Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

14.Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Mỹ Latinh (*)

20:5' 5/7/2012
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
TCCSĐT - Sáng 5-7-2012, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu. Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Thưa các vị Trưởng đoàn đại diện các nước Mỹ Latinh,

Thưa các vị đại diện Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội,

Thưa quý vị và các bạn!

Tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ các nước Mỹ Latinh, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp Mỹ Latinh, đã dành thời gian quý báu của mình, vượt qua nửa vòng trái đất để đến với đất nước Việt Nam hòa bình và thân thiện. Tôi cũng nhiệt liệt chào mừng các vị đại diện Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đã đến dự Diễn đàn quan trọng này. Sự có mặt của toàn thể quý vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và các nước Mỹ Latinh ở các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác của chúng ta vì hòa bình và phát triển.

Thưa quý vị và các bạn!

Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó trên cơ sở những tương đồng về lịch sử, khát vọng dân tộc về độc lập và tự do. Những hiểu biết và tiếp xúc giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đã được ghi nhận ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đó Việt Nam còn đang trong ách nô lệ của thực dân, và đa số các nước Mỹ Latinh cũng vừa giành được độc lập và còn đang phải nỗ lực để gìn giữ nền độc lập trước sự can thiệp của nhiều đế quốc bên ngoài. Năm 1889, José Martí, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa nổi tiếng của Cuba đã viết một truyện ngắn nhan đề “Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam” đăng trong Tạp chí Edad de Oro (Tạp chí Tuổi vàng) được xuất bản tại Mỹ, giới thiệu với nhân dân các nước Mỹ Latinh về cuộc sống lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Năm 1912, đúng 100 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn của Việt Nam, trong hành trình tìm đường cứu nước của mình đã đặt chân đến Martinique, Uruguay và Argentina. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đặt nền móng cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh.

Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, giữa khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam, phong trào ủng hộ Việt Nam chống giặc ngoại xâm đã phát triển mạnh mẽ với nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra rộng khắp ở các nước Mỹ Latinh. Những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam với Cuba, Chile, và Argentina đã được thiết lập. Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Cuba Fidel Castro năm 1973 và Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende năm 1969, là những dấu ấn lớn của tình đoàn kết và sự ủng hộ lớn lao mà Chính phủ và nhân dân các nước Mỹ Latinh dành cho Việt Nam.

Sau chiến thắng 1975, thống nhất đất nước và nhất là từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, quan hệ của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh không ngừng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước Mỹ Latinh. Nhiều chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện và đã góp phần quan trọng trong việc hình thành một số khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên. Việt Nam đã thiết lập cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ với 5 nước Mỹ Latinh, cơ chế Tham khảo chính trị với 15 nước, ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ chế và khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ với các nước khu vực.

Bên cạnh sự phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao, sự hiểu biết, giao lưu và trao đổi về văn hóa giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ Latinh cũng được tăng cường. Ngày nay, các bạn Mỹ Latinh không chỉ biết đến Việt Nam là tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn biết đến một Việt Nam của đổi mới, hội nhập, phát triển, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng ... Nhân dân Việt Nam cũng ngày càng quen thuộc với các ngôi sao bóng đá, các loại rượu vang nổi tiếng, các điệu nhảy đẹp và sôi động… của khu vực Mỹ Latinh.

Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đang phát triển mạnh mẽ. Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 17 lần, đạt hơn 5 tỷ USD năm 2011. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai trong các lĩnh vực chiến lược, như: năng lượng và viễn thông. Đóng góp vào kết quả này có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và những nỗ lực của chính các doanh nghiệp hai bên.

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, chúng ta tự hào về những thành quả đạt được, nhưng cũng thấy kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều tuy tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước. Số lượng các dự án đầu tư của hai bên còn khiêm tốn. Hiểu biết về đối tác, môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi bên còn hạn chế.

Thưa quý vị và các bạn!

Việt Nam là một thị trường lớn của gần 90 triệu dân, có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Á, là thành viên của nhiều cơ chế thương mại khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt hơn 200 tỷ USD. Trên 13.700 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 200 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đã có gần 700 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, viễn thông… Việt Nam sẵn sàng trở thành đối tác kinh tế quan trọng của các nước Mỹ Latinh, đồng thời là cầu nối để Mỹ Latinh đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế với khu vực Đông Á.

Các nước Mỹ Latinh, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường rộng lớn trên 570 triệu dân có xu hướng hội nhập, cùng các thế mạnh về dầu khí, khai khoáng, nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, năng lượng mới, công nghệ sinh học, du lịch… là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Hội nhập, hòa bình, ổn định, phát triển năng động và bền vững sẽ tiếp tục là gam màu chủ đạo trong bức tranh chung của Đông Á và Mỹ Latinh. Sự phát triển của các cơ chế hợp tác liên khu vực, như: APEC, FEALAC… sẽ tạo thêm cơ hội giao lưu, hợp tác giữa hai bên bờ Thái Bình Dương. Hiệp định Tự do Thương mại Thái Bình Dương (TPP) cũng đang nổi lên là một cơ chế thương mại đa phương có triển vọng mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia đàm phán cùng với nhiều nước, trong đó có Chile, Peru và tiến tới là Mexico.

Thưa quý vị và các bạn!

Trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Mỹ Latinh, đưa các mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như các nước Mỹ Latinh, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ các nước Mỹ Latinh. Việt Nam tin tưởng rằng, các bạn Mỹ Latinh sẽ tích cực tham gia và trở thành một phần quan trọng trong công cuộc phát triển của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc phát triển của các bạn Mỹ Latinh.

Trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc hai bên tổ chức Diễn đàn với chủ đề thiết thực “Việt Nam - Mỹ Latinh: Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển”. Đây là lần đầu tiên, một sự kiện quy mô lớn giữa hai bên được tổ chức, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng to lớn để chúng ta cùng nhau phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp sẵn có trở thành mối quan hệ đối tác toàn diện vì hòa bình và phát triển. Tôi đề nghị các vị đại diện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp các bên tại Diễn đàn này thảo luận để tìm hiểu đối tác, tiềm năng, cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi bên; trên cơ sở đó, hình thành ý tưởng, định hướng chính sách, cơ chế hợp tác, thỏa thuận đầu tư, kinh doanh cụ thể.

Thưa quý vị và các bạn!

Tuy cách xa về địa lý, song Việt Nam luôn coi các nước Mỹ Latinh là những người bạn gần gũi, đoàn kết và hữu nghị. Chúng ta đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Khát vọng dân tộc về độc lập tự do cùng với khát vọng về hợp tác vì hòa bình và phát triển, sẽ là sợi dây tinh thần vững chắc gắn bó chúng ta hơn nữa trong tương lai.

Một lần nữa, trước sự hiện diện đông đảo của các vị đại diện Chính phủ và các bạn Mỹ Latinh tại Diễn đàn này, tôi xin chuyển tới các Chính phủ và nhân dân Mỹ Latinh lời cảm ơn sâu sắc về sự đoàn kết, ủng hộ quý báu mà các bạn đã dành cho Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập ngày nay.

Với đầy đủ ý thức trách nhiệm về sự phát triển của Việt Nam và nhiệm vụ phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, tôi tin tưởng rằng, mỗi quý vị sẽ tham gia một cách tích cực và hiệu quả vào các hoạt động của Diễn đàn, đem lại những kết quả cụ thể, thiết thực.

Chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp,

Chúc toàn thể quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt./.

------------------------------
(*) Đầu đề là do Tạp chí Cộng sản điện tử đặt.