Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

34. Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á những năm đầu thế kỷ 21

Dầu lửa đã, đang và sẽ trở thành câu chuyện quan trọng hàng đầu liên quan đến an ninh và phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc tích cực thúc đẩy triển khai chính sách ngoại giao năng lượng rộng khắp các châu lục nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Trung Á - “rốn dầu” của thế giới, đồng thời tiếp giáp với một số vùng “lợi ích cốt lõi” - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Trung Quốc.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc những năm gần đây là một trong những lý do dẫn đến nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, quốc phòng và đời sống người dân ở Trung Quốc gia tăng và tình trạng mất cân bằng cung cầu dầu lửa cũng như mức độ phụ thuộc của Trung Quốc với bên ngoài vào dầu lửa ngày càng lớn. Giải quyết bài toán dầu lửa đã, đang và sẽ trở thành câu chuyện quan trọng hàng đầu, không chỉ liên quan tới phát triển mà còn liên quan tới nhiều vấn đề khác như ổn định, an ninh, chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách ngoại giao năng lượng rộng khắp các châu lục bằng nhiều hình thức triển khai khác nhau nhằm tìm kiếm nguồn cung, bảo đảm an ninh các tuyến đường cung cấp trên biển, trên bộ. Với khu vực Trung Á, đây là khu vực láng giềng, tiếp giáp với một số vùng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia, có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng, đồng thời cũng là một trong những “rốn dầu” của thế giới với sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc. Điều này đã thúc đẩy Trung Quốc từng bước ưu tiên tăng cường quan hệ, hình thành chính sách ngoại giao năng lượng tương đối cụ thể đối với khu vực này trong những năm đầu thế kỷ 21. 
1. Tầm quan trọng của Trung Á đối với Trung Quốc  
Về địa chiến lược: Khu vực Trung Á được hiểu theo cách phổ biến gồm có năm quốc gia: Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan, có vị trí địa chiến lược, nằm giữa ngã ba châu Á – châu Âu và Trung Đông và Trung Á nằm giữa lục địa Âu – Á và là một phần của con đường tơ lụa nối Đông và Tây[1],  nối liền hai lục địa Âu – Á.  Trung Á là khu đệm, là nơi giáp ranh hội đủ các nền văn minh chính giáo, Hồi giáo, Trung Hoa và Ấn Độ, một bãi đáp tuyệt vời để kiểm soát vùng Âu – Á từ cả bốn phía của thế giới[2]. Bởi thế, bất kỳ sự kiện nào xảy ra tại Trung Á sẽ không chỉ tác động đến khu vực mà còn làm thay đổi cân bằng địa chính trị tại lục địa Âu – Á, khu vực được coi là trục phát triển của thế giới. Cũng như vậy, đối với Trung Quốc, đây là khu vực để Trung Quốc có thể mở rộng hợp tác Á-Âu.
Về an ninh: Trung Quốc đang phải đối mặt với, thứ nhất những rắc rối xoay quanh chủ nghĩa hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai vùng biên giới Tân Cương Trung Quốc trong thời gian dài. Điển hình như các cuộc đòi ly khai, thành lập nhà nước riêng ở Tân Cương, hay các cuộc bạo loạn đẫm máu do xung đột sắc tộc giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur). Phong trào ly khai đòi thành lập nhà nước riêng tại Tân Cương được cho là có liên quan đến hoạt động của các nhóm khủng bố có vũ trang tại Trung Á[3], nơi mà Trung Quốc có 3.000 km đường biên giới chung tiếp giáp với ba nước Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan. Thứ hai, trong thời gian gần đây, hàng loạt các cuộc “cách mạng màu” do phương Tây hậu thuẫn lật đổ chính quyền tại một số nước Trung Á thập niên đầu thế kỷ 21, khiến Trung Quốc lo ngại sâu sắc về sự lan tỏa, ảnh hưởng của các cuộc cách mạng đó tới phong trào đòi ly khai tại Tân Cương. Kịch bản của việc để mất Tân Cương sẽ vô cùng nguy hiểm đối với sự phát triển và vị thế của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc tăng cường can dự vào khu vực Trung Á nhiều hơn, coi đây như là một vùng đệm an ninh của Trung Quốc.
Về kinh tế: Thứ nhất, khu vực Trung Á có nguồn dự trữ dầu mỏ, than, khí đốt - những nhiên liệu then chốt đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai. Về dầu mỏ, Ca-dắc-xtan có trữ lượng 39,8 tỉ thùng; Tuốc-mê-ni-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan có 6 tỉ thùng; về khí đốt thì trữ lượng khí đốt của Ca-dắc-xtan là 2.407 tỉ m3, Tuốc-mê-ni-xtan là 7.504 tỉ m3 (chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới)[4]. Có thể nói, kho năng lượng Trung Á còn có ý nghĩa quan trọng, nổi trội đối với Trung Quốc do những lợi thế về vị trí thuận lợi, liền kề với Trung Quốc, một sự lựa chọn cần thiết so với tuyến đường biển từ Cận Đông và châu Phi vừa xa xôi, vừa dễ chịu tác động tiêu cực từ các nhân tố bên ngoài.
Thứ hai, Trung Á đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực của Trung Quốc. Là một cường quốc đang trong quá trình trỗi dậy, tìm kiếm vị trí, khẳng định vai trò của mình tại các tổ chức khu vực và quốc tế, Trung Quốc cần tăng cường quan hệ kinh tế với các nước láng giềng và các nước trong khu vực, thông qua đó có thể đảm bảo những lợi ích kinh tế của riêng mình. Đương nhiêu, khu vực Trung Á được coi là một trọng tâm trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực.
Thứ ba, việc tăng cường liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Á trên các lĩnh vực như phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu khí, mạng lưới điện…sẽ giúp cho khả năng thực hiện của chính sách “Đại khai phát miền Tây” của Trung Quốc đưa ra cuối thế kỷ trước thuận lợi.
Thứ tư, Trung Á là một thị trường rất hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện nay, hàng hóa của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Trung Á, phần lớn là hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp giá rẻ, phù hợp với mức sống người dân của khu vực này.
2. Nội dung cơ bản của chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á
2.1. Mục tiêu của chính sách
Thứ nhất, Trung Quốc triển khai chính sách ngoại giao năng lượng tại khu vực Trung Á trước hết là nhằm tăng cường đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, thông qua việc đa dang hóa nguồn cung năng lượng cho vùng Đông Bắc Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông[5].
Thứ hai là nhằm gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế, chính trị với các nước Trung Á: Thông qua các hoạt động ngoại giao năng lượng, Trung Quốc muốn hướng tới việc tăng cường liên kết về thương mại, đầu tư không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân, tạo thế phụ thuộc lẫn nhau và tạo cơ sở vững chắc cho việc thiết lập quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc với các nước Trung Á phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.

Ba là hậu thuẫn cho chiến lược phát triển miền Tây của Trung Quốc: Các đường ống dẫn dầu khí lớn từ Trung Á tới Trung Quốc đều đi qua tỉnh Tân Cương, sau đó nối với hệ thống đường ống nội địa để cung cấp năng lượng cho các thành phố lớn của Trung Quốc…Việc xây dựng và vận hành các đường ống dẫn dầu khí này sẽ phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội ở khu vực biên giới phía Tây Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác năng lượng, quan hệ song phương với các nước Trung Á được tăng cường sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn phong trào ly khai, sắc tộc, khủng bố tại Tân Cương.


Bốn là  gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh với các nước lớn khác tại Trung Á: Đây là một mục tiêu rất quan trọng bởi Trung Á có vị trí địa chiến lược đặc biệt, là địa bàn diễn ra cuộc cạnh tranh địa chính trị của nhiều cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản, EU, Ấn Độ. Thông qua việc thiết lập các đường ống dẫn dầu khí trực tiếp từ Trung Á tới Trung Quốc, thông qua các biện pháp đầu tư, cho vay, viện trợ… Trung Quốc hướng tới việc tăng cường sự hiện diện tại Trung Á, gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh với các nước lớn khác tại khu vực.

2.2. Các biện pháp và hoạt động cụ thể triển khai chính sách


Thứ nhất, tranh thủ các chuyến thăm cấp cao, quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, định hình các cơ chế gặp gỡ cấp cao. Một trong các nội dung trọng tâm của các cuộc gặp là về năng lượng giữa các nước trên. Các chuyến thăm thường được lồng ghép, kết hợp dự lễ khánh thành đường ống dẫn dầu mới, hoặc ký kết các thương vụ mua bán dầu khí lớn…; như các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới U-dơ-bê-ki-xtan tháng 6 năm 2004, tới Ca-dắc-xtan tháng 7 năm 2005, ít nhiều đều liên quan tới dầu khí.
Thứ hai, tận dụng triệt để các mối liên hệ địa chính trị, kinh tế, quân sự tại khu vực Trung Á nhằm tạo ra thế phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và các nước Trung Á. Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “đi ra ngoài”, đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh tế của Trung Á và trong đó ngành năng lượng là một trọng điểm. Giá trị đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) của Trung Quốc tại các nước Trung Á tăng trưởng nhanh chóng, cao nhất là tại Ca-dắc-xtan với mức tăng 77 lần từ năm 2003-2009[6]Trong hàng thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào nguồn năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng ở Trung Á, bao gồm các đường ống dẫn dầu, khí từ Kazakhstan, Turkmenistan tới Trung Quốc[7]. Ngân hàng Phát triển của Trung Quốc (CDB) cung cấp nguồn tài chính cho xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan sang Trung Quốc. Đồng thời cung cấp 8,1 tỷ  cho xây dựng tuyến đường ống vận chuyển gas từ Turkmenistan qua Uzbekistan, Kazakhstan đến Trung Quốc[8]. Đặc biệt,trong những năm gần đây, các nhân tố quốc tế đã phần nào thúc đẩy Trung Quốc tăng cường can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực Trung Á: (i) Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới 2008-2009 làm giảm các nhà đầu tư ngoại vào khu vực năng lượng khu vực Trung Á, Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu này. Khéo léo tận dụng thời cơ khi các đối thủ như Mỹ, Nga đang tập trung đối phó với cơn khủng hoảng kinh tế, tài chính, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ (3200 tỉ đô la Mỹ) đã trở thành nhà cung cấp tài chính quan trọng và nhà đầu tư hàng đầu tại Trung Á; (ii) tình hình Trung Đông – Bắc Phi đang xuất hiện xu hướng lộn xộn về chính trị, tác động không nhỏ tới ổn định nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư, can dự vào lĩnh vực dầu khí ở khu vực. Trong báo cáo an ninh năng lượng quốc gia Trung Quốc có nêu: “Chúng ta là nước láng giềng của khu vực này (Trung Á). Chúng ta phải tham gia các hoạt động địa kinh tế và địa chính trị từ cả bốn phía và đảm bảo an ninh nguồn cung dầu (…). Cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ Mỹ và Nga trong khu vực đang ngày một căng thẳng. Trung Quốc không nên rút khỏi cuộc cạnh tranh (giữa các cường quốc) trong khu vực để đảm bảo an ninh nguồn cung dầu của mình[9].
Trên lĩnh vực quân sự, Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước cộng hòa Trung Á thể hiện ở việc chuyển giao vũ khí, đào tạo và tập trận quân sự chung, đặc biệt với hai nước Ca-dắc-xtan và Cư-rơ-gư-xtan. Trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các cuộc tập trận chung giữa các bên bắt đầu diễn ra từ tháng 10/2002.  Có thể nói, sự liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Trung Á trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, quân sự…đã tạo nên thế phụ thuộc cả hai bên đều cần nhau, nếu quốc gia Trung Á nào đơn phương chấm dứt cung dầu cho Trung Quốc có thể sẽ phải gánh chịu những rủi ro về kinh tế, quân sự tương tự.
Thứ ba, thông qua cơ chế hợp tác khu vực đa phương mà điển hình là củng cố Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập ngày 14/6/2001 tại thành phố Thượng Hải, là một tổ chức hợp tác liên chính phủ gồm sáu nước là Ca-dắc-xtan, Trung Quốc, Cư-rơ-gư-xtan, Nga, Tát-gi-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, với diện tích 30 triệu km2, chiếm 3/5 lục địa Á-Âu, dân số 1,4 tỉ người (1/4 dân số thế giới)[10]. Mục đích ra đời của SCO là nhằm chống chủ nghĩa khủng bố, chống chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan; đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ, NATO tăng cường thâm nhập vào khu vực Trung Á. Không chỉ đóng vai trò là một cơ chế đảm bảo an ninh cho khu vực theo như mục đích ban đầu của tổ chức này, mà kể từ năm 2003 tới nay, SCO còn ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, trong đó năng lượng là một lĩnh vực quan trọng.
Đối với Trung Quốc, SCO là cơ chế thuận lợi giúp nước này thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các nước thành viên theo định hướng của Trung Quốc, nhất là trên một số vấn đề khó có thể tiến hành ở cấp song phương. Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại trong SCO, làm cho cơ sở hợp tác cùng có lợi giữa các thành viên SCO, trong đó có hợp tác năng lượng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO tổ chức tại Ta-sken, U-dơ-bê-ki-xtan năm 2004, Trung Quốc nhận định rằng: lần đầu tiên hợp tác năng lượng đã trở thành một trong những vấn đề nóng nhất trong chương trình nghị sự của SCO, thậm chí các nhà phân tích Trung Quốc còn tranh luận sôi nổi về việc dùng SCO để biến “con đường Tơ lụa” trước đây thành “con đường năng lượng”[11]. Trung Quốc cũng thúc đẩy việc thành lập “Câu lạc bộ năng lượng” – được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2007 nhằm phối hợp và phát triển các dự án năng lượng vì lợi ích của các nước thành viên, đồng thời đề nghị thành lập một Ngân hàng Phát triển SCO, trong đó Trung Quốc sẽ cung cấp phần lớn số vốn ban đầu của ngân hàng này.
Bốn là, xây dựng lòng tin với các nước Trung Á, tạo hình ảnh gần gũi với các nước Trung Á. Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để cho các nước Trung Á vay những khoản tín dụng khổng lồ nhằm đổi lấy quyền tiếp cận với các mỏ dầu khí, tăng cường mua, nắm cổ phần của các công ty dầu khí Trung Á. Kazakhstan và Turmenistan nhận được trợ giúp từ Trung Quốc trước khi được tiếp cận sự trợ giúp từ Nga. Chính phủ Trung Quốc đã để cho Ngân hàng Phát triển của Trung Quốc (CDB) đưa ra các khoản vay về năng lượng trị giá 10 tỷ USD cho Kazakhstan và 4 tỷ USD cho Turkmenistan[12].  Tại Tuốc-mê-ni-xtan, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho tập đoàn nhà nước Turkmengaz vay một khoản tín dụng trị giá 4 tỉ USD, ¾ trong số đó là để Trung Quốc được thâm nhập vào mỏ khí đốt Juschni Iolotan, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới với trữ lượng 4.700 tới 14.000 tỉ mét khối[13].

2.3. Tác động của chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á


- Tác động đối với các quốc gia Trung Á

 Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á góp phần cải thiện diện mạo nền kinh tế các nước Trung Á. Không chỉ có ngành công nghiệp dầu khí được hưởng lợi nhờ được tăng vốn đầu tư, cải tiến kỹ thuật, công nghệ…mà các lĩnh vực khác của nền kinh tế các nước Trung Á cũng được cải thiện. Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của đa số các quốc gia này. Theo số liệu của Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á tăng từ mức 527 triệu USD[14] vào năm 1992 lên tới 29 tỉ USD trong năm 2010. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Á[15]. Có thể nói, quan hệ kinh tế tốt đẹp với một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã phần nào giúp cho các nước Trung Á phát triển nền kinh tế vốn có xuất phát điểm tương đối thấp.
Thứ hai, chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á tạo ra sự cạnh tranh giữa các nước lớn bên ngoài khu vực, vì vậy gián tiếp tạo điều kiện cho các quốc gia Trung Á nâng cao vị thế quốc tế của mình. Về cơ bản, sau khi Liên Xô tan rã cho đến trước khi cuộc chiến chống khủng bố quốc tế mở màn ở Ap-ga-ni-xtan năm 2001, các nước Trung Á vẫn là những nước nghèo, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, ít được biết đến trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, trong thập niên đầu thế kỷ 21, vai trò của Trung Á ngày càng nổi rõ, được nhiều nước lớn quan tâm, do: thứ nhất, sau sự kiện 11/9, cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do Mỹ và nhiều nước lớn phát động chống lực lượng khủng bố xuất phát từ những vùng tiếp giáp với Trung Á, các cường quốc như Mỹ, Nga, EU đẩy mạnh gia tăng thâm nhập tại khu vực Trung Á. Thứ hai, sản lượng lớn dầu khí khai thác tại Trung Á những năm gần đây được coi là nguồn năng lượng quan trọng đối với nhiều nước. Trong Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 2002, Mỹ đã coi Trung Á là khu vực chiến lược về năng lượng[16]. Còn Trung Quốc coi Trung Á như là một trong ba khu vực chiến lược cho hoạt động của các công ty dầu lửa Trung Quốc[17]. Trong quá trình đó, các quốc gia Trung Á đã biết khai thác lợi thế địa – chính trị của mình nhằm phát huy vai trò, nâng cao vị thế quốc tế của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á cũng tạo cho các nước này ở thế phụ thuộc vào quan hệ với Trung Quốc, vì thông qua năng lượng, Trung Quốc thâm nhập ngày càng sâu vào khu vực, thâu tóm, kiểm soát không chỉ ngành dầu khí mà còn nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế các nước này.

- Tác động tới quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Trung Á

Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc có tác động tích cực tới việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Á trên cả cấp độ song phương và đa phương. Không chỉ hợp tác trên lĩnh vực năng lượng mà các lĩnh vực khác cũng được tăng cường, nhờ có năng lượng, việc hợp tác trong khuôn khổ SCO tỏ ra thực chất hơn, bền chặt hơn. Vai trò và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của SCO trên trường quốc tế càng thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.
Tuy vậy, như trên đã phân tích, quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Á không hoàn toàn phẳng lặng. Thông qua năng lượng, Trung Quốc thâm nhập ngày càng sâu vào khu vực, mở rộng ảnh hưởng, thâu tóm, kiểm soát nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế các nước Trung Á làm dấy lên mối nghi kỵ của Trung Á về mục đích của Trung Quốc. Vì thế, luôn tồn tại song hành giữa hợp tác và lo ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước này.

- Tác động tới quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn

Chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc được triển khai mạnh mẽ tại khu vực Trung Á đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với các nước lớn, đặc biệt là Nga, Mỹ tại khu vực này thêm căng thẳng. Mỹ, Nga, Trung Quốc quan tâm, muốn nguồn tài nguyên chiến lược của Trung Á và dùng nhiều cách tiếp cận khác nhau để thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống chính trị, kinh tế các nước Trung Á, giành giật nguồn tài nguyên và không bỏ qua các cơ hội để gia tăng ảnh hưởng của mình, hạn chế những cơ hội tương tự của đối phương.
Trung Quốc đương nhiên không muốn để các nước Trung Á rơi vào sự kiểm soát của các nước lớn hoặc tập hợp các nước lớn có mối quan hệ chính trị phức tạp với Trung Quốc. Vì vậy, duy trì quan hệ hữu nghị với các nước Trung Á chính là nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, duy trì hậu phương chiến lược cho sự ổn định của Trung Quốc và ngăn chặn khu vực này bị khống chế bởi các cường quốc khác.

2.4. Những thách thức đối với việc thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á


Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như khoảng cách địa lý gần gũi, sự tương đồng về văn hóa xã hội giữa các vùng biên giới Trung Quốc với các quốc gia Trung Á, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty dầu khí hoạt động tại Trung Á, sự tương đồng giữa nhu cầu đa dạng hóa kênh xuất khẩu năng lượng của các nước Trung Á với nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung dầu khí của Trung Quốc…. thì việc triển khai chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á gặp một số thách thức cơ bản sau: 


Thứ nhất, như trên đã phân tích, việc xây dựng các đường ống dẫn dầu khí từ Trung Á về Trung Quốc được nhận định là an toàn trong dài hạn và mang lại ý nghĩa chính trị rõ rệt, nhưng xét trên khía cạnh kinh tế thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Bài toán kinh tế của việc xây dựng các đường ống dẫn dầu khí tại Trung Á được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả với chi phí đầu tư ban đầu cho sản xuất, khai thác và vận chuyển cao, lên tới hàng tỷ USD cho một dự án, trong khi kết quả thực tế còn cần đợi thời gian trả lời.
Thứ hai, sự bất ổn định nội bộ của khu vực Tân Cương có thể gây trở ngại cho việc thực hiện các dự án cung cấp dầu khí từ Trung Á. Các đường ống dẫn dầu và khí chủ chốt đều đi qua Tân Cương, nơi xảy ra nhiều vấn đề an ninh, tồn tại nhiều nhóm khủng bố có vũ trang. Với độ dài hàng nghìn kilômét, các đường ống rất khó có thể được bảo vệ hoàn toàn và điều đó khiến chúng dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố. Khi khu vực này có biến động tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tình hình cung cấp dầu khí của Trung Quốc.
 Thứ ba, bản thân các nước Trung Á có những vấn đề phức tạp nội bộ. Mâu thuẫn dân tộc ở các nước Trung Á sau khi độc lập vô cùng phức tạp khiến cục diện chính trị rối ren, điển hình như các cuộc cách mạng màu trong khu vực. Một khi tình hình Trung Á bất ổn, an ninh năng lượng của Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Thứ tư, Trung Quốc gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc, trong đó chủ yếu là Nga và Mỹ.
 Đầu tiên là sự cạnh tranh của Nga: Từ trước tới nay, Trung Á được coi là “sân sau” của Nga. Mặc dù Nga và Trung Quốc đều có lợi ích chung trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ và NATO tại khu vực Trung Á, Tuy nhiên, Nga cũng lo ngại Trung Quốc tuy là nước đến sau nhưng lại ráo riết tìm cách thâu tóm nguồn tài nguyên của Trung Á và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Trước khi Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực này, các nhà sản xuất năng lượng Trung Á chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Nga, mang lại cho Nga nhiều lợi ích kinh tế to lớn và ảnh hưởng chính trị đối với khu vực. Nhưng sau khi Trung Quốc xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu và gas, mở ra cho những nước này lối đi riêng, không phụ thuộc vào Nga về dầu, khí và lớn hơn là độc lập với Nga[18], đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các nước thêm phần quyết liệt. Thậm chí điều này có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh lạnh mới về vấn đề năng lượng giữa các nước lớn tại khu vực.
Việc Trung Quốc đầu tư hơn 4 tỷ USD vào PetraKazakhstan, và về đường ống chạy tới biên giới Kazakh và Trung Quốc từ Atyrau qua Kenkiyak tới Kumkol, Atasu, Alashankou [19] và tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên thế kỷ nối Tuốc-mê-ni-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-xtan với Trung Quốc chính thức vận hành từ tháng 7/2009, mỗi ngày cung cấp cho Trung Quốc 40 triệu m3[20], phá vỡ sự độc quyền vận chuyển khí đốt của Nga từ khu vực này. Nga mất đi nguồn lợi lớn từ khí đốt có thể mua từ Trung Á để xuất khẩu lại sang thị trường châu Âu, mà việc xuất khẩu khí đốt này không chỉ có ý nghĩa kinh tế quan trọng mà còn là công cụ để Nga đạt được lợi ích chính trị. Như thế có nghĩa là, những gì mà Trung Quốc được thì Nga lại phải mất. Chắc chắn Nga sẽ khó “đứng yên nhìn” vùng sân sau của mình dần dần rơi vào tay Trung Quốc như vậy.
Để đối phó với chính sách năng lượng Trung Quốc mới đưa ra, hiện tại, Nga đang cố gắng khôi phục vai trò như một lãnh đạo mới, tiếp tục tăng cường quan hệ lịch sử và văn hóa tại khu vực, tăng cường quan hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo địa phương[21], đồng thời triển khai một số dự án trọng điểm, như “dòng chảy phương Bắc” và “dòng chảy phương Nam” tại Trung Á để bảo đảm vận chuyển khí đốt cung cấp cho châu Âu. Dự án “dòng chảy phương Nam” do tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư, theo dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2015 với vốn đầu tư trên 20 tỉ euro để vận chuyển khí từ Trung Á và Nga đến Nam Âu; Nga lắp đặt đường ống ngầm dưới Biển Đen với công suất 63 tỉ m3/năm[22]. Như vậy, một khi các dự án trên của Nga hoàn thành thì “chiếc bánh khí đốt Trung Á” sẽ bị chia làm nhiều mảnh, phần của Trung Quốc đương nhiên sẽ bị thu hẹp lại.
Ngoài ra, Nga đã tập trung vào việc tăng cường, củng cố các thiết chế hiện có tại khu vực Trung Á mà không bao gồm Trung Quốc, chẳng hạn như Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Cộng đồng kinh tế Trung Á đều bao gồm Nga và tất cả các nước Trung Á, ngoại trừ Tuốc-mê-ni-xtan. Mới đây nhất, tháng 7 năm 2010, Liên minh thuế quan Nga - Ca-dắc-xtan - Bê-la-rút được thành lập đã tạo ra một liên kết mới về kinh tế mà không có Trung Quốc và mục tiêu là nhằm cải thiện hình ảnh của Nga tại Ca-dắc-xtan sau nhiều năm đầu tư của Trung Quốc tại nước này gia tăng mạnh mẽ[23].
Sự cạnh tranh của Mỹ cũng không kém phần quyết liệt. Mỹ đề ra kế hoạch “Đại Trung Á” những năm đầu thế kỷ 21, trong thời điểm Mỹ thúc đẩy cuộc cách mạng màu trong khu vực, nhằm đạt được ba lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Á là an ninh, năng lượng và cải cách tự do chính trị. Trên thực tế, Mỹ đã xuất hiện tại khu vực này ngay đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan tham gia chương trình đối tác vì hòa bình của NATO (PFP) năm 1994. Bộ Quốc phòng Mỹ thiết lập mối liên kết với các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan Azerbaijian và Grudia, cung cấp vũ khí, trợ giúp đào tạo cho quân đội những nước này[24]. Sau sự kiện 11/9/2001, nhân chiến dịch Áp-ga-ni-xtan, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại U-dơ-bê-ki-xtan, Tát-gi-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan để đồng thời thông qua bố trí lực lượng quân sự tại khu vực, Mỹ có thể can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực, tìm kiếm, đảm bảo được nguồn cung năng lượng của họ trong tương lai phù hợp với lợi ích của Mỹ. Vì vậy, trong kế hoạch “Đại Trung Á”, Mỹ đã chủ trương “hình thành chiến lược xuất khẩu năng lượng xuống phía Nam, kiểm soát nguồn tài nguyên năng lượng của Trung Á”[25], xúc tiến và hậu thuẫn mạnh mẽ cho các công ty đa quốc gia tham gia vào các dự án dầu lửa của khu vực. Công ty Chervon đã xây dựng đường ống dẫn dầu biển Caspian (CPC) để chuyển dầu thô được khai thác từ các công ty dầu lửa của phương Tây ở Kazakhstan tới điểm cuối là Biển Đen thuộc Nga.Tuyến đường ống CPC dài 1.500 km đã hoàn thành vào năm 2003 với giá trị 2,6 tỷ USD. BP và đối tác của mình cũng tiến hành xây dựng tuyến đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) dài 1.800 km trị giá 4,2 tỷ USD. Tuyến đường ống này hoạt động năm 2006 và có thể chuyển hàng triệu thùng mỗi ngày[26]. Việc Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực bằng cả kinh tế và quân sự tạo ra những lo ngại đối với Nga và Trung Quốc. Hai nước Nga và Trung Quốc đều tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á[27].

2.5. Kết quả đạt được của chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc với Trung Á

Mặc dù khởi động tương đối muộn và phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á đã được triển khai mạnh mẽ và thu được những kết quả khả quan.
Trước hết xét riêng trên lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác đầu tư, khai thác nguồn năng lượng tại Trung Á, bước đầu tạo được dấu ấn trong ngành công nghiệp dầu khí của Trung Á; quy mô hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Trung Quốc tại khu vực không ngừng tăng lên. Ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đã góp phần bổ sung cho nguồn cung dầu khí trong nước, giảm bớt sức ép về tình hình thiếu hụt nguồn cung. Đồng thời, thông qua phát triển một chiến lược bài bản về mua cổ phần của các công ty dầu khí quốc gia Trung Á, các tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc đang thực hiện chính sách đầu tư, mua cổ phần của các công ty liên quan đến lĩnh vực khai thác, vận chuyển dầu lửa của các nước Trung Á, ngày càng nắm giữ nhiều cổ phần trong các công ty dầu khí ở các nước này.
Bên cạnh đó, có rất nhiều hợp đồng hợp tác trên lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt giữa Trung Quốc với U-dơ-bê-ki-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan được ký dưới danh nghĩa “xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện”. Đáng chú ý như Tập đoàn phát triển công nghệ dầu khí Trung Quốc và Turkmengas đã ký hợp đồng 14,5 tỉ USD về cung cấp thiết bị khai thác năm 2004, thỏa thuận xuất khẩu 30 tỉ mét khối khí từ Tuốc-mê-ni-xtan sang Trung Quốc[28]. Đến năm 2006, CNPC đã ký với U-dơ-bê-ki-xtan thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD thăm dò và khai thác dầu khí đến năm 2011; ký hợp đồng khai thác và phát triển khí thiên nhiên tại vùng biển Aral[29]...
Không những thế, Trung Quốc còn đạt những thành quả lớn trong việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí nối Trung Á với Trung Quốc. Điều này không chỉ là thành quả kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, ngoại giao to lớn. Hai ví dụ điển hình là đường ống dẫn dầu Ca-dắc-xtan -Trung Quốc và đường ống dẫn khí xuyên Á đi qua lãnh thổ các nước Tuốc-mê-ni-xtan, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan tới Trung Quốc.
Đường ống dẫn dầu Ca-dắc-xtan -Trung Quốc: Với hơn 3.000km chiều dài, đường ống dẫn dầu dài 2.200 km nối Ca-dắc-xtan - Trung Quốc từ bờ biển Caspian của Cadactan tới Alashakou của khu tự trị Tân Cương Trung Quốc có thể cung cấp dầu trực tiếp cho Trung Quốc từ vùng Trung Á , có công suất thiết kế từ 800.000 đến 1.000.000 thùng dầu/ngày. Với việc hoàn thành đường ống dẫn dầu này, lần đầu tiên Trung Quốc đã đảm bảo nguồn cung cấp “vàng đen” bằng tuyến vận chuyển trên đất liền mà không nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ như đối với nguồn cung dầu trên biển từ Trung Đông và Xu-đăng[30]. Dự kiến đến năm 2015, tuyến đường ống này sẽ cung cấp 6% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc[31]. Về khía cạnh chính trị, đường ống dẫn dầu này cũng mang ý nghĩa rất lớn, là một đối trọng thực sự với đường ống BTC do Mỹ hậu thuẫn; giúp cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Á thông qua đầu tư rộng rãi và tạo công ăn việc làm cho hơn 50.000 người ở Ca-dắc-xtan, trong đó có nhiều người Duy Ngô Nhĩ[32], phần nào xoa dịu sự bất mãn, thù địch với người Hán trong thành phần dân Duy Ngô Nhĩ và góp phần phát triển vùng biên giới Tân Cương. Điều này góp phần mang lại thành công cho Chiến dịch Đại khai phá miền Tây mà Trung Quốc đang thực hiện trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Đường ống dẫn khí đốt xuyên Á nối Trung Á với Trung Quốc có tổng chiều dài gần 7.000 km, với 1.833 km chạy qua lãnh thổ các nước Tuốc-mê-ni-xtan, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và 4.860 km chạy trên lãnh thổ Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2013, đường ống này sẽ đạt công suất tối đa và hàng năm sẽ cung cấp 40 tỉ m3 khí đốt trực tiếp từ Tuốc-mê-ni-xtan tới khu tự trị Tân Cương và dẫn đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Công[33]. Với công suất trên, hệ thống đường ống xuyên Á này sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu khí đốt của Trung Quốc, vốn được dự báo sẽ thiếu 50 tỉ m3 vào năm 2015. 
Nói tóm lại, các hoạt động ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á đã góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định an ninh và nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong hiện tại và tương lai, giảm thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ, ổn định chính trị - xã hội, nhất là ở vùng biên giới Tây Bắc, qua đó tạo dựng và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước Trung Á.

So với các khu vực khác, chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại Trung Á về cơ bản có những điểm tương đồng về mục tiêu, hướng triển khai, các biện pháp thực hiện… Sự khác biệt giữa chính sách năng lượng tại Trung Á so với các khu vực khác có thể thấy là, sự can dự của Trung Quốc tại Trung Á không đơn thuần chỉ vì động cơ năng lượng hay lợi ích kinh tế, mà còn vì những lợi ích chính trị, an ninh, đó là giữ ổn định khu vực biên giới phía Tây vốn có ý nghĩa an ninh chính trị quan trọng đối với Trung Quốc. 


Trong một vài thập kỷ tới đây, về cơ bản, chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc tại khu vực Trung Á sẽ vẫn được triển khai mạnh mẽ thông qua các biện pháp như họ đang áp dụng hiện nay. Chỉ có điều khác là trong tương lai, cũng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc,  thực lực, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện nay, nên cuộc săn lùng tài nguyên chiến lược của Trung Quốc tại khu vực này sẽ diễn ra một cách ráo riết hơn với những hành động mạnh dạn, cứng rắn hơn để bảo vệ lợi ích của họ về năng lượng[34]. Đồng thời, cuộc chạy đua giữa các nước lớn nhằm giành nguồn năng lượng chiến lược và cạnh tranh ảnh hưởng tại Trung Á còn lâu mới kết thúc, nhưng phần thắng dường như đang và sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.


TS Lê Tuấn Thanh, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao – HV Ngoại giao

Ths Phạm Thị Thu Thủy, Văn phòng Chính phủ


[1] Hak Yin Li and Zhangxu Wang, Assessing China’s Influence in Central Asia: A Dominanr Regional Power, University of Nottingham, http://www.nottingham.ac.uk/cpi/documents/briefings/briefing-53-central-asia.pdf
[2] Zbigniew Brenzinski (1999), Bàn cờ lớn, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, tr.5
[3] Hsiu – Ling Wu and Chien-Hsun Chen, The prospects for regional Economic Integration between China and the Five Central Asian Countries, Europe-Asia Studies, Vol.56, No.7 (Nov, 2004) p.1059-1080, published by Taylor&Francis Ltd
[4] BP stastical review of world energy, June 2010
[5] Hamayoun Khan, China’s Energy Drive and Giplomacy, p 105, http://www.siis.org.cn/Sh_Yj_Cms/Mgz/200803/20081217174045S1QX.PDF
[6] Hsiu – Ling Wu and Chien-Hsun Chen (2004), “The prospects for regional Economic Integration between China and the Five Central Asian Countries”, Europe-Asia Studies, Vol.56, No.7,  p.1059-1080.
[7] Igor Danchenko, Erica Down, Fiona Hill, One Step Forward, Two Steps Back? The realities of a Rising China and Implications for Russia’s Energy Ambition, Foreign Policy at Brooking, Policy Paper Number 22, August 2010, p4
[8] Erica Downs, Inside China, Inc: China Development Bank’s Cross-Border Energy Deals, John L. Thornton China Center Monograph Series, Brookings, Number 3. March 2011, p27
[9] Guo Xuetang, China and Eurasia Forum Quarterly, Volume 4, No.4 (2006), p117-137
[10] “Tổ chức SCO tăng cường ảnh hưởng”, TLTKĐB, TTXVN ngày12/7/2006
[11] Zhao Suisheng , China’s Global search for Energy Security: Cooperation and Competion in Asia Pacific, Journal of Contemporary China, Vol.17, issue 55 May 2008, pp 207-227
[12] Igor Danchenko, Erica Down, Fiona Hill, One Step Forward, Two Steps Back? The realities of a Rising China and Implications for Russia’s Energy Ambition, Foreign Policy at Brooking, Policy Paper Number 22, August 2010, p6
[13] Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc và bài học cho châu Âu, Tài liệu TKĐB, TTXVN ngày 19/6/2010
[14] Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á rất lớn, mạng Báo Nhân dân Trung Quốc,  http://unn.people.com.cn/GB/8439657.html
[15] Các chuyên gia: Hợp tác kinh tế thương mại là động cơ phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Trung Á, http://finance.fivip.com/international/201109/08-4084090.html
[16] Hoàng Cẩm Quân, Cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc tại Trung Á từ sau 11/9, 5th Taiwan-Central Asia Forum,  trang 2, http://w3.cyu.edu.tw/centralasia/chinese/sub/20051123/20黃錦軍.pdf
[17] Liyan Hu, Ter-Shing Cheng, China’s Energy Security and Geo-Economic Interest in Central Asia, Central European Journal of International & Security Studies, Metropolitan University Prague, Volume 2, Issue 2, November 2008, p47
[18] Erica Downs, Inside China, Inc: China Development Bank’s Cross-Border Energy Deals, John L. Thornton China Center Monograph Series, Brookings, Number 3. March 2011, p87
[19] Martha Brill Olcott, “Friendship of Nations” in the World of Energy, http://www.carnegieendowment.org/files/Friendship.pdf
[20] Đường ống khi đốt tự nhiên Trung Á vận chuyển được 10 tỷ m3 cho Trung Quốc, http://news.xinhuanet.com/world/2011-05/28/c_13899111.htm
[21] Edward C. Chow and Leigh E. Handrix, Central Asia’s Pipelines: Field of Dreams and Reality, The National Bureau of Asian Research, NBR Special Report#23, September 2010, p35, http://csis.org/files/publication/1009_EChow_LHendrix_CentralAsia.pdf
[22] Cạnh tranh giữa các nước lớn tại Trung Á, Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 12/5/2011
[23] Igor Danchenco, Erica Downs, Fiona Hill (2010), One step forward, two step back? The Realities of a Rising China and Implications for Russia’s Energy Ambitions”, Foreign Policy at Brookings, No. 22, August.
[24] Simon Xu Hui Shen, “Qualitative Energy Diplomacy” in Central Asia: Acomparative Analysis of the Policies of the United States, Russia, and China, The Brookings Institution Center for Northeast Asian Policy Studies, April 2011, P7
[25] Về kế hoạch Đại Trung Á của Mỹ, TTXVN, Tài liệu TKĐB 16/3/2007, tr.7
[26] Edward C. Chow and Leigh E. Handrix, Central Asia’s Pipelines: Field of Dreams and Reality, The National Bureau of Asian Research, NBR Special Report#23, September 2010, p32, http://csis.org/files/publication/1009_EChow_LHendrix_CentralAsia.pdf
[27] John Chan, China pushes into Central Asia for oil and gas, 3 January 2001, http://www.wsws.org/articles/2001/jan2001/oil-j03.shtml
[28] Irina Ionela Pop (2010), China’s energy strategy in Central Asia, interactions with Russia, India and Japan”, UNISCI discussion papers, No.24.
[29] Irina Ionela Pop (2010), China’s energy strategy in Central Asia, interactions with Russia, India and Japan”, UNISCI discussion papers, No.24.
[30] Xuanli Liao, Central Asia and China’s Energy Security, China and Eurasia Forum Quarterly, Vol.4, No.4, 2006, p.65
[31] Julie Jiang, Jonathan Sinton, Overseas Investments by Chinese National Oil Companies Assessing the Drivers and Impacts, http://www.iea.org/papers/2011/overseas_china.pdf
[32] Becquelin, Nicolas, staged development in Xinjiang, the China Quarterly, Vol.178, June 2004, p.364
[33] Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc và bài học cho châu Âu, TTXVN, 19/6/2010
[34] Gần đây, ngày 9/9/2011, Phó Chủ nhiệm UB Cải cách và phát triển nhà nước của Trung Quốc, Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Lưu Thiết Nam đã nói rằng  Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hợp tác thực chất hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng với các nước Uzbekistan, Kazakhstan, Türkmenistan. Năm 2010,  tuyến đường ống Trung Quốc Kazakhstan vận chuyển 10,08 triệu tấn dầu. Hiện nay, hai bên đang nghiên cứu thiết kế để đường ống trên có thể vận chuyển 20 triệu tấn vào năm 2013. Đến cuối năm 2010, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỷ USD mua cổ phần tại các doanh nghiệp Kazakhstan[34], xem thêm: Trung Quốc và ba nước Trung Á tăng cường hợp tác thực chất năng lượng, http://www.cnpc.com.cn/cn/xwzx/sycj/中国与中亚三国深化能源务实合作.htm
nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/2365-chinh-sach-ngoai-giao-nang-luong-cua-trung-quoc-doi-voi-trung-a-nhung-nam-dau-the-ky-21