Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

1. Hội nghị thượng đỉnh EU 2012 kết thúc với những điều không mới


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barosso tại Hội nghị thượng đỉnh
TCCSĐT - Ngày 30-1-2012, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên trong năm 2012 đã khai mạc tại thủ đô Brussels (Bỉ). Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo 27 nước thành viên EU tập trung thảo luận về một hiệp định mới thắt chặt kỷ luật ngân sách và tìm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm tại châu lục đang đối mặt với căn bệnh nợ công này.

Nội dung chính được quan tâm là giải quyết các quan ngại của người dân, cụ thể là tạo việc làm, đặc biệt cho giới thanh niên, và thúc đẩy kinh tế.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy, các nước EU đã nỗ lực để vượt qua khủng hoảng và đã đạt các bước tiến đáng khích lệ, nhưng vẫn còn chặng đường phía trước. Chủ tịch EU khẳng định các nước phải cùng lúc giảm được mức nợ công và ổn định của Eurozone, trong khi bảo đảm tăng trưởng và tạo việc làm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại 17 nước của Eurozone là khoảng 10%. Và cho đến nay, các giải pháp được chính phủ các nước lựa chọn hàng đầu là giảm thuế đối với các chủ lao động, tạo điều kiện cho thanh niên trong quá trình tìm việc làm, đào tạo và học nghề.


Những bất đồng về cách thức giải cứu nền kinh tế Hy Lạp đã phần nào phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh sau khi Đức đề xuất đặt ngân sách Athens dưới sự giám sát của EU. Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo Hy Lạp, Áo và Luxembourg đã phản đối ý tưởng này.


Sau hơn 7 giờ thảo luận, Hội nghị đã bế mạc với việc thông qua một loạt quyết định quan trọng. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU nhất trí thực hiện 3 ưu tiên chính trong thời gian tới, đó là khuyến khích tạo công ăn việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên; hoàn thành thị trường chung duy nhất; và thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cho biết, việc đưa ra tuyên bố chung về tăng trưởng và tạo việc làm là một bước đi quan trọng đối với tương lai của châu Âu, đặc biệt với 23 triệu thanh niên đang thất nghiệp. Ông M.Barroso cho biết, ngoài việc xây dựng và thông qua kế hoạch về việc làm tại mỗi quốc gia, 17 nước thành viên Eurozone cũng hy vọng, những qui định nghiêm khắc mới về tài chính sẽ thuyết phục các nhà đầu tư lấy lại niềm tin đối với đồng tiền này. Như vậy, cùng với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm nợ công và thu hẹp mức thâm hụt ngân sách, các biện pháp đưa ra lần này được kỳ vọng sẽ giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra được một loạt quyết định nhằm khôi phục nhanh hơn, mạnh hơn niềm tin vào nền kinh tế EU. Tuy nhiên theo ông, việc ổn định tài chính vẫn chưa đủ để giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Vì vậy, EU cần phải có sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.


Cũng tại Hội nghị này, 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua hiệp ước mới do Đức đề xuất về quản lý ngân sách với tên gọi chính thức là "Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính - tiền tệ". Hiện tại, Anh và Cộng hòa Czech vẫn từ chối tham dự hiệp ước trên do quốc hội các nước này chưa thông qua. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy cho rằng, văn kiện pháp lý này chính là "bức tường lửa" để tránh khủng hoảng tái diễn trong tương lai.


Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi coi đây là bước đầu tiên hướng tới một liên minh tài chính và chắc chắn sẽ thúc đẩy lòng tin tại các nước Eurozone. Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý đưa vào hoạt động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỉ euro, từ tháng 7-2012, sớm hơn một năm so với kế hoạch nhằm hỗ trợ các nước đang ngập trong nợ công.


Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU, một cuộc tổng bãi công kéo dài 24 giờ của nhân viên các ngành giao thông, giáo dục, y tế, xã hội... nhằm phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và cắt giảm các chương trình xã hội mà chính phủ nước này vừa công bố đã khiến nước Bỉ bị tê liệt trong ngày 30-1. Mọi hoạt động giao thông công cộng trong thành phố của Bỉ đều bị hạn chế đến mức tối đa. Các chuyến tàu hỏa liên tỉnh, thậm chí tàu tốc hành từ Brussels đi Paris (Pháp), Luân Đôn (Anh) và Amsterdam (Hà Lan) đều ngừng hoạt động. Các hoạt động hàng không tại Bỉ cũng bị đảo lộn. Những nhân viên điều phối tại sân bay thủ đô vẫn đi làm, tuy nhiên, các dịch vụ khác tại cảng hàng không Brussels hầu như không được bảo đảm. Các trường học, công sở cũng đóng cửa. Tại tất cả các bệnh viện chỉ duy nhất dịch vụ cấp cứu là có người trực. Nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại không mở cửa.


Chính phủ Bỉ đã buộc phải đón các nguyên thủ các quốc gia EU tại một sân bay quân sự nằm cách thủ đô Brussels vài chục km. Kể từ năm 1993 tới nay, đây là cuộc tổng bãi công có quy mô diễn ra tại Bỉ. Điều này cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone kéo dài sang năm thứ ba, đã bắt đầu lan sang cả lĩnh vực xã hội./.
 

22:32' 31/1/2012
Mỹ Lan