Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

39. Về mối quạn hệ Nga - Trung


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ năm, ngày 7/6/2012
TTXVN (Angiê 5/6)
Lo ngại xung quanh hợp tác chiến lược chân chính.
Từ 23 đến 25/1 tại Matxcơva diễn ra Hội nghị song phương hàng năm về các vấn đề chiến lược và an ninh giữa Trung Quốc và Nga. Đây là phiên họp lần thứ năm kể từ năm 2005 đến nay. Theo đánh giá của chuyên gia Jean-Paul Yacine của tạp chí “Tin Trung Hoa”, triển vọng tình hình từ cuối những năm 1980 cho thấy mối quan hệ song phương không ngừng được cải thiện.
Việc xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục diễn ra vào năm 2001 với việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác được tuyên truyền rầm rộ rồi vào năm 2005 với việc thiết lập hợp tác chiến lược. Trong một số mối quan hệ quốc tế, thuật ngữ “chiến lược” đôi khi được sử dụng không đúng chỗ, nhưng đối với mối quan hệ Nga-Trung, thuật ngữ đó hoàn toàn thích hợp.
Hiệp ước năm 2001 bao gồm nhiều vấn đề có tầm quan trọng cốt tử, từ cung ứng khí đốt và dầu mỏ cho Trung Quốc đến hợp tác giữa hai nước chống mối đe dọa khủng bố ở Trung Á hay bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Trong các lĩnh vực này, hoạt động phối hợp chống chính sách sức mạnh và bá quyền của Mỹ chiếm một vị trí quan trọng.
Khía cạnh “chống Mỹ” trong việc xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trước đây được mở rộng rất nhiều dưới thời Giang Trạch Dân trong suốt nhiệm kỳ của ông. Bắt đầu từ năm 1992, Trung Quốc cùng Nga tố cáo hành động của NATO – và các chiến dịch đặc biệt của tổ chức quân sự này – ở vùng Bancăng và Đông Âu trước đây (căn cứ quân sự của Mỹ ở Rumani và Bungari), tại Ucraina, Grudia và ở những vùng cận kề phương Tây thuộc Liên Xô, rồi ở Trung Á. Rõ ràng, Nga và Trung Quốc không phải không có lý khi cùng cho rằng chiến lược của Mỹ là “loại bỏ ảnh hướng của Nga khỏi đường biên giới lịch sử của nước này và kiềm chế Trung Quốc”.
Ngoài những lý do đồng thuận chiến lược giữa Nga và Trung Quốc nói trên, còn có thêm việc hai nước thường xuyên dè chừng với lập trường của các nước phương Tây về vấn đề hạt nhân Iran và nghi ngờ các kế hoạch liên quan đến  lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á và châu Âu.
Đó là bối cảnh dẫn đến các cuộc tập trận chung Nga-Trung, bắt đầu từ năm 1999 (với một số thành phần thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc) và lên tới đỉnh cao từ năm 2005 với cuộc tập trận hỗn hợp quốc tế trên không và trên bộ đầu tiên với quy mô lớn chưa từng thấy diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc.
Với nhiều cái cớ khác nhau và các tên gọi mập mờ, tất cả các cuộc tập trận tiếp theo đều nhằm mục đích cân bằng hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Á, tại các vùng ngoại biên thuộc Liên Xô và ở Trung Á. Một số cuộc tập trận khác cũng diễn ra hàng năm sau đó, ở biển Nhật Bản, vùng Xibêri, Mãn Châu hay Trung Á. Đồng thời, Nga bán vũ khí cho Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1989 và thúc đẩy mạnh hơn khi Trung Quốc bị phương Tây cấm vận, cung cấp cho quân đội nước này các trang thiết bị chính đế nhanh chóng hiện đại hóa (550-600 máy bay chiến đấu hiện đại SU-27 và SU- 30MKK, trực thăng chống ngầm Kamov, tên lửa phòng không S-300, tàu ngầm lớp Kilo, hai tàu khu trục Sovremenny trang bị tên lửa chống tàu…).
Vấn đề là mối quan hệ Nga-Trung không còn cố hữu hay xơ cứng vì lý do tư tưởng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy không tin tưởng lẫn nhau như nói ở trên, song Nga nhận thấy sức nặng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề của mình nên vẫn giữ mối quan hệ với phương Tây và Liên minh châu Âu. Chẳng hạn, Nga bán 67% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của mình cho Liên minh châu Âu. Song song với cuộc đối thoại chiến lược với Trung Quốc, Nga tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược khác với NATO và Mỹ, về an ninh châu Âu và phòng thủ tên lửa. Cho dù gặp khó khăn, song các cuộc đối thoại này không phải vì thế mà không trở thành đối trọng với việc xích lại gần Trung Quốc và, ít nhất, cũng tạo cho Nga có thêm khả năng xoay xở.
Nếu như Nga và Trung Quốc có nhiều điểm đồng về chính trị, chuyên gia các vấn đề quốc tế Jean-Paul Yacine nhận xét hai nước lại khá cách xa nhau về kinh tế do lợi ích không đồng nhất. Khi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp nhau, mọi thứ dường như đều trôi chảy: hợp tác được cho là đang phát triển sâu rộng, hai bên thống nhất về các vấn đề quốc tế lớn (Libi, Xyri) và vấn đề nhân quyền không ảnh hưởng tới trao đổi thương mại… Trung Quốc và Nga ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá 7 tỷ USD, song vẫn không có tiến triển đáng kể nào trong việc Nga bán khí đốt từ Xibêri với khối lượng lớn cho Trung Quốc.
Trao đổi thương mại hai chiều, cho dù tăng gấp 10 lần từ năm 2001 đến nay, song vẫn chỉ ở mức khiêm tốn (từ 60 đến 70 tỷ USD). Hai nước muốn nói gì thì nói trong thông cáo chính thức, song trao đổi chỉ diễn ra một chiều với cung ứng khí đốt, dầu mỏ và trang thiết bị quân sự là chủ yếu, trong khi Nga rất dè chừng về trang thiết bị quân sự vì không tin Trung Quốc. Kể cả khi được đa dạng hóa, trao đổi vẫn chỉ xoay quanh lĩnh vực năng lượng. Tháng 9/2010, Trung Quốc cho Nga vay 6 tỷ USD để đổi lấy việc nước này bán than cho mình trong 25 năm. Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 9/2010, Tổng thống Dmitry Medvedev hứa sẽ xây hai nhà máy điện hạt nhân ở vùng Thượng Hải, còn Trung Quốc sẽ xây một nhà máy điện ở vùng Yoroslavl.
Nhưng cốt lõi trong quan hệ song phương vẫn là việc ngày 2/1, đưa vào sử dụng đường ống dẫn dầu đầu tiên nối Đông Xibêri với vùng Đông Bắc Trung Quốc, có khả năng vận chuyển 15.000 tấn/năm. Chi phí cho dự án này lên tới 25 tỷ USD và được tài trợ một phần bằng vốn vay của Trung Quốc. Trái lại, hai nước không nhất trí về giá khí đốt được vận chuyển bằng một đường ống đang được xây dựng dự kiến chạy từ Tây Xibêri qua dãy Altai tới vùng Tân Cương, trị giá 16 tỷ USD và có thể vận chuyển 30 tỷ mét khối/năm.
Triển vọng xuất khẩu hàng công nghiệp Nga sang Trung Quốc vấp phải trở ngại do bộ máy công nghiệp quá cổ lỗ và sự cạnh tranh của Trung Quốc, trong khi món nợ của các tổ hợp Nhà nước lớn, hậu quả của các chiến dịch quốc hữu hóa từ thời Putin, là một điểm yếu trước sức mạnh tài chính của Trung Quốc. Quỹ Nhà nước Trung Quốc đã tỏ ý muốn mua lại toàn bộ hay một phần trong số 10 tỷ USD cổ phiếu được bán ra trong khuôn khổ chương trình tư nhân hóa được Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin quyết định vào năm 2011.
Tại Nga, từ lâu nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng mất cân đối dân số giữa vùng Xibêri và vùng Mãn Châu ngay bên cạnh (chỉ có 8 triệu người Nga sống ở vùng giữa hồ Baikal và Thái Bình Dương, so với 200 triệu người Trung Quốc ở vùng Đông Bắc), trong khi sự đồng thuận giữa Nga và Trung Quốc ở vùng Trung Á bị đe dọa bởi các cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh trong khai thác nguồn năng lượng. Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng nên phát triển ở đây một mạng lưới đường sắt và đường ống dẫn khí đốt ngày càng dày đặc.
Đúng là hai nước cùng có tâm lý nghi ngại đối với Mỹ, song phải thấy rằng đối với Nga cũng như Trung Quốc, Mỹ vẫn là tiêu điểm trong mối quan hệ chiến lược của họ. Một phần ba các câu trả lời của Đới Bỉnh Quốc cho các nhà báo Trung Quốc và Nga hỏi về nội dung cuộc đối thoại chiến lược Nga-Trung, nói đến mối quan hệ giữa một bên là Nga và Trung Quốc với bên kia là Mỹ.
Có xích lại gần nhau không?
Vladimir Putin đã trở lại với ngôi vị số một ở Nga. Tác động địa chính trị của việc này đối với Bắc Kinh là như thế nào? Theo ông Emmanuel Lincot, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Viện Thiên chúa giáo Paris (Pháp), Vladimir Putin trở lại là một tin tốt lành đối với Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều này sẽ giúp mối quan hệ song phương trường tồn và phối hợp hành động giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục ổn định.
Phân tích trên tạp chí “Phát thanh”, ông Emmanuel Lincot lưu ý lập trường của Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng thống nhất. Năm 1960, với Liên bang Xôviết, người ta đã thấy xảy ra ly khai, rồi căng thẳng ở biên giới dưới thời các Tổng thống Gorbachev và Yeltsin. Sau khi Nga công nhận Ápkhadia sau cuộc khủng hoảng Grudia, Bắc Kinh hoàn toàn không bày tỏ lập trường về vấn đề này.
Trước khi trở thành đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc trải qua một thời kỳ căng thẳng trong nửa sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các cuộc cãi vã giữa hai nước chủ yếu liên quan đến xung đột lãnh thổ, thực sự chấm dứt trước khi Liên Xô tan vỡ, khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào năm 1990. Từ đó trở đi, Trung Quốc và Nga duy trì mối quan hệ vừa vụ lợi vừa thực dụng về phương diện chiến lược, cần nói rằng hai thực thể đó có một số điểm chung vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ cũng có thể so sánh được với vấn đề Chesnia. Nga cũng như Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề của mình trong nội bộ mà các cường quốc bên ngoài không được can thiệp vào.
Đặc biệt, những năm gần đây được đánh dấu bằng việc cải thiện có tính chất Lịch sử mối quan hệ Nga-Trung vào năm 1989, tiếp đó là việc thành lập vào năm 1996 Nhóm Thượng Hải (đến năm 2001 trở thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải – SCO) bao trùm không gian giầu dầu mỏ ở Trung Á và cũng là nơi nổ ra căng thẳng chính trị triền miên, với hoạt động của các trào lưu Hồi giáo cực đoan và các mạng lưới buôn bán ma túy.
Mối quan hệ giữa hai nước phụ thuộc vào lợi ích của mình cũng như vào những lần xích lại gần nhau theo tình thế. Tướng de Gaulle có nói: “Một Nhà nước không có bạn mà chỉ có lợi ích.” Vậy hai nước có lợi ích chung gì?
Theo chuyên gia Emmanuel Lincot, cả Trung Quốc và Nga đều chống lại sự bá quyền của Mỹ và có cùng đường lối chống chính sách can thiệp của phương Tây. Bằng chứng là lập trường giống nhau của Nga và Trung Quốc trong các vấn đề như Trung Á hay Ápganixtan và hai nước này ủng hộ nhau về các vấn đề này. Hai cường quốc này muốn phòng ngừa mọi hình thức can thiệp của các cường quốc phương Tây khác vào không gian của mình, như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng Libi và Xyri. Sau khi Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc về Xyri, cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi liệu bước đi trái chiều này có phải là do lợi ích chiến lược chung giữa hai nước không? Theo cách nhìn của phương Tây, lập trường đó hoàn toàn lôgích dưới ánh sáng của lợi ích chiến lược chung giữa Nga và Trung Quốc.
Các cuộc tập trận chung được tổ chức thường kỳ giữa hai nước liệu có phải là câu trả lời trực tiếp và thẳng thừng đối với các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và nhiều nước khác láng giềng của Trung Quốc, như Hàn Quốc và Việt Nam, không? Chuyên gia Emmanuel Lincot, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí “Thế giới Trung Hoa”, cho rằng không phải như vậy, Các cuộc tập trận này được hoạch định từ trước. Chắc chắn là trước chính sách của Mỹ ở châu Á, người ta có thể nói đến một hình thức giáng trả, nhưng ông nghĩ rằng đó là hành động ngoại giao đúng hơn là một mối đe dọa thực sự. Đó cũng là cách để nhắc lại rằng Trung Quốc muốn xác lập không gian ngoại vi của mình, đặc biệt là ở Đông Bắc Á, xung quanh bán đảo Triều Tiên. Cũng có thể coi những sự kiện đang làm. rung chuyển thế giới là dư âm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh.
Trong phần lớn các vấn đề quốc tế, Nga và Trung Quốc từ nhiều năm nay thống nhất với nhau để bảo vệ khái niệm không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác. Tình hình đó là do bản chất chủ quyền của hai nước và lịch sử gần đây của hai nước.
Trong khi Nga chịu ảnh hưởng của việc Liên bang Xôviết tan vỡ năm 1991, Trung Quốc năm 1999 phải chịu cảnh Đại sứ quán của mình tại Bêôgrát (Nam Tư cũ) bị lực lượng NATO không kích. Cuộc xâm lược Irắc năm 2003 của Mỹ rốt cuộc thuyết phục giới lãnh đạo hai nước về sự cần thiết phải tạo thành một khối để chống lại tất cả những gì có thể được xem là mưu đồ can thiệp của phương Tây vào một nước thứ ba, nhằm ngăn ngừa kiểu can thiệp đó chống lại lợi ích của chính hai nước. Lá phiếu phủ quyết đối với vấn đề Xyri là do Trung Quốc và Nga cần phải phủ nhận chính sách can thiệp của NATO, đồng thời cũng do tốc độ cuộc can thiệp quân sự vào Libi khiến Nga và Trung Quốc trở tay không kịp.
Nhưng chuyên gia Nikolas Jucha khẳng định mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng nồng ấm. Có nên tin cặp Nga-Trung đang tạo ra một liên minh có khả năng đối trọng với ảnh hưởng của các nước phương Tây không? Theo nhà Trung Quốc học Jean-Luc Domenach thuộc CERI-Sciences Po (Pháp), có thể là không, như việc Nga bán 68 tỷ mét khối khí đốt trong 30 năm cho Trung Quốc, được ký trong chuyến thăm cuối năm 2011 của Putin, đã cho thấy. Được lên kế hoạch vào năm 2009 hợp đồng khổng lồ này vẫn chưa đi đến kết quả nào do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.
Nga nhìn nhận những sự việc làm rung chuyển Trung Quốc trong thời gian gần đây như thế nào? Vụ luật sư mù Trần Quang Thành dĩ nhiên không có lợi cho ngành ngoại giao của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, nhưng không gây hậu quả nào đối với mối quan hệ Nga-Trung, về vụ Bạc Hy Lai hãy còn quá sớm để nói như vậy.
Hơn nữa, việc Nga mới đây bắt được một gián điệp Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi Putin đến thăm Trung Quốc cho thấy vẫn còn tình trạng nghi ngại lẫn nhau mặc dù mối quan hệ song phương bề ngoài có vẻ tuyệt vời. Đối với chuyên gia Jean-Luc Domenach, điều rất rõ ràng là hai nước từ lâu vẫn dò xét lẫn nhau.
Tình trạng thiếu tin tưởng đó là hạn chế của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Trong cuộc thương lượng tại Liên hợp quốc về vấn đề Libi rồi Xyri; nhiều nhà quan sát nghĩ Trung Quốc và Nga hợp sức với nhau để chống lại các nước khác. Cả hai nước đều khai thác nhau nhằm tăng cường tác động trước các đối tác khác quan trọng hơn, chẳng hạn như Mỹ.
Cho dù không bắt buộc phải là những người bạn tốt nhất trên đời, song Nga và Trung Quốc có nhiều điểm chung: một lịch sử cộng sản trong thời gian gần đây, không chấp nhận can thiệp và quyết tâm hạn chế những “nguyên tắc lớn” về phương diện quốc tế mà các nước phương Tây đưa ra. Như vậy hai nước có cái để thống nhất về nhiều vấn đề địa chiến lược, nhưng lại không có thứ để bảo đảm có được tình đoàn kết vững bền./.