23:11' 18/1/2012
Sau sự sụp đổ của Liên
Xô (năm 1991) và trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
(năm 2008), khả năng tự điều chỉnh và thích nghi của CNTB được nói đến
nhiều hơn, còn vấn đề khủng hoảng và tính quy luật của khủng hoảng trong
CNTB được đề cập một cách mờ nhạt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, khi
nổ ra khủng hoảng, cuốn “Tư bản” của C.Mác bỗng trở thành cuốn sách bán
chạy nhất ở những nước tư bản phát triển. Người ta tìm thấy trong “Tư
bản” nhiều biểu hiện, nhiều vấn đề hiện nay đã được C.Mác đề cập, phân
tích sâu sắc, đặc biệt là những dự báo của ông về những hệ lụy xảy ra
khi nền kinh tế ảo thoát ly quá xa nền kinh tế thực... Một nhà nghiên
cứu kinh tế đã nhận định, trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, thế
giới sống trong hình thức “biến dạng gen” hoàn toàn mới mẻ của CNTB -
nền kinh tế ảo của những bong bóng tài chính thường xuyên được tái tạo
vì lợi ích của giới trùm tài phiệt toàn cầu, dẫn đến một dạng khủng
hoảng mới chưa từng được chứng kiến từ xưa tới nay. Thêm vào đó, những
vấn đề xã hội mới phát sinh bên cạnh những vấn đề cũ chưa được giải
quyết đang đặt ra câu hỏi đối với mô hình phát triển hiện nay của thế
giới.
Cơ cấu kinh tế của các nước công nghiệp phát triển nhất bộc lộ những bất ổn
Thủ tướng Đức A.Merken
đã từng tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 4-2009) rằng, khủng
hoảng xảy ra không phải do chúng ta chi ít tiền, mà vì chúng ta tạo ra
tăng trưởng kinh tế với quá nhiều tiền và sự tăng trưởng này không bền
vững... Và, giải pháp để vượt qua khủng hoảng là không để lặp lại những
sai lầm cũ.
Sự phân công lao động
trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa gia tăng đã dẫn đến
một thực tế, khu vực sản xuất thực của thế giới gần như được chuyển đến
các nước có trình độ phát triển thấp hơn - những nước đang trong quá
trình công nghiệp hóa và mong muốn gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong
GDP. Trong cơ cấu GDP của các nước công nghiệp phát triển, khu vực dịch
vụ chiếm vị trí ưu thế, thể hiện rõ nét ở Mỹ. Trong cơ cấu kinh tế của
Mỹ, các ngành dịch vụ đóng góp tới 78,5% GDP, công nghiệp đóng góp 20,6%
GDP, còn nông nghiệp chỉ đóng góp 0,9%(1). Nước Mỹ còn có một ưu thế
tuyệt đối nữa là sở hữu đồng tiền quốc gia - đồng dolla như đồng tiền
mạnh nhất của thế giới, đồng tiền dự trữ quốc gia của phần còn lại của
thế giới. Nước Mỹ, vì thế, có thể mua hàng hóa trên toàn cầu bằng đồng
nội tệ của mình, nhanh chóng thúc đẩy sự hình thành một xã hội tiêu thụ.
Năm 2008, Mỹ nhập khẩu 1.987 tỉ USD, xuất khẩu 1.141 tỉ USD. Lợi thế sở
hữu đồng nội tệ đặc biệt như vậy cũng mang lại cho cường quốc này một
khả năng, theo quan điểm của Thị trưởng Matxcơva Yuri Luzhkov thể hiện
trên tờ “Báo Nga”, thực hiện một công thức “tiền - cổ phiếu - tiền” bên
cạnh công thức “tiền - hàng - tiền”. Ông cho rằng, "Dấu hiệu của mọi
tiến trình hiện đại hóa là tốc độ phát triển dẫn đầu của hai ngành công
nghiệp và xây dựng trong mối tương quan với tăng trưởng GDP. Nếu chỉ có
khu vực tài chính, thương mại và dịch vụ phát triển như tên lửa, lại còn
hoàn toàn lệ thuộc vào nhập khẩu nữa, thì đó không phải là tiến trình
hiện đại hóa mà là sự gặm nhấm tương lai của chính mình". Hai năm sau
khi nổ ra khủng hoảng, vào năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên
con số kỷ lục, gần 10%, và Tổng thống Mỹ B.Obama đã phải đưa ra kế hoạch
đẩy mạnh xuất khẩu với hy vọng tạo thêm việc làm mới.
Còn Thủ tướng Nga
V.Putin, trong tham luận tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới
Davos năm 2009 (Thụy Sĩ) đã nêu một nhận xét rất đáng suy nghĩ, đó là,
một trung tâm có quyền gần như vô hạn và không kiểm soát được việc phát
hành tiền và tiêu xài phung phí, còn các trung tâm khác thì sản xuất
hàng hoá giá rẻ và thu về những khoản tiền tiết kiệm khổng lồ rồi đưa
vào dự trữ quốc gia bằng đồng tiền của quốc gia khác, đã làm cho hệ
thống tăng trưởng toàn cầu bị rối loạn.
Sự phân bố
không đồng đều mức độ thịnh vượng bên trong mỗi quốc gia cũng như giữa
các quốc gia và các khu vực trên thế giới không được khắc phục, thậm
chí, có xu hướng gia tăng sau khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế
toàn cầu.
Chủ nghĩa tư bản trước
đây cũng đã từng trải qua những cuộc khủng hoảng theo chu kỳ. Thực chất
của các cuộc khủng hoảng này là sản xuất “thừa” tại các nước tư bản.
“Thừa” ở đây cần được hiểu là thừa so với sức mua của người dân, dân
thiếu tiền mua hàng, còn các nhà tư bản, do không muốn giảm giá sản
phẩm, nên đã đốt hoặc đổ hàng xuống biển để giữ giá. Trong giai đoạn
phát triển mới, CNTB tránh được những dấu hiệu khủng hoảng bên ngoài
bằng cách chuyển nhà máy và sản phẩm thừa sang các nước nghèo hơn, kém
phát triển hơn để tiêu thụ. Giá cả và lợi nhuận, vì thế, vẫn được giữ
nguyên. Đã có một nghị sỹ của Đức từng phát biểu rằng, nhiều thành quả
và lợi ích mà các nước phát triển có được hiện nay là do bóc lột các
nước nghèo hơn. Xét trên quy mô toàn thế giới, trong số 7 tỉ dân hiện
nay của Trái Đất, có gần 1 tỉ người trong tình trạng đói, nghèo. Tình
trạng sản xuất thừa, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm diễn ra đồng
thời với nạn đói, nghèo ở nhiều khu vực trên thế giới và các mục tiêu
thiên niên kỷ có nhiều khả năng lỗi hẹn vào năm 2015. Đây là một nghịch
lý!
Tuy nhiên, ngay cả cách
thức thích nghi và sự “sáng tạo” mới đó cũng không giúp tránh được
khủng hoảng. Cũng trong tham luận tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế
thế giới Davos năm 2009, Thủ tướng Nga V.Putin nhận định rằng, “Ảo tưởng
quá lớn về nhu cầu không ngừng tăng cao đã biến thành tham vọng thiếu
cơ sở của các công ty và tập đoàn sản xuất hàng hoá. Cuộc chạy đua về
chỉ số trên thị trường chứng khoán và đầu tư đã vượt quá mức tăng năng
suất và hiệu quả sản xuất thực tế của các công ty và các hãng, dẫn tới
hiện tượng tiêu dùng thái quá và để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ
tương lai”.
Một khía cạnh khác làm
nên sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các quốc gia là cách mà nhiều nước
rơi vào “bẫy nợ nần” không có lối thoát. Nhiều quốc gia sở hữu dầu mỏ,
có vị trí địa - chiến lược quan trọng đã bị khuất phục, hoặc đứng trước
sự đe dọa phải khuất phục, bằng các khoản nợ không thể trả, thông qua
việc chấp nhận vay những khoản tiền khổng lồ để phát triển kết cấu hạ
tầng và bảo đảm các tập đoàn của nước cho vay sẽ thắng thầu các dự án
xây dựng. Bị chất chồng bởi gánh nặng nợ nần,
các nước vay nợ phải chịu sự kiểm soát của bên ngoài - những người định
đoạt các điều khoản trả nợ và ép chính phủ các nước vay nợ phải quy
phục. “Đây được cho là một hình thức bóc lột tinh vi nhất, hiệu quả nhất
và được che đậy hoàn hảo nhất”. Nhìn lại thế giới năm qua, có thể thấy
một điểm nổi bật là những nơi có tài nguyên thiên nhiên, những nơi có
nhiều dầu mỏ - cũng chính là những điểm nóng của thế giới. Hồ sơ các
điểm nóng của thế giới không giảm đi mà lại có phần dày lên cùng với năm
tháng và cùng với sự khan hiếm của nguồn tài nguyên thiên nhiên hóa
thạch. Người dân ở những khu vực này lại trở thành nạn nhân của những
cuộc chiến tranh, xung đột triền miên.
Một vấn đề nữa, đó là,
nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa thực dân mới bởi cuộc khủng hoảng lương thực
hiện đang châm ngòi cho một cuộc chiến thầm lặng giành giật đất nông
nghiệp trên toàn cầu. Phát triển công nghiệp, đô thị hóa và hệ lụy của
nó là làm biến đổi khí hậu đã đặt thế giới trước nguy cơ khan hiếm lương
thực, khan hiếm đất nông nghiệp, làm xuất hiện và gia tăng xu hướng
nước giàu thuê hoặc mua đất của nước nghèo để phát triển nông nghiệp,
nhằm đáp ứng nhu cầu về lương thực nuôi sống người dân nước mình. “Chiếm
đoạt đất đai” sẽ dẫn đến bi kịch nước nghèo, người nghèo mất đất, khiến
tình trạng nghèo đói ở các nước đang và kém phát triển ngày càng trầm
trọng.
Như vậy, cùng với quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và vốn, sự bóc lột cũng mang sắc thái quy mô toàn cầu.
Sự thoái trào của tầng lớp trung lưu
Nét khác biệt nổi bật
giữa các nước phát triển với phần còn lại của thế giới chính là tầng lớp
trung lưu. Một quốc gia thoát khỏi vị trí nghèo không phải nhờ thứ hạng
của những người giàu nhất mà là ở quy mô tầng lớp trung lưu của quốc
gia đó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang làm đông thêm
đội ngũ những người thất nghiệp, cộng với việc thắt chặt chi tiêu, giảm
phúc lợi xã hội để khắc phục khủng hoảng nợ công, đang đẩy nhiều người
vào tình trạng không có tiền tiết kiệm, sống qua ngày bằng các công việc
không ổn định hay phải sống nhờ những khoản trợ cấp, và rơi xuống khỏi
tầng lớp trung lưu. Ở Mỹ, nếu như năm 2007, có 1,3 triệu người ở New
York phải sống nhờ vào các bữa ăn từ thiện, thì 1 năm sau, 3 triệu người
ở thành phố này chính thức thuộc diện nghèo. Số người Mỹ sống trong
nghèo, đói tăng tới 46,2 triệu người trong năm 2010 - một con số kỷ lục theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, tỷ
lệ hộ nghèo đã tăng lên 15,1%. “Người nghèo sạch” - cụm từ mà người ta
dùng để chỉ những người bị tụt từ tầng lớp trung lưu xuống cũng đang
tăng lên trong các dịch vụ phúc lợi xã hội ở Tây Ban Nha, nơi số đơn xin
trợ cấp xã hội tăng 40%, và đối tượng xin trợ cấp cũng đang thay đổi.
Với những hậu quả mà
người lao động đang phải hứng chịu hiện nay, nhiều nhà phân tích cho
rằng, tầng lớp trung lưu đang lâm nguy, hay ít ra, họ đang trong quá
trình thoái trào. Sự sa sút của tầng lớp trung lưu diễn ra ở toàn bộ thế
giới phát triển trong một thời gian dài và là xu hướng khó có thể tránh
khỏi. Một số người cho rằng, tầng lớp trung lưu đang “teo” đi và sẽ
xuất hiện một hệ thống xã hội mới bị phân cực, với một bên là rất ít
những người giàu có, và ở cực bên kia, là khối quần chúng bao gồm những
người thuộc tầng lớp trung lưu cũ và những người ở dưới đáy xã hội, có
đặc trưng là sức tiêu thụ rất thấp, ưa chuộng đồ rẻ tiền.
Những thực tế trên cho
thấy, dù muốn hay không, mô hình phát triển của những nước tiên tiến
nhất thế giới cần được tái cấu trúc, nền kinh tế của thế giới đạt tới
trình độ toàn cầu hóa cần có những thay đổi về nội dung để có bước phát
triển mới. Đã đến lúc, những giá trị đích thực và những ưu tiêu của con
người cần được nhìn nhận, đánh giá lại. Điều quan trọng nhất không phải
là mua sắm nhiều hơn, tiêu dùng nhiều hơn mà là làm được những việc ý
nghĩa hơn, như góp phần giảm đói, nghèo, dịch bệnh, xung đột, ô nhiễm
môi trường... trên quy mô toàn cầu. Một nền kinh tế ảo, dựa trên những
đồng tiền ảo, những cách tính toán thổi phồng thu nhập và những cách
đánh giá chỉ số chứng khoán thiếu tin cậy, cần được thay bằng việc xây
dựng một nền kinh tế lành mạnh, dựa trên những giá trị đích thực - khả
năng thực tế làm ra sản phẩm cho xã hội.
"Những gì chúng ta
chứng kiến là sự mở đầu của một kỷ nguyên mới và là tiếng kêu cảnh tỉnh
yêu cầu chúng ta phải thay đổi toàn bộ cách tư duy của mình" - đó là
phát biểu của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch và là người sáng lập Diễn
đàn kinh tế thế giới (WEF) tại WEF năm 2009./.
_____________
(1) http://bnm.vn/a/news?t=6&id=815214