được các quốc gia Tây bán cầu chấp nhận, nhưng dù sao nó cũng chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn trong vòng quay của bánh xe lịch sử. Tổng thống Theodore Roosevelt đã khéo léo xử lý các mối quan hệ với các quốc gia châu Âu và Caribe. Vào năm 1904, ông đã thêm vào một “hệ luận” cho học thuyết Monroe mà theo đó Washington có quyền can thiệp vào các cuộc tranh cãi giữa các đế quốc và các chính phủ Mỹ Latin nếu như những tranh cãi đó đe dọa phá vỡ học thuyết. Các đế quốc châu Âu có thói quen cử tàu chiến đến chiếm đoạt các sở hải quan khi các chính phủ yếu kém không đủ khả năng trả các món nợ cho các ngân hàng châu Âu. Sau đó họ sẽ hoàn lại các khoản thu thuế quan cho các ngân hàng, nguồn thu nhập chính của chính phủ. Roosevelt đã phản đối điều này bởi vì việc thu hồi các khoản nợ sẽ giúp cho các nước ngoài khu vực giành được quyền sở hữu phần đất của châu Mỹ – khu vực có thể được xây dựng các căn cứ hải quân, tạo nên mối đe dọa đối với các hải trình của khu vực một khi kênh đào Trung Mỹ được mở.
Với việc bắt đầu thực hiện quản lý việc trả nợ, Washington không chấp nhận bất cứ một lý do nào của đế quốc châu Âu trong việc xâm chiếm lãnh thổ - đây là loại lý do mà họ đưa ra đàm phán để chiếm quyền sở hữu các vùng đất rộng lớn châu Á và châu Phi. Bởi các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn còn tỏ ra dè dặt trong việc  áp dụng Hệ luận Roosevelt– như Theodore Roosevelt đã làm, chỉ can thiệp tại Santo Domingo với quy mô rất nhỏ -  nên việc làm này vẫn còn làm dấy lên những nghi ngại nhất định. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu chính quyền Mỹ từ bỏ cách suy nghĩ [cũ] của mình để thừa nhận các quốc gia châu Mỹ Latinh đều bình đẳng như nhau hay chưa? Do đó, các nhà ngoài giao Mỹ đã sắp xếp để các quốc gia cộng hòa phía nam được mời đến tham dự Hội nghị Hòa bình Hague vào năm 1907, chính thức khẳng định rằng họ đều là các quốc gia được lập nên có chủ quyền bình đẳng như nhau. Roosevelt liên tục đảm bảo về “bộ 3 nước lớn” – Argentina, Brazil và Chile – rằng ông coi họ là những quốc gia đồng bảo lãnh cho Học thuyết Monroe.
Ông cũng phái Ngoại trưởng Elihu Root đi vận động chính trị tại Nam Mỹ vào năm 1906. Tất cả đều biết rằng, Ngoại trưởng Root đã khéo léo giải thích Học thuyết và Hệ luận của nó. Ngoại trưởng Argentina Luis Drago đã miêu tả Học thuyết Monroe là “chính sách truyền thống của Hoa Kỳ trong đó nước này không cần tập trung vào tính ưu việt hay tìm kiếm ưu thế để lên án sự áp bức bóc lột, kiểm soát vận mệnh của các cường quốc châu Âu đối với các quốc gia Tây bán cầu”. Brazil đã tổ chức Hội nghị Liên Mỹ tại Rio de Janeiro. Các quan chức Brazil đã đặt tên cho công trình nơi diễn ra hội nghị này là “Palácio Monroe.”
Sự hưởng ứng tích cực không chỉ giới hạn trong giới công chức. Thực vậy, sử gia Frederick Marks thuật lại rằng “những sinh viên có lòng nhiệt thành đã được thuyết phục không được tháo ngựa kéo xe của Ngoại trưởng Root để họ có thể tự kéo chiếc xe đi qua các con phố của Rio.” Câu chuyện cũng tương tự tại Buenos Aires và Lima. Chính khách và đám đông đã thể hiện sự ngưỡng mộ Theodore Roosevelt trong suốt thời gian trước chuyến thăm tổng thống đến Nam Mỹ năm 1913.
Nhưng các nguyên tắc có thể bị lạm dụng. [Học thuyết] đã bị thực hiện quá cẩu thả - khi những vị tổng thống kế nhiệm của Theodore Roosevelt đã thực hiện – hệ luận đã bị biến tướng thành cái cớ để Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Mỹ Latin, thậm chí ngay cả khi không tồn tại mối đe dọa thực sự về sự xâm chiếm của châu Âu đối với lãnh thổ châu Mỹ Latin. Vào năm 1929, Bộ ngoại giao Mỹ đã biên soạn “Chú giải Học thuyết Monroe”, được gọi là Biên bản Ghi nhớ Clark, có tác dụng lược bỏ bớt “Hệ luận Roosevelt”. Quy tắc của Học thuyết về việc chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào châu Mỹ vẫn giữ nguyên. Sau khi Biên bản Ghi nhớ Clark được đưa ra, chủ nghĩa can thiệp trong Học thuyết của Theodore Roosevelt không còn tồn tại.
Giờ quay trở lại chính sách của Trung Quốc tại những khu biển gần hiện nay, nó không giống với Học thuyết Monroe trong chính sách của Mỹ tại Vịnh Mexico và biển Caribbe. Một mặt, Washington không bao giờ đòi yêu sách toàn bộ Caribean như Bắc Kinh tại Biển Đông. Mặt khác, Mỹ không bao giờ có ý định hạn chế các hoạt động hải quân tại những khu vực biển gần của mình, trái lại Trung Quốc lại phản đối những hoạt động như vậy đối với các hoạt động bình thường của tàu sân bay tại biển Hoàng Hải. Trung Quốc lấy lý do rất gượng gạo rằng những hoạt động như vậy sẽ đặt thủ đô Bắc Kinh nằm trong phạm vi tấn công của tàu chiến Mỹ. Bắc Kinh cũng muốn ngăn cấm những tập quán hợp pháp có từ lâu như hoạt động khảo sát trên không trong không phận quốc tế. Chỉ ngay tuần trước thôi, học giả Ấn Độ C.Raja Mohan thông tin rằng, một tàu chiến Trung Quốc đã “hộ tống” đội tàu Hải quân Ấn Độ trong vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Theo Mohan – và tôi cũng đồng quan điểm như vậy – thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi là “rất vui được gặp các bạn ở đây, nhưng các bạn đang trong vùng lãnh hải của chúng tôi, đây là khu vực không được quyền “tự do hàng hải” đối với các tàu quân sự. Các bạn đang ở đây dưới sự cho phép của chúng tôi.”
Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt qua cả cách dẫn giải mang tính can thiệp nhất, hiếu chiến nhất đối với Học thuyết Monroe và Hệ luận Roosevelt. Sự phản kháng của các quốc gia khu vực là có lý do và là điều nằm trong dự liệu. Họ sẽ phản kháng – cũng giống như các nước châu Mỹ Latin đã phản đối chống lại chủ nghĩa can thiệp mà những vị tổng thống kế nhiệm Theodore Roosevelt như William Howard Tagt và Woodrow Wilson đã thực hiện.
Cuối cùng thì các quan chức Mỹ đã có được sự khôn ngoan và tính linh hoạt khi loại bỏ Hệ luận Roosevelt, chấm dứt một chính sách đã làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của Mỹ đối với các quốc gia láng giềng phía nam. Tổng thống Franklin Delano đã thay thế bằng chính sách “Láng giềng Tốt”, chính sách đã đem lại lợi ích cho Mỹ và lợi ích chung tốt hơn rất nhiều. Quan điểm của công chúng không đóng vai trò gì trong Hệ luận, do đó đã không có bất cứ sự phản đối nào. Ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc coi chính sách của họ tại những khu vực biển gần là vấn đề chủ quyền. Làm như vậy, có lẽ họ sẽ tự dồn mình vào chân tường. Dư luận công chúng sẽ phán xét rằng hành động của họ trái với lời nói của họ. Nếu như lúc này họ thỏa hiệp, thì khi so sánh với chính tiêu chuẩn mà họ đã thiết lập, họ sẽ mất đi chủ quyền đối với các vùng biển mà họ cho là thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa. Liệu đám đông theo chủ nghĩa dân tộc ồn ào kia có tha thứ cho một hành động phản bội như vậy? Thật là một điều đáng nghi ngờ.
Tóm lại, Bắc Kinh đang tự mình tạo ra một mớ hỗn độn mà phải mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi mớ hỗn độn này – và sẽ chẳng có Elihu Root hay FDR (Franklin D. Roosevelt) giúp sức. Tại Mỹ, các nước bạn bè Mỹ Latin của chúng tôi vẫn liên tục than phiền về chủ nghĩa can thiệp của Mỹ từ trước đến nay.Trung Quốc nên làm thế nào để những người bạn láng giềng ít than phiền hơn về vấn đề tương tự của Mỹ đã từng gặp phải.
James Holmes là phó giáo sư về chiến lược của Học viện Hải chiến Hoa Kỳ. Ông đang viết về lịch sử Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Trần Quang (gt)