Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

31. Phương thức giải quyết tranh chấp của Trung Quốc với các nước xung quanh thời cổ đạik


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 7/7/2012
TTXVN (Bắc Kinh 5/7)
Trong lúc Trung Quốc đang có nhiều tiếng nói khác nhau về chủ trương, biện pháp giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng như hiện nay, tạp chí “Tri thức thế giới” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, số ra gần đây có viết nhan đề “Một góc nhìn về Trung Quốc cổ đại đối phó với tình trạng quấy rối ở xung quanh ”, của Chương Địch Vũ, cho rằng soi vào lịch sử để làm gương có thể biết được nguyên nhân vận mệnh quốc gia hưng thịnh và diệt vong hay phải thay thế. Động viên binh lính trận mạc nơi xa trường dẫn đến giá phải trả đắt hơn lợi ích thu được rất nhiều. Dưới lớp áo khoác lộng lẫy bề ngoài của hệ thống triều cống là sự rên rỉ đau đớn của vương triều trung ương. Trước sự quấy rối thường xuyên của các nước nhỏ xung quanh, Trung Quốc cổ đại từ trước đến nay dường như đều không phải là người thắng lợi triệt để. Dưới đây là nội dung bài viết:
Trung Quốc có bề dày lịch sử lâu đời, tình hình xung quanh phức tạp đa dạng nhưng xét hiện thực vương triều trung ương xử lý quan hệ với nước nhỏ xung quanh bằng tư thế của kẻ mạnh, sẽ thấy quan hệ giữa hai bên có ý nghĩa tuần hoàn nào đó. Cho dù ở các thời kỳ khác nhau, bối cảnh cụ thể cũng có phần khác nhau, nhưng vương triều trung ương lại luôn phải đối mặt với sự quấy rối của nước nhỏ xung quanh. Nói một cách tông thệ thì mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với các nước xung quanh có tính chất phòng ngự tương đối rõ, dù khi ở vào địa vị có ưu thế rõ rệt, hay gặp phải tình trạng quấy rối ở mức độ khác nhau của các nước xung quanh thì mục tiêu của Trung Quốc vẫn vậy. Những nội dung thảo luận dưới đây đề cập một số phương pháp mà Trung Quốc vận dụng để đối phó với tình trạng bị quấy rối đó.
I- Chính sách mang tính phòng ngự của Trung Quốc cổ đại với các nước xung quanh
Trung Quốc cổ đại sử dụng từ “Thiên hạ” là để chỉ thế giới, đồng thời cho rằng “dưới trời đều là đất vua, trong bốn bể đều là thần dân của vua”, khác rất xa so với quan niệm quốc gia thời cận đại. Nhưng sự lý giải sai lầm về sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lịch sử cũng chính ở điểm này. Khác với ấn tượng về “tích nghèo tích yếu” dưới thời nhà Tống của mọi người, theo phương thức tính toán về thực lực tổng hợp quốc gia hiện nay, thời kỳ nhà Tống chính là giai đoạn Trung Quốc lớn mạnh nhất so với thế giới trong cùng thời kỳ lịch sử. Có người cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ít nhất chiếm 65% tổng lượng GDP của thế giới, thậm chí có thể đạt tới 80%. So với ưu thế của các bá chủ thế giới trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, con số nói trên của Trung Quốc cũng đều lớn hơn.. Nếu so sánh cụ thể thì ưu thế rất lớn mà nước Mỹ có được sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, so với Trung Quốc, chẳng qua chỉ là bá chủ bé gặp bá chủ lớn. Duy chỉ một điểm khác biệt là, nước Mỹ thời này đứng trước một thế giới cởi mở hơn rất nhiều, các mối liên quan nhộn nhịp hơn rất nhiều so với thời nhà Tống ở Trung Quốc 800 năm trước đó. Tuy nhiên, dưới vỏ bọc bên ngoài về tổng mức thu nhập tính theo năm lớn đến kinh ngạc của thời lưỡng Tống (Bắc Tống và Nam Tống), triều đình nhà Tống lại luôn phải đối mặt với nguy cơ về an ninh quốc gia. Ở phía Bắc có một số đối thủ mạnh, tạo nên sức ép nghiêm trọng khiến nhà Tống phải mất đi một nửa giang sơn vốn đã bị thu hẹp đến thảm hại, sau đó bị đổ vỡ hoàn toàn. Dù vậy, nhà Tống bề ngoài dường như vẫn không làm theo lôgích cơ bản của các nước phương Tây như mọi người đã quen thuộc, đó là thôn tính các nước nhỏ ở ngoài phạm vi ảnh hưởng truyền thống để đạt mục đích tăng cường thực lực, chống lại đối thủ phương Bắc. Liên hệ đến lịch sử của nước Nga, từ thời Công quốc Matxcơva phát triển thành Đế quốc Nga Sa hoàng thì đó là sự so sánh rõ rệt nhất. Với tổng lượng GDP ở mức siêu cường, nhà Tống suốt từ trước đến thời điểm đó chưa bao giờ là “Đế quốc trung ương”. Cách làm của nhà Tống đã là sự thể hiện điển hình về phương pháp truyền thống của Trung Quốc cổ đại trong xử lý quan hệ với các nước xung quanh. Từ thời Tần — Hán cho đến lúc đó, sau khi bờ cõi cơ bản của quốc gia được xác định, Trung Quốc vì sao chưa bao giờ có những việc làm dính dáng đến khu vực xung quanh? Đó chính là trọng điểm thảo luận trong nội dung của bài viết này.
Theo ý nghĩa thông thường, người ta thường cho rằng trong khi xử lý quan hệ với các chính quyền xung quanh, vương triều trung ương thường áp dụng chính sách “trói buộc”, nghĩa là dùng sức ép quân sự và chính trị để kiểm soát, đồng thời lấy lợi ích kinh tế và vật chất để vỗ về. Đối tượng của chính sách trói buộc vừa bao gồm các khu vực biên giới xa xôi và các nước trực thuộc trong phạm vi nội bộ mà ở những nơi đó có thể trực tiếp thiết lập các đơn vị châu, huyện, cũng vừa bao gồm các nước kẻ thù và “nước xa xôi bên ngoài”, thừa nhận hoặc sắc phong cho các chính quyền bản địa, những nước kẻ thù và “nước xa xôi bên ngoài” đó phải có nghĩa vụ triều cống cho chính phủ trung ương, như vậy tối thiểu trên danh nghĩa các nước đó cũng đã thừa nhận chính quyền trung ương, còn chính quyền trung ương không can thiệp vào bất cứ công việc nào còn lại của những nước đó. Cốt lõi của chính sách nói trên là vương triều trung ương lung lạc, lôi kéo chính quyền các khu vực xung quanh, giữ yên khu vực xung quanh, đảm bảo cho chế độ thống trị quyền lực tập trung ở trung ương.
Rõ ràng, khái niệm gọi là “thống trị” nói trên là hết sức mong manh, vừa không có quân đội trú đóng, cũng vừa không cỏ quan hệ trực thuộc, khái niệm xưng thần nộp cống bằng lời nói và trên giấy tờ, thực tế hoàn toàn xa vời. Trong lịch sử, Miến Điện (Mianma), Việt Nam, thậm chí Triều Tiên, những nước có quan hệ mật thiết nhất với Trung Quốc đều đã nhiều lần quấy nhiễu ở khu vực xung quanh của vương triều trung ương, cuối cùng dẫn đến việc trung ương phải có hành động chinh phạt. Nhưng chỉ cần những nước này cúi đầu nhận tội, trung ương liền bỏ qua chuyện cũ. Các nước này thực tế còn tiếp tục được tặng lại nhiều hơn với danh nghĩa triều cống, vui vẻ được lợi. Thực tế như vậy đã nói lên một mặt khác trong chính sách ràng buộc của vương triều trung ương. Mềm mỏng vỗ về là sách lược của vương triều trong xử lý vấn đề ở xung quanh. Sự thực lịch sử là không thể bịa đặt, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh luôn ở trạng thái động, trạng thái được miêu tả trong hệ thống triều cống chẳng qua chỉ là một mặt trong đó. Hiện nay nhìn lại những sự kiện lịch sử cụ thể như vậy, chúng ta đã chỉ nghĩ đến sự thực về “kẻ nào xúc phạm đến đại Hán thì thế nào cũng phải tru di”, và sự thực Hán Vũ đại đế sát phạt khắp bốn phương mà quên đi sự thực khác vẫn luôn tồn tại, đó là Trung Quốc không, hoặc luôn không coi sách lược mang tính tấn công là phương thức chủ yếu để xử lý quan hệ với các nước xung quanh trong lịch sử vương triều phong kiến hơn 2000 năm. về nguyên nhân của vấn đề này, học giả Chu Phương Ngân thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc dẫn một đoạn viết của tác giả bộ “Hán thư” là Ban Cố đã nói: Vùng đất Di Địch (Người Trung Quốc cổ đại coi “Trung Quốc” là trung tâm, gọi các bộ tộc ở phía Đông là Di, phía Tây là Nhung, phía Nam là Man, phía Bắc là Địch. Man Di Nhung Địch thường được dùng đế gọi các tộc người ngoài tộc Hoa Hạ của Trung Quốc, hoặc để chỉ khu vực dân tộc thiểu số ở các miền biên giới nói chung-ND), “đất của họ không thể trồng được lương thực để ăn, người dân của họ không thể là thần dân để chăn dắt”, nghĩa là những nơi ngoài lãnh thể của Trung Quốc vừa không cần thiết phải đến đó thống trị họ, cũng không thể thống trị được. Hay nói cách khác là cái giá bỏ ra để thống trị những vùng đất ấy còn lớn hơn nhiều so với những gì thu lại được, vương triều trung ương không được lợi gì về chính trị và kinh tế để phải có ý đồ thống trị. Vì thế, chỉ áp dụng lẽ ràng buộc, giữ được ổn định nơi biên giới, cả hai đều yên ổn vô sự là được.
Theo cách tư duy như vậy, sách lược đối ngoại của vương triều trung ương nhìn chung là mang tính phòng ngự, một mặt ổn định được tình hình xung quanh, nhưng mặt khác cũng dung dưỡng, để mặc cho nước nhỏ quấy rối khu vực biên thùy của Trung Quốc. Phần đề cập dưới đây sẽ lựa chọn một số đoạn tư liệu lịch sử để nói rõ hơn đôi chút về quá trình Trung Quốc vận dụng sách lược trong quan hệ với các nước xung quanh.
II- Chiến tranh Miến Điện: Phải trả giá đắt mới đổi lại được an ninh biên giới
Trong thời kỳ nhà Minh, Trung Quốc thường áp dụng sách lược cân bằng đối với Miễn Điện, nghĩa là giữ cho cân bằng giữa các thế lực cát cứ trong nội bộ Miến Điện, lợi dụng mâu thuẫn giữa các thế lực này để duy trì ổn định và quyền uy của trung ương ở vùng biên giới. Nhưng sau khi Taungoo (vương triều phong kiến cường thịnh nhất ở Miến Điện thời kỳ 1531 – 1752- ND) thống trị Miến Điện từ thế kỷ 16, chính sách này đã mất đi ý nghĩa, Miến Điện thời Taungoo bắt đầu gây rối liên tục ở vùng biên giới Vân Nam. Triều đình nhà Thanh đã rút ra được bài học của nhà Minh nên không thiết lập quan hệ tông phiên (nước mẹ và nước chư hầu) với vương triều Taungoo, và luôn duy trì thế răn đe mạnh mẽ bằng vũ lực. Cuối những năm cầm quyền, để cố găng duy trì nền thống trị của mình, nhà Taungoo chủ động xưng thần nộp cống cho triều đình nhà Thanh. Năm Càn Long thứ 15 (năm 1750), quan hệ tông phiên giữa Đại Thanh và Taungoo chính thức được thiết lập. Không ngờ chỉ một năm sau, triều đình Taungoo đã bị Alaungpaya (vương triều phong kiến cuối cùng ở Miến Điện) thay thế, Alaungpaya bắt đầu quay rối, hoành hành vùng biên giới ở Vân Nam, lại còn đòi vùng Cảnh Mã vốn thuộc Vân Nam, Trung Quốc phải “nộp bạc và ngựa theo đúng lễ nghĩa” (cuộc chiến tranh giữa Miến Điện và nhà Thanh, quân Miến thắng, đòi quân Thanh phải nộp bạc và ngựa cho đúng lễ nghĩa), Cho dù quân đội Miến Điện sau đó bị quân đội Cảnh Mã đánh bại nhưng việc có phải nộp bạc và ngựa hay không bản thân sự việc đó cũng có nghĩa là vấn đề quy thuộc chủ quyền ở khu vực liên quan diễn ra sự việc. Khi báo cáo sự việc với vua Càn Long Tổng đốc Vân Quý đã chỉ báo cáo đây là vấn đề quấy rối biên giới chứ không nhắc đến việc phải nộp bạc và ngựa. Vua Càn Long đang muốn nhanh chóng bình định nội loạn ở vùng biên cương nên lại càng coi đó là nạn thổ phỉ của tiểu quốc Man Di chứ không phải quân đội của vương triều mới của Miến Điện xâm nhập nên không hạ lệnh xuất quân trừng phạt nghiêm minh. Sự khoan dung của nhà Thanh đã làm cho hành động quấy phá của vương triều Alaungpaya ngày càng trắng trợn hơn, cho đến khi Miến Điện xâm nhập vùng Xa Lý (tức vùng Cảnh Hồng ở Vân Nam hiện nay) vào năm Càn Long thứ 30 (năm 1765). Càn Long cuối cùng cho rằng dù là nạn thổ phỉ cũng không thể có hồi kết, do đó đã đưa ra quyết định tiễu trừ tận gốc, kéo dài liên tục trong nhiều năm, chiến tranh giữa vương triều nhà Thanh và Miến Điện hao người tốn của bùng phát từ đó. Ban đầu Càn Long không biết quy mô sự việc xảy ra lớn, nên chỉ phái quan văn là Lưu Tảo đi dẹp trừ, nhưng kết quả luôn hết sức bị động, mãi cho đến khi thay bằng tướng võ Dương Ứng Cư mới đánh bại được quân Miến Điện, thu lại vùng đất bị mất. Nhưng lúc đó Càn Long cho rằng Miến Điện ở xa, đại quân nhà Thanh bỏ nhiều sức bình định nhưng không thu được kết quả tốt, chẳng thà bỏ, coi như không có. Trong khi đó Dương Ứng Cư lại hy vọng tiễu sạch nạn thổ phỉ, lập công tạo dựng cơ đồ. Vì thế trong bối cảnh Càn Long không sai đại quân hỗ trợ, Dương Ứng Cư vẫn thọc sâu vào Miến Điện, kết quả bị phản kích dữ dội với quy mô lớn. Càn Long sau đó lại phái thân tín như Minh Thụy, Phó Hằng đến tiễu trừ nhưng cũng nhiều lần thất bại. Tuý thế, Miến Điện dù sao vẫn là nước nhỏ, hơn nữa phải chiến đấu với kẻ thù không đợi trời chung là Xiêm La (Thái Lan), hao binh tổn tướng không vực dậy được nên cũng nhiều lần xin hàng nhà Thanh, nhưng Càn Long không cho hàng với lý do người Miến Điện dối trá. Cuối cùng Miến Điện phải ký bản điều ước “không bao giờ xâm phạm thiên triều” với nhà Thanh, Trung Quốc – Miến Điện có được quan hệ hòa bình tương đối dài.
Từ đó có thể thấy quan hệ giữa vương triều trung ương và Miến Điện không phải là bất biến, mà chính sách ràng buộc của vương triều trên thực tế là một kết quả động. Cuối đời nhà Minh, sách lược mềm mỏng vỗ về của vương triều khiến cho Miến Điện nảy sinh cơ hội quấy rối, sau đó ý thức biên cương thời kỳ đầu của nhà Thanh lại làm cho Miến Điện thần phục ở mức độ nào đó. Sau khi thay đổi vương triều, Miến Điện bắt đầu ngang ngược cướp đoạt vùng biên giới Vân Nam, thời kỳ đầu nhà Thanh không nghĩ vậy nên nhiều lần bị động. Cho đến khi Càn Long thấy rõ Miến Điện đang đe dọa an ninh quốc gia bèn sai đại quân nhiều lần chinh phạt, cuối cùng lấy lại được an ninh biên giới sau khi đã phải trả giá đắt.
III- Chính sách Triều Tiên thời Tùy Đường: Nhẫn nhịn thỏa hiệp khiến đối phương lầm tưởng
Trở lại xem xét lịch sử quan hệ tông phiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc, sẽ thấy rất nhiều điểm tương tự trong lịch sử. Trên tổng thể, quan hệ tông phiên Triều Tiên – Trung Quốc được hình thành từ thời nhà Đường, nhưng từ thời nhà Tùy hai bên đã có quan hệ như vậy về mặt hình thức. Trong thời kỳ Tùy Đường, bán đảo Triều Tiên chính thức ở vào thời kỳ tam quốc nổi tiếng với ba chân kiềng là Bách Tế, Tân La và Cao Câu Lệ, trong đó Cao Câu Lệ là thế lực mạnh nhất, Tân La và Bách Tê lại kết thành liên minh, thường phải sang cầu cứu nhà Tùy. Nhà Tùy hy vọng thông qua thế chân vạc giữa ba nước kiềm chế lẫn nhau để ổn định tỉnh hình xung quanh, sách lược này không khác mấy so với chính sách của thời kỳ nhà Minh sau này đối với Miến Điện. Năm 589 sau Công nguyên, Cao Câu Lệ xâm nhập, vùng Liêu Tây của nhà Tùy, Tùy Văn Đế phái đại binh gồm 30 vạn quân thủy lục đi đánh, mặc dù cuối cùng tổn thất nặng nhưng vẫn răn đe được Cao Câu Lệ, khiến Cao Câu Lệ phải cử sứ giả sang tạ tội, xưng thần nộp cống. Đến thời kỳ Tùy Dạng Đe, Cao Câu Lệ chỉ nộp cống một lần, hơn nữa bắt đầu liên kết với Đông Thố. Tùy Dạng Đế lập tức áp dụng sách lược răn đe, xuống chiếu lệnh cho Cao Câu Lệ phải lập tức triều cống thần phục, bằng không sẽ bị trừng phạt. Cao Câu Lệ lại không vì thế mà ngừng hành động, đồng thời không ngừng bành trướng xuống phía Nam, xâm nhập Tân La và Bách Tế. Trước sự cầu cứu của hai thế lực còn lại, Tùy Dạng Đế quyết định thảo phạt Cao Câu Lệ, nhưng trong quá trình di chuyển quân đội, Tùy Dạng Đế luôn coi trọng răn đe, chủ trương này cũng giống như phương pháp của Càn Long sau này với Miến Điện, đều cho rằng quân của thiên triều đến đâu là cỏ rạp đến đấy, thậm chí không đánh mà vẫn khuất phục được người, nhưng sự thực đại quân thiên triều đã phải thảm bại trở về. Sau đó quân nhà Tùy hai lần chinh phạt Cao Câu Lệ, cuối cùng Cao Câu Lệ sức cùng lực kiệt không thể tiếp tục, phải dâng biểu tạ tội. Nhà Tùy cũng tổn thất nghiêm trọng, hơn nữa nội loạn bốn bề. Kiểu hòa bình như vậy là kết quả thỏa hiệp lẫn nhau của cả hai bên. Sau khi nhà Đường được thiết lập, tình hình thay đổi. Thấy nhà Tùy thất bại, Bách Tế dần dần ngả theo Cao Câu Lệ, còn Tân La là nước mong manh nhất đã hoàn toàn ngả theo nhà Đường. Sau đó nhà Đường giúp Tân La tiêu diệt Bách Tế và Cao Câu Lệ, thực tế này lại tạo nên cục diện Tân La độc nhất lớn mạnh, lại bắt đầu đối kháng với quân nhà Đường. Khi diễn ra sự việc, nhà Đường vốn có ý nhường nhịn, đồng thời có ý thỏa hiệp mang tính thực chất, trên cơ sở Tân La vẫn giữ lễ nghĩa quan hệ tông phiên. Nhưng tình hình như vậy lại làm cho Tân La cho rằng nhả Đường nhượng bộ và không có hành động quân sự tiếp theo nên bạo gan bành trướng. Nhà Đường sau đó ra lệnh tiễu trừ, buộc Tân La sau khi thu hẹp phòng thủ phải tỏ cho thấy không dám có ý đồ liều mạng.
Qua tóm lược đoạn tư liệu lịch sử nói trên, chúng ta một lần nữa thấy được hiệu quả tác động lẫn nhau qua sách lược lựa chọn của vương triều trung ương với các nước xung quanh: Đó là sự thần phục của các nước xung quanh luôn mang tính tạm thời, hơn nữa thường chờ thời cơ chống lại, đồng thời sách lược đe dọa sử dụng vũ lực của vương triều trung ương luôn có xu hướng thất bại. Đúng như học giả Chu Phương Ngân đã nói, từ chỗ Trung Quốc vỗ về, lân quốc thần phục quá độ dần đến quấy nhiễu lại khiến Trung Quốc chinh phạt, từ đó tiếp tục hình thành cục diện Trung Quốc vỗ về, lân quốc thần phục, vòng tuần hoàn như vậy dù khởi điểm từ trạng thái nào cũng luôn xuất hiện đi xuất hiện lại trong toàn bộ lịch sử của hệ thống triều cống Đông Á.
IV- Dưới lớp vỏ hào nhoáng bề ngoài của hệ thống triều cống
Qua phân tích những sử liệu nói trên, trước hết chúng ta có thể thấy một sự thực cơ bản, đó là động viên binh lính trận mạc nơi xa trường dẫn đến giá phải trả đắt hơn lợi ích thu được rất nhiều. Theo tư liệu ghi chép, chỉ tính riêng một lần cuối cùng nhà Thanh sử dụng quân đội với Miến Điện, trong số 31 nghìn quân chỉ còn khoảng 1/3 quân số trở về, bạc trắng cũng tiêu hết 13 triệu lượng, đó được coi là lần xuất quân có hiệu quả kém nhất trong cái gọi là “thập toàn võ công” (mười chiến dịch hành quân lớn) của vua Càn Long. Bởi thế thể chế quân chủ qua các vương triều trung ương bề ngoài nối tiếp nhau áp dụng sách lược lấy răn đe làm chính nhưng thường không thành công, vì Trung Quốc cổ đại luôn hy vọng các nước láng giềng cố hết sức mình đừng gây chuyện nhiều là được, mọi việc đều lấy dàn hòa yên ổn làm mục đích, nhưng phương pháp tiến hành trong đó biện pháp cốt lõi là vỗ về mềm mỏng lại kích thích động cơ cơ hội của các nước xung quanh. Hay nói cách khác, các nước láng giềng biết rõ mình làm như vậy sẽ kích thích sự phẫn nộ của vương triều trung ương nhưng lại tuyệt đối không có nguy cơ sụp đổ của quốc gia mà ngược lại có thể có được nhiều lợi ích hơn trong đó. Lợi ích luôn là nguồn gốc hấp dẫn hành động của quốc gia nên từ xưa đến nay xu hướng cơ hội ở các nước xung quanh Trung Quốc là hết sức rõ ràng.
Thứ hai, sự thần phục của các nước xung quanh thường là kế sách thích ứng tạm thời, mà bản thân thần phục cũng thường dựa theo lôgíc mình cần được lợi. Mọi người đều biết, cái gọi là triều cống thực tế là “đến ít đi nhiêu”, lễ vật Trung Quốc “ban tặng” cho nước phiên thuộc dù về chất lượng hay số lượng cũng đều vượt quá các khoản cống nộp của nước phiên thuộc, vì thế vương triều trung ương trên thực tế chủ yếu là lấy chính sách mềm mỏng vỗ về như lợi ích kinh tế để duy trì quan hệ yên ổn vùng biên giới. Tuy nhiên thần phục lại hoàn toàn không phải là sách lược cố định của các nước xung quanh, quấy rối chỉ cần có lợi là có ý đồ, các nước đó sẽ đợi thời cơ để hành động.
Cuối cùng, sự trừng phạt của vương triều trung ương có thể có được hiệu quả, mặc dù số lần không nhiều, hơn nữa giá phải trả lại rất cao, nhưng quả thực lại giúp cho các nước xung quanh ý thức được quyết tâm của Trung Quốc. Thành công của răn đe, xét về thực chất không chỉ ở khoảng cách chênh lệch về thực lực rất lớn, mà còn bao gồm cả phía bị răn đe phải tin vào quyết tâm sử dụng vũ lực của phía răn đe. Ngược lại, kết quả mà vương triều trung ương Trung Quốc nhiều lần nhẫn nại cộng thêm việc hư trương thanh thế của vương triều, chỉ có thể làm cho sự quấy rối của nước xung quanh trở nên thông thường. Việc tăng cường biện pháp răn đe cũng có thể khiến cho nước xung quanh từ bỏ sách lược quấy rối để chuyển sang cách lựa chọn thần phục. Nên chính trị thê giới có nhiều cách hiểu sai về thông tin, muốn chứng minh được quyết tâm của mình thì phải tăng cường tuyên truyền và sử dụng thanh thế qua các biện pháp, chiêu thức này dù là Tùy Dạng Đế hay Càn Long là những vị quân chủ nổi tiếng của vương triều trung ương, cũng đều đã áp dụng nhiều lần.
Soi vào lịch sử để làm gương có thể biết được nguyên nhân vận mệnh quốc gia hưng thịnh và suy vong hay phải thay thế. Dưới lớp áo khoác hào nhoáng bề ngoài của hệ thống triều cống là sự rên rỉ đau đớn của vương triều trung ương. Trước sự quấy rối thường xuyên của các nước nhỏ xung quanh Trung Quốc cổ đại từ trước đến nay dường như đều không phải là người thắng lợi triệt để.