Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

7.Tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh tình hình khu vực đang thay đổi

Phiên 3, ngày thứ nhất của Hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức vào ngày 27 – 28 tháng 6, 2012 sẽ xem xét tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh tình hình khu vực đang thay đổi. Trong phần trước các diễn giả đã xem xét vấn đề này từ góc độ của Mỹ, Trung Quốc và ASEAN; phần này phiên thảo luận sẽ đặt vấn đề trong một góc nhìn rộng hơn.

 
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)
“Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ quá độ”
Hiebert: Phần tiếp theo chúng ta sẽ xem xét tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh tình hình khu vực đang thay đổi. Trong phần trước các diễn giả đã xem xét vấn đề này từ góc độ của Mỹ, Trung Quốc và ASEAN; lần này chúng ta sẽ đặt vấn đề trong một góc nhìn rộng hơn.
Chúng ta có ba diễn giả tuyệt vời tham gia hôm nay: ngay bên phải tôi là Tetsuo Kotani, nghiên cứu viên tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản; bên phải anh là Amer Latif, chuyên viên khách mời thuộc Chương trình Chủ tịch Wadhwani về Nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn tại CSIS; và ở phía cuối xa là Đại sứ Stapleton Roy, ông (từng) nắm nhiều vai trò tại khu vực, trong đó có Đại sứ tại Trung Quốc, Indonesia và Singapore. Vậy chúng ta sẽ đi theo thứ tự các diễn giả đang ngồi và mong được nghe những lời bình luận từ [họ]. Cám ơn.
Kotani: Cám ơn về lời giới thiệu tốt đẹp. Tôi vừa từ Tokyo đến Washington sáng nay và tôi đã bỏ qua hầu hết các phiên hôm nay; thật không may là tôi đang bị mệt sau một chuyến bay dài nên để giữ cho mình tỉnh táo, tôi nghĩ tôi phải đưa ra vài lời bình luận có tính khiêu khích. Nhưng trước đó, tôi phải nói rằng tôi đến đây với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho chính phủ Nhật hay Bộ Ngoại giao Nhật là cơ quan chủ quản của Viện chúng tôi.
Đầu tiên cho phép tôi làm rõ lợi ích của Nhật tại Biền Đông. Không cần phải nói thì các vị cũng biết là Nhật không phải là một bên yêu sách tại Biển Đông. Thực tế chúng tôi đã từ bỏ tất cả các yêu sách của mình [tại Biển Đông] sau Chiến tranh thế giới thứ II. Vậy nên chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Chúng tôi không can thiệp vào bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào giữa các bên yêu sách [tại Biển Đông].
Vì vậy mối quan tâm chính của chúng tôi tại Biển Đông là tự do hàng hải và thương mại. Gần 70% khối lượng thương mại của Nhật – nhập khẩu và xuất khẩu – đi qua Biển Đông, đặc biệt là 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật đến từ Trung Đông qua khu vực Biển Đông. Do đó các tuyến đường thương mại tại Biển Đông rất quan trọng đối với Nhật. Nhật tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven biển, và chúng tôi cũng tôn trọng các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này. Nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm, và rất lo ngại, về các quyền hàng hải của mình tại Biển Đông. Ví dụ, một số nước nói rằng các tàu chiến nước ngoài không thể thực hiện các hoạt động quân sự trong các vùng đặc quyền kinh tế và một số nước đòi hỏi phải thông báo trước hoặc có sự cho phép [của các nước này] đối với việc qua lại vô hại qua lãnh hải. Điều này đi ngược lại lợi ích của Nhật và chúng tôi không thể chấp nhận các yêu sách quá đáng này từ các quốc gia ven biển. Thực tế tôi đã gặp một số viên chức sứ quán Việt Nam tại Tokyo trước khi tôi đi và họ đã thông báo ngắn gọn cho tôi về Luật biển mới của Việt Nam. Họ nói rằng Điều 12, đoạn 2 tuyên bố rằng các tàu chiến nước ngoài phải thông báo trước về việc đi qua vùng lãnh hải của Việt Nam và chúng tôi không thể chấp nhận một điều luật như vậy vì đó là một sự xâm phạm đối với quyền qua lại vô hại. Tôi nghĩ chúng ta cần phải hiểu rằng các nước ven biển đang tranh cãi về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, nhưng đồng thời họ (các nước ven biển) cũng đang chia sẽ việc diễn giải Luật biển quốc tế theo một cách mà hạn chế tự do hàng hải [tại khu vực]. Như tôi đã nói, chúng tôi không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng chúng tôi phải lo ngại về các quyền hàng hải của mình.
Trong bối cảnh như vậy, mối quan ngại chính của chính phủ Nhật là quy tắc ứng xử [tại Biển Đông] COC sẽ như thế nào. Nếu có bất cứ một luật nào mà hạn chế tự do hàng hải nằm trong COC, đó sẽ đi ngược lại lợi ích của Nhật. Cho nên chúng tôi đang theo dõi sát sao các cuộc thảo luận giữa các bên yêu sách về COC. Mối lo ngại của quốc gia chúng tôi là nếu có một bộ quy tắc ứng xử hạn chế tự do hàng hải hoặc thậm chí đi ngược lại nội dung của Luật biển quốc tế mà có thể áp dụng cho cả khu vực biển Hoa Đông, đó sẽ là mối lo ngại lớn của chúng tôi.
Chúng tôi đang xem xét vấn đề Biển Đông một cách cẩn thận. Đây là các quan điểm cơ bản của giới học giả Nhật. Tôi cũng có những quan sát riêng của mình về vấn đề Biển Đông. Trước hết, tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét khía cạnh [liên quan đến an ninh] hạt nhân của vấn đề Biển Đông. Tất nhiên Biển Đông rất quan trọng trong việc đóng vai trò là nguồn cung năng lượng, hải sản. Tuy nhiên Trung Quốc hiện đang xây dựng căn cứ … - tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở [khu vực này]. Nếu Trung Quốc biến Biển Đông thành một khu vực cấm, dành riêng cho căn cứ quân sự của nước này, hất cẳng lực lượng giám sát Mỹ, điều đó sẽ làm xói mòn uy thế của biện pháp an ninh răn đe mở rộng của Mỹ nhằm bảo vệ Nhật, Hàn Quốc, Philippines và các nước bạn bè đồng minh của Mỹ tại Châu Á. Vì vậy tôi rất quan ngại về khía cạnh [an ninh] hạt nhân của vấn đề này. Tôi đang đề nghị với các chuyên gia và các quan chức chính phủ Nhật rằng Nhật cần xem xét tham gia với Mỹ thực hiện việc giám sát tại Biển Đông để theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực này nhằm duy trì uy thế của biện pháp an ninh răn đe mở rộng của lực lượng Mỹ.
Một vấn đề khác nữa là, như tôi đã nói, mặc dù Nhật là một nước trung lập nhưng trong thời điểm chiến tranh, chúng tôi phải bảo vệ các quyền của mình như là một quốc gia trung lập. Nếu xung đột xảy ra giữa các bên yêu sách tại Biển Đông, ví dụ như giữa Trung Quốc và Philippines hoặc giữa Trung Quốc và Việt Nam, chúng tôi phải bảo vệ tàu thuyền của mình tại Biển Đông. Tôi đang kiến nghị với chính phủ Nhật là nếu có vấn đề gì xảy ra tại Biển Đông, tôi nghĩ chúng tôi phải đưa các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật đến các vùng lân cận của các khu vực tranh chấp để bảo vệ tàu thuyền Nhật.
Cho phép tôi kết lại phần trình bày của mình với hai kiến nghị.
Một là – thực ra chúng tôi đã đưa ra kiến nghị này rồi – Thủ tướng của chúng tôi đã đề nghị thành lập Diễn đàn biển Đông Á tại Cấp cao Đông Á năm ngoái nhằm thảo luận các vấn đề an ninh biển một cách mở rộng. Như tôi đã nói, chúng tôi lo ngại về Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, nên chúng ta cần một công thức chung để thảo luận các vấn đề biển nói chung tại Châu Á, không chỉ vấn đề Biển Đông mà cả biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải nữa.
Một vấn đề khác nữa – cũng đã được chính phủ Nhật đề nghị gần 20 năm trước – là Bộ Quốc phòng Nhật đã đề nghị thành lập lực lượng Gìn giữ hòa bình trên biển vào những năm 1990. Ý tưởng chính là chia sẻ lực lượng tuần duyên gồm nhiều nước khác nhau trên các tàu tuần tra tại khu vực. Chúng ta sẽ đưa các viên chức lực lượng phòng duyên của các nước lên cùng một con thuyền để đi tuần tra chung tại khu vực tranh chấp. Trong cuộc xung đột Scarborough gần đây, cả Trung Quốc và Philippines đều cùng đưa tàu tuần tra đến [khu vực Scarborough] và điều này càng làm gia tăng căng thẳng; nếu chúng ta có thể đưa một chiếc tàu chở cả lực lượng tuần duyên Trung Quốc và Nhật đến tuần tra chung khu vực này, tình hình sẽ khác. Tại thời điểm những năm 1990, mọi người đều cười trước đề nghị này – nó có vẻ quá ngây thơ – nhưng vào lúc này tôi nghĩ ý tưởng này nên được theo đuổi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực. Cám ơn rất nhiều.
Hiebert: Cám ơn Kotani. Amer, xin mời.
Latif: Cám ơn Murray vì đã mời tôi đến đây hôm nay, và trước khi bắt đầu tôi muốn nói một vài điều, rất nhanh thôi, về thủ tục: Bất cứ điều gì tôi nói ở đây hôm nay đều không phản ánh quan điểm của CSIS, Bộ Quốc phòng hay Chính phủ Mỹ.
Thứ hai, như nhiều người ở đây đã nhận ra, tôi hiện không phải là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Ấn Độ nữa, cũng không phải là công dân Ấn Độ. Nhưng tôi sẽ cố gắng trình bày vắn tắt, trong khoảng thời gian cho phép, tóm lược về một số suy nghĩ vắn tắt của tôi về cách nhìn của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông và mở rộng ra là lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông và cách nhìn của Ấn Độ đối với vai trò của Mỹ tại [khu vực này].
Bây giờ để giới hạn cuộc thảo luận một chút: Như các vị đã biết, tôi đã phát biểu về quan điểm của Ấn Độ tại Hội thảo này năm ngoái và tôi đã xem lại những ghi chép của mình tại Hội thảo đó và những gì tôi đã nói. Phần nhiều những gì tôi đã phát biểu lúc trước vẫn có thể áp dụng vào lúc này, một năm sau đó. Nhưng tôi nghĩ đối với Ấn Độ, bối cảnh Biển Đông đang thay đổi một chút bởi một vài sự kiện xảy ra kể từ Hội thảo năm ngoái tại CSIS. Ba diễn biến chính mà tôi nghĩ là tất cả các vị ngồi đây – những người theo dõi sát sao tình hình tại Biển Đông – đều nắm, tôi chỉ lặp lại: Tàu hải quân Ấn Độ Airavat, lúc đó vừa mới kết thúc một chuyến thăm cảng Việt Nam, theo tường thuật trên đường quay lại Ấn Độ đã bị Hải quân Trung Quốc gọi xét hỏi khi lực lượng PLAN đang tuần tra gần khu vực bờ biển Việt Nam. Trong khi Bộ Ngoại giao của cả hai nước cố tình không làm lớn chuyện này, đây cũng là sự việc được giới truyền thông Ấn Độ tập trung phân tích, đáp lại là một lượng lớn các cuộc phản đối, bài trừ Ấn Độ điên cuồng tại Trung Quốc. Sự kiện thứ hai diễn ra gần đây hơn khi công ty dầu Ấn Độ ONGC rút ra khỏi lô dầu 127, 128; vụ này được cho rằng xảy ra, hoặc thực sự xảy ra sau khi phía Trung Quốc đuổi công ty Ấn Độ ra khỏi khu vực. Tuy nhiên tôi đoán toàn bộ câu chuyện đằng sau đó thực ra phức tạp hơn: ONGC và chính phủ Ấn Độ dù sao cũng đang trên đường rút khỏi đó vì lô 127 và 128 không có tiềm năng về thương mại. Tiếp theo, gần đây hơn, trong vòng 3,5 tháng qua, đã có 4 tàu Ấn Độ được tàu hải quân Trung Quốc “hộ tống” khi đi qua khu vực này trên đường đến Thượng Hải để tham gia các hoạt động chung với Hải quân Trung Quốc. Mỗi sự kiện này nếu nhìn riêng rẽ thì tôi không nghĩ chúng có ý nghĩa gì quan trọng để được xem như là tạo thành liên kết hoặc va chạm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng nếu gộp chung thì chúng tạo ra thêm cơ sở để đánh giá cách Trung Quốc nhìn nhận sự can dự của Ấn Độ tại Biển Đông kể từ năm 2000 khi Trung Quốc bày tỏ sự phản đối đối với sự hiện diện của Ấn Độ tại Biển Đông với việc tập trận vào lúc đó.
Khi chúng ta nhìn vào lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết rằng Ấn Động có một mối quan tâm lâu dài trong việc dính líu với khu vực này kể từ năm 400 A.D. khi các tàu buôn bán Ấn Độ đi qua khu vực này để đến Trung Quốc làm ăn và thậm chí là từ thời Vương quốc … từ những năm 1100. Chuyển nhanh đến hiện tại khi chúng ta nhìn vào những mối liên kết thương mại giữa Ấn Độ, Đông Nam Á và Đông Á, các vị sẽ ngạc nhiên về tốc độ phát triển [của các liên kết này] trong vòng thập kỷ qua. Ngày này gần 50% khối lượng thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông để đến các điểm tập kết tại Đông Nam Á và Đông Á. Khi nhìn vào khối lượng thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN, các vị biết rằng năm 1990 khi nhìn vào thương mại Ấn Độ-ASEAN, khối lượng thương mại ở vào khoảng 2.4 tỉ USD; trong năm 2008-2009, ta có 44.6 tỉ USD thương mại và mục tiêu khao khát hiện nay là đạt khoảng 70 tỉ USD trong năm nay hoặc năm sau. Chưa kể đến Hiệp định thương mại tự do đã được ký năm 2009 là một cột mốc quan trọng. Vậy nên đối với Ấn Độ, Biển Đông đang ngày càng có liên hệ mật thiết đối với thịnh vượng kinh tế của Ấn Độ và do đó Biển Đông đang trở thành mối quan tâm then chốt đối với Ấn Độ.
Thứ hai, tôi nghĩ mối quan tâm của Ấn Độ tại Biển Đông xuất phát từ mong muốn của Ấn Độ đối với việc thúc đẩy Trung Quốc tôn trọng các quy phạm pháp luật quốc tế tại Biển Đông và đây (luật quốc tế) là khái niệm rất gần gũi với New Delhi bởi vì tranh chấp biên giới còn tồn tại giữa Ấn Độ với Trung Quốc sau hậu quả của cuộc chiến tranh giữa hai nước năm 1992. Tôi nghĩ cách mà Trung Quốc hành xử tại Biển Đông – liệu Trung Quốc có sẵn sàng tham gia vào một hình thức giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế – sẽ là dấu hiệu làm Ấn Độ yên tâm hơn trong khi Ấn Độ cố gắng tìm biện pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc dọc theo biên giới [giữa hai nước]. Hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông có nguy cơ sẽ bị nhìn nhận một cách tiêu cực tại New Delhi trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm cách dàn xếp tranh chấp lãnh thổ và đặc biệt là tranh chấp dọc khu vực Arunachal Pradesh. Vì vậy Ấn Độ rất quan tâm đến việc Trung Quốc có tôn trọng một giải pháp được quốc tế thừa nhận [cho vấn đề Biển Đông].
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Dịch: Thùy Trang
Hiệu đính: Lan Anh