Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

9.Vẫn là nhằm duy trì vai trò “lãnh đạo” thế giới của Mỹ trong thế kỷ XXI

19:55' 9/1/2012
TCCSĐT - Ngày 5-1-2012, với bài phát biểu khi tới thăm Lầu Năm góc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức công bố tinh thần và những nội dung cơ bản trong Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ năm 2012. Mặc dù có những điều chỉnh cũng như những thay đổi nhất định cho phù hợp với tình hình thực tế của nước Mỹ và thế giới đang trong gia đoạn biến đổi nhanh chóng, Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ vẫn nhằm mục tiêu tiếp tục duy trì ưu thế quân sự vượt trội so với bất cứ đối thủ tiềm tàng nào cũng như vai trò “lãnh đạo” thế giới duy nhất của Mỹ trong thế kỷ XXI.

Bối cảnh công bố Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh nước này và thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc, thậm chí có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Đó là, nước Mỹ đang trải qua một thời kỳ thay đổi có ý nghĩa lịch sử sau thất bại trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq; chưa thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát năm 2008, cần phải cắt giảm gần 500 tỉ USD ngân sách quốc phòng từ nay cho tới đầu thập kỷ sau, cũng như đang phải chứng kiến phong trào phản kháng xã hội chưa từng có trong lịch sử quốc gia này mang tên “Đánh chiếm Phố Wall”.

Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng công nhận những thay đổi đó trong Lời mở đầu Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố năm 2010 rằng: “Trong tiến trình lịch sử phát triển của nước Mỹ luôn có những thời điểm phải thay đổi. Rõ ràng, thời điểm hiện nay chính là dấu mốc để bắt đầu những thay đổi đó”. Chính vì thế, khác với Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ trước đây chủ yếu tập trung vào các nguy cơ an ninh từ bên ngoài, Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố năm 2010 đã thẳng thắn công nhận, nguy cơ đối với an ninh quốc gia còn xuất phát từ trong nước như thâm hụt ngân sách, nợ công, nguy cơ khủng bố ngay trên sân nhà.


Bên cạnh đó, thế giới đang chứng kiến những biến đổi và sự dịch chuyển địa - chính trị nhanh chóng, sâu sắc, phức tạp và ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Sự phân bổ lực lượng chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới đang trở nên phân tán hơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc - một quốc gia có dân số đông nhất thế giới, và Ấn Độ - quốc gia đông dân nhì thế giới, đang tiếp tục ảnh hưởng tới quá trình hình thành hệ thống các quan hệ quốc tế ngày càng bất định hơn, trong đó trọng tâm kinh tế và địa - chính trị của thế giới đang dịch chuyển dần sang châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ đang theo đuổi tham vọng biến “thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” thành “thế kỷ Mỹ”. Đồng thời, ở khu vực Trung Đông Lớn vẫn tiếp tục diễn ra những biến động chính trị - xã hội làm thay đổi căn bản và sâu sắc diện mạo các nước ở khu vực này, trong đó không thể không nói tới sự góp mặt của Mỹ.


Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị cho Lầu Năm góc nghiên cứu và điều chỉnh nội dung Chiến lược quốc phòng sao cho phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển nước Mỹ cũng như thế giới từ nay tới năm 2020.


Một số điều chỉnh cơ bản trong Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ

Xuất phát từ bối cảnh nước Mỹ và thế giới, nội dung của Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ có một số điều chỉnh cơ bản. Nếu chính quyền Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống G.W. Bush theo đuổi tham vọng giành ưu thế quân sự tuyệt đối bằng cách ráo riết chạy đua vũ trang thì Chính quyền hiện nay xuất phát từ khả năng hạn chế của nền kinh tế Mỹ và từ các mối đe dọa thực tế. Trước mắt, xuất phát từ yêu cầu ứng phó với hai “điểm nóng” địa - chính trị là Trung Đông Lớn và châu Á - Thái Bình Dương, các nỗ lực bố trí lại lực lượng quân sự của Mỹ đề ra trong Chiến lược quốc phòng mới sẽ tập trung chủ yếu vào hai khu vực này. Phát biểu tại Lầu Năm góc nhân sự kiện công bố Chiến lược quốc phòng mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Mỹ sẽ tăng cường và mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Do đó việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong tương lai sẽ không ảnh hưởng tới sự điều chỉnh này”.


Ở châu Á - Thái Bình Dương, vị thế của nước Mỹ đang bị thách thức từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc có thể cạnh tranh với quốc gia này ở vị thế “lãnh đạo” thế giới vào năm 2020. Báo cáo quốc phòng năm 2010 của Mỹ cũng đã từng nêu rõ, Mỹ đang chăm chú theo dõi các hoạt động của Trung Quốc nhằm gia tăng tiềm lực quân sự, trong đó có lực lượng tên lửa. Theo đánh giá của Mỹ, các tên lửa của Trung Quốc không chỉ nhắm tới các mục tiêu quân sự và dân sự quan trọng ở Đài Loan mà có thể hướng vào cả các mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực. Do đó, những điều chỉnh về cách bố trí lực lượng trong Chiến lược quốc phòng mới là nhằm cảnh báo cho Trung Quốc thấy rằng, Mỹ đang làm mọi việc để bảo vệ các lực lượng của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng.


Chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương cũng đã từng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định trong năm 2010 rằng: "Hoa Kỳ muốn có một sự hiện diện quân sự lớn hơn ở châu Á". Trên đường đến Australia tham dự buổi hội đàm an ninh thường niên tháng 11-2010, ông R.Gates cho biết, mối quan hệ gần gũi hơn với nước Australia sẽ giúp Mỹ mở rộng vai trò của mình tại Đông Nam Á. Còn các quan chức Mỹ cũng khẳng định, họ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến an ninh trên một khu vực rộng lớn, từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á và sang đến Ấn Độ Dương.


Ở khu vực Trung Đông Lớn, sau những nỗ lực bất thành nhằm “chuyển hóa chế độ” ở Iran, Mỹ đang phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng quân sự để giải quyết “vấn đề Syria và “xử lý” chương trình hạt nhân của Tehran. Đây là hai “điểm nóng” cuối cùng có tính quyết định để Mỹ tiếp tục đưa “Mùa xuân Arabia” lan tỏa sang các nước khác trên toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, thậm chí là xa hơn nữa. Hai “điểm nóng” địa - chính trị này có liên quan với “điểm nóng” ở châu Á - Thái Bình Dương bởi Iran là đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.


Tuy nhiên, trong bối cảnh chồng chất khó khăn về kinh tế như hiện nay, Mỹ sẽ phải tiến hành điều chỉnh cân bằng các biện pháp chiến lược, sao cho vừa đáp ứng yêu cầu cắt giảm ngân sách quốc phòng, vừa duy trì được ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ. Các biện pháp điều chỉnh cân bằng đó bao gồm: tạm thời từ bỏ học thuyết sẵn sàng đồng thời giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh mà chỉ dừng lại ở khả năng phát động một cuộc chiến quy mô lớn ở cấp độ khu vực đồng thời kiềm chế ý đồ gây xung đột của đối phương ở một khu vực khác; cắt giảm quân số xuống ngang với mức trước khi phát động chiến tranh Afghanistan năm 2001. Theo đó, lực lượng Lục quân sẽ cắt giảm quân số từ 565.000 lính chiến đấu thường trực xuống còn 520.000, thậm chí 500.000 sau năm 2014, lính thủy đánh bộ sẽ giảm từ 202.000 quân xuống mức 186.000; giảm bớt sự hiện diện tại các căn cứ quân sự trên thế giới, trước hết là ở châu Âu, nơi hiện có 43.000 lính đang đồn trú, chủ yếu là ở Đức, theo đó ít nhất có một sư đoàn chiến đấu của Lục quân với khoảng 3.500 lính sẽ bị cắt giảm tại châu Âu; xúc tiến các chương trình hiện đại hóa vũ khí trang bị, tập trung phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại hơn.


Vẫn nhằm mục tiêu trước mắt và lâu dài là duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ

Dù tình hình trong nước và thế giới có thay đổi thế nào thì Mỹ vẫn không thể từ bỏ vai trò “lãnh đạo” thế giới nhưng sẽ không còn “đơn thương độc mã” như thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bush mà sẽ dựa vào các đồng minh và đối tác then chốt. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nói rõ quan điểm này trong chuyến thăm nước Anh tháng 5-2011 rằng, đây là kỷ nguyên để Mỹ cùng với các đồng minh duy trì vai trò “lãnh đạo tập thể” đối với thế giới.


Quan điểm tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ cũng đã từng được khẳng định trong Báo cáo Quốc phòng năm 2010 và trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ nhận Giải thưởng Nobel hòa bình năm 2009. Báo cáo quốc phòng năm 2010 ghi rõ: “Lợi ích của Mỹ và vai trò của Mỹ trên thế giới đòi hỏi các lực lượng vũ trang phải có những khả năng vượt trội, sẵn sàng triển khai để bảo vệ các lợi ích và sự thịnh vượng của nước Mỹ. Vẫn như trước đây, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai lực lượng và tiến hành các chiến dịch quy mô lớn trên những cự ly xa”.


Trong bài phát biểu nhân sự kiện công bố Chiến lược quốc phòng mới, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta khẳng định: “Chúng ta cần phải duy trì khả năng quân sự lớn nhất của Mỹ để bảo đảm và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới duy nhất của Mỹ”. Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần và lời văn của Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama là Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu bất biến giành vị thế “lãnh đạo” thế giới. Đó là mục tiêu chiến lược trước mắt và lâu dài đã được khẳng định và không bao giờ thay đổi qua các đời Tổng thống Mỹ.


Phát biểu tại Lầu Năm góc ngày 5-10-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi đi một thông điệp rõ ràng khi ông nhấn mạnh: “Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ được cắt giảm quân số nhưng thế giới cần phải biết rằng, Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực tăng cường và củng cố ưu thế quân sự vượt trội, xây dựng quân đội cơ động, linh hoạt và có khả năng đối phó với mọi nguy cơ và thách thức trong thế kỷ XXI”./.
Lê Thế Mẫu