Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

36. Tài nguyên dầu khí và chiến tranh năng lượng


Từ lâu, các cuộc xung đột và tranh giành quyền kiểm soát các tài nguyên năng lượng đã là những nét đặc trưng của sinh hoạt toàn cầu. Các cuộc chiến vì dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên đã luôn diễn ra hầu như trong mọi thập kỷ kể từ Đệ Nhất Thế Chiến. Và một hay hai vụ nổ lớn trong năm 2012 cũng chỉ là chuyện bình thường.
Nhưng gần đây, chúng ta đã chứng kiến một loạt xung đột liên quan đến dầu khí và hàng chục quốc gia trên khắp địa cầu. Đây rõ ràng là dấu hiệu chúng ta đang bước vào kỷ nguyên xung đột vì năng lượng ngày một gia tăng.
Từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, từ Argentina đến Philippines, sau đây là sáu vụ xung đột liên quan đến nguồn cung năng lượng chúng ta thường gặp trên báo chí trong vòng mấy tháng đầu năm 2012:
(1) Cuộc Chiến Đang Nhen Nhúm giữa Sudan và Nam Sudan:
Ngày 10-4-2012, lực lượng Nam Sudan, mới giành được độc lập, đã chiếm đóng trung tâm dầu lửa Heglig, một thành phố đã được trao cho Sudan như một phần trong giải pháp hòa bình cho phép Nam Sudan ly khai trong năm 2011. Bắc Sudan, cơ sở ở Khartoum, đã động viên quân lực và đuổi quân đội South Sudan ra khỏi Heglig. Từ đó, chiến tranh tiếp diễn dọc theo biên giới đang tranh cãi giữa hai quốc gia, song song với  các cuộc không tạc vào các thành phố  Nam Sudan. Mặc dù xung đột chưa phải là chiến tranh toàn diện, nổ lực quốc tế tìm kiếm ngưng chiến và giải pháp hòa bình vẫn chưa thành công.
Cuộc xung đột có nhiều nguyên do, vì cách biệt kinh tế giữa hai xứ Bắc Sudan và Nam Sudan, cũng như những dị biệt dai dẳng giữa Nam Sudan, đa số người da đen Phi châu với cơ đốc giáo duy linh và vật linh, và người Bắc Sudan, phần lớn gốc A- Rập và Hồi giáo. Nhưng tựu trung, dầu lửa và số thu nhập từ dầu lửa vẫn là  nguyên nhân chính. 
Khi Sudan chia đôi vào năm 2011, hầu hết các trữ lượng dầu đều tọa lạc ở phía Nam, trong khi hệ thống dẫn dầu đến các thị trường quốc tế và đem lại phần lớn số thu nhập lại nằm trong tay người Bắc Sudan. Bắc Sudan đã đòi hỏi các “cước phí quá cảnh”[1] quá cao , từ 32 đến 36 USD thay vì mức giá bình thường 1 USD mỗi thùng.
Khi  Nam Sudan từ chối, Bắc Sudan đã tịch thu tiền thu nhập từ số dầu Nam Sudan xuất khẩu, nguồn lợi tức quan trọng duy nhất của Bắc Sudan.  Để đáp lại, Nam Sudan quyết định ngưng hẳn khâu sản xuất để xuất khẩu, và phát động cuộc tấn công quân sự chống lại Bắc Sudan. Tình hình cho đến nay vẫn cực kỳ căng thẳng.
(2) Đụng Độ Hải Quân Ở Vùng Biển Nam Hải:
Ngày 7-4-2012, một tàu chiến của Philippines, Gregorio del Pilar dài 378 bộ, đến Sarborough, một hải đảo nhỏ trong vùng Nam Hải, bắt giữ tám tàu TQ với lý do đánh cá phi pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Philippines.
TQ đã nhanh chóng gửi hai tàu hải quân đến hiện trường, nêu lý do tàu Gregorio del Pilar đã quấy nhiễu ngư dân TQ trong hải phận TQ, không thuộc Philippines. Sau đó Philippines đã trả tự do cho các tàu đánh cá TQ, và tình trạng căng thẳng phần nào giảm bớt. Tuy nhiên, không bên nào tỏ dấu hiệu nhượng bộ, và cả hai tiếp tục gửi các tàu chiến đến khu vực tranh chấp.
Cũng như ở Sudan, nhiều yếu tố đã đưa đến xung đột, nhưng năng lượng luôn là động lực chính.
Biển Nam Hải được biết có tiềm năng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên khổng lồ, và tất cả các quốc gia chung quanh,  kể cả TQ và Philippines, đều muốn độc quyền khai thác.
Manila đòi hỏi một khu vực đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý trải dài trong vùng Nam Hải từ các bờ biển phía Tây của họ, một khu vực họ gọi là Biển Tây Philippines. Các công ty Philippines tuyên bố họ đã tìm thấy những trữ lượng hơi đốt thiên nhiên lớn lao trong khu vực và đã loan báo các kế hoạch khai thác.  
Phía TQ cũng xem các hải đảo nhỏ rãi rác trong vùng Biển Nam Hải, kể cả Scarborough Shoal là của họ, và Bắc Kinh cũng đã tự xác quyết chủ quyền trong toàn vùng, kể cả khu vực Manila đòi hỏi, và cũng đã loan báo các kế hoạch khai thác.
Sau nhiều năm lời qua tiếng lại, các bên vẫn chưa tìm được một giải pháp thỏa đáng và rất có thể còn có nhiều xung đột trong tương lai.
(3) Ai Cập Cắt Dòng Chảy Hơi Đốt Đến Do Thái:
Ngày 22-4-2012, Hai công ty Ai Cập, Egyptian General Petroleum Corporation và Egyptian Natural Gas Holding Company, đã thông báo cho các quan chức Do Thái quyết định chấm dứt thỏa ước theo đó Ai Cập đã cung cấp hơi đốt thiên nhiên cho Do Thái. Quyết định được đưa ra sau khi nhà độc tài Hosni Mubarak đã bị lật đổ, kết quả của nhiều tháng giới trẻ biểu tình phản đối ở Cairo, và Ai Cập đang tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập,  ít chịu ơn Hoa Kỳ và Do thái. Vả chăng, giới quân sự  Ai Cập hình như cũng đã không thể ngăn chặn hàng chục cuộc tấn công vào các tuyến đường ống dẫn hơi đốt băng qua sa mạc Negev đến Do Thái.
Trong mọi trường hợp, mặc dù quyết định rõ ràng là để đáp lại sự tranh chấp trong cách thanh toán tiền mua hơi đốt Ai Cập của Do Thái, sự kiện, tuy vậy, vẫn được các bên liên hệ giải thích như một phần trong cuộc vận động của chính quyền mới muốn chứng tỏ một khoảng cách ngày một lớn với chính sách hợp tác với Do Thái, do người Mỹ khuyến khích, của chế độ Mubarak vừa bị lật đổ.
Sự nối kết hơi đốt thiên nhiên giữa Ai Cập  và Do Thái là một trong những kết quả có ý nghĩa nhất của thỏa ước hòa bình năm 1979 giữa hai quốc gia, và sự hủy bỏ là tín hiệu rõ ràng của một thời kỳ bất hòa sắp tới. Nó cũng có thể gây ra nạn thiếu năng lượng ở Do Thái, nhất là vào mùa hè khi số cầu năng lượng lên đỉnh điểm. Trên một bình diện lớn hơn, sự cắt bỏ cũng là tín hiệu một chuyển hướng mới trong phương cách , sử dụng hay từ chối cung cấp năng lượng, như một hình thức chiến tranh và cưởng ép.
(4) Argentina Chiếm Hữu YPF:
Ngày 16-4-2012, Tổng Thống Argentina, Cristina Fernandez de Kirchner, công bố: chính quyền của bà có thể sẽ mua lại đa số cổ phần trong YPF, công ty dầu lớn nhất quốc gia. Theo kế hoạch, T T Kirchner đã nói rõ trên truyền hình quốc gia: chính quyền có thể bỏ vốn đầu tư nhằm nắm giữ 51% số cổ phần, đủ để giành quyền kiểm soát YPF từ Repsol YPF, công ty năng lượng lớn nhất của Tây Ban Nha.
Sự chiếm hữu chi nhánh Argentina đang được Madrid và các thủ đô Âu châu khác xem như một đe dọa lớn cần phải tức khắc chống đối. Bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha, José Manuel Garcia Margallo, tuyên bố: hànhđộng của Kirchner đã làm “đổ vỡ không khí thân ái và bằng hữu trong quan hệ giữa Argentina và Spain.”[2] Vài ngày sau, trong một phản ứng được báo chí tường trình như một trong những biện pháp trả đũa, Tây Ban Nha đã công bố có thể ngưng nhập khẩu nhiên liệu sinh học từ Argentina, xứ cung cấp chính – một giao dịch trị giá gần một tỉ USD mỗi năm đối với Argentina.
Cũng như trong các cuộc xung đột khác, sự đụng độ đã bắt nguồn từ nhiều lực thúc đẩy, kể cả tinh thần quốc gia mãnh liệt phát xuất từ kỷ nguyên Peron, bên cạnh ước muốn tăng cường uy tín trong công luận của Kirchner.
Tuy nhiên, động lực thúc đẩy bắt nguồn từ mục tiêu giành những lợi ích chính trị và kinh tế lớn hơn từ tài nguyên năng lượng, kể cả hơi đốt shale gas lớn thứ ba trên thế giới. Trong khi uy tín và quyền lực của Brazil, quốc gia cạnh tranh trong dài hạn, ngày một gia tăng, nhờ ở “trữ lượng dầu lửa pre-salt,” Argentina cảm thấy sản ngạch năng lượng của mình đang suy giảm.
Repsol có thể không phải chịu trách nhiệm về tình trạng nầy, nhưng người Argentina rõ ràng đang tin, với YPF dưới quyền kiểm soát của chính quyền,  Argentina sẽ có thể tăng tốc phát triển những tài nguyên năng lượng quốc gia, và còn có thể cộng tác với những đối tác năng nổ hơn như BP hay ExxonMobil.
(5) Argentina Tái Phát Động cuộc Khủng Hoảng Falklands:
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh các quốc gia Tây Bán Cầu ở Cartagena, Colombia, trong hai ngày 15 và 16-4-2012, Argentina đã vận động thành công các quốc gia châu Mỹ lên án Anh Quốc về việc tiếp tục chiếm đóng các hải đảo Falklands, người Argentina thường gọi Las Malvinas. Argentina đã được mọi quốc gia hiện diện hậu thuẩn, dĩ nhiên trừ Canada và Hoa Kỳ.
Argentina, luôn xem các hải đảo Falklands là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền tối thượng của mình, đã liên tục nêu vấn đề  ngay cả khi thất bại trong cuộc chiến năm 1982, và gần đây  đã đẩy mạnh cuộc vận động trên nhiều mặt trận — tố cáo Luân Đôn trong nhiều hội nghị quốc tế và ngăn cấm các tàu du lịch Anh quốc đến viếng Falklands cập bến tại các hải cảng Argentina.
Để đáp lại, người Anh đã tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực cũng như cảnh cáo Argentina về các động thái khiêu khích.
Đã hẳn, trong cuộc chiến Falklands trong đầu thập kỷ 1980, quyền lợi trong khu vực của hai phía chưa mấy quan trọng, ngoài uy tín quốc gia và cấp lãnh đạo hai xứ — Thủ Tướng Margaret Thatcher và Hội Đồng quân Lực Argentina — và một số hải đảo thưa thớt dân cư trong khu vực.
 Nhưng ngày nay, tình hình đã đổi khác, với kết quả các cuộc nghiên cứu địa chấn cho thấy tiềm năng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên lớn lao hiện diện trong khu vực. Một vài xí nghiệp năng lượng của Anh quốc, kể cả Desire Petroleum và Rockhopper Exploration, cũng đã bắt đầu các  công tác khoan tìm và công bố nhiều khám phá đầy hứa hẹn.
Nóng lòng  khi chứng kiến Brazil đã thành công trong việc khai thác dầu và hơi đốt ngoài khơi, Argentina đã công bố các khám phá tiềm năng dầu và hơi đốt đều tọa lạc trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình và, do đó,  mọi công tác dò tìm của nước ngoài đều bất hợp pháp. 
Về phần mình, Anh Quốc cũng nhấn mạnh đây là khu vực thuộc chủ quyền của Anh Quốc. Không ai biết chắc cuộc khủng hoảng âm ỉ  sẽ diễn tiến ra sao, nhưng khả năng chiến tranh 1982 tái diễn,  lần nầy vì chính lý do năng lượng, cũng là một vấn đề rất có thể xẩy ra.
(6) Hoa Kỳ Động Viên Quân Lực Chuẩn Bị Chiến Tranh Với Iran:
Suốt từ mùa Đông 2011 đến nay, một hình thức xung đột quân sự giữa Iran và Do Thái/Hoa Kỳ ngày một gần như khó tránh. Không có dấu hiệu phe nào ít nhiều sẵn sàng nhượng bộ, nhất là đối với chương trình nguyên tử của Iran. Mọi khả năng thỏa hiệp đều được đánh giá thiếu thực tế.
Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ chiến tranh phần nào đã giảm bớt, ít ra cho đến sau ngày bầu cử ở Hoa Kỳ. Cuối cùng,  thương thuyết cũng đã bắt đầu giữa các đại cường và Iran, và hai phía đã tỏ rõ lập trường ít nhiều mang tính mềm dẽo. Ngoài ra, các viên chức Hoa Kỳ đã có phần dịu giọng và các nhân vật trong các cộng đồng quân sự và tình báo Do Thái đã lên tiếng chống lại các chuẩn bị quân sự liều lĩnh của chính quyền.
Tuy nhiên, người Iran vẫn tiếp tục công tác làm giàu uranium, và lãnh đạo cả hai phía đều tuyên bố luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu thương thảo hòa bình thất bại.
Đối với người Iran, điều nầy có nghĩa đóng cữa Eo Biển Hormuz, chận đứng dòng chảy của 1/3 số năng lượng mậu dịch trên toàn thế giới mỗi ngày. Phía Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh sẽ duy trì Eo Biển Hormuz rộng mở và nếu cần, sẽ loại bỏ mọi chương trình nguyên tử của Iran.
Hoặc để đe dọa Iran, hoặc để chuẩn bị sẵn sàng hành động, hoặc rất có thể cả hai, người Mỹ đã và đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng Vịnh Ba Tư, triển khai hai tàu sân bay cùng toàn bộ  khả năng tấn công bằng không quân và hải quân.
Đã hẳn chúng ta có thể thảo luận về chừng mức và giới hạn của sự chi phối của dầu Kí trong thái độ thù nghịch lâu ngày giữa Hoa Thịnh Đốn và Iran. 
Nhưng vấn đề đã rất rõ ràng, cuộc khủng hoảng hiện nay đã ảnh hưởng nặng nề đến viễn ảnh số cung dầu khí  toàn cầu, với Iran đe dọa đóng cữa Eo Biển Hormuz để trả đũa các biện pháp chế tài đối với khả năng xuất khẩu dầu. Sự khả dĩ tấn công các cơ sở nguyên tử của Iran bởi không lực Do Thái/Hoa Kỳ cũng sẽ đưa đến những hệ lụy tương tự.
Dù theo cách nào đi nữa, quân lực Hoa Kỳ chắc chắn cũng có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong hành động hũy diệt khả năng quân sự của Iran và vãn hồi khả năng vận chuyển dầu lửa qua Eo Biển Hormuz.
Trong mọi trường hợp, khủng hoảng năng lượng, vì vậy,  cũng luôn hiện diện.
NĂNG LƯỢNG ĐANG CHI PHỐI THẾ GIỚI
Tất cả các sự tranh giành trên đây đều có một mẫu số chung: giới lãnh đạo thượng lưu trên thế giới luôn vững tin quyền chấp hữu các tích sản năng lượng , nhất là dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên, là thiết yếu để bảo đảm tài sản quốc gia, quyền lực, và uy tín.
Khỏi cần phải nói, đây không phải là một hiện tượng mới. Ngay từ đầu thế kỷ XX, có lẽ Winston Churchill là nhà lãnh đạo nổi tiếng đầu tiên đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của dầu lửa. Churchill đã ra lệnh cải biến các tàu chiến của Anh thay thế nhiên liệu than đá bằng dầu lửa và đã thuyết phục nội các quốc hữu hóa Công Ty Dầu Anh Quốc-Ba Tư, tiền thân của British Petroleum hay BP.
Tranh giành quyền kiểm soát các nguồn cung năng lượng của các khu vực kỹ nghệ và chiến tranh đã giữ một vai trò quan trọng trong chính sách ngoai giao giữa hai cuộc Thế Chiến, cũng như  trong việc hoạch định chiến lược của các cường quốc phe Trục trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Nhận thức  nầy cũng giúp giải thích nổ lực dài hạn của Hoa Kỳ duy trì địa vị đại cường  bá chủ trong Vùng Vịnh Ba Tư, đã  đạt đỉnh điểm trong cuộc chiến Vùng Vịnh I trong các năm  1990-91 và cuộc xâm lăng Iraq trong năm 2003.
Những năm tiếp theo sau Đệ Nhị Thế Chiến cũng đã chứng kiến nhiều đổi thay trong kỹ nghệ năng lượng, kể cả sự chuyển dịch trong nhiều địa hạt từ quyền tư hữu qua quyền sỡ hữu cuả nhà nước đối với các trữ lượng dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên.
Nói chung, kỹ nghệ năng lượng đã có khả năng cung cấp những số lượng nhiên liệu ngày một gia tăng để thỏa mãn nhu cầu một nền kinh tế đang trên đường toàn cầu hóa , và một dân số thế giới ngày một lớn lao và thành thị hóa. Chừng nào số cung năng lượng còn dồi dào và giá cả còn tương đối dễ chấp nhận, giới tiêu thụ năng lượng trên thế giới, kể cả các chính quyền, phần lớn còn bằng lòng với hệ thống hiện hữu trên bình diện hợp tác giữa các định chế năng lượng công và tư.
Nhưng hiện nay phương trình năng lượng đang đổi thay đáng ngại trong khi sự thách thức cung cấp năng lượng cho hành tinh ngày một trở nên khó khăn hơn. Nhiều  khu vực dầu lửa và hơi đốt đã thỏa mãn nhu cầu của thế giới trong quá khứ nay đang cạn kiệt nhanh chóng. Những khu trữ lượng thay thế mới đi vào khai thác, nói chung,  luôn nhỏ bé và khó khai thác hơn. Phần lớn các nguồn năng lượng nhiều hứa hẹn — như  trữ lượng dầu lửa “pre-salt” dưới lòng Đại Tây Dương sâu thẳm của Brazil, tar sands của Canada, và shale gas của Hoa Kỳ — nay đòi hỏi phải sử dụng những kỷ thuật khai thác tinh vi và tốn kém.
Mặc dù  số cung năng lượng toàn cầu vẫn còn tiếp tục gia tăng, nhưng luôn với nhịp chậm hơn trong quá khứ và luôn không bắt kịp số cầu. Tất cả các yếu tố đó đã gây thêm áp lực làm tăng giá năng lượng, gây nhiều âu lo cho các xứ thiếu tài nguyên năng lượng quốc nội.
Thế giới từ lâu đã chia làm hai phe, các xứ thặng dư tài nguyên năng lượng và các xứ khuy khiếm, dĩ nhiên với các quốc gia thặng dư hưởng nhiều lợi thế lớn lao về chính trị và kinh tế được thiên nhiên ưu đãi, đối nghịch với các xứ nghèo và thiếu năng lượng không ngừng đấu tranh để thoát khỏi vị thế yếu kém. Ngày nay, hai lối rẽ ngày một giống một  hố sâu chia cách.
Trong bối cảnh toàn cầu như thế, sự cọ xát , mâu thuẩn, và giành dựt trữ lượng dầu và hơi đốt – đang đưa đến những xung đột đủ loại – có khuynh hướng ngày một gia tăng.
Nhìn lại sáu vụ xung đột vì năng lượng trên đây một lần nữa, người ta thấy rõ bằng chứng các động lực thúc đẩy trong mỗi trường hợp.  
Một đàng, South Sudan đang nóng lòng bán dầu để kiếm đủ lợi tức cần thiết cho nhu cầu kích hoạt kinh tế; đàng khác, North Sudan bức xúc trước sự mất mát số thu nhập từ khâu bán dầu trước đây do mình kiểm soát khi xứ sở đang còn thống nhất, và cũng rõ ràng đang quyết tâm giữ lại càng nhiều trong số thu nhập từ dầu lửa càng tốt cho xứ mình.
Cả TQ lẫn Philippines đều muốn được độc quyền khai thác các trữ lượng dầu trong vùng Biển Nam Hải. Ngay cả khi trữ lượng chung quanh Svarborough Shoal không mấy quan trọng, TQ vẫn không muốn lùi bước trong bất cứ tranh chấp ở bất cứ địa điểm nào có thể làm suy yếu việc đòi hỏi chủ quyền trên toàn vùng.
Ai Cập, mặc dù không phải là một quốc gia sản xuất năng lượng quan trọng, rõ ràng vẫn tìm cách sử dụng tài nguyên dầu và hơi đốt của mình để đạt lợi thế chính trị và kinh tế tối đa — một cách tiếp cận các xứ với tài nguyên năng lượng nhỏ bé và trung bình chắc chắn luôn muốn dõi theo.
Do Thái, lệ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, nay phải tìm kiếm nguồn  nhập khẩu thiết yếu nơi khác hay tăng tốc khai thác các khu hơi đốt thiên nhiên  mới khám phá ngoài khơi, một động thái có thể gây xung đột với Lebanon, nước từng tuyên bố số hơi đốt liên hệ tọa lạc trong phạm vi lãnh hải của chính mình.
Và Argentina, đang ganh tị với ảnh hưởng ngày một gia tăng của Brazil, cũng đang  quyết tâm khai thác tài nguyên năng lượng của mình, ngay cả khi điều nầy có nghĩa làm gia tăng tình trạng căng thẳng với Tây Ban Nha và Anh Quốc.
Trên đây  cũng chỉ là một số các quốc gia dính líu vào những xung đột đáng kể về năng lượng.
Bất cứ một xung đột nào với Iran — bất cứ vì lý do gì — chắc chắn sẽ làm số cung dầu hỏa cho mọi quốc gia nhập khẩu năng lượng phải lâm nguy, khởi động một khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng với hệ lụy khó lường.
Sự quyết tâm kiểm soát trữ lượng dầu và hơi đốt đã khiến TQ xung đột với nhiều quốc gia khác về chủ quyền và quyền kiểm soát số dự trữ năng lượng ngoài khơi biển Nam Hải , và những tranh chấp tương tự với Nhật trong vùng biển ĐôngTrung Quốc.
Những tranh chấp năng lượng loại nầy cũng thường gặp trong vùng Biển Caspian và trong những vùng Arctic Bắc Cực, nơi băng đá ngày một tan dần.
Mầm móng xung đột và chiến tranh trong nhiều nơi cùng lúc cho thấy chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó các tay chơi cấp nhà nước ngày một có khuynh hướng sử dụng bạo lực hay đe dọa dùng vũ lực, để giành quyền kiểm soát dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên.
Nói một cách khác, chúng ta hiện đang ở trên một hành tinh đang hướng tới tình trạng “quá tải năng lượng”  hay “energy overdrive.”

Nguyên Trường
Irvine, California, USA
18-5-2012

[1] …transit fees..
[2] …Kirchner’s move “broke the climate of cordiality and frienship that presided over relations between Spain and Argentina.”