Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

35. Những thách thức đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong năm 2012

Chưa bao giờ sự tương phản của môi trường trong nước đối với sự phát triển của dân tộc và trạng thái quan hệ láng giềng của Ấn Độ lại sắc nét như hiện nay. Các ưu tiên trong chính sách đốí ngoại của Ấn Độ vẫn là làm thế nào để liên kết các mục tiêu chính sách đối ngoại với các ưu tiên an ninh và phát triển cơ bản của đất nước.

Nhà phân tích chính trị Ấn Độ M.K.Dhar, phụ trách mạng tin ngoại giao của tạp chí “Political Events”, nhận định ngành ngoại giao Ấn Độ có được những lợi thế nhất định trong quan hệ với tất cả các nước lớn và trong năm 2012 hứa hẹn có thể khởi động một loạt vấn đề - diễn đàn đa phương toàn cầu, cán cân quyền lực thay đổi giữa các cường quốc chủ yếu ở châu Á, chuyển động bất ổn láng giềng Tây-Bắc và căng thẳng ngày càng tăng ở Đông Á trước các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và các kế hoạch vũ lực để ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng. Chưa bao giờ sự tương phản của môi trường trong nước đối với sự phát triển của dân tộc và trạng thái quan hệ láng giềng của Ấn Độ lại sắc nét như hiện nay. Các ưu tiên trong chính sách đốí ngoại của Ấn Độ vẫn là làm thế nào để liên kết các mục tiêu chính sách đối ngoại với các ưu tiên an ninh và phát triển cơ bản của đất nước; phối hợp giữa cam kết đối với các giá trị cốt lõi của dân tộc với sự thích nghi mạnh mẽ và linh hoạt đối với các thay đổi trong môi trường quốc tế và đảm bảo các khu vực xung quanh Ấn Độ duy trì được hoà bình và không rơi vào tình trạng căng thẳng để kinh tế Ấn Độ có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng cao trước đây. Các thách thức cũ và vẫn tiếp diễn đối với Ấn Độ: đối phó với nạn khủng bố xuyên quốc gia, đặc biệt các hoạt động khủng bố xuất phát từ các nước láng giềng gần và đặc biệt là khi nước láng giềng đó sử dụng khủng bố như một phương tiện trong chính sách của họ. 
Các thách thức trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân 
Trong khi thực hiện các mục tiêu đặt ra cho sản xuất điện hạt nhân và không ngừng mở rộng đối thoại với các đối tác chủ chốt về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, các cuộc thảo luận về Luật trách nhiệm hạt nhân dân sự đã cho thấy chính sách đối ngoại và các ưu tiên đối nội đặc biệt đan xen với nhau và cần được quản lý như thế nào. Các vấn đề của chính sách đối nội tác động tới hình ảnh của đất nước ở bên ngoài cũng như nguyện vọng và khả năng của đất nước trong việc đưa ra nhiều cải cách hơn để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế đang bị đặt thành vấn đề. Phản ứng của các nước khác phụ thuộc vào sự chờ đợi của họ vào hành động từ phía Ấn Độ: một quốc gia mạnh mẽ, được tổ chức tốt, biết mình đang làm gì và có khả năng làm điều đó một cách có hiệu quả, điều đó sẽ tạo ra sự tôn trọng, sự thận trọng, thậm chí sự hợp tác - lá chắn vô giá ngăn ngừa những nguy hại. Càng ít đạt được uy tín như vậy, Ấn Độ càng dễ bị tổn thương. 
Thất bại trong việc sử dụng những thành quả kinh tế 
Dư luận cảm thấy những thành quả đạt được trong thập kỷ qua nhờ tăng trưởng kinh tế cao đang bị vô hiệu hoá bởi sự yếu kém chủ quan trong việc sử dụng chúng. Trung Quốc là một bài học điển hình theo cách phân tích cơ bản về một chính sách đối ngoại thành công được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế và quân sự đã tạo cho họ khả năng đưa ra các sáng kiến chính sách dũng cảm, chống lại những âm mưu đe doạ, nhằm bảo đảm an ninh của mình, cũng như khu vực láng giềng và ngăn chặn những hành động cơ hội của các nước bằng khả năng kinh tế và khả năng quân sự to lớn để phát huy sức mạnh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ngay cả trong môi trường cạnh tranh và thách thức quyết liệt. Những thành công ngoại giao không thể kéo dài chừng nào chúng không được bắt nguồn từ nội lực mạnh và quyết tâm cao trong nước. Bất kỳ ấn tượng nào về việc một quốc gia bị cản trở trong việc đưa ra các quyết sách dũng cảm và không thể phá vỡ những trở ngại của tình hình chính trị trong nước sẽ làm tăng thêm sự thờ của các đối tác ở bên ngoài muốn giúp nước đó đạt được sức mạnh kinh tế và vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. 
Những khiếm khuyết trong chính sách đối nội 
Những thiếu sót của chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) do đảng Quốc đại lãnh đạo trong chính sách đối ngoại kể từ khi tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ II vào năm 2009 là rõ ràng và gây nhiều chú ý là những điều kiện tiên quyết cần thiết để rút kinh nghiệm nhằm xây dựng một chính sách đối ngoại tin cậy trong năm 2012. Trong khi chính phủ có lý do để hài lòng về kết quả can dự của mình với các cường quốc lớn sẵn sàng và mong muốn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, Niu Đêli không thể bỏ qua một thực tế: các cường quốc quan tâm đối với Niu Đêli chủ yếu vì Ấn Độ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh không khí ảm đạm bao trùm các nền kinh tế phát triển. Những người chịu trách nhiệm vạch chính sách đối ngoại của Ấn Độ - cộng đồng các nhà ngoại giao – đã đánh mất nhiệt huyết và sự hăng hái khi lãnh đạo trong nước tỏ ra bối rối, hoạt động quản lý trì trệ, việc quyết định và thực hiện chính sách chậm chạp và tương lai dường như mờ mịt. Chính sách đối ngoại là sự phản ảnh của tình hình nội bộ trong nước, và sự chia rẽ và tình huống đối đầu về chính trị do các chính đảng gây ra và hoạt động quản lý chậm chạp tiếp tục không được thay đổi khiến các thách thức về chính sách đối ngoại trở nên rất khó giải quyết. 
Các mặt trận chiến lược của Ấn Độ 
Có thể nói rằng các mặt trận chiến lược của Ấn Độ là ba vòng tròn đồng tâm - từ vùng núi Hindu Kush tới vùng Irawady ở Mianma, từ vịnh Ađen tới Xinhgapo và từ kênh đào Xuyê tới Thượng Hải – và Ấn Độ cần phải tìm cách kiềm chế nếu không nói là ngăn chặn sự phát triển của các lực lượng có thể hành động từ những khu vực này để gây tổn hại cho mình. Điều đó có nghĩa là 4 lợi ích sống còn: an ninh ở vịnh Pécxích, sự ổn định ở khu vực Trung Á, cán cân quyền lực thay đổi ở Đông Á và một loạt các vấn đề trên đại dương, cứu trợ thảm họa thiên tai, cướp biển, giúp đỡ các quốc đảo nhỏ duy trì độc lập và tự do hàng hải. Đó là một số yếu tố địa phương hoặc khu vực mà Ấn Độ cần phải xử lý trực tiếp; trừ việc cần phải hợp tác với một cường quốc then chốt trong từng lĩnh vực là Mỹ. Đã có thời điểm khi nhiều người Ấn Độ phản đối hợp tác với Mỹ và nghi ngờ Mỹ như một nước tư bản hung hăng. Tình hình đó đã thay đổi dưới thời chính quyền của Tổng thống Bush và chính quyền hiện nay của Tổng thống Obama đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ như một ưu tiên và dự định giúp Ấn Độ đóng một vai trò lớn ở châu Á. 
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ 
Những nghi ngờ về việc Mỹ rút khỏi châu Á và để ngỏ khu vực này cho Trung Quốc phô trương sức mạnh kinh tế và quân sự và đe doạ các nước láng giềng hiện đã được chấm dứt với chiến lược quân sự vừa được Tổng thống Obama công bố. Văn kiện này yêu cầu Mỹ duy trì một lực lượng có thể đảm bảo đánh thắng một cuộc chiến tranh trong khi vẫn có khả năng ngăn chặn các mục tiêu của một đối thủ khác trong cuộc xung đột thứ hai. Văn kiện kêu gọi quân đội Mỹ tăng cường thêm lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả khi quân Mỹ tiếp tục tích cực ngăn chặn mối đe doạ khủng bố. Chiến lược mới rõ ràng nói tới việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương để răn đe ý muốn của một số nước khu vực duyên hải. Việc chuyển hướng sang tập trung vào châu Á diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc khi nước này bắt đầu phát triển những thế hệ vũ khí mới có thể ngăn chặn hải quân và không quân Mỹ phát huy sức mạnh tới khu vực Viễn Đông. Tổng thống Obama nói: “ Ngay cả khi binh lính của chúng ta tiếp tục chiến đấu tại Ápganixtan, xu hướng của cuộc chiến tranh này đã giảm xuống, thậm chí ngay cả khi các lực lượng quân sự của chúng ta còn đang bận rộn với các sứ mệnh hiện nay, chúng ta có cơ hội và trách nhiệm nhìn về phía trước để xây dựng một lực lượng chúng ta cần có trong tương lai”. Chiến lược mới đòi hỏi duy trì ổn định tại Trung Đông, trong khi đáp ứng “các nguyện vọng” của nhân dân được thể hiện trong các nước Arập nổi dậy. 
Các khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ 
Mỹ, Trung Quốc và Pakixtan sẽ tiếp tục là 3 ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong năm nay ngoài Trung Đông, nơi cung cấp lượng dầu khổng lồ cho Ấn Độ và nơi Mỹ quyết tâm đóng vai trò chính, và Đông Á, nơi chứng kiến sự thử thách thú vị giữa Mỹ và một Trung Quốc quyết đoán, bởi vậy tạo ra không gian cho sự có mặt quy mô lớn hơn của hải quân và không quân Mỹ. Quan hệ chiến lược Ấn-Mỹ cần phải mang nội dung lớn hơn, cho dù mối quan hệ đang được cải thiện được phản ánh trong quan hệ quân sự rộng lớn hơn. Bất chấp việc duy trì các yêu cầu về giám sát mục đích sử dụng cuối cùng, Mỹ vẫn giành được số lượng lớn các hợp đồng quốc phòng của Ấn Độ. Nỗi lo ngại Mỹ ngừng cung cấp vũ khí hoặc các thiết bị phụ tùng trong trường hợp xảy ra căng thẳng ở khu vực không ngăn cản được đà tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Trong khi Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Ấn–Mỹ là biểu tượng cho sự thay đổi quan hệ giữa hai nước thì lợi ích thực tế từ quan hệ thương mại diễn ra chậm chạp. 
Ủng hộ Ấn Độ can dự với phương Đông 
Quyết định của Mỹ tìm kiếm quan hệ đối tác với Ấn Độ trong việc đảm bảo hoà bình và ổn định ở Đông Á liên quan tới những lo ngại rằng chính quyền của ông Obama hoàn toàn giao phó trách nhiệm an ninh khu vực cho Trung Quốc. Oasinhtơn đã và đang ủng hộ Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Can dự với phương Đông”, làm sâu sắc các hiệp định thương mại với ASEAN, tích cực đóng vai trò khu vực trong Diễn đàn ASEAN và tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), nơi Niu Đêli định phối hợp chặt chẽ với Oasinhtơn. Để bảo đảm tự do giao lưu hàng hải, Ấn Độ đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và với Ôxtrâylia và Xinhgapo. Việc thảo luận và tập trận của bộ ba gồm Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là tín hiệu về chiến lược kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc được cảm thấy rất rõ tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngăn cản các thực thể nước ngoài thăm dò dầu mỏ nhân danh Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ chiến lược cần phải mang nội dung rộng lớn hơn và những sự hiểu lầm trong quá khứ lâu dài cần phải được gỡ bỏ hoàn toàn. May mắn là Pakixtan vốn thường là điểm gây khó chịu trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ không còn tồn tại nữa do Oasinhtơn đã nhận thấy sức thuyết phục của Ấn Độ khi khẳng định Pakixtan nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố quốc tế và sử dụng nó như một công cụ trong chính sách nhà nước. Tính lá mặt lá trái của Pakixtan đã bộc lộ hoàn toàn, và Mỹ không còn tin Ixlamabát nữa, cho dù vẫn phải dựa vào Pakixtan để giải quyết mớ hỗn độn ở Ápganixtan nhằm tạo điều kiện cho Mỹ rút lui trong danh dự khỏi nước này. 
Ảnh hưởng của từ nổi lên của Trung Quốc 
Sự chậm chễ trong việc hiểu rõ ý nghĩa và ảnh hưởng từ sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc là đòn kép giáng vào các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ. Hạ tầng cơ sở được cải thiện của Trung Quốc tại Tây Tạng – với các doanh trại quân đội, các căn cứ không quân và tên lửa – đã khiến Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trên đường biên giới tranh cãi với Ấn Độ. Khả năng của Niu Đêli trong việc cân bằng với Bắc Kinh bị hạn chế bởi các cường quốc bị ép buộc phải thích nghi với sự nổi lên của Trung Quốc. Mỹ hiện là con nợ lớn nhất của Trung Quốc và cần các khoản tiền đầu tư lớn từ Bắc Kinh. Trung Quốc thích thú với một thế giới do họ và Mỹ (G-2) lãnh đạo và không phải hai cường quốc ở hai đầu đối địch nhau. Trung Quốc sẽ hợp tác, làm đối tác và cạnh tranh, chứ không phải sẽ đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, Ấn Độ và đại đa số các nước châu Á khác cảm thấy khó chịu với sự hung hăng và chi phối của Trung Quốc. Các nỗ lực cân bằng với Trung Quốc có thể không thành công bởi Trung Quốc có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn nhiều so với GDP của Ấn Độ là điều buộc phải tính đến. Theo các dự báo, kinh tế Ấn Độ không thể sớm bắt kịp nền kinh tế Trung Quốc bởi tốc độ tăng trưởng hiện nay bị giảm xuống mức 7% và cần có một thời gian dài để phục hồi. Bởi vậy, khi đang xây dựng nền kinh tế và khả năng quốc phòng của mình, Ấn Độ cần cư xử với Trung Quốc như một đối tác chiến lược và can dự mạnh mẽ hơn với nước này. 
Tình hình Pakixtan không thể dự báo trước 
Tình hình Pakixtan vẫn không thể dự báo được và dễ biến động do căng thẳng giữa chính quyền dân sự và lãnh đạo quân đội đầy quyền lực đang gia tăng. Từ khi quân đội nước này có quan hệ với các tổ chức khủng bố, rất khó dự đoán khi nào thì họ lại tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Ấn Độ. Lãnh đạo chính quyền dân sự muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ do đang phải đương đầu với tình trạng kinh tế sa sút, và đã chuyển theo hướng ủng hộ tự do hoá mậu dịch. Ấn Độ đáp lại bằng việc đồng ý khởi động lại tiến trình đối thoại toàn diện nhằm giải quyết tất cả các vấn đề tồn đọng. Hiện quân đội Pakixtan đang ở thế bị động sau vụ đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden ở Abbottabad gần học viện quân sự cấp cao, hắn ta sống thời gian dài trong một ngôi nhà an toàn, cũng như sau vụ tấn công của các phần tử khủng bố vào căn cứ hải quân Mehzan, trụ sở Cơ quan tình báo trung ương (ISI). Tuy nhiên, họ đã dựng lên vụ “Memogate” nhằm dồn chính quyền dân sự vào góc tường và trình văn bản về vụ này lên Toà án Tối cao trái với lập trường của chính phủ. Mặc dù có thể lãnh đạo quân đội Pakixtan hiện không làm đảo chính, song họ muốn đưa ông Imran Khan, thủ lĩnh đảng Tehrik-e-insaf đang nổi lên như một ngôi sao chính trị lên lãnh đạo chính phủ mới. Ấn Độ cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến và ủng hộ chính phủ dân sự và tiến trình dân chủ ở Pakixtan vì lợi ích quan hệ không căng thẳng giữa hai nước và ổn định ở khu vực. 
Lợi ích của Ấn Độ ở Ápganixtan 
Ấn Độ cũng cần thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm rằng lợi ích của mình tại Ápganixtan không bị tổn hại bởi cuộc đàm phán do Pakixtan làm trung gian nhằm đưa Taliban tham gia chính phủ tại Cabun. Mỹ trực tiếp tham gia cuộc đàm phán với Taliban, động thái sẽ tạo thuận lợi cho Taliban mở văn phòng tại Đôha (Cata). Ấn Độ thảo luận với Nga , Iran và Trung Quốc về diễn biến này và các nước này cũng bảo lưu ý kiến về hoà giải với Taliban. Vì những lý do chiến thuật, Taliban có thể đồng ý chấp nhận Hiến pháp Ápganixtan cũng như hạ vũ khí và sau đó lật đổ nhà nước này một khi Mỹ rút khỏi đây và trở lại nắm quyền lực với sự giúp đỡ tích cực của Pakixtan. Mỹ không có ý tưởng rõ ràng về việc họ phải làm gì, song liều lĩnh trong việc chấm dứt sự thù địch, thậm chí ngay cả khi điều đó chỉ có nghĩa như sự ngừng bắn chiến thuật của Taliban. Một giải pháp vội vã có thể bùng nổ thành một biến động khác mà hậu quả của nó đối với an ninh khu vực là khó lường trước. Giáo sĩ Mulah Omar, thủ lĩnh Taliban dường như đã nhắc lại các điều kiện của ông ta cho cuộc đàm phán: lực lượng Mỹ rút hoàn toàn và thả tất cả các tay súng Taliban đang bị giam trong các nhà tù, mở đường cho ông ta tiếp quản quyền lực ở Cabun. 
Quan hệ Ấn Độ và Iran 
Quan hệ của Ấn Độ với Iran sẽ thử thách khắc nghiệt nghệ thuật ngoại giao của Niu Đêli nhiều hơn bao giờ hết trong bối cảnh Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Têhêran, yêu cầu tất cả các ngân hàng hoạt động ở Mỹ chấm dứt toàn bộ các giao dịch với Ngân hàng trung ương Iran. Nguy cơ đối với an ninh năng lượng sẽ tăng lên bởi Ấn Độ trả Iran 1 tỷ USD/tháng thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để nhập khẩu 370.000 thùng dầu thô. Sẽ là nguy cơ nếu Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ từ chối nhận các khoản tiền trả cho việc mua dầu thô của Iran . Hiện tại, triển vọng Iran đóng cửa eo biển Hormuz nếu họ bị cấm vận xuất khẩu dầu mỏ chưa thể xảy ra mặc dù khi tuyệt vọng Têhêran có thể sử dụng tới bất kỳ biện pháp nào. Khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang là không thể bởi chế độ do các giáo sĩ cầm quyền ở Iran không dại gì tự rước lấy sự diệt vong và phá sản tham vọng hạt nhân của mình bằng cách châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, các biện pháp phối hợp cấm vận xuất khẩu dầu mỏ tất yếu sẽ làm cho Iran bị tổn thương hơn và tăng thêm sự cô lập của nước này. Các thách thức đối với nền ngoại giao của Ấn Độ sẽ tăng lên rất nhiều bởi tình hình ở châu Á, Trung Đông trở lên khó dự đoán hơn. Quan hệ giữa Trung Quốc và Pakixtan đòi hỏi phải rất được chú ý và cân nhắc các biện pháp phản ứng và bất kỳ biểu hiện của sự mềm yếu nào trong quan hệ với hai nước này cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của đất nước. Ấn Độ sẽ cần phải kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình trong khi mở rộng phạm vi các nước bạn bè và đối tác chiến lược./. 
Lê Sơn (gt)